Hai anh em ngồi trên sân thượng, trước mặt mỗi người một ly rượu màu hổ phách vơi gần nửa. Họ vẫn im lặng lơ đãng nhìn vào trời đêm chi chít những vì sao. Khuya lắm rồi, đường phố ngủ say, những ánh đèn lịm tắt theo lời nói trĩu buồn của ông Tấn: - Anh em mình không thể mãi mãi gần nhau. Tiếng cười khẽ của ông Hưng vang giữa đêm khuya: - Em thấy vậy cũng hay, em có dịp đi Trung Quốc luôn để thăm anh. Thanh Minh sang năm sẽ về tảo mộ mẹ cha. Ông Tấn thở dài đưa tay vuốt tóc bạc: - Chúng ta còn sống bao năm? Đời là dâu bể. Ông Hưng im lặng. Phải, đời là một cuộc bể dâu, thăng trầm lắm nỗi, nhưng nếu không có gian nan, đau khổ thì niềm vui sướng nào có nghĩa gì? Anh trai ông lúc nào cũng áy náy chuyện năm xưa. Từ một thế gia vọng tộc, vì theo kháng chiến bị truy lùng, cha mẹ ông đành bỏ lại đứa con nhỏ trên đường bôn đào và khi hy sinh trong chiến đấu, cha mẹ ông còn mãi gọi tên Lý Hưng. Ông Hưng nâng ly rượu, choàng tay qua vai anh: - Mọi chuyện đã qua, anh đừng buồn, chúng ta còn khỏe mạnh chán, sống ít nhất 20 năm nữa. Sao chú nó lạc quan vậy nhỉ? ông Tấn trầm ngâm nghĩ ngợi. Mình không thể như nó, có phải trái tim mình già cỗi theo chuyện đau lòng năm xưa, và niềm đau đất nước bao năm? Ông Hưng thấy nỗi buồn sâu lắng ở gương mặt anh, ông vụt cười lớn, tiếng cười vang xa lồng lộng trong đêm khuya. Ông nói to như cười: - Anh không tin à! Em nói anh phải tin, bởi em luôn tin chính mình và tin đất nước này như tin tấm lòng anh, tin vào cố quốc dù bao năm xa cách. Ông Tấn đặt ly rượu xuống, vụt nắm tay em khẩn khoản: - Hưng! Chừng nào em về? - Giờ chưa được, có mấy hợp đồng với cơ sở nước ngoài. Kìa! Anh đừng nghĩ em ham tiền, là chữ tín. Hẹn chắc với anh vào dịp thanh minh. - Em thật không hồi hương? - Ông Tấn buông tay em. Ông Hưng nhìn rất lâu vào anh, chậm rãi nói: - Chẳng thể khác, định mệnh bắt em sống kiếp ly hương, nhưng em biết mình người Trung quốc. Ông Hưng đi ra tựa lan can sân thượng nói điều ôm ấp trong lòng: - Quê hương với em là thứ tình xa luôn nhớ. Còn nơi đây đã cho em tất cả, từ vật chất đến tinh thần. Em là người Trung Hoa, nhưng con em mang hai dòng máu. Nó chọn nơi đây là quê hương, em không có quyền ngăn cản. Hà! tuổi em đã về chiều, có lựa chọn chăng, chỉ một nấm mồ... oOo Vết thương giúp Quyền tiến xa trong quan hệ với Châu Hà, ông thầy võ biến thành bác sĩ, mỗi ngày chăm sóc với bao quà cáp, khiến bà Thục ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn là độ rày Quyền thường xuyên về nhà, thuận thảo với anh em, thỉnh thoảng cười giỡn như giặc. Thấy con đứng ngắm mình mãi trước gương, bà Thục nhẹ hỏi: - Con muốn cưới vợ hả Quyền? Anh chàng đỏ mặt: - Sao má biết? - Cô nào vậy? - Má gặp rồi, hôm ở nhà hát – Quyền đến ngồi bên bà cười nói. Bà Thục nhớ ngay, bà nhíu mày: - Châu Hà! Quyền à, thằng Hành yêu con bé. Quyền nhún vai: - Chẳng ăn thua, con yêu hơn và có nhiều ưu thế hơn. - Ưu thế không liên quan gì đến tình cảm đâu con. Vả lại con làm sao biết mình yêu hơn người khác. Quyền ôm vai mẹ cười: - Vì nó yêu mà nhường cho Thiên Trường. Cũng may họ là anh em chú bác. Bà Thục ngơ ngác, Quyền kể ngắn gọn câu chuyện, xong bà thở ra: - Má mừng cho họ quyến thuộc trùng phùng. Tội nghiệp Châu Hà. Quyền đứng lên vung tay: - Má yên tâm, con sẽ xóa nhòa nỗi buồn trong tim cô ấy. Hôm nay con chính thức cầu hôn. - Cầu hôn! – Bà Thục ngạc nhiên. Má nghĩ tình yêu đến hôn nhân là khoảng cách dài. - Con phải rút ngắn khoảng cách đó. - Tại sao? – Bà Thục nhìn con nghi ngờ. Dĩ nhiên Quyền không nói cho mẹ nghe nỗi lo lắng của anh khi thấy Châu Hà thẹn thùng lúc gặp ánh mắt Hành và dù họ vẫn thế, có vẻ như xưa trong quan hệ nhưng linh cảm Quyền cho biết họ mỗi lúc gần nhau hơn qua Thiên Trường. - Con muốn tu tỉnh. Chẳng phải má muốn có cháu nội bồng sao? Điều đó dĩ nhiên rồi, bà Thục đưa mắt nhìn theo con ra cổng, môi nở nụ cười trên gương mặt xanh gầy. Trong khi ấy, Quyền phóng xe vun vút đến nhà Châu Hà, vết thương ở đầu gối rất lâu lành, nên cô thường ở nhà. Cô ngạc nhiên lúc thấy Quyền đến, hôm nay không phải ngày tập võ, mọi người đi làm chưa về. Quyền nói ngay khi thấy Châu Hà tròn xoe mắt, miệng dợm hỏi anh: - Anh có chuyện muốn nói! Cô gái vỗ vào lưng nệm salon: - Ở đây nhé! Quyền gật đầu, họ ngồi chung ở salon đôi: - Cô bé có thấy anh luôn đem lại cho em niềm vui, nụ cười? Châu Hà chúm chím: - Và mọi người cũng vậy – Cô vờ để tay lên trán như sực nhớ ra – À quên! Riêng má anh thì không. Quyền vờ xịu mặt: - Nghe anh Tài kể xấu chứ gì. Giờ anh ngoan rồi và đang có ý định tặng em với má anh một niềm vui. Quyền nói giọng dí dỏm vui đùa nhưng Châu Hà có cảm giác anh không đùa chút nào. Cô cảnh giác một cách tinh tế: - Sư phụ ơi! Đệ tử không dám nhận. Quyền nhăn nhó: - Bé Lục Lạc! Đâu phải giờ tập võ mà gọi sư phụ? Châu Hà dồn chàng võ sư đến đường cùng: - Một ngày là thầy, 100 năm cũng là thầy. Quyền nhăn nhó gãi đầu rồi vụt cười: - Không sao, sắp đến năm 2001. Châu Hà tỉnh bơ: - Vậy hãy đợi đến năm 2001 nói nhé! Quyền nhảy nhổm: - Ê! Không được, anh không nói giờ chắc mất ăn, mất ngủ. Châu Hà không đùa nữa, cô như khép kín mình lại qua ánh mắt ngưng đọng nhìn Quyền. Anh chàng võ sư không biết sợ trời đất bỗng dưng mất hết dũng khí khi thấy đôi mắt một mí tròn xoe tràn sợ hãi. Anh buột miệng thở dài: - Bé Lục Lạc! - Hử? - Nhất định không ra nước ngoài hở? - Nhất định! Quyền nắm tay cô gái, Châu Hà ngoảnh mặt: - Bé Lục Lạc! Nếu một lúc nào … Nếu một lúc nào … Châu Hà rút phắt bàn tay lại, sợ hãi đứng lên lắp bắp: _ Đừng … Đừng … Quyền đổ khùng la lớn: - Cái gì mà đừng chớ? Em nghĩ lại chút coi, chẳng phải em luôn được vui vẻ khi ở bên anh? Thiên Trường là anh Hai em, còn Hành, ảnh cũng là người Trung Hoa, ảnh không thích hợp với em đâu. Châu Hà trợn mắt. Vậy nghĩa là sao? Dương Hành … Cô gái chợt nổi giận. Quyền tự cho phép mình có quyền hạn với cô? - Thích hợp với ai mắc gì tới anh. - Cô nói vẻ cáu kỉnh lạnh nhạt. Quyền ngẩn người. Cô bé nổi giận. Mình đã đi sai một nước cờ chăng? Thiên Trường đang ở đây và tình yêu này chưa nhạt phai trong tim nàng? Nhưng Quyền luôn là người biết xoay trở trong mọi tình huống, dù với Châu Hà hay với những đối thủ trên võ đài. Anh cười toe, giọng nói chuyển sang vui, tếu: - Ê! Cô bé! Quạu với anh à? Giỡn tí không được sao? Lêu lêu cái mặt như mèo, xấu xấu quá không được mẹ yêu … Cô ngoe nguẩy đi những bước khập khễnh về thang lầu. Quyền bứt tóc chạy theo: - Định nghỉ chơi với anh chiều nay thật à? - Ừ đó! – Cô gái dẩu môi. Chỉ một chiều nay không sao, còn cả trăm buổi chiều, miễn Hành vẫn câm nín như từng câm nín. - Mai anh chở em đi thăm tụi nhóc nhé, thằng Thiện nhớ em lắm. Điểm yếu của Châu Hà là tụi nhóc trường Tương Lai, Quyền thừa biết điều ấy. Quả nhiên cô bé tươi nét mặt, mấy hôm rồi mẹ không cho qua đó mà, nhưng cô gái quả đáo để: - Không dám phiền, mai anh Hành đưa đi rồi. - Vậy anh về, mai tới. Quyền nén bực mình, vẫy tay chào cô gái rồi phóng ra cửa. Anh có một giây khựng lại vì Thiên Trường đứng ở lan can từ lúc nào, đang trầm ngâm nhìn ra những hoa lồng đèn đu đưa theo gió. Xe Quyền phóng vút ra khỏi nhà. Thiên Trường chậm rãi lên lầu, đến trước cửa phòng Châu Hà, anh gõ nhẹ rồi nói luôn: - Châu Hà! Lên sân thượng gặp anh. Thiên Trường đi thẳng, không thấy Khánh Hòa trờ tới. Anh cau nhẹ mày rồi đẩy cửa phòng em gái đi vào. Châu Hà nói ngay: - Anh đi với em lên gặp anh Trường. Thiên Trường không ngạc nhiên khi thấy cả hai anh em. Anh hỏi: - Chú thím chưa về sao? Khánh Hòa cười: - Ba mẹ đưa bác đi dancing. Thiên Trường phì cười: - Chú thím biết ba anh lên án chuyện nhảy nhót mà. Châu Hà cũng cười: - Nên ba mẹ làm bác hiểu, đó là môn giải trí, xã giao lịch sự, đôi khi giúp mình đẩy lui tuổi già cô đơn. Bà Ngang bưng lên một xô đá nhỏ và ba ly soda chanh đường làm sẵn. Khánh Hòa cho đá vào ly, đưa tận tay anh mời: - Anh muốn nói gì với tụi em sao? Thiên Trường cầm ly nước đến tựa lan can nhìn xuống đường: - Anh sắp về Trung Quốc, muốn có buổi nói chuyện với hai em, thật ra gần tháng nay chúng ta đâu có chuyện trò gì nhiều. Khánh hòa thắc mắc: - Bác Hai nói còn chơi lâu mới về mà. - Anh về trước, để có thời gian lo cho bên ngoại, vì đây là dịp duy nhất được nghỉ ngơi. Thanh minh sang năm, anh và cha sẽ chờ chú thím và hai em qua tế mộ nội tộc. Châu Hà thắc mắc: - Em không nghe bác và anh nhắc đến bác gái, tại sao? Thiên Trường nhẹ thở dài: - Điều ấy chú thím đã biết. Khánh Hòa lắc đầu nhẹ: - Nếu đó là chuyện đau thương, ba mẹ không nói tụi em nghe đâu. Thiên Trường nhìn lên trời như muốn tìm bóng dáng người mẹ muôn vàn yêu dấu. Nỗi đau của anh, anh có bao giờ thổ lộ cùng ai. Bỗng dưng Thiên Trường nghe trái tim nhẹ nhõm, Châu Hà trước mắt anh không còn chút gì để anh thấy mình tội lỗi, khổ đau. Anh uống cạn ly soda, nhìn thẳng vào mắt Châu Hà nói thong thả: - Anh sợ ta không vượt qua nổi bước khổ đau đầu đời nhưng nay có thể nhìn thẳng vào nhau không hổ thẹn. Châu Hà! Hãy trả lời anh, trong tâm hồn em, em coi anh thật sự là ruột thịt chớ? Khánh Hòa siết tay em thật chặt, anh đăm đăm nhìn Châu Hà chờ đợi. Cô gái dưới bóng hoàng hôn rũ tóc che nửa mặt nhưng không che dấu nỗi niềm riêng: - Em không còn đau khổ nữa, nhưng chưa quen chuyện mình có thêm một người anh. Cô gái ngước lên, trên tay là hộp nhỏ đựng miếng ngọc Thiên Trường tặng. Cô nói: - Vòng lục lạc đã hiệp phố châu hoàn, em trả lại anh báu vật Chu gia. Mẹ em nói, giòng họ Chu thuộc thân vương nhà Minh có đúng không anh? Mắt Thiên Trường thăm thăm nỗi buồn. Lâu lắm, anh đi lại lấy miếng ngọc cho vào túi, ngồi xuống bên Khánh Hoà, choàng tay người em chú bác, giọng đều đặn nói: - Ba anh già cỗi đâu vì một chuyện ấy, ông bạc đầu vì chuyện mẹ anh. Tiếng nói Thiên Trường trở nên gay gắt, dù cố kềm nỗi phẫn nộ từ lâu đè nén: - Cái gì là vua, cái gì là quan? Cái gì là lý lịch rõ ràng, vậy mà những thứ đó đã khiến anh có mẹ cũng như không, cha anh có vợ thành không có. Khánh Hòa, Châu Hà nhìn Thiên Trường sửng sốt. Anh ấy lạc quan yêu đời lắm mà. Anh Hành từng nói, Thiên Trường là niềm vui bất tận, giờ xem ra không phải vậy. Khánh Hòa dè dặt nói: - Em tưởng anh là người may mắn trên đường đời. Thiên Trường cay đắng: - Phải! anh luôn tỏ ra như vậy, đến Hành cũng chẳng biết nhiều gì về mẹ anh, ngoài việc bà qua đời sớm. Châu Hà thấy nỗi đau xưa về trong đáy mắt Thiên Trường, cô nghe xót xa. Một chút ngần ngại, cô gái nắm tay anh ân cần nói: - Anh hãy chia sớt nỗi buồn này cho chúng em, ngày nào về lại bên ấy anh sẽ thấy nhẹ lòng. Thiên Trường ngồi giữa hai em cất giọng trầm: - Mẹ anh họ Chu, tên Tưởng Bình, dòng dõi thân vương nhà Minh, nhưng chuyện đã trăm năm rồi. Chu gia không còn nhớ đến điều ấy. Có lần mẹ anh nói chẳng vinh quang gì, khi thuộc dòng họ bị nhân dân căm hờn vì chính sách cai trị tàn ác, để mất nước về tay ngoại tộc Mãn Châu. - Chắc bác gái thông minh nhân hậu lắm. - Mẹ anh là nghệ sĩ đàn tranh, người gặp cha anh năm 63 vào buổi diễn tại Nhà hát lớn Bắc Kinh. Người yêu ông vì ông biết nghe, biết hiểu từng tâm sự bà trong tiếng đàn. Cha anh yêu mẹ vì mẹ có chút gì đó giống bà nội. Lúc ấy cha đã là giảng viên ở Viện Đại học Bắc Kinh. Khi ông xin phép kết hôn, liền bị tổ chức phản đối, vì lý do nhà mẹ thuộc dòng vua quan, còn hiện tại không cùng giai cấp với cha anh. Thiên Trường nhẹ thở dài. Bóng dáng mẹ hiền hiện rõ trong mắt anh. Ngày ấy anh còn bé lắm nhưng vẫn nhớ rõ, mỗi khi cha đến thăm mẹ thường cười, còn cha luôn buồn. Tối nào cha ở lại, mẹ và anh vui như ngày hội, mẹ đàn hay hơn bao giờ hết. Tối lại anh được nằm giữa hai người. Cha ôm anh, còn mẹ hôn trơ trất lên hai cha con trong tiếng cười trẻ thơ của ngày ấy. - Anh Trường! - Châu Hà lay nhẹ Thiên Trường. Anh sực tỉnh, cười bối rối: - Xin lỗi! Để anh kể tiếp. Mẹ anh tính cương quyết lại thông minh, tài hoa. Yêu cha bất chấp mọi kỷ luật pháp lý. Vậy là họ lấy nhau, sống lén lút. Sau này mỗi khi cha anh một mình uống rượu, lúc say thường kể anh nghe, hồi ấy ông vừa sung sướng, vừa đau khổ, vì sự hy sinh vô hạn của mẹ anh. Châu Hà buồn xịu mặt: - Bác gái chắc bị kỷ luật không cho làm việc? Thiên Trường chậm rãi gật đầu: - Hồi mẹ anh có thai, người ta biết con ai nhưng không đủ chứng cứ kết tội cha, vì mẹ cương quyết nhận hết. Mẹ bị khai trừ ra khỏi đoàn, bị đình chỉ công tác vĩnh viễn. Mẹ anh về nhà, nương náu bà ngoại. Ngoại nuôi không phiền trách nhưng thường mắng cha anh thậm tệ. Châu Hà dẩu môi: - Bác trai không xứng đáng với bác gái. - Châu Hà! – Khánh Hòa nhíu mày nhắc em. Cô gái vẫn bướng bỉnh: - Nếu là em, em bỏ tất cả. Vì hạnh phúc một đời sao lại ngần ngại hy sinh… - Châu Hà! - Thiên Trường rầy em – Đã 30 năm rồi, lúc ấy đâu như bây giờ. - Vậy sao bác gái hy sinh được, còn nuôi anh Trường đàng hoàng? Thiên Trường ngậm ngùi: - Là nhờ tài năng của mẹ, người ta không thể kỷ luật mẹ mãi, vì tay đàn tranh của mẹ thuở ấy vang dội khắp năm châu. Bà đã được nhiều giải của các nước trên thế giới. Cuối cùng mẹ anh trở lại với âm nhạc, với quần chúng nhân dân, nhưng trong tình yêu bà vẫn phải chịu điều bất công ấy cho tới ngày nhắm mắt. Khánh Hòa thấy nỗi đớn đau xưa như trở lại trong Thiên Trường dù anh cố dấu đi. Trong giây phút anh thấy cảm thông với người anh chú bác vô cùng, đó là sự thiêng liêng về máu thịt không gì phủ nhận. Sự xa cách vô hình biến mất trong Khánh Hòa. Bây giờ Thiên Trường thật gần gũi thân thương. Khánh Hòa choàng tay qua vai anh siết chặt: - Anh kể hết tụi em nghe đi. - Mẹ anh chết khi anh lên 10, cuộc cách mạng văn hóa của bè lũ Giang Thanh đã giết chết bà chứ không là thứ tình yêu bà chờ đợi qua nhiều năm tháng. Anh nhớ đem ấy, bà đã yếu lắm vẫn ôm chầm anh trong tay mắt hướng ra cửa đợi cha anh về và rồi … Người đàn ông như cơn lốc lao vào quỳ xuống bên giường: - Tưởng Bình! – Người đàn ông gào lên. Ánh mắt muốn khép lại của người thiếu phụ chợt bùng lên rạng rỡ: - Ôi! Anh yêu, anh đã về kịp lúc. Bàn tay xanh gầy của người thiếu phụ đan lên tóc chồng, để rồi thấy mái đầu bạc trắng. Bàn tay cứng lại, vì thân thể nàng run lên: - Tóc anh vì em đã bạc hết rồi. Ôi anh! Sao cứ tự chuốc khổ cho mình. - Tưởng Bình! Dù phải rưới hết máu tim, anh vẫn không ngại, em hãy gượng lên vì con, vì anh đi em. Tưởng Bình! Anh van xin em! Người thiếu phụ thoảng nụ cười xa xăm, vẫy con trai đang nép mình vào một góc lại gần. Nàng lau nước mắt cho con bằng bàn tay gầy nhỏ, dịu dàng dặn dò con: - Thiên Trường! Mai này mẹ không còn ở gần con, con phải biết tự lo cho mình và hiếu thuận với cha. - Mẹ ơi! Mẹ chết rồi chừng nào về với con? - Yên nào, nghe mẹ dặn tiếp. Con phải can đảm, quả quyết đừng để ai thương hại hay bắt nạt mình. Phải luôn đạt mục đích mình chọn, dù gian khổ thế nào và phải hứa với mẹ trở thành một người chân chính. - Con hứa! Người mẹ ôm con vào lòng, dịu dàng hôn lên trán, lên má thủ thỉ: - Mẹ biết con luôn xứng đáng là con trai của cha và mẹ. Con ơi! Hãy hứa thêm với mẹ một điều. Dù ngày sau vĩnh viễn con không nhìn thấy mẹ, thì hãy cứ vui tươi mang hình bóng mẹ trong tim cùng cha đi hết đoạn đường đời. Thằng bé òa khóc: - Mẹ ơi! Mẹ nói con không hiểu gì cả. Người mẹ khép rèm mi dấu giọt lệ buồn: - Con không cần hiểu, chỉ cần nhớ thôi, lớn lên hiểu cũng chẳng muộn gì. Thằng bé mang máng hiểu một điều, nó sắp bất hạnh. Lần này mẹ ốm không như những lần trước, lúc ngồi dậy được, đàn cho cha và nó nghe. Khi cha cài hoa lên áo mẹ, mẹ cười đẹp như cô tiên. Lần này mẹ ốm rất lâu và lần đầu tiên nó thấy cha mẹ khóc. Năm nó học lớp 4, dường như nó hiểu rõ ràng ý nghĩa 4 chữ «THIÊN THU VĨNH BIỆT». Nó vụt gào lên lay cha nó rất mạnh: - Cha ơi! Nói mẹ ngồi dậy đi, ngồi dậy đàn cho cha và con nghe như lúc trước. Người mẹ lau nước mắt cho con và rất dịu dàng: - Thiên Trường! Đừng khóc nữa con. Mẹ ngồi dậy đây, mẹ đàn con nghe nhé! Thiếu phụ lả người trong tay chồng, từng bước đến bên chiếc đàn. Từng giọt long lanh rơi trên phím tơ chùng, tay nàng run rẩy vuốt ve đàn. Người đàn ông tan nát cả tâm hồn: - Tưởng Bình! - Em đàn cho anh và con nghe nhé! Đứa con như ngày nào nghiêm trang đến ngồi bên mẹ. Người thiếu phụ lướt tay trên dây đàn và bất chợt cất tiếng não nùng theo âm thanh tuôn tràn như thác đổ: «Tình giờ đã xa theo tiếng khóc loài Đỗ quyên trong đêm. Hồn giờ nát tan theo tiếng than buồn nước non trong đêm. Biệt ly, nhớ chăng ngày nào hai ta quen nhau trong đêm. Lệ này khóc thương quê hương, hay cho tình xa vấn vương. Trăm năm tình em gởi chàng. Thiên thu lòng dâng nước non. Chia tay, tiếng hát thay câu tạ từ. Ôm con nghẹn ngào chúc lời mai sau. Trời sầu đổ mưa, mưa tuôn rơi trong chiều thu, luyến lưu. Người buồn, hát câu, câu ca dao đầu đông xưa luyến lưu. Anh về nhìn em, tóc trắng theo đàn xưa luyến lưu. Gọi hồn nước non đưa em đi, xin đừng thương tiếc chi». oOo Tiếng hát Thiên Trường thê thảm hơn tiếng khóc, Châu Hà đầm đìa nước mắt ôm lấy anh: - Anh Trường, khóc đi anh, cho nhẹ lòng. Người trai Trung Hoa lắc đầu lời thốt ra thăm thẳm buồn: - Không! Anh đã cạn nước mắt từ đêm ấy, cái đêm mẹ ra đi, để lại trong tim anh lời hát ly biệt. Với niềm đau mất mẹ tuổi lên 10. - Thiên Trường đứng lên – Và từ ấy anh luôn tươi cười, lạc quan theo lời mẹ, mấy ai biết Thiên Trường … - Chàng trai bỏ lửng câu nói, nhẹ thở dài, choàng tay qua hai em – Anh đăng ký chuyến bay rồi, ngày mốt anh đi. Hiểu anh đã quyết định, Khánh Hoà đưa mắt cho Châu hà rồi choàng vai Thiên Trường quay lại. Cả ba đi xuống lầu và sững sờ khi nhìn thấy ông bà Hưng và ông Tấn đứng lặng từ bao giờ. Người cha mắt nhạt nhòa, môi run run: - Con! Con vẫn nhớ bài hát ấy. Con còn oán hận cha? Thiên Trường im lặng. Một lúc anh bước lại ôm cha và nói thật nhẹ nhàng: - Không đâu cha. Con nhớ vì luôn trân trọng mối tình cha mẹ. Con nhớ ngày xưa ấy mẹ thật hạnh phúc với tình yêu của cha. Sáu con người, cả tóc bạc, tóc xanh chia làm hai nhóm. Châu Hà tựa đầu vào vai mẹ, Khánh Hòa choàng vai cha. Cả bốn nhìn hai cha con Thiên Trường ôm nhau mà nghe mí mắt cay xè. Hoàng hôn đã tắt, màn đêm phủ lên bầu trời màu đen xám, vài vì sao lác đác, khi sáng khi mờ tỏa lấp lánh. Bà Hưng nhìn lên, lòng thầm cầu nguyện cho hai cha con có ngày mai hạnh phúc. Một vì sao băng, lòng người mẹ vụt nhói đau nhớ tới người con từ lâu không còn nữa. Quảng ơi! oOo Với Khánh Hòa thời gian chờ đợi dài vô tận, thấp thoáng vài bóng áo dài, nhưng chẳng phải chiếc áo trắng trên vóc dáng mảnh mai quen thuộc. Búng tàn thuốc vào gốc cây, Khánh Hòa rời xe đi qua đi về cho đỡ sốt ruột. Hôm nay lần đầu tiên anh đón Hiền, lần đầu tiên anh sẽ nói chuyện với Hiền về tương lai. Khánh Hòa thẩn ra nghĩ ngợi, anh sửng sốt về điều mình vừa phát hiện. Trời đất! Té ra họ yêu nhau đều qua Châu Hà. Từ ngày anh đến nhìn Hiền, rồi đi tới giờ, họ chưa hề hẹn hò nhau, chưa hề nói yêu nhau, tất cả đều do Châu Hà «Anh đừng đến trước cửa nhà chị Hiền nữa, chị nói với em, nghe tiếng xe anh, chị như mất hết hồn vía, không làm sao học thi được. … anh yên chí đi, em đã rào vườn, khóa cổng dùm anh rồi … Ngày mai chị Hiền đi trình luận án ra trường, anh đến đưa chị đi…». Hôm ấy anh không đến đưa Hiền đi, vì công việc, vì lo cho Châu Hà. … Ôi! Bao nhiêu việc, cho tới nay … Trời ơi! Mình cũng không đưa Hiền đi, giờ đón về phải nói sao đây? Chàng trai lo sốt vó, tự trách «Có phải mình dở hơi, ngớ ngẩn không?» - Anh Khánh Hòa! Khánh Hòa sực tỉnh, Hiền đứng trước anh trong chiếc áo trắng muôn thuở, tay cô cầm một phong bì hồ sơ lớn. Thấy Khánh Hòa ngẩn ra, Hiền thoáng lo lắng: - Anh sao vậy Châu Hà gặp chuyện gì à? Khánh Hòa lắc đầu ngượng ngùng: - Anh cùng gia đình đưa Trường ra sân bay xong, Châu Hà nói anh tới đón Hiền. Cô gái hạ rèm mi xuống đất: - Thế Châu Hà đâu? - Nó đi với Hành. Họ không biết nói gì nữa. Khá lâu Hiền ngước lên nói: - Hiền lấy xong bằng tốt nghiệp rồi. Khánh Hòa hớn hở: - Cho phép anh mừng Hiền bằng một món quà tặng chớ? Hiền lắc đầu: - Không cần đâu, anh về nhà Hiền ăn bữa cơm là Hiền vui rồi. Khánh Hòa thấy trong lời nói cô gái không chút giận buồn gì, anh yên tâm nói: - Hôm nay anh rảnh, lại được ăn cơm với Hiền, ngày nay với anh có nhiều điều đáng nhớ quá. Anh nổ máy xe, Hiền không chút ngượng ngùng ngồi lên, xe lao vút đi như chia niềm vui với chủ. Cho tới khi về nhà, hai người không nói với nhau câu nào. Bước vào cửa, cả hai trố mắt khi thấy Châu Hà lăng xăng bên bàn chất đầy thức ăn. Ông Thường và mấy đứa nhỏ ngồi với Hành chuyện trò rộn rã. Thấy hai người, Châu Hà reo lên: - Anh Hai, chị Hai về, hoan hô! Khánh Hòa liếc Hiền, cô chỉ hơi đỏ mặt, môi thoáng nụ cười: - Châu Hà! Hai bác bên nhà nghe được không hay đâu. Hiền chào Hành, mắt nhìn anh cố dấu vẻ tò mò. Khánh Hòa chào ông Thường xong bắt tay Hành hỏi: - Cậu không về bên Tòa Đại sứ à? Hành cười nhẹ, lắc đầu. Cả nhà xúm nhau chúc mừng Hiền. Châu Hà liếng thoắng: - Mừng chị Hai ra trường, bé lục lạc đích thân xuống bếp. Nào! Mời bác, mời tất cả vào bàn. Tất cả vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Hành ít hiểu về quan hệ giữa Khánh Hòa và Hiền, anh nghe Châu Hà một điều chị Hai, hai điều chị Hai, ngỡ rằng hai gia đình đã đi tới, nên giữa lúc ăn khen Khánh Hòa: - Cô Hiền với anh thật xứng đôi, chúc mừng hai bạn. Hành thấy cả hai ngượng ngùng nhìn ông Thường rồi cúi mặt thì ngỡ ngàng. - Xin lỗi! Châu Hà trợn mắt: - Anh nói đúng còn xin lỗi gì? Anh Hai! Có bác Thường ở đây anh thưa một tiếng rồi về nói mẹ qua. Anh 30 tuổi rồi, còn chờ tới bao giờ? Bữa cơm trở nên lặng ngắt như tờ, Khánh Hòa bối rối: _ Anh … Anh … chưa nói với … Hiền. Châu Hà nhảy nhổm: - Chưa nói! Ôi Trời! Anh đợi chị Hiền già chắc? Nói đi, nói lẹ đi. Thật là cảnh tượng ngộ nghĩnh. Khánh Hòa dở khóc dở cười. Ông Thường lắc đầu vẻ hết nói nổi với Châu Hà, nhưng trong lòng ông cũng nôn nóng chờ Khánh Hòa ngỏ lời. Châu Hà lại la lối: - Sao! Giờ anh có nói không? Hay đợi em thay mặt mẹ nói dùm anh? Hết nước nói, Khánh Hòa đổ bực: - Ai mượn em! Chàng quay sang Hiền: - Hiền có bằng lòng để anh thưa chuyện với ba không? Hiền nhìn xuống đất: - Anh nói đi. Khánh Hòa thở phào. Ôi! Có cuộc tình nào như của anh không nhỉ? Anh chưa cho phép mình đóng vai người yêu ngày nào. Con bé thật quái quỷ! Khánh Hòa đứng lên, anh ngại ngùng, nhưng cũng phải nói: - Thưa bác! Nếu bác không phản đối cháu xin phép bác đưa mẹ cháu đến thưa chuyện hôn nhân của cháu với Hiền. Ông Thường vụt ứa nước mắt. Liệu trên đời có ai may mắn như ông. Thân gà trống nuôi con bao năm, giờ được Phật Trời xót thương ngó lại, còn mong gì hơn. - Con tôi được cậu ngó lại là phước phận của nó. Châu Hà nhảy lên, tiếng lục lạc reo vang, cô cũng reo vang: - Bé lục lạc làm bà mai ngon lành. Cả nhà cười ồ và cười mãi cho đến lúc cô gái bắt anh Hòa ở lại, còn cô vô tư nắm tay Hành chạy tung tăng ra ngõ, vừa chạy vừa nói: - Đi ăn kem, anh Hành trả tiền. Mười phút sau cả hai đã đến tiệm kem. Cô gái hồn nhiên ăn hết hai cốc kem đủ màu, vừa ăn vừa kể chuyện tình không một lời tỏ tình hay hò hẹn của anh mình, kể xong cười khanh khách. Hành vui theo: - Châu Hà! Cô vui vẻ tôi mừng lắm. Cô gái nín cười chớp mắt, cô gặp ánh mắt Hành đầy thương mến, chợt nghe lòng ấm niềm vui, cô thổ lộ: - Anh Quyền luôn đem lại em niềm vui tiếng cười, nhưng sao gặp anh mới thật sự thấy thanh thản. Hành tránh ánh mắt Châu Hà bằng cách châm thuốc hút. Cô gái lại nói: - Sao anh chẳng khi nào kể chuyện anh cho Châu Hà nghe. Hành lẳng lặng gọi người tính tiền. Châu Hà dẩu môi: - Nghỉ chơi với anh. Cô giận dỗi ra chỗ để xe, Hành ra theo, thấy cô phụng phịu anh nói nhỏ: - Chuyện tôi có gì đâu mà kể. Chưa lúc nào cô gái nhìn kỹ chàng trai Trung Hoa và bây giờ cái nhìn chầm chập của cô khiến Hành đỏ mặt. - Châu Hà làm sao thế? - Hà vừa thấy sự khác nhau giữa anh và anh Quyền. - Người thì đâu ai giống ai! Cô gái vô tư lắc tay Hành: - Em nói về cái tâm, anh đến với những đứa trẻ bất hạnh bằng cả tấm lòng. Còn anh Quyền… Sực nghĩ nói xấu người khác khi họ vắng mặt là không tốt, Châu hà bỏ dở câu nói, cương quyết kéo tay Hành đi: - Mình đi qua trường. Hành gật đầu nhưng Hà có cảm giác anh đứng lại rời vội tay cô. Cô trố mắt định nói, chợt sực nhớ, cô nóng ran cả mặt, màu trắng trên má chuyển hồng. Cô gặp ánh mắt Hành nhìn rất lạ, ánh mắt ấy đã một lần rồi cô bắt gặp, nó không thiêu cháy cô nhưng như chất men vô hình khiến cô xao xuyến, bâng khuâng. Có lẽ nào lời Quyền nói là sự thật? Không! Không đâu … Hành ngẩn người khi cô gái lắc đầu lia lịa, mặt đỏ bừng lên như thẹn thùng. Hành biết hay không những ý nghĩ trong Châu Hà? Điều đó chẳng ai hiểu nổi, nhưng với Châu Hà anh luôn tế nhị: - Châu Hà có cần về nhà thưa hai bác không? - Đến trường đã. Cả hai về đến trường đã quá nửa chiều và chết lặng khi Thân «dấm đài» báo tin tối qua thằng Thiện trốn trường.