Đồng chí tổng công tố

Tôi thậm chí không muốn bắt đầu viết chương này.
Không một ai và không khi nào có thể bắt buộc tôi làm theo ý người khác, “theo luật chơi của người khác”. Vậy mà Yuri Skuratov đã lôi kéo được cả tôi, cả Hội đồng Liên bang và cả đất nước ta vào một vụ scandal nhỏ nhen bẩn thỉu của anh ta.
“Ngài công tố hiền lành” đã biết cách phô bày ra trước bàn dân thiên hạ sự xấu hổ và nhục nhã riêng của mình và làm như đó không phải là nỗi xấu hổ của anh ta.
Dẫu sao cũng cần phải nói về anh ta.
Người ta bảo rằng nước Nga thật bất hạnh với những vị tổng công tố. Stepankov, Cazannic, Iliusenko - đó là mấy người tiền nhiệm của Skuratov: Skuratov lui vào quên lãng trong bóng đen của những sự kiện năm 1993. Cazannic thì phóng thích trước thời hạn những kẻ tổ chức cuộc chính biến rồi mất chức với bao ồn ào rùm beng. Còn Iliusenko thì bị tống vào nhà tù Lefortovo theo sáng kiến của những người kế nhiệm anh ta, Skuratov. Mỗi vị tổng công tố ra đi với những vụ bê bối khác nhau. Mỗi vị đều để lại một mớ những vụ án chưa được khám phá.
Tuy nhiên phải chăng chỉ có nước Nga chịu bất hạnh? ở đâu mà chả có những vị công tố trung thực và những vị công tố thiếu trung thực. Những thằng ngu mặc bộ đồ chưởng lý và những con người bình thường. Nhưng ở nước ta, nơi cả hệ thống các quan hệ trong xã hội đã bị huỷ hoại nặng nề thì lại xuất hiện mảnh đất tốt cho việc lôi kéo các ngài công tố vào nền chính trị. Cũng trên cái nền này (tuy hoàn toàn khác nhau) mà cả ba ông công tố trước đều “cháy trụi”.
Về thực chất,Tổng công tố là một công chức Nhà nước thuần tuý. Không ai đòi hỏi anh ta phải có một nhãn quan chính trị. Hơn nữa phẩm chất dương nhiên này có thể phút chốc biến thành một khiếm khuyết trên cương vị công tố uỷ viên.
Nhiệm vụ của uỷ viên công tố là phải trở thành kẻ thù của mọi hành động vi phạm pháp chế.
Thời gian đầu mới đề bạt Skuratov, tôi có cảm giác đã tìm được người cần tìm. Tôi gặp anh ta thường xuyên. Yuri Ilich thông báo cho tôi về quá trình điều tra những trọng án lớn nhất về giết người: nhà truyền giáo Alexandr Menhi, người dẫn chương trình truyền hình Vlad Lischiev, nhà báo Dmitri Kholodov, nhà doanh nghiệp Van Kivilidi. Tôi rất sốt ruột vì đã mấy năm mà các vụ án này chưa phá xong. Tôi cũng đã mấy lần nhắc Skuratov về việc này.
Với một giọng nói nhỏ nhẹ, vô hồn anh ta luôn luôn giải thích: các cuộc điều tra đang được tiến hành, phạm vi các đối tượng nghi vấn đã được xác định,đang kiến giải giả thuyết này giả thuyết. khác...
Nhưng tôi thấy trên thực tế chả có gì xảy ra. Sự đơn điệu bất tận của những lời bao biện của Skuratov trở thành nỗi bực mình ngày càng lớn.
Một phẩm chất khác của Skuratov gây cho người ta niềm lạc quan trong buổi đầu là tính phi chính trị có chủ ý của anh ta. Nhưng, như mọi người đã biết, xuất hiện “lãnh tụ tinh thần” của Tổng công tố- đó là đại biểu Đại biểu Duma Quốc gia Victor Iliukhin. Chính cái ông Iliukhin, kẻ đã từng khởi tố hình sự Mikhail Gorbachov theo điều “phản bội Tổ quốc”, khởi tố tôi về tội “diệt chủng dân tộc Nga”. Iliukhin - tác giả mọi dự án luật về việc Yeltsin đã mất quyền lãnh đạo đất nước. Cũng chính đại biểu Duma này, như báo chí đã viết, đã có thời gian làm việc trong hệ thống công tố uỷ viên theo đường KGB, hay lui tới mọi cánh cửa, kể cả cửa vào phòng Tổng công tố. Đó, thực chất chàng Skuratov phi chính trị của anh!
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao lại thế. Yuri Skuratov, bên cạnh những phẩm chất không thể thay thế được đối với một uỷ viên công tố - ý thức thừa hành, trí nhớ tuyệt vời, tính kiên trì - đã không có được cái quan trọng nhất - tính cách đàn ông, tự tin vào bản thân,vào sức mình và trong một nghĩa nào đó chỉ là một sự trống rỗng. Cần cấp tốc lấp lỗ trống này bằng một nội dung sáng sủa và thời sự. Và vừa hay là có Iliukhin.
Tôi hiểu là Skuratov chịu ảnh hưởng của những ai mách bảo anh ta con đường dễ dàng nhất, con đường của những vụ án chính trị ồn ào nhất.
Trong số các chủ nhà băng và doanh nghiệp có những người bằng cách này hay cách khác có trực tiếp tham gia vào số phận của Yuri Skuratov. Sau này mới rõ ra đó là “những người bạn hiểu khá sâu bản chất nhu nhược của ngài Tổng công tố”. Người đầu tiên biết cuộn phim khiêu dâm có sự tham gia của Tổng công tố lại là Nicolai Bordiuza. Là một người lính, một sĩ quan biên phòng chân chính, không chịu nổi sự trác táng dưới mọi hình thức, Bordiuza thực sự bị sốc.Nhưng tạm thời ông Chánh văn phòng phủ Tổng thống quyết định chưa cho tôi biết cái tin kinh tởm này. Khi gặp Skuratov, Bordiuza lạnh lùng bảo anh ta: trong hoàn cảnh này khỏi phải suy nghĩ gì nhiều.
Skuratov nhẫn nhục viết đơn xin miễn nhiệm:
“Boris Nicolaievich vô cùng kính mến!
Do khối lượng công việc nặng nề, thời gian gần đây tình trạng sức khoẻ của tôi suy sụp khá nặng (đau đầu, đau vùng tim,v.v...) vì vậy tôi đề nghị ngài đưa ra Hội đồng Liên bang xem xét vấn đề miễn nhiệm chức vụ Tổng công tố tôi đang đảm nhận. Đề nghị xem xét giao cho tôi công việc đỡ nặng hơn.
Ngày 01 tháng 02 năm 1994”.
Nhưng đến sáng hôm sau anh ta lại đến gặp Bordiuza và đề nghị không được để lộ cuộn phim: “Chúng ta hãy quên nó đi. Các anh coi như không biết gì. Còn tôi sẵn sàng làm mọi việc theo yêu cầu của anh”.
Bordiuza trả lời: “Thứ nhất, đơn từ chức của anh nay đã đặt trên bàn chờ quyết định của Tổng thống. Thứ hai, nếu anh là một người bình thường thì cần phải hiểu rằng, một khi đã có một bản sao tức là đã có năm chục bản khác”.
Đến lúc đó Skuratov quay ra van lạy, xin xỏ. Một tháng sau bỗng dưng thay đổi hoàn toàn thái độ “băng hình làm giả, người trong phim không phải tôi”.
Không phải mỗi người dễ dàng chịu đựng điều nhục nhã ấy. Skuratov đổ bệnh và quả thật phải vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương. Cuộc họp của Hội đồng Liên bang xét phê chuẩn việc cách chức Skuratov dự tính vào ngày 17 tháng Ba.
Đêm 16 sang ngày 17 tháng Ba, Vô tuyến truyền hình Nga trên kênh 1 truyền trích đoạn băng hình trong đó “có người đàn ông giống ngài Tổng công tố đang làm trò đồi bại với các gái bán hoa trong một nhà tắm hơi”.
Sáng hôm sau, 17 tháng Ba, các vị Thượng nghị sĩ gần như nhất trí biểu quyết bác bỏ việc cách chức Skuratov. Độ nóng nảy của cuộc đấu tranh chính trị đã đạt tới tột đỉnh.
Igor Stroev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang trong cuộc trả lời phỏng vấn đã nói đại khái: “Thảo luận gì ở đây? Một con người đang chịu bất hạnh đấy thôi!”
Cho đến tận khi có cuộc bỏ phiếu bê bối về vụ Skuratov tôi không biết một tí gì về cuộn phim khiêu dâm nọ. Cả Nicolai Bordiuza lẫn các trợ lý khác đều không ai nói gì với tôi về cuộn phim hay cuốn băng hình. Khi đọc đơn của Skuratov xin từ chức vì lý do sức khỏe, nói thật tôi thấy nhẹ cả người. Một Tổng công tố yếu kém, vô vị tự rút lui. Không cần bắt buộc, không phải tốn công sức.
Các sự kiện ở Hội đồng Liên bang nổ ra như sét giữa trời quang.
Tôi cho gọi Skuratov, Primakov và Putin đến để làm rõ sự việc một cách dứt khoát.
Trên bàn làm việc của tôi có chiếc cặp đựng bức ảnh in ra từ cái băng hình kia, các kết quả giám định, tài liệu của cuộc họp của thượng viện về việc cách chức Skuratov. Trong các tài liệu giám định nêu rõ kết quả phân tích giọng nói và hình ảnh trong phim cho thấy người trong đó đúng là ngài Tổng công tố. Mớ ảnh tôi không xem, tôi gạt ra xa khỏi chỗ mình.
Trong lần gặp này, Skuratov lần đầu tiên nói về vụ án hình sự “Mabetex”, rằng anh ta bị săn lùng do đã khởi tố vụ án về đưa hối lộ mà công ty này đút lót cho Borodin, Cục trưởng Cục Quản trị thuộc bộ máy của Tổng thống và các quan chức khác. Sau đó anh ta còn nói một câu kỳ cục thế này:
- Boris Nicolaevich, nếu Ngài để tôi lại làm Tổng công tố thì Ngài khỏi phải lo lắng gì về vụ “Mabetex”, vụ đó nằm trong tầm kiểm soát của tôi.
- Vụ đó liên quan gì ở đây? Cần điều tra thì cứ điều tra. Hãy làm tất cả những gì các anh cho là cần thiết. Chúng ta bây giờ đang nói đến một việc hoàn toàn khác. Yuri Ilich, sau những việc xảy ra với anh: tôi cho rằng anh không thể tiếp tục làm Tổng công tố được nữa. Tôi không rầy la, không cãi cọ và cũng không an ủi anh đâu. Anh hãy viết đơn đi. Tôi không tiếp tục làm việc với anh nữa đâu!
Skuratov im lặng, nhưng không được lâu. Anh ta nói, anh ta cho rằng những quan hệ không bình thường như vậy là bất lợi cho công việc. Rằng anh ta muốn hoạt động trong đội hình của Tổng thống. Lại nói mãi về vụ án “Mabetex”. Nói, nếu người khác lên làm Tổng công tố sẽ khó mà giải quyết êm thấm cược vụ án phức tạp này. Sau đó, để cầu cứu sự trợ giúp, anh ta quay sang Primakov:
- Evgeni Macximovich, Ngài nói với Boris Nicolaevich đỡ tôi đi chứ!
Tôi chờ xem Primakov trả lời ra sao.
Primakov im lặng khá lâu, sau đó cất tiếng:
- Nếu như Boris Nicolaevich bảo rằng không muốn làm việc với tôi nữa, tôi sẽ ra đi không ngoảnh lại. Anh cần phải rút lui đi, Yuri Ilich.
Bất ngờ Skuratov độp luôn:
- Còn Ngài, Evgeni Macximovich, Ngài đã phản bội tôi.
Có một cảm giác thật ghê tởm, đê tiện trước việc Skuratov công khai mặc cả một vụ án hình sự.
Tất cả con người anh ta lúc ấy toát lên một ý: Tôi sẽ là người của Ngài, tôi sẵn sàng làm tất cả. Miễn là để tôi ở lại làm việc. Tôi đã phải nhắc lại mấy lần: “Yuri Ilich, Tôi sẽ không làm việc với anh nữa. Đây, anh viết đơn đi”. Tôi cầm lấy cây bút, tờ giấy đẩy về phía anh ta.
Niềm tin rằng chúng tôi đã hành động đúng khi sa thải anh ta cứ lớn trong tôi từng phút một. Một vị công tố như thế không chỉ yếu kém và tù mù mà lại cực kỳ nguy hiểm nếu cứ để ngồi trên ghế cầm cân công lý. Bất kỳ một tên tội phạm nào, một kẻ hoạt đầu chính trị nào cũng có thể sử dụng những cuốn phim, băng hình vào mục đích vụ lợi. Mà sự việc đâu chỉ dừng lại ở mấy cuốn phim. Còn những dịch vụ gì và những ai đã bị con người nham hiểm này lợi dụng.
Ngay trong ngày hôm đó, Skuratov viết một đơn nữa xin từ chức: “Sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc họp vừa qua của Hội đồng Liên bang, tôi muốn trước tiên xin cảm ơn về những đánh giá đối với công việc của tôi. Tuy nhiên xét hoàn cảnh công việc hiện tại cũng như bầu không khí tâm lý, đạo đức quanh mình, tôi đã quyết định xin từ nhiệm...“
Chính vào lúc đó, ngày 17 tháng Ba đã bắt đầu những ngày tháng đấu tranh khốc liệt mà trung tâm cuộc đấu tranh lại là Skuratov. Nhưng bấy giờ còn chưa ai biết gì. Tôi có cảm giác mọi cái đều rõ như hai với hai là bốn, một ông Tổng công tố như vậy đơn giản là không xứng đáng với chức vụ cao cả đó. Nhưng các ông nghị của nước Nga lại tính toán khác: Skuratov là công cụ quý báu trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng chính trị của họ.
Cần nhìn nhận Skuratov cho đúng. Trong cái tháng nằm trong bệnh viện, mặc tất cả đau đởn “ở đầu và vùng tim” ngài Tổng công tố không hề để lãng phí thời gian đã khẩn trương thu vén, tập hợp mọi vụ án ít nhiều liên quan đến chính trị. Đến hôm nay chỉ còn nghe thấy một trong số các vụ đó là vụ sửa chữa Điện Kremli. Nhưng lúc đó Skuratov đã tha lôi đến Hội đồng Liên bang một đống cho thượng viện tha hồ lựa chọn: Nào là vụ bổ nhiệm phi pháp Chubais làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng nhiên liệu thống nhất Nga EEC, nào là vụ những kẻ phải chịu trách nhiệm về sự kiện ngày 17 tháng 8 năm 1998 phá giá đồng rúp, hoàn trả nợ nước ngoài, châm ngòi khủng hoảnh kinh tế tài chính năm 1998, nào bức thư “Về các biện pháp thu hồi nguồn tài chính quốc gia bị gửi trái phép ở nước ngoài”, nào vụ lạm dụng ở Ngân hàng Trung ương. Như sau này mọi người đã rõ, tất cả những vụ án “chấn động” này chẳng đáng lấy một đồng xu mẻ.
Bây giờ tôi nhận ra trước mặt mình không phải một con người thất trận, bị làm nhục, lầm đường lạc lối mà là một con người rắp tâm chọn lựa và định vị rất rõ trên chính trường. Luôn cố gắng và kiên nhẫn, bằng hành động khó nhận thấy của mình, anh ta hết sức tự giác làm lợi cho các đồng minh mới. Trước anh ta không ai có thể đẩy Tổng thống ra đối đầu với Hội đồng Liên bang. Skuratov đã làm được việc đó.
Tại Hội đồng Liên bang, Skuratov được Yuri Luzkov đảm bảo một sự ủng hộ.
Chính đây là điều làm tôi lúc đó lo lắng nhất. Sau cuộc gặp đáng nhớ ngày 18 tháng Ba ấy, thái độ của tôi đối với Skuratov trở nên hết sức rõ ràng. Tôi không có quyền chịu đựng anh ta trên cương vị Tổng công tố nữa. Nhưng thái độ của Luzkov tại Hội đồng Liên bang, các phát biểu của Luzkov bảo vệ Skuratov đối với tôi là một phát hiện mới không mấy dễ chịu. Nếu nói thực thì đây là một phát hiện không chỉ theo ý nghĩa chính trị.
Đúng, tôi biết rằng Yuri Luzkov sẵn sàng làm nhiều việc để thoả mãn những tham vọng của mình. Mùa thu năm ngoái, khi tôi cách chức Kirienko, giới thiệu Chernomưrdin trở lại làm Thủ tướng và hai lần Hạ viện đã bác bỏ thì Luzkov quay ra tấn công trực diện vào Tổng thống. Những cú đòn của ông ta có thể biện minh bằng ước muốn cháy bỏng chiếm chiếc ghế Thủ tướng.
Hôm nay Luzkov lao ra cứu Skuratov, tại sao vậy?
Là một ông chủ gia đình mẫu mực, một người chồng và người cha điển hình, Luzkov không thể không biết câu chuyện xấu xa về ngài công tố trở nên khá ố thế nào trước con mắt xã hội. Việc đánh giá nó cho nghiêm khắc về mặt đạo đức là cần thiết như thế nào.
Với tư cách là người lãnh đạo một thành phố lớn, Luzkov không thể không hiểu rằng sự trong sạch của ngài công tố quan trọng đến nhường nào, sẽ nguy hiểm biết bao cho xã hội khi một người bảo vệ luật pháp có những quyền hành rộng lớn như thế lại có các mối quan hệ với giới tội phạm. với tư cách một nhà hoạt động Nhà nước, Luzkov cũng hiểu những việc ông ta làm thực tế là phá hỏng trục dọc của hệ thống lãnh đạo quốc gia khi thúc đẩy Tổng thống đối đầu với các lãnh đạo địa phương, những tỉnh trưởng, thống đốc, phá vỡ tương quan quyền lực của các nhánh chính quyền. Là một nhà chính trị, Luzkov cũng hiểu rằng bảo vệ Skuratov chắc gì đã trang điểm thêm hình ảnh của ông ta trong con mắt của những người dân bình thường.
Thế nhưng ông ta vẫn cứ quyết làm.
Tôi không thể tìm được bất cứ lý do nào khác biện minh hoặc giải thích cho hành động của Yuri Mikhailovich ở Hội đồng Liên bang, trừ một điều: Luzkov muốn bằng bất cứ giá nào khuấy mạnh cuộc khủng hoảng này lên và nhảy ra lãnh đạo một bộ phận các thủ lĩnh địa phương với tư cách một trung tâm quyền lực mới. Một trung tâm bất hợp pháp, phản hiến pháp, phá vỡ thô bạo các khuôn khổ của một quá trình chính trị.
Nhưng tôi không cho phép làm điều đó. Kể cả Luzkov hay bất cứ một người nào khác, không ai có thể dồn tôi vào góc tường được. Cả cái cỗ xe song mã gồm Tổng công tố và ngài Thị trưởng Thủ đô cũng không làm gì được, dẫu câu chuyện này vô nghĩa, gây nhiều thất vọng bằng những hậu quả thối tha bẩn thỉu của nó.
Tiện thể, xin kể lại, sau này tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao kết quả bỏ phiếu ngày 17 tháng Ba lại nhất trí đến thế. Tất cả chỉ có sáu vị Thượng nghị sĩ đồng ý cách chức Skuratov.
Chả lẽ lại chỉ có một lý do là toan tính chính trị? Không, chắc hẳn phải có cái gì khác nữa.
Nói rằng các vị Thượng nghị sĩ lập tức tin vào giả thiết Yuri Ilich bất hạnh bị oan và là một “thanh tra Catanhi của Nga” thì tôi không tin.
Có những nguyên nhân khác ấu trĩ hơn.
Chắc một số người trong lúc ấy đã nghĩ về bản thân mình, nhớ về các sauna (nhà tắm hơi) và các nhà nghỉ, còn lại từ thời Xô-viết Tất nhiên không phải tất cả. Nhưng mà nhiều. Tiếc rằng con người là một thực thể yếu đuối. Sự trong sạch tinh thần và đạo đức, sự đúng mực giản dị của nhà chính trị, của công chức, của người lãnh đạo - ở nước ta tất cả những điều đó chỉ là lý tưởng.
Cuộc sống, vẫn như trước đây, còn xa với lý tưởng. Sự bất tín truyền thống của Nga cho thấy không thể sống theo các quy tắc, các luật thành ván và bất thành văn phản ánh rõ ràng, ghê tởm trong toàn bộ câu chuyện về Skuratov.
Ngày 27 tháng Ba, các điều tra viên của Viện Tổng công tố Liên bang đến khám xét Điện Kremli và phát hiện được “một mớ tài liệu” từ toà nhà số 14. Phải thành thật thừa nhận, việc này đã làm tôi thấy vui mừng. Tôi tin tưởng rằng sự doạ dẫm tố giác của Skuratov, và vụ án hình sự “Mabetex” do anh ta lập trong sự bí mật nghiêm ngạt nhất, chẳng qua chỉ là một quỷ kế vặt, một quả mìn nhạy trong một trò chơi nguy hiểm. Tôi cũng hiểu rằng mình đã đi theo con đường hoàn toàn đứng. Hãy để cho các điều tra viên và công tố viên tiếp tục công việc của mình trong phạm vi luật pháp. Đúng như Tổng thống phải thực hiện chức trách của mình - bảo vệ các lợi ích quốc gia, bất chấp mọi sự. Tôi cần phải phế bỏ tên công tố đê tiện, và tôi sẽ làm được điều đó.
Ngày 2 tháng Tư, Phó Trưởng công tố Matxcơva khởi tố vụ án hình sự trên cơ sở chứng cớ “lạm dụng trách nhiệm của Tổng công tố”.
Ngay lập tức tôi ký sắc lệnh cách chức Tổng công tố của Skuratov do yêu cầu điều tra vụ án. Sắc lệnh được chuẩn bị tuân thủ theo đúng Luật về Viện Công tố và Hiến pháp nước Nga.
Vụ án hình sự này tạm thời chưa kết thúc. (Quá trình kiểm tra các kết quả điều tra và chứng cớ tiếp theo cho thấy riêng các văn bản ghi nhận các cuộc gặp gỡ của Yuri Ilich với gái làng chơi đã không dưới bảy lần, mỗi lần đều dùng tiền của “bạn bè”, mà một số này lại liên quan đến các vụ án hình sự khác). Nhưng tôi tin rằng tới lúc nào đó cũng phải kết thúc vụ án này thôi.
Nhưng khi ấy, tháng Tư năm 1999, thái độ quyết liệt và cứng rắn của tôi đối với Skuratov không phải đã được nhiều người thông cảm, đặc biệt là ở Hội đồng Liên bang.
Các vị thống đốc địa phương ở nước Nga luôn luôn là một lực lượng chính trị to lớn. Thậm chí trong thời Xô-viết, các vị Bí thư thứ nhất khu uỷ (tự tôi có kinh nghiệm cá nhân) - đó là những người được bổ nhiệm chứ không phải do bầu cử, trong những thời điểm quyết định của lịch sử trở thành một “đa số im lặng hùng hồn“ góp phần quyết định ngoặt tay lái khi thì sang tả, lúc thì sang hữu. Việc cất chức Khrutsov xảy ra trong bối cảnh một cuộc âm mưu trong Đảng khi nhóm của Breznev đã bí mật đạt được thoả thuận với đại đa số các bí thư thứ nhất các khu uỷ. Ngay cả việc bổ nhiệm Gorbachov cũng bằng cách đó. Không một quyết định nào thuộc loại này được thông qua nếu thiếu sự đồng ý của các vị Bí thư thứ nhất. Sự thật là trường hợp bổ nhiệm Gorbachov đã diễn ra dưới hình thức các cuộc gặp hoàn toàn công khai, cởi mở trong phòng nghỉ, hành lang Cung Đại hội, trong các phòng đặc biệt và ở khách sạn. Không thể thiếu những biện pháp giữ bí mật tưởng như vô ích.
Nhân tiện cũng cần nói luôn, trong Hiến pháp mới năm 1993 của Liên bang Nga mà người ta gọi là bản Hiến pháp của Yeltsin - mặc dù có nhiều chuyên gia, luật gia, chính trị gia cũng tham gia xây dựng, soạn thảo - vai trò của các thủ lĩnh địa phương được viết rất rõ. Và lần đầu tiên, có thể là trong suốt chiều dài lịch sử cận và hiện đại, điều này được công khai hoá. Chả cần phải gặp gỡ ở Phòng nghỉ, hành lang, không cần tổ chức các cuộc gặp gỡ bí mật sau lưng các lãnh tụ.
Hội đồng Liên bang phê chuẩn mỗi một dự luật. Mỗi một quyết định quan trọng của quốc gia đều được công khai. Chúng ta đi bước này hoàn toàn có ý thức khi ghi vào Hiến pháp vai trò của Hội đồng Liên bang là người bảo vệ xã hội khỏi những xáo động, bất hoà và khủng hoảng chính trị. Duma - một thực thể bị chính trị hoá đến tột độ,đặc biệt trong thời đại hậu cộng sản, thời đại của những thay đổi sâu sắc. Hội đồng Liên bang kiềm chế tối đa, có cân nhắc về chính trị. Bởi vì mỗi một tỉnh trưởng, một thống dốc đều mang trên vai gánh nặng trách nhiệm lớn lao đối với địa phương mình.
Xung đột giữa Tổng thống với các Thống đốc là cực kỳ nguy hiểm cho đất nước.
Để xây dựng một bầu không khí hỗn loạn và chia rẽ, họ chẳng cần gì đảo chính quân sự, luận tội để phế truất Tổng thống cũng như bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Trong Hội trường có cả một trăm ông chủ của nước Nga, một trăm vị hầu tước quân vương - tôi cũng chả biết gọi họ thế nào cho chính xác hơn... Từ thời xa xưa một tập hợp như thế trong con mắt nhân dân là cả quyền lực vô biên đến mức, nếu cần, có thể tước bỏ cả ngai vàng của Sa hoàng.
Từ mùa thu năm ngoái, Yuri Luzkov đã tích cực ủng hộ đường lối của những người cộng sản đặt vấn đề về việc tôi không đủ năng lực hoạt động trên cương vị Tổng thống.
- Ở nước Nga đã thiết lập nền Cộng hoà Tổng thống, - Luzkov nói - một cơ chế đòi hỏi vai trò tích cực của Tổng thống trong công việc Nhà nước. Xã hội, Nhà nước cần nhận được câu trả lời của Tổng thống, rằng tự ông ta sẽ quyết định như thế nào vấn đề liên quan đến sức khoẻ của ông ta.
Ngày 21 tháng Tư, tại cuộc họp Hội đồng Liên bang, Yuri Luzkov đọc một bài diễn văn mới rực lửa bảo vệ luật pháp để bảo vệ Skuratov.
Nhưng bằng mắt thường, bất kỳ một người bình thường nào cũng đều thấy rõ lúc đó cũng như hiện nay Luzkov đã đặt cược và toan giật món lợi kếch xù như thế nào. Các thống đốc và tỉnh trưởng trong vụ tranh luận về Tổng công tố đã đoàn kết lại xung quanh Luzkov bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, họ rất muốn có một vị công tố của mình, một công tố dễ sai bảo. Thứ hai, quan trọng hơn, chính lúc đó họ đã nhận ra chỗ yếu trong Hiến pháp của chúng ta: bằng cuộc bỏ phiếu về việc bãi chức Tổng công tố, các lãnh tụ địa phương có trong tay một công cụ cực mạnh trong nước để gây áp lực đối với Tổng thống. Sử dụng công cụ này ra sao, tạm thời họ chưa biết, nhưng ai cũng muốn thử.
Nhận thấy điểm yếu của chính quyền hành pháp trong thời gian cuộc khủng hoảng mùa thu, các vị Thống đốc và tỉnh trưởng lại có thêm một lần kiểm tra sức bền của chính quyền này nhằm tạo dựng một ngoại hình chính trị cho nước Nga hiện đại. Tôi cho rằng việc cải cách Hội đồng Liên bang hôm nay sẽ giúp tránh được những xung đột tương tự trong tương lai giữa Tổng thống với lãnh đạo các khu vực, địa phương. Thật nguy hiểm cho đất nước khi các vị Thống đốc, những người đảm bảo sự ổn định ở các địa phương của Nga lại lao vào các gian kế chính trị.
Tôi đã gặp một số Thống đốc, đã hỏi họ về thái độ đối với vụ Skuratov. Về cơ bản họ ủng hộ lập trường của tôi, nói rằng đất nước không cần một vì công tố như vậy. Lợi dụng ảnh hưởng của mình cũng như sự lệ thuộc của nhiều địa phương yếu kém vào Matxcơva, trong các câu chuyện vận động hành lang, hậu trường, Luzkov luôn gây sức ép đòi các Thống đốc khác tham gia khởi loạn Hiến pháp, làm cuộc “phản đối công khai”.
61 trong số 178 đại biểu Hội đồng Liên bang đã bỏ phiếu đồng ý cách chức Skuratov. 79 phiếu chống. Trong số họ phần lớn là lãnh đạo các cơ quan lập pháp của địa phương. Lần bỏ phiếu trước, chắc các bạn còn nhớ, hoàn toàn là số liệu khác. Khi đó chỉ có 6 người đồng ý cách chức Skuratov.
Liệu có nhiều người trong số 79 vị bỏ phiếu phản đối thực sự tin tưởng rằng Skuratov sẽ mở chiếc cặp phù thuỷ ra, gọi tên những kẻ đặt hàng những vụ án giết người nghiêm trọng từng ồn ào bấy nay? Tôi cho rằng hầu như chẳng có ai tin như vậy cả. Việc bỏ phiếu là kết quả của một sự hăng hái thuần tuý chính trị. Hơn nữa, có cả một bộ tham mưu chỉ đạo ủng hộ Skuratov, tại đó người của Luzkov và đại diện Đảng cộng sản tiến hành gặp gỡ với các nghị sĩ, còn hôm Hội đồng Liên bang bỏ phiếu thì tất cả bọn họ đều có mặt: nào Ziuganov, nào Iliukhin và nhiều đại biểu Viện Duma Quốc gia quan tâm đến việc tháo gỡ vụ scandal theo hướng có lợi cho họ.
Tôi nghĩ rằng, giờ đây những người này hẳn đã có điều kiện tự khẳng định: cái cặp bí mật của Scuratov cũng trống rỗng như ông chủ của nó vậy. Không một chứng cứ mới, không một tài liệu nào trong đó được Skuratov đưa ra chứng minh.
Xin nói thêm, trước lần bỏ phiếu thứ hai ở Hội đồng Liên bang, đội hình của tôi cố gắng đạt thoả thuận hoà bình với Luzkov. Trong số các ứng cử viên vào chức vụ Tổng công tố tôi có xem xét đề nghị đề cử cựu lãnh đạo Viện kiểm sát Matxcơva Genadi Ponomariov. Tôi đã điều tra kỹ về Ponomariov qua Phó chánh văn phòng Lixov, người đã từng công tác lâu năm trong Viện kiểm sát tối cao và hiểu biết nhiều về Ponomariov. Lixov nhận xét đây là một công tố có năng lực, độc lập và là một ứng viên xứng đáng. Luzkov cũng ủng hộ Ponomariov. Nhưng để đổi lấy việc ủng hộ Tổng thống cách chức Skuratov, Yuri Macximovich đòi phải trao tận tay ông ta tờ giấy do tôi ký tên giới thiệu Ponomariov để Hội đồng Liên bang xét. Luzkov muốn đặt điều kiện buộc tôi chấp thuận. Điều đó quả thật làm tôi rất ngạc nhiên.
Suốt những ngày cuối tháng Tư đó tôi cố hiểu: Làm thế nào mà câu chuyện về hành trình công tố bỗng nhiên đạt tới một quy mô chính trị lớn như vậy? Liệu có phải chỉ ở Hội đồng Liên bang?
Không, tất nhiên không chỉ ở Hội đồng Liên bang. Sau vài tuần lễ đã rõ: ở nước Nga đã bắt đầu một thời đại mới - thời đại của những sự đàn áp kinh tế. Nó xảy ra từ từ, chậm rãi. Và sắp sửa đạt tới phạm vi toàn quốc gia.
So sảnh có khi dẫn đến phạm sai lầm chống lại chân lý lịch sử ở nước Nga đã từ lâu không có chuyên chính vô sản, không có bắt bớ hàng loạt và bọn quạ đen hoành hành ban đêm.
Nhưng bắt người ta vào các nhà biệt giam để điều tra trước khi toà xử, thậm chí theo các điều khoản của luật kinh tế, tại sao ở ta vẫn không bị coi là điều đáng hổ thẹn. Mặc dù kinh nghiệm của thế giới cho thấy: chỉ những kẻ bị tình nghi phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng mới bị áp dụng các biện pháp cách ly, ngăn chặn đó. Trong tình trạng chưa hoàn thiện của hệ thống thuế, kiểm toán của ta thì việc “gọi hỏi và bắt giam” có thể với bất kỳ công dân nào. Còn một số vị công tố của chúng ta, trong bối cảnh trống rỗng hiện tại về cơ sở lập pháp, đôi khi sẵn sàng ký lệnh bắt bất kỳ một chủ ngân hàng nào, thậm chí cả đến một nhân viên kế toán thường hoặc một nhà kinh tế - miễn là có “đơn đặt hàng”.
Các tội phạm kinh tế bị Viện Công tố và một số nhân viên cơ quan đặc biệt lý giải rất tuỳ tiện và do đó đã trở thành mảnh đất tốt cho việc đe doạ tố giác, khống chế, đút lót, ăn hối lộ và lạm dụng chức quyền. Chính từ trong vũng nước nhơ bẩn này sinh ra vụ cassette về Skuratov.
Viện công tố bắt bỏ tù các nhà doanh nghiệp. Cánh này đến lượt mình lại tìm cách đưa các nhà công tố vào nhà lao. Dần dần cái hệ thống gây sức ép đối với dân thưởng đã vượt quá giới hạn các vụ án hình sự. Nỗi sợ hãi và khiếp đảm trước những người khoác áo luật pháp đã bao trùm lên giới doanh nhân nước nhà trong suốt mùa xuân năm 1999. Các ví dụ về những vụ bắt bớ, khám xét, lục soát “điển hình” các văn phòng ngân hàng, công ty cứ tăng lên từng ngày.
Đối với tôi, việc này bắt đầu từ “vụ án Sopchac” năm 1996, vào thời điểm bầu cử Thống đốc Pite (Leningrad), trên bầu trời thành phố, máy bay rải truyền đơn “Anatoli Sopchac đang liên quan đến hai vụ án hình sự”. Quả thật Sopchac có liên quan đến hai vụ án nhưng là với tư cách một nhân chứng. Tất nhiên, không phải mọi người trong giới thân cận với Sopchac đều trong sạch. Nhưng với bản chất một người đứng đắn, trung thực, hơn nữa lại là một luật sư chuyên nghiệp, không khi nào Sopchac lại đi sử dụng “quyền lực qua điện thoại”, lợi dụng tiềm năng quyền thế của mình để gây sức ép hay trấn áp một ai đó như có những vị thống đốc, tỉnh trưởng vẫn làm. Tính thanh liêm của Sopchac đã bị người ta lợi dụng vào cuộc đấu tranh giành quyền lực. Ai đã lợi dụng?
Lúc bấy giờ, năm 1996, đứng đằng sau ứng cử viên Yakovlev là các nhà chính trị ở Matxcơva, chủ yếu là Korzakov. Không có sự tham gia của bọn họ, máy bay rải truyền đơn làm sao mà cất cánh lên bầu trời thành phố. Các cơ cấu sức mạnh - gồm Viện công tố, Bộ Nội vụ, Cơ quan an ninh Liên bang - ra mặt trực tiếp đấu tranh chống lại Anatoli Sopchac. Sau kỳ bầu cử, Skuratov thường đến báo cáo với tôi về “vụ án thành Pite”.
- Cần tiến hành điều tra - Skuratov nói - Sopchac bị tình nghi trong những vụ tham ô lớn”.
Tôi luôn trả lời trước sau như một:
- Các anh cứ nghiêm luật mà làm. Tôi có một nguyên tắc đơn giản - mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Trong vấn đề này không có “người mình” và “người khác”. Nếu tiếp cận vẩn đề theo cách khác, anh không thể thành một nhà chính trị. Ngay cả việc đơn giản là không thể gọi anh là một người trung thực.
Nhưng các phụ tá của tôi lại có thông tin riêng của họ từ Peterburg về “vụ án Sopchac”.
- Thưa Boris Nicolaevich, ở đó người ta thành lập mấy đội điều tra. Không thể tìm được gì. Họ đang đào bới tại các căn hộ của Sopchac, soi mói các khoản vay tín dụng ở ngân hàng. Cũng lại số không. Liệu việc này còn kéo dài đến bao giờ?
Với tất cả những người đứng ra bảo vệ cho Sopchac, - Chubais, Yumasev, Nemtsov - tôi đều nhắc đi nhắc lại một điều “Nếu đã có nghi ngờ, cần điều tra và chứng minh con người đó có lỗi hay không!”.
Trong khi đó thì đội điều tra của Bộ Nội vụ và Viện công tố cứ tiếp tục công việc ở Peterburg. Họ rất hy vọng sẽ nhận được tài liệu khống chế quan trọng đối với Sopchac để khởi tố một vụ án trọng án về tham nhũng.
Cứ thế kéo dài khá lâu. Yumasev một lần nữa gặp Skuratov tại Điện Kremli, sau đó gặp Bộ trưởng Nội vụ Kulikov, nói với họ rằng anh ta thấy trong hành động của cảnh sát và Viện kiểm sát một yêu cầu chính trị được đặt hàng trước chứ không phải mong muốn tìm ra sự thật và đạt đến chân lý. Hết Skuratov đến Kulikov lần lượt đến đề nghị tôi ngăn cản không cho Văn phòng Phủ Tổng thống can thiệp vào cuộc điều tra. Tôi lại phải một lần nữa đảm bảo với mấy người đó rằng không và sẽ không có bất kỳ một sự can thiệp nào nữa.
Mùa xuân năm 1998 sau một cuộc thẩm vấn thường lệ Sopchac lên con đau tim và phải nằm viện.
Tôi nhớ rõ cuộc nói chuyện với Nemtsov khi tôi đang nghỉ ở Zavidovo, trong một buổi gặp nào đó theo chương trình. Đột nhiên Boris Efimovich kể cho tôi nghe rằng Sopchac đau tim nặng, thế mà Viện công tố lại mới ra lệnh bắt giam anh ta.
Tất cả những việc này giống như một vụ truy nã bức hại. Tôi nhớ là tôi đã im lặng rất lâu, mắt nhìn mãi vào một điểm. Những ý nghĩ xót xa, nặng nề.
Tôi yêu cầu chuyển cho Skuratov mấy lời sau “Không được hãm hại, truy bức một người đang đau ốm”.
Và thủ trưởng Cơ quan an ninh Liên bang đã can thiệp vào tình cảnh của Sopchac.
Hơn bất kỳ một người nào khác, Putin đã hiểu sự bất công trong những điều xảy ra với thủ trưởng cũ và người thày trên đường chính trị của mình. Anh ta đến ngay Peterburg, gặp nhóm bác sĩ, gặp riêng Shevchenko nay đã là Bộ trưởng Y tế nói thẳng là muốn đưa bệnh nhân Sopchac ra nước ngoài. Nhờ mấy ngày nghỉ đầu tháng 11 (trước đây là nhũng ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga), bầu không khí trong thành phố yên bình. Tận dụng các mối quan hệ của mình ở Peterburg, Putin đã thoả thuận được với một hãng hàng không tư nhân đưa Sopchac lên máy bay sang Phần Lan. Và từ đó Anatoli Alexandrovich đã sang Paris.
Sopchac bị theo dõi chặt, bị áp dụng lệnh cấm xuất, không cho ra khỏi thành phố. Nhưng người ta đã không cảnh giác lắm, cứ nghĩ rằng trong cái thời buổi thực dụng này của chúng ta, ai mà dám liều giúp đỡ một tù nhân sắp “dựa cột”. Nhưng đã có một con người như thế. Sau này khi nghe kể về hành động của Putin, tôi bỗng thấy trong lòng trào lên một tình cảm kính trọng sâu sắc và biết ơn con người này.
Tham nhũng ở nước Nga là một đề tài lớn lao và nhức nhối. Tôi hoàn toàn tin rằng kẻ có lỗi chính là nền kinh tế kém hiệu quả và hệ thống luật pháp tê liệt.
Trong suốt thời gian lên làm Tổng thống Nga tôi chưa một lần che giấu cho ai khỏi bị điều tra hình sự, tôi không bao che, bênh vực cho bất kỳ ai trước toà án, cảnh sát, Viện kiểm sát, Cơ quan an ninh Liên bang. Tôi nhắc lại một lần nữa, tôi ủng hộ sự bình đẳng hoàn toàn của tất cả mọi người trước pháp luật. Tuy vậy, chưa ai giải quyết được vấn đề tham nhũng. Trong mọi nền kinh tế đang trải qua quá trình phân chia sở hữu, tham nhũng là không thể tránh khỏi. Chỉ có thế bằng nỗ lực chung, thống nhất lại mới có thể đấu tranh được với nó. Làm thế nào mà buộc một quan chức Liên bang không tham nhũng khi anh ta phải nuôi cả gia đình với năm - sáu nghìn rúp tiền lương tháng (mức lương trung bình của một công chức cao cấp ở Nga, tương đương với 200 đô la Mỹ) trong khi anh ta có quyền quyết định số phận những hợp đồng trị giá nhiều triệu. Tất nhiên, chỉ có một con đường duy nhất là tăng lương cho anh ta, làm cho cuộc sống của anh ta được đảm bảo hơn. Nhưng Duma cộng sản, các nhà chính trị dưới mọi màu sắc và dư luận xã hội luôn chống đối quyết liệt con đường này. Quả vậy, làm sao có thể tăng lương cho các quan chức Nhà nước nếu những người làm công ăn lương, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, những giáo viên, bác sĩ còn đang hưởng lương thấp. Tiền lương cho các quan chức cứ thấp, còn đút lót, hối lộ, phù lạm thì cứ cao. Nhiều vấn đề khác cũng không có được sự thống nhất ý kiến trong xã hội như về thuế khoá, về sự tương thích và nhất quán giữa các luật lệ ở địa phương với Hiến pháp và các luật Liên bang, về cởi trói cho doanh nghiệp khỏi những cấm kỵ ngu xuẩn và vô bổ, vì can thiệp, cản trở doanh nghiệp là chúng ta đã vô tình tạo ra mảnh đất cho tham nhũng phát triển.
Để vấn đề làm sạch môi trường này diễn ra nhanh hơn cần có một điều duy nhất: trả lại quyền cho tư duy lành mạnh. Cần có một nền kinh tế hoạt động, có sức sống, thuế thấp, lương cao cho nhân viên. Đồng thời, cái cần không phải là cứ bắt bớ, bỏ tù, trừng trị những “con lừa sai phạm” mà là phải tự mình quảng bá, nêu gương sự trong sạch về tinh thần. Chỉ có với đôi bàn tay sạch mới mong chiến thắng tham nhũng. Và chỉ có bằng một đội hình trung thực mới đi tới chiến thắng.
Bản thân tôi, tôi luôn tin tưởng đội ngũ của mình.
Tôi cứ suy nghĩ mãi rằng những con người có tư duy lành mạnh trong các cơ quan bảo vệ pháp luật chắc đều hiểu rõ: câu chuyện về băng cassette của Skuratov chẳng qua chỉ là kết quả của một trò chơi tay đôi hoặc tay ba mà suốt mấy năm qua, những người điều khiển trò chơi trong các văn phòng của Viện Công tố, Bộ Nội vụ chẳng phải ai khác ngoài những chàng Skuratov đó. Nắm được quyền hành nhưng lại mất định hướng đạo đức
Tất nhiên cũng có những người chuyên nghiệp chân chính, những dự thẩm viên kiểm sát đích thực làm việc trung thực như người ta thường nói “đang cày trên mảnh đất nghiệp vụ” có những nhân viên Bộ Nội vụ và Cơ quan Phản gián Liên bang điều tra các tội phạm kinh tế - họ thực sự muốn đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng. Khó mà nói được họ đã cảm thấy gì khi biết câu chuyện Skuratov: xấu hổ, ngạc nhiên, thắc mắc hay căm giận? Họ sẽ phải làm gì, xử sự ra sao khi mà chính vị công tố chóp bu của nước Nga lại có quan hệ với những phần tử đáng ngờ, những kẻ cung cấp gái gọi cho ông ta.
Có thể câu chuyện của Tổng công tố còn kéo dài nhiều tháng nữa. Còn một lần biểu quyết thứ ba, vào mùa thu năm 1999. Các đại biểu Hội đồng Liên bang lại không đồng ý cách chức Tổng công tố.
Dù sao thì vụ việc này cũng không còn gì hấp dẫn nữa. Cái bộ phận chính trị cấu thành của nó đã bị mất ý nghĩa rồi. Còn về pháp lý thì buồn tẻ và vô vị.
Chàng Skuratov thất sủng tiếp tục lớn tiếng, tiếp tục phanh phui, nhưng hầu như không còn người nghe. Thứ nhất, hình ảnh anh ta đã trở nên buồn cười. Anh ta tiếp tục đi lại trên chiếc xe màu đen gắn hiệu công vụ, sống ở biệt thự của Nhà nước, chơi bóng đá với đội cảnh vệ và tỏ ra thoả mãn với lối sống tự do, nhàn nhã đó.
Nhưng sau tất cả chừng ấy thời gian, sau khi gặp gỡ Công tố Thuỵ Sĩ, bà Carla de Ponte, thường xuyên trả lời phỏng vấn, họp báo ồn ào, Skuratov vẫn chưa đưa ra được điều gì ngõ hầu thúc đẩy việc giải quyết các vụ việc anh ta đã đưa ra hồi mùa xuân. Mặc dù trên thế giới Skuratov được mang danh “chiến sĩ đấu tranh với mafia Nga” nhưng ở Tổ quốc mình, anh ta đã hầu như bị quên lãng hoàn toàn.
Nhiều lần người ta chê trách tôi về mấy hiệp thua Skuratov, rằng bằng chính những hành động của mình, chúng tôi đã vô tình thổi Skuratov lên, tạo sức nặng chính trị cho anh ta.
Không, không thể để Skuratov làm việc ở Viện Công tố. Không chỉ là không được mà là nguy hiểm chết người. Theo ý tôi, đó là một người vô nguyên tắc. Yuri có thể lợi dụng quyền hành Tổng Công tố của mình bày ra trò gì ở đất nước này có trời mà biết được. Đúng, nước Nga một thời gian dài không có Tổng Công tố. Nhưng trong trường hợp này không có lại đỡ hại hơn.
Tôi cho về ý nghĩa chính trị thì quyết tâm của tôi trong vụ Skuratov đã làm sáng mắt nhiều người, làm tỉnh nguội nhiều cái đầu nóng ở Hội đồng Liên bang.
Nhưng giờ đây trở lại cái sự kiện hồi mùa xuân, tôi lại nghĩ về một chuyện khác. Skuratov, mà không chỉ có mình anh ta, muốn bắt giam nhiều nhà doanh nghiệp, nhiều vị lãnh đạo, nhiều đại diện của giới thượng lưu Nga. Bài học từ câu chuyện về Skuratov còn ở chỗ là không thể để lâu, không thể không giải quyết dứt điểm số phận một anh công tố đã bị cách chức mà chưa bị đuổi việc một vụ án hình sự, một cuộc điều tra ầm ĩ, một vấn đề về trách nhiệm đạo đức. Khi mà trong một đất nước dân chủ không có luật pháp, không có các cơ chế và tổ chức của xã hội công dân thì nền dân chủ rất dễ bị lái sang hướng ngược lại.
Tháng 5 năm 2000, cũng cái Hội đồng Liên bang ấy đã thông qua quyết định cách chức Skuratov. Thế là kết thúc một bản trường ca về ngài công tố.