ồi đó, Laura bị ảnh hưởng của Lawson, người mà nàng đã hứa đi theo với ba nhà bác học khác, trong một cuộc thám hiểm xuống đáy bể sâu. Lúc bây giờ Laura còn quá trẻ... Nhưng nàng có thật sự trẻ không? Đó là cái nhược điểm của một người đàn bà mà trời đã phú cho một “bộ óc siêu việt của nam giới”, như những người đàn ông thường nói. Nhưng Laura không thể nào chịu đựng được cái phương thức làm cho người ta tưởng rằng trí thông minh là đặc hữu duy nhất của nam giới mà không kể gì đến sự di truyền và ngẫu nhiên.
Phải, Laura nhớ lại rất rõ cái hôm lễ sinh nhật thứ hai mươi ba của bà. Trước đó, Laura có nhận được vài ba lá thư của Chris, nhưng bà không phúc đáp vì cảm thấy những lá thư ấy rỗng tuếch chẳng có gì. Ngồi bên cửa sổ, Laura bị giày vò vì những ý nghĩ đen tối và cảm thấy cần sự hiện diện của Chris đến đỗi bà đã viết cho chồng một bức thư náo cả lòng.
“Anh yêu mến,Hôm nay kỷ niệm sinh nhật của em. Em vừa đúng hai mươi ba tuổi. Anh đã quên rồi hay sao mà không có thư từ gì về cho em cả vậy? Hôm nay em ước mong nhận được thư anh hoặc được anh điện thoại về, mặc dầu em biết rằng gọi điện thoại rất khó. Hôm nay anh có nghĩ gì đến em không? Trời mưa lạnh lẽo, gió cuốn sạch lá vàng ngoài công viên. Khi nào anh mới trở về với em hả anh? Em băn khoăn tự hỏi không biết bây giờ anh đã ra sao? Anh có thay đổi gì không? Và em, có gì thay đổi? Em không tin có sự đổi thay. Chỉ có điều, già thêm một tuổi em thấy mình càng chín chắn hơn. Nếu nhận dược tin anh, em đã từ chối không đi thám hiểm đáy bể với Don Lawson và các người khác. Anh ơi! Hãy viết cho em một bức thư thật dài. Hay là anh đã tái đăng bên ấy rồi? Nếu thế thì em sẽ đi với Don Lawson”.Phải, Laura đã nhớ lại rõ ràng bức thư ấy, nhớ lại từng chữ, từng hàng. Đợi thư chẳng được, Laura bèn tham dự cuộc thám hiểm đáy bể với Don Lawson và các bạn trên một chiếc du thuyền mà họ đã mượn được. Ngày ngày, trong khi Don Lawson thu lượm các hải tảo dưới đáy bể thì Laura vớt các phiêu sinh vật trong một cái lưới dòng theo hông tàu. Laura bận đồ tắm đứng trên bong tàu và mải mê theo công việc. Các bạn đàn ông đã nói: “Nàng chỉ nghĩ đến công việc”. Nhưng họ đã nhầm, không giờ phút nào mà Laura không nghĩ đến Chris. Tại sao Chris không viết thư về như thế nhỉ? Cứ ba ngày một lần, Laura điện thoại về nhà hỏi:
- Có thư không mẹ?
Và đầu dây, tiếng mẹ nàng trả lời:
- Không có thư Triều Tiên con ạ.
Nhưng khi Laura trở về thì Chris đã ở nhà. Chàng vừa mới về tới. Phải, quả thật chàng muốn gia hạn quân vụ mà không tái đăng vì nếu tái đăng thì chàng có thể sẽ được gởi sang Âu châu. Hoặc chàng chỉ muốn lưu lại Á châu là nơi định sở của người đàn bà xinh đẹp, duyên dáng này, người đàn bà có một đôi mắt huyền bí.
Sương thở dài:
- Anh ấy đã bỏ tôi để trở về với bà.
Trong khi suy nghĩ, Sương đưa tay mân mê thân áo lụa của mình và gấp thành từng nếp nhỏ. Nhìn đôi mắt dài và cong giao nhau trên đôi má hòng mịn của Sương, Laura cảm nghe như tim mình thắt lại. Phải chăng Chris thích có được một người đàn bà biết hiến dâng mình cả tâm hôn lẫn thể xác? Vợ chồng bà thường thảo luận về điều đó trong những giờ phút thân mật, khi mà bà hiến dâng cho chồng trọn vẹn, nhưng cả hai đều biết rằng sự hiến dâng ấy chưa trọn vẹn. Vì, sau những giờ phút yêu đương, trí óc bà lại hướng về những vấn đề khó khăn phức tạp hơn thú vui vợ chồng nhiều. Nó đã làm cho bà quên hẳn chồng bà trong nhiều giờ, và cả trong nhiều ngày nữa. Nhưng Chris đã hóm hỉnh chế nhạo:
- Cưng ơi! Em không nghĩ gì đến anh cả sao? Anh là chồng của em đây này. Em hãy tạm quên cái “ông già biển cả” ấy đi một chút có được không. Chúng ta hãy lấy máy bay đi Banamas chơi.
Điều đó xảy ra rất thường đối với họ, mặc dầu bà cảm thấy như mình có lỗi nhưng bà đã gạt bỏ ý tưởng đó đi; trên bình diện cá nhân, dĩ nhiên bà cũng có toàn quyền sống tự do như ông. Phần ông, ông cũng đã quên hẳn bà khi ông mải mê tổ chức các cuộc vận động tranh cử và toan tính xem một ngày nào đó hai vợ chồng sẽ là chủ nhân của Tòa Bạch Ốc - đối với một người chồng như Chris, chẳng có gì là khó khăn cả. Những lúc như thế, ông đã quen bà, bà biết lắm. Bà chẳng nhận thấy gì đáng phiền trách ông cả. Đó chỉ là những quên lãng tạm thời và về phần bà, bà càng thích nữa là khác, vì những lúc ấy bà có thể miệt mài với công việc của mình và quên tất cả.
Bà đang miên man suy nghĩ về nhận xét của Kim Sương, thì đột nhiên tiếng bà cụ già hét ở trước cửa đã kéo bà trở về thực tại. Tiếng bà cụ khàn khàn gay gắt đối đáp với tiếng một đứa trẻ láu lỉnh xấc xược.
Sương ngẩng đầu lên và hai người nhìn nhau. Laura nói:
- Tôi muốn gặp đứa trẻ.
Sương đứng dậy, nhẹ nhàng bước ra vườn không một tiếng động. Nàng quay lại, tay vịn trên thành bức tường ngắn, nói:
- Tôi không trở lại đâu. Nó sẽ đến đây gặp bà.
Sương bước đi, và Laura nhìn thấy cái xiêm màu hồng của nàng thấp thoáng giữa các hàng cây trong vườn, rồi cuối cùng khuất sau một khóm lệ liễu nghiêng mình trên một bồ nước nhỏ?
*
Bà phải chờ đợi trong bao lâu? Bà không biết, có thể rất lâu mà cũng có thể chỉ trong chốc lát. Trong khu vườn thanh vắng, con chim vành khuyên đã ngừng tiếng hót. Laura vẫn ngồi bất động, tinh thần căng thẳng. Đứa trẻ sẽ từ khu vườn bước vào hay từ cánh cửa lùa khép kín phía sau lưng bà bước ra? Bà chợt có ý nghĩ rằng, Sương có thể tưởng lầm bà, cô ta đã cùng với đứa bé trốn đi, để bà chờ đợi, rồi thất vọng ra về.
Chính vào lúc ấy, bà nhìn thấy đứa trẻ. Nó đi quanh ngôi nhà và đến đứng trước mặt bà. Hình dáng bé nhỏ của nó in lên nền cây xanh tươi của khu vườn. Laura cảm thấy như nghẹt thở vì nhận ra thằng bé giống hệt chồng bà. Có thể nói được rằng, đây là Chris hồi mười hai tuổi. Với tuổi mười hai, đứa trẻ như thế cũng đã là khá lớn. Thân mình nó rất cân đối. Nó mặc áo sơ mi ngắn tay màu trắng, bận quần cộc màu xanh đã rách, đi chân đất. Tóc nó mới cắt, đầu còn ướt. Phải, đó chính là hình bóng của Chris, ngoại trừ nước da chì và đôi mắt hạnh đào. Nhưng cái miệng thì giống Sương...
Đứa trẻ nói:
- Kính chào bà.
Rồi nó chờ đợi, rụt rè nhưng không một chút ngượng ngập. Nó có vẻ hết sức quan tâm đến bà nhưng với một niềm tin thầm lặng. Thật không ngờ nó đã sớm già trước tuổi. Dẫu sao đi nữa, nó cũng không còn là một trẻ thơ.
- Chào em - Bà đáp - Tên em là gì?
- Thưa bà, con cùng một tên với ba con: Christopher. Con tên là Kim Christopher.
- Em nói tiếng Mỹ khá lắm.
Đứa bé bước vào phòng, đến ngồi bên tấm nệm mà mẹ nó vừa ngồi trước đó. Thằng bé rất lễ phép và đẹp trai, nhưng hết sức dè dặt. Laura thầm nghĩ. Cả hai đều đang ở trong một hoàn cảnh khó xử.
Bà nói:
- Chúng tôi đã nhận được thư em. Nhà tôi - ba của em - muốn đích thân đến đây nhưng ông đang bận tranh cử, không thể nào bỏ đi được. Vì vậy, tôi đến đây thay cho nhà tôi.
Bà quyết định cư xử với đứa bé như một người lớn. Nhưng nó có hiểu như thế không? Dẫu sao, nó cũng đã giữ một thái độ hết sức lễ phép.
- Thưa bà, ba con - có mạnh khỏe không?
- Ồ, ông mạnh khỏe lắm.
- Bà có tấm ảnh nào mới của ông không?
- Có đây.
Bà lấy trong cáí xách tay tấm hình mà bà đã đưa cho Sương xem trước đây. Tấm hình này chồng bà vừa mới chụp chưa đầy một tháng: đúng là cái phong thái hiện thời của Chris. Đứa trẻ cầm lấy và nhìn một cách thèm thuồng.
- Tóc đã bạc rồi! - Nó lẩm bẩm.
- Chỉ bạc một ít ở hai bên thái dương.
- Ba con không già chứ, thưa bà?
- Không, không già nhưng cũng không còn trẻ.
- Bà đẹp thật. - Nó lẩm bẩm.
Rồi nó ngước đôi mắt rất đẹp lên nhìn bà:
- Bà cho con xin tấm hình này nhé?
Bà ép lòng trả lời:
- Nếu em thích. Nhưng tôi tưởng em sẽ thích một tấm hình lớn hơn, tôi sẽ gởi em sau.
- Không, con thích cái này cơ. - Rồi nó lại ngắm nghía tấm hình - Ba con có thích con không?
Laura tránh không trả lời mà hỏi lại nó:
- Em có muốn xa mẹ em không?
Khôn khéo, đứa trẻ lại tránh né câu hỏi của Laura:
- Con cũng thích cả ba con nữa.
- Làm thế nào được?
- Ba con bảo làm thế nào con sẽ làm thế ấy. Con thuộc về ba con chứ không phải thuộc mẹ con.
- Nhưng mẹ em chỉ có một mình em.
- Mẹ con là đàn bà. Mẹ con phải vâng lời ba con. Nếu ba con bảo con về với ba con, mẹ con phải nghe theo.
- Nhưng nếu ba em bảo em ở lại với mẹ em thì sao?
Nó đưa tay phác một cử chỉ tuyệt vọng:
- Ở đây, con không là cái thá gì hết. Con là một con số không to tướng. Ngay nếu như ba con có gởi tiền bạc cho con đi học, con cũng chịu thôi. Con không phải là người Triều Tiên, con là người ngoại quốc. Ba con là người Hoa Kỳ. Tại sao con phải sinh ra thế?
Vào tuổi này, Chris có thể cũng đã chống đối một cách mãnh liệt như thế và cũng có những nỗi phiền muộn như thế. Bà đưa tay cầm lấy cánh tay đứa trẻ:
- Đấy, em thấy không. Chúng tôi không biết phải làm gì khác hơn. Em nói đi: em thương mẹ em lắm phải không? Mẹ em đối xử tốt với em chứ?
Nói vùng vằng dang ra:
- Đôi khi thương, đôi khi không.
- Mẹ em dịu hiền như thế tại sao em không thương mẹ em?
Nó không trả lời, đăm đăm nhìn ra khu vườn, cố nén lòng không để lộ ra mặt những sôi động của con tim. Biết bao uất hận có thể thốt nên lời mà nó dằn lòng không nói, tại sao?
Cuối cùng bà hỏi:
- Em đang nghĩ gì em có thể nói cho tôi biết không?
- Không. - Đứa trẻ nói, giọng chắc nịch. Đột nhiên nó đứng dậy gật đầu chào.
- Thưa bà, nếu bà không còn gì để nói với con nữa thì xin bà tha lỗi...
Nó chạy ra lối khu vườn và với một động tác hết sức nhanh nhẹn, nó biến mất như có phép tàng hình. Laura nấn ná một lát rồi đứng dậy. Cũng ngay vào lúc đó, cánh cửa lùa bật mở và một bà lão hiện ra. Bà lão như đang rình rập Laura. Laura theo chân bà lão ra khỏi nhà và bước lên chiếc taxi đang chờ trước cửa. Bà bảo tài xế:
- Về khách sạn!
*
Mùa xuân đột ngột biến mất nhường chỗ cho mùa hè với những cơn nắng hanh vàng gay gắt.
Trên đường trở về khách sạn, Laura cảm thấy khó chịu vì mệt nhọc và vì khí trời oi bức. Bầu trời nặng nề ngột ngạt. Những đám mây đen tụ lại sau những dãy núi xa xa. Laura cảm thấy quá xa cách Chris, bà ao ước được điện đàm cùng chồng. Phải chờ đợi hơn nửa giờ đồng hồ để liên lạc với đường dây ở Mỹ, nhưng rồi toi công.
Tiếng của cô điện thoại viên người Triều Tiên thánh thót trong ống nghe:
- Xin bà tha lỗi, chúng tôi không thể liên lạc được với Mỹ quốc vì đường dây quá bận.
Vì rỗi rảnh, có thể bà sẽ viết thư cho chồng? Không, như thế quá sớm. Bà chưa biết gì nhiều về đứa trẻ để viết về nó. Mà biết đâu bà sẽ không bao giờ còn gặp lại nó nữa.
Cơn giông đang gầm thét trên trời. Để thoát khỏi cảnh bứt rứt hiện tại, chỉ có một giải pháp độc nhất là ngủ. Một giờ sau, bà tắm xong, chải đầu buộc tóc cho gọn, và nằm ngủ một cách yên lành trong lúc trận mưa giông ào ạt đổ xuống thành phố.
Mưa tạnh vào lúc hoàng hôn. Được nghỉ ngơi, tinh thần bớt căng thẳng. Laura thức dậy và cảm thấy đói bụng, bà mới chợt nhớ ra rằng từ sáng đến giờ chưa có ăn uống gì cả. Bà dậy thay áo quần và xuống tầng dưới để ăn tối. Trong phòng ăn của khách sạn chỉ còn có hai quân nhân Mỹ. Khi bà bước vào cửa, họ ngẩng nhìn bà, quan sát bà trong lúc bà khoan thai đến ngồi ở một bàn ăn cạnh đấy. Họ đã ăn xong nhưng còn chờ uống cà phê. Bà nhìn họ mỉm cười và lập tức cả hai người cùng xô ghế đứng lên một lượt, họ tiến đến bên bà.
Người trẻ tuổi, tóc hung nói:
- Xin lỗi bà, dường như chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi, tôi trông bà quen quá!
Bà cười:
- Tôi không tin như thế. Vì tôi vừa mới đến đây hôm qua...
- Vậy thì, thưa bà chúng tôi có thể hân hạnh được làm quen với bà không ạ?
- Sao không? Tôi là bà Chris Winters.
Anh ta tỏ vẻ buồn:
- May mắn cho tôi quá. Tôi là Jim Traynor, tôi xin hân hạnh giới thiệu với bà anh bạn của tôi đây, trung úy Lucius Brown. Chúng tôi thuộc quân trấn Hoa Kỳ tại đây. Trên nguyên tắc quân nhân không được phép vào các khách sạn... Nhưng người ta vẫn cứ vào đại. Sao lại không? Bởi vì thịt bò ở đây ngon tuyệt, nhập cảng từ Nhật Bản. Bò Kobé đấy, ăn thịt bò này bà sẽ thấy nó mềm và thơm không chịu được. Bà dùng cá sao? Tiếc thật!
- Bà có cho phép chúng tôi được mời bà cùng đi chơi không ạ? - Trung úy Brown hỏi.
Anh ta là một thanh niên phong nhã, từ tốn, kiểu cách, xuất thân từ các gia đình kỳ cựu ở Boston.
Jim thì trái lại, chắc chắn anh ta sinh trưởng trong giới bình dân; nhìn anh người ta có thể liên tưởng ngay đến lũ nhóc trong các khu lao động đông đúc ở Chicago chẳng hạn.
- Hân hạnh lắm, - Bà nhận lời - tôi vừa tự hỏi tối nay không biết phải làm gì.
Họ ngồi vào bàn bà. Jim hỏi:
- Bà đã đến chơi ở Walker Hill chưa ạ?
- Tôi chưa đi đâu hết.
Hai chàng thanh niên nhìn nhau. Jim nói:
- Chúng mình đưa bà đi Walker Hill đi.
- Xong rồi.
Một giờ sau, bà đã cùng với hai chàng dại gái đến một gian phòng lớn, ở đây nhiều người Mỹ đi một mình hoặc đi cùng những thiếu nữ Triều Tiên trẻ tuổi đang ngồi giải khát trong một sự huyên náo kinh khủng. Nào tiếng nhạc, tiếng khua ly tách và tiếng chuyện trò cười nói âm ĩ. Trên bục cao một nữ vũ công người Triều Tiên đang biểu diễn một điệu vũ gần như là thoát y, ưỡn ẹo thân mình một cách quái dị buồn cười. Trên sàn nhảy, các quán quân Hoa Kỳ đang khiêu vũ với các cô gái bản xứ phục sức theo lối Tây phương: áo ngắn hở cổ, tóc từng lọn xếp đống trên đỉnh đầu.
Laura ngập ngừng nói:
- Tôi tự hỏi, chúng ta đang ở đâu đây?
Jim cười:
- Thưa bà, không nên ác cảm với gái Triều Tiên, họ cứ tưởng rằng họ giống hệt gái Mỹ trong lúc họ bắt chước theo những tuần báo điện ảnh cũ rích. Họ bắt chước các minh tinh Hồ ly vọng nhưng...
Anh ta lắc đầu. Trung úy Brown ngắt lời giải thích:
- Thưa bà Winters, đó là một hiện tượng kỳ quái rất đáng chú ý. Con gái Triều Tiên chưa bao giờ thấy đàn bà Mỹ thật sự, tưởng rằng tất cả phụ nữ nước ta hết thảy đều giống các minh tinh màn ảnh. Vì vậy họ hết lòng bắt chước. Họ lại còn tưởng tượng những điều khác ngoài các cử chỉ và trang phục của các cô đào màn bạc, cho nên họ đã tự dấn thân vào cuộc sống phóng đãng, thác loạn, không từng có ở nước ta.
Jim thêu dệt thêm:
- Mày nói đi. Hôm kia, một con bé níu kéo tao ngoài đường...
Bạn anh lừ mắt ra hiệu không cho nói hết.
Trong khi đó, một thiếu nữ Triều Tiên có khuôn mặt nhìn nghiêng tuyệt đẹp, đến bên thì thầm vào tai Jim:
- Đi chơi không anh...
- Cút đi. - Jim rít lên giữa hai hàm răng khép chặt.
Laura bật cười, cởi mở:
- Đấy, Jim xem. Đẹp trai cũng khổ!
Bà vui vẻ khiến họ ít giữ ý hơn. Họ đi cùng với một bà đã có chồng, một người Mỹ mà họ có thể nói chuyện.
Jim phàn nàn:
- Thưa bà Winters, nếu bà biết được... Chúng tôi không dám đi chơi rong một mình ngoài đường phố, cái hạng gái ấy chúng bu vào chúng tôi như ruồi thấy mật. Một hôm, ngay cả ban ngày ban mặt, thế mà một đứa đã chộp lấy cái khóa quần của tôi và...
- Thôi chớ có dài dòng nữa cậu - Trung úy Brown ngắt lời - Thưa bà, đó là sự thật, tôi xin dám chắc với bà như thế. Không nên kết tội người đàn ông, trách nhiệm không hoàn toàn do họ. Đối với tôi, không có sự cám dỗ. Tôi đã có vị hôn thê khá đẹp ở Boston. Nhưng Jim thì...
Anh ta cười còn Jirti thì càu nhàu:
- Hà hà, rồi đến phiên tao, tao sẽ kể chuyện mày. Tốp đi cho con nhờ bố ơi!
Viên trung úy tiếp tục:
- Hãy lấy ví dụ những thanh niên ở nông thôn, những chàng trai từ mười tám đến hai mươi lăm tuổi. Chúng sống phóng túng bừa bãi. Không phải chúng sống buông thả như vậy cho đến khi nào chúng tìm gặp được một cô gái vừa ý, nhưng vì chúng đã chán ngấy cuộc sống ở đây, và chúng sẵn sàng làm tất cả. Thời buổi chiến tranh, đó là chuyện dĩ nhiên. Bà hãy xem cái “thằng lõi” kia.
“Thằng lõi”, là một thiếu niên đang ôm một cô gái Triều Tiên thật đẹp, uốn éo khiêu vũ.
Chàng trung úy nói:
- Thằng lõi ấy, ở bên nước ta con gái chẳng ai thèm nhìn đến. Cái thằng ấy thật là... thật là...
- Thật là thô bỉ. - Jim nói.
- Phải, thật là thô bỉ nhưng nó luôn luôn tán tỉnh cô gái đẹp nhất, cô gái được mọi người ưa chuộng nhất, cô gái đó không phải để cho hắn. Cái cô gái mà nó đang ôm sát vào lòng ấy.
Jim xen vào:
- Cô ta đã làm cho nó tin tưởng rằng cô chưa từng thấy một thanh niên nào đẹp trai hơn nó. Từ lâu nó chờ đợi một lời khen tặng như thế nơi một cô gái trẻ, từ hồi còn ở ấu trĩ viện, khi mà cô gái con ông bà hàng xóm tống cổ nó đi...
Laura lắng nghe họ nói nghĩ ngợi:
- Điều đó chẳng lấy gì làm quan trọng, - Bà thở dài - nếu không có sự đe dọa của một đứa con tư sinh...
Jim nói lớn:
- Ồ, tụi lõi ấy chúng chẳng chừa một việc gì. Chúng dám làm tất cả! Trong các làng mạc, người ta thấy hàng đống.
Một điệu nhạc kích động trỗi lên. Một cô ca sĩ đơn ca một bài hát tầm thường bằng tiếng Anh với giọng ngô nghê.
Laura nói:
- Cô ta có hiểu cô ta hát gì không nhỉ?
Jim lắc đầu một cách tiêu cực:
- Không hiểu một chữ. Cô ta học hát bài ấy mhư một con vẹt, do một dĩa hát cũ nhặt ở bất cứ đâu.
Laura yên lặng trong cảnh ồn ào náo nhiệt của gian phòng; bà có nên nói cho hai người đồng bào của bà rõ cái lý do đã khiến bà đến xứ này không? Họ có thể giúp đỡ bà được gì? Và giúp đỡ bằng cách nào? Trong khi đang phân vân như vậy, bà ngạc nhiên nhìn thấy ông Chu bước vào cửa vũ trường. Cao lớn, hiên ngang, ông dừng lại ở ngưỡng cửa và đưa mắt nhìn quanh như đang tìm kiếm ai. Khi nhìn thấy bà, ông liền bước tới, nhanh nhẹn và duyên đáng, lách mình tránh không đụng vào những cặp trai gái đang đắm chìm trong cái thế giới nhỏ bé huyền ảo đã khiến họ quên hết ngoại cảnh chung quanh.
Vừa đến bên bà, ông Chu vừa nói:
- À, bà đây rồi! Tôi đang kiếm bà đây.
- Sao ông biết tôi ở đây mà kiếm?
- Tôi hỏi ở khách sạn.
Ông chờ đợi, không nói gì thêm, buộc lòng bà phải giới thiệu hai người Mỹ cùng đi với bà.
Laura hỏi:
- Ông có thể ngồi cùng bàn với chúng tôi không ạ?
- Không, có người nhờ tôi đến đây để mời bà và tôi chắc rằng bà khó có thể từ chối.
- Thế à? Ai đây ông Chu?
- Cô Sương kính mời bà đến thưởng thức một màn trình diễn đặc biệt tại “Vạn Hoa Đình” đêm nay. Bà sẽ là người phụ nữ Mỹ đầu tiên được vào đấy.
Laura liền đứng dậy nói với hai người Mỹ:
- Xin lỗi các ông nhé! Tôi có một lý do riêng phải nhận lời mời này.
Hai chàng thanh niên cùng đứng dậy:
- Xin bà cứ tự nhiên. Không hề gì ạ.
Khi ra đến cửa, bà quay lại và thấy họ đang nhìn theo bà với đôi mắt phân vân.
Ông Chu nói:
- Tôi chỉ sợ không thể kiếm ra bà trước giờ giới nghiêm.
Họ bước lên một chiếc xe hơi sang trọng và người lái xe đi xuyên qua một đám đông trên đường phố.
- Thật may, ở khách sạn người ta đã cho tôi iết nơi bà đến chơi tối nay; người ngoại quốc đi đâu đến đâu họ đều phải biết rõ.
- Tại sao?
- Thời buổi nhiễu nhương. Trong trường hợp có sự lộn xộn bất ngờ, chúng tôi phải biết rõ ở đâu người ngoại quốc năng lui tới để bảo vệ họ.
- Ông đang sợ có sự lộn xộn xảy ra sao? Đảo chính à?
- Thiên hạ sợ đủ thứ chuyện. Riêng tôi, tôi tin chắc, rằng tình hình còn ổn định ít nhất là trong vòng một năm nữa. Do truyền thống, nước chúng tôi theo thể chế Quân chủ. Người Nhật đã xâm chiếm quốc gia chúng tôi, giải tán chính phủ và ép Đông Cung thái tử kết hôn với một nàng công chúa Nhật Bản. Chúng tôi đã sống hàng chục năm trời dưới sự hà khắc của quân đội Nhật. Bây giờ với sự cố vấn của người Mỹ, chúng tôi thử thiết lập một thể chế mà chúng tôi không được am tường lắm, một thể chế dân chủ mà ai nấy còn hết sức bỡ ngỡ. Lẽ tất nhiên không làm sao tránh phát sinh những sự va chạm giữa các cấp lãnh đạo nhiều tham vọng mà mỗi người đều có phe phái trong quân đội. Còn lâu mới có hòa bình. Phái trẻ công phẫn, nhất là từ khi ký hết hiệp ước thương mãi cùng Nhật Bản. Họ bị bọn cộng sản miền Bắc tuyên truyền xúi giục. Chúng chủ trương đòi hỏi thống nhất hai miền Nam Bắc với bất cứ giá nào.
Chăm chú nghe ông Chu nói, Laura hiểu rất rõ giá trị của cái bài diễn văn dài dằng dặc này; nhưng bà không thể không nghĩ đến đứa bé, con trai của chồng bà.
- Trong trường hợp đó, những gì sẽ xảy đến cho những đứa trẻ như Kim - Christopher.
Ông Chu trả lời không một chút do dự:
- Chúng sẽ bị thủ tiêu. Nhiều đứa đã chết.
- Ông muốn nói gì?
- Trong mười năm gần đây, đã có lúc, một số lớn trẻ con lai Mỹ đã biến mất một cách hết sức bí mật.
- Chúng biến mất sao?
- Phải. Chúng đã chết. Bằng nhiều cách. Một số con trai bị thiến đi. Không phải chỉ ở đây mà thôi, ở Nhật cũng thế. Thật vậy. Người ta đã thấy điều đó. Bà sẽ lên án chúng tôi, chúng tôi là thủ phạm, nhưng xin bà hãy nhớ cho rằng dân tộc chúng tôi là một dân tộc hết sức cổ xưa và cũng là một dân tộc hết sức kiêu hãnh. Vả lại, bà chỉ nhìn thấy những gì xảy ra tại nước bà, khi thực hiện những sự pha giống. Những cuộc mưu sát...
Bà liếc nhìn khuôn mặt Đông phương nghiêng nghiêng tuyệt đẹp của ông Chu và nóng lòng vì khiếp sợ những điều mà ông vừa phát giác, bà liền quyết định:
- Vậy thì ông phải giúp tôi đưa bé Kim đi khỏi nơi đây ông Chu ạ.
- Đó là phương cách độc nhất để bảo vệ nó.
Xe hơi ngừng lại trước một cổng lớn có vẽ hoa bằng sơn rực rỡ ánh đèn. Hai thiếu nữ Triều Tiên vận quốc phục đứng đón ở cổng, tay mỗi người ôm một bó hoa.
Ông Chu nói:
- À, họ đang chờ đón chúng ta.
Hai người bước xuống xe. Các thiếu nữ tiến tới dâng hoa và thay nhau nói:
- Xin kính chào quý khách. Xin kính chào quý khách.
- Cám ơn. - Laura đáp.
Tay ôm bó hoa, bà theo họ đi vào sân trong và bước lên bậc thang bằng cẩm thạch, đến gian phòng chính. Hai bên tiền đình, những cánh cửa khép kín, Sương đang đứng phía bên trong phòng chính, nàng mặc áo dài bằng xa tanh thêu hoa, thân trên màu vàng nhạt. Thay vì tết tóc thành bím, nàng đã chải đầu cao, và khi nàng bước ra đón tiếp, Laura cảm thấy tim mình thắt lại. Quả cô ta là một thiếu phụ tuyệt đẹp, bà chưa từng thấy ai đẹp như vậy bao giờ. Bà thầm nghĩ: hồi còn dan díu cùng Chris chắc cô ta phải đẹp hơn nhiều. Cũng màu da trắng ngà ấy, cũng đôi mắt đen long lanh ấy, cũng cái khuôn mặt thanh tú đặc biệt Á đông ấy, chẳng có gì thay đổi cả.
Sương đỡ lấy bó hoa danh dự trong tay bà đưa cho một thiếu nữ xinh đẹp, nhỏ nhắn, bận áo chẽn và xiêm rộng bằng lụa xanh.
Nàng nói với Laura:
- Quá nhiều hoa, chắc bà ngột thở. Xin mời bà vào.
Nàng cầm lấy bàn tay bà, hết sức nhẹ nhàng, dẫn vào trong một gian phòng rộng. Tại đây nhiều người đàn ông đang ngồi trên những tấm nệm bọc xa-tanh để giữa sàn nhà. Mỗi người đều có một thiếu nữ xinh đẹp hầu hạ, pha trà, châm thuốc, thỉnh thoảng phe phẩy chiếc quạt, khúc khích cười nghe khách đùa giỡn hoặc chịu nhận sự vuốt ve mơn trớn của họ.
Sương mời Laura ngồi trên một tấm nệm bọc nhung đỏ có tựa lưng. Đó là chỗ dành riêng cho bà và khi nhìn thấy bà muốn từ chối. Sương lịch sự ép bà ngồi xuống. Bên bà là chỗ của ông Chu. Một thiếu nữ trẻ đẹp ngồi cạnh ông để phục dịch.
Sương không ngồi chung cùng khách. Nàng trang nghiêm tiến đến một sân khấu nhỏ, bước lên và chờ đợi. Người ta không biết nàng chờ đợi gì, nhưng khi nàng sốt ruột vỗ tay ra hiệu thì một đứa trẻ từ hậu trường bước ra. Nó phục sức theo lối cổ truyền, màu trắng, đội tóc giả đen, cứng và mũ cối tết bằng lông đuôi ngựa. Nó cầm một thứ nhạc khí mà Laura chưa từng thấy - một cây đàn tì bà - ngồi xếp xuống và bắt đầu gảy. Tiếng đàn trôi phần tâu khúc ngắn và Sương bắt đầu cất tiếng hát. Nàng có giọng nữ kim trong sáng tuyệt vời làm cho ca khúc Triều Tiên tăng thêm phần giá trị.
Laura lắng nghe nàng hát, thán phục và suy nghĩ. Tranh đua thế nào với một người đàn bà như vậy? Tại sao Chris có thể giấu kín trong lòng hình ảnh Sương từ bao năm nay như thế được? Nếu không có gì phải che giấu, tại sao chồng bà không nói với bà? Trong khi bà âu sầu tự hỏi như vậy. Bà nhìn nó kỹ hơn và nhận ra đó chính là Kim Christopher.
Bà quay sang hỏi ông Chu:
- Tại sao ông đưa tôi đến đây?
- Cô Sương đã nhờ tôi mời bà.
- Nhưng tại sao lại mời tôi? Tại sao?
Ông ra hiệu bảo:
- Hãy nghe hát đi.
Bà đành im lặng.
Khi Sương kết thúc bài hát, Laura ra về ngay không muốn nói với cô ta lời nào. Thấy vậy ông Chu bèn phản đối:
- Thưa bà, những đêm hát như thế này thường được kết thúc bằng một bữa tiệc.
- Thế thì tôi về một mình vậy.
- Ồ, không. Để tôi đưa bà về.
Ông Chu đành phải đưa bà trở về khách sạn. Khi hai người ngồi vào xe, bà hỏi ông:
- Ông có biết đứa trẻ kia không?
- Không. Thưa bà tôi không biết.
- Đó là con của chồng tôi.
Ông Chu quay nhìn bà, sửng sốt:
- Nhưng, thưa bà đó là một đứa trẻ Triều Tiên!
- Vì lý do gì đêm nay cô Sương đã hóa trang nó thành một đứa trẻ Triều Tiên thật tôi không hiểu.
- Cô Sương tinh khôn lắm. Đàn bà đẹp đều thế cả.
- Cô ta sẽ làm gì thằng bé?
- Ai biết được? Có thể cô ta sẽ dùng nó để tìm khách.
Bà thẳng thắn hỏi:
- Nhưng thưa ông, nơi ấy có gì khác một nhà điếm đâu?
Ông miễn cưỡng trả lời:
- Thưa bà, người ta cũng có thể gọi là “Nhà Hoa”. Song xin bà hãy biết cho rằng trong những quốc gia cổ xưa như quốc gia của chúng tôi, con người biết sống hơn ở xứ bà nhiều. Hoặc chúng tôi sống lệ thuộc quá vào trật tự xã hội đến nỗi để bảo tồn nó, chúng tôi đã tạo ra những luật lệ những tập quán dựa trên kinh nghiệm hiểu biết về nhân tính? Chẳng hạn, chúng tôi biết rằng ngoài sự hỗ tương người đàn ông cần người đàn bà trên một bình diện nào đó. Thật ra, đàn ông chúng tôi rất giản dị. Chúng tôi cần người đàn bà để làm vợ và làm mẹ bầy trẻ. Nhưng chúng tôi cần người đàn bà để thỏa mãn thú vui nhục dục. Thật hiếm có một người đàn bà nào có thể có cùng hai ưu điểm ấy. Chúng tôi nhìn nhận sự thật như thế nên đã chia đàn bà ra làm hai hạng. Một hạng đàn bà muốn có một đời sống vững vàng của một người vợ một người mẹ nên chỉ hiến mình cho hôn nhân. Một hạng khác vì nhiều lý do riêng, họ không cần đến sự vững vàng ấy nên họ sắn lòng miệt mài trong chốn thanh lâu. Nhưng thưa bà, chúng tôi không có xài những danh từ sống sượng. Đối với chúng tôi những người đàn bà ấy là những “cái hoa” hơn là những “con đĩ”.
Nhưng Laura không muốn kéo dài câu chuyện trong quan điểm triết học, bà liền phủ nhận:
- Một con đĩ là một con đĩ không hơn không kém.
Ông Chu nói, với một giọng hết sức dịu dàng:
- Thưa bà, liệt họ vào loại người này hay loại người khác, có gì là quan trọng?
- Có chứ. Đối với chúng tôi rất quan trọng. Người ta chẳng cần phải lựa lời..
- À, đúng, chẳng kể gì đến tình cảm.
- Người ta chỉ che giấu sự thật.
- Phải, chẳng gì khác ngoài bản tính tự nhiên của con người. Nhưng thưa bà, tôi nghĩ rằng dẫu sao chúng tôi cũng quân tử hơn quý vị. Chúng tôi chấp nhận gái nhà thổ như một thành phần tất yếu của xã hội. Thân phận họ trong xã hội đã quá rõ ràng. Nhưng vì lý do tình cảm, chúng tôi gọi là “Hoa”.
Cả hai đều im lặng. Khi về tới khách sạn, ông Chu đưa bà vào khách sảnh bây giờ trống trơn chẳng có một ai ngoại trừ mấy người tiếp viên đang túc trực.
Ông Chu hỏi bà:
- Bà định xử trí ra sao về đứa bé?
- Tôi đến đây với cái ý định duy nhất là ký thác nó vào một trường học để nó được giáo dục... và để ngày sau nó có một cuộc sống xứng đáng hơn.
- Bà muốn nói, nó làm một người Triều Tiên?
- Ờ, thì nó chẳng là người Triều Tiên chớ là gì nữa? Nó đã được sinh ra ở đây.
- Đối với bà thì có thể, nhưng đối với chúng tôi thì không phải vậy. Chúng tôi xem nó là con của cha nó, nghĩa là con của một người Mỹ. Tại sao cha nó không nhìn nhận nó? Nếu cha nó thuận nhận nó, thì chẳng có gì khó khăn trở ngại nữa.
Bà tìm cách giải thích:
- Kìa ông Chu. Ông đã biết rõ quê hương chúng tôi, ông đã từng sống ở đây...
Ông Chu quả quyết nói:
- Bên nước bà, con người được pha trộn bởi nhiều giống khác nhau. Một đứa trẻ lai Triều Tiên chẳng có gì đáng nhục nhã hết. Ở đây không như vậy. Chúng tôi là một dân tộc cổ xưa nhất thế giới, một dân tộc văn minh nhất. Khi tổ tiên của quý vị còn đang ăn lông ở lỗ thì tổ tiên của chúng tôi đã là những nghệ sĩ, những học giả uyên thâm.
- Ồ, tôi biết. Tôi đã đọc nhiều sách về vấn đề... không phải chuyện đó, nhưng...
Ông chờ đợi, chỉnh lại dáng ngồi một cách trịnh trọng, sẵn sàng đón nhận một vết thương về phần mình. Phần bà, bà cảm thấy nét nhìn trong sáng của ông như đâm xuyên qua mình. Không sao tránh khỏi nét nhìn ấy, bà phải thú thật:
- Chẳng giấu gì ông, nhà tôi đang ứng cử Thống đốc Tiểu bang của chúng tôi. Các đối thủ của ông đang thèm khát một chuyện như vậy để bu vào công kích. Tôi không đành lòng nhìn thấy một sự nghiệp tốt đẹp như thế bị hỏng mất do một lỗi lầm ngu ngốc của tuổi trẻ, chỉ vì quá cô độc và khiếp sợ sự chết mà ra.
- Nói một cách khác, bà không muốn mang đứa trẻ về cùng cha nó, về cái chỗ mà đúng ra là của nó.
- Chúng tôi nghĩ rằng đây mới là chỗ của nó.
- Kìa bà, chuyện quan hệ đến một con người mà bà. Sao có thể đùn qua đùn lại như thế được? Bà Winters à, bà không nên lẩn tránh mà phải nhìn thẳng vào sự thật.
Cuộc đối thoại bị cắt ngang vì trung úy Brown và Traynor bước vào cửa, cả hai đều say bí tỉ.
- À, à bà... đây rồi - Jim kè nhè nói giọng đứt quãng - Khắp nơi... chúng tôi... đã... tìm bà khắp nơi.
Trung úy Brown nhắc lại nhỏ hơn:
- Khắp nơi... ở, khắp nơi...
Ông Chu hấp tấp nói:
- Tôi đưa bà về phòng.
Ông xen vào giữa Laura và hai thanh niên, cầm lấy khuỷu tay bà đưa đến thang máy dẫn về phòng bà.
Vừa thích thú vừa bực tức lẫn lộn, bà mỉm cười nói:
- Cám ơn ông. Cám ơn ông đã không giao tôi cho chính các đồng bào của tôi.
Ông khẽ nghiêng mình, nhưng vẫn đứng yên một chỗ. Thấy bà tỏ vẻ ngạc nhiên, ông nói:
- Thưa bà tôi muốn được nghe tiếng khóa cửa phòng bà khóa lại.
- Ồ, một lần nữa tôi xin cám ơn ông. Chào ông và chúc ông ngủ ngon.