25.
Xã tri mắc lận.

Việc ác tôi làm một ngày một đậm, không khác tay lỡ nhúng chàm, càng lâu càng thấm... Một bữa nọ, có thầy phó tổng ở Sốc trăng, lâu ngày quên tên, lên tìm tôi, rằng nghe tiếng đồn, nhà tôi cho vay lớn, muốn thế ba trăm mẫu ruộng thượng hạng, vay đỡ có được thì một muôn rưỡi, không thôi cùng cực thì muôn hai. Cậy anh phán Đức dắt lại. Đúc là thầy đờn cò, biết chữ Nho khá. Vào làm ăn tiền ngày, coi việc phiên dịch đơn từ chữ Hán ra quốc ngữ, sau toà dẹp ngạch phiên dịch và bổ hết nhân viên vào ngạch thông ngôn toà, Đức lên phán, vẫn ngồi ăn trầu bô bô và không nói được một tiếng Tây. Đánh phè hay, đờn tươi khá, và quen với tôi nhờ hai nghề nầy. Tôi nói: “Tôi mang tiếng cho vay đặt nợ, là cho nho nhỏ kia, chớ anh yêu nầy, ảnh lại không biết hay sao mả nói chuyện vay hỏi bạc muôn”. Anh phán nghe tôi rao Nam làm vậy báo hại thầy phó sửng sốt ngó tôi, phán Đức rước nói: “Thầy cai (kêu tâng) chưa biết bề thế cô Hai, chớ nói cùng mà nghe, bạc nhà cô có lỡ cho ra quá nhiều và chưa thâu lại kịp đủ số muôn đi nữa, cổ lại hiểm gì một tiếng nói mà không giúp anh em chúng mình hay sao?” Nói đến đó, Đức giả bộ lại gần bàn lấy điếu thuốc, thổi vào tai tôi câu: “Toa buộc xăng” (trois pour cent) là phần một mình cô, còn Đức nầy một bữa cơm cà-ri là đủ”. Nghe ảnh nói làm vậy, tôi mới chịu miệng, lãnh bóc giấy tờ, bằng khoán, hẹn với thầy phó hãy để đó cho tôi đi hỏi thử, được cùng không chiều mai trở lại sẽ hay...
Tôi tuốc lên đường Plerre Flandin (bà huyện Thanh Quan), rủ chị Tư Hào, cùng đi với tôi xuống đường Ohier, xóm chùa chà, kiếm nhà thằng chetty quen với chỉ. Thuở nay tôi tưởng chà xã-tri cho vay đặt nợ thì nhà cửa sang trọng lắm, vì xứ nó nóc chùa vẫn thếp vàng và bò của nó nuôi để kéo kiệu Phật, sừng vẫn bịt bạc. Nào dè vô nhà thằng xã-tri nào cũng y nhau, hai bên vách đều lót giường nằm bằng gạch trải đá bông chỉ chửa khoảng giữa một đường đi chạy theo dọc dài căn phố chừng hai thước bề ngang, giường hay ván nầy không chiếu liếp gì hết, và đứa nào như đứa nấy, từ chủ gọi tàu-kê (thầu kê: đầu gia, tiếng Tiều) đến thằng tớ nấu bếp cà ca-ri, đều ở trần trụi tnù, tớ khác chủ là không được nằm ngồi trên giường nầy, và trưa trưa chủ tiệm chà vẫn nằm trườn trên ván như cá sấu trườn bãi, xem tục tĩu quá chừng.
Chúng không dám lót gạch hoa dưới đất vì sợ tốn nhiều tiền, nhưng gạch Tàu của chúng, lau quét thường ngày, trông đỏ au láng bóng. Tôi cố không nhìn cảnh thô tục trước mắt và rán nín thở để khỏi hít mùi nị, mùi chà đặc biệt của chúng. Tôi đưa bằng khoán cho lão tàu kê tên là Annamalé-chettyar coi, tôi trừ hao, nói muốn vay hai muôn (20.000$00) tính chận một mở để xây xài.
Annamalé hai tay cứ cuốn kèn tờ bằng khoán, miệng nói tía lia giống gì với chị Tư Hào, tôi không nghe được tiếng nào, còn con mắt nó vẫn đảo lên đảo xuống ngó tôi trân trân từ ngực đến mặt rồi ngó xuống thân dưới, tôi mất cỡ quá mà phải rán chịu, đoạn nghe anh ta cười hố hố như thằng ngáo, rồi day lại nhìn tôi không chớp mắt và nói: “Cô để đó, mập-lê(1) biểu luật sư coi kỹ, rồi nói lại với chú Tư, chị Năm, đước?”. Tôi nhìn nó rồi cười và nhại lại nó: “Đước! Đước? Biểu chị Tư nầy, lại cái nhà tôi, cho tôi hay. Đước! Đước!
Qua bữa sau, sớm bửng tưng đã thấy chị Tư Hào đến nhà, ngắt yêu tôi mà rằng: “Thằng Annamalé nó thấy cô hôm qua, nó thèm nhau nước miếng. Hồi hôm nầy nó lại nhà tôi, năn nỉ biểu làm sao cũng dắt giùm nó tới cho biết nhà cô. Con nai nầy nó chịu đèn rồi, chỉ còn chớ cô hạ nó một phát rồi làm thịt. Nhớ chứa cho tôi bộ răng hàm trên để làm bàn nạo nạo dứa. À! mà thằng ấy nó nói muốn cậy cô bán giùm nó li cái hột xoàn người ta không chuộc và đã quá ngày. Nó lo le cho tôi xem sáu hột bự, thiệt là đích đáng, mà đời nào nó giao cho tôi. Tôi ừ và biểu chỉ muốn dắt nó lại thì dắt, chiều tôi có mặt ở nhà thường. Sau đó tôi cũng dặn trước chỉ đôi điều kẻo vuột con nai tơ nầy thì uổng lắm.
Chị Tư Hào vừa về thì tôi tuốt lại nhà chị chủ sự, thuật hết mọi việc cho chỉ nghe, chỉ cười ngất, biểu tôi mau lập tâm thê nào để lật ông táo lửa nầy chơi một chuyến bỏ đi uổng lắm. Nó cắt cổ người Nam mình đã nhiều rồi. Tôi hội ý ra về, nhứt diện nhắn thầy phó rằng việc coi dẻo thuận chiều, xin phiền thấy rán đợi ít ngày, nhứt diện viết thiệp mời anh tư Ve (Pierre Nguyễn Thuận) làm chủ tờ báo không ai đọc “Tiếng kèn” (Le clairon, vì viết tiếng Pháp), mời ảnh gấp qua nói chuyện cần. Tội nghiệp mới mười một giờ rưỡi chưa kịp về nhà ăn cơm, anh Ve đã đến, hỏi từ ngoài cửa hỏi vô:
- Cô chủ nhà ở đâu? và chuyện gì cần kíp lung dữ vậy?
Tôi đáp:
- Có. Có việc lớn và gió lớn(2) chớ không, ai dám làm nhọc lòng anh Ve của tôi. Thôi, lại tủ rượu lấy ly chai và uống áp-bê-rô (appéritif) đi, rồi ở lại đây ăn cơm với tôi, tôi sớm mai nầy làm siêng ra chợ mua được mớ đuông chà là ở Cà mau đem lên, ngon lắm. Mà anh biết ăn đuông chớ?
Tới bữa ăn, tôi mới đọc hết công cuộc thằng xã tri dê, muốn làm bảnh gởi hột xoàn bán giùm, và cậy ảnh chịu khó đừng đi đâu, và cho tôi mượn cái oai của ảnh ít bữa đặng kiếm tiền xài tết. Anh Ve nghe tôi nói tới đó, vùng ngừng hớp rượu, hỏi: “Oai gì? Ở đâu mà mượn? Mượn làm cái gì chớt Mà làm sao cho mượn được?” Tôi cười, ra dấu cho ảnh nín, nghe tôi cắt nghĩa: “Oai là anh từng đi lính sơn đá cho Pháp. Anh có Pháp tịch. Tưởng anh bậm trợn vằm vỡ, tiếng anh rổn rảng oai nghiêm, nên mượn anh giả đò làm chồng cho...”
Mới nói có bao nhiêu đó, Tư Ve nghe kịp, khoát lia khoát lịa mà rằng:
- Thôi! Biết rồi! Thiên cơ bất khả lậu? Em tính trát đặng lột da con lọ nồi ấy phải không? Em biểu làm sao qua cứ việc làm y theo vậy, y không sai chồng thiệt chút nào, nghe không?
Tôi nguýt ảnh mà rằng:
- Chuyện thiệt, đừng có nói giỡn, không nên. Rán cho giỏi người ta biết ơn, người ta kiếm cho một con mèo còn bảnh bằng mười tôi đây nữa là. Chiều, hết giờ làm việc, đi thẳng về đây, ăn cơm, nghe không!
Trời vừa chạng vạng, thằng chà Annamalé ngồi xe kiếng với chị Tư Hào, nó vừa bước vô cửa thấy anh Tư Ve ở trần trụi trụi nằm trên ghế xích đu đương đọc nhựt trình, thì nó dội ngửa muốn thối bộ ra rồi. Tôi lúc ấy đang nằm trên bộ ván cũng đương coi truyện, tôi lật đật bước xuống võng cái một, miệng với kêu:
- Ủa. Nầy chị Tư, ê. Anh Bảy. Vô đây chơi mà. Có sao đâu mà sợ: Ngại cái gì?
Rồi tôi chạy lại vỗ vai thầy Ve và giới thiệu giòn giã:
- Nè mình. Đây là chị Tư Hào, ở đường Pierre Flandin, bạn với tôi từ hồi nhỏ. Còn đây là ông Annamalé đường Ohier, tay buôn hột xoàn, đem xoàn định nhờ tôi bán giùm.
Thầy Ve cũng ứ hự có chừng và chào hỏi lơ là. Tôi mời khách ăn trầu hút thuốc, hối trẻ pha trà mới, rồi giả bộ như trực nhớ việc gì, vùng gọi thầy Ve mà rằng:
- À mình, hồi trưa mình dặn tôi nhắc mình chiều nay xuống nhà Cafford lựa mua súng sáu giùm cho ai đó, mình đi hay không?
Thầy nói:
- Ừ, phải à. Đưa tiền đây đặng tôi đi cho kịp trước giờ hãng đóng cửa. Mua để bỏ túi, hộ thân, chớ mua giùm cho ai đâu.
Tôi xin lỗi khách và lật đật mở tủ sắt lấy tiền đưa cho Ve, anh ta đốt thuốc hút, đội nón xách can (canne, gậy) lấy tiền bỏ túi, rồi dặn lớn:
- Tối nay mình biểu thằng Bốn ngủ ở hàng ba gần cửa có lẽ tôi đi đánh thín cẩu nhà thầy Bảy Phương, khuya hay gần sáng về kêu cửa khỏi làm mất giấc ngủ của mình. Thôi, chào hết các bà con, tôi đi đây.
Thầy Ve sấp lưng vừa ra khỏi nhà, chị Tư Hào hỏi:
- Bộ đêm nào thầy cũng đi như vậy hay sao?
Tôi thở dài, than và liếc anh chà:
- Ôi, anh ấy hơi đâu mà nói. Đêm nào như đêm nấy đều bỏ nhà đi như vậy hết. Mê chà bài hơn mê vợ nhà. Có khi đi tới sáng rồi ở luôn đâu đô, tôi nào thèm nói tới đâu.
Lão táo lửa nghe thâm mật đắc ý, bản mặt tươi như đồ sơn mài vừa đánh bóng xong, nhai trầu ăn lá nầy qua lá kia, và nuốt cốt trầu ráo trọi. (Do nước cốt trầu nói nhanh nên mất chữ nước) Tôi láy một cái, chị Tư biết ý, đứng dậy đi ngay xuống nhà dưới, rồi ở luôn không lên. Khi ấy tôi mới xít ghế lại ngồi gần sát mặt lão táo, hôm ấy tôi có xúc chút ít dầu Coty mùi vừa nhẹ vừa kích thích, tôi đảo cặp mắt như thu hồn táo và chậm rãi biểu lấy hột xoàn cho xem. Tôi thở một hơi dài cho bao nhiêu quyến rủ trong tôi toả ra, tôi chê có một hột có tì, và nước không được sáng. Lão ta, miệng thì nói “Đâu có! Đâu có!” mà cứ cúi riết gần sát mặt tôi còn mắt thì hột xoàn không ngó, tôi bụng tưởng lão coi miếng trái tim tôi đeo giữa ngực cũng có một hột kim cương nhỏ, nhưng dè đâu hôm đó vì trời oi ả, tôi chỉ mặc có một chiếc áo mát thật mỏng, lời cặp nhũ đội thẳng cứng tấm hàng không che đậy, lão táo lửa dục đương bửng, không đè nén được, lão kề mặt và liều mạng hun đại giữa hai ngọc nhũ sương còn ngậm. Tôi tuy có đề phòng trước, mà hồn vía cũng gần lên mây, vì cuộc xung đột bất ngờ quá. Tôi xô đại anh, làm mặt giận, dợm la lên. Anh chà, tay nắm cánh tay tôi lại không cho la, miệng xin lỗi láp giáp, rằng bởi quá thương nên không dằn được. Tôi cười duyên giả đò nguôi cơn giận, lấy một áo bà ba bận thêm và cất tiếng kêu lớn chị Tư ra nói chuyện. Khi ấy tôi biểu Annamalé như muốn tôi bán giùm mấy thứ ấy, thì phải làm giấy đàng hoàng, bán đứt sáu hột đó cho tôi, mỗi bột nặng mấy ca-ra và giá là bao nhiêu, đặng cho tôi đưa giấy ấy làm bằng cớ mà làm giá bán. Chớ không giấy không tờ, đời nầy lắm giả dối, đồ quí mà không lai lịch là đồ giả, người ta có tiền mua thì phải xét nét, chớ phải cá tôm gì ngoài chợ mà mua ẩu mua mở không cần giấy tờ làm chắc.
Chị Tư Hào lại xen vô:
- Ôi! Mà chiều mai nầy là ngày thứ bảy, không biết thầy ở nhà có đi đâu không?
Tôi đáp tỉnh bơ:
- Nào ai biết được anh tôi muốn gì. Mà chiều thứ bảy, có lệ, không đi đánh bài thì cũng thả sáng đêm, nhậu nhẹt hút xách hay làm gì, tôi chả có biết. Mà người ta đang nói chuyện mua bán hột xoàn mà chị lại hỏi bắt quàng làm vậy, thiệt lả lảng nhách!
Thằng chà nghe biết tối mai thứ bảy chồng tôi không có ở nhà, liền chịu miệng, nói để mai, cũng chừng nầy, sẽ đem giấy lại. Còn sáu hột kia, cứ biểu tôi cất đó giữ giùm, không sao mà sợ.
Qua ngày sau, trưa mười một giờ rưỡi, thầy Ve lót tót lại nhả tôi xơi cơm. Tuy thầy với tôi chưa có cuộc ái ân gì, chớ từ ngày quen biết nhau, thì tôi bắt gân mặt biết thầy đã có tình gắn bó. Bởi vậy, cơm nước xong, thầy lại than mệt và nài xin ở lại nghỉ trưa, tôi cũng không trái ý, nhưng tôi để nhà cho thầy nghỉ ngơi gì mặc ý, tôi thả lại nhà chị chủ sự đánh câu tôm chơi cho đến bốn giờ chiều tôi mới về nhà. Ông cậu còn nằm liều chưa dậy. Những ai chưa quen tánh mấy bợm đa tình, ắt là khó chịu, chớ biết ý rồi, thiệt dễ như trở bàn tay. Tôi hối trẻ coi nước rửa mặt, chải nón, đánh giày, rồi tôi phải làm tuồng mơn trớn mới trục nổi con dê xồm nầy rời bộ ván. Tôi nhắc lại chuyện giao kết hôm qua, dặn nhỏ thầy đi chơi ở đâu thì đi, nhưng lối chừng bảy giờ rưỡi tám giờ phải nhớ về lập tức và làm như vậy, như vậy.
Thầy Ve đi rồi, tôi biểu dọn cơm chiều ăn sớm hơn mọi bữa, dọn dẹp xong, tôi bê lúi cho bầy trẻ được nghỉ chiều nay đi coi hát bóng hay thả đi đâu thì thả, chúng mừng quá đồng đi tứ tán hết, không thằng nào ở lại nhà. Tôi chờ trời tối thiệt mặt, tôi thay một bộ đồ đen mới, dầu phấn hương xông xạ ướp xong xả rồi, tôi nhắc ghế xích đu ra hàng ba nằm đợi. Trong nhà tôi thắp cây đèn ánh sáng dịu mát lu lu, cửa rào khép kín, ấy là kế trốn khách, sợ rủi có cha nào lại bất tử mà lỡ hết cơ mưu sắp đặt. Cũng may, không rõ nhờ ông bà khuất mặt nào độ, khiến tôi phòng bị kỹ càng như vậy chớ bữa đó không có khách nào lai vãng hết. Và cái thói chờ đợi ai thì sao thấy thì giờ đi lâu quá. Tôi nằm khá lâu lâu, hơi sốt ruột, sợ con cá kia sẩy câu, nào ngờ chú xã tri kia cũng sốt ruột như tôi, anh ta tới hồi nào không biết, và đang đứng đợi sẵn ngoài ngõ. Tuy hẹn thì hẹn đúng bảy giờ, chớ trong bụng tôi chắc thế nào chàng ta cũng tới trước. Đến chừng nghe đồng hồ “con ngựa” gõ bảy tiếng, mà chưa thấy tăm thấy dạng, tôi mới bước rảo ra ngoài coi thứ, ai dè, vừa mở cửa ngõ, trời thì tối không thấy bóng người, thinh không vùng nghe tiếng hỏi: “Chị Hai! Phải chị Hai!”. Tôi gượng gạo hỏi “Ai? Ai?” mà hồn vía đã lên mây, rùng mình rởn ốc. Bộ anh ta nghe tiếng hỏi run en, biết tôi sợ, nên bước trở tới và nói: “Tui? Tui! Anh Bảy Annamalé!”. Coi kỹ lại, “cục tình” của tôi cắc cớ, bận áo bành-tô (paletot) đen bằng nỉ ăng-lê, vận chăn màu sậm.. nên khi nãy tôi kiếm không ra. Hú hồn.
Tôi xây lưng trở vô nhà, ngoắt anh ta biểu theo. Vô đã tới hàng ba rồi, miệng còn hỏi: “Anh đi rồi? Thiệt?” Tôi vừa ừ, vừa ra dấu cho biết chỉ có một mình tôi ở nhà, còn cửa thì khép sơ lại đó. Tôi ra áo dài, thay áo mát, rồi biểu Annamalé cởi áo bành tô kẻo nực, tôi bổn thân giúp mở từ cái nút áo, sờ soạng làm chết tê cả mình thằng chà. Thói của họ là hay ở trần, nên khi nghe tôi biểu không đợi mời hai lần, anh ta cổi tuột cái áo, thấy sẵn có cái gạc nai gần cửa buồng, anh ta móc áo vào đó, lại làm bộ đút đầu dòm vô trong và khen “tốt quá!”. Tôi vặn đèn trong buồng, rủ vô coi, rồi bước lại đứng gần Annamalé, biểu: “Đâu? Đưa cái giấy bán hột xoàn đây cho tôi coi?” Anh Bảy Chà vừa nói “Giấy ở trong túi áo, lát nữa sẽ coi”. Tôi chưa kịp trả lời, thì nghe ngoài cửa có tiếng thầy Ve kêu giựt giọng: “Hai ơi. Ra biểu.” Tôi làm bộ sợ run, vừa chỉ dưới sàng và ra dấu mau mau chun xuống đó trốn. Tôi bước ra ngoài hỏi Ve:
- Chỗ mình không đi coi hát hay sao?
Ve sân si:
- Coi cái gì? Hỏi lảng nháchb. Cái áo bành tô của ai máng đây đây? Chịu thiệt đi! Không, tao bắn nát óc.
Tôi làm bộ khóc nhếu nhàu còn thầy Tư Ve thì đâm sầm chạy thẳng vô buồng kiếm dáo dát. Vừa thấy anh chà ngồi núp dưới giường, anh ta liền móc súng nhắm bắn. Tôi a lại nắm tay thầy, miệng vừa khóc vừa biểu nó chạy. Cơ khổ, nó ở trần trùi trụi, thoát ra được khỏi buồng, bất kể là bàn là ghế, tuôn ra khỏi chạy tuốt.
Thầy Tư Ve và tôi dáy mặt vào vách mà nó nôn cười hòng chết. Đó rồi, thầy khoá cửa lại, soạn ra coi: cái bốp no nóc, bóc ké! Tôi rút ra cái giấy bán hột xoàn, còn bạc báo nhiêu xin nhường cho thầy, đền ơn khó nhọc vì đóng tuồng hay quá. Ve, cái hào hiệp gốc sơn đá không bỏ, dê xồm tổ mẹ, một hai từ chối, lấy ra đâu sáu bảy tấm giấy xăng và một mở bạc nhỏ, thồn đại vào túi áo của tôi, giả đò lỡ tay, khều sơ nhũ hoa, rồi cười bịch hạc nói có muốn thật tình đền ơn thì bao cho thầy đi coi hát đêm nay thì thầy mới chịu.
Tôi buộc lòng phải thay đồ đi với thầy rồi gì nữa với thầy đêm ấy, kẻo phụ tình người ta gắn bó bấy lâu.
Sáng ra tôi mệt mỏi, ngủ trưa hơn mọi bữa. Đâu lối gần chín giờ thì chị Tư Hào ở Pierre Flandin xuống, cho hay thằng xã trì sai chỉ đem trả tôi giấy tờ của thầy phó Sốc trăng và năn nỉ tôi xin cho lại những giấy nợ trong bóp. Aunamalé nhắn biểu tôi để ít bữa cho chồng tôi ngôi ngoai, rồi kiếm cớ nào vô nhà chị Tư Hào cho nó thăm, kẻo nhớ lắm. Còn mấy cái hột xoàn đó, như bán có lời để nữa nó chia hai. Tôi dặn chị Hào về kiếm điều đẩy đưa với nó, rằng tôi bị ảnh ghen đánh tôi xể mặt xể mày hết, nên mấy vết chưa lành, tôi chưa đi được. Tôi nhắn hỏi thăm anh Bảy có hề gì không? Rồi để vài bữa nữa như nó còn nhắc tôi thì giả bộ đi đâu đó rồi về thuật cho nó hay chồng tôi lột đồ nữ trang cất lên hết rồi không cho tôi đeo đến một phân vàng là vì bị tôi lén vô nhà chỉ nhưng đi nửa đường bị ai đó mách, thầy theo bắt trở lại. Bây giờ thầy ghen dữ lắm, sợ nói ra đi đâu, thầy bắt đặng một lần nữa thì ba mạng tôi cũng khó sống. Tôi căn dặn chị Tư Hào rành rọt rồi đền ơn trọng hậu cho chỉ ra về. Khi ấy tôi mới lại đằng anh Phán Đức, trả bằng khoán cậy nói lại với thầy Phó rằng đôn nầy rủi tôi bận việc quá, mà việc nầy giao cho ai cũng không xong, vậy hãy để hưởn hưởn tôi rảnh bớt, sẽ cho ảnh hay đặng nhắn thầy phó lên. Có cái tôi đích thân tôi đi lo, thì mới thảnh việc đặng.
Chú thích:
(1) Mập-lê là tiếng điếm đàng của bọn chà, không biết chữ viết ra sao, duy biết có nghĩa là chàng rể, tức là muốn làm chồng của người đàn bà đối diện với nó khi đàm đạo, cũng như tiếng "anh Bảy" là dịch chữ "bey" là một ngôi chúc bên xứ nó, tỷ dụ le Bey du Sénégal, v.v...
(2) Gió lớn: đại phong, tiếng lóng của giới lục lâm, có nghĩa là món làm ăn lớn tiếng mượn trong truyện Thuyết Đường, do Trình Giảo Kim, đi ăn cướp đón đường lần đầu, gặp mồi ngon, hô: "Hữu đại phong Đại phong