Phần VI
Hồi 65
Quay về Hàm Ðan

Hàm Ðan vẫn như xưa.
Người đón tiếp“bạn cũ" là đại phu Quách Khai và Ðịch Dẫn, đó chính là Ô Trác cải trang mà thành.
Sau khi chào hỏi, mọi người xua đàn ngựa vào trong thành Hàm Ðan.
Quách Khai cưỡi ngựa sánh vai cùng Hạng Thiếu Long, cười nói, „Ðại vương thấy tiên sinh thân sở nước Sở mà lòng hướng về triệu, rất vui mừng, đêm nay sẽ thiết yến tại hoàng cung để khoản đãi tiên sinh."
Hạng Thiếu Long lòng tràn trề cảm xúc khi nhìn thấy cảnh xưa, hạ thấp giọng, buông từng chữ nói, „Ðại vương có thể biết được tâm tình của tiểu nhân, quả thật khiến cho tiểu nhân cảm động. Than ôi! Kẻ mất nước cứ trôi lềnh bềnh như lục bình không rễ, nỗi khổ trong lòng quả thật người ngoài không biết được."
Quách Khai hơi nghiêng người sang, nói, „Nghe Ðịch tiên sinh nói Ðổng tiên sinh đang định làm ăn lớn, không biết đã hiểu rõ tình thế ở đây chưa?"
Hạng Thiếu Long giả vờ dáng vẻ thô lỗ chân thành, nói, „Tiểu nhân chỉ biết nuôi ngựa, những thứ khác thì một khiếu cũng chẳng thông, mong Quách đại phu chỉ điểm giùm cho, tiểu nhân tuyệt không quên ân điển của đại nhân."
Sách lược lần này là phải giả vờ ngu xuẩn và khờ khạo để ứng phó với hạng xảo quyệt như Quách Khai.
Quách Khai ha ha cười lớn rồi nghiêm mặt nói, „Không biết vì cớ gì Quách mỗ vừa thấy tiên sinh thì trong lòng thích thú, chỉ điểm thì không dám, Quách mỗ sẽ tận lực giúp đỡ tiên sinh hoàn thành tâm nguyện."
Hạng Thiếu Long giả vờ dáng vẻ rất cảm kích, nói, „Có đại phu chiếu cố tiểu nhân, tiểu nhân quả thật đã an tâm.
Không biết tiểu nhân phải chú ý những điều gì?"
Quách Khai nói với ngữ điệu không gì thành khẩn hơn, „Ðại vương đã sai hạ quan chỉ điểm cho tiên sinh. Nhưng Hàm Ðan có hai người, tiên sinh cần phải cẩn trọng đề phòng, nếu không, không những tâm nguyện khó thành mà nói không chừng sẽ có họa bất trắc, gặp phải vận mệnh giống như họ ô."
Hạng Thiếu Long giả vờ điệu bộ kinh hãi, hỏi, „Tiểu nhân và người khác không thù không oán, cớ gì có người hại tiểu nhân? trong lòng lại cười thầm.
Quách Khai tưởng gã là hạng lỗ mãng nơi thảo dã, suy nghĩ đơn thuần, có thể dùng phương pháp trực tiếp này để lôi kéo, hòng làm nản lòng gã, để y mặc sức thao túng.
Từ đó có thể thấy Triệu vương chuẩn bị dùng gã để thay cho họ ô, mới khiến cho Quách Khai thấy được gã có giá trị lợi dụng.
Quách Khai nhìn bốn phía, những người xung quanh đều cách xa, rất an toàn, rồi mới hạ giọng xuống nói, „Người thứ nhất phải cần trọng là Quách Tùng, người này không muốn một Ô Thị Lô khác xuất hiện."
Hạng Thiếu Long gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.
Lời Quách Khai không phải là vô lý, đó gọi là một núi không thể có hai cọp. Nhưng“Ðổng Khuông" này muốn trở nên giàu có hùng mạnh như Ô Thị Lô ngày ấy e rằng mấy đời cũng đừng hòng làm được. Cho nên Quách Khai vẫn chỉ dọa suông mà thôi.
Quách Khai nói tiếp với vẻ thần bí, „Người thứ hai cần phải chú ý là Cự Lộc hầu Triệu Mục."
Hạng Thiếu Long không khỏi bất ngờ kêu lên, „Cái gì?"
Trong chốc lát y đã hiểu ra Quách Khai không muốn chịu thua Triệu Mục, đang tìm cách lật ngã y. Nhưng Quách Khai để lộ tâm sự trong lòng của mình cho người ngoài biết, quả thật có chút không cẩn thận, cho nên Hạng Thiếu Long không khói nghi ngờ.
Lúc này đã đến tân quán, nơi tiếp đón họ, điều bất ngờ đây chính là Chất Tử phủ ngày trước giam lỏng Chu Cơ và Doanh Chính giả.
Quách Khai mỉm cười, không nói gì, đưa họ vào trong phủ.
Quách Khai lại nói một hồi những lời hay ý đẹp, nhận lễ vật một ngàn thớt ngựa tốt ấy rồi mới về cung phục mệnh.
Mọi người vào trong nội sảnh nghe Ô Trác báo cáo tình hình. Ô Trác hít một hơi rồi nói, „Chúng ta quả thật may mắn, người Sở quả nhiên có phái sứ tiết, may mà đã bị ta tóm gọn, lại còn được rất nhiều tài liệu quý giá."
Ðằng Dực hiểu ý, nói, „Ðại ca vất vả rồi!"
Trong năm anh em kết nghĩa ấy, Ô Trác đứng đầu nên trở thành đại ca. Tiếp theo là Hạng Thiếu Long và Ðằng Dực, sau đó mới đến hai vị tiểu đệ là Vương Tiễn và Kinh Tuấn.
Ô Trác gật đầu nói, „Quả thật rất vất vả, tuy nhiên khi bắt sứ nước Sở đặt bẫy và mai phục, đã mất năm anh em, bị thương mười người, nhưng đó là điều khó tránh."
Hạng Thiếu Long có thể tưởng tượng ra tình thế nguy hiểm lúc ấy, nói, „Có biết tại sao chúng đến Hàm Ðan không?"
Ô Trác nói, „Cách thẩm vấn mệt mỏi của tam đệ thật hữu dụng, tên sứ tiết Bạch Ðịnh Niên ấy chịu không quá ba ngày thì đã khai ra tất cả, té ra chuyện này có liên quan đến Ðông Châu quân."
Ai nấy đều biến sắc.
Từ bảy trăm năm trước do Võ vương Cơ Xương, Châu Công đặt ra chế độ phong hầu kiến địa, có thể mượn hình ảnh của một đại gia đình sống cùng nhau truyền đời để hình dung.
Gia đình ấy đầu tiên do một thủy tổ tài cán, dẫn dắt mấy đứa con, đồng tâm hiệp lực với nhau, tạo ra một đại gia tộc lấy tông tộc họ Cơ làm trung tâm, giữa thiên tử và các chư hầu khác họ, quá nửa là có quan hệ thân thích.
Cả tổ chức phong hầu kiến quốc này, đều lấy gia tộc làm xương sống.
Chỉ từ điểm này suy luận, thì sẽ biết sự tan rã của đế quốc chỉ là vấn đề thời gian. Nguy cơ có hai điều, đầu tiên là chế độ con trưởng kế thừa, một khi truyền cho kẻ không có tài cán, thì sẽ làm cho mọi người xa rời, Châu U vương là một ví dụ rõ nhất.
Tiếp theo là mối quan hệ mật thiết giữa các bên, sau nhiều đời thì xa dần, mà dân số ngày càng tăng, đất đai ngày càng hẹp, khó tránh xuất hiện tình cảnh tranh đoạt, giành giật lẫn nhau.
Thế cuộc loạn lạc vừa xuất hiện, không ai đủ sức để ngăn cản sự vận chuyển tự nhiên của bánh xe lịch sử. Một khi vương thất đã mất đi khả năng khống chế chư hầu, lập tức sẽ rơi vào cục diện quần hùng cát cứ.
Mà sự xâm nhập của ngoại tộc khiến cho Chu Bình vương phải chuyển về phía đông, từ đó đã tạo ra một cơ hội.
Danh phận vua tôi trên dưới lúc đầu được tạo ra bởi quyền lực, một khi quyền lực đã mất thì danh phận chỉ như con hổ giấy, quyền thống trị của nhà Châu đã bị tan rã toàn diện. Nhưng sự tan rã ấy xuất hiện dần dần, không phải là một sớm một chiều.
Trước khi có chuyện tam gia phân Tấn, chư hầu quan hệ với nhà Chu vẫn nhớ đến tình xưa, vẫn kiêng dè, tuy ngang ngược nhưng không quá đáng.
Cho nên Bình vương chuyển về phía đông, trong ba trăm năm ấy về đại thể vẫn có thể duy trì được sự tôn trọng và kiêng nể của chư hầu đối với nhà Châu về mặt tinh thần.
Từ sau chuyện ba nhà phân Tấn, vẫn chưa xuất hiện tình trạng các đại phu soán đoạt hoặc tiếm vị của vua. Nhưng sau khi phân Tấn, địa vị của nhà Châu càng yếu hơn, uy nghiêm càng giảm. Nhưng Ðông Châu quân vẫn là cộng chủ về mặt danh nghĩa của các chư hầu.
Giờ đây Ðông Châu quân nắm vào tâm lý sợ Tần của các nước, đánh một đòn cuối cùng, quả thật không thể coi thường Ô Trác tiếp tục nói, „Lần này mật sứ Ðông Châu phái đến là Cơ Trọng, nếu y có thể xúi dục Tề, Sở, Yên, Triệu, Ngụy, Hàn, sáu nước liên minh, tình thế nước Tần sẽ rất xấu, mà xem ra cơ hội thành công tương đối lớn."
Ðằng Dực quay sang Hạng Thiếu Long nói, „Chúng ta phải tìm cách phá hoại chuyện này, nếu không Lã Bất Vi sẽ khó giữ địa vị tướng quốc của y."
Hạng Thiếu Long suy nghĩ rất nhiều.
Lời Ðằng Dực rất có lý. Nói cho cùng địa vị tướng quốc của Lã Bất Vi đều là nhờ Trang Tương vương mà có, không hề vững Chắc. Còn người Tần rất coi trọng quân công, nếu sáu nước liên quân, cuộc chiến này chỉ thua chứ không thắng, lúc ấy Trang Tương vương cũng khó bảo vệ nổi Lã Bất Vi.
Nếu Lã Bất Vi bị lật đổ, Ô gia của bọn họ đừng mong đứng vững tại nước Tần, thiên hạ tuy lớn, nhưng xem chừng Ô gia vẫn không có chỗ an cư.
Sự việc vốn đơn giản mà bỗng chốc trở nên phức tạp, phiền toái đến thế.
Kinh Tuấn cuối cùng tìm được cơ hội chen vào, nói, „Yên, Triệu không phải đang đánh nhau ư? Tại sao lần này lại có phần của người Yên nữa?"
Ðằng Dực nói, „Mấy trăm năm nay giữa các chư hầu thường thoắt đánh thoắt hòa." Rồi nghiêm mặt nói, „Tiểu Tuấn nên nhẫn nại thì hơn, không nên đi tìm Triệu Chi của ngươi trong lúc này, nếu không sẽ lộ bí mật thì chúng ta đừng hòng sống sót rời khỏi Hàm Ðan."
Kinh Tuấn lặng yên rồi gật đầu, nhưng ai cũng đều thấy vẻ không cam tâm của gã.
Hạng Thiếu Long nói, „Tình hình phía Triệu Mục thế nào?"
Ô Trác nói, „May mà chúng ta bắt được sứ tiết của người Sở phái đến, nếu không lần này sẽ hố nặng. Té ra Triệu Mục là con thứ năm của Xuân Thân quân nước Sở, tên Bạch Ðịnh Niên này là người của Xuân Thân quân phái đến liên lạc với Triệu Mục, lại còn mang theo mật hàm do chính tay Xuân Thân quân viết, chúng ta khỏi cần hỏi han nhiều."
Ðằng Dực cười nói, „Ðại ca đương nhiên sẽ giao bản khác cho tên gian tặc ấy chứ?"
Ô Trác cười nói, „Ðiều đó tất nhiên, mật hàm này nội dung đơn giản, chỉ là bảo Triệu Mục hãy tin tưởng Bạch Ðịnh Niên, hợp tác với y, còn hợp tác làm gì, không hề viết ra. Vì thế ta đã làm giả một dấu ấn theo như trên bức thư, viết thành một bức khác, giao cho Triệu Mục, giờ đây xem ra y rất tin tưởng chúng ta."
Hạng Thiếu Long trong lòng chợt nghĩ ra một ý nói, „Bức mật hàm ấy vẫn còn ở đây chứ?"
Ô Trác nói, „Thứ hữu dụng như thế ta làm sao bỏ qua, ngay cả tên sứ nước Sở ấy ta cũng giữ lại, giam lỏng ở một nơi bí mật ở Hàm Ðan. Lần này Triệu Mục chắc chắn sẽ gặp khó khăn đây."
Hạng Thiếu Long cả mừng, bốn huynh đệ thương lượng một hồi lâu rồi mới an tâm vào hoàng cung dự tiệc.
Trên đường Hạng Thiếu Long nhớ lại cuộc quyết chiến với Liên Tấn trong hoàng cung lần ấy, trong lòng không khỏi cảm khái.
Chuyện đời khó mà ngờ được.
Lúc ấy đâu ngờ ngày này của hai năm sau, gã có thể dùng một vỏ bọc khác, một tâm trạng hoàn toàn khác đi gặp Triệu vương.
Hạng Thiếu Long và ba huynh đệ kết bái hiên ngang tiến vào cung môn.
Cấm vệ quân đã bày trận thế phía trước quảng trường điện chính để đón chào, nhạc tấu vang lừng, không khí rất náo nhiệt Bọn Hạng Thiếu Long không ngờ được đón tiếp nồng nhiệt như vậy, cũng biết Triệu vương rất coi trọng chuyến“quay về" của họ.
Một tên tướng thúc ngựa ra, cao giọng hô những câu đón chào, đó chính là kẻ đứng đầu cấm vệ quân Thành Tư.
Hạng Thiếu Long cũng giả vờ đối đáp mấy câu rồi sánh vai cùng y vào trong cung.
Thành Tư cười thân thiết nói, „Không biết vì sao mạt tướng lần đầu tiên gặp tiên sinh mà như có cảm giác đã quen.
Tiên sinh rất giống một người mà mạt tướng quen biết, nhưng nhất thời không nhớ ra là ai."
Hạng Thiếu Long trong lòng thầm lo, biết mình dù đã thay đổi dung mạo, nhưng hình thể vẫn như vậy, lời nói và cử chỉ đôi lúc để lộ sơ hở khiến Thành Tư nhớ lại gã.
Rồi Hạng Thiếu Long nói với giọng trầm trầm, tiết tấu chậm rãi, „Thành binh vệ không cần phải ngạc nhiên, bỉ nhân cũng thường có cảm giác như thế, chính là lần đầu tiên gặp nhau nhưng giống như đã từng quen biết."
Thành Tư gật đầu, „Chắc là thế!"
Lúc này đã đến quảng trường trước điện Ngọc Hoa trong nội cung, Thành Tư xuống ngựa trước rồi đến bọn Hạng Thiếu Long.
Hai bên bậc cấp dẫn lên điện Ngọc Hoa có mấy chục tên cấm vệ cầm mâu đứng nghiêm, tên gian tặc Triệu Mục cùng Nhạc Thừa, Quách Khai cùng bước xuống đón chào.
Hạng Thiếu Long thấy cảnh này mà trong lòng than thầm, không ngờ tên hôn quân Hiếu Thành vương đã bị bọn họ dạy cho một bài học mà vẫn coi trọng Triệu Mục.
Triệu Mục từ xa đã cười nói oang oang, „Bổn nhân là Cự Lộc hầu! Tiên sinh đến thật hay, đại vương đang nóng lòng chờ đợi."
Hạng Thiếu Long làm ra vẻ hoảng sợ, cung kính nói, „Ðể đại vương chờ đợi, tiểu nhân sao gánh vác nổi."
Triệu Mục bước tới trước, hai tay nắm lấy tay gã, nhìn gã rồi mỉm cười, „Ðại vương đã tận mắt thấy chiến mã của tiên sinh đưa đến, rất hài lòng. Ðại Triệu chúng tôi được tiên sinh giúp đỡ, chắc chắn sẽ làm nên chuyện lớn."
Hạng Thiếu Long thấy Triệu Mục không nhận ra nên cũng yên tâm, vui vẻ nói, „Hôm nay có thể giúp đại vương vui mừng, tiểu nhân cảm thấy không uổng chuyến này." Ðồng thời cũng nhìn Quách Khai.
Triệu Mục thân mật giới thiệu gã cùng Nhạc Thừa, Hạng Thiếu Long lại giới thiệu hai người Kinh, Ðằng, sau mấy câu khách sáo thì mọi người bước vào trong nội điện.
Vừa bước vào cửa cung, thị vệ đã xếp hàng chỉnh tề đón chào, tiếng nhạc lại tấu lên vang lừng.
Bọn Hạng Thiếu Long và ba người Triệu Mục quỳ xuống.
Triệu vương cười ha ha, rời khỏi chỗ ngồi, bước xuống đài, dáng vẻ vội vã, đỡ Hạng Thiếu Long đứng dậy, giọng vui mừng thân thiết nói, „Ðổng tiên sinh là khách quý của quả nhân, không cần dùng lễ quân thần." Rồi quay sang bọn Ðằng Dực nói, „Mời các vị đứng dậy."
Hạng Thiếu Long đứng dậy, Kinh Tuấn phía sau bật khóc òa lên, mọi người kể cả bọn Hạng Thiếu Long đều ngạc nhiên.
Kinh Tuấn đang cúi đầu khóc rất lớn, phục người dưới đất không chịu đứng dậy, tức tưởi nói, „Tiểu nhân đã thất lễ, nhưng nhìn thấy thiếu chủ cuối cùng có thể quay về được quê hương, hoàn thành tâm nguyện bao nhiêu năm nay, khiến tiểu nhân xúc động đến nỗi...“ rồi khóc rống lên.
Bọn Hạng Thiếu Long trong lòng đều khen hay, không ngờ Kinh Tuấn lại có bản lĩnh muốn khóc là khóc này, nếu bọn họ chẳng phải trong lòng đã có tính toán trước, sẽ tưởng rằng y quả thật cảm động đến nỗi không ngăn được nước mắt.
Triệu vương đương nhiên không hoài nghi, bước đến đỡ Kinh Tuấn dậy an ủi mấy câu, rồi quay sang Hạng Thiếu Long nói, „Ðổng tiên sinh có nô bộc trung thành như thế này khiến cho quả nhân khâm phục vô cùng."
Hạng Thiếu Long lúc này mới có cơ hội nhìn toàn cảnh trong điện.
Triệu vương hậu Hàn Tinh cũng dự tiệc, được xếp ngồi phía sau về bên phải Hiếu Thành vương, đang nhìn chăm chăm mình. May mà vẻ mặt không lộ vẻ tò mò, quả thật mụ không thể nhìn ra được sơ hở nào.
Bọn tay chân Triệu vương được xếp ngồi bốn chiếu, mỗi người một chiếu, vẫn còn có một chiếu trống, không biết kẻ nào lớn gan đến thế, cả tiệc của Triệu vương mà cũng dám đến trễ. Miệng thành khẩn nói, „Bọn tiểu nhân tuy ở nước khác đã lâu nhưng lúc nào cũng muốn về nước góp sức, nhưng vì mối quan hệ với Ô Thị Lô, lại e..."
Triệu vương lạnh lùng hừ một tiếng, ngắt lời gã, „Ðừng nhắc tới con người ấy nữa, hãy yên tâm! Hiếm có một người có lòng dạ như tiên sinh, từ hôm nay trở đi hãy yên tâm nuôi ngựa cho quả nhân, quả nhân sẽ không bạc đãi tiên sinh."
Bọn Hạng Thiếu Long vội vàng quỳ xuống tạ ơn.
Khi đang nhập tiệc, bọn thị vệ ngoài cửa hô to, „Nhã phu nhân đến!"
Bọn Hạng Thiếu Long giật mình, đều quay đầu nhìn ra cửa.
Triệu Nhã ngoại trừ vẻ mặt buồn bã, vẫn rất xinh đẹp, dáng vẻ vẫn như trước, người mặc bộ y phục màu trắng thêu hoa văn, thướt tha bước vào điện như một cánh bướm.
Hạng Thiếu Long nhớ lại tình cũ, không khỏi cảm thấy đau lòng.
ánh mắt Triệu Nhã đến chỗ Hạng Thiếu Long thì người hơi run, đứng lại.
Bọn Hạng Thiếu Long trong lòng đều bảo không hay.
Triệu Nhã không giống như bọn Hiếu Thành vương và Triệu Mục, đối với kẻ đã sớm tối có nhau, quấn quít xác thịt, chỉ cần dựa vào trực giác nhạy bén của nữ nhân đối với tình lang thì có thể cảm nhận được những điều mà kẻ khác không biết. May mà bọn Hiếu Thành vương, Tinh vương hậu vẫn tưởng người đàn bà phóng đãng có tiếng này vừa ưa thích Hạng Thiếu Long nên có vẻ kỳ lạ như thế, cười ha ha nói, „Vương muội lại đến trễ, chốc nữa sẽ phạt muội ba chén, hãy đến ra mắt Ðổng tiên sinh."
Triệu Nhã bình tĩnh trở lại, nhìn Hạng Thiếu Long với vẻ nghi hoặc rồi đột nhiên sầm mắt, quỳ xuống trước Triệu vương thi lễ rồi mới đứng dậy chào Hạng Thiếu Long, „Triệu Nhã xin ra mắt Ðổng tiên sinh."
Bọn Hạng Thiếu Long thở phào, ngồi vào chiếu tiệc.
Bọn họ ngồi vào bốn chiếu, bên kia là Triệu Mục, Triệu Nhã, Nhạc Thừa và Quách Khai.
Khi bọn thị nữ đem rượu thịt lên, một đội gồm hơn ba mươi tên vũ cơ yểu điệu chạy vào, múa may theo tiếng nhạc vang lừng.
Triệu Nhã ngồi vào chiếu tiệc mà vẫn cứ cúi mặt, vẻ mặt rất đau khổ, xem ra hình như nhớ lại chuyện xưa.
Múa xong chủ khách mời rượu nhau.
Triệu Mục không chịu tha cho Triệu Nhã, nhắc lại chuyện phạt ba chén, buộc ả uống cạn ba chén.
Lúc này Triệu Nhã hơi say, mỉm cười lả lơi, Hạng Thiếu Long tuy nhìn thấy nhưng chỉ cảm thấy tức giận. Khi mỹ nữ ấy trở nên lả lơi, không người đàn ông nào không cảm thấy ngứa ngáy trong lòng. Nhất là ả đã quay về dáng vẻ phóng đãng ngày trước, liếc mắt đưa tình cùng bọn người có mặt. Ðằng Dực và Ô Trác thì chẳng sao, Kinh Tuấn thì đã sớm chìm trong sóng tình, cứ nâng ly cùng ả.
Sau một hồi, Triệu vương hỏi Hạng Thiếu Long, „Tiên sinh chuẩn bị mở mang sự nghiệp như thế nào?"
Hạng Thiếu Long vẫn với giọng khàn khàn chậm rãi ấy, „Tiểu nhân chỉ đi trước một bước, vẫn còn mấy bầy chiến mã và ngựa giống đang trên đường chuyển đến đây, sự việc không thể chậm trễ được, ngày mai tiểu nhân sẽ ra ngoài thành quan sát, xem nơi nào có địa điểm thích hợp thì sẽ mở mục trường."
Triệu vương mừng rỡ nói, „Thế thì tốt quá!"
Triệu Nhã đưa mắt liếc Hạng Thiếu Long nói, „Gia quyến của tiên sinh cũng sẽ đến cùng lúc chứ?"
Hạng Thiếu Long thấy dáng vẻ lả lơi của ả, trong lòng không vui, lạnh nhạt nói, „Ðợi sắp xếp mọi thứ xong, tiểu nhân sẽ sai người quay về rước họ."
Nhạc Thừa ngạc nhiên hỏi, „Ðổng tiên sinh làm cách nào mà đưa gia quyến về đây, không sợ người Sở nghi ngờ sao?"
Hạng Thiếu Long ung dung trả lời, „Mục trường của tiểu nhân ở biên giới Sở Ngụy, chỉ cần mỗi năm cống cho người Sở năm trăm chiến mã và năm ngàn mục súc, người Sở sẽ không hỏi chuyện của tiểu nhân. Trước khi đến đây, tiểu nhân đã sớm có sắp xếp, khiến cho bọn họ trong thời gian ngắn sẽ không phát hiện được điều gì."
Triệu vương ha ha cười lớn, „Ðêm nay không bàn chính sự, chỉ nói gió trăng, nào! Tiên sinh hãy xem đây." Nói rồi vỗ tay, tiếng nhạc tấu lên.
Khi mọi người đang giương mắt lên nhìn, bốn ả vũ cơ đã ra tới điện.
Bọn họ không chỉ múa hay hơn cả đám vũ cơ lúc nãy mà sắc đẹp còn hơn đến muôn phần, tay cầm trường kiếm, múa may chấp chới, thoắt ẩn thoắt hiện. Nhất là trường kiếm và dáng vẻ các nàng như cương nhu hợp lại, càng tăng thêm dáng vẻ man dại.
Bốn ả vũ cơ lui vào, Triệu Mục cười nói, „Ðây là bốn mỹ nữ đẹp nhất mà người Yên hiến cho đại vương, cũng là quà ra mắt của đại vương giành cho tiên sinh, tiên sinh thấy có được chăng?"
Chuyện tặng mỹ nữ cho nhau là thói quen của quý tộc thời này, nhưng Hạng Thiếu Long thấy trong tình thế này khó mà nhận được, nghiêm mặt nói, „ý tốt của đại vương, tiểu nhân xin nhận, chỉ là hiện nay công việc mở mục trường còn đang trước mắt, quả thật không tiện, xin đại vương hãy thu hồi thánh lệnh."
Triệu vương ngạc nhiên một chốc rồi cảm động nói, „Tiên sinh quả chẳng phải người thường, chả trách nào được gọi là mã si. Nếu là như thế, bốn mỹ nữ nước Yên này hãy cứ giữ lại trong cung, đợi mọi việc đã định thì sẽ đem đến quý phủ."
Triệu Nhã thích thú nhìn Hạng Thiếu Long hỏi, „Chả biết tiên sinh định khi nào ra thành quan sát?"
Hạng Thiếu Long thấy ả nổi tò mò với mình, thầm kêu hỏng bét, nhíu mày nói, „Trước lúc mặt trời mọc ngày mai sẽ xuất phát, còn phải mong Nhạc Thừa tướng quân sắp xếp chuyện mở cửa thành."
Gã đoán được Triệu Nhã đã quay về lối sống phóng đãng sa đọa lúc trước, không thể nào bò khỏi giường sớm được, nên mới nói như thế.
Triệu Nhã quả nhiên lộ vẻ thất vọng, không nói gì nữa.
Bữa tiệc cứ thế trôi qua, tuy bảo không nói chính sự, nhưng Hạng Thiếu Long giả vờ là một kẻ chỉ biết mục súc, chủ đề câu chuyện cứ xoay quanh điều ấy.
Khi Triệu vương hỏi tình hình nước Sở, Hạng Thiếu Long đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, nên cũng dễ dàng ứng phó.
Cuối cùng tiệc tan sau buổi tiệc, Triệu Mục mượn cớ tiễn Hạng Thiếu Long, ngồi cùng một xe với gã, nhân lúc ấy bí mật bàn bạc.
Xe vừa ra khỏi cửa cung.
Triệu Mục lập tức đổi sắc mặt, lạnh lùng nói, „Là ai nghĩ ra chủ ý này, đem một ngàn thớt chiến mã tốt, tặng cho người Triệu?"
Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thấy buồn cười, bình thản nói, „Ðương nhiên là chủ ý của Xuân Thân quân."
Mặt Triệu Mục trở nên âm hiểm, hai mắt quắc lên, lạnh lùng nhìn Hạng Thiếu Long, trầm giọng nói, „Ngươi có đúng là mã si Ðổng Khuông không?"
Hạng Thiếu Long hạ giọng nói, „Ðương nhiên không phải, mã si thật quả có lòng quay về nước Triệu, đã sớm bị quân thượng xử tử, lại còn tịch thu gia sản, một ngàn thớt ngựa này là sản nghiệp của y."
Triệu Mục lấy làm lạ nói, „Ta chỉ kêu các người phái người đến đoạt Lỗ Công bí lục trong tay Quách Tùng, tại sao bây giờ lại giương cờ gióng trống đến Hàm Ðan, nếu có chuyện, nói không chừng cả ta cũng sẽ bị liên lụy."
Hạng Thiếu Long ung dung trả lời, „Ðó là kỳ mưu diệu kế của Xuân Thân quân, sau khi nước Triệu vì chuyện Ô gia mà nguyên khí thương tổn, ngoài mạnh trong yếu, nói không chừng sẽ có lợi cho những nước gần bên cạnh như Tần, Ngụy, Tề, quân thượng thấy đã đến lúc cho nên thay đổi sách lược, mong công tử thay thế Triệu vương, lúc ấy người Sở chúng ta sẽ không mất một binh một tốt mà có thể nắm trọn nước Triệu trong tay."
Triệu Mục giật mình, mắt lộ vẻ vui mừng, lạc giọng nói, „Quân phụ quả thật nghĩ như vậy sao?"
Từ khi đến Triệu, quyền lực của y ngày một tăng, nhưng trong lòng cũng mâu thuẫn vô cùng.
Ý nguyện của Xuân Thân quân là muốn y phải khống chế Triệu vương, để người Triệu kiềm chế người Tần, phá hoại kế hoạch tam Tấn hợp nhất. Nhưng con người đâu phải cỏ cây, sau khi sống ở Triệu hơn mười năm, Triệu Mục bất đồ coi nước Triệu là nơi sinh ra của mình. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ mà thôi, y vẫn còn bị người Sở khống chế từ xa. Nếu có lòng khác, người Sở sẽ vạch trần vỏ bọc của y bất cứ lúc nào, cảm giác ấy thật không dễ chịu.
Nhưng giả sử y có thể đoạt ngôi Triệu vương, thì đó là một cục diện hoàn toàn khác.
Hạng Thiếu Long thấy vẻ mặt y thì biết cá đã cắn câu. Ngữ khí nhấn mạnh thêm, „Tiểu nhân làm sao dám gạt công tử, lần này những chiến sĩ đi theo tiểu nhân đều là những cao thủ thuộc hàng nhất lưu, sau này còn có hàng ngàn người mượn cớ đưa mục súc vào Triệu, chỉ cần có thể trừ khử những tướng quân có ảnh hưởng lớn như Liêm Pha, Lý Mục, nước Triệu chính là của công tử rồi đó."
Triệu Mục vui mừng nói, „Té ra là như vậy, hãy xem thử nên tiến hành thế nào đây." Rồi vỗ vai gã, ghé tai nói, „Nếu ta có thể trở thành vua nước Triệu tất sẽ không bạc đãi tiên sinh."
Hai người nhìn nhau rồi cười to.
Ðương nhiên cười vì hai lý do hoàn toàn khác nhau.
Về đến nơi trước kia là Chất Tử phủ, Ðằng Dực nói với Hạng Thiếu Long, „ả phóng đãng kia rất có hứng thú với tam đệ, hãy cẩn thận thì hơn."
Kinh Tuấn nói với vẻ đầy ngưỡng mộ, „Tam ca hãy dùng thân phận khác để lừa ả một phen, chẳng phải tuyệt vời hay sao?"
Hạng Thiếu Long chưa có cơ hội lên tiếng thì Ðằng Dực đã bực bội mắng Kinh Tuấn, „Ðầu óc ngươi chỉ chứa toàn những trò gió trăng, mà không biết cái hại của háo sắc, con ả phóng đãng ấy trước kia có thân mật với tam ca ngươi, nếu có chung đụng xác thịt thì tất sẽ không giấu được ả."
Hạng Thiếu Long giật mình, thầm sinh lòng cảnh giác. Nói thật, gã vẫn còn có hứng thú với Triệu Nhã lắm, nhưng không hề nghĩ Triệu Nhã sẽ nhận ra được. Cười nói, „May mà ta giả là một tên mã si yêu ngựa hơn yêu mỹ nhân, cứ xem ả có ý với ta cũng vô dụng mà thôi."
Mọi người bàn bạc rồi ai nấy quay về phòng ngủ.
Quay về phòng, Hạng Thiếu Long bỏ mặt nạ ra, nằm trên giường, lòng nghĩ mông lung, không cách nào ngủ được, chủ yếu là vì Triệu Nhã.
Người đàn bà hai lần bội phản gã này, rõ ràng vẫn còn chút tình với gã, nếu không sẽ không vì tên mã si này nhớ về Hạng Thiếu Long.
Trong lòng gã lại dâng lên một nỗi hận khó tả, có lẽ cũng vì sự ghen tuông đối với sự phóng đàn của ả, cũng có thể là ý nghĩ báo thù đơn thuần, gã quả thật không hiểu rõ được.
Dáng vẻ của gã sau khi mang mặt nạ vào chẳng phải đẹp đẽ gì, nước da đen hơn trước, nhưng lại hợp với thân hình gã, mê lực toát ra từ trên người gã, nhất là đôi mắt không thể thay đổi được, vẫn lấp lánh có thần, quả thật đầy uy thế.
Lại nhớ đến mối thâm tình của Kỷ Yên Nhiên, nên càng không ngủ được, thế là ngồi một bên giường đả tọa theo tâm pháp Mặc gia.
Mở mắt ra thì trời đã chớm sáng, Hạng Thiếu Long vội vàng thay y phục, mang mặt nạ vào, ra sảnh hội hợp với Ô Trác và Ðằng Dực cùng nhau xuất phát.
Kinh Tuấn có nhiệm vụ khác nên không theo họ.
Nhạc Thừa phái một võ tướng tên gọi Tạ Pháp dẫn một toán quân Triệu làm hướng dẫn, đang đợi bọn họ ở ngoài đại sảnh, sau mấy câu khách khí thì mọi người dong ngựa ra đường.
Phía sau có tiếng vó ngựa vang lên.
Mọi người quay đầu nhìn lại, một đội nhân mã đuổi lên, chính là Triệu Nhã và mười tên gia tướng.
Hạng Thiếu Long và hai người Ðằng Ô nhìn nhau, chỉ đành kìm ngựa đứng chờ.
Ai ngờ Triệu Nhã có hứng thú với Hạng Thiếu Long đến thế. Triệu Nhã cho bọn gia tướng lui, trong đó có cả bọn Triệu Ðại, thúc ngựa tới bên Hạng Thiếu Long, mặt cười tươi như hoa nói, „Ðổng tiên sinh là khách phương xa, lẽ nào lại không có người làm bạn?"
Hạng Thiếu Long thấy ả mà lòng cũng có chút xúc động, nhưng không nói ra.
Triệu Nhã liếc gã rồi nói, „Ðổng tiên sinh phải chăng không hoan nghênh người ta?"
Hạng Thiếu Long vẫn với giọng điệu khàn khàn, bình thản nói, „Phu nhân đã đa nghi, tiểu nhân có phu nhân làm bạn, vui còn gì bằng!"
Triệu Nhã bật cười trong trẻo, thúc ngựa lên phía trước, nói, „Vậy hãy theo ta!"
Hạng Thiếu Long than thầm rồi thúc ngựa đuổi theo.
Họ ra từ cửa thành đông, ngựa tung vó về phía trước.
Nhìn thấy cảnh hoang sơ giữa lúc xuân hạ giao mùa, Hạng Thiếu Long lòng cảm thấy thoải mái, vứt bỏ hết mọi tâm sự, đồng thời hạ quyết tâm sẽ làm một trận động trời khiến cho người Triệu nghiêng ngả, không thể mềm lòng mà giữ lại nữa.

Truyện Tầm Tần Ký Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 Hồi 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172 Hồi 173 Hồi 174 Hồi 175 Hồi 176 Hồi 177 Hồi 178 Hồi 179 Hồi 180 Hồi 181 Hồi 182 Hồi 183 Hồi 184 Hồi 185 Hồi 186 Hồi 187 Hồi 188 Hồi 189 Hồi 190 Hồi 191 Hồi 192 Hồi 193 Hồi 194 Hồi 195 Hồi 196 Hồi 197 Hồi 198 Hồi 199 Hồi 200 Hồi 201 Hồi 202 Hồi 203 Hồi 204 Hồi 205 Hồi 206 Hồi 207 Hồi 208 Hồi 209 Hồi 210 Hồi 211 Hồi 212 Hồi 213 Hồi 214 Hồi 215 Hồi 216 Hồi 217 Hồi 218 Hồi 219 Hồi 220 Hồi 221 Hồi 222 Hồi 223 Hồi 224 Hồi 225 Hồi 226 Hồi 227 Hồi 228 Hồi 229 Hồi 230 Hồi 231 Hồi 232 Hồi 233 Hồi 234 Hồi 235 Hồi 236 Hồi 237 Hồi 238 Hồi 239 Hồi 240 Hồi 241 Hồi 242 Hồi 243 Hồi 244 Hồi 245 Hồi 246 Hồi 247 Hồi 248 Hồi 249 Hồi 250 Hồi 251 Hồi 252 Hồi 253 Hồi 254 Hồi 255 Hồi 256 Hồi 257 Hồi 258 Hồi 259 Hồi 260 Hồi 261 Hồi 262 Hồi 263 Hồi 264 Hồi 265 Hồi 266 Hồi 267 Hồi 268 Hồi 269 Hồi 270 Hồi 271 Hồi 272 Hồi 273 Hồi 274 Hồi 275 Hồi 276 Hồi 277 Hồi 278 Hồi 279 Hồi 280 Hồi 281 Hồi 282 Hồi 283 Hồi 284 Hồi 285 Hồi 286 Hồi 287 Hồi 288 Hồi 289