Người khuân vác đặt hàng lý của Kalpana xuống sân ga. Một vali và một sắc du lịch chỉ có hai thứ, chẳng cần đếm lại. Kalpana nhìn quanh. Không còn ghế nào bỏ trống, tất cả đều đã có người nằm ngủ: những người ăn mày, phu khuân vác, hành khách. Vài người không còn chỗ năm luôn xuống các tấm gỗ bẩn trải mấy miếng giẻ rách. Kalpana co người lại, kéo mép tấm xari lên trùm đầu - nàng thấy lạnh.- Cô đi chuyến tàu nào, thưa cô? - người phu khuân vác hỏi.- À, chuyến mười giờ…- Chuyến ấy bị chậm bốn tiếng đồng hồ. Cô vào phòng đợi hạng nhất kia kìa, chứ đứng đây chờ lâu thế sao được!Kalpana chưa bao giờ đi hạng nhất. “Không sao, - nàng nghĩ, - có ai hỏi vé mình hạng mấy đâu mà sợ…”- Ta vào đi cô! - Người phu khuân vác xách hành lý của nàng lên.Trong phòng đợi thật rộng rãi và vắng vẻ, ngoài Kalpana chỉ còn một hành khách nữa. Nàng ngồi xuống chiếc ghế bành êm và thấy hình bóng mình trong chiếc gương treo trên tường: đồ trang sức quý không có, tấm xari rẻ tiền, nhưng thân hình nàng kiều diễm, gương mặt xinh xắn dễ thương. Chắc hẳn vì thế người phu khuân vác mới dẫn nàng vào đây, chứ có bao nhiêu là phụ nữ ngủ vạ ngủ vật ở ngoài kia! “Ừ. - Kalpana hài lòng nghĩ, - mình xinh đẹp và trông rất hấp dẫn”. Ở ghế bành bên cạnh có một người đàn ông đang ngủ say - đó là một thanh niên tuổi chưa quá hai mươi lăm. May mà anh ta ngủ, nên mình cũng có thể chợp mắt không ngại ngùng gì. Kalpana ngáp dài một cái rồi ngả người ra lưng ghế bành. Ánh mắt nàng tình cờ hướng vào chiếc xắc du lịch đặt bên cạnh trên chiếc bàn con, lơ đãng lướt qua tấm danh thiếp trắng lồng trong cái túi ni lông ở thành chiếc xắc: “V.Krao, tiến sĩ y học”. Kalpana tò mò ngước mắt nhìn người trong ghế bành bên cạnh: còn trẻ thế kia, mà đã là tiến sĩ. Chắc anh ta có nghị lực lắm và rất tài năng. Mà anh ta đẹp trai quá! Có lẽ còn chưa có vợ… Ý nghĩ thoáng qua về hôn nhân đã xua tan giấc ngủ của nàng, lập tức nàng cảm thấy bứt rứt. Bên cạnh chiếc gương trên tường là bức tranh cổ động kêu gọi hạn chế sinh đẻ trong gia đình. Nhưng có phải ai cũng có gia đình đâu. Trước hết phải lấy chồng đã chứ, mà việc này không hề đơn giản! Một cô gái có của hồi môn sẽ mau chóng tìm được chồng, còn lấy chồng vì tình yêu… Mà ngày nay có ai nghĩ đến tình yêu - tất cả mọi người chỉ nghĩ đến tiền bạc và tài sản! Người đàn ông nào cũng vậy - dù trẻ dù già, đều không công nhận tình yêu nào hết. Sắc đẹp thiếu nữ cũng chẳng làm gì, của hồi môn quan trọng hơn.Chiếc ghế bành bên cạnh kêu “kẹt” một tiếng. Trong giấc ngủ, anh thanh niên cựa mình ngồi lại cho thoải mái hơn. Một làn gió từ cửa sổ thổi vào làm bay mái tóc đầy gợn sóng của anh. Kalpana buông một tiếng thở dài và nhắm mắt lại. Các mơ ước chen chúc trong đầu óc nàng như đàn ông. Nàng là vợ của người tiến sĩ trẻ… nàng lấy trong sắc tay ra tấm khăn choàng lên phủ ấm chân chàng. Chàng mở mắt ra và kéo nàng lại. Kalpana cười, giả vờ như muốn vùng ra. Một vòng tay ôm, một nụ hôn cháy bỏng… Chiếc ghế bành bên cạnh kêu “kèn kẹt” to hơn anh thanh niên bật dậy, lo lắng nhìn quanh:- Tàu đến chưa cô?- Chưa đâu anh ạ. - Kalpana đáp.- Tôi phải đi hỏi mới được.“Cả anh ấy cũng chờ tàu. - Kalpana vui mừng nghĩ. - Có khi mình và anh ấy ngồi cùng toa!”.Niềm hy vọng như một làn sóng nóng bỏng trào tới tim nàng. Nhiều điều trong cuộc đời được giải quyết nhờ những sự tình cờ nho nhỏ như thế này đây. Ta có thể gặp số phận của ta trên tàu hoả, trên đường đi, hoặc có khi lúc ta đến nhà ai đó… Trí tưởng tượng gợi lên cho nàng những chi tiết hấp dẫn: nhà lầu, ôtô, đồ trang sức quý, những tấm xari đắt tiền… Anh tiến sĩ trẻ đã quay lại phòng đợi, ra đứng trước gương chải đầu, rồi lại quay vào ngồi ghế bành bên cạnh Kalpana. Người phu khuân vác xuất hiện chẳng đúng lúc chút nào:- Thưa cô, tàu sắp tới, cô đã có vé hay bây giờ phải mua?Kalpana như rụng tim: giá mà tàu đến chậm thêm một giờ nữa! Nàng lấy tiền ra, đủ để mua vé hạng nhất, đưa cho người phu khuân vác và nói tên thành phố nàng muốn tới. Người phu khuân vác nhận tiền đi mua vé ngay…- Cô ở Ballari? - Anh tiến sĩ hỏi.- Không, tôi đến đó làm việc… Tôi vừa được bổ nhiệm.- À, à!Câu chuyện đến đó là cạn. Thầm trong bụng, Kalpana kể cho tiến sĩ V.K Rao về bản thân nàng, về thành phố quê hương nàng, về ngôi trường nàng, về ngôi trường nàng học, về nơi nàng làm việc, về chuyện nàng chưa có chồng… Nhưng tất cả những cái đó chỉ là thầm trong bụng. Nàng ngồi yên, nhưng vẫn trông thấy: anh thanh niên đẹp trai lén nhìn nàng. Kalpana không thích các ánh mắt đàn ông - chúng cứ như con gì có nhiều chân bò trên mảng vai trần của nàng. Nhưng bây giờ cảm giác của nàng hoàn toàn khác, và ngượng ngùng vì cảm giác này, nàng kéo vạt tấm xari lên che kín thêm ngực rồi khoác chiếc áo jacket vào. Anh thanh niên tiếp tục nhìn mảng trần của thân thể nàng còn chưa được che. Trước cái nhìn ấy, Kalpana như bị nhột.- Hôm nay lạnh quá - cuối cùng thu hết can đảm, nàng nói.- Vâng, lạnh thật - anh tiến sĩ đáp, và ánh mắt họ gặp nhau. Kalpana hiểu rõ ánh mắt kia nói lên điều gì, nhưng nàng chỉ mỉm cười hết sức hồn nhiên. Vừa lúc ấy - như con ruồi sa vào tách trà vậy - người phu khuân vác lại xuất hiện.- Ta đi thôi, thưa cô, tàu đã tới!- Ông cứ xách hành lý của tôi đi, tôi sẽ ra kịp! - Kalpana bực bội nói. Nàng đứng lên, sửa lại váy áo. Anh tiến sĩ cũng đứng dậy, tiếp tục nhìn như ăn tươi nuốt sống nàng, rồi bước lại gần cầm lấy tay nàng. Kalpana rút tay lại và cụp mắt xuống.- Anh còn chưa mua vé à? - nàng hỏi.Anh thanh niên đỏ bừng mặt buồn rầu nói; lí nhí:- Tôi có đi tàu đâu. Tôi ra đón ông tiến sĩ chủ tôi, để chuyển chiếc xắc này cho ông ấy…- Anh là…- Tôi là tuỳ phái của ông tiến sĩ.Mắt Kalpana tối sầm lại. Anh ta thật là xấc xược! Nàng nhìn anh ta với vẻ ghê tởm rồi chạy ra cửa. Anh ta chạy theo nắm lấy tay nàng. Nàng giật tay ra, lắc mạnh tay như để hắt đi một con sâu róm đáng ghét, rồi lao ra cửa ga. Tàu đã từ từ lăn bánh tới, mà người phu khuân vác xách hành lý của nàng biến đâu không biết.