Chubais hay “Đội hình 97”-2

Những trung tâm quyền lực bất hợp pháp, những trung tâm gây ảnh hưởng đối với chính trị bất ngờ xuất hiện trong những trụ sở ngân hàng im ắng đã đe doạ thay đổi bộ mặt của một xã hội công dân. Đất nước chưa từng đối mặt với một tình thế như vậy. Những giá trị dân chủ không thể đem ra mua bán, nhưng do thói quen tác động lên chính trị bằng mọi cách, nên nhiều người cho rằng có thể làm được và cần phải làm như thế.
Thật là đau đớn, cay đắng thừa nhận điều này...
Ngay từ khi chưa diễn ra cuộc bán đấu giá “Sviazinvest”, theo yêu cầu của tôi Valentin Yumasev đã gặp Potanin và Gusinski. Potanin sau khi rời khỏi Chính phủ đã coi mình là người tự do về tinh thần trước các đồng nghiệp và lao vào cuộc kinh doanh mới bằng mọi cách.
Yumasev đã yêu cầu họ giải quyết vấn đề với nhau thật hoà bình, không được gây ra chiến tranh thông tin và không được đặt bom nổ chậm dưới chân Chính phủ: “Cuối cùng thì các anh cũng thoả thuận được với nhau. Mỗi người đầu tư vào “Sviazinvest” năm mươi phần trăm. Nếu các anh hục hặc với nhau, thì sẽ gây ra thương vong đối với chúng tôi, mà chủ yếu là đối với tất cả.
Nhưng họ đâu có hiểu cho đề nghị đó.
Tại cuộc mua bán đấu giá ngày 25 tháng 7 năm 1997, hai chiếc phong bì được mở ra. Cả hai nhà đầu tư đều thu hút những đối tác nước ngoài. Một đối tác là người Tây Ban Nha, còn đối tác khác là nhà tỷ phú J.Soros. Trong phong bì của Gusinski số tiền nêu ra ít hơn so với phong bì của Potanin. Sự khác nhau này dẫn đến chúng ta phải trả giá cho hai cuộc khủng hoảng Chính phủ gay gắt nhất và có thể là cả cuộc khủng hoảng tài chính.
Cuộc tranh giành dữ dội trong nội bộ giới kinh doanh không chỉ làm chao đảo nền kinh tế, mà còn tác động đến cả chính trị, làm mất ổn định của toàn hệ thống.
Một trợ lý của tôi lúc đó kể lại: “Tôi không hề ngạc nhiên là sau một năm người đứng đầu Văn phòng chúng ta có thể là một viên tướng, còn một đảng viên cộng sản sẽ đứng đầu Chính phủ”. Dự báo như thế quá ư là đen tối. Ai có thể dự báo lúc đó rằng sau một năm đứng đầu Văn phòng Tổng thống là tướng Nicolai Bordiuza, còn Thủ tướng là Evgeni Primakov, một người rõ ràng là thân cộng sản!
  Primakov
Sau này tôi mới rõ là Gusinski và Berezovski muốn chứng minh cho Chubais thấy rằng ngân hàng của Potanin trên thực tế lợi dụng tiền của Nhà nước, tiền thuế cũng như trường hợp công ty “Nikel Noril” đặt Chính phủ vào thế phải tạo cho những điều kiện có lợi. Nhưng để trả lời cho họ: Thế còn “Sibneft” của Berezovski thì sao? Còn NTV của Gusinski thì sao? Ai tạo cho những công ty này một khoảng hoạt động, ai cấp cho những ưu đãi phải chăng không phải Nhà nước? Cuộc tranh cãi thật không có giới hạn nữa.
Tôi kiên quyết phản đối việc xem xét lại kết quả cuộc đấu giá, mặc dù rất nhiều người ủng hộ ý tưởng đó. Đã có nhiều ngòi bút và phát ngôn của những nghị sĩ hiếu chiến nhằm vào Chubais. Cả Bộ trưởng Nội vụ Kulikov cũng ủng hộ ý tưởng xem xét lại kết quả cuộc bán đấu giá “Sviazinvest” và “Nikel Noril” và thậm chí Thủ tướng Chernomưrdin cũng có những nghi hoặc. Nói một cách khác đã có rất nhiều lực lượng chính trị khác nhau bị lôi kéo vào cuộc đấu đá này, tất cả đều cố lợi dụng tình hình có lợi cho mình.
Tôi thấy có bổn phận phải tuyên bố ủng hộ Chính phủ. “Cuộc tranh cãi đã kết thúc” - Tôi tuyên bố với các phóng viên về kết quả của cuộc đấu giá. Và tôi đề nghị khối kinh tế của Chính phủ trong vấn đề này phải ưu tiên đối với tất cả những người khác còn lại. “Sviazinvest” thuộc về Potanin.
Tuy nhiên cảm giác lo lắng vẫn không dứt được. Giọng điệu hằn học của báo chí, những cuộc chỉ trích lẫn nhau, hầu như nhục mạ nhau không còn là chuyện ảo tưởng - sau khi kết thúc bán đấu giá cuộc chiến tranh giữa Chính phủ và giới tài phiệt của đất nước không những không chấm dứt, mà còn bước vào giai đoạn mới. Cần phải có sự can thiệp công khai của Tổng thống, có áp lực trực tiếp của tôi lên cả hai bên xung đột. Tôi quyết định gặp các chủ ngân hàng.
Ngày 15 tháng 9, cuộc gặp “bàn tròn” được tổ chức tại Kremli. Tham dự cuộc gặp này có Fridman (Alfa-bank), Smolenski (SBS-AGRO), Gusinski (Most-bank), Khodorkovski (MENATEP), Vinogradov (Incombank), Potanin (ONEKSIMbank).
Tôi có cảm giác là thời điểm tổ chức cuộc gặp gỡ rất thuận lợi. Bầu không khí trong các phòng ở Kremli tác động lên con người một cách liên tục. Anh ta sẽ cảm thấy là khách đến với Nhà nước, chứ không phải đến với một ông già tốt bụng. Các chủ ngân hàng lắng nghe có vẻ hồi hộp, một số còn ghi chép. Trong tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản: nếu như anh nghĩ và anh tiếp tục rút tiền của ngân khố, thì điều đó sẽ không thực hiện được đâu. Nếu như chúng ta cùng muốn tồn tại thì vai trò Nhà nước phải được củng cố. Trong tất cả mọi lĩnh vực. Cần phải tách bạch kinh doanh khỏi Nhà nước. Không phải lo sợ việc Chính phủ kiểm soát tài chính.
Các chủ ngân hàng dường như đều hoàn toàn nhất trí. Họ đồng thanh nói rằng họ cũng đã chán ngấy đối với cuộc xung đột này rồi. Họ sẵn sàng chấp thuận những quy định mới.
Nhưng, những quy định đó phải có tính chất lâu dài, những quy định đó không thể thay đổi xoành xoạch sau mỗi tháng, sau mỗi quý “Nào chúng ta cùng hành động thống nhất với nhau, chấm dứt gây áp lực lên Chính phủ” - “Vâng, tất nhiên, thưa Boris Nicolaevich”. Sau cuộc gặp, tất cả chia tay dường như đều hài lòng.
Song tôi vẫn còn có suy nghĩ rằng trên thực tế họ không thể là những đồng minh của mình.
Điều thú vị là Potanin giống như một chiếc vỏ trong suốt, trong tôi luôn luôn có cảm giác khó tả rằng anh ta khác với những người kia, nhất là sau cuộc gặp trong gian phòng lặng im đến mức khác thường. Tôi đã từng chủ trì nhiều cuộc họp như thế tại chính gian phòng này. Hàng trăm lần. Và bao giờ tôi cũng đạt được kết quả cần thiết. Những người rất khác nhau đều buộc phải nhượng bộ, thoả hiệp cái gì đó. Tôi không để cho họ có lối thoát nào khác. Còn họ phải hứa hẹn, phải mỉm cười - nhưng im lặng quá. Dường như không bên nào coi mình có lỗi trong chuyện này. Không có chỗ để dành cho sự nhượng bộ. Không có hành vi nhượng bộ nào từ cả hai phía.
Chubais và Nemtsov quyết định hành động trước.
Ngày 4 tháng 11, họ đến Gorki gặp tôi.
Chubais chủ động đặt vấn đề:
- Thưa Boris Nicolaevich, một cuộc tấn công nữa nhằm vào Chính phủ lại đang được chuẩn bị. Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.
- Tôi không biết.
- Chính vì lý do đó, chúng tôi đến gặp ngài. Mọi sợi chỉ của khủng hoảng đều nằm trong tay Gusinski và Berezovski. Cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh thông tin. Nếu như ngài gạt Berezovski ra khỏi Hội đồng an ninh, thì ngay lập tức anh ta sẽ không còn thế lực, không ai còn nghe ý kiến anh ta nữa, cuộc xung đột cũng chấm dứt.
Tôi nhìn họ và nhớ mới một năm trước đây thôi Anatoli Borisovich còn đến gặp tôi và thuyết phục rằng cần phải bổ nhiệm Berezovski làm Phó Thư ký Hội đồng an ninh. Anh giải thích rằng điều quan trọng là cần phải sử dụng những người thông minh, tuy có phức tạp hay dị thường như Berezovski, mời anh ta tham gia chính quyền. Lúc đó tôi đã nhất trí với Chubais.
Nhưng một năm sau thì chuyện gì xảy ra vậy? Hay là chính quyền không còn cần đến những người thông minh nữa? Nhưng câu hỏi đó chẳng còn có ý nghĩa gì cả. Tôi cũng không nhắc lại với Chubais câu chuyện năm trước. Tôi nghĩa là chính anh ta cũng rất nhớ câu chuyện đó.
Các Phó thủ tướng vẫn cố thuyết phục tôi rằng cần phải - phế truất Berezovski ra khỏi Hội đồng an ninh. Đó là con người lẫn lộn giữa kinh doanh với chính trị, không thể giữ chức vụ này được. Họ đưa ra dẫn chứng là Berezovski đã phá hoại uy tín của chính quyền ở trong nước. Điều đó là không thể cho phép được.
Tôi cho gọi cả Yumasev đến gặp. Anh ta chú ý lắng nghe, không tranh luận gì. Sau đó anh ta nói thẳng là hiện tại anh ta phản đối việc cách chức Berezovski, vì điều đó không làm cho xung đột dịu đi, mà còn căng thẳng hơn.
Tôi chưa vội vàng.
- Quan điểm của anh thế là rõ rồi, Valentin Borisovich. Cám ơn. Anh hãy chuẩn bị sắc lệnh đi.
Tại sao tháng 11 đó tôi lại cách chức Berezovski? Giải thích động cơ của tôi khó hơn ta tưởng tượng ban đầu.
Tôi chưa bao giờ yêu quý Boris Abramovich. Tôi không thể chấp nhận được cái giọng kiêu ngạo, cái danh tiếng bê bối của anh ta, vì tất cả những gì anh ta đã làm để giành được ảnh hưởng đặc biệt đối với Kremli, mà chưa từng có như thế bao giờ. Tôi không yêu, nhưng tôi cố gắng giữ anh ta ở đâu đó bên cạnh để không tuột khỏi tay. Thật nghịch lý phải không? Chắc hẳn là như thế. Nhưng đối với những ai làm chính trị hay quản lý chuyên nghiệp thì điều đó không hề nghịch lý. Chúng tôi là những đại diện cho cái nghề này, đôi khi buộc phải sử dụng những người, mà thực tế không có cảm tình, ưa thích lắm. Chúng tôi buộc phải sử dụng tài năng của họ, phẩm chất chuyên môn nghề nghiệp và công việc của họ.
Đúng, Berezovski - một đồng minh không nghi ngờ gì nữa. Hơn nữa lại là một đồng minh từ lâu, đã qua thử thách của tổng thống và của cải cách dân chủ nói chung. Nhưng là một đồng minh khó chịu...
Anh ta đã từng phát biểu trả lời phỏng vấn truyền hình: “Tôi nhìn thấy Yeltsin mấy lần trong đời”. Điều đó hoàn toàn đúng, chỉ có mấy cuộc gặp gỡ, chỉ có mấy câu chuyện trao đổi ngắn ngủi và bao giờ cũng chính thức. Thế nhưng trong con mắt mọi người Berezovski là cái bóng của tôi. Bất cứ hành động nào ở Kremli, người ta cũng đồn đại là có “bàn tay của Berezovski”. Dù tôi có làm gì đi nữa, bổ nhiệm ai đó hay cách chức ai đó, thì bao giờ họ cũng quả quyết: lại Berezovski! Không biết ai đã tạo ra ánh hào quang bí mật, tiếng tăm đó của “vị giáo chủ xám” này? Chính anh ta đã tạo ra...
Đúng, tôi biết trong câu lạc bộ của mình ở trụ sở LogoVaz, Berezovski tập hợp những nhân vật có ảnh hưởng, những người lãnh đạo của các phương tiện thông tin đại chúng, những chính khách, chủ ngân hàng. Những cuộc nói chuyện ở đó thật thú vị, Boris Abramovich tư duy rất bất ngờ, sắc bén.
Trong cái hậu trường đó nảy sinh những ý tưởng mạnh bạo cứ như mỗi một lần như thế lại đưa các nhân vật lên bàn cờ chính trị. Chắc hẳn điều đó đã tạo ra tiếng tăm nhất định, bổ sung vào cho những câu nói của anh ta có thêm uy tín và sức nặng. Nhưng sự việc chỉ kết thúc ở đó thôi! Không hề có một cơ chế nào, không hề có một phương tiện nào để Berezovski có thể tác động lên Tổng thống.
Nhưng khi tình hình trở nên căng thẳng, thì Boris Abramovich lên Đài truyền hình tuyên bố. “Tôi kiên quyết phản đối... Tôi cho rằng... Tôi tin rằng... “. Mỗi lần như thế đài đã dành thời lượng phát sóng cho anh ta không ít. Thế là nhân dân tưởng: À thế là biết ai lãnh đạo đất nước!
Nói tóm lại Chubais và Nemtsov đã cung cấp cho tôi cái cớ để thoát khỏi “cái bóng” đã chán ngấy từ lâu là Berezovski. Đồng thời tôi cũng có cảm giác là Chubais tự chui đầu vào thòng lọng. Linh tính báo cho tôi biết - trước cuộc tấn công mới tập trung vào Chính phủ, thì số phận của những nhà cải cách trẻ chỉ còn tính hàng ngày.
Phản ứng của Berezovski và Gusinski chẳng cần phải đợi lâu la gì. Những đội quân thông tin hùng mạnh của họ làm việc ở ORT và NTV sẽ huy động hết công suất để làm cho trong con mắt của xã hội chụp cho Anatoli Borisovich cái mác một tên lừa bịp và tráo trở lá mặt lá trái. Chỉ có rất ít người trong nước hiểu được rằng trên thực tế Chubais là nạn nhân chỉ vì những nguyên tắc của mình, mà anh ta kiên quyết bảo vệ với hết nhiệt tình và lòng tin, những nguyên tắc của “một người thuộc đa số tự do nhất”.
Sự kiện diễn biến rất nhanh chóng. Thông tin về cuốn sách “Tư nhân hoá ở Nga” chưa được viết xong đã nằm trên bàn làm việc của Anatoli Kulikov. Bản sao hợp đồng cuốn sách còn đang nằm im ở Nhà xuất bản “Ngày nay”. Các tác giả của cuốn sách viết chung đó là Chubais, Boico, Mostovoi và Kazakov (Phó chánh Văn phòng Tổng thống) - thu được nhuận bút gần chín mươi ngàn đô la. Báo chí rùm beng lên: hối lộ, tham nhũng! Tôi đề nghị cách chức ngay Kazakov. Sau đó đến lượt những người khác.
Anatoli Borisovich viết cho tôi một lá thư, trong đó nội dung dề cập là cuốn sách đó hoàn toàn là có thực (và chỉ một thời gian sau xuất hiện trên các quầy bán sách), hợp đồng được thực hiện theo đúng luật. Nhưng dù sao anh ta cũng tự cho mình là có lỗi: không suy tính đến phản ứng của xã hội đối với khoản nhuận bút cao như thế. Anh ta xin nhận trách nhiệm về đạo đức đối với sự việc xảy ra. Hình thức viết thư mà anh ta chọn để kiến nghị cũng không phải do tình cờ. Những cuộc gặp gỡ của tôi với Chubais ngày càng ít hơn.
“Vụ bê bối sách” là một cú đấm nặng nề. Đối với cả tôi và cả Chính phủ.
Trên thực tế chỉ đánh đúng một cái toàn bộ đội hình của Chubais phải ra đi khỏi Văn phòng Tổng thống, khỏi Nhà Trắng. Chubais mất cả chức Bộ trưởng Tài chính. Nhưng còn giữ lại chức Phó Thủ tướng. Nemtsov bị mất chức Bộ trưởng Nhiên liệu và năng lượng. nhưng vẫn giữ lại chức Phó thủ tướng.
Trong bối cảnh đó một sự kiện lẳng lặng xuất hiện trên cái nền chung: Sergei Kirienko, mới được điều chuyển từ Nizni Novgorod lên Matxcơva được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nhiên liệu và năng lượng thay thế Nemtsov.
Đã đến lúc tôi có thời gian suy ngẫm về một hiện tượng chính trị được gọi là “Anatoli Chubais”.
Chỉ trong một thời gian nhất định tính bằng ngày, bằng tuần, bằng tháng anh ta có thể dẹp tan được những đối thủ không đội trời chung một cách thần kỳ. Không thể giải thích điều này một cách hợp lý - không phải do cá tính, cũng không phải do anh ta tham gia vào việc tư nhân hoá, mà đối với Xã hội hậu Xô-viết đã từng được coi như miếng giẻ rách đó. Số phận tiếp theo của Chubais cho thấy dù một công việc có vẻ hoà bình đến mấy (chẳng hạn như điện năng) thì bất cứ ở đâu anh ta cũng dính dáng đến nhũng cuộc đấu đá. Nhưng có điều nghịch lý: chính điều đó anh ta lại được kính nể. Họ căm ghét, sợ hãi - nhưng dù sao vẫn phải kính nể. Họ “chà xát” anh ta từ các phía - anh ta là mục tiêu đáng nhằm nhất cả đối với những người cộng sản, cả đối với những phóng viên cánh hữu và đối với một bộ phận trí thức nào đó, và cả những nhà kinh doanh. Tính kiên trì, tính kiên quyết bảo vệ những ý tưởng của mình đối với tôi lại là hấp dẫn. Tôi không bao giờ quên được hiện tượng khi nào Chubais phát biểu thì một không khí im lặng bao trùm phòng họp hoàn toàn và có phần nào đó rất thần bí. Qua kinh nghiệm của mình, tôi biết: một chính khách không thể nào thích hợp được với tất cả, không thể nào được tất cả chấp nhận một cách thiện chí. Nếu như chính trị gia đó là thực thụ, lớn - thì bao giờ cũng gây ra cho ai đó hằn học, thất vọng. Trong Chubais có sự kết hợp của tính kiên nhẫn già dặn với tính năng nổ của tuổi trẻ. Khi nhìn anh ta, tôi có cảm giác anh ta không chỉ là chàng thành niên “tóc hoe vàng” kinh tởm, một nhà kinh tế tự do chán ngấy đối với tất cả mọi người. Anh ta là đại diện cho một thế hệ đến sau tôi. Nhất định sẽ phải đến.
Suốt mùa thu và đông 1997-1998, Victor Chernomưrdin cứ gặp tôi lại nói:
- Có chuyện gì với Chubais đó. Đó là một con người khang khác thế nào đó. Không thể chịu đựng được, không muốn nghe bất cứ ai. Làm việc như thế rất khó. Khi anh ta làm việc trong Kremli thì khác. Còn khi làm việc ở Chính phủ thì lại khác hẳn.
Tôi lại cố phân tích kỹ lưỡng những câu nói của Chernomưrdin, tôi hiểu rằng trong Chính phủ có vấn đề. Những suy nghĩ chẳng lấy gì làm phấn khởi.
Mối gắn kết Chernomưrdin - Chubais mà tôi hy vọng đã bắt đầu bị rạn nứt. Điều đó đặc biệt xuất hiện rõ hơn trong khi xảy ra “vụ bê bối sách”. Thủ tướng muốn tránh mọi cuộc xung đột.
Chỗ dựa cuối cùng của Chubais chỉ còn có tôi. Ngoài ra Anatoli Borisovich không còn biết dựa vào ai hết.
Việc cách ly những nhà cải cách trẻ ra khỏi giới thượng lưu chính trị và kinh doanh và nói chung cả xã hội ngày càng xa hơn và xa hơn.
“Vụ bê bối sách” chính là cái vỏ dưa mà đội hình những nhà cải cách trẻ trượt theo. Điều đó thật đáng giận và thật lố bịch.
Khi dư luận, báo chí, chủ ngân hàng càng gây áp lực đối với tôi bao nhiêu thì tôi càng hiểu rõ: tôi không phản bội Chubais! Đơn giản bởi vì tôi không có quyền để rơi vào tình thế bị đe doạ trắng trợn, áp lực kinh tởm. Tôi buộc phải phản đối vì tôi muốn duy trì ổn định trong xã hội.
Đúng, Chubais phải bị gạt ra khỏi Chính phủ (tôi đã quyết định). Nhưng khi nào quyết định đó được thực thi, thì đó là quyết định của tôi. Chứ không phải quyết định của bất cứ ai khác. Mặc dù vậy, tình hình diễn biến vẫn rất đáng buồn, tiềm năng chính trị của Chubais đã bị suy sụp ở mức độ đáng kể. Tôi hiểu rằng anh ta khó có thể nhanh chóng khôi phục lại được uy tín của mình. Tuy vậy chẳng còn thời gian đâu để hàn gắn vết thương.
“Cuộc tấn công kinh tế” cần phải được tiếp tục không được gián đoạn và dừng lại.