Chương 3

Đám trẻ ngồi chật ních phòng đọc sách, mắt hướng về Châu Hà mà chân tay vẫn hoạt động không ngừng, véo tay đứa này, giật tóc đứa kia, đá mông đứa nọ. Chúng nó còn í ới chọc ghẹo nhau, chửi thề bất tử rồi lại nhắm mắt nhìn quanh, sợ cô giáo hay anh phụ trách nào nghe được.
Dương Hành đứng tựa lưng vào cửa sổ khoanh tay trước ngực, gương mặt trầm lặng như đang nghĩ ngợi điều gì. Thật ra anh đang nhìn Châu hà. Lạ thật, chỉ hai buổi gặp mặt, chưa nói với nhau câu nào nhưng nhìn cô gái sống và hòa mình với đám trẻ hết mình, vô tư, Hành nghe vui trong lòng. Cô gái rất thông minh và nghịch ngợm, đáng yêu, với đám trẻ lại chăm sóc và trìu mến như mẹ hiền.
Buổi sáng hôm nay nhìn cô tính hiếu động sôi nổi lại tỉ mỉ ngồi vá áo, kết khuy nút cho đám trẻ một cách kiên trì, Hành hiểu rằng, nếu không có tấm lòng nhân hậu bao la thì không thể làm được điều ấy.
Châu Hà ngồi rất thoải mái dưới nền xi măng, đôi mắt một mí to tròn như hai hột nhãn đảo quanh gian phòng. Tất cả im lặng như tờ. Cô gật đầu vẻ hài lòng, lúc này vẻ nhí nhảnh trẻ con ở cô biến mất, giọng cô dịu dàng:
- Mình đọc đến đoạn nào rồi? Thân! Em nói đi.
Thằng Thân nói ngay:
- Tới cái đoạn con chó Ca... ca... - Nó ấp úng đưa tay gãi đầu vì không nhớ nổi tên chú chó.
Bọn trẻ nhao nhao:
- Chú chó Ca-pi! Chú chó Ca-pi...
Huề rỗ cốc ngay vào đầu thằng Thân đái dầm (chữ "đái dầm" đã thành biệt danh của nó) một cái, mắng như bậc đàn anh thật thụ:
- Cái thằng ngu lạ! - Rồi nó nói to với Châu Hà - Tới đoạn chú Ca-pi biểu diễn xong đi quyên tiền, gặp thằng giàu kiết không cho.
Châu hà gật đầu nói:
- Giờ chị đọc tiếp nghe.
".... Thế là cuối cùng những đồng xu giấy ở đáy túi gã keo kiệt, cũng phải vọt ra bay vào túi tiền của Ca-Pi. Ông cụ Vi-Ta-Ly không nói gì cả. Cụ kéo đàn Vi ô lông, dạo những bài vui, lúc giơ cao, lúc hạ thấp, cây đàn tùy theo nhịp, mắt không rời khỏi cái bát. Chẳng mấy chốc, con Tùng trở về chỗ của nó, kiêu hãnh mang theo cái xâu gỗ đầy tiền.
- Bây giờ đến lượt Giơ-Li-Cơ và tôi ra trò - một tay cầm đàn, một tay cầm mã vĩ hoa lên. Cụ Vi-Ta-Ly nói:
- Thưa quý ông, quý bà! Chúng tôi sẽ diễn tiếp tục diễn hầu quý ông, quý bà một vở hài kịch lý thú nhan đề "Người đầy tớ của ông Giô-Li-Cơ" hay là "Kẻ đần độn nhất không phải kẻ mà ta tưởng". Một người như tôi không bao giờ hạ mình đề cao diễn viên và vở kịch trước khi trình diễn. Tôi xin nói với các ngài một điều, mời các ngài mở to mắt mà nhìn, lắng tai nghe và chuẩn bị vỗ tay.
Cái mà ông cụ gọi là vở hài kịch lý thú, thực ra là tấn trò câm, nghĩa là diễn điệu bộ, không bằng lời. Tất nhiên phải như thế vì hai vai chính Ca-Pi và Giô-Li-Cơ đều không biết nói, còn tôi cũng không nói nổi hai câu. Tuy nhiên khán giả hiểu vở diễn.
Chính vì vậy mà ông cụ chơi bản nhạc nhà binh trầm trầm, báo trước khán giả biết ông Giô-Li-Cơ sắp ra. Ông Giô-Li-Cơ là một vị tướng người Anh có quân hàm cao, làm giàu lớn trong chiến tranh Ấn Độ. Ông muốn kẻ hầu hạ cho ông là một con người, vì ông rất giàu, muốn hưởng thụ sự xa hoa ấy. Trong khi đợi người đầy tớ đến, ông đi bách bộ trong phòng, vùa đi vừa hút xì gà..."
Dương hành không thể không mỉm cười bởi khi đọc đến đây thì cô gái đeo lục lạc đã đứng lên, hồn nhiên giả làm chú khỉ Giô-Li-Cơ trong gánh xiếc cụ Vi-Ta-Ly và Rê-Mi của tác phẩm "Không gia đình". Cũng ưỡn người như đại tướng Giô-Li-Cơ miệng lập bạp điếu xì gà tưởng tượng, gương mặt nhăn nhó, chân nhảy nhót và đưa tay gãi má theo thói quen khỉ thường làm. Trông cô thật buồn cười, tinh nghịch.
Bọn trẻ khoái chí, cười la ầm ĩ và Dương Hành càng sửng sốt, rồi lại cười ra tiếng khi cô gái làm trò khỉ lộn ngược quay cuồng trên sàn nhà. Thật là vui vẻ, không kém phần náo loạn.
Tài đi vào, kinh ngạc rồi đến bên bạn:
- Con bé làm gì vậy?
- Cô ấy đang làm đại tướng Giô-Li-Cơ trong khi chờ thằng đầy tớ Rê-Mi.
Tài lắc đầu:
- Tiếc rằng mình không có khiếu chinh phục đám trẻ bằng cách đó. Anh xem, quá hòa đồng và tinh nghịch làm sao.
Dương Hành ngó bạn:
- Tôi nghĩ tính nết cô bạn nhỏ này không làm anh thích?
Tài cười ra tiếng:
- Nếu là bạn gái, người yêu thì tôi không chịu nổi. Nhưng em gái hay chỗ quen biết thân tình thì tuyệt. Cô ấy đem lại tiếng cười, niềm vui cho mọi người.
Hành gật đầu, anh muốn nói điều gì, nhưng tiếng cười, tiếng la hét đã làm hai người nhìn ra nơi Châu Hà ngồi.
Thì ra cô đang ngồi trên một cái ghế tưởng tượng, một chân chấm đất, một chân vắt ngang đầu gối. Cô đang là ông đại tướng Giô-Li-Cơ tức giận thằng đầy tớ Rê-Mi ngu dốt không biết cách ăn của người quý tộc, nên đã "chén" tất cả những thứ trên bàn thay cho nó. Gương mặt rất liếng khỉ, thỉnh thoảng đôi mắt tròn láo liêng. Cô đang dùng những động tác khỉ để ăn bữa cơm quý tộc tưởng tượng. Từ động tác lấy khăn ăn vắt vào cổ áo, đến động tác cầm dao nĩa, rồi ăn nhàn nhã, nhưng không kém phần háo ăn của chú khỉ Giô-Li-Cơ. Châu hà đã biểu diễn xuất sắc, sinh động, khiến bọn trẻ thích chí bò ra cười trên sàn nhà.
Cả Hành và Tài cũng không nín được cười. Tài nói với bạn:
- Con bé làm việc, học hay chơi đều xuất sắc.
Hành chăm chú nhìn Châu Hà:
- Nếu cô ta chọn nghề diễn viên, sẽ là một thiên tài.
Tài trợn mắt:
- Diễn viên? Anh giỡn chơi. gia đình cô ta người Việt, gốc Hoa, giàu khét tiếng.
Hành ngẩn người:
- Cô ta người Việt gốc Hoa?
- Ông Lý Hưng chưa tới hai năm đến Sài Gòn, đã làm chủ một nhà máy sắt thép lớn nhất, sau nhà nước. Một nhà máy tư nhân.
Dương hành trầm ngâm rồi buông câu nhận xét:
- Hèn gì, cô ấy rất vô tư trong tiền bạc.
- Ý anh muốn nói con bé xài tiền cho đám trẻ? - Tài lắc đầu - Anh lầm rồi, mỗi tháng con bé có số tiền quy định, nếu xài hết thì ráng mà đói. Con bé có lần nói với tôi, nó thường nhịn đói buổi sáng mà vẫn thấy no, khi có được nụ cười từ đám trẻ. Hôm rồi nó đã bán cái đồng hồ.
- Sao anh biết?
- Hôm tuần trước nó còn, tuần sau không thấy, mà chỉ thấy bóng chuyền, bún riêu là biết rồi.
Hành không thể không lắc đầu, mức độ vô tư trong sáng của cô gái, anh chẳng thể bì kịp. Anh đã từng ăn xin để qua cơn chết đói, nên chuyện xây dựng tương lai bản thân với anh đứng hàng đầu. Hành buột miệng:
- Kiểu này thì tuần sau chắc cô bé bán luôn vòng lục lạc.
Tài xua tay:
- Ê! Cái đó thì không! Nó nói vòng lục lạc quý hơn sinh mạng nó.
- Tại sao? - Hành nhướng mày.
Tài nở nụ cười đầy bí hiểm:
- A! Cái đó anh có thể hỏi con bé mà!
Hành lắc đầu. Tài nói luôn:
- Hôm nay anh vì con bé nói chuyện nhiều hơn bình thường đó nghe. Đừng ngại, nó hồn nhiên, vô tư lắm, cứ làm quen đi.
Tài bỏ đi nhanh như khi đến. Hành ngần ngừ rồi đứng lại. Bấy giờ Châu Hà đọc đến đoạn Rê-Mi được cụ Vi-Ta-Ly dạy học chữ và học âm nhạc trên con đường giang hồ vô định kiếm cơm cầu sống của người nghệ sĩ lang thang. Rê-Mi và ông cụ phải vừa đi bộ trên khắp miền đất nước, đến đâu, biểu diễn đến đó, kiếm tiền, vừa phải chăm sóc cho đàn chó và con khỉ Giô-Li-Cơ. Khi rảnh thầy dạy trò, không có bảng đen phấn trắng, sách vở hay bút mực. Rê-Mi học trên những mảnh gỗ nhỏ được cụ Vi-Ta-Ly đẽo gọt, trên có khắc chữ và ký hiệu âm nhạc.
Giọng cô gái diễn cảm và trong vắt, lên xuống, bổng trầm...
Đến hết đoạn học chữ của Rê-Mi, cô gái xếp sách, gương mặt nghiêm trở lại có thoảng qua nét buồn dịu vợi. Hàng trăm đứa trẻ ngồi chật ních trong gian phòng bỗng dưng nín thin thít, đến một tiếng động nhỏ cũng đều nghe thấy và rồi cô gái nói:
- Chúng ta đã biết một phần cuộc đời của Rê-Mi phải đi qua. Rồi đây các em sẽ biết nhiều hơn nữa, cang về sau sự gian khổ cay cực càng nhiều. Liệu trong các em có thấy rằng những gian khổ mà mình đang chịu đựng có nhiều hơn Rê-Mi không?
Tất cả im lặng.
- Các em đã phải học chữ, học nghề như Rê-Mi học chưa?
- Các em đã phải kiếm sống như Rê-Mi chưa?
- Các em đã phải đi trên khắp mọi miền đất nước bằng đôi chân mình chưa?
- Điều đó các em hãy tự hỏi mình và tự trả lời. Chị không nói đến những gì sắp tới. Dù sao các em cũng tạm có một mái nhà, ăn không ngon nhưng cũng đủ sống mà không cần phải làm việc như Rê-Mi. Các em chỉ phải học tập và hãy vững niềm tin ở tương lai. Các em đừng mặc cảm ở thân phận mình, đừng oán trách những người sinh ra mình, đừng giận hờn xã hội đã không hiểu thấu, kết tội các em là những trẻ hư. Bởi vì trên đời này còn có biết bao nhiêu tấm lòng đến với các em không hề vụ lợi, các em đã thấy rồi.
Cô gái đứng lên. Cô đưa mắt nhìn quanh đám trẻ rồi vẫy tay dịu dàng:
- Tạm biệt! Chúc mọi điều tốt lành.
Cô đi ra khỏi phòng, tay cầm theo cuốn truyện Không Gia Đình. Cô dường như không thấy Hành đứng đó, mắt đăm đăm nhìn cô. Cô gái trong chiếc quần jean bạc phếch, áo thun trắng hở cổ bước đi, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, tự hào được làm người. Tiếng lục lạc reo vang vui tai, êm ái...
oOo
Ông Lý Hưng ngồi một mình ở phòng riêng, nét mặt chìm vào suy tư, tay vẫn mân mê chiếc vòng lục lạc. Đó là loại vòng cổ xưa hiếm có, chẳng rõ từ thời nào nhưng nhất định nó do người nghệ nhân lỗi lạc đúc, khắc thành. Quanh chiếc vòng có mấu móc 10 cái lục lạc. Trên mỗi cái chạm hình những phong cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, núi sông, chùa chiền. Chiếc vòng đúc tròn, rỗng, khép hai vòng. Một vòng chạm nổi nhiều chữ Lý xen giữa hình những con chim Phượng bay. Vòng nhỏ hơn khắc hình những vị tướng quân, giáp trụ uy nghi, với nhiều loại binh khí khác nhau.
Chiếc vòng nhìn xa có màu trắng của bạc, nhưng nhìn gần ửng sắc vàng và phát ra ánh sáng lấp lánh. Chiếc vòng không bằng bạc, cũng không bằng vàng, nó như một thứ hợp kim quý, chỉ những người nghệ nhân xưa mới rõ đã pha trộn vào nhau chất gì để đúc ra nó, với tiếng reo lục lạc thánh thót, vang xa tựa chuông ngân. Chiếc vòng thuộc loại cổ xưa, quý giá, nhưng với ông Lý Hưng cái quý không phải giá trị bằng tiền (dù cách đây mấy chục năm, một nhà buôn đồ cổ quý đã đề nghị mua nó bằng cả một gia tài của người trung lưu). Nó quý vì ngay từ thuở người ta kể ông lúc ấy đang là một đứa trẻ sơ sinh, ở cổng nhà nuôi trẻ cô nhi, đã có bên mình ông. Nó quý vì một người phụ nữ ngoại quốc da trắng, mắt xanh ấy nuôi ông suốt 12 năm vẫn thay ông giữ nó suốt bên mình, và khi không thể bắt ông ở lại viện cho tới tuổi trưởng thành, đã giao lại chiếc vòng, chiếc áo sơ sinh và một số tiền nhỏ ân cần dặn bảo:
- Lý Hưng! Phải giữ nó cẩn thận, quý lắm đó, cả giá trị tiền bạc, lẫn nguồn gốc của mình. Tên Lý Hưng của cháu có thêu ở góc áo, nghĩa la cha mẹ cháu vì sự khổ tâm nào đó phải đem cháu lại đây. Nhớ nhé! Khi lớn lên phải tìm cha mẹ.
Hơn 50 năm ông lưu lạc xứ người, cần cù tạo dựng sự nghiệp vẫn nhớ mãi người đàn bà có đôi mắt xanh với làn da trắng nhợt và câu nói khi chia tay. Nhưng ông chưa một lần về thăm cố hương.
Đưa tay vuốt mái tóc có lẫn vài sợi bạc, ông Lý Hưng thở ra rồi lại săm soi chiếc vòng. Ngày mai ông lên đường đi Quảng Đông, về thăm chốn cũ, nơi ông lớn lên duới bàn tay chăm sóc của người đàn bà ngoại quốc có tấm lòng bao la như trời biển. Nghe nói bà ở nước Mỹ xa xôi, chồng là mục sư Tin lành, đến Trung Hoa để truyền giáo và chết trong vòng tay của những người dân nghèo ở một vùng quê thuộc thành phố Quảng Châu. Người phụ nữ ấy đã rất dũng cảm, vì tình yêu chồng, vì sứ mạng thiêng liêng chồng chưa trọn, đã quyết ở lại Trung Quốc làm quê hương thứ hai. Bà lập nhà nuôi trẻ, cô nhi, dạy học cho người mù chữ, mở bệnh xá chữa bệnh cho dân nghèo.
Người đàn bà phương tây ấy, chắc đã từng giàu sang, sung sướng với nền văn minh non trẻ nhưng phát triển rất nhanh của nước mình. Vậy mà trước sự nghèo đói, lạc hậu của những làng quê nghèo, bà không hề sợ hãi. Bà có thể cùng một góa phụ đông con, cuốc xới mảnh vườn từ lâu không người chăm sóc suốt tuần lễ liền, vì nghĩ đến ngày mai, từ miếng đất ấy, những cây ra ngọn cải được mọc lên nuôi sống mẹ con người góa phụ. Bà có thể đứng suốt đêm trong một mái lá, mưa dột khắp nơi, để dạy hết lớp người này, sang lớp trẻ khác, những con chữ cái, khai phá vòng u tối con người. Bà có thể ngồi bên một người bệnh sắp chết suốt đêm để nghe người ấy thều thào lời sám hối, vì sợ con đói, đã đánh cắp mấy củ khoai của người làng bên... Để rồi khi ánh bình minh lên, bà nghiêm trang nói như lời chúa phán truyền:
- Anh không có tội! Những đứa con anh ngày sau sẽ hãnh diện vì có người cha tốt, và nhất định chúng sẽ sống tốt. Vợ anh cũng tự hào về anh, người chồng có trách nhiệm, mà sống sao cho xứng đáng với anh. Chúa sẽ gọi anh về bên chân người.
Và người đàn bà ấy, cùng những người giúp việc cho bà, đã nuôi ông không chỉ lớn lên bằng sữa, gạo, còn nuôi ông bằng những bài ca miền thôn dã đất nước Trung Hoa, với giọng hát ầu ơ khó nghe của bà. Làm sao khác được với một người Mỹ lại hát ru con bằng tiếng Trung Quốc giàu âm điệu.
Một bàn tay quen thuộc đặt trên vai ông Hưng cắt đứt dòng hồi tưởng:
- Anh khó ngủ vì ngày mai chăng?
Ông Hưng gật đầu ra dấu với vợ ngồi xuống bên mình:
- Anh nhớ bà Cathérina. Chẳng hiểu bà ở Quảng Châu hay về Mỹ?
- Nếu bà còn ở Quảng Châu chắc cũng cỏ xanh mồ, anh quên bà bao nhiêu tuổi rồi ư?
Ông Hưng khẽ gật đầu:
- Năm anh đi bà đã ngoài 40, hơn 50 năm rồi, ở trên đất nước anh, với mức độ làm việc như vậy, bà không thể thọ.
Bà Hưng nhìn thấy gương mặt đã có nếp nhăn của chồng thoáng vẻ u hoài, bà hiểu nỗi lòng của người đầu ấp tay gối, 32 năm sống với ông, từ trong mái ấm gia đình cho đến chốn thương trường bà biết chồng mình có muôn bộ mặt để được ngày hôm nay và không phải bộ mặt nào bà cũng có thể chấp nhận, nhưng bà phải tha thứ, vì hiểu làm ăn cần phải thủ đoạn. Và bà hiểu một cách sâu xa, đằng sau vẻ cương nghị nói cười kia (kể cả lúc trừng phạt, đuổi sở người dưới quyền) là một trái tim nóng ấm tình người. Chẳng vậy mà Châu Hà, hạt ngọc vô cùng cưng quý, có thể đến với đám trẻ bụi đời kia một cách thoải mái.
Bà Hương lùa bàn tay thon mảnh vào mái tóc rậm cứng của chồng vuốt ve:
- Anh có còn nhớ hai câu thơ của bậc trung thần thời Tống, anh đọc cho em nghe vào đêm bỏ tiền xây dựng thêm nhà trẻ cô nhi ở Nha Trang không?
Ông Lý Hưng choàn tay qua vai vợ, kéo đầu ngã vào vai mình:
- Anh nhớ, đó là hai câu thơ của Vân Thiên Tường đại nhân trong bài Chính Khí Ca:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Dịch:
(Đời người ai không một lần chết
Lưu chút lòng son với sử xanh)
- Vân Thiên Tường đại nhân vì nước quên thân, sống chết không xem nặng, chỉ cốt sao mình sống không khỏi thẹn với muôn dân, tổ quốc. Bà Cathérina vì tình người không có biên cương, vì bạn đời nghĩa vụ chưa tròn đã chịu sống kiếp ly hương suốt quãng đời còn lại, để gieo hạt giống tình thương cho nhân loại. Hai con người ấy nghĩa sống tuy khác nhau nhưng nghĩ kỹ, ai cũng vì nhân nghĩa mà hy sinh bản thân mình. Em nghĩ họ làm trong đạo nghĩa của con người, có sống hay chết cũng vô cùng thanh thản. Anh chẳng nên vì sự sống còn mà ngậm ngùi cho bà.
Ông Lý Hưng nhìn rất lâu vào vợ và rồi ông mỉm cười:
- Đúng vậy! Nếu sống không thẹn thì chết chẳng buồn, anh chỉ nên tưởng nhớ và noi gương bà là đủ, Hương!
- Anh lại muốn nói, may mắn làm sao được có em bên đời chứ gì?
Ông Hưng cười ngượng nghịu, hôn nhẹ má vợ thì thào:
- Không đúng sao? Nè em! Mai anh đi rồi.
Bà Hương cười nhẹ, người đàn bà quý tộc đất Bắc chẳng những thông minh, sắc sảo, mà còn biết thương con chìu chồng. Bà cầm chiếc lục lạc bỏ vào hộc tủ rồi đưa tay cho chồng nắm lấy dìu đi:
- Bé lục lạc cả tối quấy anh điều gì?
- Bắt anh thề phải đi nhanh về và không được làm mất cái lục lạc của nó.
- Còn Khánh hòa?
- Nó nói anh cứ yên tâm lo việc ấy đến khi xong và hãy làm những gì có thể làm của một người về lại cố hương.
Ánh đèn phòng tắt lịm, ánh đèn ngủ tỏa ra ánh sáng dịu dàng. Trên chiếc giường nệm, bà Hương ngã vào tay chồng.