Chương 20

Hôm nay mẹ đã khoẻ, Nga xách giỏ đi chợ mua một ít thức ăn về bồi dưỡng cho mẹ. Hai ngày nay bà không thiết tha gì chuyện ăn uống. Ép dữ lắm bà mới húp được vài muỗng súp hoặc cháo.
Hôm qua có nhỏ Thảo đến thăm mẹ nàng, thấy Thảo có vẻ phờ phạc, Nga hỏi thì Thảo cười nhẹ:
− Tối hôm qua sợ ma ngủ hổng được.
Nga tin ngay vì Nga biết Thảo nhát và ít dám ngủ một mình
− Nhưng như vậy là Thảo can đảm đó chứ?
− Can đảm làm sao?- Thảo hỏi.
− Thì ngủ một mình ở phòng trực… Thế là tiến bộ rồi.
Thảo bật cười:
− Khen quá thì té hen đó nha, hôm qua Thảo năn nỉ dì sáu hộ lý lên ngủ ở chiếc giường kế bên Thảo.
− Trời đất ơi, quả là sợ ma vô địch.
Giá thịt heo dạo này đắt kinh khủng, một tháng lương của nàng chỉ mua đủ ba ký thịt nạc mà thôi. Có lạ một điều là mọi người vẫn sống qua ngày, áo quần vẫn sạch đẹp phẳng phiu đến nơi làm việc. Than vãn mãi rồi tình hình cũng chẳng cải thiện hơn, mọi người dành tự lo lấy đời sống của mình. Tất nhiên là cả chuyện lẳng lặng nhận quà biếu, ban đầu còn e dè, sợ bị kiểm điểm, riết rồi ai cũng thế, mình không nhận thì thiệt thòi.
Ngay tại nơi làm việc của Nga, ban đầu ai cho gì tặng gì, Nga đều chia đều cho những chị em có mặt. Cuộc sống nàng khá đầy đủ nên Nga không thấy cần thiết đối với những món quà. Nàng phục vụ bệnh nhân một cách vô tư, không phân biệt nghèo giàu và Thảo cũng thế. Tuy nhiên thỉnh thoảng, Nga vẫn tình cờ bắt gặp sự thiên vị trong cung cách phục vụ ở một số đồng nghiệp có gia đình khó khăn. Họ không ngại tỏ ra ân cần, săn đón những bệnh nhân, người thân đã kín đáo trao trước cho họ những món quà hoặc một số tiền nào đó. Biết làm sao được, Nga không thể phê bình những đồng nghiệp có hoàn cảnh như thế.
Mua xong tất cả các thứ, Nga ung dung ra về. Qua khỏi khu vực buôn bán thịt cá tươi sống, Nga chợt giật mình nhận ra một khuôn mặt quen quen. Nàng dừng lại trước một sạp đường đậu và mua một không đường cát để tiện việc quan sát. Người đàn ông có râu quai nón trông dữ dằn với chiếc nón nỉ đội lụp sụp trước trán một thời là thần tượng của nàng. Một thời nàng thuộc quyền sở hữu của gã. Bây giờ gã ngồi với một người đàn bà thật kiều diễm. Bà ta trạc gần bốn mươi, chiếc áo màu hoa mười giờ dài tay làm lồ lộ nước da trắng hồng ở vùng mặt, cổ và bàn tay. Khác với nụ cười của gã, người đàn bà có vẻ nghiêm trang và có gì đó hơi buồn buồn trong ánh mắt.
Nga giật thót mình khi gã đàn ông chợt nhìn thẳng vào nàng. Dường như gã cũng vừa nhận ra Nga. Nga móc bóp trả tiền và mặc cho chủ quầy gọi để trả số tiền thừa, nàng quay bước thật nhanh. Ghê gớm thay, Nga lạnh toát người khi thấy gã đứng dậy bước ra. Mặt Nga chuyển từ đỏ sang trắng bệch, nàng cắm cúi bước và có ai đó than phiền vì nàng đã va chạm vào họ. Mặc, Nga nhìn lại phía sau và vẫn gặp cái ánh mắt của gã đằn ông, chồng cũ của nàng.
Nga va mạnh vào ngực một người đàn ông khác. Ông ta gần như ôm nàng trong vòng tay. Nga đỏ tía mặt mày nhìn lên. Anh ta hãy còn rất trẻ và mỉm cười trước vẻ sượng sùng của nàng:
− Đi đâu mà chẳng nhìn ai cả vậy cô bé?
Ôi, Nga nghe như có một luồng điện đốt nóng da thịt nàng, tiếng « cô bé » chàng trai vừa thốt ra nghe sao êm đềm.
− Xin.. xin lỗi anh!- Nga lắp bắp nói và nhìn lại đằng sau, gã đàn ông kia chắc có lẽ đã lạc mất nàng ở khúc rẽ trái.
− Dường như cô bé bị ai đuổi phải không?
Nga lắc đầu lia lịa:
− Dạ, không.. không. Tôi có bị ai đuổi đâu. Xin lỗi anh nhé.
Nga nói và bước đi thật nhanh. Vài người gần đó nhìn nàng ngạc nhiên sau đó rồi cũng quên đi, chợ đông mà.
Tối hôm đó, Nga cứ trằn trọc mãi. Có hai lý do, một là sự trở về của Năm Râu phải có mục đích nào đó. Hắn là dân buôn lậu chuyên nghiệp mà. Cái nhìn như chăm chú của gã khiến bây giờ nhớ lại Nga phải rùng mình. Quá khứ đen tối của những ngày trước đây cứ đè nặng tâm hồn Nga và không sao dứt ra được. Hắn đã nhận ra nàng và dễ gì không cố ý tìm ra chổ ở của nàng dù Nga đã hai lần đổi địa chỉ. Nàng đã yên thân được mấy năm nay và nếu bây giờ, Năm Râu tìm cách bêu rêu nàng về chuyện cũ, chắc Nga sẽ không sống nổi. Gia đình nàng và nàng dù sau vẫn có tiếng tốt nơi đây. Càng nghĩ, Nga càng phập phồng.
Khi nhịp tim nàng đập không bình thường vì lo sợ trước sự gặp gỡ tình cờ với Năm Râu., Nga vẫn nhận ra có một niềm vui đến xốn xao con tim. Chàng thanh niên với ánh mắt vui vẻ và nụ cười kia vẫn làm nàng nhớ « người đâu gặp gỡ làm chi » vùng ngực nóng ấm và hai bàn tay chàng dường như vẫn còn mơ hồ trên vai nàng. Đó là lý do thứ hai khiến Nga trằn trọc. Nhưng càng nghĩ, Nga càng thấy buồn, làm gì có chuyện xảy ra với một người con trai xa lạ nàng vừa mới tiếp xúc chưa quá một phút, chẳng biết tên họ và cũng chẳng biết gia đình.
Nga thở dài và thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi.
Sáng sớm hôm sau, Nga đến nhận ca trực. Thật là xui cho nàng, trên đường đi Nga phát hiện ra Năm râu sau khi hắn phát hiện ra nàng.
Khi Năm Râu cười hềnh hệch đứng trước mặt, Nga chợt thấy bình tĩnh hơn nàng tưởng. Đồng thời nàng thấy Năm Râu có vẻ già hơn, mập hơn. Da mặt hắn Nga thấy lúc thì ửng đỏ, lúc thì tái tái rất lạ, riêng cái bụng hắn thì to và phệ hơn thời chung sống với nàng.
− Ông muốn gi? – Nga lạnh lùng hỏi:
Gã cười hềnh hệch:
− Rất may là em không quanh co dài dòng, mời vô quán ngồi.
Thấy mặt Nga vẫn đăm đăm, gã nói bỡn cợt:
− Người ta thường nói vợ chồng cũ không rũ cũng về. Em không về với anh thì thôi, việc gì mà ngầu vậy?
Nga chợt nhận ra thái độ ấy chẳng có lợi gì cho mình. Nàng dịu giọng:
− Nga bận, không thể ngồi với anh lâu được. Có gì thì anh cứ nói.
− Em đã có chồng khác chưa? Hắn hỏi ngay.
Nga đáp không do dự.
− Có rồi.
Gã cười không có vẻ tiếc nuối:
− Mừng cho em. Ba mẹ vẫn khoẻ chứ?
− Cảm ơn anh, ba mẹ em vẫn khỏe.
− Hôm nào anh đến thăm được không?
Thấy Nga ngập ngừng, gã lại cười, dường như khi thôi sống chung với nhau, gã rất dễ ban phát nụ cười:
− Nói vậy chứ, thôi yên tâm đi. Anh chẳng làm gì đâu, việc gì phải trốn anh như anh sắp ăn thịt em không bằng.
Nga vụt nói:
− Tôi cũng mong là như vậy. Đừng can thiệp vào cuộc sống riêng tư nhau.
Gã gần như ngửa mặt lên để cười. Vừa dứt tiếng, giọng gã rít lại:
− Đó là mục đích của tôi đấy, em cưng. Chuyện của tôi trước đây, không được bép xép với ai.
− Không cần phải dặn tôi điều đó, anh biết tính tôi mà.
− Còn giữ những tính đó thì tốt. Nhớ nhé, chuyện ai nấy biết. Chào.
Hắn vừa dứt câu quay đi. Tay sọt vào túi quần với vẻ ung dung tự tại.
Kể từ lúc gặp và nói chuyện với Năm Râu, Nga thấy yên lòng hơn. Nàng nói dối rằng mình đã có chồng để Năm Râu không có cớ gì gây phiền phức cho nàng. Đến bây giờ Năm Râu vẫn còn thấy điều ấy là cần thiết.
Sự việc sẽ hoàn toàn bình lặng nếu như không có một chuyện xảy ra.
Hôm ra trực, Nga về đến nhà thì đã thấy Tú, Nguyên cùng trò chuyện với một thanh niên quay lưng ra ngoài.
Nga vui vẻ chào Nguyên từ ngoài sân:
− Anh Nguyên mới đến chơi hả?
Nguyên gật đầu:
− Ừ, Nga vừa ra trực đó à.
− Dạ, Nga nói luôn với anh trai – Hôm nay anh không đi làm hở anh hai?
Tú và Nguyên không ai trả lòi mà tủm tỉm nhìn người thanh niên. Lúc ấy Nga bước vào và ngạc nhiên nhìn anh thanh niên đang ngồi đối diện với anh trai mình. Đó chính là người mà nàng va vào hôm kia.
Nga lúng túng:
− Ủa.. anh là…
Chàng trai mỉm cười:
− Tôi là Khanh.
Tú ngạc nhiên:
− Hai người biết nhau rồi à?
Khanh nói:
− Chúng tôi tình cờ biết mặt nhau chứ có ai biết tên ai.
Tú cười:
− Đó là chuyện lạ, nhưng thôi. Tú chỉ vào Nga – Đây là Nga, em kế của tôi đấy.
Nụ cười của Khanh làm Nga lúng túng, nàng nói nhanh:
− Anh Nguyên và anh Khanh ngồi chơi.
Nhưng Tú đã nói:
− Em vào rửa mặt rồi trở ra anh bảo.
Nàng không biết anh trai còn cần gì tới mình, nhưng vốn ngoan ngoãn, nàng « dạ » rồi vào trong.
Vốn có thói quen tìm mẹ khi trở về đến nhà ; Nga xuống nhà sau gọi lớn:
− Mẹ ơi, mẹ đâu rồi.
Út Quyên đang ngồi trước thau đồ nghe chị gọi nên lên tiếng
− Mẹ đi chợ rồi, chị ba. Về là nghe tiếng chị hà.
Nga hỉnh mũi trêu em:
− Ừ vậy đó được hông?
Út Quyên cười hì hì:
− Sao lại không được, hôm nay là mộ ngày đặt biệt mờ.
− Đặc biệt thế nào? – Nga ngạc nhiên hỏi.
Út Quyên chỉ ngón tay lên phòng khách:
− Ông gì đó đi với anh Nguyên kìa. Ổng chờ chị hồi sáng đến giờ.
Nga tròn mắt nhìn em gái, và ngồi xuống hỏi nhỏ:
− Chờ chị làm gì hả út?
− Ủa chứ anh hai chưa nói với chị hả?
− Chưa, ảnh bảo chị vào và một tí trở ra.
− Thế thì em cũng đâu có biết.- Út Quyên dài giọng
Nga hừ nhẹ rồi cốc đầu em gái:
− Vậy mà nảy giờ cứ vòng vo.
Út Quyên làm bộ nhăn nhó khiến Nga phì cười. Không biết vì sốt ruột do chờ lâu trong lúc còn có việc phải làm hay là do bố trí trước, khi Nga trở lên phòng khách, Nguyên và Tú đã đi đâu đó. Chỉ còn có một mình Khanh ngồi lại.
Nga hỏi:
− Anh Tú và anh Nguyên đâu rồi hở anh Khanh?
Khanh chỉ ra phía trước, Tú và Nguyên đang nói với nhau điều gì đó vui vẻ khiến cả hai cười vang.
Khanh nói:
− Nga ngồi đi, anh có việc cần nhờ đến Nga. Không biết Nga có vui lòng giúp đõ hay không?
Nga lịch sự đáp:
− Nếu như điều đó không vượt ngoài khả năng của Nga. Anh Khanh cứ nói đi, Nga muốn biết xem mình có giúp ích được gì chăng.
Khanh ngồi lại ngay ngắn, hai tay anh đặt trên đùi, người hơi chồm về phía trước:
− Anh nhờ Nga nhận dạng một người. Người này trước đây vay gia đình anh một số vàng bạc khá lớn, sau đó thì bỏ trốn mất biệt. Tình cờ anh thấy hai ba hôm nay có một người rất giống hắn, hình như hắn quen biết Nga.
Nga nghe lạnh cả tay chân, lưỡi muốn líu lại, chẳng lẽ chàng đang nhắc đến Năm Râu.
− Anh. ;; anh.. ; nói là…
− Hôm qua, tình cờ anh thấy ông ta trò chuyện với Nga – Ánh mắt Khanh sắc sảo- Anh nghĩ rằng cô bé này có thể giúp anh tìm ra tung tích hắn nên len lén theo Nga đến chỗ làm việc rồi lần theo về nhà. Anh chưa biết làm sao để hỏi thăm Nga thì gặp Nguyên.
Nghe Khanh trình bày mà Nga hơi ngạc nhiên. Khanh không có vẻ rút rè khiêm tốn của kẻ đi nhờ vả. Chàng rành rọt nói trong ánh mắt tự tin như tin chắc rằng Nga sẽ sẳn sàng giúp mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là mức độ tự tin của chàng vừa phải để Nga thích mà không ghét.
− Anh muốn Nga giúp thế nào?
− Rất đơn giản, Nga có thể cho anh biết có phải trước đây hắn tên là Lâm không? Lâm Râu chứ không phải là Năm râu như bây giờ.
Ngày đầu tiên biết tên hắn, Nga đã mơ mộng nghĩ đến cuộc đời và vẻ phong trần của hắn, nó như một khu rừng đầy bí ẩn và quyến rũ bước chân tò mò của những cô học trò lãnh mạn như nàng.
Nga gật đầu mà nghe lòng buồn rười rượi. Khanh nhìn nàng như vừa nghe được tiếng thở dài của nàng. Chàng ân cần nói:
− Anh xin lỗi trước nếu như điều thắc mắc của anh có khơi lại cho Nga nỗi buồn gì đó.
Nga vội xua tay:
− Không có gì đâu anh, anh còn hỏi gì nữa không?
Khanh nghiêng người móc chiếc ví hơi nhỏ nơi túi quần. Chàng rút trong đó ra một tấm hình.
− Nga có biết người này không?
Trong ảnh là cảnh tiệc tùng bừa bãi của một nhóm người. Bây giờ Nga chỉ thấy ghê tởm khi trông thấy vẻ mặt của Lâm lúc ấy. Cạnh Lâm là một người đàn ông đầu hói mang kính trắng. Ngày ấy, Nga đã đó một thời gian tin vào lời giới thiệu của Lâm là tên này là cán bộ của trường ĐHBK. Sau mỗi phi vụ làm ăn của Lâm vào cuối khoảng thời gian chung sống với nhau, gã đầu hói bao giờ cũng có mặt để bàn chuyện ăn thua.
Nga cắn môi có nên nói cho Khanh biết hắn là ai không? Không phải tự nhiên mà Năm Râu đã chặn nàng lại để cảnh cáo nàng phải giữ kín điều hắn làm.
Nga ngẩng đầu lên nhìn Khanh và nàng chợt xúc động khi chạm phải ánh mắt của chàng. Khanh đã gởi gắm và tin cậy nàng biết bao. Và đối với Khanh, cái nhìn của Nga chứng tỏ nàng biết nhiều nhưng muốn giữ những điếu bí mật ấy.Giữa lúc Khanh thở dài thất vọng thì Nga đã quyết định tiếc lộ và Khanh ý thức được đây là sự hy sinh to lớn của nàng. Một mắc xích quan trọng của vụ án làm ăn lớn mà Khanh đeo đuổi mấy năm nay đã được trình bày rõ ràng.
Khanh đứng lên chia bàn tay ra:
− Nga ơi, rất cảm ơn em, cảm ơn em rất nhiều. Nào, Nga hãy yên tâm, chỉ có một mình anh biết chuyện nay mà thôi. Bắt tay một cái nhé cô bé!