7.
Thôi anh hạch, ngang xương

Qua ngay sau, đúng giở hẹn, tôi y kế má dặn rắc rắc làm theo. Xe chạy ngang nhà má, thấy má đang trò chuyện với một đàn ông, râu cá chốt, áo dài bông gấm, đi giày ếch-cạc-panh (escarpin), khăn Lái Thiêu, ngậm xì gà: nửa quê nửa tỉnh, nửa mấy thầy, nửa làng xã. Má vừa thấy tôi, đã bước ra chào niềm nỡ: “Cô Hai đi dạo mát hả? Xin cô ngửng, tôi có chút chuyện”. Má day lại nói với người kia giống chi nhỏ quá nghe không rõ, rồi lật đật chạy ra, móc túi áo khỉ đưa cho tôi xem hai hột kim cương đã nhận làm cà rá và nói nho nhỏ đủ nghe: “Con giả bộ cầm coi và nhìn kỹ một hồi rồi lắc đầu như chưa bằng lòng, làm bao nhiêu ấy rồi trả lại má để cho má tính”. Tôi có hiểu ất giáp gì đâu nhưng cũng làm y như lời má biểu. Bỗng nghe má nói lớn: “Thấy không? Quả y như tôi tiên liệu. Hai hột không đều, một hột màu dầu lửa, hột kia sáng thật nhưng có chút than, thôi để rồi kiếm cái khác”. Xe tôi cứ đường thẳng chạy luôn, má trở vô, trong lúc nói chuyện liếc thấy gã kia ngó tôi trân trân, gần rớt tròng con mắt.
Sáng hôm sau má vô nhà, miệng tích toát hỏi: “Con muốn hai hột xoàn nầy chớ?”. Tôi vội đáp: “Bộ má giả ngộ? Vàng kia không có tiền chuộc. Nay muốn mấy thứ nầy, rồi tiền đào đâu ra?” Má không dứt tiếng cười háy tôi “Của nầy là của con đây chớ của ai? Lúc nầy con mua gì mà không được, lo gì chuộc mấy món vàng nhẹ xều kia?” Thử bây giở con ước má Tư nầy về làm con mọi già để chơi ắt cũng có người ra tiền cho con sắm! Cá cắn câu rơi con ơi!”. Tôi nghe bây nhiêu, đà hiểu hết, đây là thầy cai đã lọt vào mê hồn trận của má, nói cách khác, má đã thổi bùa mê bắt hồn thầy cai, chuyện hai hột xoàn nầy cũng là tại má bày, nói tôi đang muốn sắm kim cương, nên thầy mới mua để làm nghĩa cho tôi mau cảm, và lễ ra mắt như vầy cũng là xứng đáng. Nghĩ lại tôi thật là con đoản hậu. Anh hạch không làm chi cho phật lòng, nói chí tình tôi cũng thương ảnh lắm chớ, nghĩ dại muốn có được một thằng Tambi con để đánh dấu bước đầu buổi sấn thân cùng gió bụi, vợ chồng mới quen hơi, tình nghĩa gần gắn bó, không biết vì mụ nầy là quỷ sứ đầu thai, hay vì mình có cái tật ham đồ bắc kế, ác nhứt là hai cái hột nầy làm choá mắt, nên rốt rồi còn biết phải quấy con nhà gia giáo hoá ra tàn ác, lửa đang nồng, hương đang đượm, má đành phá gia cang hai đứa tôi làm vầy, má Tư ôi là má!
Chẳng những vậy, má còn căn dặn, chiều nay hễ anh hạch ra đi, là phải ra nói đôi lời cám ơn người ta. Mà trước khi, phải đem hai hột xoàn nầy ra giả bộ trả lại cho thầy, và nói rằng mình không dám thọ của quý như vậy, đợi cho thầy năn nỉ đôi ba lần rồi sẽ tạm nhận. Trời đất ôi, mấy lời nghe chó má quá mà tôi mãi mê hai hột nầy nên bất chấp phải trái, khi tôi còn ở nhà tía má tôi đâu có như vầy? Nhưng rồi tôi cũng y theo kế ấy. Xong rồi má Tư nói: “Nay con đem hai hột nầy về trong, bất tiện lắm. Thằng ba da nó thấy thì khó lòng. Vậy con để lại đây cho má giữ giùm là hay hơn”. Nghe cũng phải, tôi giao hai hột kim cương cho má, lật đật ra về. Bữa sau má nhắn nữa, biểu tôi xẻ thầy cai tiền chuộc đồ. Trời đất, thuở nay nào biết xẻ ai mổ ai, thầy cai đâu phải gà vịt mà hòng xẻ mổ? Huống chi người ta vừa ở ngọt quá, mới cho mình hai hột xoàn kia, nay mặt mũi nào xử sự với người ta dường ấy. Cũng vi còn chưa dứt khoát cách ăn thói ở “quân tử Tàu” cho nên tôi đã cụp hàm thiếc với thầy cai mà ba cái đô kia vẫn còn nằm ì ở đợ nơi tiệm cầm đồ chưa chuộc.
Cách vài hôm, bữa nọ, chẳng biết ai mách mà tôi vừa ra nhà má ngồi nói chuyện với thầy cai chưa nóng đít, kế anh hạch hầm hầm hừ hừ ra bắt gặp, lôi tuốt tôi ra xe chở về. Má Tư có nói với: “Đứng đi! Mày vô phen nầy là chết” Nhưng mà tôi nghĩ mình làm mình chịu, dẫu có bề nào cũng chẳng oan ức gì. Chớ nghe lời má, ở lại luôn không về thì cũng đặng, nhưng như vậy thì đoản hậu quá không đành? Khỏi nói về tới nhà, anh hạch khảo tra tôi, còn dữ hơn chị Hoạn vấn tội nàng Kiều, hỏi vàng vàng cũng sạch, hỏi chuỗi, chuỗi cũng tiêu, hỏi chi tôi nói thiệt hết, nhắm chối, chối cũng không được. Anh hạch lột trần tôi như nhộng, cho tôi ăn một trận đòn đáng kiếp, còn lại bao nhiêu đồ đeo trong mình, ảnh lột hết, lấy lại hết rồi tống tôi ra cửa. Ảnh mắng nhiếc má Tư Hớn và tôi không còn một chỗ mẹ đẻ.