Cả giờ ngồi chờ mấy cô ở Hợp tác xã khen chê, Hoài mệt lả, nhưng rồi cô cũng nhận được tiền. Thở ra nhẹ nhõm, Hoài đi, tiền nằm trong túi áo, cô thầm tính toán. - Mình ra chợ Hàn, mua ít thịt, cả mười ngày chưa bồi dưỡng cho ba, mua ít thuốc để dành, ba thường đau bất chợt, mua vài viên thuốc cảm cho mình - Cô gái buồn bã - Chắc phải kỳ lương tới mình mới mua được bộ đồ lót, còn áo quần ba, đã cũ quá rồi. Cô gái chợt thấy mệt ở ngực, cố thở nhanh lấy không khí vào buồng phổi, mắt cô hoa lên, quay cuồng, ráng gượng vài bước, cô hiểu mình sẽ ngất đi. Cô lê vội vào căn nhà cao tầng, có nhiều xe hơi đậu, cô nhớ đây là khách sạn Thái Bình Dương, nó còn có tên Pacific Hotel. Cô đứng tựa vào tường, thầm van xin đấng vô hình nào đó đừng để cô ngất đi. Rất nhiều người ra vào cửa chính, họ đều hào nhoáng, sang trọng. Mắt Hoài mở hẳn, tay cô bấu chặt vào tường... Có ai đó giữ chặt vai cô, nên cô chưa ngã xuống. Giọng ai bên tai trầm ấm, có chút lo lắng: - Cô ơi! Dường như cô muốn ngất đi? Rồi giọng con gái trong trẻo hơi lơ lớ: - Cô ta bệnh! Này cô! Đi bệnh viện nhé. Hoài ráng lắc đầu, yếu ớt: - Tôi mệt chút thôi, cảm ơn. Cô định bước đi, cô biết đây là khách sạn sang trọng. Những người ở đây đều sang trọng, không nên phô bày vẻ nghèo nàn ở đây. Nhưng cô không bước nổi, cả đôi tay giữ vai cô, cô cũng không hất ra được, cô chưa từng để ai chạm đến mình. Giọng nói ấm dịu lại vang lên: - Diễm Quỳnh! Gọi bác sĩ! - Vâng. - Cô gái ấy trả lời. Hoài lắc đầu, cố vùng ra, lời rời rạc: - Không, xích lô... tôi... phải... về. - Cô cần nằm nghỉ một lát. Thiếu Kỳ! Giúp tôi đưa cô ta vào trong. Hoài không thể phản đối được nữa, cô đã cạn nghị lực cuối cùng và ngất đi. Nam Hoa! Phải, người ấy chính là Nam Hoa. Anh hốt hoảng, bồng xốc Hoài chạy vào tiền sảnh khách sạn, đặt xuống phô-tơi dài. Diễm Quỳnh mời bác sĩ tới. Ông ta khám và chích thuốc. Người nhân viên khách sạn đề nghị đưa cô gái vào bệnh viện. Ông bác sĩ lắc đầu: - Để cô ấy quyết định lấy, vì cô ta phải nằm rất lâu. - Tại sao? - Nam Hoa ngạc nhiên hỏi. Ông bác sĩ chưa kịp trả lời, Hoài đã tỉnh lại, cô mất ít thời gian để hiểu mình đang ở đâu. Cô hoảng sợ vùng dậy, người ta đứng quanh cô khá đông, ông bác sĩ từ tốn hỏi: - Cô thấy khỏe chưa? Hoài đứng lên, mặt tái xanh chuyển màu hồng, họ toàn là những người sang trọng, cô ấp úng: - Tôi đã khỏe, cảm ơn ông. Tôi.. tôi... xin phép đi... Ông bác sĩ mỉm cười: - Cô có bệnh, chớ không khỏe đâu, thế này nhé! Cô đi khám và chụp phim phổi coi thế nào, đây là địa chỉ của tôi. Nam Hoa nãy giờ đứng lặng nhìn cô gái, ở cô ta có một cái gì khiến anh thấy nôn nao trong lòng, anh không định nghĩa nổi. Cô ta có mái tóc dài, kẹp gọn sau gáy, mặt ốm, trắng xanh, tay gầy nổi gân, chứng tỏ cô thuộc giới làm lao động nhọc nhằn. Nhìn cô không đoán được tuổi, như ba mươi ngoài, cũng có thể chỉ mới hai mươi, bởi bờ môi mím chặt vẫn đỏ màu con gái. Nếu cô ta không nghèo khổ hẳn là rất đẹp. Kìa! Đôi mắt cô ta ngơ ngác nhìn quanh rồi dừng sững lại ở anh. Trời ơi! Đôi mắt rười rượi buồn. Đôi mắt khiến anh có nỗi nhớ mơ hồ như sương khói. Hoài bối rối khi nghe bác sĩ nói, cô nhìn quanh, mắt cô gặp Nam Hoa ở sát bên ông bác sĩ, cô rùng mình, cúi đầu rồi ngẩng lên rất nhanh. - Ông là bác sĩ à? Ông đã chữa cho tôi tỉnh lại và thấy khỏe. Cảm ơn ông. Cô chợt e dè, đưa tay nắn túi áo, giọng nhỏ lại: - Tôi phải trả bao nhiêu tiền cho ông? Người bác sĩ nhìn cô ái ngại, trong ông nổi lên niềm thương xót, ông lắc đầu chưa kịp nói. Một giọng nói ấm dịu đã cất lên: - Cô không phải trả khoảng tiền nào cả. Hoài lại rùng mình, giọng nói ấy, cô nghe khi đang sắp ngất đi. Ông ta đã sai một cô gái nào đó gọi bác sĩ. Có lẽ là cô gái đang đứng sau ông ta. Cô ta đẹp không thể tả, cái đẹp thuần túy của người phụ nữ Trung Hoa. Cũng chính ông ta đã đỡ đôi vai mình nâng dậy. Ông ta là một người trẻ tuổi nhân hậu, có lẽ vì vậy mà giọng nói kia làm mình ấm áp cả cõi lòng. Hoài một lần nữa nhìn quanh. - Vậy xin cảm ơn các ông các bà! Tôi phải về. Cô đi ra cửa, Nam Hoa buột miệng gọi: - Này cô! Cô tên gì? Hoài hơi dừng bước, tim cô chợt nhói đau, buồng phổi nghẹt lại không thở nổi. Bây giờ cô đã có một cái tên nhưng người ấy không về, để hỏi như người đàn ông này. - Thưa ông, tôi tên Hoài. Cô gái đi rồi, cô nhập vào dòng người ngược xuôi trên phố. Ông bác sĩ cũng ra về, mọi người ai trở về việc nấy, chỉ Nam Hoa còn ngồi bần thần ở đó nơi cô gái nằm ban nãy. Thiếu Kỳ đưa mắt cho Diễm Quỳnh, cô hỏi Nam Hoa nhẹ nhàng: - Thưa ông Bạch! Bây giờ là mười giờ, ông có định dời buổi tham quan thành phố mà ông làm người hướng dẫn? - Không. - Nam Hoa đứng lên nói tiếp - Cái gì đã nói thì phải làm, chúng ta đi. Nam Hoa đích thân lái xe, gần hai giờ đồng hồ, anh đưa Diễm Quỳnh và Thiếu Kỳ đi khắp thành phố. Thiếu Kỳ nhận xét: - Nó nhỏ thua thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều. - Nhưng có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, tôi tiếc mình không có thời gian, cậu biết không, bãi biển Đà Nẵng tuyệt vời. Diễm Quỳnh có chút cay đắng: - Con gái Đà Nẵng Việt Nam cũng rất tuyệt vời. Chẳng thế mà ông Bạch trở lại đây, còn tạo cho công ty Danamexco nhiều thuận lợi. Nam Hoa thẳng thắn đến tàn nhẫn: - Phải. Để trả một phần nào ân nghĩa mảnh đất này đã cưu mang Bạch Gia. Công ty Chấn Hưng được như hôm nay là nhờ những đồng tiền làm ra ở nơi đây. Bạch Nam Hoa cũng sinh ra và lớn lên ở đất này. Nó được như bây giờ là nhờ một cô bé không họ tên cứu sống. Dế Mèn với tôi là một phần đời, tôi không thể quên. Xe Nam Hoa chạy vòng vèo, và dừng lại trước đài truyền hình thành phố. Diễm Quỳnh nhíu mày: - Thưa ông Bạch! Đã tới giờ ăn trưa. - Chờ tôi mười phút. Anh trở ra trễ năm phút nữa, mặt trở nên đăm chiêu, cho xe chạy về nhà hàng Quê Hương. Thiếu Kỳ hỏi: - Anh vào làm gì ở trong đó vậy? - Tôi nhờ nhắn tin tìm Dế Mèn, điều đơn giản ấy mà mấy năm nay nghĩ không ra. Nếu không có lớp phấn hồng hẳn Nam Hoa sẽ thấy Diễm Quỳnh nhợt nhạt. Nhưng cô vẫn ngoan cường theo đuổi bóng hạnh phúc, cô quyết đập tan niềm hy vọng của Nam Hoa. - Thưa ông Bạch! Ông có lạc quan quá sớm không? Có thể Dế Mèn đã đi rồi, rời bỏ xứ này hoặc cô ta không như ông. Rất hiếm có một tình yêu chung thủy mà thời gian là mười sáu năm xa cách, thuở ấy Dế Mèn là đứa trẻ mười hai. Nam Hoa bẻ một vòng cua rất ngặt, gương mặt thoáng nhăn lại, nhưng rồi dãn ra ngay, chỉ bờ môi mím chặt như nói lên quyết tâm không dời đổi. - Cám ơn cô đã có lòng lo lắng cho tôi, nhưng tôi còn cả một đời để tìm kiếm Dế Mèn. Nhất định tôi sẽ tìm ra, trừ phi cô ấy chết. Cô biết đó, ký xong hợp đồng liên kết xây dựng nhà máy sắt thép với Danamexco thì Việt nam là quê hương thứ hai của tôi. Cho đến khi ăn xong bữa trưa tại nhà hàng đặc sản Quê Hương, Diễm Quỳnh không hé môi nói thêm câu nào. Lúc ra về, nàng đi trước, Thiếu Kỳ nói với Nam Hoa: - Anh tàn nhẫn với một cô gái như vậy, mai sau trời sẽ trả báo đó. Nam Hoa nghiêm trang: - Vì tôi rất quý cô ta, tôi không muốn mất một cộng sự, một thư ký tài giỏi, trung thành.