Mẹ con bà Dưỡng Phụng đã thành hai bà tiên của xóm núi hoang vắng và của dân quanh vùng. Thấm thoát, ẩn Phụng đã gần ba mươi tuổi. Tóc bà Dưỡng Phụng cũng đã vơi xanh. Sóng gió cuộc đời xô đẩy làm cho bà già đi trước tuổi rất nhiều dù rằng bà mới ở tuổi ngoài bốn mươi. Hai mẹ con bà Dưỡng Phụng đã thành ân nhân của hai bác tiều phu. Từ khi mẹ con bà đến ngụ cơ ở hẻm núi vắng, cuộc sống của hai bác cũng như vợ con đỡ khốn khó hơn. Hai bác không chỉ trông vào gánh củi trên vai mà đã biết trồng cây thuốc để bán. Được mẹ con bà Dưỡng Phụng chỉ bảo, những bệnh thông thường hai bác có thể chữa được. Có hai bác tiều, mẹ con bà Dưỡng Phụng cũng đỡ vất vả. Sau ngày ngài Tri huyện chia tay con gái không lâu, một buổi sớm, hai bác tiều ra nhà khám bệnh ở ngã ba đường. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước hai bác. Dưới hiên mái tranh, một bé gái chừng mười tuổi đang khóc lóc thảm thiết bên người đàn bà đã tắt thở. Hỏi bé, hai bác biết người đàn bà đã thoát trần là mẹ của bé. Một bác vội vàng dẫn bé vào chỗ bà Dưỡng Phụng. Một bác canh chừng người đàn bà tội nghiệp. Bà Dưỡng Phụng giao bé gái cho ẩn Phụng, còn bà ra ngay với người đàn bà bất hạnh. Cảnh tượng tang thương xoáy vào lòng người phụ nữ đã làm vợ nhưng chưa được ngửi mùi nước đái thơm tho của trẻ thơ thì tang chồng đã chít chặt đầu. Động lòng nhân từ, bà Dưỡng Phụng mua hương hoa tiễn người xấu xố về giời, mua áo quan mai táng người đàn bà rất chu đáo khiến già trẻ cảm kích, kính phục lắm. Bé gái ghẻ lở đầy người, hôi hám không thể chịu nổi. Ẩn Phụng phải tắm gội, thuốc thang cho bé. Bảy tám ngày sau, những vết ghẻ lở thâm tím lại, mùi hôi không còn nữa. ẩn Phụng nhận ra bé có đôi mắt như sao và gương mặt búp sen khả ái. Trong sự yêu thương của hai bà tiên, sự hốt hoảng của bé dần dần tan đi. "Lọ nước thần" trong tay ẩn Phụng đã biến một cô bé ghẻ lở, gày gò thành một tiểu nữ xinh xắn rất đáng yêu. Lúc ấy, ẩn Phụng mới hỏi bé. Bé bèn kể: Bé có cái tên xấu xí là Ghẻ. Quê Ghẻ ở một vùng núi bố mẹ Ghẻ vẫn gọi là Động Lâm. Động Lâm ở hướng nào, gần hay xa, bé không thể hình dung được. Nhà Ghẻ nghèo lắm, nghèo đến nỗi mới có một mình Ghẻ mà bố mẹ nói chuyện với nhau là không đẻ nữa. Nhưng rồi mẹ của Ghẻ vẫn có em. Em của Ghẻ cũng là một em gái. Mẹ của Ghẻ mang em bé cho một nhà giàu có hiếm con. Năm ấy Ghẻ mới sáu, bảy tuổi nhưng Ghẻ đã biết quý em. Thấy mẹ bế em đi cho, Ghẻ lăn ra khóc. Mẹ bèn dỗ dành Ghẻ:"Giữ em ở nhà lấy gì mà nuôi. Cho người ta nuôi hộ mấy năm. Khi nào bố mẹ dư dật bát gạo, đồng tiền sẽ chuộc em về. " Ghẻ không nghe vẫn cứ khóc. Nhưng dù Ghẻ có vật vã, mẹ Ghẻ vẫn trao em bé cho người ta. Từ hôm mẹ Ghẻ cho em đi, Ghẻ mong ngày mong đêm. Một ngày nào đó, mẹ Ghẻ sẽ đón em về… Bỗng trời đại hạn hai năm liền. Đồng ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy. Bố mẹ Ghẻ không đóng được thuế. Tri huyện bèn cho người bắt bố Ghẻ tống vào ngực. Đòn thù và ốm đau đã vắt kiệt sức bố Ghẻ, ông đã chết trong tù. Cùng quẫn, mẹ Ghẻ dẫn Ghẻ đi khất thực. Đói khát, nắng mưa, đau khổ đã làm thể chất của mẹ Ghẻ hao mòn dần. Bất ngờ một trận mưa lớn trên đường xin ăn đã làm mẹ Ghẻ bị cảm nặng. Thấy một mái lá ở ngã ba đường, Ghẻ dìu mẹ vào nghỉ dưới mái hiên. Mẹ ốm, đêm tối giữa nơi rừng rú, Ghẻ không bấu víu vào ai được. Thế là thảm hoạ đã xảy ra. Mới hơn mười tuổi đầu, Ghẻ đã thành đứa trẻ không cha không mẹ. May cho Ghẻ là em đã gặp hai bác tiều phu. Từ một đứa bé con nhà nghèo hèn chưa bao giờ được bữa cơm no, chưa bao giờ được tấm áo lành bỗng được no đủ, lành lặn, được qúy mến, yêu thương, Ghẻ tươi da thắm thịt trông thấy từng ngày. Chỉ gần hai tháng sau khi gặp hai bà tiên, Ghẻ đã thành một cô bé khác. Nếu có một phép màu nào đó làm cho mẹ Ghẻ hoàn sinh, chắc chắn bà sẽ không thể nhận ra con gái mình. Lòng nhân ái quả là hơn mọi phép màu. Nó làm cho con người sáng ra, đẹp lên, lòng trong trẻo ấm áp hơn. Còn hơn thế nữa, dòng suối yêu thương có thể làm cho những trái tim bầm đen máu hận thù tươi lại. Nhìn Ghẻ, bà Dưỡng Phụng nảy ra một ý nghĩ phúc đức. Bà hỏi ẩn Phụng: - Dễ chừng con cứ sống với giời với đất, với hoa lá cỏ cây đến già? Ẩn Phụng lễ phép: - Thưa mẹ, con đã nói với mẹ từ lâu lắm rồi. Mẹ quên rồi à? Bà Dưỡng Phụng âu yếm: - Mẹ hỏi ấy là vì có việc con ạ.ẩn Phụng thầm nghĩ: "Mẹ là người uyên bác đã nảy ra ý nghĩ gì khó có thể sai. Vậy mẹ nói có việc là việc gì, vui hay là buồn đây? " ẩn Phụng cố nghĩ mà nghĩ không ra. Hiểu con đang phân vân về điều gì rồi, bà Dưỡng Phụng nói: - Mẹ thì già rồi. Năm nay con cũng đã gần ba mươi. Chẳng bao lâu nữa, vai con cũng hết tròn, tóc con cũng hết mượt. Vậy nên, mẹ muốn con nhận bé Ghẻ làm nghĩa tử. Mẹ già rồi có khi lẩn thẩn. Chẳng hay ý con thế nào? Ẩn Phụng cân nhắc kỹ lưỡng, đáp: - Mẹ là người thận trọng đã dạy, con xin vâng. Bà Dưỡng Phụng vui lắm. ẩn Phụng vui trong nỗi buồn sâu đăm đắm. Bỗng nàng suy nghĩ về cái tên của bé rồi nói với mẹ: - Hẳn là vì bé gái này bị ghẻ lở nên mới có cái tên xấu xí như thế. Lẽ nào cứ để cái tên ấy theo bé suốt đời. Sau này, chắc chắn bé sẽ tủi thân về cái tên chẳng đẹp đẽ gì. Bà Dưỡng Phụng thấy con gái nói phải. Con người là hoa lá của giời đất nên có quyền được hưởng một cái tên đẹp đẽ chứ. Bà bèn nói với con: - Ý nghĩ của con thật là nhân ái. Mẹ sẽ tìm cho con gái con một cái tên. Tối hôm ấy, bà Dưỡng Phụng thắp hương niệm bái anh linh Tướng công Hoàng Kiến Nghiệp xin cho ẩn Phụng được làm mẹ bé gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, trên không anh chị dưới chỉ có một em lưu lạc. Ba nén hương được cắm vào bát nhang một cách ngay ngắn. Bà vái ba vái rồi toan lui gót. Nhưng bà vừa vái xong, kỳ lạ thay, cả bát hương bốc cháy. Dân gian gọi hiện tượng này là bát hương "giáng". Đó là dấu hiệu của điềm lành - anh linh của Tướng công đã chứng lời thỉnh cầu của người trần. Thì ra Tướng công vẫn quanh quất quanh giọt máu cuối cùng của ngài còn sót lại sau cơn đại hoạ.Bà Dưỡng Phụng vào giường trằn trọc không sao ngủ được. Bỗng bà thấy như toàn thân bị chếnh choáng bởi men mỹ tửu. Rồi bà như bay lên, bay lên mãi. Một quầng mây trắng dìu bà đi. Phía trên bà, trăng như trái bưởi thơm vàng. Quanh trái trăng thơm, những vì tinh tú như pha lê lóng lánh. Gió như tấu lên bản nhạc ngũ cung réo rắt. Nhìn xuống dưới, bà thấy một dải rừng ngoạn mục hơn tranh vẽ. Giữa dải rừng đó, một tiểu nữ xinh tươi đang thơ thẩn bên hoa. Có những bông hoa giống những bông hoa trong vườn cây thuốc của bà. Đang ngẩn ngơ trước cảnh sắc kỳ tú, bỗng bà nghe thấy một giọng nói quen quen: "Kỹ nữ Thục Trâm đấy ư? Quý nữ của bản chức không may bị mồ côi cha mẹ do bọn lộng quan gây nên. Nhưng thật vạn hạnh nên con nó mới có được nghĩa mẫu là bà. Bà và Kim Phụng cố dưỡng dục đứa bé bơ vơ ấy. Sau này, đứa trẻ mồ côi ấy sẽ làm được một việc đại phúc mà ngay cả bà cũng không làm được: " Bà Dưỡng Phụng gai người lên. Đúng là Tướng công rồi. Âm dương tương kiến là chuyện hiếm có trên đời. Bà liền quỳ trên vầng mây trắng: "Thưa Tướng công, ngài đã dậy, bần nữ sẽ gắng gỏi. Còn điều gì người trần không thể biết, xin Tướng công chỉ giáo. " Không có tiếng đáp lại, bà lại thỉnh cầu: "Việc đại phúc mà Tướng công nói, chẳng hay là việc gì, Tướng công mách cho". Giọng nói quen quen lại vang lên: "Thiên cơ biết khả lộ. Bà mà biết trước việc ấy chỉ có hoạ chứ không có phúc." Bà ẩn Phụng rất am tường điều này nên không hỏi gì nữa mà chỉ chắp tay vái vái. Bỗng vầng mây trắng như loãng ra. Bà Dưỡng Phụng chơi vơi như chiếc lá rời cành. Bà thấy bà vẫn đang nằm trên giường trong mái lá bạc màu mưa nắng. Đêm sâu vắng như tờ. Bà chợt nhận ra là bà đã chợp mắt trong khoảnh khắc. Những gì vừa tương kiến chẳng qua chỉ là giấc hoàng lương. Chợt đâu đó, tiếng tắc kè vọng lại. Bà đếm được chín tiếng. Tắc kè kêu lẻ tiếng là điềm lành. Chính vì vậy khiến bà hồi tưởng và suy ngẫm về giấc mộng: "Sao lại là ngọn núi có những loài hoa hệt như hoa trong vườn cây thuốc của mình? Sao Tướng công lại mách mình cố dưỡng dục đứa bé gái bơ vơ. Việc "đại phúc" mà bé Ghẻ sẽ làm được là việc gì?" Bà đăm đăm suy nghĩ…. Việc "đại phúc" thì bà chưa lý giải được, còn ngọn núi có tiểu nữ bên hoa thì bà đã nhận ra. Tướng công đã cho bé Ghẻ một cái tên mới đó là Sơn Nữ. Phải rồi… Sơn Nữ - cái tên hay lắm! Ngày hôm sau, bà Dưỡng Phụng sửa soạn hương hoa. ẩn Phụng lấy làm lạ tự hỏi: "Hôm nay là ngày gì nhỉ?" Nàng chưa tìm được câu trả lời thì mẹ đã nói: - Con thay quần áo đi và lấy quần áo đẹp mặc cho con gái con. Ẩn Phụng ngạc nhiên: - Có việc gì thế mẹ? - Con cứ vận quần áo cho tươm tất rồi ra đây. Ẩn Phụng làm đúng như lời mẹ nói. Bà Dưỡng Phụng bước tới trước bàn thờ rồi quỳ xuống. Ẩn Phụng dắt con làm theo mẹ. Tiếng bà Dưỡng Phụng cất lên trong khói hương huyền ảo: - Thỉnh bái anh linh Tướng công và phu nhân. Số phận run rủi nên kẻ goá bụa này gắn bó với tiểu thư Kim Phụng - quý nữ của Tướng công và phu nhân. Kẻ goá bụa đã coi tiểu thư như con. Tiểu thư giữ lòng với con quan Ngự sử nên giời thương cho một bé gái làm nghĩa tử. Kẻ goá bụa này đã bái cáo anh lính Tướng công và phu nhân. Đêm qua, Tướng công hiển linh cho tiểu nữ một cái tên mới. Kẻ goá bụa này xin làm theo. Từ nay, nghĩa tử của Kim Phụng mang tên là Sơn Nữ. Xin Tướng công cùng phu nhân chứng lời thỉnh cầu của kẻ goá bụa này. Dứt lời, bà Dưỡng Phụng vái ba vái. Thấy mẹ làm gì, mẹ con Ẩn Phụng làm theo như thế. Sau đó, bà Dưỡng Phụng kể lại buổi tương kiến kỳ lạ đêm trước cho ẩn Phụng nghe. Đến lúc ấy, nàng mới hiểu rằng nhận một đứa trẻ làm con hệ trọng và thiêng liêng khôn cùng. Vì con người là sinh linh của giời đất, chớ có đùa. Bà Dưỡng Phụng suy nghĩ phải dạy chữ và dạy nghề thuốc cho Sơn Nữ như trước đây bà đã dạy cho Kim Phụng. Thế là mọi việc trong nhà bà giao cho ẩn Phụng. Bà dồn hết trí tuệ, kinh nghiệm dạy Sơn Nữ. Trong lòng bà luôn vang lên câu nói thần bí của Tổng đốc Tướng công: "Bà và Kim Phụng cố dưỡng dục đứa bé bơ vơ ấy. Sau này, đứa trẻ mồ côi ấy sẽ làm được một việc đại phúc mà ngay cả bà cũng không làm được". Ngày ngày, Sơn Nữ được học chữ và học nghề vào buổi sáng. Buổi chiều, em ra vườn chăm cây thuốc cùng mẹ. Ẩn Phụng chỉ bảo cho con cặn kẽ tính nết, tác dụng của từng cây thuốc. Sơn Nữ cố nhớ rồi ghi lại. Học lại được hành ngay, cộng với sự sáng dạ lạ lùng, Sơn Nữ không mất nhiều ngày tháng mà đã nắm chắc dược tính của hầu hết các cây thuốc trong vườn, đặc biệt là tác dụng và cách sử dụng chúng cho những căn bệnh cụ thể. Năm mười bốn tuổi, y thuật của Sơn Nữ đã giỏi. Bà Dưỡng Phụng bèn "sát hạch" cháu. Nhân có một người mắc bệnh gan, bụng đã phềnh lên như cái trống. Người bệnh sắp chết gia đình mới cáng đến "Phòng khám" của bà đặt ở gần ngã ba đường. Bà xem mạch cho người bệnh xong bèn dấu kín rồi nói vơí Sơn Nữ: "Hôm nay bà mệt có xem mạch cho người bệnh e không minh mẫn. Cháu ra ngoài đó lo cho người ta. " Vâng lời bà, Sơn Nữ xem mạch cho người đang chờ chết rồi về nói lại với bà. Bà Dưỡng Phụng nói: "Cháu cứ theo bệnh mà bốc thuốc." Sơn Nữ bốc thuốc xong đưa cho bà xem lại. Bà Dưỡng Phụng giật mình khi mở gói thuốc ra xem. Bà nói:"Cháu bạo gan quá, cắt thuốc thế này tuyệt chân khí mất". Sơn Nữ đáp:"Bà ạ, người này chỉ còn chờ chết, muốn cứu được phải cắt thuốc như thế." Bà Dưỡng Phụng suy nghĩ thấy cháu nói đúng. Khi âm dương, thuỷ hoả đã đối chọi nhau, ấy là cái chết đã kề bên. Người thày thuốc có độc tay mới được… Nhưng thày thuốc chỉ độc tay khi biết sẽ cứu được người bệnh chứ không thể nhắm mắt làm liều. Bà Dưỡng Phụng thấp thỏm chờ… Người bệnh mới uống có hai chén thuốc của Sơn Nữ bốc cho, bụng đã xẹp xuống. Bà Dưỡng Phụng xem mạch cho người bệnh. Sơn Nữ chăm chắm nhìn vào mắt bà. ánh mắt bà Dưỡng Phụng sáng dần lên. Buông tay người bệnh, bà Dưỡng Phụng ôm lấy Sơn Nữ nói: "Bà hết lo rồi. Nếu bà bốc thuốc, người bệnh có đi cũng không hề gì. Vì người này phạm "tứ chứng nan y". Nhưng cháu bốc thuốc, người bệnh nằm xuống ắt sẽ mang tiếng. Người ta sẽ nói để trẻ con chữa chạy nên người bệnh bị chết oan là phải. Từ một đứa trẻ mồ côi, bơ vơ ở xó nhà lạnh lẽo bên đường, cháu được như ngày hôm nay, bà mừng lắm. Mẹ cháu hẳn cũng vui lòng." Sơn Nữ qùy xuống trước bà Dưỡng Phụng nói trong nước mắt rưng rưng: "Cháu được sống và thành người là nhờ bà và nhờ mẹ. Ơn nuôi dạy của bà và mẹ suốt đời cháu khó có thể trả được." Bà Dưỡng Phụng ân cần:" Cháu học chữ cho thông, học nghề cho giỏi để chữa bệnh cứu người là đền công bà, công mẹ rồi". Năm sau, nhà bà ẩn Phụng không chỉ có đứa trẻ khốn khổ nương náu mà đã có thêm mấy đứa bé gái được bà cưu mang. Đứa bé nhất bảy tám tuổi, đứa lớn nhất mười hai, mười ba tuổi. Chúng bảo nhau chăm bón vườn thuốc. Vì chúng biết, bát cơm, manh áo của chúng được bà Phụng cho cũng nhờ những cây cỏ dại cả. Trong vườn có một số cây thuốc nhựa hoặc phấn hoa của nó rất độc. Nhưng nó lại là thuốc rất quý nếu biết chế biến và dùng nó một cách đúng liều lượng. Có những bệnh phải dùng đến nhựa hoặc phấn hoa của loại "Cỏ độc" ấy mới mong trị nổi. Tin con, Ẩn Phụng giao cho Sơn Nữ chăm bón, thu lượm, chế biến loại cây thuốc đặc biệt ấy. Ẩn Phụng cấm những cô bé khác đụng đến những cây thuốc chết người. Ai tiếp xúc với những cây thuốc quý ấy là tiếp xúc với sự chết nếu như không hiểu nó và không làm chủ được nó.