Chương 16

Ghép cho tội khi quân, Tể tướng chém nghiến hai nho sinh. Thấy nhà Vua không nói gì về vụ này, Tể tướng cảm thấy yên lòng. Nhưng nhà Vua đang cho người "lục lọi" Bách Khoa Thư và làm những việc cần làm. Có điều, những việc đó Tể tướng không hề biết. Để Tể tướng không phải đề phòng, nhà Vua cùng giai nhân thường đi du ngoạn. Tể tướng đinh ninh giai nhân mà ông ta tiến vào cung vẫn đang làm cho nhà Vua mê mụ. Đó thật sự là một sai lầm lớn của ông ta.
Khi Tể tướng giết hại nho sinh, ngài Tri huyện đang ở chỗ con gái. Ngài hỏi con:
- Đã đến lúc bố hành sự chưa?
Bà Thục Trâm ngẫm nghĩ, đáp:
- Bố về thăm mẹ và em đi đã, rồi bố dẫn mẹ và em tới chỗ con. Trước khi bố gặp Hoàng thượng, con phải tính toán kỹ, nhất là phải lo cho mẹ cho hai em vẹn toàn. Việc này sơ xuất một chút là hoạ khôn lường.
Ngài Tri huyện thấy con gái kín kẽ nên nghe theo. Quay lại bến đò, ngài cùng cậu út trở về xóm núi nơi phu nhân và Phạm Vũ Long náu mình. Mộc và Mạc ở lại nơi bến đò đỡ đần Oanh Nhi.
Trở về xóm núi nơi vợ và con trai ẩn thân, ngài Tri huyện sững sờ. Bởi vì vợ và con đã rời xóm núi. Lân la dò hỏi một cách khéo léo, ngài Tri huyện nghe được một tin chết người: Phạm Bảo Hưng đi thi phạm trường quy bị nhà Vua gọi về kinh hạch tội nên đã trở về xóm núi dẫn mẹ đi, không biết là đi đâu. Đang phải lẩn trốn nghe thấy tin này, ngài Tri huyện thất thần. Chưa nói đến phạm trường quy, nguyên việc đội tên giả đi thi, nhà Vua biết cũng đủ khốn khổ rồi. Để phòng xa, ngài Tri huyện cùng con trai út cất bước ngay. Sư bà trụ trì ngôi chùa gần đó tri giao với Phạm Vũ Long là người duy nhất biết con trai ngài Tri huyện đỗ Cử nhân. Nghe tin ngài Tri huyện về thăm vợ con, sư bà bèn tới xóm núi gặp ngài nói tin vui. Nhưng nhà chùa đã chậm chân!
Ngài buồn rầu quay lại chỗ con gái báo tin chẳng lành rồi lại cùng cậu út lênh đênh, trôi dạt đi tìm vợ và con trai lớn.
Mấy năm, ngài Tri huyện gội sương, tắm nắng mà vợ và con vẫn mịt mù mây khói. Trong lúc đó, bà Nhu mỏi mắt chờ trông. Đến một ngày không chịu được nữa, bà bèn đi dò la xem ngài đang ở đâu. Nghe phong thanh ngài vừa về xóm chài, bà Nhu lặn lội tới xóm chài ngay. Tin mây tin gió mà lại đúng. Bà đưa cho ân nhân lá thư. Nhìn nét chữ ngoài bì đúng là chữ con trai, ngài mừng đến run lên. Mở thư ra, ngài không tin vào mắt ngài nữa. Pham Bảo Hưng đã đỗ Cử nhân thật rồi. Ngài càng vui hơn khi thấy trong thư con trai nói là đã tâu với Hoàng thượng về việc phải đổi lên. Chẳng những Hoàng thượng không trị tội mà còn cho Phạm Bảo Hưng trở lại tên cũ là Phạm Vũ Long. Thêm nữa, nhà Vua còn cho chỉ ấn làm bùa hộ mệnh để đi tìm cha.
Ngài Tri huyện thấy đã đến lúc phải ra tay và muốn gặp con trai, ngài không thể không thượng kinh. Thế là ngài cáo biệt bà Nhu gấp gáp tới bến đò gặp Oanh Nhi.
Sau khi bàn với Oanh Nhi, ngài cho cậu út tới chỗ Trục Trâm. Mộc ở lại trông coi con trai Oanh Nhi. Còn ngài, ngài cùng Mạc và Oanh Nhi thượng kinh.
Thị Hương thơ thẩn bên gốc hoè mắt đăm về phương trời mà Phạm Vũ Long dấn bước. Những làn mây trắng nhẹ bẫng trên khoảng xanh chầm chậm trôi về phía ấy. Nàng thầm ước: Giá nàng như làn mây trắng kia. Chàng đi tới đâu, nàng trôi tới đó. Mây cứ âm thầm làm chiếc ô lớn che cho chàng. Dẫu chàng không hề biết thì mây cứ lặng lẽ làm bóng mát, có sao đâu.
Bài thơ Phạm Vũ Long để lại cho nàng, nàng thuộc làu làu, thuộc cả nét chữ. Nàng nhắm mắt lại, nét chữ ấy vẫn hiện lên rỡ ràng như những cánh hoa. Dù là như vậy nàng vẫn muốn bài thơ trên giấy trắng, mực đen hiện ra trước mắt. Bà Nhu đi vắng, nỗi cô đơn càng xâm chiếm tâm thức nàng. Lòng cồn cào một nỗi nhớ, nàng lại mở tờ thư ra. Từng chữ từng chữ lấp lánh.
Một sắc hoè xanh lồng sắc liễu
Một mái tranh xờn mấy gió mưa
Một bóng giai nhân nương xóm vắng
Một kẻ tha hương gió liễu đùa.
Một niềm xôn xao mơ hồ khuấy động lòng Thị Hương. "Thiếp là gió liễu ư? Thiếp có đâu dám đùa với chàng! Lần đầu gặp chàng, lòng đã bâng khuâng. Nhưng thiếp là phận bọt bèo nên dù có bâng khuâng thì bâng khuâng đó chỉ là bèo bọt. Thiếp có đâu muốn mong ước gì hơn… Vậy mà bút hoa, chàng để lại lời vàng cho thiếp. Phận hèn mà được những lời châu ngọc, kẻ tha hương thật thoả lắm rồi. Trên đời  một người có chút tình với mình mà người đó đã làm mình tơ tưởng thì dù phải chết cũng chẳng ân hận gì. Bởi lẽ đó, thiếp không nhớ chàng sao được?"
Thị Hương cứ chìm trong mơ tưởng xanh ngăn ngắt. Bỗng một lũ đầu trâu mặt ngựa ập tới. Một tên "ngọt ngào":
- Cô nương làm chúng tôi vất vả bao nhiêu ngày rồi….
Thị Hương rụng rời chân tay. Những cái mặt gớm ghiếc đã vây quanh nàng. Những ánh dao lấp loé rợn người. Nàng biết chúng là bọn nào rồi. Một tên lại khẽ khàng:
 - Tướng công mong cô nương từng ngày, đừng để chúng tôi phải nặng tay.
Bà Nhu từ xóm chài trở về với một niềm mơ mong manh. Đứa cháu nuôi của bà sớm muộn cũng sẽ gặp lại Phạm Vũ Long. Hoá ra Phạm Vũ Long là con trai lớn của lương y Hiếu. Hôm trước gặp bà, Phạm Vũ Long nói cậu là cháu ruột của lương y. Chắc là chàng  muốn giữ ý.
Nhưng niềm vui của bà như đốm lửa vừa nhen đã gặp một trận mưa lớn. Bà về tới nhà, cô cháu nuôi dã bị bọn xấu bắt đi. Bà đã đoán ra kẻ nào đã bắt cóc cháu bà. Một con thú có bao giờ buông miếng mồi ngon. Bà nghĩ ngay đến con trai lương y. Tân khoa được nhà Vua cho chỉ ấn chứng tỏ Ngài rất yêu Phạm Vũ Long. Tân Cử nhân may ra có thể cứu được Thị Hương. Muốn gặp được lương y và con trai của ngài, bà phải lên kinh thành. Bởi lương y chắc chắn sẽ lên kinh thành tìm con. Bà cầu Giời phấn Phật cho bà gặp được Phạm Vũ Long.
Để che mắt bọn xấu, bà Nhu phải giả làm hành khất. Lên tới kinh thành lân la dò hỏi, bà Nhu biết đích xác viên quan để xổng Thị Hương lần trước đã cho tay chân lùng khắp nơi. Có điều, lần này chúng bắt Thị Hương không để tiến cung. ấy là vì viên quan háo sắc thấy Thị Hương đẹp quá nên nảy lòng dâm tà. Bắt được Thị Hương, hắn ép nàng phải làm thiếp. Thị Hương chống trả quyết liệt. Biết không ép được Thị Hương, viên quan tàn ác đã bán nàng cho một nhà chứa lấy một số tiền lớn. Viên quan ấy không phải ai khác mà chính là Tổng quản thị vệ.
Tuy mới gặp Phạm Vũ Long lần đầu nhưng Thị Hương đã có ý với chàng. Cảm nhận được điều đó, Phạm Vũ Long từ xóm chài quay về ghé thăm Thị Hương. Không gặp nàng, chàng đã gửi lại bốn câu thơ ý tình đã rõ. Chung tình với Phạm Vũ Long, Thị Hương quyết giữ băng trinh nên đã tìm một lối thoát… Nàng bèn nói với mụ chủ nhà chứa:
- Bà ạ, thân con đã bị vào đây băng trinh cũng thành trò đùa. Con đành phụ người đã ước với con. Có một vật rất quý con gửi bà. Hễ chàng đến tìm, con không gặp nữa. Bà đưa kỷ vật quý giá cho chàng hộ con. Nó là tiền bạc đấy.
Nói rồi, Thị Hương đưa cho mụ chủ bốn câu thơ của Phạm Vũ Long. Đọc qua bốn câu thơ, mụ chủ biết là hàng có giá. Mụ càng vui vì cô gái mỹ miều không tiếc tấm thân ngà ngọc… Mụ bèn nói:
- Con thật là biết điều. Đã vào tới đây mà còn giữ trinh với tiết thì chỉ là hạng gàn dở. Con chiều chuộng khách cho khéo hẳn sẽ sung sướng hết đời.
Thị Hương trở về phòng, một người khách bước vào. Nàng suy nghĩ rồi nói:
- Trời đất sinh ra em thế nào vẫn con y nguyên như thế. Chàng muốn gần gũi em phải lên giao giá với bà chủ trước đã.
Trông thấy Thị Hương như tiên giáng trần, người khách vui lắm. Buộc lòng, ông ta phải chiều Thị Hương lên gặp bà chủ. Khi ông ta quay lại, Thị Hương cắn lưỡi chết rồi.
Bà Nhu tìm tới nhà chứa, cháu đã thành nấm đất. Mụ chủ nhà chứa hé ra cho bà biết là mụ ta giữ hộ Thị Hương một kỷ vật vô giá. Bà Nhu biết mụ chủ chứa muốn gì. Nhưng lực của bà mỏng lắm, bà đành nuốt lệ quay về.
Dọc đường, bà gặp lương y Hiếu thượng kinh. Bà báo tin đau lòng đó cho lương y biết. Ngài Tri huyện cảm thương Thị Hương lắm càng quyết chí trừ bọn gian ác. Riêng việc Phạm Vũ Long và Thị Hương có ý với nhau, bà vẫn giữ kín.
Trên đường đi, ngài Tri huyện suy nghĩ. Ván cờ này không được nhầm một nước và không được lộ ý định, lộ hành động.
Ba người rong ruổi nhắm kinh thành dấn bước. Tới kinh thành, Ngài Tri huyện ở một nơi, Mộc và Oanh Nhi ở một nơi. Hai nơi cách nhau chừng nửa dặm. Ngài Tri huyện sẽ đón đường đệ đơn lên nhà Vua. Hai người ẩn ở một nơi gần đó. Nếu có biến, họ lặng lẽ rút lui. Sở dĩ ngài Tri huyện sắp đặt như vậy vì hơn một tháng thăm dò, ngài biết được dạo này nhà Vua thường ra ngoài kinh thành du ngoạn.
Một hôm, kiệu nhà Vua ra khỏi kinh thành chừng năm sáu dặm. Thị vệ thấy một ông già quỳ ở giữa đường, hai tay nâng tờ giấy lên ngang đầu. Thị vệ bẩm lên nhà Vua. Nhà Vua truyền dừng kiệu và sai Thái giám lại hỏi ông già tấu việc gì.  Thái giám hỏi ông già oan ức gì mà phải đệ đơn giữa đường? Ông già nói việc hệ trọng đã tâu trong đơn. Thái giám tâu lại lời ông già với nhà Vua. Nhà Vua truyền Thái giám dâng đơn của ông già lên. Thái giám y truyền chỉ. Một lát sau, trong tay nhà Vua đã có đơn của ông già. Nhà Vua xem đơn tấu biết là việc hệ trọng. Ngài xuống kiệu bắt mọi người đứng lại còn Ngài bước tới phía ông già đang quỳ. Ngài truyền:
- Bình thân.
Ông già vẫn quỳ:
- Hạ thần đa tạ đức Vua
- Ngươi là ai?
- Tâu đức Vua, thần là Phạm Chí thành Tri huyện Trường Định ạ.
- Hóa ra là ngươi! Tờ giấy có bốn chữ đâu?
Tri huyện Trường Định tay run run lấy tờ giấy dâng lên nhà Vua.
Nhà Vua lướt qua tờ giấy rồi hỏi:
- Người đàn bà ấy đâu?
- Tâu đức Vua, người ấy ở cách đây chừng gần một dặm.
- Ngươi ra dẫn đến đây.
- Thần tuân chỉ.
Tri huyện Trường Định run run đứng lên rồi bước. Một lúc sau,  ngài dẫn Oanh Nhi tới. Hai người sụp lạy tung hô vạn tuế. Nhà Vua truyền:
- Lính, bắt hai người này giam vào ngục, canh gác cho cẩn trọng, không được để họ đói. Hai người này xảy ra chuyện gì ta mượn đầu các ngươi đấy.
Nhà Vua quay ngay về cung. Đem bốn chữ trong tờ giấy vừa có trong tay ướm với bốn chữ trong thư của Tổng đốc Hải Đông, nhà Vua thấy giống hệt như nhau. Ngài mừng lắm. Nhưng sau một đêm suy nghĩ, Ngài lại thấy còn có gì chưa ổn. Tể tướng rất gian ngoan. Với ông ta, chứng cứ phải như đinh đóng cột, ông ta mới cứng lưỡi, còn chứng cứ hơi chông chênh, khó mà bắt ông ta cúi đầu.
Đã gần hai tháng, ngài Tri huyện và Oanh Nhi "tĩnh toạ" trong khám mà nhà Vua chưa cho Phạm Vũ Long biết. Là vì Ngài có ý để cho chàng "xem xét" xong Bách Khoa Thư. Vả lại, ngài Tri huỵên đã được nhà Vua hậu đãi trong kinh thành. Phạm Vũ Long gặp cha sớm hay muộn cũng không hề gì.
Được Hoàng thượng tin yêu giao trọng trách, Phạm Vũ Long mang hết tâm lực, trí tuệ khảo cứu bộ sách vì nó mà hai nho sinh đã thiệt mạng. Thêm nữa, sự thôi thúc đi tìm cha một lần nữa khiến chàng làm việc không kể ngày đêm. Khi trang khảo cứu cuối cùng về bộ Bách Khoa thư được viết xong cũng là lúc có truyền chỉ chàng vào hầu nhà Vua. Với sắc diện rất bình thản, nhà Vua chỉ vào một người nói:
- Đây là tâm phúc của ta. Người này đưa ngươi đi gặp một người mà người cần gặp.
Trống ngực của Phạm Vũ Long đập dồn. Một câu hỏi lướt nhanh trong đầu: "Người ta sẽ phải gặp là ai?" Rồi chàng quỳ xuống:
- Thần tuân chỉ.
Tâm phúc của nhà Vua đưa Phạm Vũ Long xuống nhà lao. "Ta phải gặp người trong nhà lao ư? Người này là ai? Ta gặp người này để làm gì?" Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác lần lượt xuất hiện trong đầu Phạm Vũ Long còn câu trả lời cứ trốn biệt. Tiếng xích sắt va vào cửa nhà lao khi tên quản tù tra chìa khoá vào ổ càng làm cho chàng hồi hộp. Tâm phúc của nhà Vua nói: "Mời ngài vào. Khi nào xong việc, ngài gõ cửa. Tôi sẽ đón ngài." Phạm Vũ Long gật đầu rồi bước vào phòng giam. Hai cánh cửa lim lại im ỉm khớp vào nhau. Phòng giáp cửa lớn bỏ trống không giường, không chiếu. Phạm Vũ Long thấy lạ. Phòng giam kẻ phạm tội mà rất sạch sẽ lại thoang thoảng hương địa lan. Phòng kề cạnh có ánh sáng bạch lạp hắt ra. Phạm Vũ Long bước tới phía cửa có ánh sáng hắt ra ấy. Cửa không  chốt. Chàng khẽ đẩy cửa nhẹ nhàng bước vào. Một ông già đang ngồi trước án thư đọc sách. Trên án có chậu hoa lan nhỏ nhưng sang trọng. Cách án thư vài bước chân, một chiếc giường nhỏ chiếu chăn rất đẹp. Ông già ngồi quay vào nên ông không trông thấy Phạm Vũ Long. "Nhà tù mà thế này ư? Người phạm tội là ai mà được nhà Vua biệt đãi thế này?" Một ý nghĩ vụt lên trong đầu Phạm Vũ Long. Có thể lắm…. Chàng khẽ khàng bước tới phía ông già. Đã xác định được "người tù" là ai, ngực chàng như có hàng trăm quả trống cùng lúc khua vang. Để không làm "ông già" giật mình, chàng khẽ hắng giọng. "Ông già" quay ra. Cả hai cùng bàng hoàng. Phạm Vũ Long quỳ xuống:
- Bố!
- Con! Sao con lại vào được đây?
- Thưa bố, thật đội ơn Hoàng Thượng. Ngài đã giao một việc cho con từ lâu rồi.
- Con đã nhận được một chức quan à?
- Thưa bố, con chưa nhận một chức quan nào cả. Hoàng thượng bí mật giao việc cho con.
Suy nghĩ một lúc lâu, ngài Tri huyện nói:
- Con ạ, mũ cao áo rộng mà làm gì. Quan trường là cái bẫy, trung với Vua, thảo với dân thì bọn quyền thần gian tham ghen ghét, đặt điều tìm cách hãm hại. Con hãy lấy Thiếu Bá và Tử Phòng của Trung Hoa xưa mà làm gương. Càng tránh xa quan trường sớm ngày nào tốt ngày ấy. Phải đâu cứ làm quan mới có ích cho nước, cho dân.
- Có phải ý của bố muốn con dạy chữ cho đời.
- Dạy chữ, dạy làm người là  phúc đức nhất. Vạn đại vi sư con ạ.
Hơn mười năm, cha con mới gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Biết tin chị và em bình an, Phạm Vũ Long mừng khôn xiết. Ngài Tri huyện cảm thấy dông gió sắp tan, gia đình sẽ được sum họp. Hai cha con mải nói chuyện không biết là mặt trời sắp đứng bóng. Vừa lúc đó, một người lính bưng cơm lên. Cơm của người "tù" như cơm ngự. Trong đời Phạm Vũ Long, bữa cơm đó là bữa cơm hạnh phúc nhất. Thì ra, để giữ tính mạng cho ngài Tri huyện và Oanh Nhi, nhà Vua đã đưa hai người vào khám. Ngài quả là cao minh.
Sau khi vào thăm bố, Phạm Vũ Long vội vàng về nơi tá túc. Thấy mặt mày con rạng rỡ, mẹ chàng biết là có tin vui. Phạm Vũ Long thuật lại chuyện vừa gặp bố cho mẹ nghe. Bà Hạnh vui mà nước mắt ròng ròng. Bà muốn đến thăm phu quân nhưng nhà Vua biết trước điều này nên Ngài đã nói với Phạm Vũ Long là Ngài không cho phép. Vậy là hai ông bà Tri huyện cùng ở trong kinh thành mà không được tương kiến. Nhưng đã biết tin chồng và tin hai con vô sự, bà Tri huyện vui lắm.
Phạm Vũ Long quyết định đi thăm chị và em cùng người trong mộng. Chàng bèn xin phép Hoàng thượng nhưng chàng lại nói khác đi:
- Tâu Hoàng thượng, hạ thần xin Hoàng thượng một việc.
Hoàng thượng cười:
- Việc hệ trọng là ngươi đi tìm thân phụ. Nay ta đã mang thân phụ đến cho ngươi vậy ngươi còn có việc gì nữa?
- Tâu Hoàng thượng, thần có một bằng hữu thâm giao cùng đi thi với thần. Người này kiến văn cao sâu thần không sánh được, nhưng hôm đi thi vì sơ xuất một chút nên chỉ đỗ Tú tài. Người này sau này chắc chắn là hiền tài. Nay bằng hữu của thần ốm nặng. Thần có võ vẽ y thuật muốn tới thăm bạn và có giúp được bạn gì không. Xin Hoàng thượng cho phép.
- Nhà ngươi đi bao nhiêu ngày?
- Tâu Hoàng thượng, thần đi về chỉ hơn một tháng. Thế nhưng thần về sớm hay muộn còn phụ thuộc vào bệnh tình của bạn.
Nhà Vua ngẫm nghĩ rồi nói:
- Thôi, như thế này, ngươi dành ra mấy ngày lo cho ta một việc rồi ngươi đi. Sớm muộn mấy ngày, ngươi đừng băn khoăn. Vận số người ấy còn dài ắt ngươi sẽ gặp. Sớm mai ngươi vào nhận việc.
Phạm Vũ Long mừng lắm vội rập đầu:
- Thần tuân chỉ.
Đúng giờ hẹn ngày hôm sau, Phạm Vũ Long hồi hộp vào hầu nhà Vua. Chàng vừa quỳ xuống chưa kịp chúc nhà Vua thì Ngài đã nói:
- Không phải đa lễ. Ta đã dành cho ngươi phòng kia. Hai cuốn sách ta đã để trong đó. Ngươi đóng chặt cửa xem xét rồi ghi nhận xét. Khi ra khỏi phòng, trong người ngươi có một mảnh giấy viết chữ là ta trị tội đấy.
- Tâu Hoàng thượng, thần rõ rồi ạ.
Vừa bước vào phòng Phạm Vũ Long vừa nghĩ: "Sách gì mà nghiêm cẩn thế nhỉ?".Bỗng chàng giật mình. Hai cuốn sách đặt trên án đều là sách "Khảo cứu Bách Khoa Thư". Hai cuốn sách do hai người viết. Cũng như chàng, hai cuốn sách không được phép ghi họ tên, học vị, phẩm hàm của người viết. Thế là Phạm Vũ Long đã hiểu ý tứ, mục đích của nhà Vua cho khảo cứu bộ Bách Khoa Thư. Nhà Vua đúng là một minh quân. Vậy mà có thời Ngài lại sa bẫy giai nhân. Hoá ra trên đời này không có vĩ nhân nào là không sai lầm.Những trí giả viết hai cuốn sách này có kiến thức rất uyên bác, có những kiến giải mà chàng không thể sánh kịp. Cũng như chàng, họ đánh giá bộ Bách Khoa Thư là bộ sách tầm thường. Phạm Vũ Long đã nhận ra, sách của chàng cũng được hai người đọc. Rõ ràng, với vị Vua anh minh, Bách Khoa Thư đã trở thành quốc gia đại sự.
  Trăn trở nhiều đêm, nhà Vua vẫn chưa tìm ra cách làm sáng tỏ bốn chữ gian giảo của Tể tưởng. Rồi một đêm, sau nhiều đêm thao thức, nhà Vua vừa chợp mắt, bỗng có người bước tới bên giường rồng. Người ấy râu dài trắng như cước, tóc cũng như mây bông, mắt hiền như mắt bồ câu. Nhà Vua thấy lạ bèn hỏi:
- Người là ai, có việc gì mà lại đến gặp Trẫm vào giờ này?
Người đó đáp:
- Ta là ai nhà Vua không cần biết. Sáng mai nhà Vua ra phía đông thành ắt rõ việc gì.
Dứt lời, người đó hoá thành một làn khói vàng bay đi. Nhà Vua bàng hoàng ngồi dậy chờ sáng.
Hôm sau, mặt trời chưa vượt khỏi ngọn liễu, nhà Vua đã cải trang dẫn theo hai thị vệ ra cửa đông kinh thành. Nhà Vua nghe thấy tiếng rao của một thằng bé: "Thuốc tẩy đây, thuốc tẩy đây. Thuốc tẩy này tẩy gì cũng sạch. Mua đi! Mua đi". Nhà Vua gọi thằng bé đến hỏi:
- Này cháu bé, có thật thuốc tẩy này tẩy gì cũng sạch không?
Thằng bé đáp:
- Cháu nói thật, có loại nhựa tẩy không sạch, cháu phải rao như thế mới bán được chứ.
Nhà Vua lại hỏi:
- Mực tẩy có sạch không?
- Dạ, sạch ạ.
- Có loại mực nào tẩy không sạch không?
Thằng bé trả lời ráo hoảnh:
- Thế thì chỉ có mực của Tể tướng.
Nhà Vua giật mình! Có lẽ lời báo mộng của thần linh đêm qua là đúng. Ngài bèn hỏi:
- Sao cháu biết?
- À thế này ông ạ. Một ông quan được Tể tướng cho mực quý. Ông quan đó thử xem mực của Tể tướng quý tới mức nào bèn mua thuốc của cháu về tẩy. Chữ viết bằng mực của Tể tướng cứ lì ra không phai. Chuyện này các ông đồ biết cả. Chắc ông không phải là ông đồ.
Nhà Vua cười rồi mua một gói thuốc tẩy. Cẩn thận, Ngài còn hỏi nơi ở của thằng bé.
Đem thuốc tẩy về, nhà Vua mang ngay bản tấu cũ của Tể tướng và của Tổng đốc Hải Đông ra thử. Quả nhiên, đúng như lời thằng bé nói. Chữ trong bản tấu của Tổng đốc Hải Đông nhạt dần rồi màu mực bay đi gần hết. Còn màu mực trong bản tấu của Tể tướng cứ trơ ra, chữ cứ đen láy. Nhà Vua thử đi thử lại nhiều lần, kết quả vẫn y như thử lần đầu. Lúc ấy, nhà Vua mới lấy tờ thư của Tổng đốc Hải Đông ra. Trừ bốn chữ chết người, nhà Vua quệt thuốc tẩy vào một nét chữ của một vài chữ không quan trọng. Lập tức những nét chữ bị tẩy màu mực nhạt dần. Nhà Vua hồi hộp trước bốn chữ làm hai nhà rơi đầu. Nửa nét ngang trong chữ "tử" trở thành vật hy sinh. Nhưng màu mực cứ trơ ra. Nhà Vua bèn quệt thuốc tẩy vào cả chữ "tử". Màu chữ vẫn y nguyên. Cả bốn chữ "phế phụ lập tử" không phai màu vì thuốc tẩy. Nhà Vua chợt nhớ ra. Tể tướng đã khoe với Ngài, Bách Khoa Thư được viết bằng một loại mực đặc biệt do ông ta chế ra. Mực ông ta chế bằng gì, chế như thế nào không một ai biết cả.
Cái nhà Vua cần đã có trong tay. Làm thế nào cho gọn êm đây khi trong tay Tổng quản thị vệ có mấy nghìn hùm sói? Ngài lặng lẽ chuẩn bị lực lượng.