Chuyện của một cựu chiến binh
Phần 1

Trong một lần hầu chuyện bạn đọc, tôi có bàn về nỗi khổ tâm của một chủ tịch huyện. Trong câu chuyện nhỏ ấy, ta đã gặp một cựu chiến binh thẳng thắn và bộc trực. Ai ngờ sau khi bài báo ra, ông già cựu binh ấy lại đến tìm tôi. Câu chuyện cũng chẳng có gì ngoài những lời bàn luận quanh bàn trà.
- Phải công nhận đời sống bây giờ rất khá, nhưng đạo đức xã hội thì lại xuống cấp đến mức cần phải báo động, anh ạ. - Ông già bắt đầu câu chuyện. - Ngày xưa làm gì có chuyện học sinh đâm chết cô giáo ngay trên bục giảng. Rồi thì bố hiếp con. Khiếp! Đọc báo mà cứ ù cả đầu. Rồi trấn lột, buôn bán ma tuý. Bắn bao nhiêu tên rồi mà tội phạm vẫn cứ tăng lên. Vụ án sau lại to hơn vụ án trước. Còn trộm cắp thì như rươi. Thời hiện đại nên kẻ trộm bây giờ cũng rất hiện đại.
Nói rồi, ông già cười sùng sục. Cứ như lời ông kể thì bọn trộm cướp bây giờ còn được trang bị cả bằng thành tựu của khoa học tối tân. Chúng có thể xịt ê te vào nhà cho mình thỉu đi, rồi cứ điềm nhiên khuân đồ đạc, của nả. Nhiều khi nó còn vồ cả lợn. Mà có vồ thôi đâu. Nó chọc tiết lợn ngay tại cửa chuồng. Hôm vừa rồi còn có chuyện cười ra nước mắt. Ông lão hàng xóm có con lợn lai kinh tế. Con lợn to lù lù như một con bê. Tin ấy bay đến tai một tên trộm lợn. Thế là nửa đêm, con giời mò tới, xịt ê-te vào chuồng lợn, xịt mạnh đến nỗi chính hắn cũng đê mê. Rồi hắn thấy mình chạy băng băng qua những vạt ruộng đang cày ải, vai vác con lợn. Con lợn to hàng tạ mà lại nhẹ bẫng. Nhẹ như một quả bí đao. Hắn vứt oạch con lợn vào bếp, rồi ngả ra giường, vùi mình vào đống chăn nệm ấm sực. Chao ôi sướng? Đời một tên trộm ai ngờ cũng có lúc lên tiên.
Sáng sớm hôm sau, chủ nhà bê cám ra chuồng lợn thì thấy có những... hai con lợn đang nằm ở trong chuồng. Hoá ra chả có chăn nệm nào cả. Chúng nằm vắt lên nhau trên đống phân rác nhầy nhụa. Cả hai cùng ngáy như sấm. Tất nhiên con lợn giả - người đã bị tóm gọn. Người ta dẫn giải lên ủy ban rồi, con lợn giả ấy vẫn còn chưa tỉnh. Ông già cười:
- Chẳng biết anh nghĩ thế nào chứ cứ như tôi, cái bọn súc sinh ấy, chẳng phải giam nhốt làm gì. Cơm gạo đâu mà nuôi bọn chúng. Ta cứ giải tán nhà tù đi. Giam chúng tại gia. Hình như bên Trung Quốc người ta làm thế đấy. Một cách làm hay như vậy tại sao mình không tham khảo họ nhỉ?
- Mỗi nước có một cách xử lý riêng với bọn tội phạm chứ cụ. Vả lại chuyện giam tại gia ấy, hôm nay tôi mới nghe cụ nói đấy.
- Còn tôi thì lại nghe dân đồn. Xem ra, dân mình có vẻ khoái cái trò giam tại gia. Nếu bên Trung Quốc không có chuyện ấy thì biết đâu đó lại là nguyện vọng của dân. Nguyện vọng đã thành lời đồn thổi. Kẻ nào mắc tội cứ nhốt vào cũi giam ngay tại nhà. Gia đình phải nuôi nấng phục dịch. Cũi cứ để chênh ềnh giữa nhà hay gia phòng khách. Thế thì đứa nào không khiếp. Tiền đóng cũi gia đình phải chịu. Công an chỉ đánh dấu niêm phong, rồi thi thoảng qua kiểm tra. Ai vi phạm qui định thì phạt thêm nữa. Nếu kẻ tội phạm có bố mẹ là những vị có chức có quyền thì ngay lập tức các vị quyền chức ấy phải bay khỏi chức vụ...
- ấy chết - Tôi kêu lên. - Ai có tội thì người đó phải chịu chứ! Sao lại bắt người khác phải chịu thay...
- Thế chả nhẽ bố mẹ không phải chịu trách nhiệm gì về những hành vi bậy bạ của con cái sao?- Ông già bỗng sừng sộ. - Nhiều kẻ chỉ ỷ vào bố mẹ hoặc có thế lực hoặc có nhiều tiền bạc để rồi càn quấy, chứ con cái nhà nghèo như con tôi con anh, làm sao chúng dám bậy bạ. Một người đã không dạy nổi con mình thì cũng đừng nghĩ rằng họ có thể lãnh đạo được một cơ quan, một nhà máy hay một xã hội. Tôi chàng bao giờ tin những anh như thế...