Những lời cuối cùng của chàng thiếu niên con quan Ngự sử giữa ban ngày ban mặt ở pháp trường dù Tể tướng cố bưng bít nhưng nó vẫn đến tai Vua. Lại nữa, một thằng bé không rõ lai lịch dám dấu dao định nhảy vào đâm Tể tướng giữa nơi tôn nghiêm khiến Vua không thể bỏ ngoài tai. Sau khi Ngài đã tỉnh men rượu ngự và men người đẹp, nhà Vua rùng mình. Ngài đem bức thư của Tổng đốc Hải Đông gửi quan Ngự sử ra xem lại. Bốn chữ "phản nghịch" cũng cùng một nét chữ như những chữ khác trong tờ thư đó. Có nghĩa là tờ thư chỉ có một người viết. Bốn chữ dẫn đến cái chết của hai nhà là chữ của Tổng đốc Hải Đông. Vậy thì không thể tin lời thằng bé nói lúc sắp chết. Một vị Vua đâu phải một kẻ hồ đồ. Nhưng Tể tướng ngày càng lộng quyền. Vua sai ông ta triệu những vị quan giỏi giang, nhiều chữ viết vộ Bách Khoa Thư. Chi phí cho bộ sách này là hàng chục vạn lạng bạc. Tể tướng không giao việc đó cho những vị quan giỏi giang, liêm khiết mà lại giao cho những kẻ luôn làm theo ý của ông ta. Sách viết xong, ông ta trình lên cho Vua xem. Vua nhiều việc, bộ sách hàng chục nghìn trang, hàng trăm vạn chữ, Vua có giỏi như Giời cũng không đọc xong ngay được. Vậy nên, Ngài chưa nói gì về bộ sách. Dăm sáu tháng sau, trong dân gian đã xì xèo. Bách Khoa Thư là bộ sách chắp vá, lộn xộn, hời hợt không phải là cái hay cái đẹp của một đại Vương triều đã trải hàng trăm năm. Bộ sách ấy lợi không bằng hại. Ai đọc sách ấy, học sách ấy có khi đầu không sáng ra mà còn mụ mẫm đi. Những lời chê bai Bách Khoa Thư đến tai Tể tướng. Ông ta khẽ nhếch mép: "Giết một kẻ vạn kẻ sợ". Tể tướng bèn mặc áo dân thường dẫn thuộc hạ lén ra ngoài kinh thành vài chục dặm nghe ngóng. Chiều hè nóng bức, Tể tướng nghỉ chân dưới một bóng đa xanh mát. Gần đó có hai người dáng vẻ nho sinh vừa đánh cờ vừa nói chuyện. Một người mặc áo màu lam, một người mặc áo màu tím. Qua cách xưng hô, Tể tướng biết người mặc áo lam là Phan Đức Vinh, người mặc áo tím là Trương Văn Chất. Trương Văn Chất hỏi Phan Đức Vinh: - Bác đã đọc Bách Khoa Thư chưa? Phan Đức Vinh đáp: - Nghe người ta kháo nhau đó là tạp thư. Vậy đọc làm gì cho rếch mắt. Thế Trương công đọc chưa? - Trương Văn Chất cảm thấy như mặt mình đỏ rân lên, đáp: - Tôi có mượn được một quyển đầu. Đọc được vài chục trang thấy sách viết xoàng, có chỗ vô căn cứ, tôi không đọc nữa. Hàng chục vạn lạng bạc, mấy năm giời lại đẻ ra cái của bỏ đi ấy, thật xấu hổ. Phan Đức Vinh nghị luận: - Những người viết sách có liêm sỷ đâu mà biết xấu hổ. Người ta chỉ để tâm đến làm Bách Khoa Thư được bao nhiêu bạc chứ đâu để tâm đến bộ sách ấy có ích như thế nào. Phan Đức Vinh ngẫm nghĩ rồi hỏi bạn: - Tôi hỏi bác, Bách Khoa Thư viết ra làm gì? Trương Văn Chất đáp: - Bách Khoa Thư là khuôn thước. Tôi nói thế là Phan công đủ rõ viết Bách Khoa Thư để làm gì rồi. Phan Đức Vinh bàn sâu thêm về Bách Khoa Thư: - Đúng vậy, Bách Khoa Thư là kho trí sáng cho mọi người tìm cái đúng, cái hay. Thày dựa vào đó làm khuôn thước. Trò dựa vào đó mà mở mang tâm trí. Nay Bách Khoa Thư thành tạp thư tất hàng vạn người hỏng theo sách đó rồi còn gì. Thật là nguy cho dân. Trương Văn Chất tiếp lời: - Tôi lại nghĩ thế này, sớm hay muộn nhà Vua cũng sửa. Thà bỏ đi hàng chục vạn lạng bạc chứ không thể làm rồi trí nghìn vạn người đọc hoặc học sách này. Dân đã kêu chớ có xem thường. Trong xóm ổ, thôn ấp khối ý hay. Làm gì cũng phải hợp ý dân. ý dân là ý trời đấy. - Tôi cũng nghĩ như bác. Nếu thương trăm họ, nhà Vua phải mạnh tay mới được. Thế bác đã nghe chuyện "Đốt thành diệt ác" chưa? - Chưa, bác cho nghe để mở mang đầu óc.Phan Đức Vinh thủng thẳng. Chuyện là thế này: Xưa ở một xứ sở xa xôi có một vị Vua hiền minh. Kinh thành của vị Vua ấy phố phường lộn xộn, nhà cửa cái thò cái thụt. Ai thích kiểu nào thì xây cất theo kiểu ấy. Có kiểu nhà kệch cỡm, lố bịch rất trái mắt. Dân chúng xây cất nhà tuỳ tiện. Kinh thành chẳng khác gì cái chợ. Nhà Vua bực lắm. Ngài truyền quan Hộ thành vào. Quan Hộ thành lập cập vào cung rập đầu bẩm một thôi dài. Nhà Vua cắt ngang lời quan Hộ thành: - Giây cà, giây muống quá. Ta hỏi ngươi, là quan quản việc lớn việc nhỏ của kinh đô vậy mà ngươi để đô thành nhất nước láo nháo như một cái chợ, rác rưởi đầy đường, chỗ này đào chỗ kia bới. Hôm nay, đường vừa làm xong, ngày mai đã đào lên đặt máng tiêu thuỷ. Còn nhà cửa, cái cao cái thấp, cái thụt cái thò, lởm chởm như hàm răng cá kình, kiểu cách rườm rà lố bịch là cớ làm sao? Quan Hộ thành lại rập đầu: - Tâu Hoàng thượng, quy định của quan Thái sư cái nọ đá cái kia, cái sau đè cái trước, đường và rãnh tiêu thuỷ không cho làm một lúc dẫn tới đào bới lung tung. Lại nữa, quan nào cũng to, được lòng vị này mất lòng vị khác khiến hạ thần rất khó xử. - Vậy nhà cửa xây cái cao cái thấp, cái thò cái thụt, mẫu cách tuỳ tiện là tại ai? - Tâu Hoàng thượng đó là quan cấp phép kiến thiết. Thần có hỏi đến việc này. Quan cấp phép kiến thiết đưa ra hết ban bố này đến ban bố khác mà xem ra ban bố nào cũng có lý cả. Nhà Vua suy nghĩ một lúc rất lâu rồi ngài lại hỏi: - Khu Thánh đường là khu tôn nghiêm, khu đại hoa viên là khu sang quý, cớ sao các ngươi cho xây nhà thải chất cặn bã ở hai nơi đó? - Tâu bệ hạ, thần đã hỏi vị quan quản hai nơi đó. Vị quan ấy nói là đã xin phép quan Thượng thư Bộ Lễ. Vậy thì hạ thần còn nói được gì nữa.Nhà Vua suy nghĩ một lúc rồi lớn tiếng: - Truyền Thượng thư Bộ Lễ! Thái giám ba chân bốn cẳng lao đi. Thượng thư Bộ Lễ nhận được truyền chỉ bèn vội vàng vào cung. Sụp trước long ngai, ông ta chưa kịp tung hô đã nghe nhà Vua hỏi: - Ngươi quản Bộ Lễ mà không biết trái mắt bởi nhà thải chất xú uế đứng lù lù bên cạnh Thánh đường và trước hoa viên hay sao? Thượng thư Bộ Lễ rập đầu: - Tâu Hoàng thượng, không xây nhà ở đó không được. Bởi dân đến đấy họ cứ tháo ra. Hoàng Thượng nhăn mặt: - Cả mấy dãy phố quanh đấy, ngươi không tìm được một chỗ mà xây à? - Tâu Hoàng thượng, đất của dân không còn chỗ nào trống. Những chỗ đất còn trống hạ thần không dám đụng tới. Nhà Vua khẽ nhếch mép rồi nói: - Thì ra ở quốc gia này còn có người to hơn ta. Thượng thư Bộ Lễ run lên bần bật: - Tâu Hoàng thượng thần không có ý nghĩ đó. - Vậy những chỗ đất trống đó là của ai? - Tâu, của người nhà quan Thái sư ạ. Nhà Vua lại nhếch mép: - Hoá ra là vậy. Ngươi nghe đây: Ngươi cho người rỡ bỏ ngay hai cái nhà thải chướng mắt đó. Ngươi tìm chỗ nào thuận tiện kín đáo xây lại, không kể đất của ai. - Tâu Hoàng thượng, chỗ kín đáo, thuận tiện lại đụng đến nhà dân, mà dân thì họ không nghe ạ. Nhà Vua chau chau nét mày, nói: - Xem ra, ngươi đánh giá dân thấp quá. Năm xưa ta theo Vua cha đi dẹp giặc, chẳng may bị giặc vây. Trời căm căm rét. Nước đông cả lại. Người không cơm. Ngựa không cỏ. Tướng sĩ áo quần mỏng mảnh, tơi tả. Vòng vây của giặc ngày một thu hẹp. Biết tình thế quẫn bách của quân ta, tên tướng giặc cho quân vây chặt. Vì chúng biết không đánh quân ta cũng chết. Nhà Vua ngừng lời giây lát rồi hỏi: - Ngươi có biết vì sao quốc gia này tồn tại và ta còn sống đến ngày hôm nay không? - Tâu Hoàng thượng, thần làm sao mà biết được. - Dân đấy!- Nhà Vua nói - khi quân ta đang khốn khổ thì một ông già dẫn một đoàn người gánh bánh, gánh cỏ đến. Lúc ấy, trời đã rất khuya. Vua cha ta ngạc nhiên và rất cảm động hỏi ông già: "Trẫm biết dân ở đây rất đói khổ. Già trẻ trong làng hơn mười ngày qua phải ăn rau dại để giữ mạng sống. Vậy dân làng lấy đâu ra đại mạch làm bánh mang tới cho Trẫm?" Ông già cung kính: "Tâu Thánh quân, nhà nhà lấy đại mạch giống làm bánh." Vua cha ta lại hỏi:"Không có đại mạch giống đất bỏ hoang, dân sống thế nào?" Ông già bèn đáp: "Lúa giống còn đi vay được. Vua bị bắt, nước mất thì vay Vua, vay nước được chăng?" Vua cha ta bật khóc. Quân tướng cũng khóc cả. Vua cha ta lại hỏi: "Sao dân làng lại đi vào lúc khuya khoắt cho thêm rét mướt khổ sở:" Ông già vuốt râu rồi ung dung nói: "Tâu Thánh quân, đi vào ban ngày giặc biết đại sư ắt hỏng." Một thoáng suy nghĩ, Vua cha ta hiểu ý của ông già. Tuy vậy Người vẫn hỏi: "Có phải mẹo của ông già là xuất kỳ bất ý quân ta phá vây?" Ông già cười, đáp: "Thánh quân thật anh minh!" ánh mắt Vua cha ta bỗng trở nên u buồn. Người nói: "Ta không đang tâm để cho dân làng chết khi ta thoát hiểm!" ánh mắt ông già trở nên quả quyết: "Nước to hay làng to Thánh quân hiểu hơn lão già quê mùa này. Dân làng này nếu không còn ai mà nước còn thì tên làng vẫn còn, xin Thánh quân suy xét. " Lời lẽ của ông già đã buộc Vua cha phải lựa chọn điều lớn lao. Cuộc phá vây diễn ra bất ngờ làm giặc không kịp trở tay. Khi giặc đã thua, ta theo Vua cha trở lại cái làng nghèo khó ấy. Người lại khóc. Cả làng chỉ còn sáu người sống sót. Sáu người ấy phải giả chết nằm lẫn vào đống xác đầy máu. Lòng yêu nước của dân chúng khó mà đo hết được. Các vị áo mũ xênh xang, lên xe xuống ngựa chắc gì đã hơn. Nhà Vua ngừng lời để nén xúc động rồi nói với Thượng thư Bộ Lễ: - Ta kể lại chuyện xưa cho ngươi nghe là có hàm ý gì ngươi hiểu chứ? - Bẩm Hoàng thượng, thần hiểu ý tứ sâu sắc của Thánh minh rồi. - Ta tin rằng làm cho kinh thành đẹp lên dân sẽ ủng hộ. Ngươi cũng phải nhớ là không được để cho dân thiệt. Còn mấy miếng đất của người nhà quan Thái sư, ta sẽ hỏi ông ấy. Rồi xem, ông ấy trả lời ta thế nào? Thượng thư Bộ Lễ vái lạy đức Vua ra về. Đức Vua lại hỏi quan Hộ thành: - Ta nghe nói các quan to nhỏ trong triều, trong kinh đô mỗi người đều có vài ba dinh và dăm thửa đất. Điều này có không? - Tâu Đức Vua, điều đó là có thật ạ. - Vậy nhà ngươi nhắm mắt làm ngơ chăng? - Tâu đức Vua, các vị ấy đều lo xa cả. Nhà và đất của các vị ấy thật. Nhưng các vị ấy đều chuyển sang cho con, cho cháu đứng tên. Hỏi ra mới biết, quan Thượng thư Bộ hình mách nước. Về lý coi như đã hợp pháp. Thần mà đụng vào là mang vạ vào thân ngay. - Ta còn nghe nói, nhà ngươi mắc mớ với bọn nhà giàu trong kinh đô. Bọn này thường lấn đất công rồi tìm cách biến thành đất tư bán thu cơ man là tiền. Ngươi cũng có lợi không nhỏ trong đó nên khó mở miệng. Việc này thực hư thế nào? Đề đốc Hộ thành run run tâu: - Bẩm Hoàng thượng, thần hết lòng với việc công nên đụng chạm đến người này người khác. Bởi vâỵ, có kẻ ghen ghét đặt điều cho thần, xin Hoàng thượng soi xét. Nhà Vua khẽ cười: - Ta tạm để ngươi giữ hộ ta cái đầu của ngươi. Thôi, cho lui. Hồi đó, ở kinh đô có một bọn lân la nơi nơi truyền bá tà giáo và một bọn chuyên đâm thuê chém mướn uống máu người không tanh. Hễ ngửi thấy hơi tiền là chúng bâu tới. Ai thuê làm việc gì, chúng cũng làm. Hai toán bất hảo này có mối quan hệ mật thiết với quan Hộ thành. Bởi vậy, thế lực của quan Hộ thành khiến nhiều người e ngại. Trừ Đề đốc Hộ thành không khó. Làm thế nào trừ khử được bọn truyền bá tà giáo và bọn bất hảo một cách công khai chẳng dễ chút nào, nhà Vua nghĩ mãi chưa ra cách gì khả dĩ. Nhân một lần đi vòng quanh kinh thành xem xét, nhà Vua thấy kinh thành nhếch nhác quá. Dù có đổ bao nhiêu vàng bạc vào việc tôn tạo phố dọc, đường ngang, hoa viên, hí viện, kinh thành vẫn chỉ như chiếc áo vá chằng vá đụp. Ngài đăm đăm suy nghĩ bao ngày bao đêm rồi đi đến một quyết định kinh thiên động địa. Nhà Vua bèn bảo Thái giám: - Kẻ nào đốt được kinh thành thì ngươi hãy thuê kẻ đó đốt thành cho ta. Thái giám không tin vào đôi tai của ông ta nữa nên cứ đứng ngây ra. - Ngươi không nghe thấy ta nói ư? - Tâu bệ hạ, thần nghe thấy rồi nhưng thần không thể tin được… - Quân vô hý ngôn. Ngươi hãy thuê người đốt thành cho ta. Kẻ nào đốt được thành thì ngươi cũng biết rồi. Thái giám run run hỏi: - Tâu bệ hạ, tiền thì thế nào ạ? - Chúng đòi bao nhiêu trả chúng bấy nhiêu. Nhưng mười phần chỉ đưa trước vài ba phần thôi. Ngươi cứ làm đi không mất tiền đâu mà sợ. Thái giám cứ ngớ ra. Nhà Vua lại nói: - Chỉ làm việc với một người để giữ kín chuyện. Nhà ngươi phải tỏ ra là đang có mưu mô thoán nghịch nên phải đốt thành tạo ra sự hỗn loạn việc lớn mới mong thành… Thái giám căng đầu suy nghĩ. Mất gần nửa tháng, ông mới móc nối được với một tên trong bọn đâm thuê chém mướn. Thái giám bộc lộ mưu của mình. Tên ấy không tin. Thái giám bèn dựng lên một màn kịch với những lời hứa hẹn tốt đẹp dành cho chúng sau khi đại cuộc thành. Tên được thuê đốt kinh thành lúc ấy mới tin và tỏ ra hăng hái lắm. Thái giám bèn đặt cho chúng một số vàng. Số còn lại, Thái giám sẽ trả đủ cho chúng khi thành đã cháy.Trước khi về, Thái giám cho tên đốt thành biết thời gian và địa điểm liên lạc tại một nơi cách cổng thành về phía đông năm dặm. Bọn bất hảo báo cho bọn tà giáo biết việc này nhưng lại ngậm tăm với quan Hộ thành. Rồi chúng bí mật kiểm tra Thái giám có đáng tin cậy không. Là người khôn ngoan, Thái giám không hề sơ xuất một chút nào khiến bọn bất lương tin lắm. Bọn bất lương chơi một nước cờ rất cao. ấy là việc chúng cho bọn tà giáo phao tin "tiên tri" ngày giờ kinh thành bốc cháy. Lời "tiên tri" ấy lan truyền khắp kinh thành khiến dân chúng hoang mang khôn xiết. Tin dữ đến tai nhà Vua. Ngài cứ thản nhiên như khôngkhiến Thái giám càng bối rối. Bởi ông ấy không biết toàn bộ ván cờ mà nhà Vua bày đặt. Thấy cần phải trấn an Thái giám kẻo hỏng việc, nhà Vua nói: - Ta biết ngươi chưa hiểu việc ta sai ngươi làm. Nay có tin dữ lan truyền, đó là kế thực mà hư, hư mà thực của bọn chúng. Nhưng ngươi yên lòng. Ta không làm người ô danh với đời đâu. Ngươi đừng sợ. Việc tới đâu, ta cắt đặt cho ngươi tới đó. Thái giám vơi đi nỗi lo bèn rập đầu: -Thần không biết đâu mà lần cả. Làm việc gì, vào lúc nào xin bệ hạ sai phái ạ. Nghe được tin dữ, quan Hộ thành lo bạc cả đầu. Kinh thành mà cháy cái đầu ông ta không bằng củ chuối. Ông ta sai quân lính canh gác, lục soát đêm ngày. Con kiến ra vào kinh thành cũng không qua mắt được quân lính của ông ta. Đúng ngày, đúng giờ mà bọn tà giáo "tiên tri", kinh thành không có gì xảy ra. Cả quân lẫn dân khắp kinh đô thở phào. Hoá ra lời tiên tri của bọn truyền bá tà giáo chỉ là lời nhảm nhí. Đến lúc ấy, nhà Vua bảo Thái giám: - Đêm nay, ngươi mở tiệc chúc mừng quan Hộ thành đi. Kinh thành không cháy thì phải chúc mừng ông ấy. Ngươi không được nói ta xui, tìm tửu lâu thật sang mà tiếp ông ta. - Thần xin tuân chỉ. Tuân chỉ đấy nhưng Thái giám không biết mưu chước của nhà Vua là thế nào. Tuy vậy, ông ta cứ nhất nhất làm theo. Thái giám nghĩ cách nói năng rồi đến nhà quan Hộ thành.Kinh thành không xảy ra hoả hoạn, quan Hộ thành vui lắm. Ông ta đang vui thấy Thái giám đến tưởng là có chỉ bèn ra nhận. Thái giám lắc đầu rồi cười: - Quan Hộ thành đứng lên đi. Hôm nay tôi đến chúc mừng ngài chứ không phải mang chiếu chỉ của Hoàng thượng tới. Quan Hộ thành vui lắm sai người pha trà mời Thái giám. Qua một tuần trà, Thái giám nói: - Từ khi có tin dữ, ngày đêm tôi lo ngay ngáy. Kinh thành mà cháy chẳng những ông chết mà tôi cũng chết. Thêm nữa, gia sản của bố mẹ tôi và gia sản của anh em tôi hoá thành tro than thì thảm hoạ khôn lường. Nhưng xem ra, tin đó là tin bậy bạ. Kinh thành vô sự, tôi chúc mừng ngài và muốn mời ngài vài chén rượu. Quan Hộ thành đỡ lời: - Quan Thái giám là khách. Là chủ, tôi phải mở tiệc đãi quan Thái giám mới phải chứ, có đâu tôi lại để ngài mời rượu. - Không câu nệ như vậy. Hôm nay, tôi có ý mời quan Hộ thành, đừng này khác nữa. Hôm khác, quan Hộ thành mời tôi đâu dám từ chối. Đang lúc vui, quan Hộ thành đã sa bẫy. Lại nữa, Thái giám kè kè bên Vua, được ông ấy mời rượu vinh hạnh lắm chứ. Nhiều kẻ cố lấy lòng ông ấy mà có được đâu. Kẻ dại dột mới khước từ thịnh tình của ông ấy. Thế là quan Hộ thành bước theo Thái giám. Thái giám chọn một tửu lâu rất lớn chén tạc chén thù. Nhằm lúc quan Hộ thành hoan lạc, bọn đốt thành mới ra tay. Lúc trời đã khuya, hai người đã chếnh choáng, bỗng tên lính tuỳ tùng quan Hộ thành chạy lên gác, lưới nhíu lại: - Bẩm, bẩm quan… - Bẩm cái gì? Có mấy ai được quan Thái giám đãi rượu. Lui ngay! Có gì để đến sáng mai. - Bẩm, bẩm quan… - Bẩm gì? Đã bảo rằng lui. - Bẩm quan, phía Tây thành phát hoả. - Phát hoả làm gì? - Bẩm lửa cháy ạ. Rồi lại một tên lính tuỳ tùng nữa lao lên: - Bẩm quan, cửa Bắc kinh thành lửa cũng bốc cao ạ. Lúc ấy kinh thành đã như chợ vỡ. Thái giám vội vàng rời tửu lâu băng về cung. Không chỉ có cửa Tây và cửa Bắc thành đã bốc cháy, bốn cửa thành, cửa nào cũng ngùn ngụt lửa. Thái giám thất kinh sụp trước bệ rồng: - Tâu bệ hạ, thần tưởng bệ hạ lập mưu bắt bọn bất lương chứ có biết đâu ngài cho chúng đốt kinh thành thật. Nhà Vua thản nhiên: - Rồi ngươi sẽ biết. Nói rồi, nhà Vua cùng hoàng tộc cất bước tới Thuỷ tạ. Thái giám run rẩy bước theo. Gần sáng, quan Hộ thành mới tỉnh rượu. Lúc ấy, ông ta đã được bọn tuỳ tùng đưa tới một nơi mà lửa không lan tới được. Nhìn cả kinh thành đang bốc cháy rừng rực, quan Hộ thành không biết điều gì đã xảy ra đêm qua. Bọn tuỳ tùng bèn nói lại tất cả và vì sao chúng phải đưa quan Hộ thành tới nơi đây. Men rượu đã nhạt, quan Hộ thành rụng rời chân tay. Ông ta nhớ lại câu nói của nhà Vua trước đó hơn một tháng: "Ta tạm để ngươi giữ hộ ta cái đầu của ngươi". Nay kinh thành cháy, nhà Vua chắc chắn sẽ lấy cái đầu mà Ngài "tạm gửi". Khắp nơi, lửa bốc càng cao hơn. Quan Hộ thành dằng lấy thanh gươm từ tay tên tuỳ tùng kết thúc đời mình. Chỉ hơn bốn ngày, thần lửa đã biến kinh đô không kém phần to đẹp thành đống tro xám. Riêng có hoàng cung, quân cấm vệ liều chết tạo ra một hành lang rộng khiến lửa không liếm qua được nên mới không bị lưả thiêu cháy. Theo cam kết, bọn đốt thành đến điểm hẹn lấy tiền. Chúng vừa xuất hiện đã bị bắt ngay. Những ngày sau đó, quan quân triều đình lùng sục bắt hết bọn bất lương và bọn tà giáo. Vin vào lời tiên tri "kinh thành sẽ bị cháy", nhà Vua có cớ khử bọn tà giáo và bọn bất lương thường gây rối trong kinh thành. Trước khi phiên toà xử bọn đốt cháy kinh thành được mở ra, nhà Vua hỏi Thái giám: - Ngươi năm nay gần sáu mươi tuổi đã có tới gần ba mươi năm ở bên Vua cha và bên ta. Tiếng là quân thần nhưng tình như thủ túc. Ta đối xử với ngươi có bạc bẽo không? Thái giám quỳ xuống đáp: - Tâu đức Thánh quân, ân đức của Người ban cho thần rất hậu ạ. - Dài ngắn của một kiếp người không quan trọng, điều quan trọng của một kiếp người là có ích gì cho mọi người hay không. Người nào đã làm được một việc có ích cho đời rồi, khi ấy dù có phải chết cũng không ân hận gì. Ngươi thấy ta nói có phải không? - Tâu đức Thánh quân, lời của Người như ánh đèn trong đêm vậy. - Ngươi vừa làm được một việc cổ kim chưa có ai làm được. Tuy vậy, việc lớn có ích này nghìn năm sau mới cho người đời biết được. Bởi vậy, nếu ngươi sống thêm dăm ba năm nữa chẳng có ích gì đâu mà chỉ sống trong tủi nhục. Vì công lao của ngươi ta chưa thể nói ra cho mọi người biết. Thế thì ngươi thấy nên làm thế nào? Suy nghĩ kỹ càng, Thái giám đáp: - Tâu đức Thánh minh, thần đã hiểu ý của Người. - Vậy ngươi hãy viết lại những việc vừa qua ta sai ngươi làm. Ta cũng sẽ viết lại việc này. Có điều, những điều ta và ngươi viết lại là dành cho người nghìn năm sau. Ngươi có oán ta không? - Tâu Thánh quân, thần chỉ mong đền đáp ân tứ của Thánh quân thôi. - Thế thì ngươi nên chọn lấy một đứa con nuôi. Ta và người kế vị ta sẽ trông nom con nuôi của ngươi.Nhà Vua ngẫm nghĩ, nói tiếp: - Mai kia xử bọn chúng, thế nào bọn chúng cũng cáo buộc ngươi. Liệu đấy mà nói. Phiên toà xử bọn đốt thành còn đông hơn ngày Đại khánh hằng năm. Đức Vua ngồi ghế Chánh pháp đình. Hàng trăm tên phạm tội được điệu đến. Theo tờ cung, nhà Vua hỏi tên đứng đầu nhóm đốt cháy kinh thành: - Vì sao ngươi tổ chức làm việc đại ác này? Tên đó đáp: - Tâu bệ hạ, Thái giám thuê bọn tiểu dân đốt kinh thành. Nhà Vua dõng dạc: - Truyền Thái giám. Thái giám thản nhiên bước tới trước pháp đình sụp lạy: - Tâu bệ hạ, thần đã tới hầu. - Tên này khai ngươi thuê nó đốt kinh thành, việc đó có không? - Tâu bệ hạ, bệ hạ sai thần lập mưu bắt bọn bất lương chuyên làm việc ác khiến dân chúng khổ sở. Thần giương bẫy để bắt chúng. Thần bất tài không khống chế được chúng nên bẫy chưa sập mà thành đã cháy. Thần đáng tội chết. Nhà Vua lại hỏi tên đầu sỏ đốt thành: - Tội Thái giám ta sẽ trị. Nhưng ta hỏi ngươi, tại sao bọn đứng đầu tà giáo biết việc này rồi bịa đặt lời nhảm nhí? - Tâu bệ hạ, bọn tiểu dân có giao tình với những người thường đi truyền giáo. Vì vậy bọn tiểu dân làm việc gì những người ấy đều biết cả. Nhà Vua hỏi bọn tà giáo: - Bọn ngươi bịa ra lời nhảm nhí: "kinh thành sẽ bị cháy" nhằm dụng ý gì? Một tên trong bọn đó đáp: - Tâu bệ hạ, những lời ấy là do tên đứng đầu vụ đốt kinh thành nhờ bọn tiểu dân nói. Nhà Vua hỏi tên đầu sỏ đốt kinh thành: - Bọn tà giáo nói vậy, ngươi thấy thế nào? Tên ấy cúi đầu không nói gì. Nhà Vua nghiêm giọng: - Vậy ra lời bọn tà giáo phao tin nhảm coi như lời "tiên tri". Nhưng thời gian chúng dự đoán kinh thành lại không cháy. Lời tiên tri thành nhảm nhí nên quan Hộ thành không tin dẫn tới ông ta lơ là. Lúc ấy, chúng mới ra tay. Ta nói như vậy có đúng không? Cả bọn đều im thin thít. Nhà Vua lại hỏi: - Trong bọn bay, những đứa nào châm lửa đốt kinh thành hãy đứng sang một bên cho ta coi. Chúng đùn đẩy nhau một lúc. Cuối cùng chín tên đứng sang một phía, trong đó có tới sáu tên tà giáo. Nhà Vua chợt hiểu. Bao năm, ngài rất nặng tay với bọn truyền bá mê tín bậy bạ. Bởi vậy, chúng oán nhà Vua. Hễ có dịp là chúng chống phá triều đình. Mượn gió bẻ măng, nhà Vua quét một mẻ, bắt hàng vạn tên đi theo tôn giáo trái với nền nếp quốc tuý, bại hoại đạo đức truyền thống. Bọn đâm thuê chém mướn và bọn tà giáo đều bị khép vào tội chết. Còn với Thái giám, nhà Vua nói: - Ngươi vâng lệnh ta bày cách bắt bọn bất lương trừ hoạ cho dân chúng. Nhưng không theo sát để bắt chúng khi chúng vừa gây tội ác. Do đó, bọn bất lương có cơ hội đốt cả kinh thành, thảm hoạ khôn lường. Ta cho ngươi tự xử. Thái giám cúi đầu vái tạ đức Vua. Về tới cung, ông ta uống thuốc độc chết. Nhà Vua đứng lặng nhìn ông ta giây lát rồi nói: - Ta đâu muốn thế này. Nhưng nếu ngươi là ta, ngươi cũng không làm khác được. Trương Văn Chất chăm chú lắng nghe và nhận ra cái vị Vua ở một xứ xa xôi của ngày xửa ngày xưa đã biến Thái giám thành một quân cờ. Ông ta không biết được ý đồ cuối cùng của Vua. Còn bọn bất lương, chúng động tĩnh thế nào nhà Vua biết cả. Trương Văn Chất bèn nói: - Thí một tên Thái giám để giữ bí mật lâu dài, vị Vua ấy thật cao mưu, chỉ khốn nạn cho tên Thái giám phải chết oan. Phan Đức Vinh tiếp lời: - Một vị Vua đã dám mượn tay kẻ khác thiêu trụi cả kinh thành thì mạng một tên hoạn quan có đáng gì. Trương Văn Chất bình luận: - Vin vào vụ cháy thành, vị Vua ấy trừ khử được bọn tà giáo, bọn đâm thuê chém mướn và quan Hộ thành gian giảo. Không biết sau đó, vị Vua ấy xây lại kinh thành như thế nào? Phan Đức Vinh cười: - Đó mới là mục đích chính của vị Vua ấy. Rồi Phan Đức Vinh thủng thẳng kể: Để xây lại kinh thành, nhà Vua đã bố cáo: "Kinh thành chẳng may bị bọn bất lương đốt cháy. Trẫm sẽ cho xây lại to đẹp hơn trước. Từ quan đến dân ai có lời sáng, ý hay góp phần kiến tạo lại kinh đô hãy trình lên Trẫm. Ai đáng thưởng, Trẫm sẽ thưởng…" Quan dân cả nước nô nức dâng sáng kiến lên nhà Vua. Ngài bèn chọn lấy những ý kiến hay nhất rồi hợp lại tạo nên hình mẫu kinh thành và kế hoạch xây cất. Từ quan to đến quan nhỏ theo phẩm hàm mỗi người có một phần đất bỏ tiền ra xây theo mẫu của nhà Vua. Dân trong kinh thành mỗi nhà được một phần đất theo nhân khẩu Bộ Hộ quản lý. Dân xây cất nhà cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ của triều đình. Quan cũng như dân, ai muốn xây cất nhà theo kiểu cách của mình thì phải xây ở khu đất mà nhà Vua đã quy định ở ngoại ô kinh thành. Việc mua bán nhà và đất được quy định chặt chẽ. Ai bán nhà, đất phải bán cho Bộ Hộ. Nhà, đất mua bán không thông qua Bộ Hộ đều bất hợp pháp. Bộ Hộ chịu trách nhiệm trước nhà Vua về các trường hợp mua bán gian lận, đầu cơ nhà đất. Gần mười năm sau, kinh thành được xây xong. Phố nào ra phố ấy, dọc ngang thẳng tắp. Các đường phố chính có chiều rộng ba mươi ngựa đi hàng ngang. Đường phố phụ có chiều rộng bằng nửa đường phố chính. Các đường phố thông với nhau như bàn cờ, đi lại rất thuận tiện. Kinh thành mới đẹp hơn cả niềm ao ước để cho các quốc gia láng giềng vươn tới. Gần một nghìn năm sau, trong một lần tu sửa cung điện, người ta tìm thấy bút tích của nhà Vua và Thái giám. Người người bàng hoàng. Thì ra nhà Vua chủ trương đốt kinh thành để xây lại, còn Thái giám chỉ là người thừa hành bị động. Thành cháy rồi, ông ta mới biết ý định của nhà Vua. Trung thành với nhà Vua, ông ta tự chết để giữ bí mật đó. Ngày nay, kinh thành đó vẫn làm cho đời ngỡ ngàng chiêm bái vẻ lộng lẫy của nó. Trương Văn Chất ngẫm nghĩ nói: - Quả là một vị Vua anh minh, chí lớn có một không hai. Làm việc lớn, người đứng đầu quốc gia phải có bản lĩnh như núi. Việc gì cũng hỏi ý kiến quần thần mà quần thần dốt nát thì chỉ thêm rách chuyện. Bậc đại trí, đại dũng phải dám quyết, làm cái gì cũng sợ sai thì đừng ngồi vào ngai vàng, ngồi vào chỉ làm khổ dân. Ngừng lại giây lát, Phan Đức Vinh hỏi bạn: - Vậy Bác thấy kinh thành của một vương quốc to hay bộ Bách Khoa Thư chừng mươi vạn lạng bạc to? Trương Văn Chất đáp: - Kinh thành của một vương quốc ví như con voi, bộ Bách Khoa Thư bất quá là cái tai con voi thôi. Nhưng thôi bác ạ, tôi với bác chỉ là hai anh nho sinh áo không có túi nên thi mãi mà không đỗ. Lời nói ngay thẳng của chúng ta không khéo lọt vào tai kẻ ác hoạ đến thân ngay. Cứ lấy quan Tổng đốc mà làm gương. Ngài chết vì nói thẳng đấy. Phan Đức Vinh khẽ cười: - Bác lại nhụt chí rồi. Không có tiền nhưng chúng ta có chữ. Thế nào tôi và bác cũng đỗ. Đã là Cử nhân, Tiến sỹ thì phải có một cái gì đó sáng sủa hiện lên chứ còn Cử nhân, Tiến sỹ bụng toàn cơm với thịt, viết câu còn lỗi, đọc chữ còn nhầm thì mang cái danh hão làm gì. Tể tướng đứng gần đó đã nghe rõ hai nho sinh nói chuyện với nhau bèn bước lại sát bàn cờ góp lời: - Nghe hai vị bàn về Bách Khoa Thư, tôi mạo muội xin hỏi. Lúc nãy có một vị nói trong Bách Khoa Thư có chỗ viết thiếu căn cứ. Tôi đã đọc mà không nhìn ra, xin thức giả chỉ hộ. Hai nho sinh cùng ngước lên nhìn người vừa hỏi. Trương Văn Chất đáp: - Anh em tôi là kẻ tào phào chứ thức giả gì đâu. Tể tướng khẩn khoản: - Xin thức giả chỉ chỗ thiếu căn cứ trong Bách Khoa Thư cho tôi được mở mang đầu óc. Trương Văn Chất đáp: - Ông đã nói vậy thì tôi xin nói ý của tôi. Trước đến nay, người người đều nghĩ rằng Trời có trước, Đất có sau. Bách Khoa Thư lại nói Đất có trước, Trời có sau. Chỉ một thay đổi này khiến nó ngược lại tất cả. Cứ cho rằng Bách Khoa Thư đúng. Vậy người viết sách phải chỉ ra nó đúng ở chỗ nào để người đọc muốn cãi cũng không cãi được. Đến lúc ấy, người người phải nói Đất có trước chứ không phải Trời có trước. Suy cho cùng, Bách Khoa Thư chưa đúng ý dân, chưa nói được cái điều trăm họ mong đợi. Hỏng là hỏng từ đó. - Tôi xin hỏi, Vua to hay hai vị to? Phan Đức Vinh đáp: - Chúng tôi có là gì mà giám so với Vua. Tể tướng cười mỉa mai: - Vậy là Vua to chứ gì. Vua to mà Vua chưa chê Bách Khoa Thư. Các vị không là cái gì mà lại dám bỉ báng Bách Khoa Thư. Thì ra hai gã nho sinh quèn dám chê Vua dốt. Bay đâu! Bắt hai thằng này cho ta! Tay chân của Tể tướng xông lại trói nghiến hai nho sinh. Phan Đức Vinh hỏi: - Các người là ai mà lại giám bắt chúng ta giữa ban ngày? - Ta là Tể tướng đương triều đây. Phan Đức Vinh ngoảnh sang nói với bạn: - Hôm nay không may, ta gặp hùm sói rồi... Bốn ngày sau, phiên toà xử hai nho sinh được mở ra. Tể tướng sai lính dán cáo thị khắp nơi cho dân chúng tới xem. Pháp đình dựng lên ở một bãi đất rộng trước đại hoa viên của kinh thành. Người xem xử án đứng chật như nêm cối. Tể tướng ngồi ghế Chánh pháp đình. Ông ta hỏi hai nho sinh: - Hai tên gàn nho có biết phạm tội gì không? Phan Đức Vinh đáp: - Chúng tôi phạm tội nói thật. - Sàm ngôn. Các người phạm tội khi quân. Trương Văn Chất vặn lại: - Nghị luận Bách Khoa Thư mà phạm tội khi quân, vậy Vua giao viết Bách Khoa Thư mà lại viết bậy bạ thì phạm tội gì? Ông hiểu rõ điều này hơn mọi người chứ? Tể tướng lúng túng giây lát rồi cũng tìm được cách biện bác: - Nếu Bách Khoa Thư dở thì Vua hỏi tội ta rồi. Kiến văn của các ngươi đã qua được tam trường chưa mà dám bôi bác Bách Khoa Thư. Trương Văn Chất bác ngay: - Ta biết những kẻ viết Bách Khoa Thư đều có danh Tiến sĩ cả. Nhưng xem ra rặt Tiến sĩ hoa man do ông bồi phết nên. Những kẻ ấy "văn bất thành cú" mà cũng ti toe trí giả. Chúng ta dù kiến văn chưa đáng là bao nhưng đó là cái có thực của chúng ta, còn bọn Tiến sĩ giấy thì đáng giá mấy đồng. Kẻ còn liêm xỉ chắc sẽ hổ thẹn vì đã trót mang cái danh ấy. Cứ nhìn mặt những kẻ viết Bách Khoa Thư, thiên hạ ắt biết Bách Khoa Thư là ngọc hay là đất rồi. Phan Đức Vinh tiếp lời: - Ông nói: "Nếu Bách Khoa Thư dở thì Vua hỏi tội ông rồi". Vua đang nghĩ gì ông có biết không? Bậc đế vương trước một việc tày đình cũng thản nhiên như không, còn lồng lộn lên thì đó là kẻ tiểu nhân. Ông hãy đợi đấy, hoạ Bách Khoa Thư chắc chắn sẽ đến với ông. Dân chúng nhao nhao: - Nói đi! - Nói hay lắm! Nói nữa đi! - Nói đi! Hai tiên sinh có nói dân chúng mới hiểu. - Hay lắm! Thật là sướng hai cái lỗ tai. Dân chúng ào lên vây kín hai nho sinh. Phan Đức Vinh lại nói: - Nhà Vua giao cho ông lo việc biên soạn Bách Khoa Thư. Những bậc trí giả thông kim bác cổ không được chấp bút. Ông không vì cái sáng láng, cao quý của bộ sách mà ông vì cái riêng. Ông coi việc soạn Bách Khoa Thư như một vụ buôn bán kiếm lời. Bách Khoa Thư biến thành loạn thư làm dân nước u tối đi, tàn hại không biết bao nhiêu đời. Tể tướng hầm hầm: - Bay đâu, lôi hai thằng khinh vua này ra chém ngay. Lính xông vào bắt hai nho sinh. Nhưng dân chúng đông quá, bọn lính không chen lên được. Trương Văn Chất được thể bèn nói lớn: - Chính ngươi mới là kẻ đạp lên phép Vua. Ngươi lộng hành sắp xếp lại các lộ, các trấn chẳng tính đến thiệt hại to lớn không biết bao nhiêu mà kể, miễn sao bóng của ngươì bao trùm thiên hạ. Những người hiền lương như quan Ngự sử, quan Tổng đốc Hải Đông ngươi cố tình hãm hại. Ô quan như Đỗ Hối ngươi lại giang tay che chở. Nhưng lưới trời lồng lộng ngươi không thoát được đâu. - Lính! Chúng mày đứng trơ mắt ra mà nghe à? Bọn lính ùa cả vào. Đã có những chỗ xô xát. Sợ dân bị vạ lây, Phan Đức Vinh khẩn khoản: - Tạ ơn bà con. Bà con dãn ra, về đi kẻo vạ lây. Pháp đình như chợ vỡ. Người thì khóc thương hai nho sinh. Người thì nguyền rủa tên quan tàn bạo. Cái chết của hai nho sinh khiến các trí giả càng tìm đọc Bách Khoa Thư. Mọi người đều nhận thấy hai nho sinh chết oan. Tể tướng biết chuyện này sẽ còn rày rà. Nhà Vua cứ lặng thinh để cho Tể tướng bộc lộ những gì ông ta muốn.