Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 24

Hôm sau, còn lâu mới sáng, Đavưđốp đã đánh thức bác Suka nằm ngủ trong kho cỏ dậy, giúp bác thắng ngựa vào xe, rồi cho đánh xe đến nhà bà Kharlamôva. Qua cánh cửa khép không kín, anh thấy trong bếp có ánh đèn.
Bà Kharlamôva đang làm bếp; lũ trẻ đang ngủ, nằm ngang chiếc giường gỗ rộng, còn Varia thì quần áo đã chỉnh tề sẵn sàng lên đường, đang ngồi trên tấm ghế dài, và lúc này ngồi trong nhà mẹ đẻ, nom cô đã như không phải người nhà mà như khách đảo qua chơi.
Cô đón Đavưđốp với nụ cười đầy hạnh phúc và biết ơn:
- Em sẵn sàng từ lâu rồi, anh chủ tịch ạ, em đang đợi anh đây.
Bà cụ chào Đavưđốp, rồi thêm vào lời con gái:
- Gà gáy lần đầu nó đã dậy sắm sửa rồi đấy. Cứ háo hức như đứa trẻ con! Gì chứ về cái ngố rừng của cô ấy thì khỏi nói!... Bữa sắp được rồi đây. Vào đi, đồng chí Đavưđốp, ngồi chơi tí.
Ba bà con ăn vội ăn vàng món xúp bắp cải nấu từ hôm qua cùng mấy củ khoai tây rán, rồi uống sữa. Xong bữa, Đavưđốp đứng dậy, cám ơn bà chủ nhà, và nói:
- Nào, đi thôi. Varia từ biệt mẹ đi, nhưng phiên phiến thôi nhá. Chả việc gì phải mưa sướt mướt, có phải đi đời đi kiếp đâu. Có dịp lên khu, con sẽ đưa mẹ lên thăm con gái… Con ra xem qua lại ngựa. – Ra đến cửa, anh quay lại hỏi Varia: - Em có mang cái áo ấm nào đi không đấy?
Varia đáp, có ý ngượng ngập:
- Em có cái áo cánh bông, nhưng cũ lắm rồi…
- Cũ cũng được, đi dạ hội đâu mà diện, thực tế thế…
Một giờ sau họ đã khuất làng một quãng xa, Đavưđốp ngồi bên phải bác Suka, còn Varia thì ngồi bên trái. Thỉnh thoảng cô lại luồn tay qua lưng bác Suka, khẽ nắm lấy tay Đavưđốp một lát rồi lại thả mình nghĩ miên man. Trong cuộc đời con gái ngắn ngủi của cô, cô chưa xa làng lâu lần nào, mới chỉ có vài lần lên phố huyện, chưa trông thấy xe hỏa bao giờ, cho nên lần đầu tiên đi lên một thị trấn lớn, cô vừa hồi hộp phấn khởi, vừa bồn chồn lo lắng. Phải xa nhà, xa bạn dẫu sao cũng buồn, và chốc chốc mắt cô lại rơm rớm.
Qua phà sông Đông xong, trong lúc đôi ngựa bước một leo lên ngọn gò bên bờ sông, Đavưđốp nhảy xuống xe, vòng sang phía Varia ngồi, lững thững đi bộ bên xe. Đôi ủng anh bước quệt rụng những hạt sương bám hằng hà sa số trên những bụi ngải cứu thấp lè tè mọc bên đường, những hạt sương trong khi mặt trời chưa mọc nom vẫn còn nhợt nhạt, chưa long lanh đủ ngũ sắc cầu vồng như khi có những tia nắng đầu tiên rọi xuống. Chốc chốc anh lại nhìn Varia, mỉm cười động viên cô, nói:
- Kìa, Varia, tạnh mưa đi thôi chứ!
Hoặc: “Bêu! Con gái lớn tướng mà còn nhè!”.
Và Varia đang nước mắt ngắn nước mắt dài lại ngoan ngoãn kéo góc khăn vuông xanh lau đôi gò má ướt, thì thào câu gì nghe chẳng rõ, và bẽn lẽn mỉm cười với anh một nụ cười ngoan ngoãn.
Sương mù dày đặc trên vùng đồi núi đá vôi nhấp nhô của miền sông Đông này, và đỉnh ngọn gò còn bị mù che kín.
Vào cái giờ sớm tinh mơ này, kể cả cây mã đề thảo nguyên lẫn những cành nặng trĩu hoa vàng của cây kim hoa và lúa mọc từ chân gò ra sát tận đường đều chưa tỏa hương ban ngày của chúng. Ngay cả cây ngửi cứu thơm hắc như thế mà cũng không còn mùi gì nữa – mọi mùi hương đều đã bị sương nuốt chửng, một thứ sương đầm đìa ngọn cỏ, lá lúa, tưởng đâu như vừa mới có một trận mưa tháng bảy đổ xuống nơi đây. Cho nên vào cái lúc ban mai thanh bình phẳng lặng này, ngự trị toàn quyền trên thảo nguyên chỉ có hai mùi hương giản dị: của sương và của bụi đường thấm sương bết dí xuống.
Bác Suka, mặc chiếc áo mưa vải sơn cũ chẽn một thắt lưng vải đỏ còn cũ kỹ hơn, ngồi xo ro lạnh, và trái với lệ thường của bác, hồi lâu bác chẳng nói chẳng rằng, chỉ vung roi đen đét và huýt miệng giục đôi ngựa chẳng cần bác giục cũng đang chạy hăm hở rồi.
Nhưng mặt trời mọc lên thì bác như hồi tỉnh, và hỏi:
- Anh Xêmiôn ạ, làng xóm người ta tán là anh định lấy con bé Varia này đấy. Có đúng vậy không?
- Đúng đấy, bác ạ.
- Chậc, cái việc lấy vợ lấy chồng là việc chả chạy đâu cho thoát, sớm muộn rồi cũng phải lấy thôi, nghĩa là lão nói về giới đàn ông ta, - ông lão nói bằng một giọng triết lý cao siêu. – Mồ ma các cụ cố nhà lão cũng lấy vợ cho lão từ khi lão mới nứt mắt mười tám tuổi. Mà lão thì ngay từ hồi ấy cũng đã ranh kinh lắm cơ và đã hiểu cái trò lấy vợ lấy chồng là cái trò con tườu rồi… Thế cho nên lão mới vùng vẫy dãy dụa loạn lên nhá! Lão biết quá rõ lấy vợ chẳng phải là ngọt bùi gì đâu. Anh Xêmiôn ạ, thôi thì lão đã giả vờ đủ cách! Giả vờ điên này, giả vờ ốm này, giả vờ động kinh này. Để chữa cho lão bệnh điên, ông cụ lão, bình sinh là người già đòn non lẽ, đã lấy roi quật cho lão hai giờ đồng hồ liền, khi cái roi gãy đôi trên lưng lão mới thôi. Chữa bệnh động kinh thì cụ quất bằng dây cương ngựa. Còn khi lão giả vờ ốm thì thoạt tiên cụ quát thiên quát địa, bảo là ruột gan tim mề lão thối hết cả rồi, sau đó cụ chẳng nói chẳng rằng đi ra vác cái càng xe trượt tuyết vào. Nghĩa là cụ đã vào nhà kho, phá tan tành cái xe trượt tuyết để lấy độc chiếc càng mà chẳng biết xót ruột, cái cụ quỷ ấy! Đấy, mồ ma cụ tính như thế đấy, cầu Chúa cứu vớt linh hồn cụ! Cụ vác cái càng xe vào bảo lão, ngọt cứ như mía lùi: “Con ơi, con ngồi dậy, thày chữa cho con khỏi bệnh ngay đây…”. Lão nghĩ bụng: ối, cái càng xe cụ còn bẻ ngoéo đi không biết xót ruột thì cụ còn xót ruột gì mà không bẻ ngoéo cái cẳng của mình đi bằng lối chữa bệnh ấy của cụ. Cái càng xe trong tay cụ đâu phải chuyện bỡn. Hơn nữa ông cụ lão đôi lúc cũng hâm hâm, ngay từ hồi còn bé tẹo lão cũng đã thấy cái tật ấy của cụ rồi… Thế là lão nhảy phốc ngay trên giường xuống, cứ như có ai vẩy nước sôi vào đít vậy. và lão xin là lấy vợ. Phải ông bố lẩm cẩm thế thì lão cũng phải đành thế thôi chứ biết làm thế nào? Và từ đó cái đời lão nó rối tinh rối mù, nó khập khà khập khiễng, nó lộn tùng phèo, không ra thế nào! Nếu như bây giờ bà nhà lão nặng tròn tám pút thì hồi mười chín bà ấy cũng phải được là… - bác Suka ngẩng đầu lên, trầm ngâm nhai móm mém, rồi khẳng định dứt khoát: - ít ra là mười lăm pút, lão nói điêu lão chết!
Đavưđốp cười tưởng chết sặc, nói không ra hơi:
- Thế có nhiều quá không?
Bác Suka vặn lại anh một cách rất chí lý:
-Đối với anh thì có can hệ gì? Thêm một pút hay bớt một pút, đối với anh thì có gì là khác nhau nhỉ? Vì anh đâu có phải giơ lưng ra chịu những trận đòn của bà ấy, mà là lão đây cơ! Mẹ kiếp, chứ đa mang vợ vào, đời lão thật nhục như con chó, đến cái nước muốn treo cổ lên ấy chứ! Nhưng bà ấy đã vớ phải một tay chẳng vừa! Lão mà điên lên là lão liều! Mà lão liều là lão nghĩ bụng: bà cứ treo cổ trước đi, tôi sẽ treo sau…
Bác Suka vui vẻ ngó ngoáy đầu, cười khúc khích, vẻ như đang chìm đắm trong những ký ức linh tinh đủ các loại, và thấy chuyện mình nói được chăm chú nghe, bác cũng sẵn lòng kể tiếp:
- Chà, các đồng bào thân mến… và mày, Varia ạ! Hồi trẻ, lão và bà nhà lão yêu nhau ác liệt lắm nhá! Lão xin hỏi: tại sao lại bảo là ác liệt? Tại là vì suốt đời lão cái tình yêu ấy độc đưa vợ chồng lão đến những chuyện hung ác thôi, mà ác liệt và hung ác thì cũng chỉ là một, lão đã đọc trong quyển tờ điển dày cộp của anh Maka thấy nói như vậy.
Có những lần nửa đêm thức giấc, lão thấy bà ấy lần thì khóc rưng rức, lần thì cười, lão nghĩ bụng: “Cứ khóc đi, mình bé bỏng của tôi ơi, nước mắt đàn bà là những giọt sương rơi của Chúa, đời tôi sống với cô cũng chẳng phải ngọt bùi gì, nhưng tôi đâu có thèm khóc!”.
Và vợ chồng lão lấy nhau được năm năm thì xảy ra một chuyện như thế này: anh hàng xóm nhà lão tên là Pôlikarpơ đi lính cận vệ ở trung đoàn Atamanxki giải ngũ về. Thằng ma tịt ấy đi lính học được cái lối vuốt ria, và về nhà nó giở luôn cái trò vuốt ria ấy với vợ lão. Một buổi tối lão thấy nó cùng bà nhà lão đứng với nhau bên hàng giậu, nó một bên, bà nhà lão một bên. Lão cứ đi vào nhà, làm như đui mù, không trông thấy gì. Tối hôm sau lại vẫn thế. Lão nghĩ bụng: chà, cái trò bố láo đây! Ngày thứ ba lão cố tình vắng nhà tối mịt mới về: lại đứng thế! Quá thể lắm! Phải làm cái gì chứ nhỉ! Lão sáng kiến ra ngay: lão lấy một quả gang nặng ba phuntơ bọc vào trong cái khăn mặt, đi đất rón rén đến sau lưng thằng Pôlikarpơ, không để cho nó nghe thấy, rồi giữa lúc nó đang vuốt ria, lão choang cho nó một quả thật lực vào gáy. Nó quay cu lơ ra nằm thẳng cẳng dưới chân hàng giậu như một khúc gỗ.
Vài hôm sau thì lão lại gặp nó. Cu cậu đầu băng bó, cay cú bảo lão: “Bố tiên sư khỉ, mày oánh thế thì chết ông chứ còn gì!”. Lão liền bảo nó: “Cái thằng nằm quay cu lơ dưới chân hàng rào và cái thằng đứng hai chân đàng hoàng, trong hai thằng ấy chưa biết thằng nào khỉ”.
Từ hôm đó hai anh chị tịt hẳn cái trò đứng hàng rào, cứ như có phép tiên vậy. Có điều là chỉ ít lâu sau bà nhà lão học đâu được cái lối ban đêm cứ nghiến răng ken két. Một đêm, nghe thấy bà ấy nghiến răng lão giật mình choàng dậy, hỏi: “Mình bé bỏng của tôi đau răng hay sao đấy?!” Bà ấy đáp: “Mặc xác người ta, đồ khỉ!”. Lão nằm xuống, nghĩ bụng: “Cái người nghiến răng ken két và cái người ngủ say tít thò lò như thằng cu ngủ trong nôi, trong hai người ấy chưa biết ai khỉ!”.
Sợ chạm tự ái ông lão, Đavưđốp và Varia cứ ngồi im thin thít. Varia lẳng lặng cười, người rung lên bần bật, còn Đavưđốp thì quay đi, hai tay ôm mặt và không hiểu sao, cứ ho sặc sụa từng cơn. Bác Suka chẳng để ý gì, cao hứng kể tiếp:
- Đấy, yêu nhau ác liệt thì đôi lúc nó như thế đấy! Tóm lại là những cuộc lấy vợ lấy chồng hiếm khi đưa đến cái gì tốt đẹp, ấy là nói theo cái kinh nghiệm già đời của lão. Hoặc lấy xí dụ như trường hợp này: ngày xưa làng ta có một anh giáo trẻ. Anh ta có một cô vợ chưa cưới con một nhà buôn, cũng dân làng này. Cái anh giáo ấy rất chi là bảnh bao, rất chi là đẹp, ấy là lão nói về cách ăn mặc của anh ta, nom cứ như một chú gà sống choai, và chẳng cuốc bộ bao giờ, toàn đi xe đạp. Hồi ấy mới có xe đạp. Nếu như đối với bàn dân thiên hạ trong làng, cái xe đạp đầu tiên ấy đã là một của lạ thì đối với lũ chó lại càng khỏi phải nói. Anh giáo cứ ló mặt ra phố, hai bánh xe đạp sáng choang, là y như rằng bọn chó khốn kiếp kia làm cứ như điên như dại. Thế là để thoát khỏi bọn chó, anh ta cúi rạp người xuống xe mà phóng, hai chân đạp nhắng lên, nhanh đến nỗi không còn trông thấy cái gì nữa. Số chó con bị anh ta đè thì không biết bao nhiêu mà kể, nhưng phải nói là anh ta cũng khốn khổ khốn nạn với chúng nó!
Rồi một buổi sáng lão đi ra thảo nguyên tìm con ngựa cái. Lúc tắt qua quảng trường lão gặp ngay một đám cưới chó. Một ả chó cái chạy đầu, theo đuôi nó là cả một dây chó đực ít ra cũng ba chục con. Mà hồi ấy, mả mẹ cái dân làng ta, họ nuôi sao mà lắm chó thế! Con nào cũng dữ như cọp, và to không kém gì con bê. Chả là để chúng canh kho, canh hòm xiểng cho họ mà. Nhưng thế thì được cái tích sự gì? Chẳng được gì, chiến tranh đã làm cho họ còn có cái chết tiệt gì trong kho mà canh… Thế là cái đám cưới chó ấy, nó tiến về phía lão. Lão là người không đến nỗi đần độn cho nên lão quẳng luôn cái cương đi, và tót một cái lão đã leo lên đỉnh cột giây thép, nhanh như con mèo hạng chúa, lấy chân quặp lấy cột điện, ngồi đó nhìn. Vừa lúc đó thì anh chàng giáo học ở đâu đâm bổ ra, ngồi ngay đơ trên xe đạp với hai bánh và ghi đông sáng loáng. Chúng liền vây lấy anh ta. Anh ta quẳng xe, đứng giậm chân tại chỗ. Lão quát bảo anh ta: “Này, cái anh ngớ ngẩn kia, leo lên cột này mau lên, không chúng xé xác ra bây giờ!”. Khốn nạn cho anh ta, anh ta trèo lên, nhưng hơi muộn mất một tí: anh ta vừa túm lấy cái cột thì trong nháy mắt chúng đã lôi tuột của anh ta mất cái quần phăng mới toanh và cái áo đuôi tôm đại lễ có khuy đồng vàng chóe và tất cả bộ đồ lót. Và mấy con dữ nhất hình như đã ngoạm cả vào thịt ở cái chỗ kín nào đó của anh ta.
Chúng lấy anh ta làm trò mua vui chán chê rồi kéo nhau đi cái công việc cẩu trệ của chúng. Còn anh ta thì ở lại trên cột giây thép, may mắn còn giữ được trên người cái mũ kêpi có phù hiệu, nhưng đã gãy mất lưỡi trai trong lúc trèo vội.
Lão với anh ta ở trên chỗ trú ẩn ấy tụt xuống, anh ta xuống trước, lão xuống sau, vì lão leo cao lên tận gần chỗ các bình sứ mắc giây thép. Hai người nối đuôi nhau tụt xuống, anh ta nghĩa là trần như nhộng, còn lão thì mặc độc cái áo sơmi và cái quần vải gai. Anh ta đề nghị lão: “Chú ơi, chú cho cháu mượn tạm cái quần, nửa giờ cháu trả”. Lão bảo: “Anh bạn ơi, tôi cho anh mượn thế nào được, vì tôi không mặc quần lót. Anh lên xe anh đi, còn tôi giơ mông ra quay đèn cù quanh cái cột này giữa ban ngày ban mặt hay sao? Tôi có thể cho anh mượn tạm cái áo sơmi, còn quần thì xin lỗi anh, không được đâu”. Anh ta xỏ chân vào ống tay áo, lấy áo làm quần, khẽ đặt chân nọ lên trước chân kia mà nhích dần từng bước một. Lẽ ra thì anh ta phải ba chân bốn cẳng mà chạy thì mới phải, nhưng chân cẳng anh ta bị bó lại như ngựa bị tròng chân thế thì chạy sao được? Rồi cái cô con gái lão nhà buôn, là vợ chưa cưới của anh ta, đã trông thấy anh ta diện cái áo sơmi của lão như vậy… Và ngay hôm đó cuộc tình duyên của hai anh chị cũng chấm dứt luôn. Anh chàng vội vàng xin chuyển sang trường khác, phần vì xấu hổ, phần vì có ba hồn bảy vía thì bị chó làm cho mất sạch, phần vì bị vợ chưa cưới bỏ và cuộc tình duyên bị tan ra mây khói, anh chàng đã bị bệnh lao tẩu mã mà chết. Nhưng lão thì lão cho rằng anh ta chết vì sợ và xấu hổ thôi. Đấy, xem đấy thì biết cái chuyện yêu đương đáng nguyền rủa ấy dẫn người ta đến đâu, ấy là chưa nói đến những đám thành vợ thành chồng. Cho nên tội nghiệp anh, anh Xêmiôn ạ, anh nên suy đi nghĩ lại trăm lần cho kỹ đi đã rồi hãy lấy Varia. Giống đàn bà là đều ở cùng một lò ra cả, và chẳng phải vô cớ mà anh Maka với lão đều căm ghét họ.
- Được rồi, bác ạ, tôi sẽ nghĩ thêm, - Đavưđốp hứa, và lợi dụng lúc bác Suka châm thuốc lá, anh kéo vội Varia vào lòng, hôn lên thái dương cô, đúng cái chỗ có mớ tóc tơ đang lất phất trước gió.
Mệt vì kể chuyện và có thể là vì những ký ức gợi lại, chả mấy chốc bác Suka đã bắt đầu thiu thiu. Đavưđốp đỡ lấy dây cương ngựa từ bàn tay đã đờ đẫn của bác. Rũ ra vì buồn ngủ, bác lẩm bẩm:
- Lão cám ơn. Anh đánh ngựa hộ, để lão thiếp đi độ một tiếng. cái tuổi già đến là khổ! Cứ nắng lên một tí là buồn ngủ díp mắt… và mùa đông, càng rét lại càng buồn ngủ, có khi ngủ quên mà chết cóng cũng chưa biết chừng.
Loắt choắt và gầy guộc, bác nằm sóng soài giữa Varia và Đavưđốp, nom như cái roi ngựa vứt trên ghế, và chỉ lát sau đã ngáy o o như cây sáo diều.
Và thảo nguyên được ánh nắng mặt trời sưởi ấm lúc này đã tỏa ra tất cả các loại hương của muôn loài cây cỏ, quyện lẫn mùi cỏ khô với mùi bụi đường hâm hấp, và xa xa, đường chân trời chìm trong quầng ánh sáng đang mờ mờ hiện lên xanh ngát. Varia đưa mắt hau háu nhìn quanh, ngắm cảnh thảo nguyên xa lạ vùng bên kia sông Đông, xa lạ nhưng cũng lại vô cùng thân thiết.

*

Xẩm tối thì họ vượt được hơn một trăm cây số, và dừng xe lại nghỉ đêm ở chân một đống cỏ. Bữa tối là mấy thứ đồ ăn thức uống đạm bạc ở nhà mang đi; ăn tối xong, họ ngồi nghỉ một lúc bên xe ngựa, lẳng lặng nhìn trời sao. Đavưđốp nói:
- Mai ta lại phải dậy sớm đấy, liệu thu xếp chỗ ngủ đi thôi. Em Varia ạ, em lên xe nằm, lấy cái áo của anh mà đắp, còn hai bác cháu ta thì nằm dưới đống cỏ này.
- Quyết định rất chi là đúng, anh Xêmiôn ạ, - bác Suka vui vẻ hoan nghêng, rất hài lòng được ngủ chung với Đavưđốp.
Chả cần giấu rằng ông lão rất sợ phải ngủ một mình ở giữa nơi đồng đất xa lạ vắng tanh vắng ngắt này.
Đavưđốp nằm ngửa, hai tay vắt sau gáy, nhìn bầu trời xanh bàng bạc, thở dài một cái, rồi bất giác thấy mình mỉm cười bâng quơ.
Chỉ đến nửa đêm mặt đất ban ngày bị nắng thiêu mới nguội hẳn và trời mới thực mát mẻ. Dưới khe lũng, đâu đó, gần đây thôi, ắt hẳn phải có một cái hồ hoặc đầm lầy thảo nguyên gì đó, vì nghe thoang thoảng có mùi bùn, mùi cói. Một con cun cút kêu lên rất gần. Ếch nhái ộp oạp cất lên vài tiếng do dự. Một con cú mèo non nào ngái ngủ hú lên trong đêm khuya…
Đavưđốp vừa thiếp đi thì có một con chuột chạy sột soạt trong cỏ. Bác Suka nhảy chồm dậy nhanh như cắt lay Đavưđốp:
- Xêmiôn, anh nghe thấy gì không?! Chọn cái chỗ mả mẹ gì mà lạ thế này! Đống cỏ nhung nhúc những rắn. Anh nghe thấy không, đấy, cái giống khốn kiếp ấy nó đang bò sột soạt đấy! Rồi lại cú kêu, cứ y như ở nghĩa địa vậy… ta ra chỗ khác thôi, chỗ này đầy tử khí!
- Ngủ đi, đừng tưởng tượng nữa, - Đavưđốp ngái ngủ đáp.
Bác Suka lại nằm xuống và trằn trọc mãi. Bác nằm đắp chiếc áo mưa trùm kín đầu và dắt kỹ mép áo xuống xung quanh người, miệng lẩm bẩm:
- Lão đã bảo đem cái xe tải đi, nhưng anh cứ nằng nặc đòi mang cái xe con này đi để vấy cơ. Bây giờ mới sướng nhá! Mang cái xe tải đi thì đã có phải là chất được đầy xe toàn loại rơm tốt của nhà, đi cũng yên trí, và bây giờ cũng được ngủ cả ba người trên xe, chứ đâu đến nỗi phải chui rúc trong đống cỏ xa lạ như con chó hoang thế này. Varia nhà anh ngủ đàng hoàng trên xe, như cô tiểu thư ấy, còn chúng mình thì trên đầu sột soạt, hai bên sườn sột soạt, dưới chân cũng sột soạt, có ma biết con gì nó đang sột soạt? Được, anh cứ ngủ đi, cho con rắn nó bò vào, đớp cho anh một cái vào chỗ kín, rồi anh hết đường lấy vợ! Cái giống khốn nạn ấy nó mổ anh vào chỗ nào là chỗ ấy thối thịt ra mà chết ấy chứ. Đến lúc ấy thì cô Varia nhà anh sẽ đổ ra hàng thùng nước mắt, và như thế thì được cái tích sự gì nhỉ?... Lão thì chả con rắn nào cắn làm gì, lão già rồi, thịt dai, toàn những gân, hơn nữa lão lại sặc mùi dê đực, vì con Tơrôphim hay rúc vào bên lão mà ngủ ở trong kho cỏ, mà rắn thì nó kỵ mùi dê. Rõ ràng là nó sẽ cắn anh, chứ không cắn lão đâu… Nào, ta ra chỗ khác nằm đi!
Đavưđốp bực mình nói:
- Cái bố này hôm nay sao rắc rối thế? Nửa đêm thế này đi đâu?
Bác Suka buồn bã đáp:
- Anh đưa lão đến chỗ chết… Biết thế này thì lão đã vĩnh biệt bà nhà lão, chứ ai lại bỏ đi cứ như chưa hề là vợ là chồng với nhau bao giờ vậy. Anh Xêmiôn ơi, thế anh cứ nhất định không đổi chỗ à?
- Không. Ông ngủ đi.
Bác Suka thở dài đánh thượt một cái, làm dấu phép, rồi nói:
- Ngủ được thì đã sướng quá, anh Xêmiôn ạ, nhưng sợ xanh mắt thì ngủ sao được. Hết nghe thấy tim mình đập thình thịch lại đến cái con cú khốn kiếp kia nó hú, ồi, sao nó không câm cái họng nó đi…
Những lời ca cẩm nói bằng giọng đều đều của bác Suka đã ru Đavưđốp thiếp đi ngủ say như chết.
Trời hửng sáng thì anh thức giấc. Bên anh, Varia đang ngồi tựa vào đống cỏ, hai chân thu lại, và tay đang vuốt lại những mớ tóc rối lòa xòa trên trán anh. Và cái vuốt ve của những ngón tay con gái ấy nó nhẹ và dịu êm đến nỗi Đavưđốp đã tỉnh dậy rồi mà hầu như cũng không cảm thấy.
Còn ở trên xe thì bác Suka, nằm vào chỗ Varia và mình đắp chiếc áo bành tô của Đavưđốp, đang ngủ say tít cung mây.
Varia hồng hào như buổi rạng đông này, nhỏ nhẻ nói:
- Em đã chạy ra đầm rửa mặt rồi. Anh đánh thức ông cụ dậy, ta đi thôi! – Cô khẽ áp đôi môi lên lên cái má lởm chởm râu ria của Đavưđốp rồi nhẹ nhàng bật đứng dậy. – Anh đi rửa mặt đi chứ, anh Xêmiôn? Em chỉ đường cho.
Đavưđốp đáp, giọng khê nặc:
- Đi rửa mặt bây giờ thì muộn quá, Varia, anh rửa dọc đường vậy. Con chuột đồng già kia đánh thức em dậy đã lâu chưa?
- Bác ấy có đánh thức em đâu. Tang tảng sáng em thức dậy thì thấy bác ấy đang ngồi bó gối hút thuốc cạnh anh. Em hỏi: “Bác không ngủ à?”. Bác ấy trả lời: “Cả đêm qua lão không ngủ cô em ạ, quanh đây toàn những rắn. Cô đi dạo chơi thảo nguyên một vòng, để lão nằm vào chỗ cô chợp đi độ tiếng đồng hồ, ngủ cho yên”. Thế là em dậy, đi ra đầm rửa mặt.
Buổi sáng hôm ấy, họ đã đến Milêrôvô. Đavưđốp vào trụ sở khu ủy độ nửa tiếng, rồi quay ra, vẻ phấn khởi, mỉm cười nói:
- Đồng chí bí thư đã giải quyết mọi việc cho ta theo đúng tác phong của một khu ủy, nghĩa là nhanh, gọn: chị em trong chi đoàn Kômxômôn cơ quan khu ủy sẽ đỡ đầu em đấy, em Hẩm hiu ạ. Và ta đi ngay bây giờ đến trường canh nông, anh sẽ đưa em vào nhận chỗ ăn ở. Đã thương lượng và thống nhất với đồng chí hiệu phó rồi. Từ nay cho đến ngày thi vào trường, anh em giáo viên sẽ bổ túc cho em, để đến sang thu là em đã được trang bị đến tận răng, thực tế thế! Chị em trên khu sẽ xuống thăm em, anh đã thảo luận với họ qua giây nói. – Theo thói quen, Đavưđốp xoa xoa mạnh hai bàn tay, hỏi: - Varia ạ, em có biết họ cử ai về chỗ ta làm bí thư chi đoàn Kômxômôn không? Em có ngờ được là ai không? Ivan Naiđênốp, cái anh chàng đội tuyên truyền về ta hồi mùa đông ấy mà! Một thằng cha rất năng nổ, hắn về thì anh mừng ghê lắm. Công tác chi đoàn của ta sẽ chạy băng băng, anh nói chắc chắn với em như vậy!
Hai giờ sau thì cả ở trường canh nông mọi việc cũng được thu xếp xong ổn thỏa. Phút chia tay đã đến. Đavưđốp nói bằng giọng cứng cỏi:
- Chào em Varia Hẩm hiu của anh! Đừng buồn, em hãy học cho tốt. Vắng em, ở nhà cũng chẳng xảy ra chuyện gì đâu.
Và lần đầu tiên anh hôn lên môi Varia. Rồi theo hành lang đi ra. Tới cửa, anh nhìn ngoái lại thì bỗng một niềm thương hại da diết làm lòng anh thắt lại, đến nỗi anh cảm thấy lớp ván sàn gồ ghề hình như tròng trành dưới chân anh, như mặt boong tàu: Varia đang đứng tì trán vào tường, hai tay ôm mặt, tấm khăn vuông xanh lơ tuột sã, sao mà đau khổ, cái đau khổ không còn trẻ dại nữa; Đavưđốp chỉ còn biết kêu lên một tiếng cắm cổ bước vội ra ngoài.
Rời làng ra đi, đến cuối ngày thứ ba thì anh trở về Grêmiatsi Lốc.
Khuya rồi mà Nagunốp và Radơmiốtnốp vẫn còn ngồi ở ban quản trị đợi anh. Nagunốp lầm lầm bắt tay anh, và cũng lầm lầm như thế, nói:
- Xêmiôn ạ, mấy hôm nay cậu làm gì mà mất mặt suốt: lên huyện chán rồi lại lên khu… Có việc gì quan trọng thế mà phải đi Milêrôvô?
- Khi nào cần mình sẽ báo cáo. Ở nhà có gì mới không?
Radơmiốtnốp không đáp, mà lại hỏi:
- Dọc đường cậu có để ý xem lúa không? Trên ấy đã chín chưa?
- Đại mạch có đám gặt được rồi, nhưng cũng còn chín lỏi, lúa mạch đen cũng vậy. Nhưng theo mình thì mạch đen có thể gặt đại trà được rồi, nhưng không hiểu sao các ông hàng xóm của ta vẫn lề mề.
Radơmiốtnốp như nói một mình:
- Thế thì ta cũng chẳng đi đâu mà vội. Nắng ráo thì xanh một tí cũng gặt được, nó sẽ chín tiếp khi còn để lại trên ruộng. Nhưng ngộ mưa thì sao? Mưa thì hỏng bét.
Nagunốp đồng ý với anh:
- Đợi ba ngày thì cũng được thôi, nhưng hết ba ngày thì liệu lăn xả vào mà gặt, bằng cả tay cả răng, không thì huyện ủy sẽ ăn thịt cậu đấy, Xêmiôn ạ Còn mình và Anđrây thì họ băm chả làm đồ nhắm… Nhân tiện, mình cũng có tin mới bảo các cậu: mình có một anh bạn đồng ngũ hiện công tác ở nông trang quốc doanh, và hôm qua mình đã đến thăm hắn. Từ lâu rồi hắn cứ mời mình đến chơi, nhưng chả lúc nào đi được. Hôm qua mình mới quyết. Mình nghĩ bụng: ta đến chơi hắn một hôm, vừa là thăm bạn, vừa là nhân thể xem cái máy cày nó thế nào. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa được thấy bao giờ, nên cũng tò mò muốn thấy! Họ đang cày đất hưu canh và ngày hôm ấy mình cứ lang thang ngoài đồng suốt. Chà, cái máy kéo Phorđxơn ấy, phải nói là hay ra phết, các cậu ạ! Đất hưu canh thì có cày nhanh như ngựa chạy nước kiệu ấy. Nhưng đất hoang ở chỗ vòng thì khổ thân nó, nó không đủ sức. Nó chồm lên như một con ngựa chưa thuần gặp chướng ngại vật. Nó dựng đứng lên một lúc, rồi lại buông phịch bánh xuống đất, vòng trở lại đi cày đất hưu canh, chứ đất hoang thì nó chịu… Nhưng nông trang ta có được đôi ngựa ấy thì dẫu sao vẫn cứ hay, mình nghĩ như thế và lúc nào đầu óc cũng lởn vởn cái ý nghĩ ấy. Một cơ sở sản xuất thì rất nên có cái của ấy! Mình mê mải với nó, chẳng còn lúc nào ngồi uống với ông bạn cốc rượu. Mình ở cánh đồng của họ về thẳng nhà.
- Nhưng cậu định đi tham quan Trạm máy kéo Martưnốpxkaia cơ mà? – Radơmiốtnốp hỏi.
- Trạm máy kéo với nông trang thì có gì khác nhau? Đâu thì cũng vẫn là cái máy cày ấy. Hơn nữa lại xa, mà mùa màng thì đến đít rồi.
Radơmiốtnốp nheo nheo mắt ranh mãnh:
- Thú thật là mình đã nghi oan cho cậu, Maka ạ, mình cứ tưởng cậu đi Martưnốpxkaia rồi tạt qua Sakhơtư thăm Luska…
- Mình đấm thèm vào! – Nagunốp nói dứt khoát. – Nếu là cậu thì chắc cậu đi đấy, mình đi guốc vào bụng cậu!
Radơmiốtnốp thở dài:
- Cô ấy mà là vợ cũ của mình, thì không những nhất định mình đến thăm mà còn ở lỳ với cô ta ít ra là một tuần lễ! – Rồi nói tiếp, bây giờ thì bằng giọng khôi hài: - Mình đâu phải loại anh hùng rơm như cậu!
- Mình đi guốc vào bụng cậu, - Nagunốp nhắc lại. Rồi ngẫm nghĩ một tí, anh nói tiếp: - Còn mình thì đâu phải loại lẵng nhẵng bám đít đàn bà như cậu, đồ quỷ mê gái!
Radơmiốtnốp nhún vai:
- Mình đã sống cảnh góa vợ mười ba năm nay. Cậu còn muốn gì mình nữa?
- Thế cho nên cậu mới lẵng nhẵng bám đít đàn bà chứ gì!
Sau một phút im lặng, Radơmiốtnốp nói nhỏ, và bây giờ thì bằng một giọng hoàn toàn đứng đắn:
- Mà có lẽ trong mười hai năm nay mình vẫn yêu một người, cậu không biết à?
- Cậu ấy ư? Còn lâu mình mới tin cậu!
- Chỉ một người thôi.
- Hay lại là Maria Poiarkôva?
- Là ai thì không việc gì đến cậu, và cậu cũng đừng nhảy chồm chồm vào đời tư người khác! Có thể là bữa nào say bí tỉ mình sẽ kể cậu biết ai là người mình đã yêu và đến bây giờ vẫn đang yêu, nhưng… Maka ạ, cậu là người lạnh như băng giá, chả hơi đâu mà tâm sự với cậu. Cậu đẻ vào tháng nào nhỉ?
- Tháng Chạp.
- Mình cũng đoán như vậy. Chắc là một hôm ra cái lỗ cuốc trên mặt băng lấy nước, bà cụ đã đẻ rơi cậu ngay trên mặt băng, vì thế cho nên suốt đời cậu lúc nào cậu cũng toát ra hơi băng. Vậy thì tâm sự với cậu làm gì cho hoài hơi?
- Còn cậu thì đẻ ra trên miệng hỏa lò đang cháy phải không?
Radơmiốtnốp nhận luôn:
- Có vẻ thế lắm! Vì vậy lúc nào mình cũng toát ra hơi ấm, như những hôm gió hanh nóng. Còn cậu thì khác.
Nagunốp ngán ngẩm nói:
- Chuyện chán bỏ mẹ! Xin đủ cái chuyện gái ấy thôi, thà để thời giờ mà bàn chuyện phân công ai xuống đội nào để đôn đốc chuẩn bị cho vụ gặt.
Radơmiốtnốp phản đối:
- Không được, chuyện đang nói dở thì cứ nói nốt, còn việc ai xuống đội nào thì thiếu gì lúc bàn. Maka ạ, chuyện như thế này, cậu thử bình tĩnh phân tích mình nghe: cậu bảo mình là mê gái, nhưng lúc này làm sao lại có thể mê gái được nếu như mình sắp mời cả hai cậu đến dự đám cưới mình?...
- Lại còn đám cưới gì nữa thế nhỉ? – Nagunốp nghiêm khắc hỏi.
- Đám cưới mình lấy vợ chứ còn đám cưới gì! Bà cụ mình già lắm rồi, lo việc nhà không nổi nữa và bắt mình lấy vợ.
- Và cậu nghe bà cụ chứ gì, đồ khỉ già? – Nagunốp không giấu nổi cơn phẫn nộ ghê gớm của mình.
Radơmiốtnốp làm vẻ nhũn như chi chi, đáp:
- Thì mình biết làm thế nào được, hả cậu ơi?
- Đồ ngu khổ khu sở! – Rồi trầm ngâm gãi gãi cuống mũi, Nagunốp kết luận: - Xêmiôn ạ, mình với cậu đến phải thuê chung một gian buồng, ở chung với nhau cho đỡ buồn. Và trước cửa ta sẽ viết: “Dành riêng cho những người không thèm lấy vợ”.
Đavưđốp vội đáp luôn:
- Ý đồ ấy thì không thành rồi, Maka ạ. Mình đã hỏi vợ và chính vì thế mà mình đi Milêrôvô đấy.
Nagunốp đưa con mắt dò xét nhìn hết Đavưđốp lại đến Radơmiốtnốp, cố hiểu xem hai người nói đùa hay nói thực, rồi anh từ từ đứng dậy, hai lỗ mũi nở phồng, thậm chí mặt hơi tái đi vì xúc động.
- Các cậu có hóa dại không đấy thì bảo? Mình hỏi các cậu lần cuối cùng: các cậu nói thế là nói thực hay là định nỡm tôi? – Nhưng chẳng đợi trả lời, anh quyết liệt nhổ toẹt một bãi xuống dưới chân, rồi chẳng chào ai, lừng lững đi ra.