Bàn về những khó khăn trong việc cai trị một vương quốc mới bị chinh phục, người ta hẳn sẽ tự hỏi về những gì đã diễn ra sau cái chết của Alexander Đại đế 23 [23 Alexander Đại đế: Cai trị Macedonia (356-323 TCN) và chinh phục đế chế Ba Tư của vua Darius III (336-331 TCN)] Sau vài năm chinh phạt, Alexander Đại đế đã bá chủ châu Á, nhưng việc cai trị vùng đất này gặp không ít khó khăn. Khi Alexander Đại đế qua đời, dường như nguy cơ nổi loạn của đế chế Ba Tư là điều khó tranh khỏi, nhưng những người kế vị Alexander Đại đế đã kiểm soát được tình hình. Khó khăn duy nhất mà những người kế vị này phải đối mặt chính là tham vọng của bản thân họ. Cho tới nay, theo hiểu biết của mọi người, tất cả các vương quốc đều được cai trị theo một trong hai hình thức. Theo hình thức thứ nhất, vương quốc được cai trị bởi đấng quân vương cùng với sự trợ giúp của các cận thần. Trong khi đó, theo hình thức thứ hai, vương quốc do quân vương cùng với các lãnh chúa cai trị. Các lãnh chúa này nắm giữ tước vị hiện tại không phải do ân sủng của quân vương mà là nhờ vào dòng dõi quý tộc của mình. Những lãnh chúa này có lãnh địa riêng và thần dân sinh sống tại lãnh địa đó tôn sùng và thừa nhận lãnh chúa là người cai trị mình. Đối với những vương quốc nằm dưới quyền cai trị của quân vương cùng với các cận thần, quân vương có nhiều quyền lực hơn và nắm giữ vai trò tối thượng trên toàn lãnh thổ. Nếu thần dân có tuân lệnh ai thì cũng chỉ như là đối với cận thần và thuộc hạ của quân vương. Những kẻ cận thần và thuộc hạ này không được dân chúng dành cho sự mến chuộng đặc biệt nào. Các chính thể của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ và vua nước Pháp có thể được dùng làm những ví dụ đương đại để minh họa cho hai hình thức này. Toàn bộ đế chế Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới quyền thống trị của hoàng đế và những kẻ khác chỉ là bề tôi. Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ phân chia đế chế thành nhiều tiểu quốc và cử người cai quản cho từng xứ. Những tiểu vương này có thể bị thuyên chuyển hoặc bãi chức theo ý muốn của hoàng đế. Trái lại, vây quanh vua nước Pháp là những nhà quý tộc được dân chúng trong lãnh địa của họ công nhận và yêu quý. Những nhà quý tộc này có những quyền thế tập mà nhà nhà vua không dám mạo hiểm tước bỏ. Do vậy, khi xét tới hai hình thức chính thể nêu trên, có thể nhận thấy rằng, chiếm được đế chế Thổ Nhĩ Kỳ là rất khó khăn, nhưng một khi đế chế này đã bị chinh phục thì việc cai trị lại rất đơn giản. Trong khi đó, xét về một số phương diện, nước Pháp tương đối dễ chiếm nhưng lại khó giữ. Có một số lý do khiến việc chiếm được đế chế Thổ Nhĩ Kỳ rất khó khăn. Không có nguy cơ các tiểu vương của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ “cõng rắn cắn gà nhà” và cũng chẳng có hy vọng gì về khả năng bọn cận thần xung quanh các tiểu vương này tạo phản. Sở dĩ lại như vậy là vì tất cả bọn họ đều là bề tôi chịu ơn sâu nặng của hoàng đế nên khó lòng bị mua chuộc. Cho dù một số kẻ có thể bị mua chuộc nhưng điều đó cũng chẳng đem lại lợi thế cho ai vì chúng không có khả năng lôi kéo được dân chúng theo mình. Bởi vậy, bất kỳ ai khi tấn công đế chế Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải ý thức được rằng những người Thổ Nhĩ Kỳ là một khối thống nhất trọn vẹn. Người tấn công phải dựa vào sức mình nhiều hơn là trông đợi sự mất đoàn kết của đối phương. Thế nhưng, một khi đối phương bị đánh bại và chia cắt đến mức không thể tập hợp lại đội quân của mình, thì chỉ còn một mối lo ngại duy nhất là hoàng tộc đang trị vì. Một khi hoàng tộc này bị tuyệt diệt thì chẳng còn ai đáng sợ, vì những kẻ ngoài hoàng tộc không được dân chúng tin tưởng. Người tấn công không hy vọng gì có được sự tin tưởng của dân chúng xứ này trước khi giành thắng lợi và cũng chẳng phải lo ngại gì về họ sau khi chiến thắng. Chuyện hoàn toàn ngược lại ở những vương quốc được cai trị theo kiểu nước Pháp bởi vì, một khi đã lôi kéo được các lãnh chúa về phía mình, ngài có thể dễ dàng xâm nhập vào các vùng đất này. Ngài sẽ luôn có dịp tìm được những kẻ bất mãn và những kẻ đang trông đợi sự đổi thay. Vì những lý do đã nêu, những kẻ này có thể mở đường và giúp ngài chiến thắng. Tuy nhiên, việc cai trị vương quốc này kéo theo vô vàn rắc rối, liên quan tới cả những kẻ đã ủng hộ ngài và những kẻ bị ngài đàn áp. Liệu việc tiêu diệt hoàng tộc đã đủ chưa khi mà vẫn còn tồn tại các lãnh chúa tự cho mình là người lãnh đạo các phe phái mới. Ngài có nhiều nguy cơ để mất vương quốc vừa được thôn tính bởi ngài không làm cho những lãnh chúa đó hài lòng cũng như không tiêu diệt được bọn chúng. Qua xem xét, sẽ thấy chính thể của đế chế Ba Tư và của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm tương đồng. Bởi vậy, trước tiên Alexander Đại đế đã tiêu diệt hoàn toàn đế chế Ba Tư và đánh bại đội quân của vua Darius trên chiến trường. Sau khi Alexander Đại đế thắng trận và vua Darius chết, cả đế chế Ba Tư đã quy phục sự thống trị của Alexander Đại đế. Nếu biết đoàn kết với nhau thì những người kế vị Alexander Đại đế đã có thể dễ dàng tận hưởng điều đó. Tại vương quốc này, những rối loạn nảy sinh hoàn toàn là do những người kế vị Alexander Đại đế gây ra. Tuy nhiên, việc cai trị những vương quốc có chính thể như nước Pháp không dễ dàng như vậy. Những cuộc nổi loạn thường xuyên diễn ra ở Tây Ban Nha, ở Pháp, ở Hy Lạp nhằm chống lại người La Mã, chính là vì các quốc gia này được chia nhỏ thành rất nhiều lãnh địa. Khi trong tâm trí dân chúng vẫn còn hình ảnh các lãnh chúa, thì người La Mã chẳng thể nào cai trị những vùng đất bị chinh phục một cách yên ổn. Thế nhưng, một khi những ký ức này bị việc chiếm đóng lâu năm và sức mạnh của đế chế La Mã xóa nhòa thì người La Mã lại trở thành người thống trị thực sự. Sau này, khi xung đột với nhau, mỗi phe phái của người La Mã đã có thể lôi kéo được các lực lượng ủng hộ từ những vùng đất tương ứng với thế lực của mình. Khi đó, do gia tộc các lãnh chúa trước đây đã bị tuyệt diệt, nên dân chúng chỉ thừa nhận sự thống trị của người La Mã đối với những lãnh địa này mà thôi. Do vậy, bằng cách suy xét tất cả những điều trên, ta có thể thấy rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước sự thống trị dễ dàng của Alexander Đại đế trên đế chế Ba Tư hoặc các vấn đề rắc rối mà những kẻ khác gánh chịu khi duy trì sự chiếm đóng của mình (như Pyrrhus22 và nhiều người khác). Những kết quả đó không phụ thuộc vào tài cao thấp của kẻ thắng trận mà phụ thuộc vào sự khác biệt về hoàn cảnh. [22 Pyrrhus: Vua của xứ Epirus (319-272 TCN). Ông đã tiến hành chiến tranh với La Mã ngay tại Italia nhưng hoàn toàn thất bại].