Rừng khộp mênh mông. Trời cao nguyên xanh thăm thẳm. Gió như đàn thú dữ lồng lộn khắp rừng ù ù suốt ngày suốt đêm. Lá khộp như những bàn tay vẫy lấp lánh, lấp lánh vô hồi vô tận.Nắng! Nắng ồi ồi lửa. Rừng khô rang. Đá bốc khói. Nước bị mặt trời nung cháy hút sạch. Nền rừng kiệt nước trắng phớ một màu. Những con cua có bộ giáp vững chắc như thép cũng không chịu được nóng phải rời khỏi hang hốc chui lên mặt đất kiếm chút sinh khí. Những con phượng hoàng đất xoè đôi cánh che rợp cả mặt trời uể oải quạt gió. Đâu đó, lừng thững bước voi đi dấu chân hằn trên đá, in vào hồng hoang. Không gian khoác màu nguyên thủy u tịch, hoang man, rợn rùng. Đi vài giờ đồng hồ, ta mới gặp một bản lèo tèo mấy nếp nhà sàn, mái lợp ngói gỗ ẩn bóng me xanh. Xa xa, ngôi chùa chơ vơ tịch liêu. Hoa cham pa bảng lảng hương hư vô. Lốc cốc tiếng mõ buồn. Người ta đã bay lên vũ trụ vậy mà ở đây vẫn đóng khố, cởi trần, chọc lỗ tra hạt. Con người ở đây gần hoa lá cỏ cây, gần đất, gần trời, gần trăng sao, mây gió. Họ đã tin, đi trên rừng gươm vẫn tin, đã yêu núi sập cũng yêu, đã ghét cho vàng vẫn ghét, đã căm chém đá rửa hờn.Rừng khộp vẫn mênh mông. Không gian, thời gian vẫn thế. Nhưng mặt trời đã biến mất. Mưa! Mưa Trung Lào ù ù như xay lúa. Trời có bao nhiêu nước nghiêng cả xuống rừng. Hàng tháng, đất trời không tia nắng mỏng manh. Lính chúng tôi phải nhảy lên điểm cao tránh lũ. Quan trọng hơn, chúng tôi phải chuyển kho đạn lên khu vực mà nước lũ không "xâm lược" được. Điểm cao bỗng hoá thành đảo giữa rừng. Để trốn lũ, rắn, rết, kiến, mối... ngoi cả lên đỉnh cao mà sống, mà thương yêu nhau, mà cắn xé nhau. Kẻ thù nham hiểm cứ nhè các điểm cao vãi bom đạn. Rừng cũng vô số kẻ thù nhưng chúng tôi sợ nhất kiến và mối. Hai binh chủng này đông tới tỷ tỷ con. Thân dù bé nhưng gan của chúng không loài nào sánh kịp. Chúng không có khái niệm chết. Một kẻ thù đã không biết chết là gì thì sự hung hãn đối với chúng cũng như sự yêu thương. Kiến rừng Lào to và đen, nanh sắc nhọn như kim, nọc như axít. Ai bị dăm bảy con đốt đã bứt rứt, đứng ngồi không yên, bị dăm bảy chục con đốt có thể phát điên. Nếu ai bị vài trăm con găm nọc độc vào da thịt là quỵ. Lúc ấy, điều kinh hoàng xảy ra. Toàn thân người bị phủ một lớp kiến không biết bao nhiêu tầng, chỉ thấy một đống động vật nhung nhúc mang hình người cựa quậy làm cái việc chúng hằng làm. Vài ngày sau, thân thể người không may ấy biến thành một đống xương. Vài tháng sau, đống xương ấy cũng biến mất. Kiến là vậy nhưng thi tài với mối kiến cũng chỉ là á quân. Mối rừng Lào to, mõn đen, răng như hai gọng kìm. Đàn mối di chuyển như cơn giông rào rào trên nền rừng. Trừ đất đá sắt, các vật còn lại đều bị chúng nghiền nát trên đường chúng đi qua. Có chiến sỹ mệt quá lười mắc võng trải bạt xuống nền rừng nằm, lúc thấy chân tay nhức buốt mới bật dậy, cái bạt chỉ còn lại đúng hình người nằm. Phần bạt xung quanh hình người nằm đã bị đàn mối đưa vào bụng chúng, Phần quần áo tiếp giáp với đất lỗ chỗ như tổ ong. Chân tay, mình mẩy nhiều chỗ đã bị mối gặm, máu rỉ ra. Vài ngày sau, chỗ da thịt bị mối gặm mưng mủ rồi thối ra, đau đớn không tả xiết. Rừng khuya, đất lạ, mưa vây trùng trùng, buồn thiu buồn chảy, buồn nổi váng trong lòng. Để phá vỡ không khí u trầm ấy, Đỗ Trung Tấn "khai hoả": - Anh Xuân này, anh có tiếc Đại học Tổng hợp không? Mai Như Xuân bần thần giây lát, đáp: - Tiếc chứ! Nếu không phải ra trận, mình ra trường hơn hai năm rồi. Nguyễn Ngọc Hải anh chàng ù lỳ nhất đại đội mà lúc ấy cũng lên tiếng: - Giá không có giặc, anh Xuân thành Nhà văn rồi ấy chứ. Xuân đáp giọng buồn buồn: - Nhà nọ nhà kia còn lâu lắm nhưng những trang viết thì có rồi. Vào đầu năm học thứ ba, mình đã lập xong dàn ý viết lại một chuyện rất hay mà ông mình đã kể nhiều lần. Tuổi thơ của mình được tắm trong câu chuyện lấp lánh đó. Tiếc rằng … Anh chàng lém nhất quê ở "Thái Bình bay" tên là Nguyễn Quang Ngân góp lời: - Anh Xuân này, những chuyện anh đã kể cho chúng em nghe anh đều rút từ "kho Đại học" mà ra phải không? - Không hẳn như thế. Có chuyện mình nhặt được ngoài đời. Các làng, các xóm còn nhiều câu chuyện hay lắm. Sau này trở về, mình sẽ la cà ở các làng các xóm góp nhặt những chuyện vương vãi làm thành một quyển sách. Tấn đề nghị: - Mưa thối ngày thối đêm thế này, đài lại hết pin, sách báo không có, anh kể chuyện đi.Ngân tiếp lời: - Anh chơi một cú dài dài vào chứ như mọi ngày không bõ dính răng. - Phải đấy! - Yên tâm đi. Anh Xuân còn một kho trong bụng kia mà. Trung đội trưởng Mai Như Xuân suy nghĩ một lúc có lẽ là anh lục lọi trí nhớ rồi nói: - Thôi thế này, trung đội còn gần hai chục người mà khu kho lại rộng. Chia làm bốn kíp không bao hết kho, ta chia làm ba kíp thôi. Ba khẩu đội trưởng làm ba kịp trưởng. Số vũ khí này chuẩn bị cho mùa khô tới đấy. Anh em ta phải bảo quản cho thật tốt. Tơ lơ mơ là Chính uỷ Khả Phong cho xơi "món kỷ luật" ngay. Anh em có nhất trí không? - Nhất trí! - Nhất trí! Nhất trí! - Minh sẽ làm lại lịch gác treo ở hầm trung đội. Lịch gác và lịch "hậu cần" chung một bảng quay theo chiều kim đồng hồ. Lịch gác, bạn đọc cho tôi được phép không giải thích. Còn lịch "hậu cần", tôi xin la cà một chút. Đầu đuôi là thế này: Đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng 3 năm 1965, trung đoàn tôi bị một cú đậm ở Đồng Hến thuộc tỉnh Khăm Muộn trung Lào. ấy cũng là do trinh sát lơ mơ và chuẩn bị tác chiến ẩu. Sau trận đó, trung đoàn phải hành quân về phía đông củng cố. Để chuẩn bị cho mùa khô năm sau, trung đoàn để lại một phần lớn vũ khí chủ yếu là các loại đạn. Trung đội của Mai Như Xuân được phân công ở lại bên đó trông coi số vũ khí ấy. Rất ưu tiên, trung đoàn cũng chỉ lo cho trung đội của Mai Như Xuân số gạo tính đến từng lon đủ ăn trong bốn mươi lăm ngày. Tính đến mùa khô, số gạo ấy chỉ duy trì sự sống của chúng tôi được non nửa thời gian. Số gạo còn thiếu, chúng tôi chờ tiếp tế của Đất Thánh. Nhưng từ sau ngày mồng 3 tháng 4 năm 1965, giặc đánh Hàm Rồng. Thanh Hoá, chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của "Nhà trắng" ngày càng ác liệt. Nguồn tiếp tế của chúng tôi bị đứt. Vấn đề đơn giản mà thiêng liêng là chúng tôi phải sống. Gạo hết, chúng tôi trông vào rừng suối. Còn nhân dân Lào, họ rất thương bộ đội Việt Nam nhưng họ nghèo lắm, nghèo hết mức nghèo. Bởi vậy, lo hậu cần đối với chúng tôi là tối thượng, tối linh. Trong trung đội, người nào cũng phải tìm thức ăn để mà sống. Để có tổ chức và mang tính chất bắt buộc, mỗi khẩu đội phải lo ăn một ngày, luân phiên nhau. Do đó, lịch "hậu cần" xuất hiện. Các khẩu đội cứ theo lịch mà làm, không phải đôn đốc. Cứu tinh của chúng tôi là măng rừng thay cho gạo. Thức ăn là cá suối, cua rừng, rắn, bọ cạp, mối đất. Bọ cạp và mối đất mà rang lên thì trên cả tuyệt vời. Riêng muối, Mai Như Xuân phải trực tiếp quản lý. Vì nếu không có muối, bệnh phù nề xuất hiện ngay. Do đó, muối thành hàng chiến lược, vàng ngọc cũng phải đứng sau muối. Chao ôi, muối ở quê ta ai cất lời cũng xin được hàng bát nên nó rẻ rúng lắm. Nhưng sang tới đất bạn, muối là hoàng đế. Hơn hai tháng trời, chúng tôi không một hạt gạo. Vậy mà chúng tôi vẫn sống bằng khả năng vượt lên sự chết bủa vây. Bản năng sinh tồn của con người thật kỳ diệu. Sau khi đã bài binh bố trận lại cho hợp với hoàn cảnh chiến trường, Mai Như Xuân nói với anh em trong trung đội: - Hôm nay, mình sẽ cho các cậu nghe một cú "trường thiên", có lẽ cũng phải mươi, mười lăm buổi mới hết. Vì là trường thiên nên không có chuyện kể lại đâu. Ai đến kíp gác mà không được nghe thì nhờ người đã được nghe kể lại. Có tán thành không nào? Mọi người đều tán thành. Hoàng Tất Thường chàng trai quê gốc Chầu Văn hỏi: - Hôm nay, anh cho chúng em nghe chuyện gì mà anh nói là "trường thiên"? - "Huyền sử cỏ tiên" - Tên gì mà lạ thế anh? - Cũng không lạ lắm đâu. Chuyện này mình nghe ông nội kể nhiều lần. Thế nào mình cũng viết thành sách. Thường néo đến cùng bèn hỏi: - Gọi là Huyền sử cỏ tiên nghĩa là thế nào hở anh? - Cỏ tiên thì không phải giải thích. Nó sẽ hiện ra trong tích. Nhưng còn huyền sử, các cậu tạm hiểu thế này: Nó chỉ là cái bóng của lịch sử. Nó thật thật ảo ảo xen lẫn yếu tố kỳ lạ để người nghe có cảm hứng. Những chuyện lưu truyền trong dân gian phảng phất sự kiện lịch sử xã hội thuộc về mọi thời, mọi nơi thì có thể gọi là huyền sử. - Vậy là chuyện bia ra hở anh! - Bia mà lại không bịa "Tây Du Ký" làm gì có thật một trăm phần trăm mà chỉ có một sự kiện sư Huyền Trang sang ấn Độ lấy kinh Phật. Còn lại, Ngô Thừa Ân sáng tạo ra cả. "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh không có chút nào thật ở cuộc đời. Bồ Tùng Linh "bịa" một trăm phần trăm. Điều quan trọng là ý tưởng nhân văn - làm cho con người đẹp lên mà tác phẩm thể hiện. Trong văn chương không nên tìm một không gian thực, một thời gian thực. Với huyền sử, không gian và thời gian càng không có biên giới. Tấn reo lên: - Chưa vào tiết mục chính mà đã thấy hay. Thường đế vào: - Thôi, anh kể đi. Thằng nào dốt chưa hiểu ngay sau này phải học. Ngân đồng tình: - Có lý lắm! Thế rồi, giữa cao nguyên xa xôi, rừng hoang mưa xối chỉ có lính với lính, tiếng Mai Như Xuân trầm ấm vang lên. Anh đã cho chúng tôi gặp minh quân, lương thần, tham quan, ô lại. Những phụ nữ tài hoa, những cô bé, cậu bé thánh thiện. Phải đến chín mười buổi, Mai Như Xuân mới kẻ xong "Huyền sử cỏ tiên". Những người khác nếu được nghe anh kể thì không biết thế nào. Với lính chúng tôi, chuyện anh cho chúng tôi nghe hay lắm. Rồi lính lại kể cho lính nghe. Chuyện của anh đã góp phần giúp chúng tôi vượt qua những ngày gian khổ nhưng rất đẹp của thời thanh xuân chiến trận. Ngày nay, một ai đó trong chúng tôi muốn sống lại những giây phút giữa cao nguyên xa lạ thì cũng chỉ là ước mơ trong mộng.Hết mùa khô năm 1966, chúng tôi trở về đất mẹ rồi vào chiến trường B. Khi ấy Mai Như Xuân đã là đại đội trưởng. Ngày 27 tháng 11 năm 1967, nguỵ quyền Sài Gòn bầu cử tổng thống tay sai. Liên danh bán nước Thiệu Kỳ là ứng cử viên số một. Đại đội tôi được lệnh đánh vào huyện lỵ Hải Lăng, Quảng Trị để cảnh cáo bọn tay sai bán nước. Trước khi xuất kích, Mai Như Xuân nói với tôi: - Tao thấy mày cũng có khiếu văn chương. Văn thì chưa biết thế nào còn thơ thì rất khá. Nếu tao còn được trở về, tao sẽ viết lại "Huyền sử cỏ tiên" để trả nghĩa ông nội. Còn nếu như…" Tôi biết Mai Như Xuân sẽ nói gì nên xoè tay bịt lấy mồm anh, nói: - Trước giờ ra trận không được gở mồm. Tuy tôi đã ngăn nhưng Mai Như Xuân vẫn nói. Có điều, anh không nói trắng ra. - Nếu tao không được viết thì mày phải viết, cứ nhớ cốt và có ý tưởng là viết được. Hay dở bàn sau, mày cứ mạnh dạn mà viết, nhưng cần phải nhớ là giữ ngòi bút cho sáng. Văn kia mà. Tôi xao lòng nhìn bạn... Thế rồi, điều mà Mai Như Xuân tiên cảm xảy ra thật. Đại đội cối của chúng tôi đánh vào Hải Lăng tạo nên những đám cháy lớn. Trận địa pháo của địch bị câm họng. Khi rút, chúng tôi dính một trái cốt 106,7 mili mét từ La Văng bắn tới. Mai Như Xuân bị một mảnh cối vào bụng. Chiến sĩ quân y mới ra trường lại đánh trận đầu hoảng hốt băng không trúng vết thương. Vì toàn thân Mai Như Xuân chỗ nào cũng thấy máu. Gần 6 giờ sáng ngày 27 tháng 11 năm 1967, Mai Như Xuân tắt thở. Khi bó cho anh, Ngân phát hiện ra anh bị thương vào bụng nhưng chiến sĩ quân y lại băng vào sườn. Ngân nói với tôi điều đó. Tôi nói với Ngân: "Đồng chí không được nói điều này với ai. Đồng chỉ Hưởng trót băng nhầm chứ không cố ý. Tôi là trung đội trưởng tôi sẽ chịu trách nhiệm chứ không phải là đồng chí. Vì đồng chí đã báo cáo tôi rồi". Nghe lời tôi, Ngân im như thóc giống để trong bồ. Sau khi mai táng cho Mai Như Xuân, tôi nói riêng với chiến sĩ quân y Hưởng: "Đồng chí phải rút kinh nghiệm. Đồng chí Xuân bị thương vào bụng chứ không bị thương ở sườn". Hưởng ôm mặt nức nở: "Anh Xuân ơi! Em giết anh rồi!" Tôi sẵng giọng: "Thôi, im đi! Lộ ra là bị kỷ luật đấy." Xuân Mậu Thân, đại đội tôi đánh vào Quảng Trị, Hưởng bị thương nặng. Trước khi nhắm mắt, Hưởng thều thào: "Em cảm ơn anh và anh Ngân. Em không phải mang kỷ luật xuống mồ". Nghe được câu nói ấy của Hưởng, Ngân cũng khóc. Có điều, Ngân không phải ân hận với Hưởng. Sự ký thác của Mai Như Xuân tôi không bao giờ quên. Tôi đã định viết "Huyền sử cỏ tiên" từ lâu rồi. Nhưng những trang viết khác cứ "ăn vạ" tôi nên điều ký thác của người đã khuất cứ nằm trong ý nghĩ. Bỗng một ngày vào cuối tháng 10 năm 2001, một bà già tìm đến nhà tôi, hỏi: - Xin lỗi, bác có phải là bác Hoàng không? Tôi lục bộ nhớ và thấy rằng tôi không quen bà này. - Vâng, tôi là Hoàng, mời bà vào nhà. Vừa vào trong nhà, người đàn bà đã tự giới thiệu: - Tôi là Thảo, chị gái của Mai Như Xuân. Tôi từ Sài Gòn ra. Bác ơi, tôi đi khắp các nghĩa trang ở Quảng Trị mà không tìm thấy phần mộ của cậu Xuân. Nghe nói bác biết nơi chôn cậu Xuân? - Xin lỗi bác, ai nói như vậy và vì sao bác biết nhà tôi? - Tôi vừa vào anh Thịnh ở ý Yên. Anh Thịnh cho tôi địa chỉ của bác. - Thế bác Thịnh đã nói với bác những gì? Bà Thảo kể lại những điều mà Thịnh đã nói. Tôi bèn nói với bà Thảo: - Những điều bác Thịnh đã nói với bác là đúng. Vì bác Thịnh là một trong số những người mai táng Mai Như Xuân. Chỉ có điều, ngày Mai Như Xuân hy sinh là không đúng. Nhưng thôi bác ạ, bác cứ căn cứ vào giấy báo hy sinh của cơ quan chuyên ngành. Còn mộ phần của Mai Như Xuân, tôi tin tưởng rồi sẽ tìm thấy. - Tôi nghe bác Thịnh nói, bác và cậu Xuân tôi có kỷ niệm sâu đậm với nhau? - Có đấy! Rồi tôi bùi ngùi hỏi bà Thảo: - Xin lỗi bác, ông nội của Xuân có kể cho Xuân nghe một câu chuyện hay lắm. Bác có được nghe không? - Tôi có được nghe nhưng buổi được buổi không. Vì tôi là chị lớn còn phải đi làm. - Bác có nhớ chuyện đó là chuyện gì không? - Tôi không nhớ tên chuyện mà chỉ nhớ chuyện ông nội tôi kể có một cô gái rất giỏi chữa cho Vua khỏi bệnh. Nhưng làm sao bác lại lục vấn điều ấy mà không lục vấn điều khác. - Thưa bác, tôi đang nợ Xuân điều đó. - Bác nói gì tôi không hiểu? - Thế này bác Thảo ạ, tôi có nhận lời với Xuân là viết lại chuyện mà Xuân đã kể cho tôi nghe. Bà Thảo mừng rỡ: - Thế thì quý hoá quá. Bác viết lại đi. Khi nào in xong, bác cho tôi mua một quyển. - Thưa bác, tôi phải biếu bác chứ. Đó là nén hương tôi viếng Xuân và đồng đội của Xuân đã nằm xuống ở trung Lào và ở miền Nam. Bà Thảo về rồi, tôi ngồi lặng lẽ nhớ về Mai Như Xuân rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tôi bỗng gặp anh. Nơi rừng xa, anh đang kể chuyện xưa. Anh không nhìn tôi mà nói một câu bâng quơ: "Trên đời bớt đi một thằng Cuội tốt hơn nhiều là thêm một thằng Cuội..."