Cô Ba liều mình mà không chết được. Lúc nầy là hồi đen tối nhứt trong đời cô Ba. - Đi vắng nhắm chưa bao lâu, về nhà thấy lạnh tanh như chùa bà Đanh Nguyệt tiên cung là thuở nào kìa, nay trước cửa lấp ló bóng chủ nợ và người thừa hành của chưởng toà, trông thấy mặt chực banh da xé thịt, thụt vào trong á múi, a sam (xẩm phục dịch) không một bóng, khi nào có mật ngon đường ngọt chúng bu đầy, nay túi không tiền hết, chúng giả lơ như chưa biết mình đã về đây, tệ nhứt là anh Tây sê-ri buổi nào, nay độ chừng có con nào mới nên lạnh lùng tính thay dĩa! Như vậy cho biết thế nào là tình đời! Cô Ba là người gọn việc, nên thanh toán lẹ chuyện nhà: trả phố Richaud, giao chủ nợ từ khí thập vật, của quí, của kỷ niệm anh nầy anh kia, hãy chia nhau trừ bớt số thiếu. Phải chăng đay là buổi thất thủ Hạ Bì, binh tráng binh đinh, vỏn vẹn một em gái tên Tư, trung thành không bỏ chủ, tả xông hữu đột vừa sai vặt vừa đi chợ nấu cơm, tướng cạnh có một chàng trai người Bắc, làm cho hãng buôn, ở đậu dây cho có bạn, bao nhiêu tiền lương xúp, cô tự tiêu pha, và tiếng xưng hô em nuôi em út nghe ngọt xớt? Thỉnh thoảng có một người biết chỗ cô ẩn trú ấy là Sáu Ngọ, vua cờ bạc lừng danh thuở ấy, vẫn còn lên xuống khi rủ cùng theo vào sòng, nhưng tiền đâu mà giỡn bạc, khi khác thấy thầy Sáu cho quà cho bánh trái, tỏ ra còn biết phải trái, tuy ngồi trên đống vàng mà chẳng khi người đang lúc lỡ chơn trái bước. Nhưng lui tới cùng đường, đi xa về mệt, quẩn trí và mệt mỏi tinh thần, cô lén mua một hộp indien bốn chục đồng, lấy phân nửa, trút vào ly pha thêm đường cho bớt đắng và cô ực một hơi quyết giã từ mọi việc. Nhưng số cô chưa tới. Trong khi em Tư ngủ vùi ngoài chõng nhỏ nơi hàng ba, bỗng thầy Sáu Ngọ ghé xe tính rủ cô Ba vào sòng trong Chợ Lớn, hỏi Tư, Tư ú ở như ma bắt hồn, thầy không chờ trả lời, xô cửa bước vào trong mới hốt hoảng tam tinh chớ chi trễ nửa phút thì ắt Ba Trà còn xác trơ trên nệm. Không nói không rằng thầy Sáu ra tay nghĩa hiệp, xốc nàng vào tay, đặt lên xe chạy tuốt ra nhà thương cấp cứu đô thành ngay đường Bonard, sẵn lương y túc trực, bôm rửa nàng thở được, Sáu Ngọ biết cơn nguy đã qua, mới để đó lo chạy xe vô sòng me nơi tửu lầu Chợ Lớn, kẻo tiền xâu hao hớt. Sáu Ngọ về tới nhà là kiểng nhà thở đức Bà đo mười hai tiếng, chớ chi Ngọ không ghé lúc nãy thì hồn Trà đã bay xa! Đến đây mới thấy bụng tốt của bác sĩ A., người đã cứu cô lần đầu Sáng ngày, bác sĩ đi làm việc nơi nhà thương đầu đường Bonard gần Chợ Mới Bến Thành, mới hay đêm rồi ban gác có cứu một nàng tự tử bằng thuốc phiện và nàng ấy nay, còn nằm đường bệnh, không ai khác hơn là Trà, ái khanh năm trước. Lại một dịp thi ân vô cầu báo, giận mình không trẻ để xứng với duyên cỡi phụng cỡi loan, nhưng về kinh nghiệm nhà nghề thì ai già giặn ăn qua mình được! Ông cho chớ về đường Colombier và ngày ngày xách túi da đựng thuốc đến săn sóc chu đáo, và suốt ba tháng yếu ốm, ông mỗi đến viếng và tuần mạch, không nói không rằng, mỗi lần ra về, vẫn nhẹ nhẹ đặt một tờ giấy một trăm đồng trên đầu nằm, tiền xài vặt, cà na cánh chỉ. Còn ai tốt hơn ông nầy? Cà na vừa chua vừa chát, cánh chỉ vừa ngọt ngọt chua chua, món ăn vặt cho người bịnh mau biết miệng, nhưng người bịnh nầy đau bịnh cần dùng tiền thiệt nhiều để vào sòng me ngồi me đứng, có hoạ là biến ra cái máy in giấy bạc thì cô mới động tình, chớ mỗi bữa một xăng (cent piastres), thì không khác bù mát cắn sừng trâu, sao thấm! Một hôm cô vừa lại nghỉn, ăn cơm được hai chén biết ngon, sẵn đứa em làm hãng buôn về lo le 520 đồng khoe trúng mối, cô chừa hai chục mua gạo, còn chẵn năm trăm, cô bó túi qua thăm dì Tư Ăng lê cùng xóm, thấy sòng bạc hoắc, ngứa tay kéo chơi, không dè thời vận bất tể, hoắc luôn trọn năm trăm mới sướng! Cô về nhà nằm sải tay, nước mắt tự nhiên tuôn ra, không khóc tiền muôn bạc vạn cúng cho me, lại khóc năm trăm thua bài hoắc? Nhưng nước mắt cũng là phương thuốc tiên, tuôn ra bao nhiêu thấy trong mình nhẹ nhõm bấy nhiêu. Cô đứng dậy cười gằn, khóc vô ích. Đời đã chó má giận chi đời, phải can đảm hơn lên. Nhưng nằm ngồi bực bội, lấy tiền đâu đắp đỗi tháng ngày. Bỗng nhớ lại bao nhiêu vàng xoàn, cầm cho má Hai (bà Ty), thử qua tìm hoạ may trừ tiền vốn tiền lời, má có cho lại chút ít buổi nầy? Lúc nầy là lúc Tần Quỳnh trong truyện Thuyết Đường đang đau, nghèo khổ đến phải bán con ngựa làm chơn, con chiến mã Huỳnh Biếu ngày đi ngàn dặm không biết mỏi, mà chủ nó phải đành lìa vì không tiền trả chủ quán. Nhưng cũng là lúc Tần Quỳnh thoát cơn hoạn nạn, gặp Đơn Hùng Tín giải cơn nguy. Cô Ba bước qua tìm bà Hai thì bà đang gầy sòng. Vận đen đã dứt, vận đỏ vùng lên, sẵn còn hai chục là tiền còn dư lại trong số bạc một trăm của hảo tâm lang bác sĩ vừa cho buổi sáng, cô chưa tin thọc tay vào túi mò mẫm thử, vẫn còn ràng ràng tờ giấy hai chục, cô nhớ lại tích ngộ ngộ anh thợ hồ Quảng Đông bữa kia sửa nóc nhà dột cho ông Sáu Nhiều là một tay đổ bác khét tiếng không thua gì Sáu Ngọ, khi sửa nóc xong, vừa tuột xuống định lãnh tiền công là mười lăm đồng bạc Đông Dương, nhưng sẵn thấy ông Sáu đang làm cái cầm chén hốt me, anh thợ ngứa nghề, luôn tay đặt cầu âu trọn mấy chén đều trúng, vốn và lời cả thảy được độ mười lăm ngàn đồng, anh thợ không vùa tiền ăn vô lại toan đánh nữa, nhưng ông Sáu bỗng xên ngang, anh thợ hít hà xin cho đánh thêm chén chót, nhưng ông Sáu điềm tĩnh, rằng: “Anh thợ nầy kỳ! Lợp chơi có mấy miếng ngói quèn mà nhận của tôi mười tăm ngàn đồng tiền công, như vậy mà còn chưa vừa bụng hay sao?”. Anh thợ lễ phép thưa: “Dạ tôi thua sạt nghiệp bên Tàu mới học cầm bay tô hồ. Xin cho tôi đánh một chén nữa thôi, may mà trúng thì tôi về xứ chuộc đất chuộc nhà, còn như không may thì tôi sẽ ở lại đây sửa nhà cho ông thì tôi cũng bằng lòng”. Nhưng Nhiều là tay cao đệ dễ gì cho anh thợ ăn quá, nên một hai cuốn chiếu không hốt nữa. Nay đến lượt cô Ba tay cầm hai chục đặt cầu may, miệng vái lầm thầm: “Ưng ai hôn anh thợ linh thiêng, giúp cho tôi qua cơn túng ngặt”. Quả cô đánh ngồi mấy chén, cô vét sòng được hơn mười lăm ngàn đồng. Chú chứa tiếc tiền, không cho cô về, ép ở nán lại, chờ gọi ngảnh thầu mới, ban đầu là thầy Ba Đồng và kế đó là thầy Ba Khương, người là chủ cái có danh (ông Đồng), còn ông kia (Phương), vốn là mại bản của hãng Charner, tiền ăn của xài mấy đời chưa hết, hai người tiếp tục cầm chén thay, nhưng quả vận đỏ cô Ba đã đến, khiến trọn đêm ấy, cô đặt đâu trúng đó, rạng ngày cộng lại ba tay hổ kha kia đều sạch túi và túi cô Ba thì thình lình nặng thêm hơn tám chục ngàn đồng bạc là một con số quá sức tưởng tượng buổi ấy, trong khi vàng ròng Đông Thạnh hiệu “con ngựa” trung bình là sáu chục đồng một lượng.