Dịch giả: Tĩnh Hà - Kiều Oanh
Chương 17
Những người chống lại chiến tranh

Vào tuần cuối của tháng 8-1969 tôi đến đại học Quaker ở gần thành phố Philadephia để dự hội nghị tổ chức 3 năm một lần của những người chống chiến tranh quốc tế (WRI).
Chủ đề của hội nghị là "Tự do và Cách mạng", không giống với chủ đề của Hội nghị Princeton "Nước Mỹ trong một thế giới cách mạng" được tổ chức trước đó 16 tháng. Nhưng cuộc gặp mặt những người chống chiến tranh năm nay không được Liên đoàn Ivy đồng tài trợ. Và tôi không còn đến dự như một người phản cách mạng nhiệt thành nữa.
Mặt khác, tôi cũng không phải là nhà cách mạng Gandi không dùng bạo lực hay người theo chủ nghĩa yêu chuộng hoà bình, như nhiều người đến dự nghĩ về bản thân họ. Nhưng một năm sau khi đọc những gì Janaki đã gợi ý nên đọc, tôi rất muốn gặp những người đã tự coi họ như vậy. Từ trước đến nay, Janaki là người duy nhất tôi thực sự hiểu và thường xuyên gặp gỡ. Sau Hội nghị ở Princeton, cô ấy đã đến thăm tội ở Malibu và chúng tôi gặp nhau vài ngày ở London. Cô ấy để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Tôi có thể nói cô ấy là người anh hùng của tôi, giống như một người khác mà tôi đã từng biết đến, Rosa Parks. 15 năm trước đó một trong những người anh hùng của tôi là John Wayne, người đã tuyển dụng tôi và rất nhiều người khác vào làm việc trong Hải quân Mỹ. Tôi phát hiện ra rằng lần này điều gì đó đã đổi khác Người anh hùng của tôi đã thay đổi cả màu da lẫn giới tính. Nhưng tôi còn muốn gặp cả những người khác nữa, tốt nhất là những người có kinh nghiệm sống gần giống với tôi hơn là với Janaki và hàng ngày áp dụng những nguyên tắc của Gandi mà tôi được đọc. Tôi sẵn sàng để họ thử thách, thậm chí để họ thay đổi tôi.
Năm trước đó, tôi có đọc những cuốn sách Janaki khuyên tôi nên đọc; trong số đó có hai cuốn "Bước đi của Luther King hướng tới tự do". "Chinh phục bạo lực" của John Bondorant, viết về phương châm và thực hành không dùng bạo lực của Gandi và cuốn "Cách mạng và sự cân bằng" của Barbara Deming, tác giả có những bài viết về nhu cầu không cần sử dụng vũ lực trong chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi cũng đọc nhiều lần một bài viết khác cũng về chủ đề đó, nhưng được một tác giả khác viết trước đó gần một thế kỷ, cuốn "Về nghĩa vụ không tuân lệnh dân sự" của Henry David Thoreau. Bản gốc có tiêu đề nghe rất phá phách "Chống lại chính phủ dân sự".
Không tuân lệnh quyền lực dân sự, phải chăng đó là một nghĩa vụ? Liệu đó có phải là sự lựa chọn hợp pháp không? Theo Thoreau thì trong những hoàn cảnh nhất định, câu trả lời là có khi "toàn bộ một đất nước bị quân đội nước ngoài vô cớ dày xéo và chiếm đóng"(94), khi "quân đội của chúng ta là quân đội đi xâm lược"(95). Ông ta nói trong trường hợp như vậy thì tuân lệnh những nhà lãnh đạo trong một sự nghiệp phi nghĩa là lựa chọn sai lầm. Bản thân ông ta đã vào tù vì từ chối không chịu đóng thuế thân để phản đối chiến tranh Mehicô. Ông ta chỉ ở trong tù có một đêm vì, trái với ý muốn của bản thân, "ai đó đã can thiệp và đóng thuế hộ ông ta(96). Giống như Gandi hay King, Thoreau chủ trương không sử dụng vũ lực, nhưng chống lại tội ác nô lệ và một cuộc chiến phi nghĩa, bài viết của ông ta kêu gọi nổi loạn và phiến loạn không dùng vũ lực. Cùng giống như Rosa Parks, bằng ví dụ của mình, ông ta hối thúc những gì vượt quá cả sự phản đối bằng ngôn ngữ bất hợp tác, thường dân không chấp hành mệnh lệnh của quân đội, giống như việc "binh lính không chịu tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa". Tại tiểu bang Massachusetts, quê hương ông, ông cho rằng những người lính như vậy được nhiều người khen ngợi nhưng không có nhiều người bắt chước làm theo, trong số hàng ngàn người, về lý thuyết thì phản đối chế độ nô lệ và chiến tranh, nhưng trên thực tế thì lại không làm gì để chấm dứt điều đó cả. Họ do dự, họ hối tiếc và thỉnh thoảng họ yêu sách nhưng họ chẳng làm được điều gì cho ra hồn cả. Họ sẽ đợi những người khác giải quyết vấn đề này. May lắm thì họ chỉ bỏ lá phiếu rẻ mạt.
Đối với một thế kỷ các độc giả (Tolstoy trích dẫn lời của ông ta để chống lại lệnh gọi nhập ngũ; Gandi truyền bá lời nói của ông trước đám đông ở Ấn Độ). Thoreau tuyên bố: "Hãy bỏ lá phiếu của mình. Không phải bỏ một tờ giấy mà là gửi gắm cả ảnh hưởng của bạn nữa. Một nhóm người thiểu số là bất lực khi nó phải phục tùng đa số nhưng nó sẽ không thể đánh bại nếu dồn hết sức lực của mình".
Tôi đọc những dòng chữ đó lần đầu tiên vào mùa hè nàm 1968. Một năm sau việc cử tri bỏ lá phiếu của mình mà vẫn không kết thúc được cuộc chiến tranh mà họ muốn kết thúc, văng vẳng trong đầu tôi là câu nói: "Hãy bỏ lá phiếu của mình. Không phải bỏ một tờ giấy mà là gửi gắm cả ảnh hưởng của bạn nữa"(97). Tôi đã tới Haverford với hy vọng tìm hiểu xem điều này có nghĩa là gì.
Nhiều điều đã xảy ra trong suốt 16 tháng đó. Đáng nhẽ ra những điều này phải làm cho tình hình khác đi, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy: chiến dịch bầu cử Tổng thống đã bắt đầu với cuộc chiến tranh Việt Nam là vấn đề cốt lõi; thay đổi hoàn toàn trong đảng và chính phủ; khi một chính phủ mới bắt đầu thì người ta thường xem xét kỹ lại các phương án lựa chọn khác nhau và đặt câu hỏi về bộ máy quan liêu; bắt đầu đàm phán với Hà Nội. Những vấn đề này, hoặc bất kỳ một khía cạnh nào khác của chính trị bình thường, dường như sẽ gỡ rối mọi chuyện, mặc dù cử tri trông đợi điều này và rõ ràng là lo lắng cho nó. Nếu tôi sẵn sàng thay đổi quan hệ của mình với tình hình, thậm chí sẵn sàng thay đổi cuộc đời mình thì chắc chắn có lý do của nó.
Janaki đã mời tôi tham dự hội nghị. Cô ấy là một trong những nhà tổ chức hội nghị này. Cô ấy muốn tôi làm diễn giả lên phát biểu để nêu ra những câu hỏi về chủ nghĩa yêu chuộng hoà bình mà tôi đã hỏi cô ấy từ những tài liệu mà cô ấy khuyên tôi nên đọc. Tôi từ chối ngay lời mời này. Tôi biết quá ít về chủ đề này và những suy nghĩ của tôi chưa có gì là rõ ràng cả để tôi có thể lên tiếng tại hội nghị. Những thông tin tôi có được từ đại học Harvard, Rand, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không gây ấn tượng gì đối với các đại biểu dự hội nghị. Và tôi cũng không có phẩm chất gì khác để khiến họ tin rằng tôi là một diễn giả thực thụ. Tôi nói tôi muốn lắng nghe, chứ không muốn tranh luận.
Tại hội nghị tôi rất ít khi nhìn thấy Janaki. Là nhà tổ chức, co ấy rất bận. Nhưng như những gì tôi hy vọng, tôi thực sự có cơ hội được gặp một nhà hoạt động đã cùng ăn trưa với chúng tôi tại Princeton một ngày trước khi tôi gặp Janaki. Trên thực tế, tất cả những ai ăn rưa cùng chúng tôi hôm đó đều đến dự hội nghị.
Một người trong số đó là Bob Eaton, người đã tới Bắc và Nam Việt Nam trên chiếc tàu Phoenix, theo kế hoạch sẽ bị tống giam vào sáng ngày thứ ba của hội nghị, tại phòng xử án liên bang trong toà nhà Bưu điện tại trung tâm Philadelphia. Anh ta sẽ ngồi tù 3 năm.
Eaton là người đầu tiên chống quân dịch mà tôi được gặp. Anh ta hơn bất kỳ đồng nghiệp hay bạn bè tôi ở Washington hay Santa Monica. Giờ đây nhìn lại tôi kinh ngạc nhận ra rằng tôi và bạn bè tôi bị cô lập như thế nào, mãi đến năm 1969 và thậm chí sau khi nhiều người trong chúng tôi chỉ trích gay gắt cuộc chiến tranh, từ phong trào phản chiến đang rầm rộ hay rộng hơn nữa là phong trào hoà bình. Những gì tôi biết về những con người đó chủ yếu có được chỉ qua các phương tiện trưyền thông đại chúng, nhìn chung rất tiêu cực với mức độ khác nhau, nào là cực đoan, đơn giản hoá, thân Cộng sản hoặc thân Mặt trận dân tộc giải phóng nào là cuồng tín, chống Mỹ và giáo điều. Tôi tới Haverford cũng một phần là để tìm hiểu xem những gì báo chí viết có chính xác không. Tôi không muốn bản thân mình bị gọi như vậy (nhưng những năm sau, cái giá mà tôi phải trả vì đã phản kháng không dùng vũ lực để chống chiến tranh là việc tôi đã bị gán cho tất cả những tội danh nêu trên).
Nhưng những người mà tôi gặp và lắng nghe tại hội nghị lại không gặp phải những vấn đề như vậy. Bốn ngày thảo luận sôi nổi mà tôi được tham dự, bao gồm cả những tranh luận về nguyên tắc và chiến lược chung, cũng như các chiến thuật đã phản bác lại những tội danh nêu trên. Xin lấy một ví dụ, người ủng hộ thuyết vô chính phủ và yêu chuộng hoà bình chỉ trích quyền lực và bạo lực của nhà nước mà tất cả các đại biểu đều chung quan điểm hầu như không tạo ra cơ sở gì cho quan điểm thán phục và không phê phán Liên Xô, chính quyền ở Hà Nội hay Mặt trận dân tộc giải phóng. Những đại biểu tham dự hội nghị này phản đối chiến tranh mà không thi vị hoá Việt Cộng, những chiến sĩ cách mạng sử dụng vũ lực của thế giới thứ ba, hay các nước xã hội chủ nghĩa nhiều hơn là phản đối nhà nước của chính họ.
Cũng giống như phản đối chiến tranh, khi thách thức việc lạm dụng quyền lực nhà nước, họ đi quá những lời chỉ trích bên lề. Một số người có mặt, bao gồm Michael Randle, Chủ tịch của Tổ chức những người chống chiến tranh quốc tế và Devi Prasad, Tổng thư ký của tổ chức này đã có những hành động trực tiếp không dùng vũ lực tại Đông Âu vào tháng 9-1968, rải truyền đơn tại một số thủ đô để phản đối việc Liên Xô và Khối hiệp ước Varsava xâm lược Tiệp Khắc. Điều này đồng nghĩa với những cuộc biểu tình tại các quảng trường thành phố, nơi mà các cuộc biểu tình là bất hợp pháp và những người tham gia sẽ bị bắt ngay lập tức. Trong đa phần các trường hợp, họ sẽ bị giam giữ và cầm tù.
Tôi hoài nghi về cam kết giáo điều đối với chủ nghĩa yêu chuộng hoà bình tuyệt đối mà họ có. Tổ chức những người chống chiến tranh quốc tế, trong đó Liên đoàn những người chống chiến tranh là một chi nhánh của Mỹ, đã được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần II như một tập hợp những người phản đối chiến tranh có lương tri, vào một thời điểm mà có rất ít nước chính thức công nhận tổ chức đó. Trong thập kỷ 20, tổ chức này đã thông qua quan điểm của Gandhi và bây giờ tiếp tục mở rộng hơn nữa các cuộc đấu tranh giải phóng không dùng vũ lực, nhưng nó vẫn giữ các nguyên tắc yêu chuộng hoà bình. Tôi nói với Randall Kehler, người đứng đầu chi nhánh của Liên đoàn những người chống chiến tranh tại San Francisco và là một trong những người tổ chức hội nghị, rằng tôi không thể tham gia chi nhánh này được, vì theo như tôi hiểu thì nó bao gồm việc ký một cam kết từ chối không tham gia vào tất cả các cuộc chiến tranh, những cuộc chiến bị coi là tội ác chống lại nhân loại. Mặc dù cuộc chiến tranh Việt Nam và tôi càng ngày càng có xu hướng hoài nghi về bất kỳ cuộc chiến nào được coi là "chính nghĩa", tôi nói với Kehler rằng tôi tin là việc tự vệ bằng cách sử dụng vũ lực được biện hộ chống lại sự xâm lược, giống như trường hợp của Hitler vậy. Kehler nói ông ta cũng có mối băn khoăn tương tự.
Ông ấy nói: "Tôi chưa bao giờ ký cam kết". Ông ta hỏi những người xung quanh và được biết đa phần họ cũng chưa ký cam kết. Chủ nghĩa yêu chuộng hoà bình của họ không phải giáo điều. Nó phát triển và khám phá, công nhận tính bất trắc và tình hình tiến thoái lưỡng nan.
Một khía cạnh nổi trội của hội nghị này là chiến tranh Việt Nam chắc chắn thu hút được sự chú ý hàng đầu, trong chương trình nghị sự hoặc trong những cuộc thảo luận. Điều này xảy ra mặc dù hầu như mọi người có mặt, từ nước Mỹ cho đến các nơi khác, đều kịch liệt phản đối chiến tranh và mặc dù chiến tranh vẫn tiếp diễn khốc liệt như trước. Thực ra, máy bay Mỹ không còn ném bom Bắc Việt Nam mà chỉ đơn thuần là chuyển mục tiêu sang Lào, Nam Việt Nam và bí mật sang Campuchia. Tính tổng cộng, họ đã ném một số lượng bom lớn hơn trước đó, với số lượng khoảng một triệu tấn bom một năm hay là bằng nửa tổng số bom ném xuống trong Chiến tranh thế giới lần II. Tuy nhiên biên bản của hội nghị này cho thấy chỉ có một phần mười giấy tờ và một phần hai mươi diễn giả tập trung trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mà tất cả các diễn giả đều cho rằng sắp kết thúc.
Những nhà hoạt động chống chiến tranh này đều có chung một giả thuyết được hầu như tất cả mọi tầng lớp trong xã hội Mỹ chấp nhận trong vòng 18 tháng kể từ khi Hà Nội đồng ý lời đề nghị của Johnson tiến hành đàm phán công khai vào ngày 3-4-1968. Giả thuyết cho rằng cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và lời đề nghị đàm phán của Johnson đã vĩnh viễn giải quyết liệu Mỹ có rút quân khỏi Việt Nam và kết thúc chiến tranh hay không? Người ta cho rằng câu hỏi duy nhất còn lại là những gì mà một diễn giả đã mô tả là "tốc độ rút quân khi kết thúc cuộc chiến tranh bẩn thỉu đằng đẵng này".
Nhưng tôi biết giả thuyết đó là sai. Tôi vừa được biết tại Washington một tuần trước khi họp hội nghị về điều bí mật được giữ kín rằng bản thân Nixon không chấp nhận giả thuyết đó Nixon cũng như Johnson đều không muốn chấp nhận thất bại của Mỹ trong việc quyết định chính trị của Nam Việt Nam, thất bại trong việc ngăn ngừa sự thống trị của Cộng sản tại Sài Gòn và những nơi khác nữa. Khi tôi tới Haverford, trong đầu tôi văng vẳng lời tiên đoán của Halperin với tôi ở Washington: "Chính quyền này sẽ không tham gia tranh cử năm 1972 mà lại không đặt mìn tại Hải Phòng hay ném bom tại Hà Nội". Và sự tiết lộ của Vann rằng ít nhất sẽ vẫn còn hàng nghìn quân Mỹ đóng ở Việt Nam vào cuối năm 1972. Tại hội nghị tôi không thể tiết lộ những gì tôi biết. Những thông tin được tiết lộ cho tôi cực kỳ bí mật. Tôi hầu như không thể nói gì về điều đó mà không hỏi ý kiến hay nguồn cung cấp thông tin là John Paul Vann và Morton Halperin. Bản thân hai người này không phải là người chia sẻ thông tin và đã bí mật biết được thông tin này.
Dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn cố gắng giải thích rõ ý nghĩa của những thông tin đó. Tôi dành hẳn 4 ngày hội nghị để xem xem cần phải làm những gì.
Cuối cùng, vào tối thứ ba, tôi đã có cơ hội nói chuyện với Bob Eaton, một đêm trước khi anh ta bị tống giam, hai năm sau khi anh ta tuyên bố với Uỷ ban tuyển quân rằng anh ta sẽ không cộng tác với Hệ thống dịch vụ tuyển trạch nữa. Kể từ đó, ngoài chuyến đi của anh ta trên tàu Phoenix tới bắc và nam Việt Nam, anh ta làm việc với mạng lưới những người yêu chuộng hoà bình AQAG (một nhóm hành động Quaker) và nhóm Chống chiến tranh, ủng hộ việc bất hợp tác với việc tuyểm quân. Tháng 9-1968, anh ta là một trong những thành viên của tổ chức những người chống chiến tranh quốc tế, suýt nữa thì bị tống giam tại Đông Âu vì đã phản đối việc xâm lược Tiệp Khắc.
Đúng là một kẻ quấy rối. Tuy nhiên với niềm tin rằng chiến tranh đang kết thúc, án tù sắp thi hành đối với Eaton, đối với nhiều người, dường như đã lỗi thời. Anh ta ám chỉ tới thái độ này trong câu chuyển vào ngày đầu tiên. Nó đề cập tới việc chống lại chủ nghĩa quân phiệt nói chung, chứ không chỉ chiến tranh Việt Nam vì, như anh ta nói, "Cơ sở của việc tổ chức lính Mỹ hiện nay là không ai muốn mình là chiến sĩ cuối cùng bị bắn gục trong chiến tranh. Đó cũng là một vấn đề đối với nhóm Chống chiến tranh, vì tôi nghĩ không ai muốn là người cuối cùng ngồi tù vì đã chống lại một cuộc chiến tranh".
Một ngày trước khi ngồi tù, ngày 26-8-68, anh ta đã tham dự tất cả các phiên họp, kể cả một phiên kéo dài tới tận 10h30' tối hôm đó, sau đó có tiệc và khiêu vũ. Tôi tìm thấy anh ấy trong một căn phòng tách biệt hẳn nơi tổ chức tiệc, tay đang cầm cốc bia nhưng miệng thì luôn mồm nói về những chiến lược lâu dài và những chiến thuật để thay đổi nước Mỹ. Tôi gợi ý với anh ấy rằng đó không phải là cách tôi sẽ làm nếu đó là ngày cuối cùng trước khi tôi ngồi tù. Anh ta trả lời ngay lập tức: "Nhưng đó là cách của tôi. Tôi là nhà tổ chức. Tôi sẽ là nhà tổ chức trong tù, giống như khi tôi tự do ở bên ngoài vậy".
Sáng hôm sau, thứ tư, hội nghị không tổ chức phiên họp nào để các đại biểu có thể đi Philadelphia làm thành một vòng tròn xung quanh Toà nhà Bưu điện để cầu nguyện trong khi Eaton bị giam giữ bên trong. Xe bus và xe hơi sẽ đưa tất cả chúng tôi đi.
Tôi cố nghĩ ra lý do từ chối không tham gia nhưng không dễ. Tôi thấy ngượng ngùng trước những hồ nghi của bản thân. Thì đã sao nhỉ? Một người tôi ngưỡng mộ bị tống giam vì đã hành động đúng lương tâm. Anh ta và những người bạn muốn thể hiện tình đoàn kết với những lý do chính trị dễ hiểu và có thể vì điều đó giúp anh ấy thấy dễ chịu hơn. Tham dự còn có Pastor Martin Niemoller, một trong những người hùng của thế kỷ và những người khác mà tôi rất ngưỡng mộ. Vậy thì tại sao tôi lại không tham gia nhỉ?
Thực ra tôi có lý do của riêng mình. Tôi vừa sợ mình sẽ bị phát hiện vừa có cảm giác rằng có một điều gì đó không đàng hoàng trong sự kiện này. Điều gì sẽ xảy ra nếu báo chí hoặc cảnh sát hoặc FBI chụp ảnh chúng tôi? Điều gì sẽ xảy ra nếu tên tôi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và lan đến tận Washington hay Santa Monica? Tôi biết đồng nghiệp và bạn bè của tôi tại hai nơi đó sẽ nghĩ gì: họ nghĩ tôi bị điên. Họ sẽ coi việc đó như việc đó như sự hy sinh phẩm giá vô ích, hy sinh vì những hành động không mang lại kết quả gì, không có tác dụng gì không đáng phải mạo hiểm không được tiếp cận với thông tin bí mật và với những con người có ảnh hưởng. Không ai có thể lý giải được điều này ngoài sự điên rồ. Tôi có thể nghe thấy sự phản ứng của họ văng vẳng trong đầu tôi và tôi thực sự không thể tranh luận được với điều đó. Đây không phải là nơi, là cách để tôi tuyên bố với Rand, với Lầu Năm Góc và Nhà Trắng rằng tôi đang cùng dư luận phải đối chiến tranh. Cuộc chiến tranh mà họ gây ra.
Nhưng Bob Eaton chuẩn bị vào tù và tôi không thể nghĩ ra lý do nào để từ chối không đi tiễn anh ta. Tôi nghĩ có lẽ mình viện cớ bị ốm nhưng hội nghị vẫn còn họp hai ngày nữa nên lý do đó không chính đáng. Do vậy vào một sáng tháng 8-1969, trong khi Martin Niemoller và Devi Prasad đang ở cùng với Bob, thay mặt anh ta để trả lời toà thì tôi đang ở trung tâm Philadelphia, hoà vào dòng người biểu tình, ăn mặc sặc sỡ, một số người tay giơ biểu ngữ, một số người khác đang phân phát truyền đơn. Tôi đi theo họ, lúc đầu với mối nghi hoặc sâu sắc.
Vỉa hè bên ngoài toà nhà Bưu điện ở Philadelphia sáng hôm đó khác xa so với toà nhà Văn phòng Hành pháp tại Washington, nơi tôi dành tháng hai năm đó viết công văn giấy tờ cho Tổng thống. Cả hai nơi đều là để "nói lên sự thật với các cơ quan quyền lực" và "chứng kiến hoà bình". Nhưng bạn không thể làm điều đó ở cả hai nơi, nếu như bạn không muốn quay lại Hội đồng An ninh quốc gia. Bạn không có cơ hội soạn thảo các bài bình luận tối mật cho Tổng thống về những phương án lựa chọn cho Việt Nam, hoặc cố vấn cho trợ lý an ninh quốc gia nếu bạn là loại người bỏ làm mấy ngày liền để biểu tình ủng hộ những người chống quân dịch trên đường phố ở Philadelphia.
Bạn sẽ không được những người quyền thế tin cẩn nếu có khả năng rằng bạn sẽ công khai thách thức chính sách của họ tại bất kỳ một diễn đàn nào. Đó là quy luật bất di bất dịch của ngành hành pháp. Đó là quy tắc thiêng liêng của những người trong cuộc, của cả những người quyền thế lẫn những người như tôi có vinh hạnh được cố vấn và giúp đỡ họ. Tôi hiểu điều đó như bất kỳ một ai khác. Tôi đã sống theo quy tắc đó trong suốt 10 năm qua, nó đã ăn sâu vào máu thịt tôi rồi. Sáng hôm đó dường như tôi đang vứt bỏ phần máu thịt đó của mình trước khi tôi có được phần máu thịt mới. Tôi cảm thấy mình đang khoả thân và trần trụi. Bây giờ những gì tôi nhớ là một ngày u ám, tuyết rơi đầy và rét mướt.
Tôi luôn nhủ thầm rằng đó là Philadelphia vào tháng tám. Nhưng xét cho cùng, chẳng ai để ý đến tôi cả. Không có cánh báo chí, không có cả cảnh sát nữa. Mọi người thờ ơ đi qua, cũng chăng thèm dừng lại đọc những tấm biểu ngữ nữa. Một số người cầm lấy tờ truyền đơn chúng tôi phát cho họ. Những người khác vứt đi hoặc trả lại chúng tôi. Khách qua đường liếc nhìn chúng tôi hoặc cắm đầu đi thẳng, giống như họ liếc nhìn, hoặc thậm chí không thèm đếm xỉa đến, những kẻ ăn xin hoặc vô gia cư.
Khung cảnh giống như có diễn giả đứng trên bục diễn thuyết trong công viên Hyde Park. Chẳng cần phải nói gì nhiều, bạn đang tự bộc lộ bản thân, biến mình thành trò hề trước đám đông, đứng trước những người mà bản thân họ cũng chẳng quan trọng gì và họ sẵn sàng phớt lờ bạn. Nếu bạn muốn thách thức một nhà nước chỉ bằng một khán đài thì có lẽ không còn cách nào thất sách hơn như thế. Quan điểm của các quan chức và các nhà tư vấn cũng giống như quan điểm của tôi. Nếu bạn không có gì tốt hơn để sử dụng một vài giờ trong quỹ thời gian của bạn hơn là thuyết phục những người qua đường thay đổi suy nghĩ của họ bằng cách phát truyền đơn thì đúng là bạn hoàn toàn không có một chút quyền hành nào. Ý nghĩ "Tại sao chúng ta làm điều này? Tôi đang làm gì?" hằn rõ trên trán tôi giống như biểu ngữ mà người đứng cạnh tôi đang cầm. Tôi thấy thật nực cười.
Cảm giác đó trôi qua mau. Xét cho cùng không ai có thể để ý quá nhiều theo cách này hay cách khác. Những người bạn đồng hành cùng tôi thấy thoải mái. Có lẽ tất cả bọn họ trước đây đều đã làm điều này. Tôi muốn giúp họ. Tôi lấy một tập truyền đơn và phân phát cho người qua đường. Dường như là phải biết cách thì họ mới chịu nhận truyền đơn. Tôi thử nghiệm với những câu nói dễ chịu khác nhau. Một số câu thành công. Một số câu khác thì không. Tôi bắt đầu thực sự thích công việc này. Cuối buổi sáng, tôi phát truyền đơn cho các xe hơi đỗ chờ đèn giao thông tại ngã tư. Tâm trạng của tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy rất vui, một niềm vui khó giải thích. Đến buổi trưa, mọi người kháo nhau rằng Eaton đã bị tuyên án và đã được đưa vào xà lim. Thẩm phán đã chăm chú lắng nghe lời tuyên bố của Pastor Niemoller và những người khác và đã tuyên án Bob chịu 3 năm tù, bản án mà Bob đã trông đợi. Chúng tôi quay trở lại hội nghị.
Một điều gì đó rất quan trọng đã xảy ra với tôi. Tôi cảm thấy tự do. Tôi không biết là tôi có thể giải thích lúc đó được hay không. Nhưng bây giờ tôi đã nhìn thấy niềm vui sướng phấn chấn đó ở người khác, đặc biệt là những người vừa trải qua lần đầu tiên không tuân thủ công dân, cho dù họ có bị tống giam hay không. Nghi lễ cầu nguyện đơn giản này, lần đầu tiên tôi làm trước công chúng, đã giải thoát tôi khỏi nỗi sợ hãi mà ai cũng có.
Tôi nghĩ mọi người thường đánh giá quá thấp sức mạnh ức chế của nỗi sợ hãi đó. Tôi thoát khỏi nỗi sợ hãi rằng mình là một kẻ lạc loài kẻ ngốc nghếch.
Một điều nữa cũng xảy ra, mặc dù mãi về sau này tôi mới nhận thức đầy đủ. Bằng cách thể hiện tình đoàn kết với Bob Eaton và sát cánh cùng những người có quan điểm như tôi và những người tôi tôn trọng, tôi đã bước qua một ranh giới khác, một ranh giới vô hình mà những người được tuyển dụng vạch ra trên nền của trung tâm tuyển việc làm. Tôi đã tham gia vào phong trào.
Ngày hôm sau, 28-8-1969, ngày cuối cùng của Hội nghị, tôi nghe bài nói chuyện của Randy Kehler trong phiên họp cuối cùng vào buổi chiều. Trong tất cả các bài nói chuyện tại hội nghị, bài nói chuyện của ông ta hoàn toàn mang tính cá nhân. Ông nói ông muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Trước đây tôi không có cơ hội nói chuyện lâu với Kether nhưng tôi có ấn tượng rất tốt về con người ông. Ông lắng nghe rất chăm chú, trả lời mạch lạc. Trong số nhiều thanh niên Mỹ mà tôi gặp tại hội nghị thì anh ta là người tôi muốn gặp gỡ hơn cả.
Tôi đã quyết định sẽ sớm đến thăm anh ấy ở San Francisco. Anh ấy có một phong thái bình dị và thẳng thắn, cùng với sự nồng hậu và khiếu hài hước. Anh ta là một người biết lôi cuốn người khác.
Tôi hơi ngạc nhiên khi biết rằng chúng tôi học cùng trường đại học và cũng giống như tôi, anh ấy là sinh viên chuyển tiếp từ Cambridge tới California. Tôi nhớ lúc đó mình nghĩ rằng đây đúng là nhờ công lao của Đại học Harvard. Sau đó lần đầu tiên tôi có dịp được nghe về con đường đã dẫn anh ấy thành người đứng đầu văn phòng liên đoàn những người chống chiến tranh tại San Francisco.
"Khi tôi tốt nghiệp Đại học Harvard và học được ba tuần sau đại học ở Standford, tôi lên đường đến bờ biển phía Tây. Tôi tham gia vào một cuộc biểu tình trong đó hàng trăm người ngồi ở cửa ra vào của trung tâm giới thiệu việc làm, cố gắng đặt câu hỏi cho tất cả những ai đi qua cửa để được nhận vào làm việc.
Chúng tôi muốn câu hỏi đó phải thực chất, chứ không phải chỉ đơn thuần là một vài từ ngữ, do đó chúng tôi cứ ngồi lỳ tại lối ra vào như vậy.
"Đó là một kinh nghiệm rất mới đối với tôi và thực sự làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi. Trước khi tôi kịp nhận ra điều đó, tôi đã bị tống giam cùng với mấy trăm người kia và lần đầu tiên tôi tìm thấy một cộng đồng những con người không chỉ đoàn kết với nhau, mà là một cộng đồng cam kết một điều gì đó to lớn hơn bản thân họ, cao cả hơn, lý tưởng hơn bất kỳ những gì mà tôi đã tham gia sau 20 năm cắp sách đến trường. Chính nhờ có cuộc biểu tình và thời gian tôi bị tống giam với những con người đó mà tôi nhìn thấy một cuộc sống khác so với cuộc sống mà tôi đang sống. Điều đó khiến tôi quyết định thôi học vả đầu quân làm việc cho Liên đoàn những người chống chiến tranh, tại San Francisco".
Anh ấy nói về việc không sử dụng vũ lực như một lối sống, nói về hy vọng, nói về hai thế giới đang song hành cùng tồn tại, một thế giới đang suy vong đầy những lo sợ và một thế giới khác đang xuất hiện, càng ngày càng giống một gia đình. Những gì tôi nhớ rõ nét nhất không phải là nội dung anh ta nói mà là những ấn tượng anh để lại trong tôi khi anh ta đứng lên nói chuyện trước cuộc họp mà không cần chuẩn bị. Lắng nghe anh ấy giống như là nhìn vào nước trong vắt vậy. Tôi đang tận hưởng một cảm giác mà tôi không nhớ là mình đã được tận hưởng trong hoàn cảnh nào khác. Tôi thấy tự hào vì anh ấy là người Mỹ. Cuối hội nghị tôi thấy tự hào rằng, anh ấy, người đang diễn thuyết là người Mỹ. Thực ra, rất khó có thể hình dung ra ai đó có nét mặt và phong thái giống người Mỹ hơn Randy Kehler. Đó là những gì khiến tôi thấy tự hào dân tộc. Khán phòng lúc đó toàn các vị đại biểu đến từ khắp thế giới. Tôi rất vui mừng khi thấy các đại biểu nước ngoài có cơ hội được nghe anh ấy nói chuyện. Anh ấy là những gì tốt nhất mà chúng ta có.
Vào thời điểm đó, anh ta kéo tôi ra khỏi cảm giác mơ màng khi bất thần anh ta nói: "Ngày hôm qua một người bạn của tôi, anh Bob đã bị tống giam". Anh ta ngừng trong giây lát, nuốt nước bọt nghẹn đắng ở cổ. Mọi người nhìn thấy rõ những giọt nước mắt trên khóe mắt của anh. Anh ta mỉm cười và nói tiếp:
"Điều này giống như lễ cưới khi Jane và tôi lấy nhau cách đây một tháng trên bờ biển San Francisco, vì tôi rất hay khóc". Một lát sau anh ta tiếp tục bằng một giọng nói cứng cỏi: "Tháng trước, David Harris cũng bị tống giam. Những người bạn khác của tôi như Wanen, John, Teny và nhiều người khác nữa cũng đang ngồi tù, và tôi thực sự không buồn về điều đó. Điều đó có một vẻ đẹp riêng và tôi rất phấn khởi nếu tôi cũng sớm được mời vào tù cùng với họ".
Anh ta lại phải dừng lại. Đại biểu bên dưới rất ngạc nhiên.
Vài người bắt đầu vỗ tay, rồi cả khán phòng cùng vỗ tay và tất cả mọi người đều đứng dậy. Nhưng anh ấy tiếp tục nói, tiếng vỗ tay ngớt đi và mọì người lặng lẽ đứng dậy. "Ngay bây giờ, tôi là người duy nhất còn lại trong văn phòng liên đoàn những người chống chiến tranh ở San Francisco vì tất cả những người khác đã ngồi tù rồi. Chẳng bao lâu nữa khi tôi vào tù thì văn phòng này chỉ còn phụ nữ mà thôi. Điều đó cũng chẳng sao. Tôi biết rõ. Tôi nghĩ Bob và David cũng biết, nhưng còn có một lý do khác giải thích tại sao tôi thích ngồi tù mà không hề hối tiếc hay sợ hãi. Đó là vì tôi biết rằng tất cả mọi người ở đây và nhiều người trên thế giới như các bạn sẽ tiếp tục đấu tranh".
Tất cả mọi người trong khán phòng đều đứng dậy. Họ vỗ tay và hò reo rất lâu. Tôi đứng dậy cùng với mọi người, nhưng đột nhiên tôi ngã phịch xuống ghế, thở gấp, chóng mặt và người lắc lư. Tôi khóc, nhiều người khác xung quanh tôi chắc hẳn cũng đang khóc, nhưng tôi bắt đầu khóc thầm, khuôn mặt nhăn nhó giàn giụa nước mắt, hai bờ vai run lên. Janaki là diễn giả tiếp theo nhưng tôi không thể nán lại được. Tôi đứng dậy, - tôi đang ngồi ở dãy ghế cuối cùng trong khán phòng - đi ra phía hành lang sau và tìm nhà vệ sinh. Tôi bước vào và bật đèn. Đó là một căn phòng nhỏ, có hai bồn rửa tay. Tôi lảo đảo tựa lưng vào tường và loạng choạng ngồi xuống sàn nhà lát đá hoa. Tôi bắt đầu khóc nấc lên, không thể kiềm chế nổi bản thân nữa. Tiếng khóc của tôl giống như tiếng cười, lúc khác lại giống như tiếng rên rỉ. Tôi thổn thức. Tôi thở gấp.
Tôi ngồi ở đó hơn một tiếng mà không đứng dậy. Đầu tôi thỉnh thoảng dựa vào tường, thỉnh thoảng tôi hai tay ôm đầu. Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ khóc như thế này trừ phi tôi biết Bobby Kennedy chết. Một câu nói cứ văng vẳng trong đầu tôi: chúng ta đang huỷ hoại thế hệ trẻ.
Tôi không sẵn sàng lắng nghe những gì Randy nói. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Khi anh ta nói tới những người bạn đang ở trong tù và nhận xét rằng anh ấy sẽ nhanh chóng nhập hội với hó, phải mất một lúc tôi mới định thần được xem anh ấy đang nói cái gì. Sau đó cảm giác của tôi như thể một chiếc rìu giáng xuống đầu tôi và tim tôi nứt toác ra. Nhưng những gì thực sự xảy ra là cuộc sống của tôi đã chia tách thành hai phần.
"Chúng ta đang huỷ hoại thế hệ trẻ", tôi ngồi đó trên sàn nhà khu vệ sinh trong giai đoạn thứ hai của cuộc sống. Trên cả hai bờ giới tuyến ngăn cách, chúng ta đang sử dụng thế hệ trẻ, sử dụng hết sức lực của họ, "phí phạm" con người họ. Đó là những gì đất nước chúng tôi đạt tới. Chúng tôi đã đi xa đến mức độ như thế này. Điều tốt nhất mà thanh niên ưu tú nhất đất nước chúng tôi có thể làm là đi ngồi tù. Con trai tôi, Robert, mới 13 tuổi. Cuộc chiến này vẫn còn tiếp diễn khi nó tròn 18 tuổi (trên thực tế đúng như vậy). Con trai tôi sinh ra là để đi tù. Một câu nói khác cứ văng vẳng trong đầu tôi, điệp khúc của một bài hát của Leonard Cohen: "Đúng vậy, chúng ta đã đi xa đến mức độ này. Con đường phía trước cũng chẳng còn xa là bao".
Sau đó khoảng một tiếng, tôi nín khóc. Tôi đờ đẫn nhìn chằm chằm vào hai bồn rửa mặt trước mặt tôi, suy nghĩ, không khóc, mệt lả và thở dốc. Cuối cùng tôi cũng đứng dậy được và rửa mặt cho khoan khoái. Tay tôi nắm chặt bồn rửa mặt và nhìn chằm chằm vào gương. Sau đó tôi lại ngồi bệt xuống sàn nhà và tiếp tục suy nghĩ. Tôi lại khóc, nhưng khóc ít thôi và không khóc to. Những gì tôi nghe Randy nói bắt đầu dấy lên một câu hỏi trong đầu tôi. Tôi có thể làm được gì, tôi nên làm gì để góp sức kết thúc cuộc chiến này giờ đây khi tôi đã sẵn sàng vô tù vì nó?
Không một giai đoạn quá độ nào xảy ra khiến tôi có thể hỏi bản thân rằng tôi có muốn vào tù không để góp sức kết thúc chiến tranh. Điều đó không xuất hiện như một câu hỏi mà câu hỏi đó có thể tự trả lời cho bản thân nó. Từ chiến tranh Việt Nam, tôi hiểu lòng mình hơn. Tôi đã mạo hiểm cuộc sống của mình, hoặc thậm chí tồi tệ hơn nữa là mạo hiểm cơ thể tôi gấp một nghìn lần hơn là khi tôi lái xe hoặc chiến đấu trên sa trường.
Nếu tôi có thể làm được điều đó khi tôi tin vào cuộc chiến tranh Việt Nam thì điều hiển nhiên là có thể vào tù để góp sức kết thúc cuộc chiến. Phải chăng hành động vô tù có thể rút ngắn cuộc chiến lại?
Rõ ràng là Randy nghĩ như vậy. Câu trả lời đó gần như thoả mãn. Ngoài ra, từ kinh nghiệm bản thân, tôi không mấy nghi ngờ rằng anh ấy đã đúng. Trong sâu thẳm trái tim, tôi cảm nhận được sức mạnh trong hành động anh ấy làm. Tính cho đến buổi tối nay, tôi biết mình có đủ sức mạnh và tự do để hành động giống anh ấy.
 
Chú thích:
(94) "Toàn bộ đất nước bị quân đội nước ngoài vô cớ dày xéo và chiếm đóng" - Thoreau, trang 229. Xem thêm Schlesinger, Nhiệm kỳ chuyên chế của Tổng thống, trang 42-43.
(95) "… quân đội của chúng ta là đội quân đi xâm lược" - sđd.
(96) "… ai đó đã can thiệp" - sđd, trang 240.
(97) "Hãy bỏ lá phiếu của mình" - sđd, trang 235.