Ăn tối xong, Đavưđốp trở về buồng, vừa ngồi vào bàn định xem qua mấy tờ báo bưu điện mới đưa tới thì nghe thấy một tiếng gõ nhẹ vào khung cửa sổ. Anh hé mở cửa sổ ra. Nagunốp bước một chân lên thềm, thì thào nói:
- Chuẩn bị hành động! Nhưng mở cửa ra đã, mình vào kể cho mà nghe…
Gương mặt đen sạm của anh nom tái mét và căng thẳng. Anh nhẹ nhàng nhảy qua cửa sổ, tiện thể ngồi luôn xuống tấm ghế đẩu và đấm vào đầu gối.
- Mình đã bảo mà, Xêmiôn ạ, diễn ra đúng như ta dự đoán! Thế là mình đã phát hiện ra một thằng rồi. Mình nằm phục đến hai tiếng đồng hồ cạnh nhà Ôxtơrốpnốp thì bỗng thấy có một thằng, nom dáng thâm thấp, lò mò bước, nghe ngóng rất thận trọng, chắc đó là một trong những tên chó má ấy… Mình đến phục hơi muộn, lúc ấy đã tối rồi. Mình đến muộn vì phải ra đồng. Biết đâu trước nó chả đã có một thằng khác nữa đến rồi? Tóm lại, ta đi thôi, dọc đường sẽ lôi Radơmiốtnốp cùng đi, không nên chậm trễ. Ta sẽ bắt được chúng nó còn tươi nguyên, ngay tại nhà Iakốp Lukits! Không thì chí ít cũng tóm được một thằng ấy.
Đavưđốp thọc tay vào dưới gối lấy ra khẩu súng lục.
- Nhưng bắt bằng cách nào? Ta bàn qua trước đi.
Nagunốp rít một hơi thuốc lá, khẽ nhếch mép cười:
- Việc này mình làm quen lắm rồi. Cậu nghe mình bảo, thế này nhé; cái thằng thâm thấp ấy, nó không gõ cửa ra vào, mà lại gõ cửa sổ, như mình gõ vừa rồi. Nhà Iakốp Lukits có gian buồng xép có một cửa sổ nhỏ ăn ra sân. Cái thằng gian ấy, nó mặc áo dipun hoặc áo mưa cộc gì đó, tối quá mình nom không rõ. Nó gõ vào cửa sổ, rồi ai đó, hoặc là Iakốp Lukits, hoặc là thằng Xêmiôn con trai lão ấy, khẽ hé cửa ra, và nó lẻn vào nhà. Lúc bước lên thềm, nó ngó quanh một cái, lúc vào cửa, lại ngó cái nữa. Mình nằm sau hàng giậu nom rõ hết. Xêmiôn ạ, cậu phải biết là người lương thiện không ai lại đi đứng kiểu lấm la lấm lét như chó sói thế! Mình đề nghị kế hoạch như thế này nhá: mình với cậu sẽ gõ cửa, còn Anđrây sẽ nằm phục ngoài sân, bên cửa sổ. Đứa nào ra mở cửa cho chúng ta, chúng ta sẽ rõ, nhưng cái cửa gian phòng xép, mình nhớ, đi ở ngoài hành lang vào thì nó là cái cửa đầu tiên, bên phải. Cẩn thận, cửa sẽ khóa chặt đấy, có khi phải phá. Hai chúng mình sẽ vào, và nếu có thằng nào nhảy qua cửa sổ, Anđrây sẽ hạ nó. Ta sẽ bắt sống mấy ông khách đêm này, không khó lắm đâu! Mình sẽ phá cửa, cậu sẽ đứng lùi phía sau một tí, lôi thôi thì bắn luôn, không vớ vẩn gì hết!
Maka hơi nheo nheo mắt lại nhìn thẳng vào mắt Đavưđốp, và một lần nữa, bóng một nụ cười lại thoáng hiện trên đôi môi cương nghị của anh:
- Cái đồ chơi này cậu chỉ cầm trong tay, nên kiểm tra lại băng và cho đạn lên nòng đi, ngay tại đây. Ta ra bằng lối cửa sổ này, rồi khép lại.
Nagunốp xiết lại thắt lưng áo varơi, vứt mẩu thuốc lá xuống sàn, nhìn mũi và ống đôi ủng bê bết đất cát, rồi lại cười nụ:
- Vì mấy cái đồ rác rưởi khốn nạn ấy mà mình phải lăn lộn đất cát như con chó con, nằm sắp sạp, lê la khắp, đợi các vị khách quý… Một thằng đã xuất hiện rồi… Nhưng mình cho là ở đó chúng nó có khoảng hai ba thằng gì đó, không hơn. Chẳng có lẽ lại là cả một tiểu đội?
Đavưđốp kéo quy-lát, đẩy một viên đạn lên nòng, đút khẩu súng lục vào túi áo véttông, nói:
- Maka ạ, hôm nay sao cậu có vẻ phởn thế? Ngồi nhà mình có năm phút thế mà đã ba lần mỉm cười…
- Xêmiôn ạ, làm cái việc thích thú thì cười chứ sao.
Họ leo qua cửa sổ ra ngoài, khép cánh cửa chớp lại, đứng một lát. Đêm ấm áp, từ phía dưới sông thoảng lên hơi gió mát, xóm làng thiêm thiếp ngủ, những lo âu bận rộn thanh bình trong ngày đã chấm dứt. Đâu đó một ả bò cái tơ rống lên, đằng cuối làng mấy con chó sủa, bên hàng xóm một chú gà sống bàng hoàng tỉnh giấc, nhẩm sai giờ cất giọng gáy không phải lúc. Maka và Đavưđốp lẳng lặng đi tới nhà Radơmiốtnốp. Maka gập ngón tay trỏ gõ rất khẽ vào khung cửa sổ. Một lát sau, trông thấy khuôn mặt Anđrây hiện ra lờ mờ, anh vẫy tay ra hiệu gọi, chỉ trỏ khẩu súng lục.
Đavưđốp nghe thấy trong nhà vọng ra một tiếng nói nén giọng, nghiêm nghị:
- Mình hiểu rồi. Ra ngay đây.
Radơmiốtnốp hiện ra ở bậc cửa gần như liền sau đó. Trước khi khép cửa lại, anh ngoái vào trong nhà nói bằng một giọng hơi bực dọc:
- Cô rắc rối lắm, Nhiurka ạ! Xôviết triệu tập lên có việc chứ người ta đi chơi đâu! Thôi ngủ đi, đừng thở dài nữa, anh về ngay bây giờ đây.
Ba người đứng xúm lại bên nhau. Radơmiốtnốp phấn khởi hỏi:
- Tóm được chúng nó rồi à?
Nagunốp thì thầm kể qua đầu đuôi câu chuyện.
… Cả ba người lẳng lặng bước vào căn nhà Iakốp Lukits. Radơmiốtnốp ngồi xổm tựa lưng vào chân tường âm ẩm bên cửa sổ. Anh thận trọng đặt ghếch nòng súng lục lên đầu gối, khỏi mỏi cổ tay phải vô ích.
Nagunốp bước lên bậc thềm đầu tiên, tới trước cửa, lắc canh cách cái vòng khóa cửa.
Ngoài sân và trong nhà Ôxtơrốpnốp im lặng như tờ. Nhưng cái im lặng nặng nề ấy kéo dài không lâu: từ trong hành lang vọng ra giọng Iakốp Lukits, nghe vang to lạ lùng:
- Quái, ai đêm hôm còn mò đến thế nhỉ?
Nagunốp đáp:
- Ông Iakốp Lukits ơi, xin lỗi, khuya rồi còn đến đánh thức ông, nhưng có việc, tôi với ông phải đi sang nông trường ngay bây giờ. Việc gấp lắm, không hoãn mai được.
Một phút im lặng ngắc lại.
Nagunốp đã sốt ruột dục:
- Thế nào? Mở cửa ra!
- Đồng chí Nagunốp ạ, khuya khoắt thế này, tối mò mò… Mấy cái then này… khó mở quá, đồng chí đợi cho tí.
Bên trong nghe có tiếng chốt sắt nặng lách cách, rồi tấm cửa nặng nề chỉ mở hé ra.
Nagunốp lấy vai trái đẩy mạnh cánh cửa, xô Iakốp Lukits vào tường, bước sấn vào hành lang, nói với qua vai bảo Đavưđốp:
- Lôi thôi quất luôn!
Một mùi nhà ở ấm áp lẫn với mùi hạt hống bố tươi xộc vào mũi Nagunốp. Nhưng lúc này anh chả thời giờ đâu mà để ý đến mùi vị. Tay phải lăm lăm khẩu súng lục, anh đưa tay trái nhanh nhẹn lần sờ tìm cánh cửa gian phòng xép, rồi đạp một cái bật tung cánh cửa chỉ cài chốt sơ sài.
- Ai thì nói ngay, không tao bắn!
Nhưng anh không kịp bắn: tiếp theo tiếng quát của anh, một quả lựu đạn nổ gầm lên ngay bên ngưỡng cửa, rồi một loạt súng máy choang choang, nghe thật rùng rợn trong đêm khuya tĩnh mịch. Liền sau đó, tiếng cửa kính vỡ loảng xoảng, một tiếng súng nổ lẻ loi ngoài sân, một tiếng ai kêu…
Nagunốp ngã quật xuống chết ngay tại chỗ, người nát mảnh lựu đạn. Đavưđốp xông vào phòng, kịp bắn bừa hai phát vào bóng tối rồi hứng luôn một tràng súng máy.
Anh ngã ngửa xuống, bất tỉnh nhân sự, đầu ngửa ra sau một cách đau đớn, bàn tay trái nắm chặt một mảnh gỗ cánh cửa bị đạn xé văng ra.
*
Chao ôi, không phải dễ dàng gì mà sự sống rứt khỏi cái lồng ngực rộng bị bắn xuyên thủng bốn lỗ của Đavưđốp…từ cái lúc các bạn anh khiêng anh về, dọc đường vấp dúi dụi trong đêm tối nhưng cố hết sức để anh khỏi bị lắc, chưa có một lần nào anh hồi tỉnh lại, và cuộc chiến đấu gay go của anh chống lại thần chết đã kéo dài mười sáu tiếng đồng hồ rồi…
Tảng sáng, một đôi ngựa chạy sùi cả bọt mép đã đưa ông bác sĩ phẫu khoa trên huyện về, một con người còn trẻ nhưng nghiêm trang trước tuổi. Ông vào phòng Đavưđốp nằm, ở đó không quá mười phút, và trong thời gian đó các đảng viên chi bộ Grêmiatsi và bao nhiêu nông trang viên ngoài Đảng yêu quý Đavưđốp đứng ngóng ngoài bếp trong sự im lặng căng thẳng, chỉ nghe thấy một lần từ trong phòng vẳng ra một tiếng rên nhẹ âm thầm của Đavưđốp, như tiếng rên trong mê. Bác sĩ bước ra bếp, lấy khăn lau tay, ống tay áo xắn cao, mặt tái nhợt, nhưng vẻ ngoài nom bình tĩnh. Ông cầm khăn lau tay, trả lời câu hỏi lặng lẽ của bà con đứng đấy:
- Không hy vọng gì. Chẳng tài nào cứu được. Anh ấy còn sống đến bây giờ cũng là lạ! Để anh ấy nằm nguyên đấy, đừng chuyển đi đâu cả, và nói chung không nên đụng chạm đến bệnh nhân. Nếu kiếm được đâu nước đá… mà thôi, không cần. Nhưng cần có người luôn luôn túc trực bên anh ấy.
Radơmiốtnốp và Maiđanhikốp theo gót bác sĩ ở trong buồng bước ra. Môi Radơmiốtnốp cứ run run, và đôi mắt ngây dại của anh ngơ ngác đảo nhìn gian bếp mà chẳng trông thấy đám bà con dân làng đứng túm tụm đấy. Maiđanhikốp đi, đầu cúi gằm, hai đường gân xanh nổi phồng lên kinh khủng hai bên thái dương, và hai nếp nhăn vắt ngang trán, gần sát sống mũi, đỏ ửng lên như hai vết sẹo. Mọi người, trừ Maiđanhikốp, túm tụm bước ra thềm, tản xuống sân. Radơmiốtnốp đứng đè ngực lên cổng hàng giậu, đầu rũ xuống, và hình như có những lớp sóng dội lên rung mạnh đôi bả vai anh. Ông lão Salưi bước tới hàng giậu, nắm lấy một cái cột gỗ sồi đã nghiêng, lay như điên như dại. Đemka Usakốp thì đứng úp mặt vào tường nhà kho như một học sinh bị phạt, lấy móng tay cạo cạo lớp vữa tường bị nước mưa xói lở, nước mắt ròng ròng lăn xuống má cũng chẳng buồn lau. Mỗi người chịu đựng một cách sự mất mát này, nhưng cái tang lớn đang trút lên đầu mọi người này là một niềm đau chung…
Đavưđốp qua đời đêm hôm ấy. Trước khi chết anh có hồi tỉnh lại một lát. Ngước mắt nhìn bác Suka đang ngồi bên đầu giường một cái, anh ngạt thở, nói:
- Có gì mà khóc thế hả bác? – Nhưng liền đó đờm và máu trong mồm anh ứa ra. Anh nghèn nghẹn cổ nuốt vài cái, ngả cái má nhợt nhạt xuống mặt gối, rồi phều phào mấy lời cuối cùng: - Không nên thế… - và cố mỉm cười.
Rồi rên dài một tiếng, anh nặng nề ruỗi thẳng người, và tắt thở…
… Thế là Đavưđốp và Nagunốp, hai con người mà tôi yêu quý, không còn nữa. Con chim họa mi miền sông Đông không còn hót cho họ nghe nữa, ngọn lúa chín vàng không còn thì thầm chuyện trò với họ nữa, và dòng sông không tên từ đâu đó trên thượng nguồn lũng Grêmiatsi chảy về không còn reo vui trên lòng đá sỏi róc rách bên tai họ nữa… Thế là hết!
*
Hai tháng trôi qua. Trên đầu Grêmiatsi Lốc vẫn lững lờ như vậy những đám mây trắng giờ đây đã ngả sang đám mây thu trên nền trời cao bạc phếch đi vì nắng hạ, nhưng lá cây dương đã dát vàng hai bên bờ con ngòi Grêmiatsi mà dòng nước đã trong vắt và lạnh giá. Và trên hai ngôi mộ của Đavưđốp và Nagunốp được mai táng ở cái bãi cách trường học một quãng, đã xuất hiện một lớp cỏ xanh úa còi cọc dưới sự ấp ủ của của cái nắng hiếm hoi mùa thu. Thậm chí lại còn có một cánh hoa thảo nguyên không tên nào đó nép vào thanh gỗ hàng rào mà vươn lên, cố khẳng định một cách muộn màng cuộc sống lay lắt của nó. Ngược lại ba ngọn hướng dương mọc ra sau những trận mưa vào tháng Tám cách hai ngôi mộ không xa, đã vươn lên cao được chừng nửa thước và đã bắt đầu nhẹ nhàng đung đưa mỗi khi có ngọn gió là là thổi qua bãi.
Hai tháng qua bao nhiêu nước đã chảy xuôi đi dưới lòng con ngòi Grêmiatsi. Làng xóm cũng có nhiều sự đổi thay. Chôn cất hai người bạn xong, bác Suka đã đuối đi trông thấy, khác hẳn đi, nom không nhận ra nữa: bác tránh những chỗ đông người, lầm lì ít nói, và càng mau nước mắt hơn trước… Ma chay xong, bác về nhà, nằm liệt giường bốn ngày đêm, và khi bác dậy thì bà lão không dấu nổi kinh hoàng, thấy miệng bác méo xệch đi và cả nửa bên trái mặt bác như lệch vẹo.
- Ông làm sao thế này? – bà lão hoảng hốt chắp hai tay kêu thốt lên.
Lưỡi hơi líu lại, bác Suka thản nhiên đáp, và đưa mu bàn tay lên quệt nước rãi ở góc mép trái rớt xuống:
- Có gì là lạ? Những người trai trẻ như thế mà còn nằm xuống thì tôi cũng đã đến lúc về chầu trời từ lâu rồi. Nhiệm vụ rõ chưa?
Nhưng khi lững thững đi ra bàn thì bác nhận thấy cẳng tay trái bác như bị liệt. Và cuốn điếu thuốc, bác khó nhọc mới cất nổi tay trái lên…
- Thôi đúng rồi, bà nó ạ, tôi bị liệt rồi, mả mẹ nó! Tôi thấy trong người nó khang khác, không như ít lâu trước. – Bác Suka vừa nói vừa ngạc nhiên nhìn bàn tay nó không chịu nghe bác sai khiến nữa.
Tuần lễ sau bác đã kha khá hơn, dáng đi đã vững hơn, không cần cố gắng cũng điều khiển được tay trái, nhưng bác từ chối dứt khoát không nhận làm xà ích nữa. Đến trụ sở nông trang, bác đã tuyên bố như vậy với Kônđrát Maiđanhikốp, chủ tịch mới của nông trang.
- Tôi xin từ cái chân đánh xe ngựa thôi, anh Kônđrát ạ, chả còn sức đâu mà trị được ngựa.
- Tôi với anh Radơmiốtnốp đã nghĩ về trường hợp của bác, - Maiđanhikốp đáp. – Nếu phân công bác làm thường trực gác cửa hàng hợp tác thì bác nghĩ sao? Chúng tôi sẽ dựng cho bác cái chòi ấm áp, mùa đông sẽ đặt vào đấy cái lò sưởi gang, làm cái ổ, và sẽ cấp cho bác một chiếc varơi bông, chiếc áo ngoài và đôi ủng dạ. Sống thế nghe thế nào? Bác sẽ có lương này, công tác nhẹ này, và quan trọng nhất là có việc làm cho đỡ buồn. Thế nào, bác đồng ý chứ?
- Giêsu lạy Chúa tôi, lão nghe cũng thấy hợp đấy. Cám ơn các anh đã không quên lão. Dù sao thì đêm lão vẫn kém ngủ và dạo này thì hoàn toàn chả chợp mắt được tí nào. Nhớ hai anh ấy, anh Kônđrát ạ, thế rồi giấc ngủ nó như trốn mình hẳn… Thôi, lão đi chia tay với mấy con ngựa rồi về nhà đây. Lão phải giao ngựa cho ai bây giờ?
- Cho cụ Bexkhlépnốp.
- Ông cụ ấy cứng cáp đấy, còn lão thì đuối lắm rồi. Hai anh Maka và Đavưđốp đã làm lão kiệt sức, và lão có bao nhiêu vía thì các anh ấy mang đi theo hết sạch… Còn các anh ấy thì lão cũng cố sống dấn thêm một hai năm nữa đấy, nhưng các anh ấy đi rồi, phải lăng xăng trên đời này lão thấy phát ớn… - Bác Suka buồn bã nói và lau mắt bằng cái chỏm mũ lưỡi trai cũ kỹ.
Từ đêm hôm ấy bác bắt đầu thường trực gác cửa hàng.
Mộ của Đavưđốp và Nagunốp bao bọc một hàng rào thấp, ở đối diện cửa hàng, cách một quãng không xa, và ngay ngày hôm sau, bác Suka mang cưa và rìu ra đóng một tấm ghế dài nhỏ đặt bên hàng rào. Đêm đêm bác sẽ ra đấy ngồi gác.
- Thế này là lão được gần các anh ấy… Có lão, các anh ấy nằm đây cũng vui hơn, và lão ngồi bên các anh ấy cũng thấy đêm ngắn đi nhiều. Anh Anđrây ạ, đời lão không có con, ấy thế mà lão cảm thấy như mình đã mất luôn một lúc hai đứa con… Và cái tim lão, mả mẹ nó, ngày đêm nó cứ đau nhoi nhói, không để cho lão yên lúc nào! – bác nói với Radơmiốtnốp như thế.
Và Radơmiốtnốp, giờ đây là bí thư chi bộ, nói chuyện với Maiđanhikốp, tỏ vẻ lo lắng:
- Kônđrát à, cậu có thấy bác Suka nhà ta dạo này già đi tợn không? Ông lão sầu não về hai anh ấy thế nào mà nom người không còn nhận ra nữa. Xem có vẻ cũng sắp về đến nơi rồi… Đầu cứ lẩy bà lẩy bẩy, và tay thì đầy nốt đen. Lạy Chúa, ông lão đi thì sẽ là cái tang đau đớn cho bà con ta đấy! Ta đã quen có ông lão lẩm cẩm ấy rồi, ông ấy đi thì làng xóm sẽ cảm thấy có cái gì trống trống.
Ngày đã ngắn hơn, và khí trời trong trẻo hơn. Gió không đưa tới hai ngôi mộ mùi hương hăng hắc của cây ngải cứu ngoài thảo nguyên nữa mà là mùi rơm lúa mới đập la liệt ở sân kho phía sau làng.
Làng bắt đầu đập lúa thì bác Suka cảm thấy vui lên: cho đến tận khuya, máy quạt lúa chạy ầm ầm trong các nhà kho, trục đá lăn lục cục trên nền đất nện, tiếng người í ới xen lẫn với tiếng ngựa hí. Rồi tất cả lặng tờ. Đêm đã dài và tối hơn, và tiếng động ban đêm cũng khác hẳn: bây giờ đó là tiếng thở than của con sếu trên nền trời đen thẫm, tiếng gọi nhau buồn bã của con mòng mòng, tiếng kêu khàn khàn của ngỗng và tiếng cánh vù vù của đàn vịt giời bay qua.
- Chim kéo nhau đi tìm nơi ấm, - bác Suka lắng nghe tiếng chim lao xao từ trời cao vọng xuống như vẫy gọi và thở dài trong cảnh cô đơn của mình.
Một hôm, lúc trời đã tối, một người đàn bà trùm khăn đen nhẹ bước tới chỗ bác Suka rồi dừng lại, im lặng.
- Ai thế vầy, lạy Chúa? – bác hỏi, cố nhìn xem ra là ai, nhưng chịu.
- Cháu đây, ông ơi, Varia đây mà…
Bác Suka đem hết khả năng nhanh nhẹn còn lại của mình rời ghế đứng dậy:
- Ôi, cháu, cháu đã về đây à? Thế mà lão cứ tưởng cháu quên bà con làng xóm rồi đấy… Ôi, cháu Varia Hẩm hiu ơi, anh ấy đi, để lại hai bác cháu ta côi cút thế này! Vào đây, cháu ơi, mộ anh ấy đây, bên góc này… Cháu ngồi với anh ấy một tí, để lão đi xem lại cửa hàng đã khóa kỹ chưa.. Lão canh cửa mà, lắm việc lắm, đủ cho cái tuổi của lão… Đủ, cháu ạ!
Ông lão lật đật bước thấp bước cao đi qua cái bãi và một tiếng đồng hồ sau mới trở lại. Varia đang quỳ bên mộ Đavưđốp, nhưng nghe thấy tiếng ho húng hắng tế nhị của bác Suka, cô đứng dậy, bước ra ngoài, loạng choạng, và sợ hãi vịn vào hàng rào. Cô đứng lặng thinh. Ông lão cũng lặng thinh. Rồi cô khẽ nói:
- Cháu cám ơn ông đã để cho cháu được ở lại một mình với anh ấy…
- Có gì đâu. Bây giờ định thế nào, hả cháu?
- Cháu về hôm nay là về hẳn. Cháu đi từ sáng sớm, khuya mới về đến đây để không ai trông thấy…
- Việc học hành thì thế nào?
- Cháu bỏ rồi. Cháu phải về kiếm ăn nuôi nhà.
- Anh Xêmiôn của chúng ta chắc sẽ không bằng lòng thế đâu, lão nghĩ như vậy.
- Cháu biết làm thế nào hả ông ơi? – Giọng Varia nói run run.
- Lão chả biết khuyên cháu thế nào đâu, cháu ạ, tự cháu xét thôi. Có điều là không nên làm anh ấy buồn, anh ấy yêu cháu lắm, thực tế thế!
Varia quay ngoắt người, và không phải đi, mà cắm cổ chạy qua bãi, vừa chạy vừa khóc nấc lên. Cô không đủ sức để chào ông lão nữa.
Và trên nền trời đen thăm thẳm, tiếng kêu rền rĩ và gọi tới nơi đâu của những đàn sếu bay qua vang lên cho tới lúc rạng đông, bác Suka không chợp mắt, cứ ngồi gù gù trên tấm ghế, thở dài, làm dấu và khóc…
*
Dần dần, ngày này qua ngày khác, cái mớ bòng bong của vụ âm mưu phản cách mạng chuẩn bị gây bạo loạn ở vùng sông Đông đã được gỡ ra.
Ba ngày sau khi Đavưđốp chết, các cán bộ công an khu từ Rôxtốp về Grêmiatsi Lốc, đã dễ dàng nhận diện tên bị Radơmiốtnốp bắn chết nằm trong sân nhà Ôxtơrốpnốp, là tên Liachépxki, nguyên thiếu úy đội bạch quân tình nguyện, một kẻ tội phạm đang bị truy nã từ lâu nay.
Ba tuần sau, một người mặc thường phục, dáng dấp không có gì đáng chú ý, đã đến một nông trường quốc doanh cách Tasken không xa, tìm gặp viên kế toán đã đứng tuổi, tên là Kalasnhikốp, mới xin vào làm ở đây ít lâu nay. Người ấy cúi xuống bên bàn viên kế toán, nói nhỏ:
- Ngài kiếm được cái chỗ hay quá nhỉ, thưa ngài Pôlốptxép… Im! Ta ra ngoài kia một phút, mời ngài đi trước!
Ngoài hiên, một người khác cũng mặc thường phục, tóc hoa râm, đã đợi họ sẵn ở đó. Người này không có thái độ rất mực lễ phép và từ tốn như anh bạn ít tuổi hơn kia, và vừa trông thấy Pôlốptxép đã bước sấn tới, mặt tái đi vì căm thù, chớp chớp mấy cái, nói:
- Đồ sâu bọ! Mày bò xa đấy… Mày tưởng chui vào cái hốc này thì thoát được tay chúng tao phỏng? Mày cứ đợi đấy, rồi về Rôxtốp ta sẽ nói chuyện với mày! Trước khi chết mày sẽ còn được múa may…
- Ôi, sợ quá! Ôi, ông anh làm tôi hãi quá! Tôi cứ run bắn cả người, như cầy sấy! – Pôlốptxép dừng lại trên thềm, mỉa mai nói, rồi châm một điếu thuốc lá rẻ tiền, hút. Y lừ lừ nhìn người cán bộ công an bằng đôi mắt cười cợt và căm thù.
Y bị khám ngay tại chỗ, trên thềm ấy. Y nhẫn nhục quay người cho khám, và nói:
- Tôi bảo các anh, đừng mất công vô ích! Súng tôi không mang theo: ở đây thì tôi tha nó theo mình làm gì? Khẩu Maude của tôi, tôi giấu nó trong buồng tôi. Về đấy mà tìm!
Trên đường về nhà, y nói năng thản nhiên, và lý sự với người cán bộ công an tóc hoa râm:
- Anh ngây thơ lắm, anh định lấy gì để làm tôi sợ? Lấy tra tấn ư? Không ăn thua, tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chịu đựng tất cả. Vả lại tra tấn tôi là một việc vô nghĩa, vì tôi sẽ không giấu giếm quanh co gì, sẽ kể hết, dứt khoát là kể hết những gì tôi biết! Tôi lấy danh dự sĩ quan hứa như vậy. Đằng nào các anh cũng chỉ giết chết tôi được một lần thôi, và chết thì tôi đã sẵn sàng từ lâu rồi. Chúng tôi đã thua, và sống đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Đó không phải là câu văn hoa mỹ miều đâu, tôi không phải kẻ hợm hĩnh thích làm ra vẻ, mà đó là sự thật cay đắng đối với tất cả chúng tôi. Trước hết đây là vấn đề danh dự: thua thì phải trả! Tôi thua, tôi sẵn sàng đem tính mạng mình ra để trả! Lạy Chúa, chả có gì đáng sợ!
- Im mồm, bỏ cái thói huênh hoang ấy đi, còn muốn trả thì mày sẽ được trả, - người mà Pôlốptxép vừa mới đọc bài diễn văn khoa trương ấy cho nghe, khuyên y.
Khám xét buồng y, ngoài khẩu Maude ra không thấy tang vật gì nữa. Trong chiếc vali gỗ dán của y không có một thứ giấy tờ nào. Nhưng trên mặt bàn lại có đủ hai mươi nhăm quyển Lênin toàn tập xếp ngay ngắn.
- Cái này của anh phải không? – anh cán bộ hỏi Pôlốptxép.
- Phải.
- Anh giữ những sách này làm gì?
Pôlốptxép mỉm cười ngạo mạn:
- Muốn tiêu diệt kẻ thù thì phải biết vũ khí của nó…
Y đã giữ lời hứa: trong cái buổi hỏi cung ở Rôxtốp, y đã khai ra tên đại tá Nhikônxki – Tóc bạc, tên đại úy Kadantxép, và nhớ được tên những ai ở Grêmiatsi Lốc và các ấp lân cận đã tham gia tổ chức của y thì khai ra người ấy. Nhikônxki đã tố giác những người còn lại.
Một làn sóng bắt bớ lan ra khắp vùng biển Adốp – Hắc Hải. Hơn sáu trăm người kôdắc tham gia vụ âm mưu ấy, trong đó có hai bố con Ôxtơrốpnốp, đã bị đưa ra tòa án đặc biệt xử tù theo những hạn tù khác nhau. Trong bọn chúng chỉ có những kẻ trực tiếp thực hiện những hành động khủng bố giết người là bị đem ra bắn. Pôlốptxép, Nhikônxki, Kadantxép, tên trung tá Xavachêép ở tỉnh Xtalingrát cùng hai tên trợ thủ của y và, ngoài ra, chín tên sĩ quan và tướng tá bạch vệ nữa sống ở Mátxcơva dưới tên họ giả, đều bị xử bắn. Trong số chín tên bị bắt ở Mátxcơva và các thị trấn lân cận có cả một tên trung tướng kôdắc nổi tiếng trong hàng ngũ đội quân Đênhikin. Y trực tiếp lãnh đạo vụ âm mưu này và giữ liên lạc đều đặn với các tổ chức sĩ quan di cư ở nước ngoài. Chỉ có bốn tên trong trung tâm lãnh đạo là lọt được lưới vây bắt ở Mátxcơva và bằng đường này đường khác trốn được ra nước ngoài.
Thế là chấm dứt cái mưu đồ tuyệt vọng đã bị lịch sử lên án ngay từ trong trứng nước, cái mưu đồ phản cách mạng nổi dậy chống Chính quyền xôviết ở miền nam đất nước.
*
Varia trở về làng được mấy ngày thì Anđrây Radơmiốtnốp đi công tác ở Sakhơtư cũng trở về. Theo đề nghị của Maiđanhikốp anh lên đó để mua một đầu máy động cơ hơi nước cho nông trang. Tối hôm ấy ba người, là Maiđanhikốp, Radơmiốtnốp và Ivan Naiđênốp – bí thư chi đoàn Kômxômôn tổ chức ở Grêmiatsi Lốc – ngồi chơi rất khuya ở trụ sở nông trang. Radơmiốtnốp kể chuyện tỉ mỉ chuyến đi mua máy, rồi hỏi:
- Nghe nói Varia Kharlamôva đã bỏ học về làng, và hình như có đến gặp Đúpxốp xin vào đội cậu ấy, có đúng không?
Maiđanhikốp thở dài:
- Đúng. Bà cụ và lũ nhỏ nhà cô ấy lấy gì mà sống? Thế cho nên cô ấy mới phải bỏ học. Đáng tiếc, con bé có nhiều khả năng.
Xem ra Radơmiốtnốp đã nghĩ đâu ra đó về trường hợp Varia rồi, và lúc này anh phát biểu với một niềm tin chắc chắn sẽ được anh em đồng tình.
- Cô ấy là vợ chưa cưới của Xêmiôn. Cô ấy cần phải học. Xêmiôn muốn như vậy. Cho nên ta phải làm như vậy. Mai ta sẽ triệu cô ấy đến đây, giải thích cho cô ấy rồi trả cô ấy trở lại trường, còn gia đình cô ấy thì nông trang sẽ trợ cấp. Đavưđốp không còn sống với chúng ta nữa thì chúng ta phải nhận trách nhiệm chăm lo gia đình anh ấy. Đồng ý cả chứ?
Maiđanhikốp lặng lẽ gật đầu, còn anh chàng Ivan Naiđênốp sôi nổi thì nắm chặt lấy tay Radơmiốtnốp mà reo lên:
- Chú Anđrây ơi, chú hay lắm!
Đến đây, Radơmiốtnốp chợt nhớ ra:
- À, các cậu ạ, mình quên kể các cậu nghe… Các cậu có biết ở Sakhơtư, đi ngoài đường mình gặp ai không? Thử đoán xem ai nào? Luska Nagunôva, các cậu ạ! Mình đang đi thì thấy một mụ béo ị đi cạnh một người đàn ông đầu hói cũng béo ị… Mình nhìn, và đâm ra hoang mang: không biết có phải không nhỉ? Cái mặt tròn vành vạnh, cái mắt húp híp, và muốn ôm thì phải nối thêm một cánh tay nữa. nhưng xem dáng đi thì đúng cô ả. Mình mới bước tới, chào, rồi hỏi: “Luska, có phải cô đấy không?!”. Ả ấy đáp: “Thưa ông, tôi không quen ông”. Mình cười, bảo ả: “Cô quên bà con làng xóm nhanh gớm nhỉ! Cô là Luska vợ cậu Nagunốp chứ gì?”. Mụ ấy cắn môi, theo cái lối tỉnh thành mà, và nói: “Phải, trước kia là vợ Nagunốp, trước kia là Luska đấy, nhưng bây giờ thì là Lukêria Nhikititsna Xviriđôva rồi. Xin giới thiệu, đây là nhà tôi, Xviriđốp, kỹ sư mỏ”. Mình bắt tay lão kỹ sư, lão ấy nhìn mình như nhìn một con quỷ: chắc lão ấy lấy làm lạ tại sao mình, lại ăn nói với vợ lão ấy tự nhiên như thế? Rồi hai vợ chồng mụ ấy bỏ đi, cả hai nom ục ịch, và có vẻ mãn nguyện lắm. Mình nghĩ bụng: “Các mẹ ấy mạnh thật! Chả trách mà cậu Maka suốt đời đã nổi dậy chống lại các mẹ ấy! Mẹ ấy chưa kịp chôn xong hai chàng Chimôphây và Maka mà đã vớ được ngay anh thứ ba rồi!”. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ nó vớ hay không vớ, mà là ở chỗ nó làm sao mà đắp được vào người lắm mỡ thế?! Mình cứ đứng giữa phố, ngẩn ngơ nghĩ mãi cái chuyện ấy. Và không hiểu sao trong bụng buồn buồn, tiếc cái ả Luska xưa, trẻ trung, chanh chua, xinh đẹp, không phải là cái ả mà mình sống cùng làng, va chạm hàng ngày đâu, mà cái ả ngày xưa đêm đêm mình vẫn nằm mơ thấy… - Và Radơmiốtnốp thở dài: - Thế đấy, các cậu ạ, cuộc đời xoay vần lắm lúc đến là oái oăm! Đôi khi nó xoay mà mình không thể nào tưởng tượng được! Thôi, ta về thôi chứ?
Họ bước ra hiên. Bên kia sông Đông, những đám mây dông đen kịt kéo ùn ùn, những tia chớp rạch xé bầu trời, sấm ầm ì vang động.
- Quái thật, năm nay dông muộn thật đấy, đến bâygiờ còn dông! – Maiđanhikốp nói. – Ta đợi xem dông tí chăng?
- Các cậu xem thì xem, mình về đây. Radơmiốtnốp bắt tay hai người rồi nhanh nhẹn chạy xuống thềm.
Anh đi ra sau làng, dừng chân một lát, rồi lững thững đi tới nghĩa địa ngoài xa kia, vòng qua những cây thập tự hiện lên mờ mờ, những ngôi mộ và bức tường rào bằng đá đã đổ nát mất một nửa. Anh đi tới cái chỗ lòng anh bắt anh phải đến. Anh ngả mũ, đưa tay phải lên vuốt lại mái tóc hoa râm, rồi nhìn ngôi mộ sụt lở, anh thì thầm nói:
- Em Épđôkia ơi, anh thật không phải với em, anh đã không biết chăm nom chu đáo nơi an nghỉ cuối cùng của em… - Anh cúi xuống, nhặt một hòn đất khô, bóp vụn trong tay, rồi lầm rầm nói: - Cho tới nay anh vẫn yêu em, người duy nhất anh yêu trong suốt cả đời anh và không bao giờ quên được… Nhưng bận quá, em ạ… Chả mấy khi chúng mình gặp được nhau… Em vui lòng bỏ quá cho mọi điều sơ suất của anh… Mọi điều anh ăn ở không phải đạo với em từ ngày em qua đời…
Đầu trần, lưng gù gù như ông lão, anh đứng đó hồi lâu không nhúc nhích, như lắng tai đợi một câu trả lời. Gió ấm phả vào mặt anh, lác đác rắc những hạt mưa âm ấm… Bên kia sông Đông, những ánh chớp nguồn bừng lên sáng rực, và đôi mắt nghiêm nghị và buồn buồn của Anđrây giờ đây không còn nhìn xuống nữa, không còn nhìn ngôi mộ thân yêu bốn bề sụt lở nữa, mà nhìn ra xa xa, phía chân trời mịt mùng kia, nơi một nửa bầu trời vừa mới bừng lên ánh bình minh đỏ rực; nơi đang có cơn dông cuối cùng trong năm nay, cơn dông hùng vĩ và sôi sùng sục như giữa những ngày hè nóng nực, lay tỉnh thiên nhiên đang thiêm thiếp ngủ.
1932 – 1959HẾT