Ông Đạt dựng chiếc xe đạp cạnh một quầy thuốc lá. Chủ quầy là một thanh niên ngoài 30 da đen nhẽm mời: − Bác Đạt mua mấy gói? − Lấy cho bác 3 gói đi. Không cần hỏi ông Đạt cần loại gì bởi vì chủ quầy đã am tường sở thích và vui vẻ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Anh ta gói 3 gói thuốc mà xanh và lấy thun buộc lại cẩn thận. Vừa lúc ấy, một đôi nam nữ thanh niên thắng cái « két » trước mặt ông. Cô gái ngồi sau vui vẻ hỏi: − Bán khá hôn? Anh chủ quầy nhìn lên rồi cười trả lời gọn: − Cũng lai rai. Anh thanh niên chống chân xuống đất bảo: − Lấy một gói ….có đầu lọc đi ông bạn. Chủ quầy gật đầu hiểu ý: Ông Đạt móc tiền ra trả và trong khi chờ thối tiền, ông nghe cô gái liến thoắng nói với chủ quầy: − Anh biết hôn, bà Hai « cô đơn » vừa bị lũ tiểu yêu bao vây. Anh chủ quầy ngơ ngác: − Bà hai cô đơn nào? Anh thanh niên chặc lưỡi: − Bà Hai giúp việc cho bà Quý ở biệt thự màu xanh đó. Chồng bỏ rồi con gái cũng bỏ nên tụi này hay gọi đùa bà ấy là bà hai cô đơn. Ông Đạt giật mình nhưng không tiện hỏi. Ông nhận lại tiền thối và cố tình đi thật chậm. Anh chủ quầy tiếp tục hỏi: − Tại sao bà ấy bị bao vây? − Thì con Thương con gái bả thiếu tiền hụi của người ta từ năm rồi tới ngày hẹn năm lần Bảy lượt vẫn không trả. Con Thương bây giờ đã trốn đi mất cho nên mấy con mẹ kia đến siết nhà. Tạm rõ câu chuyện, ông Đạt quay xe đi ra đường. Ông biết rõ nhà bà hai ở đoạn đường nào. Vừa đến đầu hẻm trải đá đỏ, ông Đạt đã nghe nhiều tiếng phụ nữ tru tréo la hét. Ông dựng xe ngồi xuống quán nước bên cạnh đó dõng tai nghe nhưng chỉ nghe những tiếng nói yếu ớt không rõ ràng của bà Hai. Ông chép miệng, hớp một ngụm café đá nghĩ thầm: − Tội nghiệp cô hai, cái số sao mà cực nhục đến thế. Sau cái chết của người vợ cách đây trên mười năm lần này ông đã thấy thật sự cảm động đối với hoàn cảnh của một người đàn bà. Trước đây ông cũng rất mến bà Quý nhưng bà nghiêm nghị và đứng đắn quá không đáp ứng được đòi hỏi bình thường của một ngưòi đàn ông một thời gian không gần gũi đàn bà như ông. Hôm ở nhà bà Quý, trong một vài phút ngắn ngủi ông đã thấy mình thật sự trẻ lại. Ra về, ông Đạt tưởng tượng mãi về những viễn ảnh tốt đẹp và xa hơn nữa. Ông cần có một người bạn để an ủi tuổi già, người ấy phải thật sự thương và không bỏ ông giữa chừng. Ông Đạt nghĩ một cách dễ dàng là cô Hai dù chỉ là một người giúp việc nhưng có thể làm được điều đó. Ông Đạt lại nghĩ đến chiếc nhẫn đã đưa cho cô hai buổi sáng hôm ấy và tự trách mình đã có lúc nghĩ rằng cô hai đã lợi dụng ông. Rõ ràng với số nợ mà đứa con gái để lại, cô Hai đang gặp khó khăn. Nếu không, cô ấy nhận vàng của ông làm chi. Rõ ràng ông thấy rằng cô Hai có nhiều cảm tình với ông, ông đi đứng trong nhà bà Quý, nhất nhất không lọt qua cặp mắt của cô Hai, nếu không có tình ý với nhau, việc gì cô Hai phải mất công để ý. Nghĩ vậy, ông Đạt tự động viên và sắp xếp lời nói với cô hai thế nào nếu lát nữa gặp mặt. Ông Đạt ngồi suy nghĩ miên man cho đến khi thấy đám đông từ nhà bà Hai lục tục ra về. Họ vưa đi, vừa chỉ trỏ, ánh mắt không thiện cảm chút nào. Đợi thêm một lát thật yên lắng, Ông Đạt mới thư thả dẫn xe vào tuốt trong nhà. Cô Hai đang nằm dài thường thượt trên đivang mặt úp vào gối. Ông Đạt đến bên cạnh cạnh cô Hai và gọi, ông cố nói khẽ nhưng tiếng vẫn ồm ồm: − Hai à, Hai! Cô hai nghiêng người lại, một giọt nước mắt đang chảy xuống gò má lấm tấm tàn nhang và không còn mịn màn. − Em khổ lắm ông Đạt à. Ông Đạt luýnh quýnh vừa an ủi vừa xoa xoa trên người cô Hai như dỗ dành em bé. Nhưng có lẽ nỗi khổ của cô Hai quá lớn nên cô cứ nằm khóc hoài để cho ông Đạt có dịp bày tỏ hết tình cảm của mình bằng những lời nói thân thiết. Đến khi ông nói: − Em đừng buồn nữa, tôi biết hết cả rồi. Tụi nó đến xiết nhà chứ gì. Tôi sẽ giúp Hai mà. Cô hai nắm lấy hai bàn tay ông. − Ông nói thật, ông không đùa với em đó chứ? − Không, ai lại nỡ đùa. − Nhưng ông giúp bằng cách nào. Ông Đạt hồ hỡi: − Em sẽ lại ở đàng chỗ tôi Cô Hai xì dài: − Tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy khó lắm ông ơi. Người ta sẽ nghĩ rằng ông không thương em mà chỉ tôi nghiệp thôi. Khi ấy thì khổ thân em lắm. Bàn tay ông Đạt lân vào chiếc nút bị bật ra: − Vậy chứ ý em thế nào? − Ông giúp em chỗ nào ở tạm vài tháng. Sau khi tình hình lắng dịu, ông sẽ tổ chức một buổi tiệc nhỏ thôi để em về một cách đàng hoàng hơn. Đôi mắt ông Đạt hây hấy − Tôi muốn em ở cạnh ngay. Cô Hai nguýt: − Ông cứ vội vàng « dục tốc bất đạt » mà cứ tính theo cách của em là hay nhất. Anh quyết định đi. Ông Đạt gật đầu nhanh, bàn tay ông mạnh bạo: − Ừ cũng được. − Vậy thì em sẽ ở đâu? Ông Đạt lim dim: − Ờ để tính… sau mà… Cô Hai đẩy ông ra giận dỗi: − Sau sau cái gì. Ông hổng thương em, ông chỉ giỏi nói thôi. Ông Đạt cúi ngưòi xuống rối rít phân bua: − Đâu phải vậy, chứ ý em muốn thế nào. − Em tính vầy, ông tìm giùm em chỗ nào cũng được. Em đã quen sống cực khổ rồi mà. − Tội nghiệ Hai quá! Ông Đạt mụ mẫn cảm thông. Cô Hai liếc ông Đạt một cái thật nhanh − Hay là để cho tiện, anh xin chị Quý cho em ở tạm vài tháng ở nhà chị ấy. − Ý hổng được đâu. – Ông Đạt lắc đầu lia lịa – Có bà Quý tôi nghĩ không thể qua lại với em được. − Đâu có sao, em sẽ đến chỗ của ông mà. Cô hai cố nói thật mềm mỏng – Sao, như vậy được rồi chứ? Ông Đạt vẫn lưỡng lự: − Bà Quý coi vậy mà đâu ra đó lắm tôi ngại mình làm phiền. − Có chuyện như vậy mà ông không giúp được thử hỏi còn làm gì được. Cô Hai bực dọc đi tuốt xuống nhà sau. Ông Đạt thở dài rồi lững thững theo sau, vừa đi vừa nói: − Thôi được rồi Hai à, tôi hứa mà… Kể tỉ mỉ và có nói thêm niềm cảm thông của mình đối với tai họa đột ngột xảy ra cho cô Hai, cuối cùng ông Đạt nói: − Cô Quý à, tôi tình cờ chứng kiến từ đầu tới đuôi câu chuyện này. Khi tôi vô nhà hỏi thăm, cô Hai khóc quá trời. Tội quá, tôi định bàn với cô là cô xem có thể giúp cô ấy có chổ ở vài tháng. Sau đó thì tụi tôi sẽ vận động bà con giúp dựng tạm một căn nhà. Bà Quý trầm ngâm, bà vốn thích có cuộc sống yên tĩnh. Bà, Thảo và Nguyên trong ngôi nhà này vừa đủ để sống vui và an tâm. Bà không thích có một người nữa, nhất là đối với cô hai. Cái nhìn, cử chỉ của cô ta tuy rụt rè, nhưng thỉnh thỏang lại bừng lên một cái nhìn rất lạ. Bà Quý đã thử lòng rất nhiều lần bằng cách làm bộ bỏ quên một vài món đồ quý ở ngoài nhưng lần nào cô Hai cũng mang trả tận tay bà, nói: − Chị Quý bỏ quên cái này. Hoặc: − Em nhặt cái này ở phòng tắm. Dần dần cô hai đã chiếm được lòng tin của bà và bà ít để ý tới những chuyện vặt vãnh, bà Quý đôi khi thấy tội nghiệp trước sự e dè, vì nể của người đàn bà giúp việc đối với mình. Nhưng nếu đến ở thì… biết đâu lại chẳng có chuyện buồn phiền phức. Bà có thể dễ dàng giúp một số tiền. Khi nghe bà nói điều này, ông Đạt tỏ vẻ tâm lý: − Cô Quý à, tôi nghĩ cô Hai là người biết tự trọng. Cô ấy sẽ không nhận tiền của ai mà chỉ mong là có người cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của mình. Sự giang tay giúp đỡ của chúng ta lúc này sẽ làm cô ấy nhớ mãi. Bà Quý đi tới đi lui trong phòng và thấy ông Đạt nói có lý. Cô Hai là người biết tự trọng và không bị cám dỗ bởi những đồ trang sức đắt tiền. Bằng chứng là cô ta đã mang đến trả bà Quý những thứ ấy khi vô tình tìm thấy nó bị bỏ quên. Nghĩ tới lui cạn cùng, Bà Quý nói: − Được rồi anh Đạt à, tôi sẽ đồng ý cho cô Hai ở tạm nơi dây vài tháng. Khi nghe được quyết định của bà Quý, cô Hai đã ứa nước mắt và bày tỏ niềm biết ơn của mình. Dù bà Quý bảo cô Hai cứ dọn dẹp và ở căn phòng trống ở sau phòng khách, cô Hai đã quyết liệt từ chối và xin được dọn dẹp căn phòng kho chứa hàng lô những món đồ cũ kỷ ở cuối tầng trệt, cửa trổ ra khu vườn bỏ hoang. Cô Hai bảo: − Em đã làm phiền chị rất nhiều, chị cho phép em ở tạm, chổ này cũng quý báu với em lắm rồi.