Chẳng bao lâu sau trên cái nền chính trị đối nội phức tạp ấy lại nổ ra một quả bom khác - quả bom quốc tế. Cuối tháng Ba đã xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu trong nền chính trị quốc tế: chiến tranh ở Nam Tư.Đâu là sự khác nhau trong quan điểm của nước Nga và các nước Tây Âu đối với cuộc khủng hoảng Kosovo? Phương Tây thì kiên trì quan điểm rằng cuộc chiến tranh bùng nổ ở Nam Tư là một sự báo thù cụ thể đối với Milosevich, là cuộc đấu tranh đòi quyền của các dân tộc thiểu số, vì quyền con người.Chúng ta cho rằng cuộc khủng hoảng Kosovo là có quy mô toàn cầu.Sau các cuộc ném bom vào Belgrad toàn bộ nếp sống sau chiến tranh (kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai) đã sụp đổ. Sụp đổ luôn tất cả các quy tắc được Liên Hợp Quốc xác định trong suốt chiều dài mấy chục thập kỷ sau chiến tranh.Đúng, cuộc xung đột ở Kosovo đã được chặn lại. Nhưng các vấn đề của vùng này chưa được giải quyết. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Kosovo? Không một ai biết được. Chiến tranh chỉ có củng cố thêm chế độ của Milosevich, mặc dù thậm chí chỉ có một thời gian. Việc sử dụng các lực lượng quốc tế để trừng phạt bất kỳ một quốc gia nào, tàn phá kinh tế, văn hóa, thảm sát dân cư của quốc gia đó - ở Nam Tư thì tàn phá nền công nghiệp, các di tích lịch sử, nhà thờ, bảo tàng - là một điều không gì nguy hiểm hơn đối với nền chính trị thế giới. Chấp nhận những luật chơi đó chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu của các giá trị dân chủ. Chẳng bao lâu nữa, sức mạnh, chỉ sức mạnh thôi của một nước hoặc một nhóm nước sẽ quyết định tất cả trên thế giới này. Thay vì tâm lý của người kiến tạo hoà bình toàn cầu ngày càng rõ tâm lý của kẻ bảo kê, sen đầm quốc tế và cuối cùng là tâm lý của đất nước - độc tài.Tất cả những điều đó tôi hiểu từ lâu. Nhưng cuộc khủng hoảng ở Nam Tư đã buộc tôi không những chỉ suy nghĩ mà phải ra những quyết định thật nhanh, đôi khi là những quyết định chớp nhoáng.Ngày 24 tháng Ba, lúc sắp bắt đầu các đợt oanh kích Nam Tư, Bill Cliton gọi điện thoại cho tôi về tình hình liên quan đến Kosovo ông ta nói rằng muốn thảo luận với tôi về tình hình liên quan đến Kosovo. Milosevich tiếp tục tấn công, đang đưa lực lượng đến Kosovo, giết hại dân lành, đốt cháy ở các thôn làng...Đúng điều này tôi biết. Nhưng tôi còn biết một điều khác. Cần phải tiến hành đàm phán chính trị. Bất kỳ cuộc đàm phán nào, thậm chí không kết quả còn hơn một lần bỏ bom và tàn phá tất cả. Vào lúc đó, máy bay của Thủ tướng Primakov đã quay lại trên vùng trời Đại Tây Dương. Tôi nói với Clinton: Gọi Primakov quay về - đây mới chỉ là bước thứ nhất. Sẽ còn nhiều bước khác tiếp theo.Clinton cứ nằn nì, nói rằng mọi việc phụ thuộc vào tôi rằng tôi có nên cho phép Milosevich, cái thằng kẻ cướp ấy, phá vỡ các quan hệ của chúng ta, phá vỡ tất cả những cái mà chúng ta đã tốn biết bao công sức gây dựng nên trong sáu năm qua hay không. Tôi nói với Clinton rằng, về phía tôi thì tôi không cho phép điều đó xảy ra. Clinton lôi ra những con số. Ở châu Âu máu đã chảy, 250 nghìn người tị nạn đã phải dời bỏ Kosovo. Nếu không ngăn chặn thì sẽ có tới 2,5 triệu người tị nạn nữa. Nếu chúng ta không quyết định một cái gì đó thì sẽ có một Bosnia mới. Milosevich chỉ muốn dùng sức mạnh quân sự đè bẹp người Kosovo gốc Anbani.Clinton còn làm tôi ngạc nhiên hơn khi đưa ra một luận cứ ông ta diễn đạt đại khái thế này: rất tiếc, tất nhiên, Milosevich là người Serbi. Giá như ông ta là người Ailen hoặc là người khác thì chúng ta dễ đoàn kết cùng nhau hơn. Chả lẽ Clinton nghĩ rằng vấn đề chỉ là sự cảm thông dân tộc của chúng ta đối với người Serbi? Chả có lẽ ông ta không hiểu rằng vấn đề là ở thái độ của người Mỹ đối với vấn đề Kosovo, về số phận của cả châu Âu, cả thế giới? Vấn đề ở đây không chỉ ở “tình anh em slavơ” nào đó mà người ta gán ghép mối quan hệ Nga-Serbi. Chúng ta cũng phải hành động đúng như vậy một khi vấn đề tương tự xảy ra với bất kỳ một nước nào khác như Ba lan, Tây Ban Nha, hoàn toàn không quan trọng là nước cụ thể nào.Tôi đã trả lời Cliton cụ thể như sau:- Tôi tin rằng nếu như chúng ta tiếp tục cùng nhau hành động, chúng ta sẽ lật đổ được Milosevich.Clinton cứ liên tiếp dẫn ra ý kiến chung của các nhà lãnh đạo các nước châu Âu. Nói rằng, thái độ của người châu Âu còn cương quyết hơn đối với những gì đang diễn ra ở Kosovo. Cần tiến hành cú oanh kích đầu tiên, lập tức Milosevich sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán. Logic của NATO là thế.Đáng tiếc, Clinton đã sai lầm: các cuộc ném bom đã không chặn đứng được Milosevich cả trong tháng Ba, tháng Tư hay tháng Năm. Chỉ có các cố gắng ngoại giao phối hợp của Nga, Phần Lan và Mỹ mới chặn được ông ta. Tôi nói với Bill:- Không thể cho phép chỉ vì một người mà hàng trăm, hàng nghìn người bị chết, không thể cho phép hắn ta bằng lời nói và hành động lang đạo của hắn ta. Cần phải làm sao cho chung quanh hắn ta là những người khác và làm cho hắn không thể xử sự như hiện nay. Có thể làm được nhiều thứ, trong đó có thể thông qua kênh tình báo đối ngoại. Vì tương lai các quan hệ của chúng ta và tương lai an ninh của châu Âu, tôi đề nghị anh bạn hãy bãi bỏ cuộc tấn công này. Chúng ra có thể gặp nhau trên một lãnh thổ nào đó và cùng vạch ra sách lược đấu tranh với riêng cá nhân Milosevich. Chúng ta thông minh hơn, sáng suốt hơn và chắc có thể đạt điều đó. Tính rộng ra, cần làm điều đó vì quan hệ của chúng ta và vì hoà bình ở châu Âu. Chưa biết ai sẽ thay thế chúng ta. Tôi muốn nói là ai sẽ thay thế chúng ta làm cái việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược. Nhưng rõ ràng là chúng ta cần tự làm - cắt giảm và cắt giảm những núi vũ khí này. Đó, đó là điều chúng ta cần làm! Tôi nhớ rằng trong lúc nói chuyện tôi đã cố gắng dằn từng từ một. rối Cố gắng làm sao đó tác động tình cảm và cảm xúc lên người đối thoại.Clinton trả lời rằng ông ta không chia sẻ nỗi mềm lạc quan của tôi vào các biện pháp có thể tác động lên Milosevich.Như vậy chỉ có một nghĩa - chiến tranh.Về mặt con người, tôi không có gì phàn nàn Bill cả. Trong giọng nói của ông ta tôi thậm chí nghe thấy cả sự cảm thông. Nhưng, với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ ông ta biểu lộ thái độ cứng rắn và nhất quán cho người ta hiểu: các cuộc đàm phán đều vô nghĩa.Đó là một sai lầm. Sai lầm rất lớn.Clinton còn đưa ra một luận cứ nữa, nghiêm trọng nhất: Milosevich - đó là nhà độc tài cộng sản cuối cùng đang muốn phá liên minh giữa nước Nga với châu Âu, đang chống phá quá trình dân chủ hoá châu lục này.Nhưng tôi cũng có những luận cứ của mình: “Nhân dân chúng tôi giờ đây sẽ có thái độ rất xấu đối với Hoa Kỳ và NATO. Tôi nhớ, tôi đã phải vất vả như thế nào để thay đổi thái độ của những con người bình thường và các nhà chính trị ở đây, ở nước Nga này đối với Hoa Kỳ và phương Tây. Đã rất khó khăn, nhưng tôi đã làm được. Còn bây giờ chả nhẽ chịu mất cả?”Cuộc nói chuyện này diễn ra vào cái lúc mà máy bay của NATO đã cất cánh và đang bay trên bầu trời. Ngày mai đã là chiến tranh.Cách đây không lâu tôi đã xem bộ phim “Giảo quyệt” mà tiếng Anh hình như người ta đặt tên là “Cái đuôi lái con chó”. Một bộ phim rất hay. Phim quay từ trước cuộc khủng hoảng Kosovo. Nhưng với một sự trong sáng đến lạ lùng, những người làm phim đã thấy tất cả: nào điểm nóng kịch biến trên thế giới nơi sẽ phát sinh bất hạnh (Ban-căng) nào bối cảnh chính trị nội bộ nước Mỹ, và nói chung cơ chế xuất hiện chiến tranh như một cái van hay cái cần điều chỉnh những vấn đề nào đó khác, nội bộ.Nhưng trong cuộc sống chiến tranh thường không phải “giả định”. Nó hoàn toàn thực tế, đẫm máu, với những thương vong, tổn thất sinh mạng. Nó làm mất chất những người điều hành nó vì nó làm cho con người quen với chuyên chế sức mạnh, làm cho họ quen không cần nghĩ đến nguyên nhân của những gì đang xảy ra trên thực tế.Theo quan điểm của tôi, điều gì đã xảy ra.Người Mỹ hết sức cần bằng mọi cách kích thích sự đoàn kết của khối Bắc Đại Tây Dương. Đối với họ một cuộc khủng hoảng các giá trị hậu chiến cũng là mối đe doạ nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn từ khác, trên một bình diện khác nước Nga. Họ sợ một sức mạnh đang tích tụ dần của tính tự chủ châu Âu. Tự chủ về kinh tế, chính trị, tinh thần.Đây là giả thiết cá nhân của tôi về các sự kiện. Tôi không áp đặt nó cho bất kỳ ai, mà chỉ đơn giản là muốn mọi người hãy ngẫm nghĩ về khía cạnh này của cuộc khủng hoảng Kosovo.Còn bây giờ xin trở lại các sự kiện ngày ấy.Đây là trích đoạn thông điệp của tôi công bố ngày 25 tháng Ba năm 1999, ngay sau khi bắt đầu các trận ném bom: “Trên thực tế vấn đề là âm mưu của NATO bước vào thế kỷ 21 trong sắc phục của tên sen đầm quốc tế. Nước Nga không bao giờ đồng ý với việc này”.Bằng một tuyên bố chính trị, tất nhiên không thể ngăn chặn được thảm hoạ. Tôi hiểu rằng chấm dứt cuộc chiến tranh này chỉ có thể bằng những nỗ lực hết sức to lớn và cùng một lúc của nước Nga trên cả hai mặt trận: Cần cả sức ép đối với NATO và cả sức ép đối với Nam Tư.Nếu cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai tháng thì nước Nga không tránh khỏi bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Cuộc “chiến tranh lạnh” mới đây đang đến gần. Sự ổn định chính trị trong nước của chúng ta sau khi NATO ném bom Nam Tư đã trở nên hết sức phụ thuộc vào tình hình ở Ban-căng. Những người cộng sản và dân tộc chủ nghĩa toan sử dụng con bài Ban-căng để phá vỡ sự cân bang lực lượng trong xã hội chúng ta. “Bây giờ đây chúng ta được biết giá trị thực sự của phương Tây, - những tiếng điên loạn hô lên. - Chúng tôi đã chả thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo NATO là gì, những người Mỹ đáng nguyền rủa ấy có thể gây ra những gì sao. Hôm nay Nam Tư, ngày mai sẽ là nước Nga”.Rồi sau đó thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu quá trình chống Mỹ, bài phương Tây hung hãn này không bị chặn lại?Cuộc khủng hoảng ở nước Nga sẽ làm căng thẳng hơn cuộc khủng hoảng trên thế giới. Cuộc khủng hoảng lòng tin vào chính quyền có thể dẫn đến những hậu quả chính trị đối nội nghiêm trọng. Thời gian này tôi thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra những vụ lộn xộn đông người, những hành động vi phạm Hiến pháp. Nói cho cùng mọi cuộc chiến tranh đều đe doạ đến cách mạng.Chính điều tôi đặc biệt lo ngại là tại sao những người cộng sản và các phần tử dân tộc chủ nghĩa không hiểu điều này? Chẳng phải chính đó là những thủ lĩnh mà chúng tôi và cá nhân tôi từng gặp hàng chục lần. Nhiều người trong số họ còn gọi tôi là bạn. Chả lẽ họ không thấy một điều đơn giản đến đến hiển nhiên: Bom đạn ở đó, chiến tranh ở Ban-căng - mỗi một quả tên lửa phóng xuống không chỉ là một cú đòn giáng vào Nam Tư, mà gián tiếp vào nước Nga sao.Ở Matxcơva thực sự là những ngày không yên tĩnh. Xung quanh toà nhà Đại sứ quán Mỹ là cả một đám đông cứ sôi lên. Gạch đá, chai lọ bay tới tấp vào các cửa sổ. Trên tường nhà xuất hiện những dòng chữ bất nhã, bỉ ổi. Cái biệt thự nằm trên đường Vòng tròn ấy cách lối sang đường có vài bước chân. Khu vực bảo vệ cách ba mét kể từ đường nhựa. Bất kỳ hành động quá khích nào có thể sử dụng vũ khí đều có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được. Hồi đó công an đã bắt giữ một nhóm quá khích có súng phóng lựu đạn đã lên đạn lao xe ngang bên cạch sứ quán Mỹ. Khó mà hình dung hậu quả vụ phóng tạc đạn.Quốc hội Nga ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác. Các đại biểu Cộng sản ở Duma tiến hành các cuộc đàm phán tích cực với Milosevich về thành lập liên mình quân sự của hai Nhà nước. Bắt đầu công việc tuyển người tình nguyện tham gia chiến đấu bên cạnh người Serbi. Các nhà chính trị dưới mọi màu cờ kiếm điểm thông qua cuộc xung đột Kosovo. Thí dụ Thị trưởng Matxcơva Yuri Luzkov tuyên bố thẳng ủng hộ những người biểu tình cạnh sứ quán Mỹ. Cảnh sát thủ đô thực chất đứng bảo vệ những người biểu tình chứ không phải bảo vệ sứ quán Mỹ.Mặc dù không phải tất cả xã hội trong những ngày đó đều theo quan điểm chống NATO hung dữ, kịch liệt như mấy đại biểu đỏ trong Duma, nhưng nhìn chung thái độ của người dân Nga thực sự lo lắng, căng thẳng. Người ta cảm thông sâu sắc và chân thành tai hoạ của Nam Tư như nỗi đau của chính mình. Người Nga không chỉ lo lắng cho số phận người Serbi ở Cộng hoà Serbi. Mỗi một gia đình Nga đều có những người ra trận, đều có “trẻ em chiến tranh” nghĩa là những đứa trẻ mất cha mẹ trong chiến tranh. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn gần chúng ta đến mức chúng ta chưa quen coi nó là chuyện của lịch sử xa xôi.Vì thế chúng ta cảm nhận bất kỳ một sự căng thẳng nào ở châu Âu như một tín hiệu bất ổn nhất. Cuộc xâm lược của NATO, dù cho họ có biện minh bằng những lý do tốt đẹp đến thế nào thì đối với những người Nga vẫn là một chấn động tâm lý thật sự.Các nghệ sĩ của chúng ta sang biểu diễn tại Belgrad. Báo chí của ta đầy những trang, bài chống Mỹ.Mấy năm sau 1991, xã hội chúng ta thực sự đổi khác. Các quan hệ mới, các giá trị dân chủ - dân chủ, đôi khi ấu trĩ và mù quáng dập khuôn phương Tây - xâm nhập vào lối sống và sinh hoạt của từng người dân Nga quả là khó thấy được. Tuy không phải tất cả được chấp nhận ngay, không phải mọi người đều vừa lòng với sự thâm nhập qua lại của các nền văn hoá, tư tưởng, kinh tế, các hệ thống chính trị và tâm linh, nhưng dần dần bằng những lỗ lực lớn lao nhân dân ta bắt đầu nhận thức, hiểu và tiếp nhận cái thế giới hoàn toàn mới và hoàn toàn không quen biết đối với chúng ta.Thế mà chỉ vài tuần lễ chiến tranh ở Nam Tư tất cả những giá trị này có thể bị tàn phá, triệt để và một đi không trở lạiNhư tôi đã nói ở trên, tôi đã hành động theo hai hướng: gây sức ép đối với NATO và gây sức ép với Milosevich. Cần chặn cuộc chiến tranh lại bằng bất cứ giá nào.Trong khi đó thì tính toán của các nhà chiến lược và chính trị NATO đã bị phá vỡ thảm hại. Nhân dân Nam Tư đã đoàn kết lại chống kẻ thù. Quân đội Nam Tư tuy mất khả năng chiến đấu trên bầu trời nhưng hoàn toàn sung sức trên mặt đất, đã sẵn sàng đối đầu với cuộc xâm lăng của lục quân NATO, có thể chiến đấu kiên cường trên lãnh thổ của mình.Nước Nga vẫn tích cực tìm kiếm giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng.Ngày 14 tháng Tư, tôi bổ nhiệm Victor Stepanovich Chernomưrdin làm đại diện của Tổng thống Nga về giải quyết tình hình ở Nam Tư. Chernomưrdin đã tiến hành hội đàm nhiều giờ với Milosevich, khi tay đôi, khi thì cùng Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari.Tất nhiên, tôi lựa chọn Chernomưrdin không phải ngẫu nhiên. Đã có sức ép khá mạnh từ phía các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Họ cho rằng đối với các cuộc đàm phán loại này cần phải có một nhà ngoại giao có một bề dày kinh nghiệm, hàm cấp cao nên chăng cỡ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngược lại, những người khác lại cho rằng do quan hệ căng thẳng với phương Tây nên cần có một nhà chính trị nổi tiếng được phương Tây kính trọng làm người đứng đầu phái đoàn Nga. Họ tích cực vận động tôi bổ nhiệm Gaidar, người từng đã sống nhiều năm ở Nam Tư khi bố anh ta làm phóng viên báo “Sự thật” ở đó. Sau một thời gian suy nghĩ tôi quyết định chọn Chernomưrdin.Tôi đã tin tưởng trao cho Victor Stepanovich một sứ mạng rất khó khăn. Có lẽ là không có một nhà chính trị nào khác trong lúc ấy tôi có thể tin tưởng và trao sứ mạng đó. Chernomưrdin là một chính khách có tên tuổi, có uy tín đối với cả Nam Tư lẫn phương Tây và trong con mắt giới thượng lưu chính trị Hoa Kỳ. Sự kết hợp hiếm hoi này tạo điều kiện cho ông ta có thể xây dựng được tuyế đối thoại thoải mái, miễn là nắm vững định hướng đến kết quả cuối cùng là nhanh chóng chấm dứt các hành động quân sự.Chính tại đây Chernomưrdin đã thể hiện các phẩm chất tốt nhất của mình, những phẩm chất của một chiến binh già trên chính trường: Kiềm chế, uyển chuyển, ý chí vững chắc để đạt được sự thoả hiệp hợp lý hợp tình.Ngày 22 tháng Tư, Tony Blair gọi điện thoại cho tôi. Đây đã không phải là cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi với ông ta. Chúng tôi gọi cho nhau đã ba hoặc bốn lần từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng. Chúng tôi có một cuộc trao đổi có thể nói là đặc trưng cho những ngày đó.Đây là trích đoạn từ bản tốc ký cuộc nói chuyện giữa tôi và Tony Blair. Tôi nói:“Tôi tin rằng NATO đã phạm sai lầm lớn khi cứ tiếp tục ném bom lãnh thổ Nam Tư. Những hậu quả đều bị tính sai hết. Thay vì sức ép đối với Milosevich, các anh đã củng cố lại vị thế của ông ta. Thay vì giải quyết các vấn đề nhân đạo thì hôm nay chúng ta đang đối mạt với một thảm hoạ nhân đạo thực sự. Thay vì tiến tới quá trình đàm phán, phải nói London cũng mất quá nhiều sức cho quá trình này, chúng ta đã có một bước lùi về phía đối đầu quân sự. Chúng tôi đang lo ngại trước thông tin về những kế hoạch tiến hành chiến tranh trên mặt đất ở Kosovo do NATO soạn thảo. Tôi nói thẳng: đó là con đường dẫn đến vực thẳm đấy.Anh Tony này, tôi kêu gọi anh: Hãy dồn sức chấm dứt sự điên rồ này. Đây là cuộc chiến tranh châu Âu- mà có thể là cuộc chiến tranh thế giới đấy. Milosevich sẽ không đầu hàng đâu. Nếu các cuộc ném bom chấm dứt sẽ mở ra con đường khôi phục lại quá trình đàm phán giữa người Serbi và người Albani, giữa Nam Tư với NATO, kể cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Hãy tỉnh ngộ bây giờ đi, kẻo ngày mai sẽ muộn. Những kẻ đã gây ra cuộc chiến này mà không có sự phối hợp hành động với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì có thể xảy ra”.Tôi chủ tâm đưa ra đây toàn văn trích dẫn dài này. Từ sau cuộc nói chuyện của tôi với Clinton đêm 24 tháng Ba tình hình đã có biến chuyển nhiều. Rõ ràng các cuộc ném bom đã không mang lại điều gì. Nhưng lập trường, thái độ của NATO cũng không hề thay đổi. Blair nhắc lại từng lời Clinton nói với tôi một tháng trước, rằng chúng tôi đã cố gang hết sức, đã nỗ lực tối đa tại các cuộc đàm phán ở Rambuie để tìm kiếm giải pháp chính trị, hoà bình cho vấn đề. Nhưng những gì Milosevich đã làm với những người tị nạn, những hành động của các lực lượng quân đội và cảnh sát Serbi thì chúng tôi không thể cho phép nếu xét từ quan điểm đạo đức và tinh thần... Tôi hỏi lại: Thế ném bom vào đoàn người tị nạn, trong đó có cả người Albani và người Serbi là cái gì - phải chăng cũng biện bạch bằng quan điểm đạo đức, tinh thần?Blair lảng tránh trả lời. Cuối cuộc nói chuyện anh ta chúc các cuộc hội đàm Chernomưrdin - Milosevich đạt kết quả.Các cuộc hội đàm giẫm chân tại chỗ. Các cuộc ném bom vẫn tiếp tục. Nam Tư dần biến thành đống đổ nát. Không còn các nhà máy điện, các cầu bị đánh sập, không còn công nghiệp, không chất đốt, không thực phẩm. Hàng ngày các phi công NATO thực hiện tới 2000 lượt bay. Một nhiệm vụ cụ thể được đặt ra: tàn phá kinh tế của Nam Tư, một đất nước khác, không thuộc phe của họ.Ngày 13 tháng Năm, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Matxcơva thăm tôi trong một chuyến chớp nhoáng.Tôi hỏi Chirac:- Các anh tiếp tục ném bom không thương tiếc xuống Nam Tư, còn nước Nga thì các anh giao cho vai trò người liên lạc đặc biệt của NATO để áp đặt các tối hậu thư của các anh. Chả lẽ các anh không thấy các anh đâu chỉ có ném bom vào Nam Tư.Tôi nói với anh một cách thẳng thắn trên tình bè bạn - Tôi nói tiếp - chúng tôi không và sẽ không tham gia trò chơi này. Chúng tôi yêu cầu, nếu không chấm dứt thì hãy ngừng các cuộc ném bom.Chirac nói rằng ông ta đến Matxcơva không chỉ để nói về Kosovo ông ta nhắc tôi rằng, chính tôi là người thúc đẩy nước Nga đến tương lai, trả nước Nga về với cộng đồng các dân tộc, còn Milosevich - đó là một con người từ quá khứ, một quá khứ xâu xa.Tôi chăm chú lắng nghe Jacques.Câu chuyện bỗng dưng chuyển sang hướng khác.Chirac cho tôi hiểu rằng giữa các đồng minh trong NATO đang tồn tại một thế giới quan của Mỹ và một thế giới quan của Pháp. Quan điểm này của Mỹ thật đơn giản; thế giới này nằm dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ về chính trị. Nhưng Pháp không tán thành. Ông ta nói rằng ông ta không muốn học thuyết vô duyên về thế giới một cực sẽ thắng thế. Nhưng vấn đề hiện nay người Mỹ có các điều kiện để thực thi một chính sách như vậy. Jacques trong một đôi từ giải thích với tôi rằng thời gian gần đây, cụ thể là từ chỉ năm ngoái tình hình châu Âu thay đổi như thế nào do thay đổi các Chính phủ.Tất cả bắt đầu từ Tây Ban Nha, sau đó xuất hiện những Blair, Shroeder. Tất cả bọn họ đột ngột ủng hộ đường lối cứng rắn của Mỹ, chắc là vì những vấn đề chính trị đối nội cả thôi. Chí ít thì tôi cũng hiểu suy nghĩ của Chirac như vậy. Nhưng - Tổng thống Pháp tiếp tục - nước Pháp theo đuổi một luận thuyết khác, quan điểm về thế giới đa cực. Thậm chí một tiểu đoàn của chúng tôi ở Kosovo chỉ thực hiện sứ mệnh thuần tuý nhân đạo - ông ta nói.Cuối buổi nói chuyện Jacques bất ngờ tuyên bố quả quyết rằng tôi cần phải xác định dứt khoát: ủng hộ hay chống Milosevich. Nước Nga chỉ có hai con đường - ông ta nói - Trách nhiệm hay trở thành kẻ ngoài cuộc hoặc dưới sự lãnh đạo của Yeltsin, hãy hội nhập vào thế giới hiện đại. Nước Nga cần phải khẳng định và chấp nhận các nguyên tắc dân chủ, toàn nhân loại.Tất cả đều đúng - Tôi nghĩ - Chỉ có điều làm sao tôi có thể chấp nhận các nguyên tắc dân chủ ấy dưới cái máy sàng bom ở Kosovo?Victor Stepanovich đã năm lần đi lại gặp Milosevich. Bốn lần gặp tay đôi. Có khi các cuộc gặp kéo dài tới chín giờ liền không nghỉ. Chernomưrdin nói lại với tôi rằng, trong những phút câu chuyện đi vào bế tắc, ông ta khẳng định với Milosevich: Chẳng lẽ anh cho rằng anh có thể thắng được cuộc chiến tranh này?Milosevich đã trả lời:- Không, nhưng chúng tôi sẽ không thất bại. Bốn trăm năm đã không ai khuất phục được chúng tôi. Cứ để họ thử coi. Chiến dịch trên bộ nhất định sẽ thất bại.Milosevich có cớ để tin vào thất bại của chiến dịch trên mặt đất nếu NATO định tiến hành. Quân đội Nam Tư có sức chiến đấu và đã hơn một tháng bị dội bom đang nóng lòng được chiến đấu. Nhân dân Nam Tư sẵn sàng đoàn kết xung quanh Milosevich. Hơn nữa có lần Milosevich đề nghị thẳng với Chernomưrdin hãy đàm phán như thế nào để chiến dịch trên bộ diễn ra càng sớm càng tốt.Khoảng một tháng sau thì Milosevich thay đổi thái độ. Ông ta không muốn cuộc xung đột leo thang mà đề nghị chấm dứt chiến tranh.- Nhưng tôi không thể chịu thất bại được” - ông ta tuyên bố với Chernomưrdin.Nước Nga không thể thờ ơ đứng ngó nhìn dân lành đau khổ, người chết trong chiến tranh. Chernomưrdin đã đẩy được Milosevich đến bàn đàm phán mặc dù Milosevich đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được. Thí dụ, ông ta yêu cầu đưa quân đội nước thứ ba, quân Nga, Ucraina và Belarussia mà Duma Nga đang tích cực thảo luận. Ý tưởng này hoàn toàn mang tính trục lợi chính trị, hiếu chiến và phi thực tế. Tuy nhiên, tôi cũng đã chơi nước cờ cho phép thảo luận, mổ xẻ cả đề tài này trong các cuộc đàm phán cốt làm sao cho Milosevich mất cảnh giác.Trên thực tế, mục đích chính công việc cua Chernomưrdin là dụ dỗ, ép buộc Milosevich tiến hành các cuộc đàm phán hoà bình với phương Tây. Chernomưrdin đã gây áp lực rất mạnh đối với những tay thủ lĩnh cộng sản cuối cùng của châu Âu, cho hắn ta hiểu rằng đừng mong gì hỗ trợ quân sự từ nước Nga và mọi tiềm năng ủng hộ chính trị nay cũng đã hết.Chernomưrdin cũng đạt được thoả thuận của người Mỹ là sẽ chuyển giao cơ chế chính trị của giải quyết cuộc khủng hoảng vào tay Liên Hợp Quốc, đưa NATO ra khỏi khuôn khổ chính trị của các cuộc đàm phán. Milosevich không thể chấp nhận đầu hàng dẫu là với nước Nga hay với NATO. Victor Stepanovich lại hai lần bay sang Mỹ, đàm phán với Cliton hai tiếng, với Albert Gore bốn tiếng đồng hồ. Tám điều kiện đầu hàng được thoả thuận với Milosevich mặc dù dưới dạng khác, đã được đưa vào bản Nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Sự đầu hàng bớt đi tính chất nhục nhã. Nó được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.Milosevich đề nghị cho thì giờ để suy nghĩ và thoả thuận với Quốc hội cũng như giới quân sự Nam Tư. Kết quả là văn bản được chấp nhận không có một sửa đổi nào.Chernomưrdin đã làm những gì có thể. Chiến tranh đã chấm dứt.Đồng thời Milosevich đã xử sự hoàn toàn vô nguyên tắc. Trong quan hệ với nước Nga ông ta đặt ra mục tiêu thổi bùng lên sự bất bình của người Nga đối với chính sách đối ngoại của tôi khoét sâu mâu thuẫn trong xã hội, đẩy chúng ta đến sự đối đầu chính trị và quân sự với phương Tây.Ngày 28 tháng Năm, trong chuyến đi Belgrad của Chernomưrdin, phía Nam Tư thông báo là họ chấp nhận những nguyên tắc chung về giải quyết cuộc xung đột Kosovo do nhóm G-8 đề nghị (đây là những kiến nghị của Hội nghị Ngoại trưởng các nước G-8 họp bàn chuyên về giải quyết vấn đề Kosovo).Ngày 1-2 tháng Sáu tại Bonn, Cộng hoà Liên bang Đức, Chernomưrdin, Ahtisaari và Talbort đã thoả thuận ở Kosovo sẽ có hai lực lượng: quân Nga và NATO.Ngày 2-3 tháng Sáu lại Belgrad diễn ra cuộc hội đàm giữa Chernomưrdin, Ahtisaari với Milosevich. Chính quyền Nam Tư đồng ý với kế hoạch giải quyết hoà bình vấn đề Kosovo được thoả thuận ở Bonn. Kế hoạch Chernomưrdin- Ahtisaari gồm thời điểm. Những điểm quan trọng nhất thực ra là yêu cầu của NATO đặt ra trước cuộc chiến tranh. Hồi hương tất cả người tị nạn, bố trí lực lượng kiềm chế của quốc tế, rút các đơn vị quân đội và cảnh sát và giải quyết quy chế chính trị của Kosovo trên cơ sở các thoả thuận đã đạt được ở Rambuie’te.Về thực chất thì Milosevich đã buộc phải trở lại điểm xuất phát. Ông ta bị mất nhiều hơn những gì đã thoả thuận ở Rambuie’te. Nhờ có chiến tranh ông ta đã đạt được mục tiêu duy nhất: loại khỏi vũ đài chính trị tất cả những người đối lập và đối thủ trong nước bằng cái giá của hoang tàn đổ nát và có sự cô lập hoàn toàn trên trường quốc tế. Tôi cho rằng đây là một trong những nhà chính trị khả ố nhất mà tôi từng biết.Tuy nhiên, trong cuộc xung đột Kosovo đã xuất hiện những xu hướng chính trị tồi tệ nhất của châu Âu hiện đại: ví dụ như loại tiêu chuẩn nước đôi. Người ta khẳng định nhân quyền cao hơn chủ quyền, nghĩa là quyền con người cao hơn quyền lợi của từng quốc gia riêng lẻ. Nhưng khi xâm phạm quyền của một quốc gia, các ngài đã vi phạm một cách đương nhiên thô bạo quyền của các công dân thuộc quốc gia này- trước hết là quyền được đảm bảo an mình. Trong chiến tranh có hàng nghìn người Nam Tư bị đau khổ? Lấy cái cân nào mà cân đong quyền của người Serbi ở Kosovo và người Albani ở Kosovo? Đúng dưới chính quyền Milosevich người Anbani bị đàn áp dã man, bị buộc phải rời bỏ quê hương mình. Điều đó bây giờ lại xảy ra với người Serbi. Khác nhau chỉ có một: trong trường hợp trên thì kẻ tiến hành đàn áp là quân đội Nam Tư, còn bây giờ là quân đội giải phóng Kosovo KLA. Đây chính là vấn đề hiệu quả của chiến dịch quân sự.Và đây là điều cuối cùng. Đêm mùng 4 tháng Sáu, tôi đã phải quyết định có nên đồng ý với kế hoạch của các nhà quân sự về việc có nên ném một số quân đổ bộ đến chiếm sân bay Pristina, thủ phủ Kosovo? Mọi tài liệu đã được ký giữa quân Nga và NATO. trong đó có thoả thuận: Các lực lượng quân đội giữ gìn hoà bình đồng loạt, trong cùng một thời gian sẽ tiếp quản các vị trí được phân công. Liệu có cần ném quân chiếm trước sân bay Pristina không?Tôi cứ phân vân mãi. Quá nguy hiểm. Lúc này cần gì phải phô trương lòng dũng cảm, hung hổ vung nắm đấm sau khi đã tàn cuộc ẩu đả.Tuy nhiên trong bối cảnh dư luận xã hội châu Âu hoàn toàn không đếm xỉa đến thái độ và lập trường của chúng ta, tôi quyết định nước Nga nhất thiết phải làm một việc coi như cử chỉ cuối cùng, dẫu nó chả có một ý nghĩa quân sự nào hết.Vấn đề không phải là những thắng lợi hay những thất bại ngoại giao cụ thể nào. Vấn đề là ở chỗ ta sẽ thắng bàn quyết định - Nga không thể để người ta thắng trong khía cạnh tinh thần, không cho ai chia rẽ nội bộ mình, không để bị lôi kéo vào cuộc chiến.Cử chỉ tháng lợi này thể hiện trước toàn thể châu Âu và thế giới. ngay trước mũi một tập đoàn quân sự hùng mạnh của NATO.Một trang bi thảm của lịch sử hiện đại đã được lật qua. Tên lửa và bom đã ngừng rơi trên đất nước Nam Tư. Liệu có được lâu không.Cách chức PrimakovVào khoảng tháng giêng năm 1999, Quỹ “Dư luận xã hội” tiến hành một cuộc điều tra xã hội học thú vị: ai trong số các nhà lãnh đạo nước Nga trong thế kỷ 20 có ảnh hưởng lớn nhất đến vận mệnh đất nước? Kết quả hoàn toàn gây thất vọng: đứng thứ nhất là Breznev, thứ hai là Stalin, thứ ba là Lenin.Tôi cố hiểu lô gích của những người đã trả lời. Chưa hẳn là thời gian gần đây trong thế giới quan của mọi người đã xảy ra một bước thụt lùi ghê gớm đến như vậy về phía sau, về với hệ tư tưởng cộng sản.Vấn đề là ở chỗ khác - suốt thời gian qua, đặc biệt là năm vừa qua, sau khủng hoảng mùa thu 1998 xã hội bùng lên khát vọng ổn định, không muốn bất kỳ mọt sự thay đổi nào nữa.Trong bối cảnh Tổng thống đang cố đẩy nhanh cải cách, làm căng thẳng quá trình chính trị, thì Thủ tướng được đánh giá là nhân tố cơ bản của ổn định bên ngoài và sự bình yên.Chính điều đó đáp ứng được đòi hỏi chủ yếu của quần chúng: “Hãy để chúng tôi yên!”Liệu tôi có quyền đứng ngoài cuộc không? Liệu tôi có quyền cho phép Primakov cứ nhẹ nhàng nắm lấy sáng kiến chính trị rồi đưa đất nước quay trở lại chủ nghĩa xã hội, trở lại cái ngày hôm qua lịch sử? Liệu điều đó có lợi cho nước Nga không?Tôi tin tưởng sâu sắc rằng không, tôi không có quyền đó. Tôi không có quyền cả về mặt đạo đức, chính trị lẫn tình người.Chúng ta đã cực kỳ vất vả mới lôi được đất nước này, dân tộc này ra khỏi chủ nghĩa xã hội, ra khỏi cảnh xếp hàng và thiếu thốn, khỏi cảnh run rẩy trước các cấp uỷ Đảng, và bây giờ bằng một cái phẩy tay tất cả quay trở lại thì thật là một tội ác thật sự.Buổi trao đổi khó chịu đầu tiên giữa tôi và Evgeni Maximovich xảy ra vào tháng giêng. Primakov đề nghị Duma thảo luận một kế hoạch nào đấy về một giải pháp chính trị cho năm tới, trước bầu cử. Thực chất kế hoạch đó là gì?Tổng thống có trách nhiệm không được giải tán Duma quốc gia và chính phủ. Duma chấm dứt việc luận tội Tổng thống và không nêu vấn đề bất tín nhiệm Chính phủ. Chính phủ không có quyền đưa ra Duma xem xét vấn đề tự bất tín nhiệm (trong Hiến pháp có điểm này).Nội dung của thoả thuận này và tất cả các điểm chủ yếu trong đó đều đã quá quen thuộc đối với tôi.Đó là đề cương của bản thoả thuận nổi tiếng được soạn thảo hồi mùa thu năm 1998 khi Duma xem xét đề nghị Chernomưrdin làm Thủ tướng thay Kirienko. Nhưng Chernomưrdin đã bị Duma “quẳng đi” và văn bản này, về ý nghĩa chính trị đã bị chết yểu từ tháng 9.Tại sao Primakov lại quyết định đưa trở lại vấn đề này? Xét theo quan điểm lô gích thì hầu như mọi việc đều trôi chảy: Duma đang chuẩn bị tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống, còn Tổng thống thì ốm đau, bệnh tật - tất cả những chi tiết đó cho thấy quá trình chính trị cần phải có đòn bẩy nào đó.Nhưng chính quyền không phải là phép tính số học, và cũng không phải là bộ ghép hình trẻ con. Đó là một cơ thể sống, trong đó tất cả đều thay đổi từng tuần lễ, đôi khi từng ngày. Nếu như hồi tháng 9 năm 1998 trong đợt xem xét Chernomưrdin, cái “thoả thuận về không tấn công lẫn nhau” theo cách nói của báo chí, là một sự nhượng bộ thì trong tháng giêng năm 1999 này nó là sự đầu hàng hoàn toàn của chính quyền Tổng thống.Cùng với bức thư về thoả thuận chính trị, Primakov đã thảo luận với Chủ tịch Duma quốc gia Genadi Seleznev một dự luật về các đảm bảo dành cho Tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Hoá ra tôi cẩu xin cái gì đó cho mình. Nếu các ngài muốn thông qua dự luật đó thì xin mời cứ việc. Thái độ, lập trường của tôi là như vậy. Nhưng sao lại phải hạn chế quyền hành? Với cái kiểu một sự kết hợp như vậy dự luật đó xem ra không chỉ đơn thuần gây thiệt hại mà là một sự chèn ép trực tiếp đối với tôi một Tổng thống đương nhiệm.Primakov vào thăm tôi ở bệnh viện mang theo văn bản trên. Tôi hỏi:- Evgeni Maximovich, làm sao mà Ngài có thể mang một văn bản đòi cắt xén bao nhiêu quyền hành của Tổng thống ra bàn với Duma và Hội đồng Liên bang mà thậm chí lại không cho tôi hay, không trao đổi gì với tôi? Phải hiểu tất cả những cái này như thế nào đây?Primakov lúng túng, tìm cách thanh minh:- Thưa Boris Nicolaevich, đây chính là tôi đã hành động vì lợi ích của Ngài, lợi ích của toàn xã hội, lợi ích quốc gia. Tôi xin lôi vì không thoả thuận trước với Ngài, tôi sẽ lập tức thu hồi văn bản này lại...Cuộc trao đổi không hề thú vị chút nào, nhưng thật cần thiết. Khi trở ra, Primakov nói phứa với các trợ lý của tôi rằng hình như Boris Nicolaevich không hiểu đúng ông ta.Primakov ngồi để chiếc cặp bằng da trên hai đầu gối. Loại cặp da nhỏ ấy tôi nhớ lắm: các cán bộ lãnh đạo của Đảng, trong đó có các Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, dùng để cất các giấy tờ quan trọng nhất vì với vị thế của mình họ không tiện xách theo những chiếc cặp to. Primakov rõ là muốn mở chiếc cặp, trình bầy về nội dung bản thoả thuận chính trị, nhưng tôi không cho ông ta cơ hội làm việc đó, và ông ta cứ ngồi như vậy trong suốt cuộc nói chuyện với chiếc cặp da trên hai đầu gối. Tôi thậm chí cảm thấy có phần thương hại ông ta.Toàn bộ giai thoại này nói chung không có cái gì quan trọng. Hoàn toàn có thể những ý định của Primakov là chân thành. Nhưng sự việc lại cho tôi cái cớ để suy nghĩ đến vấn đề hoàn toàn khác: các cơ sở của Hiến pháp có thể bị xói mòn. cuộc cải cách chính quyền từ nền Cộng hoà Tổng thống sang nền Cộng hoà Nghị viện có thể xảy ra một cách lặng lẽ. Tôi vẫn coi Primakov là vị Thủ tướng “của mình” và nhớ rất rõ chúng tôi đã mất bao nhiêu sức lực mới thuyết phục được ông ta đảm nhận chiếc ghế này.Nhưng, như tôi đã nói, mấy tháng qua bầu không khí chính trị trong nước đã thay đổi về cơ bản.Trên tất cả các cương vị công tác của mình Primakov đặc biệt trung thành với tôi. Rất lịch lãm, ân cần, chu đáo và gần gũi. Trong dội ngũ các nhà chính trị trẻ tuổi bước vào chính trường sau năm 1991, tôi với ông ta là những lão làng thực thụ, những “đại gia” bắt đầu sự nghiệp chính trị từ thời Xô-viết. Ông ta luôn nhận thức rõ điều này. Không bao giờ gây xung đột. Giữ khoảng cách với cuộc dấu đá quyền lực ở Kremli, với mọi biến động ở hậu trường. Làm việc lâu trong Cơ quan Tình báo Đối ngoại ở Yasenevo, sau đó ở Bộ Ngoại giao trên Quảng trường Smolnưi, bình tĩnh, biết chăm lo vun vén đến danh tiếng của mình, một nhà chuyên môn thực sự. Ông ta biết rằng tôi đánh giá cao ông ta chính vì điều đó. Chính những phẩm chất, kinh nghiệm và hiểu biết là yếu tố quyết định để tôi bổ nhiệm ông ta làm Thủ tướng.Vì sao tôi đề cập một cách chi tiết về những chuyện này? Tôi muốn bạn đọc hiểu được nỗi uẩn khúc rất khó lý giải trong quan hệ của chúng tôi: bởi vì khi bổ nhiệm Evgeni Maximovich làm Thủ tướng Chính phủ, tôi đâu có nghĩ rằng chỉ vài tháng sau giữa chúng tôi sự không hiểu nhau đã trở thành một bức tường ngăn cách.Điều thật là nghịch lý: Một Primakov “nhún nhường” và “đoàn kết” dần dần lại trở thành một nhân tố chủ yếu gây lo sợ đối với phần lớn giới kinh doanh tức là giai cấp trung lưu, đối với các phương tiện thông tin đại chúng, đối với nhiều nhà chính trị và cả các phe nhóm đại biểu trong Duma Quốc gia.Muốn hay không, Evgeni Maximovich đã tập hợp xung quanh mình các lực lượng phản đối kinh tế thị trường, chống tự do hóa, tấn công quyền tự do ngôn luận và điều đó không thể không làm cho các nhà báo lo lắng.Đặc biệt ấn tượng là trận Primakov xỉ vả Đài truyền hình Nga. Triệu tập hẳn một tập thể các nhà báo, ông ta đã mắng nhiếc họ suốt cả một tiếng đồng hồ, moi móc ra nào là các sai lầm, nào là giọng điệu không thể chấp nhận được, điều gì có thể và điều gì không được nói về Chính phủ.Tôi nhớ trong một cuộc gặp, khi ông ta hết lần này đến lần khác chửi bới các nhà báo, tôi đã chân thành khuyên ông ta:- Evgeni Maximovich, đừng để ý đến điều đó, không ai có thể làm chúng ta bất hoà, chúng ta đã thoả thuận với nhau thế nào nhỉ, cùng nhau làm việc đến năm 2000, đúng không?- Đúng vậy - ông ta trả lời.Suy nghĩ một phút ông ta bỗng đề nghị:- Thưa Boris Nicolaevich, ngay bây giờ ta gọi một nhóm phóng viên truyền hình đến. và Ngài hãy nhắc lại những lời đó để cho tất cả cùng nghe.Một lúc sau các phóng viên vô tuyến truyền hình được mời vào phòng và tôi đã nhấn mạnh từng từ:- Quan điểm của tôi là: tôi làm việc đến kỳ bầu củ năm 2000. Quan điểm của Thủ tướng là: ông ấy làm việc đến kỳ bầu cử Tổng thống mới.Tôi tiếp tục chìa tay cho ông ta, muốn cho mọi người cùng thấy rằng chúng tôi cùng một đội hình, cùng theo đuổi một sự nghiệp, cùng làm một việc.Tôi nói, nhưng Primakov không nghe tôi, ông ta không thể hay không muốn nghe, thì tôi cũng không biết. Đôi khi tôi rất muốn nhắc ông ta “Evgeni Maximovich, hãy tỉnh ngộ lại đi! Quanh ta bây giờ là một đất nước khác rồi?”. Nhưng tôi ngại ông ta sẽ giận, nghĩ rằng bị sỉ nhục.Cũng có thể đây là một sai lầm của tôi.Mùa xuân năm 1999 đó còn xảy ra một sự kiện đáng nhớ nữa trong dời sống xã hội của chúng ta. Trong một cuộc họp Chính phủ. Bộ trưởng Tư pháp Pavel Krasheninikov báo cáo về vấn đề ân xá. Pavel Krasheninikov cho rằng đợt ân xá sắp tới vào tháng 5, theo truyền thống sẽ miễn trách nhiệm hình sự cho những dối tượng không bị mắc các “trọng tội”. Tổng số người được trả tự do sẽ là chín mươi tư ngàn. Bỗng nhiêu Evgeni Maximovich ngắt lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp: “Đây là một biểu hiện nhân đạo, rất đúng - ông ta nói - Nhưng điều đó còn cần thiết là để dành chỗ cho số người sẽ bị bắt giam về các tội phạm kinh tế”.Chắc mọi người đều nhớ câu này. Mùa xuân ấy các công dân Nga lũ lượt xách va ly rời bỏ Tổ quốc. Đã quá rõ là ngài Thủ tướng nổi tiếng được lòng dân đang có tham vọng trở thành lãnh tụ toàn dân lại đang sống trong cảnh trói buộc bởi các khuôn mẫu Xô-viết.Tôi thực sự đau lòng. Đó không phải là lỗi lầm, mà là bi kịch của Primakov. Evgeni Maximovich không chỉ tự dồn mình mà dồn tất cả chúng ta vào ngõ cụt.Trong nước đã xảy ra các quá trình bất ổn. Đã khởi tố nhiều vụ án hình sự khó hiểu. Những người dân vô cớ bị bắt giam. Một số nhân viên các cơ quan đặc biệt trong lúc thẩm vấn và lục soát, khám xét các nhà doanh nghiệp đã không giấu giếm rằng: sắp tới sẽ còn những đòn phục thù cho những năm tháng vừa qua. Gần như toàn bộ giới kinh doanh và doanh nhân cao cấp Nga sống trong đau buồn và thất vọng về tương lai của mình. Tình hình đó đe doạ đất nước sẽ bị chia rẽ trong vấn đề cơ bản nhất, đó là vấn đề cải cách kinh tế.Cuộc khủng hoảng Kosovo đã làm cho tinh thần chống phương Tây trong xã hội tăng lên, và Primakov hoàn toàn có thể tập hợp được các nhà chính trị luôn mơ tưởng đến sự cô lập mới của nước Nga, đến một cuộc “chiến tranh lạnh” mới.Nếu tiếp tục để Primakov lại trong chính quyền sẽ xảy ra sự phân chia trong xã hội thành hai phe đối địch sâu sắc. Đó là một xu hướng nguy hiểm.Việc kéo dài quá trình này, trở lại các phương pháp lãnh đạo thời Xô-viết có thể sẽ biến việc cách chức Primakov thành xung đột thật sự.Điều hoàn toàn rõ ràng là tôi không thể chờ đến mùa thu hoặc đến năm 2000 như tôi đã trù tính trước đây. Không thể được.Tháng 3 tôi bổ nhiệm Alexandr Volosin thay Nicolai Bordiuza làm Chánh Văn phòng Tổng thống.Quyết định cử Volosin giữ cương vị này đã chín muồi hơn một tháng trước đó. Anh ta làm việc đã lâu trong Văn phòng và một năm rưỡi trở lại đây làm Phó Chánh Văn phòng phụ trách các vấn đề kinh tế. Trước đây, tôi chưa biết anh ta mấy, chỉ đọc qua những báo cáo kinh tế do anh ta soạn gửi riêng cho tôi. Mấy tháng gần đây chúng tôi gặp nhau hầu như hàng ngày.Volosin chịu trách nhiệm mảng kinh tế trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống gửi Quốc hội. Tất nhiên trong quá trình thực hiện công việc phức tạp này nảy sinh biết bao câu hỏi. Tôi hỏi các cộng sự và họ hỏi lại tôi.Trong các buổi làm việc tôi thường thảo luận kỹ với Volosin xem cần chú trọng khái quát vấn đề gì, còn vấn đề gì phải rất chi tiết. Tôi thấy ưng cái cách anh ta trình bày vấn đề một cách điềm đạm, hơi khô khan, cách anh ta diễn đạt, biểu lộ quan điểm có các luận cứ chứng minh, cách tranh luận ôn tồn, không gay gắt. Volosin thuộc thế hệ các nhà chính trị tuổi hơn bốn mươi, bước vào chính trường không phải để làm chính trị và danh vọng. Những thứ đó họ đâu có cần. Bất cứ ai trong số họ (có lẽ Volosin hơn ai hết) lúc nào cũng sẵn sàng trở lại cuộc sống lặng lẽ đời thường của mình. Không, họ tham gia chính trường là muốn làm cho chính quyền mạnh hơn, hiệu quả hơn. Họ làm chính trị cốt để chứng minh cho tất cả, trong đó có chính bản thân họ, rằng nước Nga sẽ trở nên một đất nước văn minh và dân chủ.Bề ngoài Volosin giống như một bác học mang nét đặc trưng của một quan chức văn phòng. Khuôn mặt không biểu cảm của một con người kín đáo. Nói năng nhỏ nhẹ, khẽ khàng. Nhưng Alexandr Stalevich lại trở thành một người hoàn toàn bình thường, sôi nổi, một người đối thoại thông minh, sắc sảo một khi ta đã gần gũi anh ta.Tôi thường dậy sớm, vào bốn hoặc năm giờ sáng. Sau một chầu nước chè tôi lên phòng làm việc ở tầng hai, nơi để bàn làm việc có các tài liệu khẩn cấp. Tôi cầm một bản lên xem, đó là nội dung Thông điệp Liên bang. Tôi đọc cho tới chỗ không vừa ý.Nhấc máy điện thoại “liên lạc đặc biệt” yêu cầu nối máy với Volosin. Vài giây sau có tiếng nhân viên tổng đài:- Thưa Boris Nicolaevich, Volosin đang cầm máy, liên lạc công khai.“Công khai”, nghĩa là không mã hoá. Vấn đề là chỗ ở Volosin đang sống ở căn hộ trong một ngôi nhà bình thường trên đại lộ Lenin, đường liên lạc đặc biệt không mắc tới chỗ đó, cho nên tôi liên lạc với anh ta qua bưu điện thành phố. (Vì phải trao đổi với Volosin những vấn đề bí mật nên ít lâu sau vấn đề mới được giải quyết. Các chuyên gia của FAPSI mang đến đặt ở phòng anh ta một cái hòm đặc biệt. Volosin không được hài lòng lắm vì cái hòm chiếm đến một nửa gian phòng chín mét vuông).Dần dần qua những lần trao đổi khác nhau giữa tôi và anh ta xuất hiện mối quan hệ đặc biệt, rất tình người. Khi tôi hiểu đã đến lúc thay người điều hành Văn phòng Tổng thống thì ứng cử viên duy nhất là Volosin.Sự thật là trước khi ký sắc lệnh bổ nhiệm Volosin tôi có gọi cho hai cựu Chánh Văn phòng Tổng thống của tôi là Chubais và Yumasev đến hỏi xem họ đánh giá thế nào về Volosin. Đây là những người hiểu biết rất rõ công việc này, biết chính xác trên cương vị này cần có những phẩm chất gì. Cả hai đều hoàn toàn ủng hộ phương án của tôi. Khi Primakov biết về quyết định này, ông ta rất buồn, thậm chí giận tôi. Về sau, không kìm được nữa ông ta hỏi tôi:- Thưa Boris Nicolaevich, vì sao Ngài sa thải Bordiuza?Tôi trả lời:- Anh ta không làm nổi.Có điều tôi bảo Volosin đích thân báo cáo cho Primakov biết việc bổ nhiệm anh ta và cách chức Bordiuza. Volosin gọi điện cho Primakov:- Evgeni Maximovich, tôi là Volosin. Từ ngày hôm nay, Tổng thống đã bổ nhiệm tôi làm Chánh Văn phòng Tổng thống.Điều đó, tôi nhắc lại một lần nữa, đã làm Primakov rất buồn bực. Ngay từ buổi đầu quan hệ của họ đã không được ổn. Volosin là một người hoàn toàn xa lạ với Thủ tướng.Nước Nga - đất nước của những người đầy nhạy cảm. Chúng ta đã được sinh ra như thế, biết làm sao. Trong chính trị những sắc thái cảm xúc và tinh thần của con người lắm khi xoắn kết với nhau một cách kỳ cục. Thí dụ, một người cầm quyền ở nước Nga thường xuyên bị phê phán gay gắt, nhiều khi bị oán giận vô cớ dù cho người đó giữ lập trường chính trị nào. Mặt khác, chính người lãnh đạo đất nước (trong trường hợp này là Thủ tướng) ở nước Nga lại trở thành một trung tâm chính trị hùng mạnh đoàn kết các lực lượng khác nhau nhất. Với nửa năm làm Thủ tướng chắc hẳn Evgeni Maximovich đã cảm nhận được xu hướng đó, cảm nhận được viễn cảnh chính trị của mình với tư cách Thủ tướng Chính phủ có thể tham gia tranh cử Tổng thống năm 2000 với vai trò thủ lĩnh một phong trào xã hội nào đó.Nhưng xu hướng này hoàn toàn không làm tôi vừa ý. Với tất cả sự trung thực, đúng đắn của mình, thậm chí trung thành với Tổng thống, Primakov dứt khoát không thể là vị Thủ tướng bước ra tranh cử Tổng thống năm 2000. Theo ý tôi vai trò này nước Nga cần dành cho một con người với cá tính trì tuệ hoàn toàn khác, thuộc thế hệ khác.Dẫu muốn hay không thì Primakov đã tập hợp quá nhiều sắc đỏ cho cái cơ sở chính trị của mình.Còn việc cách chức Primakov xảy ra khá nhanh và dứt khoát thì những người có lỗi chính là những người đã sốt sắng xây dựng nhũng pháo đài chính trị nào đó ngăn cách giữa Thủ tướng với Tổng thống.Ngay từ ngày 19 tháng 8, Ziuganov đã kêu gọi sử dụng các uỷ ban bãi công và các cuộc biểu tình của quần chúng để bảo vệ Chính phủ (tuy các cuộc gặp tư vấn giữa Primakov với lãnh đạo Đảng cộng sản Liên bang Nga diễn ra thường xuyên nhưng tôi không hỏi gì Evgeni Maximovich tức là tôi đã không can thiệp vào chuyện này). Vậy là, những người cộng sản lập kế hoạch gây ra một hiệp nữa cho cuộc đấu chính trị vào tháng 5 - vòng bỏ phiếu quyết định ở Duma luận tội Tổng thống. Uỷ ban công tác về luận tội đã làm việc suốt hơn một năm qua. Có năm khoản buộc tội: ngoài tội “diệt chủng dân tội Nga” tôi đã nhắc ở trên còn có tội làm tan rã quân đội, sự kiện năm 1993, Hiệp ước Belovez và thành lập Cộng đồng các Quốc gia độc lập SNG, chiến tranh Chesnia.Chính là những người cộng sản đã chọn đúng thời điểm cho cuộc bỏ phiếu vào tháng 5. Có thể họ cho rằng một vị Tổng thống đang bị xem xét luận tội, tính mạng chính trị treo trên sợi tóc bất định làm sao dám cách chức Thủ tướng Chính phủ. Cũng có thể họ muốn hích mạnh hơn cho Tổng thống xung đột với Chính phủ, kêu gọi quần chúng nổi loạn để cuối cùng ép Hội đồng Liên bang tấn công tôi. Nhưng dù có như thế hay không thì chính việc luận tội ở Duma đã đẩy nhanh việc cách chức Primakov. Bởi vì với tôi bây giờ vấn đề còn lại thực sự đơn giản: sa thải Primakov trước hay sau khi Duma bỏ phiếu.Một bộ phận đáng kể các trợ lý của tôi trong Văn phòng Tổng thống không tán thành cách chức Primakov trước cuộc bỏ phiếu. Lý lẽ của họ thật đơn giản: sau khi cách chức Primakov, việc luận tội là không tránh khỏi. Hơn nữa, Tổng thống tự dấn thân vào thủ tục luận tội: sau khi giải tán Chính phủ thân cộng sản thì cánh tả trong Duma bằng bất cứ giá nào cũng tập hợp lại để gỡ gạc thất bại chính trị.Tôi nhận định lại khác.Nước cờ quyết đoán, bất ngờ, tấn công bao giờ cũng áp đảo và vô hiệu hoá đối phương. Hơn nữa, xem ra nó phải hoàn toàn phi lô gích và bất thường, không tiên đoán được. Trong cả quãng đời làm Tổng thống, tôi đã nghiệm thấy điều này là đúng.Nếu theo lập trường chờ đợi thì không chỉ nguy hiểm trong lĩnh vực tâm lý. Nếu cuộc bỏ phiếu ở Duma đạt kết quả và các thủ tục phế truất bắt đầu thì trong trạng thái bất định tôi sẽ rất khó cách chức Primakov. Các đại biểu Duma Quốc gia biết rõ điều đó không kém gì tôi.Vài ngày sau cuộc bỏ phiếu Duma, một cuộc họp Hội đồng Liên bang đã được sắp xếp vào 17 tháng 5 để thông qua một Nghị quyết đặc biệt ủng hộ Chính phủ. Theo đánh giá của tôi, có tới một đa số áp đảo các thượng nghị sĩ, khoảng 120-130 người đã sẵn sàng ủng hộ Thủ tướng.Bỏ phiếu ở Duma luận tội Tổng thống, sự ủng hộ của Hội đồng Liên bang đối với một Chính phủ. Một tình thế như vậy sẽ củng cố rất mạnh đến vị thế của Evgeni Maximovich. Còn đây là điều cuối cùng: sự tồn tại trên vũ đài chính trị một nhân vật chính trị nặng ký như Primakov, cả về mặt tâm lý và cả trực tiếp thông qua các quan hệ, các thoả thuận khác nhau sẽ tác động rất mạnh đến các đại biểu. Dẫu cho tôi có quan hệ tốt đến mức nào đối với Evgeni Maximovich, tôi cũng không có quyền mạo hiểm với tương lai của đất nước.Việc cách chức Primakov thực tế đã được quyết định dứt khoát từ giữa tháng 4.Bước đầu tiên là bổ nhiệm Sergei Stepasin làm Phó thủ tướng.Theo Hiến pháp thì quyền Thủ tướng chỉ có thể là người đương chức Phó thủ tướng. Không ai trong số Phó thủ tướng của Primakov làm tôi vừa ý.Evgeni Maximovich đối xử với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sergei Stepasin nhẹ nhàng, mềm dẻo, người duy nhất trong Chính phủ được Thủ tướng xưng hô “anh - tôi”. Evgeni Maximovich cho rằng Stepasin không nguy hiểm với ông ta nên đã đồng ý bổ nhiệm Stepasin.Từ lúc này trên báo chí người ta bắt đầu bàn tán, tranh luận xem ai được Tổng thống chấm định kế nhiệm Primakov: nhà kinh tế Acsenenko hay ông Bộ trưởng Nội vụ Stepasin.Sự chờ đợi những thay đổi đang lan toả khắp nơi. Người ta đang chờ đợi một cái gì đó. Còn tôi cũng quyết định cùng tham gia trò chơi để kích thích thêm sự chờ đợi. Trong một cuộc họp thường kỳ ở Kremli (đó là cuộc họp của Uỷ ban chuẩn bị đón thiên niên kỷ thứ ba), giữa bài phát biểu tôi bỗng ngừng lời và yêu cầu Stepasin chuyển chỗ sang ngồi cạnh tôi phía tay phải. Trước ống kính máy quay truyền hình là một cảnh rất lạ mắt, khó hiểu đối với nhiều người, nhưng rất quan trọng trong lúc đó là thủ tục chuyển chỗ của Sergei Vadimovich từ ghế này sang ghế khác gần tôi hơn.Hồi đó còn cả nỗi ấm ức bị dồn tụ lâu ngày, do một nguyên nhân đơn giản: tôi chưa quyết định ai sẽ làm Thủ tướng tiếp theo và chưa thể quyết định được cho đến ngày cuối cùng.Tôi không thể trao đổi, thảo luận với ai, trong khi phải quyết định bất ngờ và cái chính là phải hết sức chính xác.Nghịch lý cơ bản là ở chỗ tôi đã chọn rồi.Đó là Vladimir Putin, Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang. Nhưng đặt anh ta lên ghế Thủ tướng thì tôi chưa thể, hãy còn quá sớm.Ngày 12 tháng 5, một ngày nắng đẹp, tôi đến Kremli làm việc. Chúng tôi ăn sáng cùng nhau như mọi khi. Tôi nghĩ: Hôm nay vợ tôi ở nhà mở vô tuyến và sẽ nghe tin Primakov bị cách chức.Ra đến cửa, nhìn vào mắt bà ấy, tôi bỗng nhủ thầm: bà đừng lo lắng gì. Đừng có xúc động. Tất cả sẽ ổn thôi.Cuộc chia tay với Primakov cực kỳ ngắn ngủi. Tôi thông báo ông ta đã bị cách chức và nói tôi cảm ơn ông ta về công việc vừa qua.Primakov chậm chạp nói:- Tôi xin chấp hành quyết định của Ngài. Theo Hiến pháp, Ngài có quyền làm điều này, nhưng tôi cho rằng đây là một sai lầm.Tôi nhìn lại Evgeni Maximovich một lần nữa. Tiếc thật. Tiếc quá.Đây là một cuộc bãi chức xứng đáng nhất trong tất cả các cuộc bãi chức tôi đã chứng kiến. Xét về ý nghĩa chính trị đây là một Thủ tướng rất mạnh. Một nhân cách lớn, rất lớn.Primakov lui ra, bước nặng nề, mắt nhìn xuống.Tôi cho mời Stepasin vào phòng.Thời gian trôi đi, nhưng không có gì thay đổi trong nhận định trước đây của tôi. Mặc cho bao nhiêu thời khắc khó khăn khác nhau trong quan hệ của chúng tôi, tôi tiếp tục đối xử với Evgeni Maximovich với một lòng kính trọng lớn lao.Tôi rất mừng vì giờ đây chúng tôi có thể không cần để tâm đến việc ai trong chúng tôi ở phía nào của chiến tuyến chính trị. Bây giờ chúng tôi cùng nhau mừng cho Tổng thống mới, hồi hộp theo dõi nhường bước đi đầu tiên của anh ta.Nếu muốn có thể cùng nhau đi câu cá. Mặc dù lúc đó, ngày 12 tháng 5 khó mà mường tượng được.