Phần I - 6 -

- Dậy! Dậy, anh Lử!
Lử choàng dậy, hốt hoảng; nhưng khi thấy gương mặt thằng Pùa ở đầu thang, chợt hiểu ra hoàn cảnh mình đang sống, hắn lại nằm vật xuống. Mùi khói bếp quyện trên gác và tiếng chảo nước đồ bột ngô sôi lục ục ở dưới nhà khiến hắn nhận ra, hắn đang ngủ trên cái gác nhà hắn, một căn nhà Hmông bình dị.
Lử ba mươi tuổi. Nhưng chẳng ai tin hắn còn ít tuổi vậy. Ba mươi tuổi mà sao lại nhiều thói xấu và tội ác đến như thế. Mười tuổi, ăn cắp trứng. Thêm tuổi nữa, trộm gà. Vào tuổi thanh niên, theo Seo Cấu đi cướp đường, vào Quốc dân đảng. Lử càng trở nên tồi tệ khi cơn ly loạn năm 1945 - Nhật đảo chính, Tàu trắng kéo vào, Việt Minh đánh lên, Pháp trở lại - như cơn bão lớn thổi đến vùng này. Khát khao tiền bạc, Lử còn ước muốn cả danh vọng. Để dục vọng sai khiến, hắn bán mình cho các thế lực phản động. Rồi hắn đăng lính, nhờ hung hãn mà leo dần lên chức quan một, đồn trưởng đồn pạc-ti-dăng Cán Cấu, sống những năm tháng cuồng phóng không giới hạn.
Chớp mắt, nằm ườn, Lử nhìn vệt nắng chênh chếch đầu hồi. Buổi sáng trong lành rộn rã. Dưới sân đàn vịt kêu cạc cạc vui vẻ. Con gà trống vỗ cánh, tiếng gáy thật cường tráng. Tiếng người phụ nữ gọi đàn lợn thả rông về ăn bữa sáng trong vắt, thiết tha. Và ngoài đường, bước chân của đoàn ngựa đi lên rừng chè nhộn nhịp cả xóm thôn.
Lử ngáp, thấy đói và buồn tênh! Những ngày xưa, khi Lử là quan một còn ở đồn binh, nào đã xa gì! Hôm qua, hôm kia gì đó thôi. Mở mắt dậy đã có cái bàn đèn ở bên cạnh và tên lính hầu đẩy cửa bưng vào một đĩa đầy những là xúc xích, lạp xường, bít tết… "Ông một chỉ một gang tay nữa là bằng na nủ Lồ bên Pha Linh thôi!". Tên lính hầu láu cá cười nói vậy. Nó biết Lử cay Lồ. Lồ nổi tiếng hơn hắn, được người Pháp tin cậy hơn hắn. Lồ là quan hai hơn Lử một bậc. Nhưng, tên lính hầu chết rồi. Đồn Cán Cấu tan tành. Việt Minh như nước lũ tràn tới, chiếm Pa Kha, vượt qua Lũng Phìn, Xín Chải… tới tận Pha Linh. Và cơ nghiệp Lồ cũng đã thành tro bụi như cơ nghiệp Lử, nào có hơn gì!
Nằm thừ, ngọ nguậy cái lưỡi nhạt đắng ngọ nguậy, Lử nghĩ tới bữa tiệc ăn thề với Phơ-rô-pông, nghĩ sang những đứa con gái, rồi nghĩ tới cái răng sâu và con nhái cùng lúc nghĩ tới những lời dặn dò của viên quan tư… Hắn không quy tụ được ý nghĩ của mình.
- Dậy! Dậy, anh Lử! Cha bảo anh xuống đẩy cối chè với anh Pao.
Thằng Pùa lại ló mặt ở đầu thang, gọi. Mặt nó tròn, tai nó to, y hệt Pao. Nó không giống Lử. Gia hệ như dòng sông có hai nhánh, hoàn toàn khác biệt nhau từ hình vóc, diện mạo tới tính tình.
"Ừ, thì cứ tạm có chỗ ăn, chỗ ở đã. Tính sau!" - Lử nghĩ tỉnh táo, ngồi dậy, uể oải xuống thang.
Nắng sớm vàng như bột ngô.
Cái sân trước nhà sạch quang. Cái cối chè hôm làm đám bà cụ Xoá tháo ra, nay đã được lắp lại. Đó là một cánh tay đòn bằng cây sa mu bóc vỏ, dài đến sáu thước, gắn với một cái trục thẳng đứng ăn liền với hai bộ bánh xe răng khế bằng gỗ xương gấu, quay trong một cái cối gỗ chôn dưới đất. Chè tươi hái về cho vào đó vò. Rồi sau đó đem phơi, sao, sấy. Mấy năm nay, nhà hố pẩu có thêm nghề phụ này. Túng thiếu quá, bốn năm miệng ăn mà có tay làm đâu!
Tháng này đang cữ vụ chè ba. Trên rừng chè nguyên thuỷ ông bà tổ tiên để lại, từ những cành nhánh thân chè cổ thụ, vào mùa này đã nảy những búp non tơ bụ nhựa vàng ánh. Làng đỏ bếp lò từ lúc trời đất còn tối mờ. Tảng sáng, người ngựa đã tới rừng chè. Buộc ngựa dưới gốc, người leo lên cây. Cây chè lão đại, thân to tày người ôm, tán xoè cả vòng đất rộng. Người bò trên cây, ăn uống ngay trên đó, hái cả ngày mới hết búp một cây.
Khoảng chín giờ là lúc đợt ngựa đầu tiên về. Nhạc ngựa roong roong trên các ngã đường thôn. Nhà hố pẩu có ba trăm gốc, vụ này được mùa, phải thuê người hái. Chè về từ bữa qua, còn rải trong bếp. Bà vợ kế hố pẩu và Pùa đang khiêng từng sọt chè ra sân. Con chim hoạ mi nhảy tanh tách trong cái lồng treo ở hiên.
Pao sửa lại cái chốt rồi đứng chống tay vào cần cối, đợi Lử. Nắng sớm hắt từ đầu hiên lại, mặt Pao đỏ hồng. Vóc cao lớn, cân đối, khuôn ngực nở, cái cổ rám nắng, rắn chắc nổi trên cái áo cộc tay màu rêu, cổ vuông. Pao khoẻ, một mình vác nổi con ngựa hai tuổi rưỡi, năm nào bị bọn Lử trói vào gốc cây vông, nhổ bật cả gốc vông lên trốn được, từ ngày đi làm cán bộ Việt Minh, không biết đến viên thuốc. Trông vóc dáng Pao mà thèm. Bắp tay nổi múi thịt. Chân to, bàn chân dày, gai góc phải sợ. Vai rộng, đặt tảng đá lớn lên cũng vừa. Nhưng mặt Pao, vóc dáng Pao, thần thái Pao lại thuần phác, hiền từ.
Lử dụi mắt, bước xuống sân. Ngẩng đầu lên, mặt vừa chạm thân hình Pao, hắn liền sững lại."A! Thằng Pao!". Như lần đầu tiên nhìn thấy Pao, Lử hơi hoảng. Nhưng đó là nỗi hoảng hốt vì bất ngờ. Trấn tĩnh lại, ngáp một cái rõ dài, hắn vặn lưng khục khục rồi điềm nhiên bước tới."Hứ, mày là con sói thì tao là con beo!".
Thằng Pùa đổ chè vào cối, đứng dậy, hớn hở:
- Anh Pao một bên! Anh Lử một bên. Đẩy thi nào!
Lử chống tay vào đầu cần cối. Bên kia, Pao đã xoải chân, dún. Cái cần chuyển động. Trục cối quay. Và những bánh xe răng khế trong lòng cối quấn búp chè kêu khạp khạp nặng nề. Nặng! Nặng thật! Nhưng chỉ nặng mấy vòng đầu. Bắt đầu có đà khi những hàng răng khế đã khớp. Chè bị cuốn vào trục, quay, tả ra ở rìa cối, nhầu nhã, xanh thâm. Theo một vòng tròn, nước chè xanh đặc tứa ra, tụ lại, ri ri chảy. Kịt kịt… cối vò chè quay. Lử ngửa mặt. Hắn có đẩy đâu. Hắn bám vào cần cối, chạy theo vòng quay nhờ sức của Pao. Pao tì cả hai tay vào cần cuối. Bàn tay Pao to đầy, tập trung sức lực của toàn thân.
Cần cối quay nhanh dần. Loáng qua mắt Pao căn nhà, cái chuồng lợn, tầu ngựa, cái quan tài, bóng thằng Pùa, bóng cha. Hình như có khách đến chơi, cha đang mời người đó vào nhà. Tiếng trẻ khóc trộn trong tiếng con hoạ mi hót. Khoảng trời xanh quay vòng trên đầu Pao khi Pao ngửa cổ nhìn lên. Hạ mắt xuống, mắt Pao vướng cái hình Lử ở đầu cối bên kia.
"Anh em không bỏ nhau được, thế đấy! Nhưng nó có còn anh em với mình? Nó hiếp chị dâu Pàng đến nỗi chị phải quyên sinh. Nó giúp thằng Seo Cấu cướp Seo Ly của mình. Nó trói mình vào gốc vông, định giết mình. Chưa kể nó đi theo con đường phản động. Còn đâu là anh em?".
Lử cúi gằm. Tiếng cối rít nghiến vào óc hắn.
"Đ. mẹ thằng Pao! Tao còn nhớ cú đấm của mày vào ngực tao hồi nào. Mày bênh thằng Việt Minh. Tao tiếc đã để xổng mày. Định tiệc xong bọn tao sẽ xử mày mà mày đã nhổ cây vông trốn mất. Mày theo Việt Minh. Còn tao, tao thù Việt Minh cho đến lúc nào tao ở dưới ba tấc đất đen. Anh em đ. gì với mày!".
Thằng Pùa bê một sọt chè nữa ra. Nó đặt sọt chè xuống đất, định bám cần cối bên Pao.
- Em sang giúp bên kia đi.
Pao bảo em, lại mắm môi, dồn hơi lấy sức đẩy.
"Không có anh em với nó! Nó về đây rồi, thật lòng ăn năn thì không tính chuyện cũ. Nhưng, nó thế nào? Bụng nó trắng hay bụng nó đen?”.
Thằng Pùa vừa bám vào cần cối cạnh Lử liền kêu ối, rụt tay lại. Lử đã đánh vào tay nó, quay lại nghiến răng.
- Mặc tao! Mày theo bên kia thì theo đi!
Rồi Lử áp cả bộ ngực lép vào cần cối. Bây giờ, hắn dồn sức đẩy thực sự. Hắn nổi cơn điên.
"Mẹ mày! Tao chưa thua mày đâu, hỡi thằng Pao kia!”.
Cần cối quay như cái chong chóng gió.
Khoảng sân náo động. Ngồi trong nhà, hố pẩu uống trà với ông khách mới tới - ông già tam thất, mắt nhìn ra sân mà lòng dạ nôn nức, không lời nào diễn đạt được. Có sáng nào đẹp như sáng nay. Cái cảnh con cái thuận hoà, một lòng một dạ vui vẻ làm ăn, ngày nào đã có, mấy năm rồi tưởng đã mất hẳn, chao ôi, nay đã trở về, hiển hiện ngay kia rồi. Sung sướng quá, các con đã trở về, trở về sau bao nhiêu mong đợi, khổ đau, tuyệt vọng, sau bao bất hoà, ly tán, thù hằn. Các con đã trở về với ngọn nguồn tổ tiên. Hãy trôi đi tất cả hận thù ngày cũ. Hãy trôi đi buồn tủi, đớn đau.
- Ối, anh Lử!
Ngoài sân chợt bật lên tiếng kêu của thằng Pùa. Hố pẩu vội đứng dậy, hấp tấp bước ra. Lử đã dồn sức. Hắn sôi máu hằn thù. Hắn muốn tỏ rõ bản lĩnh mình bằng sức đẩy cái cần cối. Nhưng lực hắn xổi, và vốn chỉ quen ăn không quen làm, nên được chục vòng quay, hắn đã mệt rã, buột tay, ngã giụi xuống đất.
- Đỡ nó dậy! Đỡ anh dậy, Pùa!
 
Hố pẩu
kêu rối rít. Pao ghìm đà quay của cái cần. Pùa nhấc bả vai Lử. Ông già tam thất nhanh nhẹn bước tới, ngồi xuống định đưa tay đỡ Lử đứng dậy. Nhưng Lử gạt phắt. Đứng dậy, Lử đưa tay quệt mồm. Mồm hắn đỏ máu. Mắt hắn cũng đỏ máu. Cái khăn đội đầu lệch chéo, lộ cái đầu méo mó lởm chởm tóc. Hàng ria đen sì lấm đất, hắn nhổ phì phì.
- Đừng cố, con à. Lâu chưa làm, làm dần dần tí một đã.
Hố pẩu
nhìn Lử, giọng ngập xót thương. Ông già tam thất cắn cắn môi, gật gù:
- Khí sắc cậu kém quá rồi, cậu Lử. Hôm nào cậu sang trại, tôi xem bệnh cắt thuốc cho. Hố pẩu à, giận dữ quá, dễ hại gan lắm đấy!
Lử phắt đầu, liếc nhanh mặt ông già tam thất, rồi quay đi. Tưởng hắn lại đẩy cối. Nhưng không, nhổ phịt một bãi nước bọt, hắn chửi: "Đ. mẹ, ở đây làm kiếp ngựa thồ à!", rồi không nói với ai một câu, đi thẳng ra cổng. Hố pẩu ớ người, đứng như cái cột đá giữa sân.
Cái cần cối lại quay. Bên kia là thằng Pùa. Nó đứng chỉ đến vai Pao, hơi còi và còm, nhưng nó nhoai người, gắng sức đẩy. Sức nó còn non, nhưng nó làm cho Pao vui thực sự với công việc. Bây giờ, không có Lử cái cần cối quay thật nhẹ nhõm. Pao vui. Có lẽ còn vì câu chuyện quay vòng theo cái cối chè của thằng Pùa. Nhưng lát sau, cái cần cối bỗng dưng trượt khỏi sức đẩy của Pao. Thằng Pùa líu tíu: "Anh A Sinh! Anh A Sinh".
Pao ngẩng lên. Bên kia cần cuối, một chàng trai cao hơn Pùa nhưng nhỏ nhắn, ống tay áo chàm rách xơ, cắm cúi đẩy cần cạnh Pùa. Cái cần cối quay vu vu.
- Thôi nào, mấy anh em. Dừng cối để bốc chè nào!
Bà vợ kế hố pẩu bé nhỏ, vỗ cái mẹt, tươi cười nói. Hiên nhà đã đặt mấy cái lò sấy, khói than bốc nghi ngút. Pao và Sinh hãm cần cối, đi lại gần nhau.
- Tôi chưa sang chơi nhà anh đấy, anh Sinh ạ.
- Nhà em ở gần ngay đây thôi - Sinh đáp rụt rè.
Pùa đang bốc chè nghển lên:
- Anh A Sinh là thầy khèn đấy, anh Pao à.
Vừa lúc, ngoài cổng có bóng một phụ nữ. Người này còn trẻ, trắng lốp, ngực to ụ. Quay lại phía sau nói với một anh bộ đội người to ngang, đeo cái xà cột da đỏ, giọng người phụ nữ lồ lộ chớt nhả:
- Nhà anh Pao đây, xong anh lại chơi nhà em không em giận đấy, anh nhé.
Pao bước ra cổng. Người bộ đội mở xà cột, lấy ra một bì thư, cười thật thà:
- Tôi là Na, bộ đội trên châu, đem công văn cho đồng chí. Dà, trông thì gần mà leo dốc toát mồ hôi mới lên tới đến nhà. May mà gặp cô gì đây…
- Seo Váy đấy!
- Thằng Pùa nhanh nhảu. Anh bộ đội cười hề hề, cầm mũ quạt rồi theo lời mời của Pao vào nhà uống nước. Hố pẩu vừa đi đâu rồi? Hương chè sấy nực thơm căn nhà. Pao đứng ở hiên, cạnh cái lồng chim hoạ mi, đọc công văn. Công văn chỉ định Pao làm chủ tịch lâm thời Can Chư Sử, hẹn tết Hmông sẽ bầu cử Uỷ ban hành chính kháng chiến ở các xã mới giải phóng.