Lúc đầu, khuôn mặt ấy – một khuôn mặt phụ nữ – chỉ là một đám sương mù vô định và lộn xộn, nhìn thấy qua những cơn đau luôn tái diễn giống như những vòng tròn nhân thêm và lan truyền trên mặt nước khi một viên sỏi rơi xuống hồ. Lúc thì đấy là khuôn mặt Thần vệ nữ trong tranh, lúc lại là khuôn mặt Luxia Belacmi. Chúng thay nhau nhởn nhơ trong chỗ mờ ảo, trước tầm mắt anh. Nhưng những lúc tỉnh táo rất hiếm hoi, anh biết rằng đấy không phải nữ thần – vì bức tranh vẫn xếp ở đáy xe – cũng không phải cô gái, – vì Luxia đang ở Phlôrăngxơ. Đôi mắt làm rạng rỡ khuôn mặt ấy, khi anh phân biệt được chúng, trông thân ái và tư lự chứ không đầy khinh bỉ như mắt của Luxia trong giấc mơ. Anh thấy mình đứng trên quả đồi trước làng Sămpen nhìn một dáng người đứng rất thẳng đang bị trói vào cột, bao quanh cây cột ấy, những ngọn lửa đang chồm lên. Mấy bàn tay dai dẳng bám vào người anh cố lôi anh đi, lôi chính anh, Ăngtoan, đến một giàn thiêu khác còn trống nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng. Dù anh cưỡng lại vẫn bị lôi đến gần. Có thể đọc được tấm biển đóng đầu cọc: Ăngtôniô Xecvêtut, theo tà giáo, Chuyên thực hành phép phù thuỷ Kẻ xâm phạm đến người phụng sự Chúa phải chết. Tên tà giáo Ăngtôniô Xecvêtut phải chết. Cố sức vùng vẫy, anh cố gỡ thoát những bàn tay đang cố kéo anh đi. Sẽ còn những cuộc chiến đấu khác, anh biết thế, và có lẽ anh sẽ thua trong trận cuối cùng… - Bác sĩ Ăngtôniô. Một giọng nói ngọt ngào, quen quen, vang bên anh. Anh quay đầu lại, mắt anh gặp cặp mắt lo lắng của Luxia Belacmi.- Cô Luxia… Bức tranh… - Đã được để ở chỗ an toàn… Cô thay miếng vải ướt đắp trên trán Ăngtoan, mùi dấm hắc bay vào mũi trong khi anh cảm thấy những ngón tay mát lạnh chạm vào da mình. Mắt anh lơ đãng nhìn căn phòng. Phòng nhỏ nhưng bày biện sang trọng, phủ toàn tơ lụa, và một bức tranh – Ăngtôniô nhận ra ngay đây là một trong những tranh vẽ đầu người của Bôtixeli – làm rạng rỡ bức tường. Trong góc phòng là cái bàn trang điểm, tấm gương ở đấy lồng một bộ mặt gầy gò, ngơ ngác, râu ria, hai mắt hõm, chiếc miệng nhăn nhó đau đớn, đang nhìn Tôniô. - Tôi đang ở chỗ nào vậy? – Anh thều thào. - Ở Phlôrăngxơ. Trong lâu đài Belacmi. - Nhưng chúng tôi không rời Pađu từ hôm qua ư? - Các anh rời Pađu đến hôm nay là một tuần lễ, anh đã ốm rất nặng vì vết thương bên cạnh sườn. Thế là, như bức tranh liên hoàn, anh nhớ lại cuộc vật lộn trong tu viện, nghe tiếng nện chắc nịch và liên tiếp của cây đèn nến lên sọ giáo sĩ Phêlíp cảm thấy lại những cơn đau nhói dữ dội bên sườn và cực hình của cuộc hành trình thâu đêm trên xe, cho đến khi vết thương đau cùng cực làm cho anh rơi vào tình trạng mê man. - Giăng nói với chúng tôi về cuộc chống chọi của anh để lấy lại bức tranh: anh đã rất dũng cảm, anh Ăngtôniô ạ. Anh mỉm cười mệt mỏi: - Thiếu chút nữa tôi đã không thành công! - Tôi biết. Bác sĩ Đuyvan bảo chỉ mấy phân nữa là vết thương của anh không cứu chữa được. - Bác sĩ Đuyvan nào? - Một bác sĩ người Pháp. Ông đi theo quân đội Pháp sang Ý. Ông đã ở lại Ý để giảng dạy ở đại học Phlôrăngxơ. Ăngtôniô thử cử động vai và bị đau buốt. Luxia luồn tay xuống dưới vai khẽ nâng anh lên. Tay cô cứng cáp, chắc chắn, nhẹ nhàng và thận trọng. - Thế… Như thế này dễ chịu hơn. - Cảm ơn… Cô là một y tá rất tốt. - Tôi chăm nom anh đã một tuần rồi, – cô mỉm cười nhắc anh. Có tiếng người nói vang trong hành lang. Luxia khẽ nói: - Có lẽ bác sĩ Đuyvan đến. Một người đàn ông bé nhỏ, để râu cằm nhọn, bước vào phòng. Đôi mắt nâu của ông sáng lấp lánh trên khuôn mặt rạng rỡ vì đang vui. Trước khi quay về phía người bị thương, ông cúi xuống hôn tay Luxia. - Thế đấy! Ông đã trở lại với thế giới này rồi đấy, phải không nào? Ăngtôniô cố mỉm cười: - Cô Luxia đã kể cho tôi biết rằng tôi gần vượt qua con đường sang thế giới bên kia. - Gần. Rất gần, thật thế. Nếu không có thiên tài của bác sĩ Ăngbroadơ Parê thì ông không tránh khỏi lối đi ấy đâu. - Ăngbroadơ Parê? – Tôniô nói như một tiếng vang. - Ông không nghe nói đến bác sĩ Ăngbroadơ Parê sao? - Có phải người thợ cạo – phẫu thuật viên đã đề ra một phương pháp trị thương mới không? - Trước kia ông ấy là thợ cạo kiêm phẫu thuật viên, – người Pháp sửa lại. – Bây giờ ông ấy là uỷ viên của Viện ngoại khoa và Y khoa ở Pari. Nhưng tôi làm cho ông mệt rồi… để xem vết thương thì hơn. Người thầy thuốc nhỏ nhắn nhanh nhẹn có hai bàn tay êm ái và nhẹ nhàng, ông hết sức thận trọng mở băng. Như vậy mà trước khi mở đến vết thương Ăngtôniô đã tái nhợt mặt và đẫm mồ hôi. - Ồ! Tuyệt lắm! Ông phải tự nhìn mới thấy được, bác sĩ Ăngtôniô ạ. - Anh ấy có thể dùng gương của tôi, – Luxia nói và đi lấy gương ở bàn trang điểm. tấm gương lồng trong khung bạc, mặt sau trang trí bằng một công trình phức tạp của nghệ thuật kim hoàn, tác phẩm này hiển nhiên là của bậc thầy về chạm trổ. Nhiều đồ đạc xinh xắn khác của phụ nữ bày trên bàn trang điểm. Qua đó, Tôniô hiểu rằng cô đã để phòng riêng cho anh ở. Luxia cầm chiếc gương hướng cho vết thương soi vào thật rõ: dài hơn một tấc, miệng còn tấy lên vì da bị sưng, nhưng vết thương lành và sạch sẽ, một lớp thịt hồng hồng lên da. - Có đẹp không nào? – Bác sĩ Đuyvan thích thú hỏi. Nhưng Ăngtoan sửng sốt kêu lên: - Giăng không đốt hay sao? - Thế là may mắn cho ông đấy, thưa ông… - Nhưng vấn đề nhiễm trùng vết thương… - Bác sĩ Parê đã gạt bỏ cái lý thuyết sai lầm ấy đi rồi. Khi ông Giăng thấy mình không đủ khả năng đốt vết thương như ông đã hướng dẫn, ông ấy đã điều trị bằng cách hết sức tốt mà không biết. Ông hãy trông xem nó tiến triển tốt hơn điều trị theo cách cũ biết chừng nào! Không còn hoài nghi gì nữa về vấn đề này. Nếu vết thương được đốt cháy như trước kia bằng dầu ăn đun sôi, nhựa thông nấu lỏng hay sắt nung đỏ, một tảng thịt cháy hay cháy thành than sẽ lan khắp xung quanh, phải hàng tháng mới khô và bong khỏi thớ thịt lành đang tái tạo ở lớp dưới. Còn vết thương của anh chưa qua hết một tuần lễ, lại bị sưng ác liệt làm cho phức tạp hơn, thế mà da thịt vẫn phân minh, sạch sẽ, lành lặn và đang đà tái tạo mạnh. Điều đó làm cho Ăngtoan suy nghĩ, nếu cách điều trị mới này hiệu nghiệm đến mức ấy thì tất cả các phương pháp cũ không phải chỉ sai lầm mà còn nguy hiểm. Bác sĩ Đuyvan đang sửa soạn một miếng gạc để đắp, ông thấm vải vào một thứ thuốc nước pha chế màu vàng nhạt đựng trong lọ. - Thứ thuốc nước này có giá trị lắm, bác sĩ Ăngtoan ạ, – ông bác sĩ vóc người nhỏ bé tiếp tục chuyện trò. – Đây là một phát minh nữa của bác sĩ Parê trứ danh đấy. Lòng đỏ trứng gà và tinh dầu hoa hồng hoà tan trong dầu thông.Thứ thuốc đau xót cháy da làm cho Ăngtoan thở dồn, nhưng người thầy thuốc Pháp chưa quấn xong băng quanh ngực anh, cảm giác mát dịu đã thay thế cho cái xót của dầu thông. - Đấy, – ông bác sĩ nói và đi rửa tay. – Ông sẽ bình phục rất nhanh, bác sĩ Ăngtôniô ạ. Con người thật sung sướng, có cả sức mạnh của tuổi trẻ… và một cô y tá xinh đẹp mê hồn bảo vệ mình. Luxia đỏ mặt. Màu đỏ dịu lan trên hai má cô, và lúc này Tôniô lại thấy cảm giác lạ lùng là xưa kia, ở một nơi nào đó, anh đã gặp cô, đã biết cô đến nỗi như là thân thuộc. Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay cảm giác ấy càng rõ. Anh hỏi bác sĩ Đuyvan: - Ông có luận văn nào của bác sĩ Parê không? - Tất nhiên có chứ. Một cuốn sổ tay nhỏ về cách chữa các vết thương do bị súng bắn. Nhưng đáng tiếc là viết bằng tiếng Pháp. - Tôi đọc được tiếng Pháp – Ăngtoan nói. - Tuyệt vời! Để trao đổi, hãy cho tôi đọc công trình vô cùng quan trọng mà ông đã công bố về tuần hoàn qua phổi mà ông Giăng và ông Belacmi đã nói với tôi. - Tôi vô cùng hân hạnh, – Tôniô nói, hài lòng và hãnh diện. Khi bác sĩ Đuyvan đi rồi, Luxia dọn dẹp trong phòng, xếp lại mấy thứ đồ đạc, đi đi lại lại khe khẽ hát một bài hát vui. Ăngtôniô nằm suy nghĩ, anh tự bảo đến nơi nào cũng thấy có điều học tập được. Thế mà chỉ một chút nữa anh đã dành hẳn cuộc sống của mình cho tu viện và trường đại học, vĩnh viễn xa lánh thế giới bên ngoài. Đức mẹ ơi! Anh đã mất biết bao nhiêu kiến thức! Anh đã bắt đầu hiểu rằng tất cả những gì thế giới có để cống hiến không chỉ chứa đựng trong sách vở. Có biết bao nhiêu điều chỉ cần quan sát là thấy rõ ràng! Chỉ cần xông thẳng vào đấy như anh đã xông vào học thuyết về tuần hoàn qua phổi của anh và đã chứng minh nó trên xác một con lợn rừng. Ăngtôniô lĩnh hội một cách còn mơ hồ rằng sự thay đổi trong anh biểu hiện một cách suy nghĩ mới không phải chỉ trong lĩnh vực y học và khoa học mà ở tất cả, – một cách suy nghĩ đòi hỏi bằng chứng dựa trên sự kiện, thay thế cho sự thừa nhận là chân lý các ý kiến của những người có địa vị đề ra. Và anh cảm thấy rất hãnh diện khi nghĩ rằng chính anh là một trong những người đã bằng thực nghiệm mở ra một con đường mà anh sẽ theo mãi mãi trong các công trình nghiên cứu khác, với những thực nghiệm khác. Phát hiện ra sự tuần hoàn qua phổi là một việc rất quan trọng nhưng anh cho rằng biết sử dụng phương pháp thực nghiệm còn quan trọng hơn nhiều, phương pháp này, về cơ bản, đã bị bỏ rơi từ thời các triết gia Hy Lạp cổ. Anh ngủ thiếp đi một cách nhẹ nhàng, khi thức dậy thì Giăng Xavarinô đã thay cho Luxia. Giăng tắm rửa sạch sẽ, đầu chải gọn gàng, hồng hào, sáng sủa trong chiếc áo mới lạ. - Thế nào! Cuối cùng thì cậu đã quyết định sống rồi đấy chứ? – anh mỉm cười hỏi. - Mình không biết rằng vấn đề ấy còn đặt ra cho đến sáng hôm nay… - Không phải chỉ một lần, khi ở trên đường, mình đã nghĩ rằng mình không đem được cậu còn sống tới đây. – Giăng thở dài. – Nhưng mình không làm nổi việc đốt vết thương như cậu đã bảo. Tha lỗi cho mình nhé. - Có gì mà phải tha thứ. Bác sĩ Đuyvan coi đó là việc rất tốt. - Còn cậu, cậu nghĩ thế nào về việc ấy? - Sau khi xem vết thương, tình trạng của nó, cách tái tạo các tế bào, mình đồng ý với ông ấy. Giăng nhẹ nhõm thốt ra một tiếng thở dài và thú thực: - Nói cho đúng thì mình khiếp sợ. Khi đi qua các quốc gia của giáo hoàng mình không dám dừng lại sợ rằng cáo trạng đã đi trước chúng ta. Điều khôn ngoan duy nhất, theo mình, là cần phải đưa cậu đến Phlôrăngxơ càng sớm càng tốt (Anh mỉm cười vẻ giễu cợt). Cụ thân sinh quý báu vô giá của mình sẽ thốt ra những tiếng kêu kinh hãi khi nào cụ biết rõ mình đã tiêu của cụ bao nhiêu vàng để thường xuyên đổi ngựa. - Mình biết rằng nhờ cậu mà mình sống được, – Ăngtôniô chân thành nói. - Ồ! Cậu đã cho mình một đặc ân lớn là cậu ốm. Tình trạng của cậu bắt mình luôn ở gần, vì có thể cần mình có mặt vào bất cứ lúc nào. Mình đã lợi dụng thời cơ để xúc tiến việc riêng với cô Luxia rất hấp dẫn ấy. Ăngtôniô tự hỏi vì sao anh cảm thấy thoáng khó chịu khi nghe bạn mình nói như vậy. Có chúa biết rõ, anh nghĩ thầm, không thể là anh ghen được! Luxia Belacmi đôi lúc tốt và duyên dáng và đã tỏ rõ như thế trong khi cô chăm sóc anh. Nhưng anh không quên rằng cô vốn hay gây sự, và đã không hề bỏ lỡ dịp để gây gổ. - Ông Girôlamô và cháu gái rất vui sướng khi thấy lại bức tranh thân yêu của họ. Bức tranh sẽ được đặt ở một chỗ trang trọng trong phòng tranh lớn của lâu đài khi cậu dậy được. - Tại sao lại đợi mình? - Ông Belacmi dự định tổ chức một lễ khánh tiết nhỏ để chúc mừng cậu. Dù sao thì đó là điều đúng, khi ông ấy tỏ lòng biết ơn cậu vì nhát dao găm cậu đã nhận được giữa sườn do bức tranh Bôtixeli của ông ta. - Mình không muốn có sự đền bù. - Đừng làm trò ngốc, Tôniô. Vì bức tranh này cậu đã mất một địa vị quan trọng. Tương lai cậu sẽ ra sao? - Một người thầy thuốc có khả năng lúc nào cũng kiếm sống được. - Cánh tay của La Mã khá dài và cũng khá có uy quyền ở Phlôrăngxơ. Nó có thể đụng đến cậu đấy, anh bạn thân mến ạ. - Giáo sĩ Phêlíp có thể chết. – Ăngtoan nhận xét.- trong trường hợp ấy, sẽ không ai nghi ngờ mình. - Poocdia vẫn còn đấy, hắn vẫn sống. - Không có Phêlíp Xăngtốt, có thể hắn chẳng làm được trò trống gì đâu. Tuy nhiên, mình hy vọng giáo sĩ Phêlíp không chết. - Trời ơi! Cậu quá đần độn! Hắn đã định giết cậu, phải thế không? - Dù như thế mình cũng không muốn có một cái chết trên lương tâm và cậu cũng biết như vậy, – Tôniô nói. - Lương tâm mình sẽ không hề cắn rứt trong trường hợp như thế, – Giăng nhận xét và buồn rầu nói thêm: - Bọn xấu thì phải chịu khổ chứ, thật khó chịu vì chúng! Hãy nói cho mình rõ, Phêlíp có thể nghi ngờ cậu ở Phlôrăngxơ không? - Còn quá hơn là nghi ngờ. Mình đã bảo hắn rằng mình biết người sở hữu thực sự của bức tranh và mình định đem trả lại cho họ. - Trong trường hợp này thì, ông bạn ơi, bắt buộc cậu phải đi Tây Ban Nha. - Đi Tây Ban Nha? Cậu điên đấy à, Giăng? Tôniô mở to mắt, kinh ngạc, nhưng Giăng vẫn nghiêm trang nói: - Ông Belacmi sắp đi Mađơrit. Cậu biết rõ là nhà Belacmi quan hệ chặt chẽ với các chủ ngân hàng của nhà Mêđixi và họ có những nguồn lợi lớn ở Tây Ban Nha. - Điều đó quan hệ gì đến mình? - Sức khoẻ của ông Belacmi không được tốt, ông ấy nói với mình là định đem theo một người thầy thuốc có thể thực sự tin cậy được. - Nhưng mình có thể làm được cái gì tốt ở Tây Ban Nha? – Ăngtôniô nhấn mạnh. - Cậu nói được tiếng Tây Ban Nha không? - Chắc chắn rồi. Mình sinh ra ở Tây Ban Nha và mẹ mình là người nước này. - Vêdan là thầy thuốc riêng của vua ở Mađơrit, – Giăng nhắc anh. – Ông ấy nhất định sẽ hài lòng khi thấy một nhà cơ thể học cỡ cậu đến Mađơrit. Tôniô mỉm một nụ cười mệt mỏi: - Cậu không nghĩ như thế chứ! Danh tiếng nhà cơ thể học của tôi là điều phiền phức hơn là sức hỗ trợ. - Mình không tin như thế một tí nào. Việc rắc rối giữa cậu và Phêlíp là việc cá nhân. Ở Tây Ban Nha cậu sẽ hết sức an toàn. Nếu có sự gì xảy ra, từ đấy cậu vẫn có thể đi Tân thế giới được. - Khi nào ông Belacmi đi? – Ăngtôniô hỏi.- Độ vài tuần lễ nữa. - Mình chưa thể đi xa sớm như thế… - Cứ yên tâm chữa cho khỏi, – Giăng mỉm cười. – Như thế mình sẽ có thời gian để xúc tiến việc theo đuổi cô gái xinh đẹp trong nhà này.