Chương 11


Chương 4

Bước xuống taxi, ông Thành ung dung đi ngược về phía nhà mình. Chuyến bay dài không làm ông mệt mỏi. Ngược lại ông Thành lại vui vui khi nghĩ sắp được gặp con gái. Chắc Diệp Trúc sẽ rất mừng trước sự trở về bất ngờ của ông.
Cho tay vào trong cổng sắt, ông mở khoá đẩy cửa vào rồi bước lên thềm.
Tới phòng khách, ông Thành chợt sựng lại ngạc nhiên khi thấy trên salon một cô gái tuyệt đẹp đang lim dim đôi mắt có làn mi dài cong vút trên gương mặt thật thơ ngây.
A! Phải rồi, cô bé này chắc là An Hạ, bạn của Diệp Trúc mà vài lần điện thoại về nhà, ông nói chuyện với tính cách xả giao thăm hỏi.
Đặt vali xuống đất, ông gõ nhẹ vào cửa. An Hạ giật mình ngồi bật dậy. Cô hốt hoảng nhìn người đàn ông lạ trong nhà.
Gương mặt tái xanh của cô làm ông Thành tội nghiệp.
--Đừng sợ! Tôi là ba của Diệp Trúc.
An Hạ ấp úng:
--Dạ... chú mới về ạ.
--Diệp Trúc đâu rồi? Cháu là An Hạ phải không?
An Hạ lí nhí:
--Trúc đã đi Nha Trang với bạn mấy hôm rồi ạ.
Ông Thành nhíu mày:
--Trúc có nói bao giờ về không Hạ?
--Dạ, Trúc đi từ hôm thứ Năm và nói trong một tuần sẽ về.
Nhìn tấm lịch trên vách, ông Thành chép miệng:
--Cũng còn hơi lâu, chú định dành cho con bé sự bất ngờ, ai dè chính nó lại gây bất ngờ cho chú... Cháu cứ tự nhiên nhé.
An Hạ bối rối đứng nép sau salon. Dù đã nhận ra ông Thành qua hình chụp gia đình treo trên vách, nhưng Hạ không nghĩ ba bạn mình lại còn trẻ... và đẹp như vầy. So với ông bố nát rượu của Hạ với ông Thành quả một trời một vực.
Từ hồi làm bạn với Diệp Trúc tới giờ, đây là lần đầu cô gặp ông. Trước kia Trúc sống với bà nội dưới quê. Ông Thành làm ăn xa thỉnh thoảng mới về thăm. Ông mới rước Diệp Trúc lên đây độ hai năm để con bé học đại học. Mẹ Trúc chết lâu rồi nhưng ông vẫn ở vậy với con gái. Nghĩ cũng tội, An Hạ chợt lo lắng, không có Diệp Trúc ở nhà, cô biết nói gì với ông cho hết thời gian đây.
An Hạ rụt rè bước nhẹ về phòng mình. Ngang phòng tắm, cô nghe tiếng nước ào ào và tiếng đàn ông huýt sáo.
Ba cô không huýt sáo. Ông bét nhè với rượu, người cọc cằn thô lỗ chớ không lịch lãm, tao nhã như ông Thành. Chắc ông Thành có cuộc sống rất tự do phóng túng nên cách sống của Diệp Trúc cũng vậy.
Bỗng dưng An Hạ thấy sợ khi nghĩ đến đêm về chỉ có cô và ông trong căn nhà rộng lớn này. Ông Thành còn quá trẻ khiến Hạ lo một nỗi lo mơ hồ kỳ cục. Dấu ấn Tiến gây ra với cô vẫn còn rõ nét, An Hạ phải hết sức thận trọng mới được.
Thở dài, cô chợt nghĩ tới Ngữ, chả hiểu sao dạo này có gì khó khăn cô điều nhớ tới anh dù Ngữ là một ảo ảnh cô không với tới được dầu đã nhón gót thật cao. Bây giờ chắc anh và Diệp Trúc đang vui đùa với sóng biển chớ đâu nhớ tới cô. Nếu Ngữ yêu Trúc thì sao, mà không yêu thì sao? Chả lẽ cô chen vào tranh Ngữ của Trúc à?
Đứng dậy, An Hạ xuống bếp. Cô phải nấu cơm. Chiều rồi, chắc ông Thành đã đói sau chuyến đi xa.
Đang loay hoay rửa rau, nghe tiếng chân An Hạ bối rối quay lại nhìn. Ông Thành ung dung bước đến trong bộ quần áo sang trọng. Hình như ông sắp đi đâu thì phải.
Cô chớp mắt:
--Chú định đi đâu sao? Cháu nấu cơm rồi...
Nhìn đôi mi cong của Hạ, lòng ông Thành bỗng xôn xao.
Con bé đẹp thật! Nó cứ như bông hoa đồng nội hồn nhiên mộc mạc, chỉ cái chớp mi hết sức ngây thơ, nó đã khiến người ta phải ngẩn ngơ. Là một... tay chơi lịch lãm, ông Thành nào lạ gì đàn bà. Từ ngày vợ chết đi, ông không bước thêm bước nữa, một phần vì thương con, một phần cũng vì muốn tự do... tung hoành. Những gương mặt son phấn, những điệu bộ gợi tình điệu nghệ của các vũ nữ, gái bao, gái gọi đã làm ông chán ngáy. Bây giờ nhìn An Hạ, lòng ông bỗng bùng lên một nỗi say mê bất ngờ, kỳ cục.
Thấy ông Thành ngẩn ra nhìn mình, An Hạ nóng bừng hai má, cô ấp úng:
--Chú đói lắm phải không? Để cháu dọn cơm...
Ông Thành khoát tay:
--Không cần đâu! Chú định mời An Hạ đi dùng bữa ở nhà hàng.
--Cháu... cháu... nấu cơm rồi.
--Thì cứ để đó, có sao chứ? Lần nào đi xa về, chú cũng cùng Trúc đi ăn tiệm hết. Hôm nay vắng nó thì có Hạ, chú không muốn thói quen của mình bị phá lệ. Là người trong nhà, lẽ nào Hạ không chiều ý... ông già một lần.
Dù bối rối vô cùng khi nghe ông Thành toàn gọi mình bằng tên, An Hạ vẫn buột miệng:
--Chú đâu có già.
Nói xong mặt cô càng đỏ hơn, ông Thành cười:
--Vậy An Hạ có đi với chú không?
Đan hai tay vào nhau, cô ngập ngừng:
--Cháu chưa bao giờ đi ăn tiệm với người lạ hết...
Ông Thành chỉ vào ngực mình:
--Chú mà là người lạ sao?
--Ý cháu không phải như vậy. Cháu... cháu...
Xua tay, ông Thành tỏ ra quyền hành:
--Không lôi thôi gì nữa cả. Chú... ra lệnh cho cháu chiều nay có bổn phận thay thế Trúc đi ăn với chú. Về phòng sửa soạn nhanh lên cô bé.
An Hạ ríu ríu nghe lời. Cô vào phòng chọn lựa, ngắm nghía mãi vẫn chưa tìm bộ quần áo nào mới để mặc mà không phải xấu hổ khi đi với người sang trọng như ông. Cuối cùng Hạ chọn chiếc áo dài màu vàng, đó là chiếc áo dài duy nhất cô có được.
Mặc vào xong, Hạ đến trước gương, nhẹ chải mái tóc đen nhánh thả ngang lưng. Tạm bằng lòng với mình, cô rụt rè bước ra.
Đang ngồi hút thuốc trên salon, ông Thành như choáng khi nhìn thấy An Hạ, ông ngẩn ngơ và không cầm được tiếng khen.
-- Đẹp quá! Màu vàng của hoa cúc.
Ông ngắm vóc dáng thanh xuân của cô gái một cách mê say. Chiếc áo dài vừa khít bó sát bộ ngực căng tròn nây nẩy của Hạ càng làm cái eo bé xíu của cô như mảnh mai hơn. Mái tóc đen dày xõa tự nhiên ôm lấy gương mặt không phấn son khiên cô đẹp kỳ lạ.
Ông Thành giật mình khi thấy lòng dâng lên niềm khát khao được ôm trọn thân hình gợi cảm ấy.
Chiều nay ông đã bỏ cô gái già nhân ngãi non vợ chồng để đi ăn với An Hạ. Vừa rồi ông định tới nhà đón cô ta đi tới sáng, nhưng bước vào bếp An Hạ đã níu chân ông lại.
Thoạt đầu ông Thành cho rằng mình lẩm cẩm, nhưng bây giờ ông thấy mình quyết định đúng.
Cô bé này tuyệt đẹp lại ngơ ngác ngây thơ như con nai vàng. Có một buổi chiều bên cô ta thì còn gì thú vị hơn. Vả lại ông có... làm gì bậy đâu mà xấu hổ khi nghĩ tới Diệp Trúc.
Đứng dậy ông Thành nói:
--An Hạ làm chú nhớ con bé Trúc. Nó chả đời nào chịu mặc áo dài. Chiều nay tà áo dài màu hoa cúc của Hạ làm chú như sống lại cả một thời trai trẻ.
An Hạ dè dặt ngồi cách ông Thành một khoảng xa. Chiếc Dream lướt thật êm trên đường chiều nhè nhẹ gió.
Quay lại, ông Thành nói trỏng:
--Coi chừng té đó, Trúc lúc nào cũng ôm lấy eo ba nó, con bé xem thế mà nhát hít.
An Hạ hơi nũng nịu:
--Nhưng chú đâu phải là ba cháu.
Ông Thành cười cười:
--Vì vậy nên giữa hai chú cháu mình là một khoảng cách phải không?
An Hạ làm thinh... không biết được nghĩ sao nếu con bé biết cô và ông Thành cùng đi ăn nhà hàng.
Ông Thành vụt hỏi:
--Hạ không có anh chị em gì hết sao?
-- Dạ.
Ông Thành thở dài:
-- Diệp Trúc cũng mồ côi mẹ, nhưng so ra Hạ còn bất hạnh hơn nó. Chú cưng chiều quá nên Trúc rất cao ngạo, muốn gì phải được nấy. Nay có Hạ kế bên, chú hy vọng nó học được nhiều điều hay ở Hạ.
--Cháu nhiều khuyết điểm lắm, chính cháu phải học hỏi Diệp Trúc mới đúng.
Ông Thành cho xe vào cổng một nhà hàng sang trọng. Đứng chờ ông gởi xe, An Hạ nhìn vu vơ, khung cảnh nơi đây quả là xa lạ đối với một cô gái vừa từ quê lên thành phố như cô.
Đến bên An Hạ, ông Thành tự nhiên choàng tay ôm vai dìu cô lên tam cấp, thái độ của ông làm Hạ mắc cỡ vô cùng nhưng không biết phản ứng ra sao cho thích hợp. Liếc mắt nhìn quanh Hạ thấy những người ra vào chả ra để ý đến cô, họ thản nhiên nắm tay hoặc tựa hẳn vào nhau rất thân mật, nên cô cũng để mặc ông Thành dìu mình đi.
Lòng đang rộn ràng lẫn bâng khuâng trước khung cảnh mới mẻ. An Hạ nghe giọng ông Thành ngọt ngào:
--Có thích chỗ này không?
Cô trả lời như máy:
-- Dạ thích.
--Vậy mà Diệp Trúc lại không, nó thích nơi có nhạc sống ồn ào để ăn xong rồi còn nhảy.
An Hạ tò mò:
--Chú có thích nhảy như Trúc không?
Ông Thành hơi ngã đầu vào tóc cô, giọng thật khẽ:
--Có chứ! Khiêu vũ làm người ta trẻ trung và yêu đời hơn. Hạ có thích không?
-- Dạ cháu không biết nhảy.
--Bảo Diệp Trúc chỉ cho. Đâu có gì khó thời buổi này ra làm ăn, giao tiếp mà không nhảy đâu có được. Đi làm ở chỗ Trí, cần học hỏi thêm nhiều điều cho việc xã giao, mà người ngoại quốc đâu giống như chúng ta. Dù trẻ đẹp, có vóc dáng lý tưởng như Hạ mà nhút nhát rụt rè quá cũng khó thành công.
An Hạ gật đầu như đã nghe hết những lời ông nói, nhưng thật ra cô chỉ nghe tiếng mất tiếng còn vì quá... khớp.
Ông Thành kéo ghế cho cô ngồi. Căn phòng nhỏ chỉ dành riêng cho hai người nhìn xuống bờ sông. Ánh hoàng hôn sắp tắt đang cố rực lên chút ánh sáng cuối cùng làm Hạ bàng hoàng khi nghĩ lại thêm một ngày nữa đã trôi qua.
Giọng ông Thành xa xôi:
--Chiều tà đẹp quá phải không? Những người có tuổi như chú rất sợ buổi chiều. Nó giống như đời người, mới bình minh đó, hoàng hôn đã về. Chẳng mấy chốc người ta già đi. Tuổi trẻ thật tuyệt vời, thật dễ yêu. Cám ơn An Hạ đã đi với chú, buổi chiều nay không lẻ loi cô đơn với người vốn đơn độc lẻ loi từ lâu.
An Hạ chớp mi:
--Chú nói nghe hay quá! Và cũng buồn quá! Diệp Trúc có người cha như chú thật là hạnh phúc.
Ông Thành nhìn cô đăm đăm:
--Chú hứa sẽ đối xử với cháu y như với Diệp Trúc.
Đỡ lấy thực đơn trên tay người bồi, ông cất giọng sảng khoái:
-- Để chú chọn món ăn hộ An Hạ nhé?
Không cần biết Hạ đồng ý không, ông dặn dò người bồi rồi quay lại mỉm cười:
--Thức ăn ở đây ngon lắm, bao giờ Trúc về, chú sẽ đưa hai đứa tới thường xuyên.
An Hạ kêu lên:
--Như vậy tốn kém lắm.
--Tiền bạc đâu thành vấn đề, quan trọng là niềm vui. Bỏ tiền ra để con gái mình được vui, chú không bao giờ tiếc.
Nghe cách nói của ông, An Hạ thầm ngưỡng mộ Diệp Trúc thật có phước, cô buồn nghĩ tới phận mình.
Dường như đoán được tâm trạng của cô, ông Thành vỗ nhẹ lên tay cô:
-- Đang nghĩ về mình phải không? Mỗi người có số phận riêng. Số Hạ không phải khổ đâu.
Cô ngây thơ hỏi:
--Sao chú biết?
Ông Thành cười:
--Chú xem tướng được mà.
An Hạ phụng phịu:
--Chú lại trêu cháu rồi.
Ông Thành thân mật:
-- Đã có người yêu chưa?
An Hạ đỏ mặt lắc đầu. Cô cắn môi nhìn ra sông, nơi giữa dòng có một con đò nhỏ đang cố vượt ngang. Cô có giống chiếc thuyền đơn độc kia không, khi giữa mênh mông cuộc đời này chưa có một bến đỗ nào dành cho cô cả.