Đó chính là những người dân ở làng Điền Trì quê tôi.Câu chuyện này lại bắt đầu từ lão Hai Còn, một ông già chuyên nghề đóng cối xay lúa. Nghề đóng cối xay là nghề gia truyền của lão. Đóng cối thì khó gì. Chỉ cần vài thứ lặt vặt, rẻ tiền làm nguyên liệu. Một ít gỗ nhãn làm dăm, rồi làm ngõng. Chừng hai cây tre đực có gióng dài đan thân cối, áo cối. Rồi một chút đất sét giã với trấu. Thế là thành một cái cối xay hảo hạng. Ai chả đóng được Nhưng đóng cối như lão Hai Còn thì làng Điền Trì này cũng chẳng có ai. Cối lão đóng nhẹ mà lại chắc. Gạo chín đều. Cấm có một hạt lỏi. Thế nên quanh năm, lão Còn không bao giờ hết việc. Công việc của lão là...vác mồm đi ăn cơm thiên hạ. Tuy làm khách thiên hạ, nhưng cả đời lão chỉ quanh quẩn ở các làng quê. Hết làng mình lại đi làng khác. ấy vậy mà người làng tôi không có ai coi lão là một ông già nhà quê. Thậm chí, họ còn nhìn lão như một anh phố thị. Có bà còn gọi lão là người phố ở quê. Bởi chính lão là người có đầu óc cải cách. Chí ít, lão cũng góp phần biến cái làng ao tù nước đọng này thành một con phố chính hiệu. Nghĩa là phố ra phố. Và nói như lão Còn, thì đến Hà Nội cũng phải gọi bằng cụ.Số là, năm 1986, bắt đầu công cuộc đổi mới, làng tôi có điện. Thế là tất cả nháo nhác. Đời sống bị đảo lộn. Làng quê không còn giữ được vẻ êm ả xưa cũ như nó vốn có. Đài loa suốt ngày ca hát. Đi chỗ nào cũng thấy có éo, có éo. Nhiều người thất nghiệp tự dưng lại có việc làm. Khối anh có nghề hẳn hoi mà bỗng chốc thành kẻ thất nghiệp. Lão Còn cũng xoay theo cái vòng xoáy lốc ấy mà hoá ra anh ngẩn ngơ. Một cái làng bé như mắt muỗi mà có đến hai cái máy xát gạo. Chẳng ai dở hơi nghĩ đến việc mang thóc ra xay, giã nữa. Thế là lão mất nghề.Chẳng còn việc gì làm, lão lân la ra thành phố. Thoạt đầu cũng chỉ vì tò mò, muốn xem dân phố sống ra sao? Ai ngờ, lão trở thành kẻ... cứu làng. Điều làm lão ngạc nhiên là dân phố sống... khổ quá. Hoá ra nhiều tiền vẫn có thể rất khổ. Bởi họ chui rúc như chuột. Cả nhà sáu, bảy mạng người nhét trong một cái tổ tò vò bé tin hin như cái lỗ mũi. Chẳng nhà nào có cổng ngõ tử tế. Người chen người. Nhà chen nhà. Khiếp? Hàng trăm nhà mới có chung một cái sân. Mà sân cũng chẳng ra sân. Cứ dài nhằng nhẵng như cái mương nước. Mương nọ nối mương kia. Xe cộ bò lổm ngổm như cua. Mà người thì lúc nào cũng đông đặc. Chẳng thấy họ đóng cối hay cấy gặt gì. Chỉ suốt ngày đi nhông nhông. Thế mà sao họ vẫn có lắm tiền thế. Tiền họ kiếm ở đâu ra mà lắm thế nhỉ?Sau một ngày đi chu du tìm hiểu, lão Còn mới phát hiện ra rằng, sở dĩ dân phố xá lắm tiền là vì họ đi buôn thôi. Các cụ nói rồi. Phi thương bất phú. Đúng thế thật. Hà Nội quả là cái chợ giời khổng lồ. Nhà nào cũng đục cửa ra làm hàng quán. Hàng tiếp hàng. Liên miên. Bởi thế mà. họ giàu. Giàu nên mới hay ăn. Nhìn đâu cũng thấy quán ăn. Ăn suốt ngày ăn cả đêm. Mà toàn ăn những thứ vớ vẩn. Cóc, nhái, ba ba, rắn rết cũng thành của quý. Dân nhà quê chẳng coi những thứ ấy ra cái quái gì. Nhái là món tanh ngòm, chỉ có thể băm cho gà vịt. Thế mà dân thành phố lại lấy làm đặc sản, làm chả nhái. Khiếp. Rồi lại còn ba ba nữa. Ba ba cũng thành đặc sản. Mà đắt khét lẹt. Hơn trăm ngàn đồng một cân ba ba. Bằng hơn một tạ gạo. Tương đương với mười cái cối xay lúa lão đóng. Rõ thật là cái giá cắt cổ. Vậy mà cái đám người rồ dại kia vẫn ăn rào rào. Ăn bởi họ lắm tiền. Thế là giời thương lão rồi. Giời cứu lão rồi. Chính do giời mách bảo mà lão nhận ra rằng, muốn giàu được thì phải bám thành phố. Nghĩa là phải túm những thằng có tiền. Phải nghĩ ra cách rút tiền của bọn trọc phú phè phỡn. Chứ chỉ quanh quẩn trong cái xó làng thì cùng lắm cũng chỉ như cái lũ gà què ăn quẩn cối xay.Lão Còn tức tốc trở về làng. Lão chuyển sang nghề săn bắt ba ba. Lấy ba ba làm mồi câu tiền của bọn thành phố trác táng. Thế là chỉ toòng teng một cái que tre vắt vẻo như cái thòng lọng của một anh thiến lợn nhà quê, sớm nào lão Còn cũng đi rảo một vòng quanh các ao đầm. Ba ba là giống quen chui rúc ven bờ. Chỉ nhìn lướt qua, lão biết ngay ao nào có ba ba. Cứ thấy một đám tăm nhỏ đùn lên, xâm xâm trên mặt nước là lão cắm thẳng cái que tre xuống đó. Thế là ngay lập tức, quanh que tre sủi lên những cái bong bóng to bằng cúc áo. Đích thị là cậu chàng rồi. Cậu chàng rúc xuống bùn. Thế thì chẳng khác gì tự chui đầu vào cái rọ của lão Lão Còn chỉ khẽ lùa chân đè chặt, rồi luồn tay xuống bùn lật ngửa cậu lên. Thế là lão đã có hơn trăm ngàn đút túi. Cứ nhẹ nhàng, đơn giản như vậy, ngày nào, lão cũng vớ hơn triệu bạc. Chẳng bao lâu, lão đã có hàng trăm triệu đồng. Rồi lão vật lên một cái nhà ngất ngưởng bốn tầng. Lão xây theo kiểu nhà thành phố. Cũng cửa kính, cũng ban-công. Cũng nội thất sáng choang. âm nhạc xập xình. Trên nóc nhà là bể nước. Giếng khoan bơm lên, rồi chảy xuống các vòi roe roé. Đúng máy nước thành phố nhé.Thế là bắt đầu từ một lão phó cối thất nghiệp, cả làng lao vào làm giàu. Đám thanh niên, trai trẻ cũng lại nhao về thành phố tìm con đường làm ăn. Người mở đại lý đồ nhựa, người làm bồn tắm, làm vật liệu các công trình vệ sinh. Người không biết làm gì thì đánh chó, làm trạm trung chuyển, thu gom chó xuất cho Hà Nội. Làng tôi đã triệt chó. Mấy chục năm nay, tôi chẳng trông thấy một con chó nào, vậy mà có một gã trai làng mỗi ngày cung cấp cho Hà Nội hơn một tấn chó. Thế mới lạ. Đối với gã, thành phố là một cái máy nghiền thực phẩm khổng lồ. Bao nhiêu chó lùa vào đó cũng chỉ như muối bỏ bể. Gã đánh chó mới được hơn một năm mà đã thành tinh. Cứ trông thấy gã là chó cúp đuôi lủi thẳng, tuyệt không con nào dám sủa. Hãi thế.Làng lại mọc lên một biệt thự nữa của gã lái chó. Bây giờ thì cái làng Điền Trì của tôi đã thành một khu phố sầm uất rồi. Không phải chỉ một mình lão Hai Con, mà ngay cả một anh nông dân cổ cày vai bừa cũng tự thấy mình là người đô thị. Hay nói đúng hơn, họ là những người phố ở quê. Dân Hà Nội làm sao có được cái oai ấy cơ chứ. Còn khuya nhé!