Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng

Trước khi kể về cuộc gặp cuối cùng của tôi với lãnh đạo các cường quốc lớn hùng mạnh nhất thế giới, tôi muốn có vài lời về “chiến tranh lạnh” mới kết thúc như thế nào. Ngày 20 tháng 6 năm 1999 ở Cologne, Cộng hoà Liên bang Đức đã diễn ra cuộc gặp cấp cao G-8 được chờ đợi từ lâu, trong đó Nga đã trở lại tham gia.
Chiến tranh ở Nam Tư vừa kết thúc. Tình hình đặc biệt căng thẳng.
Tôi ở lại nước Đức vẻn vẹn bảy tiếng đồng hồ. Chuyến đi này về thực chất cần chỉ để nói có một câu: “Sau trận chiến chúng ta cần hoà giải”.
Có thể nói, tất cả các báo, các kênh truyền hình toàn thế giới không ngoại trừ nước nào đã nhắc lại lời tôi.
Đây là sự thay đổi triệt để lập trường của Matxcơva trong quan hệ quốc tế. Mới đây không lâu các nhà ngoại giao của ta do các sự kiện ở Nam Tư đã có những quyết định rất cứng rắn, tựa hồ chuẩn bị dư luận cả ở Nga và nước ngoài cho sự đối đầu lâu dài và căng thẳng.
Cần khẩn trương trở lại diễn đàn ngoại giao quốc tế, khẩn cấp áp dụng một biện pháp nào đó.
Tại Cologne chúng ta đã đi bước trước quan hệ với phương Tây sau cuộc khủng hoảng Nam Tư.
Tony Blair trong buổi hợp báo về kết quả Hội nghị đã nói:
- Giữa chúng ta có những phương thức khác nhau về giải quyết vấn đề Kosovo. Nhưng khi chúng ta lại ngồi cùng nhau là tốt. Nguyện vọng làm cho các nước ở Ban-căng thoát khỏi các cuộc xung đột sắc tộc đoàn kết chúng ta.
Nước Nga khẳng định vị thế một đối tác chính trị bình đẳng mà thiếu Nga thì việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới và giải quyết các vấn đề quan trọng đều trở nên vô nghĩa. Đặc biệt là các vấn đề của châu Âu. Trong tuyên bố của mình, nguyên thủ các nước đều cố gắng nhấn mạnh rằng câu lạc bộ này gồm không phải bảy mà là tám thành viên bình đẳng.
Nguyên nhân của nỗi vui mừng chân thật này có thể giải thích thật đơn giản: nước Nga tạo cho NATO khả năng rút khỏi cuộc xung đột trong danh dự và sau đó nước Nga lại kiên quyết phản đối phục hồi “chiến tranh lạnh”. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau hai mươi năm trong quan hệ giữa phương Tây và nước Nga (người ta thậm chí so sánh nó với cuộc khủng hoảng tên lửa Vịnh Caribe) đã được giải quyết làm mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chính là ở Hội nghị Cologne người ta nghe thấy tiếng thở phào này.
Rời Hội nghị ở Đức về, cùng với cảm giác nhẹ nhõm và cảm giác hoàn thành nghĩa vụ tôi lại lo lắng. Đối đầu thì dễ, rút khỏi tình trạng đối đầu mới khó. Trên thế giới trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Nam Tư đã tích tụ quá nhiều suy nghĩ tiêu cực đối với lập trường tự chủ và độc lập của nước Nga. Sớm hay muộn gì người ta cũng cho chúng ta biết.
Khi bắt đầu chiến dịch ở Chesnia tôi liền hiểu ngay: đây mới là “thời điểm đích thực” cho quan hệ của chúng ta với phương Tây. Từ bây giờ người ta mới ép chúng ta thực sự đây. Vừa từ Hội nghị quốc tế Oslo trở về, nơi đề tài Chesnia được đưa ra bàn rất sôi nổi, Putin kể cho tôi nghe một chuyện thật khôi hài. Khi chia tay, Clinton bảo Putin:
- Hẹn gặp lại ở Stambul, Vladimir!
- Không, tôi sẽ không gặp ông ở Stambul, - Putin lưu ý. - Boris Nicolaevich sẽ sang đó”.
- Trời đất, còn thế nữa cơ à! - Clinton hai tay giơ lên đầu.
Putin kể cho tôi nghe chuyện đó rồi cười và nhìn tôi với ánh mắt thăm dò. Đúng, tại Stambul chúng ta sẽ có những giờ phút căng thẳng. Liệu tôi đã sẵn sàng cả về tinh thần và thể lực chưa nhỉ?
Trong mọi trường hợp thì Putin cũng cứ chuẩn bị. Nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu: chỉ có tôi đi mới được. Bill Chnton rất không muốn gặp tôi ở Stambul. Các nước phương Tây đã chuẩn bị các tuyên bố cực kỳ cứng rắn, gay gắt về Chesnia. Mọi người quá hiểu điều này. Về thực chất, sắp bắt đầu một giai đoạn mới cô lập nước Nga. Phải phá tan, phải ngăn cản mưu đồ này bằng bất cứ giá nào.
Tôi dần dần chuẩn bị cho Hội nghị Stambul, luôn luôn nghĩ về nó. Tôi hình dung phòng họp, các khuôn mặt, không khí Hội nghị. Tất cả đều quen thuộc cho nên cũng dễ hình dung. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là chuẩn bị phát biểu. Công việc tiếp tục mãi đến phút cuối cùng. Lấy chuyến đi Stambul làm ví dụ tôi giới thiệu với bạn đọc là chuẩn bị diễn văn cho Tổng thống trong các chuyến đi phải như thế nào. Tôi biết bài phát biểu tại Hội nghị này sẽ phải khô khan, cứng rắn tới mức tối đa. Nhưng yêu cầu tổng quát là một vấn đề, từ ngữ cụ thể lại là chuyện khác. Tôi thường không câu nệ vào văn bản và không bị giới hạn bởi những gì viết ra trên giấy. Lần này cũng vậy.
Bản dự thảo lần thứ nhất tôi sửa be bét và thêm vào đó những lời lẽ diễn đạt cứng rắn, kiên quyết nhất. Bản dự thảo đã chính lý lời lẽ vẫn trau truốt, mượt mà. Các cố vấn đối ngoại sợ đối đầu căng thẳng với các đối tác phương Tây. Đọc qua bản thảo này, giữa đêm tôi gọi điện cho Volosin: “Thế nào Alexandr Stalevich, các anh nhạo báng tôi đấy à?” Tôi doạ đuổi việc hết. Tuy nhiên, cũng thầm nghĩ: các trợ lý cũng có lẽ phải của họ. Không nên vung roi vội. Giọng điệu phải sắc lạnh, kiên quyết, nhưng không đe doạ. Đó phải là lập trường khôn ngoan, hợp lý, lạnh lùng, không có chỗ cho cảm xúc uỷ mị.
Lập trường của chúng ta về Chesnia thật là đơn giản. Chúng ta cứu thế giới khỏi tai hoạ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chúng ta cứu nước Nga khỏi mối đe doạ sụp đổ và tan vỡ. Ba ngày trước chuyến bay tôi nói với Putin:
- Vladimir Vladimirovich, tôi sẽ đi.
Trên máy bay tôi tiếp tục sửa bài phát biểu.
Tôi biết có nhiều điều phụ thuộc vào bài phát biểu này nhưng không phải là tất cả. Kinh nghiệm tiếp xúc với Clinton cho thấy ông ta là người cởi mở, sôi nổi. Nhưng khi cần có thể lạnh lùng, khô khan. Nói chung bầu không khí tiếp xúc có ảnh hưởng rất lớn đến Clinton.
Một lần nữa tôi thêm vào bài phát biểu câu văn viết tay “không một ai có quyền phê phán chúng tôi về vấn đề Chesnia”.
Tôi giao văn bản cho Igor Ivanov và trợ lý về pháp lý Sergei Prikhodko để hoàn chỉnh lại. Một lúc sau họ quay lại, cùng nhau thuyết phục tôi rằng nói như thế không được. Tôi nhận lại văn bản, đọc lại một lần nữa: “Các anh đi đi. Tôi sẽ suy nghĩ”. Sáng hôm sau tôi đọc lại lần nữa và câu trên vẫn giữ nguyên. Đành phải đọc bài phát biểu có thêm câu bổ sung viết tay. Clinton đã linh cảm thấy tôi sẽ kiên quyết ngay từ những giây đầu tiên. Ông ta vào phòng “không đúng cửa” theo quy định của lễ tân mà đi dọc phòng lớn dài cả một trăm mét, bắt tay chào hỏi tất cả mọi người, nở nụ cười, cố ý cho mọi người thấy ai là ông chủ trong phòng họp này. Tôi trỏ tay vào đồng hồ bảo ông ta: “Anh đến muộn đấy nhé, Bill!” ông ta cười, thế là dịu bớt.
Gần như bằng xúc giác cũng cảm thấy cả căn phòng rộng lớn tựa hồ bị phủ đầy những mảnh vỡ của sự nghi ngờ, không tin cậy, không hiểu nhau. Tôi bắt đầu đọc diễn văn, nhấn mạnh tối đa vào từng chữ một. Tôi hiểu rằng, từng câu chữ đều trúng đích.
Những khuôn mặt người sống đang nhìn tôi, một số thì lên án, kết tội, những người khác thì thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn của mình. Chirac và Shroeder ngồi nghe với bộ mặt nặng trĩu. Đòn tấn công này rõ ràng là họ không ngờ tới.
Cả Đức và Pháp đều theo đuổi lập trường cứng rắn hơn cả trong vấn đề Chesnia. Tôi hiểu cả hai vị này buộc phải bơi theo luồng lạch của dư luận xã hội trong nước mình. Sau hội nghị, Chirac đến chỗ tôi nói rằng rất muốn nói chuyện tay ba: tôi, ông ta và Shroeder, dẫu trong nửa tiếng. Đây là cơ hội cuối cùng của họ nhằm dạt được nhượng bộ nào đó của nước Nga. “Không - Tôi trả lời dứt khoát - Chúng ta còn thời gian”.
Nghị quyết chung của cuộc gặp ở Stambul không bỏ qua vấn đề Chesnia, nhưng điều cơ bản là trong tuyên bố không có sự phê phán gay gắt lập trường của chúng ta và hành động của chúng ta ở Chesnia, như dự định từ trước. Chirac lúc ký tỏ ra gượng gạo. Tôi từ chối luôn cả cuộc gặp năm phút với ông ta.
Tôi cho rằng chưa phải lúc. Cứ để ông ta suy nghĩ về thái độ của mình.
Đó thực là một thắng lợi.
Một thắng lợi quốc tế quan trọng của nước Nga.
Từ Stambul bay về trong lòng tôi xốn xang một cảm giác nước đôi. Một mặt, niềm hân hoan lớn lao do đã hoàn thành một công việc. Do tự tôi làm. Mặt khác, có cái gì đó trống trải, một nỗi buồn. Cuộc gặp cấp cao này chắc là cuộc gặp cuối cùng. Đã kết thúc rồi thập kỷ của tôi, thập kỷ Yeltsin trong nền chính trị quốc tế.
Trong thập kỷ này các quan hệ đối ngoại của đất nước đã hoàn toàn tin cậy, chặt chẽ, được củng cố bằng các quan hệ cá nhân.
Tôi đã đưa vào nền ngoại giao một thuật ngữ mới: thế giới đa cực. Các quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, với các quốc gia châu Á khác được nâng lên một tầm cao mới. Đặc biệt tôi sung sướng vì đã xây dựng được quan hệ với các bạn Trung Hoa của chúng ta ở mức tin cậy rất cao.
Mặt khác, sự kiện của năm cuối cùng, năm 1999 ở Nam Tư và Kapcaz đã đẩy quan hệ giữa Nga với phương Tây sang một hưởng mà chúng ta không mong muốn. Đáng tiếc đó là thực tế, biết làm sao được.
Dẫu sao các quan hệ của chúng ta (với phương Tây) những năm qua cũng đã trở nên khác hẳn về nguyên tắc. Chúng ta không định ganh đua về ưu thế quân sự. Chúng ta sẽ không duy trì lực lượng lớn quân đội bên ngoài lãnh thổ của nước Nga. Không xây dựng nền ngoại giao của mình dựa trên sức mạnh.
Nước Nga dần trở thành một bộ phận của châu Âu thống nhất. Mọi lĩnh vực đều nói lên điều này: chính trị, kinh tế, cuộc sống thường nhật của mọi người. Chúng ta ngày nay đã là một bộ phận cấu thành của thị trường chung châu Âu, ngôi nhà chung châu Âu. Chúng ta lệ thuộc vào bầu không khí của nó, sống trong đó. Tất cả hoàn toàn khác so với mười năm trước đây.
Nhưng quá trình này cũng có những mặt tiêu cực rất nghiêm trọng. Chúng có ở nước Nga chúng ta, có ở Hoa Kỳ, có ở châu Âu. Chiến lược Bắc Đại Tây Dương của NATO nghĩa là biến khối này thành công cụ gây sức ép chính trị không đếm xỉa gì đến lợi ích dân tộc của nước Nga.
Giải quyết vấn đề này có thể theo các cách khác nhau. Có thể liên kết với NATO, gia nhập khối này, tham gia vào nền an ninh châu Âu với tư cách một đối tác bình đẳng. Nhưng NATO đâu có chờ đợi chúng ta. Trong thời gian trước mắt con đường này không có mấy khả năng trở thành hiện thực. Con đường thứ hai là xây dựng hệ thống phòng thủ mới hùng mạnh. Đã thực hiện trong phạm vi biên giới nước ta. Trong tương lai là các căn cứ quân sự của các nước SNG mà ta sẽ phải thuê. Nhưng có một vấn đề nghiêm túc là lập trường và thái độ của các nước Cộng hoà Xô-viết cũ. Người ta đang cố tách các nước này ra khỏi nước Nga và ảnh hưởng của Nga bằng bất cứ giá nào, kể cả với sự trợ giúp của các quan hệ đặc biệt với các nước NATO. Hơn nữa hàng triệu công dân các nước này đang sống và làm việc ở nước Nga. Kinh tế của các nước láng giềng dựa vào nguồn dinh dưỡng cố định của Nga là thị trường hàng hoá, năng lượng, nhiên liệu, những ưu đãi về thuế và thuế quan. Một thái độ hai mặt như vậy trong quan hệ với chúng ta là không chấp nhận được.
Có thể, hai phương án trên sẽ không loại trừ lẫn nhau.
Nhưng tìm kiếm con đường đi đúng của mình chỉ có thể bằng đối thoại chính trị thường xuyên chứ không thể bằng cô lập. Cô lập là thứ không được để xảy ra trong bất cứ trường hợp nào. Tôi rút trong túi áo ngực tờ giấy ghi bài diễn văn giờ chẳng còn cần thiết nữa. Máy bay hạ độ cao, hướng về sân bay Vnukovo. Thế là hết.
Hết rồi. Quả có hơi buồn.
Nhưng tôi tin rằng Putin không đánh mất vật định hướng chủ yếu của nước Nga: tính độc nhất vô nhị của vai trò một nước lớn trên thế giới và cùng với nó là sự hoà nhập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế.
Có Chúa chứng giám, tôi không khi nào để mất vật định hướng này.