Nói về Thiệu Công thấy tiểu thư giả lạy ra mắt bèn hỏi rằng: "Cháu ngồi thuyền đi đâu đây?" Tiểu thư giả đáp: "Vì cháu bệnh trọng nên qua bên cậu cháu tại huyện Đường uống thuốc". Thiệu Công nói: ”Việc biến này đều tại cha cháu tính vụng. Cháu thời yếu ớt lại ít ra khỏi phòng khuê, sao lại sai vợ chồng bà vú đi đưa như vậy? Đáng nhẽ chú phải đưa cháu trở lại, song ngày phó nhậm cận lắm chẳng dám trì hoãn. Vậy cháu nên theo thím và mấy em cháu qua Trường Sa dưỡng bệnh, chú sẽ viết thư về cho cha cháu hay, cháu nghĩ có được không?". Tiểu thư giả thưa: "Chú đã có lòng thương đến cháu, cháu lẽ nào chẳng đám vâng, vậy chẳng hay thím cháu ở đâu xin cho cháu ra mắt". Thiệu Công liền dạy a hoàn đưa tiểu thư giả qua thuyền của phu nhân. Phu nhân và ba vị tiểu thư trông thấy tiểu thư đều vui mừng chuyện vãn. Từ đây Giai Huệ đội lốt Mẫu Đơn, an thân trong gia đình Thiệu Công. Thuyền đi giây lâu tới hai vàm sông tại Mai Hoa Loan, một vàm là cửa sông đi qua Trường Sa, một vàm là cửa Lục Ạp Na. Tại Lục Ạp Na có mười ba nhà thuyền chài, trong ấy có một người họ Trương tên Lập vợ là Lý Thị. Cả hai tuổi trạc bốn mươi, an phận thủ thường, chỉ chuyên nghề đánh cá nuôi thân. Đêm nọ Trương Lập vãi chài, kéo lên thấy có vật gì nặng lắm bèn kêu Lý Thị: "Bà ơi! Ra phụ kéo lên coi, được mối hàng to rồi”. Lý Thị ra phụ kéo lên thấy có một thây người con gái ôm tấm cửa tre. Trương Lập muốn quẳng xuống sông. Lý Thị can rằng: ”Khoan đã! Để coi còn ấm ngực cứu được hay không?". Nói đoạn bước tới rờ ngực thây ấy rồi đốc Trương Lập kéo lên, đoạn xốc nước, rồi bà hơ bụng dạ, ông hơ mặt mày, một lát người con gái sống lại. Chừng hỏi ra thời người con gái ấy là Mẫu Đơn tiểu thư từ khi té xuống nước nhờ có tấm cửa tre, nên đeo theo cho nước trôi tới đó, nhưng tiểu thư không dám tỏ thật tình, chỉ đáp rằng: "Tôi là liễu hoàn con của quan huyện Đường, vì đi rước Kim tiểu thư ham xem nước, giở tấm cửa tre ra xem, không may cửa đứt nên cắm đầu xuống sông, may nhờ ông bà cứu mạng”. Lý Thị nghe xong lén bàn với Trương Lập rằng: "Vợ chồng ta vốn không con cái, nay nàng này thông minh xinh xắn, vậy ta cũng nên nhận làm con nuôi, may sau được nương nhờ há chẳng quý lắm sao!”. Trương Lập nói: "Ừ! Thời bà liệu sao cho xong thì liệu?". Lý Thị bèn tỏ ý mình cho Mẫu Đơn nghe. Tiểu thư ưng chịu. Lý Thị liền hối Trương Lập chèo thuyền về nhà, thay đổi y phục cho tiểu thư. Vợ chồng Trương Lập đã già mà chưa có con, nay được một cô con nuôi, đẹp như ngọc, tốt như hoa, thời vui mừng vô hạn. Lúc mười hai nhà thuyền chài nọ khi nghe vợ chồng Trương Lập cứu được người và nuôi làm con, thời tới thăm mừng tấp nập. Trong đám đó vốn có một người, hay làm điều nghĩa nên bọn thợ chài đều kính trọng, có việc gì đều hỏi ý kiến. Nay nghe tin Trương Lập gặp con nuôi họ bèn tới bàn với y về chuyện đi mừng. Sử Vân nghe nói vỗ tay cười rằng: "Phải, anh Trương từng này tuổi mới có một con, ta nên đi mừng chớ. Nhưng nhà chúng ta đứa nào cũng nghèo nàn chật hẹp lắm! Nếu cùng tới nhà anh Trương cả lũ, chỗ đâu mà ngồi, mình đi mừng ít, anh ấy đãi mình nhiều cũng khó nghĩ. Chi bằng chúng ta chịu cực ba bữa, đem hết sức bình sinh đánh cá cho nhiều, rồi tôi liệu món nào ngon để lại, còn bao nhiêu đem đi bán mua đồ nấu và rượu. Tới ngày đó chúng ta vác ván, đem cá, xách rượu lại nhà bày tiệc ăn mừng, thời mới thật vui, có chỗ ngồi, lại có rượu uống, cá ăn, không đến là phiền. Các ông nghĩ có được không?". Bọn thợ chài bằng lòng, chia nhau đi tứ tán. Sử Vân liền qua nhà Trương Lập kể lại việc đó, nhân thấy Mẫu Đơn tốt tươi như hoa thì vui mừng lắm. Trương Lập nghe Sử Vân nói anh em sẽ tới mừng, thời lo sửa soạn nhà cửa. Sử Vân nói: "Anh Trương đừng lo mấy việc ấy, vì tôi đã sắp đặt xong xuôi rồi, anh nên kiếm củi lửa cho nhiều là đủ!”. Nói đoạn kéo nhau ra về. Bọn thợ chài về nhà dắt vợ đem con, bơi thuyền đem chài đi xa tới mười dặm ráng sức đánh cá. Trọn hai ngày đem tôm cá về nhà. Sử Vân lựa tôm lớn cá ngon để lại một nửa, còn một nửa đem bán mua rượu và các vật khác, đem giao cả cho vợ chồng Trương Lập và dặn rằng: "Anh chị cứ yên lòng, đừng lo liệu việc gì cả, để chúng tôi xếp đặt cho. Đêm nay chừng canh năm, anh em sẽ tới". Tới canh năm bọn thợ chài vác ván, bưng mâm, bát, chén, đũa, dao, thớt, nồi đủ các vật dụng và đem thêm rau, ớt, cải, cà, đồ nấu. Sử Vân lại dặn rằng: "Thôi? Các anh em về đi mai tới cho sớm đừng để muộn". Hôm sau, đầu canh năm, bọn thợ chài áp đến, Sử Vân cắt phần, kẻ nấu cơm, người làm cá, kẻ dọn chén, người chụm lửa, mỗi người một việc. Đàn ông ở nhà trước, đàn bà ở nhà trong, xúm nhau bày tiệc ăn uống vui mừng. Mẫu Đơn tiểu thư thấy vậy cũng chạy ra chạy vào đãi đằng bà con cô bác vì nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục chớ biết sao. Đương lúc bọn thợ chài ăn uống đằng trước với Sử Vân, có một gã thiếu niên đi vào nói lớn rằng: "Tôi cũng tới đây kịp, xin chia vui với". Sử Vân nhìn lên thấy gã thiếu niên ấy mang gói đứng dòm, bèn nạt rằng: "Mi là con nít vào dòm lén gì đó?". Gã thiếu niên nói: "Đứng ngoài thấy ông uống rượu ngon quá thèm chảy nước miếng, nên vào đây mua vài chén". Sử Vân nói: "Chỗ này không phải tiệm rượu, hay là quán cơm mà nói mua uống, ta không muốn mi làm rộn, đi đi cho mau”. Nói dứt giơ tay ra xô, ai dè bị gã thiếu niên cản lại mà rằng: "Ông nói không phải tiệm rượu, sao lại có đông người tụ tập ăn uống như vầy, có phải là khinh người hay không?". Sử Vân nói: "Thằng nhỏ này vô lễ quá, tao đã tha cho mi đi, mi lại cãi cọ với tao à? Có giỏi làm gì thời làm tao coi?". Nói đoạn đấm một đấm. Gã thiếu niên thấy vậy cả cười, giơ tay đỡ rồi bắt miếng xách Sử Vân quăng một cái ạch, nằm sải tay. Sử Vân lật đật bò dậy xông tới muốn làm dữ, Trương Lập thấy vậy chạy ra can, rồi nói với gã thiếu niên rằng: ”Chú em tưởng lầm rồi, đây không phải là tiệm rượu hay quán cơm gì. Vốn là bà con lối xóm tựu lại uống mừng cho tôi đó. Nếu chú muốn, xin mời vào". Gã thiếu niên cả mừng hỉ hả mà rằng: "Cám ơn lắm! Cám ơn lắm!". Đoạn hỏi tên họ Trương Lập, rồi hỏi tới Sử Vân. Sử Vân đáp rõ tên mình, gã thiếu niên bèn xin lỗi rằng: "Xin Sử huynh thứ lỗi cho tiểu đệ, vì không biết nên lỡ tay". Nói rồi xá một cái sát đất.