25 tháng Mười Cuối cùng thì tôi cũng nhận được thư của anh Jean. Một bức thư khô khan, đọc thấy như giữa anh và tôi chẳng có gì là thân tình, không có lời nào đậm đà, âu yếm gợi lên những nhớ nhung. Trong thư chỉ thấy anh ấy nói về mình, dường như để loè bịp tôi. Tôi cũng vẫn biết anh ấy là người tự kiêu, anh ấy chả đẹp giai mà, nhưng chưa thấy quá đáng như bây giờ. Trong thư thấy anh ấy khoe nào là hội viên của câu lạc bộ này, thành viên của liên minh kia, nào là được ông Công tước này gọi là anh bạn thân mến, được bà Bá tước kia gọi là anh bạn dũng cảm. Anh ấy còn nói rằng đi đến đâu cũng được mọi người kính trọng, quí mến; buổi chiều, anh đi theo ông chủ đến câu lạc bộ hay buổi tối dắt chó của bà chủ đi đái, người chung quanh ai cũng cúi rạp chào. Cuối thư anh Jean nói rằng anh ấy thường đặt mua thường kỳ tờ Presse; anh ấy sẽ gửi cho tôi bài báo viết như thế nào về anh ấy. Trước mắt, anh ấy chỉ có thể làm được như thế thôi, vì không có thì giờ, còn làm gì thêm nửa sau sẽ hay. Anh ấy trách tôi, nói rằng tình cảnh của tôi hôm nay là do tôi không nghe anh ấy, đã để mất thời cơ, không thì đã có địa vị sáng sủa hơn nhiều v.v… Đọc thư anh ấy mà tôi phát khóc lên được. Tôi cảm thấy anh ấy muốn ròi bỏ tôi và bảo tôi đừng trông gì ở anh ấy nữa… Anh ấy cũng không nói gì về người thay tôi. Ngồi đây, tôi có thể hình dung được hai người ngồi trong căn phòng ôm hôn nhau, vuốt ve trìu mến nhau… đưa nhau đi khiêu vũ cũng như chúng tôi dạo trước. Cả đi xem hát, xem kịch nữa… Tôi còn hình dung cả cái cảnh anh ấy thua bạc, bảo cô kia như trước đây bảo tôi: "Cho anh mượn tư trang của em bán để trang trải". Có đúng là khuyết điểm của tôi không? Cũng có thể. Nhưng số kiếp của tôi nó như thế. Không ở đâu được quá sáu tháng. Nếu không do người ta đuổi thì lại do chính tôi muốn bỏ đi. Thật là kỳ lạ và cũng thật là buồn! Lúc nào tôi cũng muốn nay đây mai đó, lúc nào cũng muốn lang bạt kỳ hồ! Nhiều khi tôi cũng ảo tưởng, đứng núi này trông núi nọ. Đứng ở đây trông thấy chân trời đằng kia rực rỡ, sáng sủa, toàn màu hồng, chắc là sung sướng… Nhưng đến gần chẳng có gì cả. Vẫn là cát, là đá sỏi, là những đồi trọc buồn tẻ… Và trên cát, trên đá sỏi, trên những quả đồi là mảng trời xám xịt, mờ mờ, đùng đục, như bồ hóng. Ngoài ra chẳng có gì… chẳng tìm thấy gì… Mà tôi cũng có biết là tôi định tìm cái gì đâu!… Tôi có biết tôi là ai đâu… Nhưng tôi vẫn cứ đi, rồi đến đâu thì đến. Ở yên một chỗ không chịu được… Bà chủ vẫn mãi như thế: đa nghi, cứng nhắc, không linh hoạt, lạnh như tiền… Ồng chủ đã trở lại bình thường, nhưng hình như ông vẫn giận tôi vì đã từ chối ông, nhưng giận dỗi của ông không nguy hiểm. Ăn sáng xong, ông khoác súng, đi ủng để đi săn, tối mới về, không bảo tôi tháo hộ ủng, chín giờ lên giường… Ông ăn được, béo khoẻ, vẫn hài hước, mơ hồ. Không hiểu sao những người giàu có lại chịu được cảnh sông đơn điệu như thế chứ! Có lúc tôi tự hỏi: Nếu ở vào địa vị ông, tôi sẽ làm thế nào? Cái sợ nhất ở nhà này là sự vắng lặng. Nhiều lúc đi trong hành lang tối om cứ thấy rờn rợn như có ma. Những lúc ấy tôi phải đứng dừng lại. Cái thú duy nhất của tôi là ngày chủ nhật đi lễ nhà thờ; xong rồi tôi lại chơi nhà bà bán hàng hương liệu Gouin. Nghe ớn, muốn xa bà nhưng lúc buồn lại muốn đến với bà. Đến đây tôi gặp được mọi người. Đến đây còn được trò chuyện, vui đùa, được uống rượu. Đến đây còn thấy viễn cảnh của cuộc đời. Một chủ nhật, đến đấy tôi thấy vắng cô gái mõm chuột, mắt ướt, tôi hỏi tại sao. - Không sao! Không sao! - Bà hàng hương liệu trả lời, vẻ bí hiểm. - Cô ấy ốm à? - Ư, nhưng không sao… Đã hai hôm nay không thấy nó. Cô Rose nhìn tôi, nhướng mày như muốn nói: - Chị thấy không! Một người khôn khéo đấy chứ! Hôm nay tôi được bà bán hàng hương liệu cho biết rằng những người đi săn phát hiện ở trong rừng giữa đống lá khô xác một thiếu nữ bị hãm hiếp… Hình như đấy là con gái người quét đường… ở làng người ta gọi nó là con bé Claire. Nó ngây thơ, hiền lành và xinh, năm nay mười hai tuổi, ở đây vậy là đẹp gái… Theo cô Rose biết, thì con bé Claire bị mấy nhát đâm vào bụng, ruột lòi ra, gáy và cổ còn in vết ngón tay bóp, âm hộ bị rách như bị một cán búa thọc vào. Trên bãi cỏ còn thấy rõ chỗ người nằm đè lên. Có lẽ đã đến tám ngày là ít vì xác đã rữa ra. Người ta còn kể nhiều chuyện. Người ta nói rằng con bé Claire suốt ngày ở trong rừng, về mùa xuân nó vào hái móng rồng, hoa dẻ để kết thành tràng, chủ nhật đem ra tỉnh bán cho các bà; mùa hạ thì nó vào hái nấm, hái mộc nhĩ… Nhưng mùa này, vào đấy để làm gì, có gì đâu mà hái! Một người khác lại nói: - Vậy mà sao bố nó không lo buồn gì cả nhỉ! Chưa biết chừng lại chính thằng bố nó làm chuyện này đấy. Có ý kiến bác lại: - Nếu là bố nó thì việc gì lại phải đưa nó vào rừng! Cô Rose lúc này mói lên tiếng: - Chuyện này còn mờ ám, khó hiểu. Tôi chưa khẳng định thế nào. Nhưng… - Nhưng sao cô? - Tất cả mọi cái cổ vươn về phía cô Rose. - Tôi cho đấy là… Tất cả chúng tôi nín thở, hồi hộp. - Đấy là ông Lanlaire… - Cô Rose thấp giọng nói tiếp. Có người gật gù… Có người lắc lắc… Tôi khẳng định là ông Lanlaire không dám làm điều ấy. Nhưng cô Rose, giọng vẫn hậm hực: - Không dám à?… Thế con Jezurreau?… con Valentin?… con Dougère?.. Các cô quên rồi à? Thế mà lại không dám? - Những trường họp ấy khác chứ cô! Họ có căm tức ông Lanlaire thật, nhưng không đi đến ấn quyết cho ông tội giết người. - Hiếp dâm thì có thể, - họ nói, - nhưng giết người thì không có đâu. Cô Rose đấm tay lên mặt bàn, sùi cả bọt mép, vẫn khăng khăng: - Tôi thì tôi cho là có thể đây, nhất định có. Bà Gouin vẻ suy tư, lúc này mới nói: - Những chuyện này không biết thế nào. Nhưng trường hợp con Jezurreau thì không phải là lão ta giết đâu… Rồi họ điểm lại các mặt xem ai đã gây ra vụ này. Tính ra có đến hàng lô. Nguyên những người họ ghét, họ căm thù. Cuối cùng có một cô nói: - Tuần trước có hai người đầu đội mũ, râu ria xồm xoàm đến xin bố thí… Biết đâu không phải hai người này? - Đấy là những người đi khất thực! Đi xin tiền công đức! Đi quyên góp! Trong khi những người khác vẫn đoán thế này thế nọ, thì cô Rose vẫn một mực: - Chỉ có lão ta! Không có ai nữa! Trước khi về phòng, tôi đứng lại một lúc ở kho để yên ngựa. Anh Joseph đang làm việc. Trên giá thấy xếp ngay ngắn những hộp, những chai đựng xi, trên tường treo ảnh Drumont khung đồng sáng nhoáng. Để cho có vẻ trang trọng, anh Joseph treo thêm một vành nguyệt quế vào khung ảnh. Trước mặt lại có ảnh Đức cha treo ở một cái đinh. Trên kệ xếp một chồng sách bài Do Thái và sách những bài hát yêu nước. Trong một góc nhà treo một dùi cui cạnh những cái chổi. Tôi hỏi Joseph để cho có chuyện; - Anh có biết người ta tìm thấy xác con bé Claire ở trong rừng không! Nó bị giết và bị hiếp. Lúc đầu Joseph tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi thấy khi nghe đến tên con Claire anh ta giật mình nhưng bình tĩnh lại ngay. - Có, tôi có biết. Sáng nay đã nghe người ta kể. Rồi anh bình thản đánh chải những chiếc yên ngựa. Tôi đứng ngắm những bắp tay trần của anh nổi lên cuồn cuộn, cánh tay đưa đi đưa lại dẻo dai mềm mại, nước da trắng trẻo. Mắt anh cúi xuống công việc, chỉ thấy cái miệng rộng, hai hàm bạnh ra như hàm thú dữ. Tôi hỏi thêm: - Người ta có biết ai làm thế không? Joseph nhún vai, nửa đùa nửa thật: - Lại bọn xỏ lá nào đấy… Ngừng một lúc, Joseph nói thêm: - Ấy thế mà rồi họ bỏ qua đấy! Đôi khi bà chủ đi vắng, thấy buồn, tôi lại ra đường gặp cô Rose. Cô luôn quan sát. Có gì xảy ra bên nhà bà chủ tôi cô cũng biết; ai ở ngoài vào ai ở đấy ra, cô biết hết… Trông cô dạo này béo đỏ, cằm xệ xuống, bộ ngực căng. Lúc nào cô cũng nghĩ đến chuyện bậy bạ. Hễ gặp tôi cô nhìn ngay vào bụng tôi và hỏi: - Có nhớ lời tôi dặn không? Hễ thấy gì thì phải lại ngay nhà bà Gouin nhé! Lại ngay đấy! Tôi hỏi bực nói: - Sao cô cứ hỏi "thấy gì", ở đây tôi có quen ai đâu. - Ấy thế mà thấy lúc nào không biết đấy! Khôn ba năm dại một giờ! Vô khối người đây. Cứ bảo không sao. Vậy mà bụng ễnh ra… Cứ đến gặp bà Gouin là yên tâm… Cũng may sao lại có bà ấy… Phúc cho làng này… Ngừng một lúc cô Rose nói tiếp: - Ngày trước ở đây lúc nhúc trẻ con. Đi đâu cũng thấy trẻ con. Chúng nô đùa ở ngoài đường, ầm ĩ ở trong xóm, đánh nhau, chửi nhau, khóc mếu. Nhưng đến bây giờ không thấy thế nữa. Không biết cô có nhận thấy? Không phải các cô gái bây giờ không hoang quàng đâu. Trái lại còn hơn trước. Tối đến cô thử đi dạo một vòng trên đường mà xem. Ghế nào cũng một đôi quấn lấy nhau. Trông cũng hay… Tôi cho rằng không có tình yêu thì không thể sống được… Nhưng nếu phọt ra một đứa con thì phiền lắm. Cho nên họ không có con bao giờ. Đấy là nhờ có bà Gouin. Chỉ chịu đau một lúc thôi. Nếu vào địa vị cô, tôi không rụt rè… Một người xinh đẹp như cô… nếu lại phọt ra một đứa con… thì phiền lắm… - Cô yên tâm đi! Tôi không có thế đâu… - Vâng… vâng… Ai mà muốn thế… Nhưng này ông chủ có gạ cô bao giờ không? - Không, cô ạ. - Lạ nhỉ?… Ông ta nổi tiếng ở đây về món ấy đây. Thế sáng hôm nọ ở ngoài vườn thì sao? - Không có gì đâu cô ạ. Tôi bảo đảm như thế… Cô Rose lắc đầu: - Chị không nói thật. Chị không tin tôi. Nhưng cái kim giấu giẻ lâu ngày cũng ra. Cô ấy làm tôi bực quá. Tôi gắt lên: - Cô tưởng tôi ngủ với tất cả mọi người à? Với cả cái lão già ghê tởm ấy à? - Này cô bé! Già có khi còn hơn trẻ đấy nhé! Nhưng việc của chị, chị lo! Cuối cùng cô Rose nói, giọng lạnh tanh: - Nhưng cái gì cũng có thể có… hay ông Lanlaire lại thích những quả còn xanh?… Nhiều người đi trên đường thấy cô Rose, họ cúi chào lễ phép: - Chào cô Rose. Ông đại uý có khoẻ không, cô? - Cảm ơn. Ông ấy vẫn uống rượu tốt. Lại một bọn khác đi qua, cũng chào hỏi rất kính cẩn: - Chào cô Rose. Còn ông đại uý thì sao ạ? - Cảm ơn. vẫn khoẻ. Linh mục đi đến gần, đầu lúc lắc. Thấy cô Rose linh mục mỉm cười chào, gập quyển kinh đứng lại hỏi: - Ông đại uý thế nào? - Cảm ơn cha… Ông ấy ít khi rời hầm rượu. - Thế tốt! Mong ông ấy trồng được nhiều hoa, để kỳ lễ sau nhà thờ có được một bó hoa đẹp. - Chắc chắn là được, thưa cha. - Gửi lời thăm ông ấy nhé. - Con cũng chúc cha mạnh khoẻ. Ông linh mục lại mở quyển kinh và đi tiếp. - Chỉ mong trong địa phận xứ ta có được nhiều người như con. Tôi ra về lòng buồn rượi, chán nản, căm ghét cái cô Rose tồi tệ thế mà sao lại được mọi người kính trọng, mọi người chào hỏi, rõ thật sung sướng. Thế nào rồi cô cũng sẽ được cha xứ đặt vào một hốc tường nhà thờ, giữa hai cây đèn nến và vầng hào quang thiếp vàng như một vị thánh.