Nói chưa dứt lời thì chợt nghe tiếng chuông gấp gáp vọng ra từ Băng cung. Tạ Vân Chân biết đó là tiếng chuông cảnh báo trong cung thì rất ngạc nhiên, thầm nhủ: “Ai mà dám quấy rối ở đây, chả lẽ Mạnh Thần Thông?” Nghĩ chưa dứt thì Phùng Lâm nạt lớn: “Dừng lại.” Tạ Vân Chân chưa nhìn thấy rõ thì đột nhiên có tiếng gió lướt tới, một bóng đen lướt qua người bà ta, ngay lúc này chỉ thấy Phùng Lâm đã phóng vọt người lên cao, lá cây bay lả tả trong không trung, bóng đen ấy chợt kêu ối chao một tiếng, khi rơi xuống thì đã cách đó nửa dặm, Lý Tâm Mai kêu lên: “Là Cơ Hiểu Phong đệ tử của Mạnh Thần Thông!” Số là Phùng Lâm không tóm được y cho nên phóng vọt người lên cao vãi ra một nắm lá cây đánh vào huyệt đạo của y, bóng đen ấy chỉ lắc hai cái thì trong chớp mắt đã lướt ra mười mấy trượng. Tạ Vân Chân nhìn mà hoa cả mắt, bà ta chưa bao giờ thấy ai có thân pháp nhanh như thế. Băng xuyên thiên nữ cũng phóng vút ra, lúc này mới phát giác cây trâm hồ điệp cài trên đầu đã mất, cây trâm này là một trong những báu vật ở hoàng cung Nê Bách Nhĩ, có giá trị hàng chục vạn lượng bạc. Trong Băng cung vọng ra tiếng binh khí giao nhau, Phùng Lâm nói: “Hay lắm, chúng ta sắp gặp Mạnh Thần Thông rồi.” Thế là mọi người vội vàng chạy vào Băng cung. Đến hoa viên thì thấy một đám thị nữ đang bao vây hai người ăn mặc rất quái dị. Băng Xuyên thiên nữ nói: “Kẻ bên trái là cao tăng của Hồng giáo Mật Tông Tán Mật pháp sư.” Băng Xuyên thiên nữ vốn là công chúa của nước Nê Bách Nhĩ, Nê Bách Nhĩ lấy Phật giáo lập quốc, nàng còn có thân phận đại hộ pháp của Phật giáo, có mối giao tình thắm thiết với hoạt Phật Hồng giáo Tây Tạng, pháp vương Bạch giáo Thanh Hải, thực ra Bạch giáo và Hồng giáo Thanh Hải Tây Tạng thống nhất, Băng Xuyên thiên nữ không qua lại với Hồng giáo nhưng cũng quen biết với vài trưởng lão trong giáo của họ. Nhưng số người theo Mật Tông trong Hồng giáo ít nhất, đa số chỉ là viết lách kinh điển trong chùa. Trong các giáo tông của Đạt Ma giáo, Mật Tông đem lại cho người ta cảm giác bí hiếm nhất, nhưng họ không bao giờ xen vào những xích mích bên ngoài. Bởi vậy Băng Xuyên thiên nữ vừa thấy Tán Mật pháp sư thì không khỏi ngạc nhiên, thầm nhủ: “Khoan hãy nói đến giao tình giữa mình với tam giáo trong Đạt Ma giáo, với thân phận của Tán Mật đại sư, làm sao y có thể cấu kết với đệ tử của Mạnh Thần Thông đến đánh cắp bảo vật trong Băng cung? Thật khó tin nhưng đây là sự thật.” Các thị nữ trong Băng cung xếp theo trận hình Cửu cung bát quái, vây Tán Mật đại sư và phiên tăng khác. Chỉ thấy kiếm khí ngang dọc, ánh hàn quang chói lòa, mấy mươi thanh Hàn băng kiếm kết thành một kiếm trận, tấn công dồn dập về phía hai người ấy. Tán Mật đại sư đứng vững như núi, y chẳng hề ra tay nhưng trường kiếm của bọn thị nữ trong Băng cung không thể nào đâm vào người y được. Băng Xuyên thiên nữ đang định quát ngừng lại thì chợt nghe tên phiên tăng gầm lớn một tiếng như sấm nổ giữa trời xanh, đột nhiên mấy mươi thanh Hàn băng kiếm bay vút lên trời, Băng Xuyên thiên nữ thất kinh, đó là thần công Sư tử hống trong Phật môn, tên phiên tăng này có công lực thượng thừa, xem ra chẳng thua gì Tán Mật pháp sư. Phùng Lâm nói: “Mặc cho y là ai, cấu kết với đệ tử của Mạnh Thần Thông thì chẳng phải là người tốt.” Thế rồi phóng vọt người lên lướt qua hai hòn non bộ, nhảy vào trong trường, ngay lúc này chỉ thấy Đường Kinh Thiên đã xuất hiện, chặn tên phiên tăng ấy, lớn giọng hỏi: “Hai vị đại sư cớ gì đến đây khiêu chiến?” Tên phiên tăng quát tháo ầm ỹ, một hồi sau mới hỏi: “Ngươi có phải là Đường Kinh Thiên đấy không? Bọn ta đến đây gởi thư cho Mạnh tiên sinh, ngươi không tiếp đãi bằng lễ mà kêu bọn nha đầu vây đánh bọn ta, thế thì ai đã khiêu chiến?” Y nói tiếng Hán nghe rất cứng, nhưng cũng rất rõ ràng. Đường Kinh Thiên ngạc nhiên hỏi: “Mạnh tiên sinh nào?” Tán Mật đại sư bước lên hành lễ rồi nói: “Chính là Mạnh Thần Thông Mạnh tiên sinh. Chúng tôi là sứ giả đến gởi thư cho ông ta.” Băng Xuyên thiên nữ nghe rất rõ ràng, chuyện không thể tin do chính miệng y chứng thực, Mạnh Thần Thông quả nhiên là “thần thông” đã có thể khiến cho một cao tăng của Mật Tông Hồng giáo như Tán Mật pháp sư phải nghe sai khiến. Đường Kinh Thiên nói: “Ồ, Mạnh Thần Thông? Hình như ta đã nghe cái tên này, nhưng bọn ta và ông ấy không có liên quan với nhau, ông ta bảo các vị đến gởi thư gì?” Phiên tăng cười lạnh: “Ta chỉ biết gởi thư chứ không biết ngươi và ông ta có liên quan hay không. Thư ở đây, ngươi hãy tự mở ra xem.” Phùng Lâm cả giận, bước lên cười lạnh nói: “Hay lắm, các ngươi đến gởi thư hay đến ăn cắp? Phải chăng vừa là sứ giả vừa là kẻ trộm?” Tán Mật đại sư chắp tay nói: “A di đà Phật, xin nữ thí chủ ăn nói cẩn thận, tiểu tăng làm sao có thể đánh cắp đồ của người khác?” Phùng Lâm cười lạnh: “Đệ tử của Mạnh Thần Thông Cơ Hiểu Phong đã đánh cắp Băng phách hàn quang kiếm của người ta, các ngươi đi cùng y, chẳng phải là cùng một giuộc hay sao? Chả lẽ niệm nam mô thì có thể xóa sạch trơn?” Tán Mật đại sư hơi biến sắc. Băng Xuyên thiên nữ vẫn còn nghi ngại, bước lên nói: “Dù sao Băng phách hàn quang kiếm cũng đã lấy về được, đó là chuyện của Cơ Hiểu Phong, không cần truy cứu.” Tán Mật pháp sư đỏ mặt, nói: “Bọn chúng ta thật sự không biết Mạnh tiên sinh nói gì trong thư, có lẽ Cơ Hiểu Phong đến đây vì lý do khác, mong các vị đừng làm khó y, trước tiên xem thư của Mạnh tiên sinh rồi nói tiếp.” Y thấy Băng Xuyên thiên nữ đã lấy kiếm về thì nghĩ Cơ Hiểu Phong đã bị bắt, bởi vậy mới lên tiếng nói đỡ cho Cơ Hiểu Phong. Băng Xuyên thiên nữ nói: “Đại sư yên tâm, nếu là người đi cùng đại sư, sao chúng tôi có thể làm khó y?” Băng Xuyên thiên nữ thấy Tán Mật đại sư tỏ vẻ tử tế thì đoán trong đó có nguyên nhân khác cho nên cũng khách sáo với y vài phần. Đường Kinh Thiên nghe tên phiên tăng ấy cười lạnh, thế là nhìn theo ánh mắt của y, chỉ thấy trong vườn có một tòa bạch tháp, đó là do mẹ của Băng Xuyên thiên nữ xây lên để cúng Phật dựa theo mẫu tháp Phật ở Nê Bách Nhĩ, tháp này cao hơn hai mươi trượng, tầng cao nhất có đỉnh như hình quả bầu, nhìn từ xa có thể thấy trên đỉnh có một cái tráp vuông, chắc là thư của Mạnh Thần Thông chứa trong cái tráp này. Với bản lĩnh của Băng Xuyên thiên nữ và Đường Kinh Thiên, thi triển khinh công lên cái tháp chẳng phải chuyện khó, nhưng ít nhất phải mất một tuần trà mới lấy xuống được. Đường Kinh Thiên thầm nhủ: “Không biết bọn chúng đã lên bằng cách nào? Sao trong Băng cung có nhiều thị nữ mà chẳng ai phát giác ra. Dù mình lấy thư xuống, e cũng phải chậm hơn bọn chúng. Vả lại thân phận của mình là chủ nhân, theo lý phải tiếp khách chứ không nên rời khỏi đây. Hừ, rõ ràng là bọn chúng gây khó để cho mình.” Còn có một cách khác đó là bảo bọn thị nữ leo lên từng bậc rồi lấy thư xuống, nhưng như thế thời gian sẽ càng dài hơn, vả lại càng mất mặt hơn! Đường Kinh Thiên đang chần chừ thì chợt nghe Phùng Lâm cười lạnh: “Chỉ là đưa thư thôi sao? Mạnh Thần Thông là cái thứ gì mà dám vô lễ với phái Thiên Sơn như thế. Được, để ta xem y nói gì rồi sẽ tính sổ sau với các người.” Nói xong thì tháo sợi dây cột đầu màu đỏ ném lên không trung. Phùng Lâm tiện tay ném sợi dây xem rất nhẹ nhàng, nhưng thực sự bà ta đã ngầm vận Huyền công, dùng công phu Trích diệp phi hoa thượng thừa nhất, chỉ nghe tiếng loạt soạt vang lên, sợi dây cột đầu bay vút lên, trong chớp mắt chỉ thấy có một đường màu đỏ nhạt dưới ánh mặt trời, chỉ trong khoảnh khấc ánh màu đỏ cũng biến mất. Mấy mươi thị nữ trong Băng cung đều ngửa đầu nhìn lên trời, trong lòng thắcmắc không biết Phùng Lâm đang giở trò gì, chỉ thấy tên phiên tăng ấy mặt xám ngoét, chợt nghe tưng một tiếng, từ trên một đỉnh tháp có một vật rơi xuống nhanh như sao xẹt, ả thị nữ đứng gần đấy nhặt đưa cho Đường Kinh Thiên, té ra đó là một cái tráp nhỏ, trên cái tráp có cột một sợi dây thừng, sợi dây màu đỏ của Phùng Lâm thì buộc vào sợi dây thừng đó, tựa như Phùng Lâm kéo cái tráp từ trên đỉnh tháp xuống. Tên phiên tăng thất sắc, té ra trong cái tráp có chứa thư của Mạnh Thần Thông do Cơ Hiểu Phong dùng khinh công tuyệt đỉnh móc trên đỉnh tháp. Còn Phùng Lâm thì dùng một sợi dây nhỏ kéo xuống, đó cũng giống như nội công thượng thừa Trích diệp phi hoa. Phùng Lâm trổ tài khiến tên phiên tăng tiu nghỉu. Đường Kinh Thiên vạch hai ngón tay tựa như dao bén, mở cái tráp lấy bức thư ra, cái tráp này được đóng bằng gỗ đàn rất rắn chắc, Thiết chỉ thiền công của Đường Kinh Thiên tuy không bằng công phu Trích diệp phi hoa của Phùng Lâm nhưng cũng đủ kinh thế hãi tục. Tên phiên tăng thầm nhủ: “Chả trách nào ở Ấn Độ mình đã nghe nói Đường Hiểu Lan là đệ nhất cao thủ ở Trung Hoa, cả con trai của y cũng ghê gớm đến thế, quả nhiên là danh đồn không ngoa.” Đường Kinh Thiên lấy bức thư cùng đọc với Băng Xuyên thiên nữ, trong thư viết rằng: “Kẻ hậu học trong võ lâm là Mạnh Thần Thông gởi thư đến chủ nhân của Băng cung. Từ lâu đã nghe kiếm pháp của quý phái cao cường, thần công trác tuyệt, lão phu muốn mở rộng tầm mắt cho nên mạo muội sai đệ tử đến mượn kiếm xem, ngày mười lăm tháng ba sang năm sẽ trả lại trước mộ của Độc tý thần ni phái Mang Sơn, cũng chính vì thế cho nên tôi mới mượn kiếm này.” Mạnh Thần Thông nói thì rất khách sáo, nhưng Đường Kinh Thiên có thể hiểu đó là thư khiêu chiến của y, bất đồ lửa giận bốc lên, cười lạnh nói: “Mạnh Thần Thông quả thật quá ngạo mạn! Y tuy thần thông quảng đại, nhưng bảo kiếm của Băng cung chúng tôi không phải là đồ dễ lấy. Nhưng nếu y muốn tỉ thí với ta thì cũng không cần dùng thủ đoạn lén lút như thế, hai người hãy về nói cho y biết ngày mười lăm tháng ba sang năm ta nhất định đến Mang Sơn lãnh giáo, bảo y không cần phái tên tiểu tặc hạ lưu đến đánh cắp đồ của Băng cung nữa.” Khi Đường Kinh Thiên nói thì Băng Xuyên thiên nữ đã nháy mắt với chàng hai lần mà chàng chẳng hề phát giác. Tán Mật pháp sư mặt lạnh như băng, nói: “Trách nhiệm của ta chỉ là theo cao đồ của Mạnh tiên sinh đến gởi thư, Mạnh tiên sinh khiêu chiến với các người cũng được, muốn lấy báu vật của Băng cung cũng được, chuyện đó chẳng liên quan gì đến ta. Thí chủ, ngươi đã trách tiểu tăng quá nặng.” Đường Kinh Thiên lúc này mới phát giác Băng Xuyên thiên nữ nháy mắt với mình thì khựng người lại, cười rằng: “Mong đại sư đừng hiểu lầm, tôi chỉ nói những lời này cho Mạnh Thần Thông nghe mà thôi.” Lúc này dù có biện giải thêm cũng càng rối. Phùng Lâm nói: “Đúng thế, Mạnh Thần Thông coi như cũng chẳng phải là hạng vô danh trên giang hồ, muốn khiêu chiến thì cứ quang minh lỗi lạc, không cần phải dùng thủ đoạn lén lút như thế.” Bà ta lặp lại lời của Đường Kinh Thiên thì càng đổ dầu vào lửa. Tán Mật pháp sư chợt quay đầu lại, đối diện với Phùng Lâm, lạnh nhạt nói: “Không biết vào ngày mười lăm tháng ba sang năm nữ thí chủ có rảnh đến núi Mang Sơn không?” Phùng Lâm nói: “Thế nào?”Tán Mật nói: “Nếu nữ thí chủ chịu đến, lúc đó ta nhất định sẽ lãnh giáo vài chiêu.” Y vốn muốn khiêu chiến với Đường Kinh Thiên, nhưng vì Đạt Ma giáo có giao tình với Băng Xuyên thiên nữ, bởi vậy mới khiêu chiến Phùng Lâm. Băng Xuyên thiên nữ nháy mắt với chồng là vì không muốn kết oán với Tán Mật, không ngờ cuối cùng mọi việc đã đổ bể, trong lòng thầm kêu khổ, sợ rằng Phùng Lâm lại nói những lời khó nghe, may mà Phùng Lâm cũng biết thân phận của Tán Mật, thế rồi mới cười nói: “Chính vì tôi muốn gặp Mạnh Thần Thông nên mới đến Mang Sơn. Nếu đại sư có ý ban dạy, lúc đó tôi sẽ lãnh giáo đại sư.” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Tôi có một việc không hiểu, không biết có thể hỏi đại sư không?” Tán Mật pháp sư chắp tay nói: “Mời nữ hộ pháp cứ ban hỏi!” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Đại sư là một cao tăng đắc đạo, không biết sao lại chịu làm sứ giả của Mạnh Thần Thông?” Tán Mật pháp sư thản nhiên nói: “Mọi người mọi chuyện trên đời đều có nhân quả, chuyên pháp đã thế, kiếp nạn khó thoát. Nữ thí chủ có công đức hộ trừ Phật giáo, tiểu tăng luôn kính ngưỡng, nữ thí chủ có giao tình với bổn phái, tiểu tăng cũng không quên, bởi vậy sẽ không chống đối nữ hộ pháp.” Băng Xuyên thiên nữ vẫn còn thắc mắc nhưng không thể hỏi được nữa. Song từ lời của y, nàng có thể hiểu được sở dĩ y khiêu chiến với Phùng Lâm ở Mang Sơn là vì muốn tránh không giao chiến với Băng cung, đó cũng là tôn kính Băng Xuyên thiên nữ. Không ngờ sóng trước chưa lặn thì sóng sau đã nổi lên. Tán Mật pháp sư vừa mới khiêu chiến xong thì tên phiên tăng kia lập tức cười ha hả, lớn giọng nói: “Ta thì chẳng có giao tình với ai cả, từ lâu đã ngưỡng mộ kiếm pháp của Thiên Sơn, ta đang muốn lãnh giáo Đường đại hiệp.” Không đợi Đường Kinh Thiên đáp lời y đã rút soạt một thanh đao ra. Té ra phiên tăng ấy là đệ tử của đệ nhất cao thủ ấn Độ, Long Diệp thượng nhân, pháp hiệu A La tôn giả, đã được vua Nê Bách Nhĩ mời, có ý đến làm khó Đường Kinh Thiên. Giờ đây vua Nê Bách Nhĩ là biểu huynh của Băng Xuyên thiên nữ, năm xưa vì Băng Xuyên thiên nữ mà đã cầm mười vạn quân đánh vào Tây Tạng, sau đó giao chiến ở một sơn cốc tại núi Hy Mã Lạp Nhã, các võ sĩ do Nê Bách Nhĩ mời đến đều thua trận, đại quân của phía Trung Quốc lại kéo đến, vua Nê Bách Nhĩ mới đành chấp nhận hòa ước, gióng trống thu binh. Tuy là thế, vua Nê Bách Nhĩ vẫn không thể nào quên thù hận đối với Đường Kinh Thiên, do đó mới mời A La tôn giả bảo y đến quyết đấu với Đường Kinh Thiên, A La tôn giả cũng đang muốn xem võ công của Trung Quốc thế nào, bởi vậy mới vui vẻ chấp nhận đến Trung Quốc. Ý của A La tôn giả chủ yếu là muốn xem võ công của Trung Quốc, y thực sự không muốn liều mạng với Đường Kinh Thiên, song vì hứa với vua Nê Bách Nhĩ mới hải tìm cớ đến Băng cung tỉ thí với Đường Kinh Thiên, một là xem thử võ công của phái Thiên Sơn có điều gì đặc biệt; hai là bất luận thắng bại cũng có thể ăn nói với vua Nê Bách Nhĩ. Mạnh Thần Thông biết được chuyện này, y dùng thần công tuyệt đỉnh thu phục A La tôn giả, A La tôn giả cho rằng võ công của Mạnh Thần Thông còn cao hơn cả sư phụ mình, mong được theo y học hỏi, cho nên chấp nhận nghe y sai khiến, Mạnh Thần Thông sai y cùng Tán Mật pháp sư đến Băng cung, đối với A La tôn giả, đây cũng là một cái cớ hay. Còn với một người có thân phận cao quý như Tán Mật pháp sư mà chịu lép vế làm sứ giả cho Mạnh Thần Thông cũng có một nguyên nhân khác. Vốn là Tu la âm sát công có nguồn gốc từ Mật Tông Ấn Độ, đã thất truyền từ giữa thời Minh đến nay, tính ra cũng được gần hai trăm năm. Tán Mật pháp sư một lòng muốn tìm lại võ công của bổn phái, Mạnh Thần Thông biết tâm ý của y, liền bảo y giúp mình, chờ đến khiđánh bại hết các đại môn phái, trở thành võ lâm chí tôn thì sẽ truyền Tu la âm sát công cho y. Tán Mật pháp sư nghe Mạnh Thần Thông dỗ ngọt, cuối cùng đã chịu làm sứ giả cho y. Mạnh Thần Thông sợ nhất là phái Thiên Sơn, lúc này y vẫn chưa luyện xong thần công, trước khi nắm chắc phần thắng, y không muốn đích thân đến Thiên Sơn khiêu chiến với vợ cthồng Đường Hiểu Lan cho nên phái người khác đi, y lại ngại Đường Hiểu Lan, cho nên suy đi tính lại thì nghĩ ra một cách khác, đó là khiêu chiến với con của Đường Hiểu Lan là Đường Kinh Thiên, y còn sợ Đường Kinh Thiên không chịu ứng chiến bởi vậy mới sai Cơ Hiểu Phong thi triển bản lĩnh Diệu thủ không không đánh cắp bảo kiếm để chọc giận họ. Cho đến ngày mười lăm tháng ba sang năm, y đã luyện xong các loại võ công, dù cho cha con Đường Hiểu Lan cùng đến thì y cũng không sợ. Đối với Mạnh Thần Thông, coi như y đã khách sáo đặc biệt với phái Thiên Sơn, y khiêu chiến với các dại môn phái khác, không đả thương chưởng môn của họ thì bắt đệ tử của họ, hoặc cố ý làm nhục buộc họ phải ứng chiến. Mạnh Thần Thông tin tưởng bản lĩnh của đệ tử, tưởng rằng có thể lấy được bảo kiếm, nào ngờ Phùng Lâm xuất hiện khiến Cơ Hiểu Phong chẳng làm gì được, còn A La tôn giả và Tán Mật đại sư thì bị Đường Kinh Thiên phát hiện bao vây trong Băng cung. Lúc đó Băng Xuyên thiên nữ đang đuổi theo Cơ Hiểu Phong, Đường Hiểu Lan không biết Tán Mật pháp sư, tưởng rằng y là nanh vuốt của Mạnh Thần Thông, ba phái Thiên Sơn, Võ Đang, Thiếu Lâm đứng thành hình chân vạc trên võ lâm, đều được giang hồ coi trọng như nhau, nay bị người ta xông vào Băng cung để lại chiến thư mà còn đánh cắp bảo kiếm, Đường Kinh Thiên làm sao không giận? Chính vì chàng căm giận Mạnh Thần Thông, lại không biết thân phận của hai người kia cho nên mới trách hai sứ giả của Mạnh Thần Thông. Tán Mật pháp sư có mối giao tình với Băng Xuyên thiên nữ, ông ta là người giỏi nhịn, nhưng A La tôn giả thì tức đến nỗi thất khiếu bốc khói, vốn có ý muốn ứng chiến võ công với Đường Kinh Thiên thì nay lại muốn liều mạng. Hai bên đã hình thành thế đối địch, A La tôn giả bảo là lãnh giáo “kiếm pháp của phái Thiên Sơn”, Đường Kinh Thiên có thân phận là thiếu chưởng môn của phái Thiên Sơn đương nhiên không thể chối từ, chàng thấy A La tôn giả ngạo mạn, trong bụng cũng tức cho nên rút phắt thanh kiếm, nói: “Đại sư là khách, xin mời ra chiêu trước!” Thanh trường kiếm của Đường Kinh Thiên là một trong hai thanh kiếm trấn sơn của phái Thiên Sơn, tên kiếm là Du long, thân kiếm chói lòa dưới ánh mặt trời. A La tôn giả thấy thế thì hơi cảnh giác, nhưng y cũng không sợ, chỉ ngạo mạn gật đầu, nói một tiếng “Tiếp chiêu” rồi lia đao chém tới. Đao ấy vừa chém ra tựa như sấm sét, cương mãnh vô cùng, chỉ trong chớp mắt dã đâm tới trước ngực Đường Kinh Thiên, Đường Kinh Thiên lật cổ tay, tiện tay đánhra một chiêu Đại mạc cô yên, mũi kiếm đâm hất lên, kiếm quang lấp lánh, tiếng tựa rồng gầm, A La tôn giả cả kinh, vội vàng thu đao nhưng đã không kịp nữa, chỉ nghetiếng kim khí gãy, tia lửa tung tóe, cây loan đao của A La tôn giả bị mẻ một miếng lớn. Cây đao này vốn được làm từ Ô kim, nặng đến năm mươi cân cho nên lúc đầu y tuy biết Đường Kinh Thiên sử dụng bảo kiếm nhưng không hề sợ, nào ngờ cây Du long kiếm là cây bảo kiếm đứng hàng thứ hai ở võ lâm Trung Nguyên. Đường Kinh Thiên vừa ra tay đã sử dụng Truy phong kiếm thức của phái Thiên Sơn, cộng lại là sáu mươi bốn thức, cứ tám chiêu thức là một đoạn, một chiêu đánh ra thì bảy chiêu kia liên tiếp không ngừng tựa như gió trời sóng biển, trong ánh đao màn kiếm, chỉ thấy A La tôn giả phóng vọt người lên, Đường Kinh Thiên đâm ra một chiêu thứ hai, đến chiêu thứ ba thì A La tôn giả hạ người xuống, mũi kiếm lướt qua giày, yđột nhiên phóng vọt người ra. Đường Kinh Thiên lướt người đuổi theo, chiêu thứ ba chưa đâm được y, chiêu thứ tư chiêu thứ năm đã dồn ra, đến chiêu thứ sáu thì mũi kiếm đã chạm vào bối tâm của y, A La tôn giả phất ống tay áo trở lại, ống tay áo bịchém rơi một mảng, kiếm thế của Đường Kinh Thiên cũng lệch sang một bên. Nói thì chậm, sự việc diễn ra rất nhanh, bàn tay của y từ ống tay áo đột nhiên thò ra chụp vào cổ tay của Đường Kinh Thiên. Chiêu này kỳ quái tuyệt luân, đó là đề phòng Du già đại pháp của Ấn Độ, chỉ thấy cánh tay y co lại chụp tới từ một phương vị không thể nào ngờ được, Băng Xuyên thiên nữ đứng bên cạnh không khỏi thất sắc! May mà kiếm thuật của Đường Kinh Thiên đã luyện đến cảnh giới cao nhất, ngoại trừ công lực vẫn còn yếu, hầu như đã theo kịp cha mình, kẻ địch chụp tới từ một phương vị không thể ngờ được, chàng cũng né tránh từ tình huống không thể ngờ được. Mũi kiếm xoay lại, chiêu thứ bảy đã đâm xuyên qua hông của A La tôn giả, đến chiêu thứ tám thì thân kiếm chuyển lại đâm vào ngực A La tôn giả! A La tôn giả quát lớn một tiếng, cầm thanh loan đao bổ xuống, Đường Kinh Thiên giật mình, ngạc nhiên: “Chả lẽ y không sợ bảo kiếm của mình chặt gãy binh khí?” Chàng chợt cảm thấy áp lực đè xuống rất nặng, đao kiếm đột nhiên dán vào nhau, té ra A La tôn giả nhắm kiếm thế, đồng thời sử dụng công phu Sư tử hống quấy rối tinh thần Đường Kinh Thiên, rồi y dốc hết công lực của toàn thân đè vào thanh kiếm. Tám chiêu Truy phong kiếm thức của Đường Kinh Thiên biến ảo vô cùng, quả thực đó là tinh túy của Thiên Sơn, tuy chiếm được thượng phong lúc đầu cũng không thể đả thương được đối phương, đến ba chiêu cuối cùng thì A La tôn giả đột nhiên vừa công vừa thủ khiến Phùng Lâm không khỏi thầm khen. Lúc này đao kiếm giao nhau âm thanh ngừng lặng, nhưng ngoại trừ Chung Triển và Lý Tâm Mai, những người khác đều căng thẳng. Té ra lúc này hai người đã tỉ thí bằng chân lực nội gia, ai lực mạnh thì thắng, lực yếu thì bại, lúc này Đường Kinh Thiên không thể sử dụng được kiếm, A La tôn giả cũng không thể thi triển thủ pháp tinh diệu được nữa. Sau một tuần trà chỉ thấy hai đối thủ đều hạ thấp người, té ra vì muốn chế ngự áp lực của đối phương cho nên cả hai đều thi triển thân pháp Thiên cân trụy, đầu gối đều lún sâu xuống đất. Tạ Vân Chân thở ra một hơi, nói: “Công lực của hai người tương đương nhau, không cần tỉ thí nữa.” Băng Xuyên thiên nữ thi lễ với Tán Mật pháp sư rồi nói: “Làm phiền pháp sư cùng tôi bước ra hòa giải!” Tán Mật pháp sư nói: “Lời của nữ hộ pháp chính hợp với y bần tăng.” Y lấy ra cây phất trần, Băng Xuyên thiên nữ lấy ra thanh băng kiếm, băng kiếm hất lên, phất trần mở rộng, đao kiếm đột nhiên tách ra. Chỉ nghe ầm một tiếng, Đường Kinh Thiên và A La tôn giả bật người dậy, ở dưới chân còn để lại hai cái lỗ sâu đến cả thước, lập tức bụi cuộn lên như mây mù, Đường Kinh Thiên hạ xuống cách chỗ cũ hai trượng, A La tôn giả hạ xuống cách chỗ cũ ba trượng mới có thể đứng vững được. Hai người đều như hai con gà trống bại trận, mặt xám ngoét, khí trắng trên đầu bốc cuồn cuộn. Đường Kinh Thiên tra kiếm vào vỏ, cung tay nói: “Thần công của đại sư trác tuyệt, bội phục, bội phục!” A La tôn giả đỏ ửng mặt, trả lễ nói: “Kiếm pháp của phái Thiên Sơn quả nhiên danh đồn không ngoa.” Y ngập ngừng rồi đưa mắt sang Băng Xuyên thiên nữ thi lễ nói: “Bảo kiếm của nữ hộ pháp càng hiếm có trên đời, hôm nay tôi mới được mở rộng tầm mắt. Nếu có duyên sẽ gặp lại trên núi Mang Sơn, lúc đó sẽ xin được lãnh giáo nữ hộ pháp.” Băng Xuyên thiên nữ mỉm cười: “Tôi nhất định sẽ đến, nhưng không dám nhận hai chữ lãnh giáo!” Tán Mật pháp sư nói: “Đã như thế, ngày sau sẽ gặp lại tại Mang Sơn. Xin tạm biệt!” Nói chưa dứt hai chữ tạm biệt thì hai người đã phóng vọt ra khỏi vườn hoa. Thân pháp của hai người này tuy kém hơn Cơ Hiểu Phong nhưng sau khi A La tôn giả trải qua một trận ác chiến mà khinh công vẫn còn ghê gớm như thế thì mọi người đều kinh hãi. Lại nói kết quả tỉ thí giữa hai người, hai chân của Đường Kinh Thiên lún sâu vào đất đến hai tấc, khi tách ra, A La tôn giả phóng vọt ra xa hơn chàng một trượng mới đứng vững được, nhìn bề ngoài có thể nói đôi bên tám lạng nửa cân. Thực ra A La tôn giả hơi lép hơn. Té ra khi Băng Xuyên thiên nữ và Tán Mật pháp sư tách họ, luồng khí âm hàn của Băng phách hàn quang kiếm tuy không đả thương được A La tôn giả nhưng nhất thời y không thể thích ứng, bị khí lạnh dồn tới cho nên mới lùi xa hơn một trượng, bởi vậy trước khi đi lại còn khiêu chiến với Băng Xuyên thiên nữ. Đường Kinh Thiên than rằng: “Thiên hạ thật rộng lớn, không biết có bao nhiêu cao nhân dị sĩ. Trước đây chúng ta coi võ học của trung thổ là tuyệt đỉnh, nay nghĩ lại thì đúng là ếch ngồi đáy giếng. Nếu hôm nay ta không có Du long bảo kiếm thì chỉ e đã bại trong tay tên phiên tăng này.” Phùng Lâm cười nói: “Thiên nhi không cần coitrọng người khác như thế, võ công của tên phiên tăng này tuy ghê gớm nhưng so ravẫn còn kém xa cha con và chưởng môn hai phái Thiếu Lâm, Võ Đang.” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Con không biết Mạnh Thần Thông như thế nào, nhưng từ chuyện hôm nay có thể thấy, Tán Mật pháp sư và hai tên phiên tăng này chịu làm sứ giả, nghe y sai khiến, chắc là y có bản lĩnh hơn người, chúng ta phải cẩn thận mới được.” Bọn Tạ Vân Chân thầm lo, họ mời các đại môn phái đến giúp đỡ, lúc đầu là tưởng chỉ đối phó một mình Mạnh Thần Thông, nay mới biết Mạnh Thần Thông đã ngầm lôi kéo nhiều cao thủ giúp mình. Lúc này Đường Kinh Thiên mới quay sang chào hỏi khách, nghe Tạ Vân Chân kể lại chuyện Mạnh Thần Thông đã đại náo võ lâm Trung Nguyên, Đường Kinh Thiên nói: “Té ra Mạnh Thần Thông muốn khiêu chiến với cả võ lâm Trung Nguyên, chả trách nào mà y sai đệ tử đến đánh cắp bảo kiếm, có lẽ y muốn làm chúng ta bẽ mặt, may mà bảo kiếm không bị mất, phái Thiên Sơn cũng giữ được thể diện.” Chàng nói đến đây thì Băng Xuyên thiên nữ ho nhẹ một tiếng, Đường Kinh Thiên mới thấy sắc mặt của vợ mình có điều khác lạ. Đường Kinh Thiên ngẩn người ra, hỏi: “Có điều gì không đúng.” Băng Xuyên thiên nữ cười khổ sở: “Tuy bảo kiếm không bị y đánh cắp nhưng ngọc hồ điệp trên đầu của muội đã mất!” Ngọc hồ điệp tuy không quý bằng bảo kiếm nhưng bị người ta đánh cắp cũng là chuyện mất mặt. Đường Kinh Thiên mới thấy ban nãy mình đã quá tự mãn, bất giác đỏ mặt, cười gượng: “Huynh khuyên mọi người không được khinh địch, cả bản thân huynh cũng phạm phải sai lầm ấy.” Phùng Lâm nói: “Bản lĩnh trộm chó bắt mèo có đáng là chi, chúng ta đến Mang Sơn sẽ tính sổ với Mạnh Thần Thông.” Tuy nói thế, bà ta đã thấy công phu của bọn Cơ Hiểu Phong, Tán Mật pháp sư và A La tôn giả, cũng không biếtcó thắng được Mạnh Thần Thông hay không. Thế rồi vợ chồng Đường Kinh Thiên dẫn khách vào Băng cung, Băng Xuyên thiên nữ không gặp Lý Tâm Mai đã lâu cho nên đôi bên rất thân mật. Kim Thế Di vốn là bằng hữu của Băng Xuyên thiên nữ, lúc đầu Lý Tâm Mai biết chàng cũng là nhờ Băng Xuyên thiên nữ. Nay Lý Tâm Mai gặp lại biểu tẩu thì không khỏi nhớ đến Kim Thế Di. Đường Kinh Thiên hỏi Phùng Lâm: “Thưa dì, nghe nói dì đã ra biển một chuyến?” Phùng Lâm lắc dầu, khẽ nói: “Ta rất hối hận đã đi chuyến này.” Đường Kinh Thiên liếc mắt nhìn thì thấy Lý Tâm Mai rầu rĩ, chàng vội vàng đổi sang chuyện khác không hỏi nữa. Vợ chồng Đường Kinh Thiên đã nghe nói Kim Thế Di đã chết, lúc này thấy mẹ con Phùng Lâm như thế thì biết chuyện này không phải giả, sợ làm cho Lý Tâm Mai buồn cho nên không dám hỏi nhiều. Băng Xuyên thiên nữ cũng thầm đau lòng trước cái chết của Kim Thế Di. Đêm ấy mẹ con Phùng Lâm ở cùng một phòng, Lý Tâm Mai nhớ lại chuyện xưa, trằn trọc chẳng yên giấc, đến canh ba mới mơ màng chợp mắt. Nàng mơ thấy tựa như đã đến Xà đảo, trên đảo có nhiều hoa thơm cỏ lạ, chợt thấy Kim Thế Di ngắt một bông hoa mỉm cười với nàng, Lý Tâm Mai chạy đến, Kim Thế Di vừa thấy nàng thì nét cười biến mất, lạnh lùng nói: “Trả đóa hoa cho cô!” rồi chàng ném đóa hoa tới, đóa hoa biến thành một đóa hoa mai hai màu đỏ trắng, Lý Tâm Mai kêu lên: “Này, sao huynh đối xử với muội như thế?” Ngay lúc này bên cạnh Kim Thế Di chợt xuất hiện một thiếu nữ, đó chính là Lệ Thắng Nam. Lệ Thắng Nam xô nàng rồi nói: “Ngươi không được ở đây, ngươi không được gặp Thế Di ca ca của ta nữa!” Lý Tâm Mai ngã xuống đất, trời xoay đất chuyển, cảnh sắc trên đảo thay đổi hoàn toàn, hoa thơm cỏ lạ biến mất, nước biển tràn lên, Kim Thế Di và Lệ Thắng Nam nắm tay nhau, phát ra tiếng cười nghe rất chối tai rồi đạp sóng đi mất! Lý Tâm Mai thất thanh kêu lên: “Thế Di ca, huynh đừng đi.” Ngay lúc này chợt thấy mẹ nàng vội vàng chạy đến, kêu lớn: “Tiểu tặc ngươi còn chạy đi đâu?” Lý Tâm Mai hoảng sợ đến nỗi toát mồ hôi lạnh toàn thân, khi mở mắt ra thì thấy mẹ ngồi bên cạnh, nàng mới biết mình vừa nằm chiêm bao, chỉ nghe Phùng Lâm nói: “Mai nhi, con đã tỉnh chưa? Con đã sợ phải không? Có mẹ bên cạnh, con không cần phải sợ tên tiểu tặc ấy.” Lý Tâm Mai cắn ngón tay, cảm thấy rất đau, mới biết không phải nằm mơ, nàng ngạc nhiên vội vàng hỏi: “Mẹ, mẹ thấy gì?” Phùng Lâm nói: “Mẹ đang nằm mơ màng thì thấy hình như có một bóng đen nhảy vào cửa sổ, mẹ dùng chân đèn ném y mà không trúng, thân pháp của người ấy nhanh đến cực điểm, có lẽ mắt mẹ bị hoa, nghi thần nghi quỷ cũng không chừng. Con... con có thấy gì không?” Lý Tâm Mai kêu lên: “Chả lẽ không phải nằm mơ, là chàng, là chàng đến thăm con?” Phùng Lâm nói: “Con nằm mơ thấy gì? Chàng nào?” Lý Tâm Mai nói: “Con... con đã thấy Kim Thế Di, chàng cười với con rồi sau đó bỏ chạy.” Nàng vốn muốn nói đến Lệ Thắng Nam, nhưng không biết thế nào mà trong lòng rất ghét Lệ Thắng Nam cho nên không nhắc. Phùng Lâm nghiêm mặt nói: “Con chỉ nói càn, người chết làm sao có thể sống dậy? Mai nhi, nghe lời mẹ, mẹ chỉ có một mình con, con đừng nghĩ ngợi nhiều khiến mẹ lo lắng.” Lý Tâm Mai nói: “Con vốn đang nằm mơ, nhưng mẹ... mẹ thực sự thấy có bóng người?” Lúc này Phùng Lâm cũng rối lên, thân pháp của người ấy quá nhanh, bà ta không thấy được mặt của y, nhưng giờ nghĩ lại thì không giống như Cơ Hiểu Phong, trong võ lâm còn ai có khinh công cao cường như thế? Bởi vậy bà ta mới ngờ rằng mình hoa mắt, nghe con gái nói thì đột nhiên thấy quả nhiên người ấy hơi giống Kim Thế Di! Nhưng nghĩ lại thì bà ta lập tức tự phản bác: “Mình nghĩ đi đâu thế? Kim Thế Di đã mất mạng trong bụng cá, làm sao có thể là y? Con gái mình nằm chiêm bao, mình cũng nằm chiêm bao theo hay sao?” Phùng Lâm nhặt chân đèn rồi châm đèn lên, trong phòng vẫn nguyên vẹn chẳng mất thứ gì, bà ta thầm cười: “Nếu mình bị mất đồ thì thật buồn cười.” Lý Tâm Mai chợt kêu lên: “Mẹ, con mất một vật.” Phùng Lâm thất kinh, hỏi: “Con mất gì?” Lý Tâm Mai nói: “Cây ngọc thoa trên đầu của con, ồ, ở đây, sao lại nằm ở đây?” Phùng Lâm nhìn theo ánh mắt con gái, chỉ thấy cây ngọc thoa nằm ngay ngắn bên gối, Lý Tâm Mai nói: “Con nhớ rất rõ ràng, trước khi đi ngủ con vẫn còn cắm trên đầu.” Từ việc này có thể chứng thực có người đã lẻn vào phòng, Phùng Lâm không nghi ngờ mình hoa mắt nữa, nỗi thắc mắc trong lòng càng nhiều hơn. Người đó là ai? Nếu là Cơ Hiểu Phong tại sao y lại rút cây ngọc thoa trên đầu của con gái mình mà lại không lấy? Đó là ý gì? Phùng Lâm nghĩ lại người đó tuyệt đối không phải là Cơ Hiểu Phong. Còn những cao thủ trên đời thì đâu có rảnh đùa như thế? Người đó là ai? Sao hành vi của y kỳ lạ như thế? Dù Phùng Lâm vắt óc mà cũng chẳng hiểu. Bà ta còn chưa nghĩ xong thì chợt nghe Băng Xuyên thiên nữ kêu lên: “Dì ơi, mau ra đây!” Phùng Lâm mở cửa phòng, hỏi: “Chuyện gì thế?” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Trong phòng con có một chuyện lạ!” Băng Xuyên thiên nữ thấy mẹ con Phùng Lâm mở cửa bước ra thì ngạc nhiên hỏi: “Hai người vẫn chưa ngủ sao?” Phùng Lâm cười nói: “Ta cũng phát hiện có chuyện lạ ở đây, hình như có người đã đến phòng của dì.” Băng Xuyên thiên nữ càng kinh hãi, nói: “Vậy sao? Ở chỗ con cũng có người đến.” Phùng Lâm hỏi: “Có mất thứ gì không?” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Không, có người trả đồ cho chúng con.” Họ vừa đi vừa nói, lúc này đã vào đến phòng Băng Xuyên thiên nữ, chỉ thấy trên bàn có đặt một vật, đó chính là cây ngọc hồ điệp mà Cơ Hiểu Phong đã đánh cắp. Đường Kinh Thiên đứng dậy cười rằng: “Dì thấy có lạ hay không? Người này đến trả lại đồ mà chẳng gặp mặt chúng ta.” Phùng Lâm nói: “Con đoán là ai?” Đường Kinh Thiên nói: “Đương nhiên không phải là Cơ Hiểu Phong. Con đoán rằng người ấy không phải là cao nhân tiền bối thì là bằng hữu của chúng ta, cho nên mới đoạt lại vật trong tay của Cơ Hiểu Phong để giữ thể diện cho phái Thiên Sơn chúng ta, ơn này thật không nhỏ. Nếu là bằng hữu thì tại sao y lại không chịu gặp mặt?” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Dì hiểu biết rộng rãi, cho nên chúng con mới mời dì đến đây xem thử, căn phòng vẫn nguyên vẹn, cửa sổ vẫn đóng kín, dưới đất thì không có dấu chân, dì xem thử có dấu vết gì không?” Phùng Lâm nói: “Các con phát giác như thế nào?” Băng Xuyên thiên nữ nói: “Con đang mơ màng thì thấy có một bóng đen nhưng trong chớp mắt đã biến mất, con tưởng mình hoa mắt, đánh thức Kinh Thiên dậy thì mới phát hiện có cây ngọc hồ điệp ở đây.” Phùng Lâm nói: “Lúc nãy bọn ta cũng như thế, ta cũng đoán không ra.” Đường Kinh Thiên thở dài: “Hỡi ơi, đúng là ngoài trời có trời, ngoài người có người. Nếu người này là kẻ địch, há chẳng phải chúng ta đã mất mạng rồi sao?” Lý Tâm Mai im lặng không nói, chợt hỏi: “Biểu tẩu, tẩu thấy bóng dáng người ấy có quen thuộc hay không?” Đó chính là: Ba năm cách biệt dài đằng đẵng, là thực là ảo khó phân minh. Muốn biết tiếp đó thế nào, mời xem hồi 29 sẽ rõ.