Trong nhà tù rộng của toà Cada Xăngta, Ăngtoan bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài giống như bị chôn sống. Mỗi ngày hai lần, người giữ khoá, một kẻ thô lỗ, mắt lờ đờ ngu đần, đẩy qua cánh cửa nhỏ trổ phía dưới cửa lớn có song một bát cháo loãng, và một bình nước. Trước mọi câu hỏi của Ăngtoan, hắn chỉ lắc đầu. Căn ngục tối bẩn thỉu vì phân của biết bao nhiêu người ở trước. Dù đứng, ngồi hay nằm thì tù nhân cũng cảm thấy buốt tận xương tuỷ vì hơi lạnh ẩm ướt toả ra từ trần nhà và từ các bức tường. Một chiếc giá làm bằng mấy mảnh ván mộc chạy dọc phòng giam, mấy mảnh chăn đầy rận vương trên đó. Đó là giường. Cái rãnh đào trên nền nhà nối liền với một kẽ hở có lẽ dẫn ra cống. Mùi thối kinh tởm đặc căn hầm tối. Có lẽ chiếc cống bên ngoài cũng đầy chặt các loại rác rưởi rồi. Trong thời gian dài dằng dặc ở dưới hầm Cada Xăngta, Ăngtôniô đợi giai đoạn sắp đến của đời mình. Anh tự nhủ rằng anh Misaen Xecvêtut của anh đã từng phải chịu trước anh những sự khủng khiếp như thế này. Khi ra khỏi đây anh ấy vẫn sẵn sàng chết vì những điều mình tin tưởng. Ăngtôniô cầu xin một sức mạnh như vậy, vì trong thâm tâm anh biết rằng anh chưa có. Ăngtôniô chưa hề giương lên một ngọn cờ nào, cũng chưa làm được gì. Anh chỉ mới thực hành trung thành các nguyên tắc mà người thầy thuốc phải có: phục vụ nhân dân, làm vợi đau đớn và khi có thể, chữa cho họ khỏi bệnh. Người bị giam cầm này tự hỏi không biết các dự án công bố các phát hiện của mình rồi sẽ ra sao: thực tiễn về tuần hoàn máu qua phổi, và một thực tiễn quan trọng hơn nữa là nhu cầu phát triển y học, không chỉ học theo những gì đã viết ra của Galiêng, Arixtôt, Ptôlêmê – dù nghiên cứu những vấn đề ấy vẫn là cần. Phải tìm các triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật ở ngay những cơ thể bị bệnh, tìm ở hội trường giải phẫu, ở bàn mổ xác, hoặc ở các phòng thí nghiệm, trên cơ thể các động vật. Vêdan trước kia đã dám nói lên những sự thực này nhưng nhà cơ thể học ở Mađơrit không còn là người viết và công bố cuốn Phabrica. Một cái gì đó đã mất đi ở Vêdan ngay sau những cuộc tranh cãi đầu tiên, một cái gì đó đã rời bỏ ông, đã bị bạt đi do sự đe doạ mà hiện nay Ăngtoan cũng bị sa vào. Và, nếu Vêdan mới chỉ bị đe doạ đã bỏ cuộc? Vậy anh – Ăngtoan Xecvêtut – tội phạm của Toà án tôn giáo, trước tù tội và hành hạ liệu anh có đủ sức mạnh và can đảm để đứng vững không? Buổi sáng ngay thứ hai, hai vệ binh đến lôi anh đi tay bị trói, chân mang xích, dọc theo những hành lang dài vô tận đến thẳng một gian phòng rộng rãi chói loá ánh mặt trời buổi sáng. Ánh sáng bất thình lình làm anh loá mắt và loạng choạng trên bậc cửa. Một vệ binh đẩy mạnh anh vào phòng, thô bạo đến nỗi đang loạng choạng anh ngã quỵ xuống. Tên vệ binh kéo anh dậy, khoá tay thít bầm tím cổ tay anh. Mắt anh quen dần ánh sáng thái quá và có thể chập choạng đi đến đầu phòng chỗ có một bệ to có lọng che và một chiếc bàn lớn. Trên tường là những dụng cụ tra tấn quen thuộc của Toà án tôn giáo, thoạt trông cũng đủ hiểu quyền lực mà Toà án thiêng liêng ấy có thể tử dụng để các nạn nhân phải bật ra lời thú tội đúng như họ muốn. Khi ngẩng nhìn lên bệ, Ăngtôniô không khỏi ngạc nhiên thấy linh mục Inhaxiô Môlina ngồi ghế giữa, hai tay nắm vào nhau để trên bàn. Bên phải ông ta có một linh mục nữa, người cai quản giáo khu đại diện cho giám mục, bên trái là một viên chức toà án mặc thường phục. Người thư ký toà ngồi đầu bàn đang viết vào một cuốn sổ sau khi đã để ở bên cạnh một số bút lông ngỗng dự trữ cắm trong quả cầu tròn bằng pha lê. Một tia mặt trời vừa rọi vào quả cầu, Ăngtoan trông thấy nó rực lên như quả cầu ở trong phòng Anhôlô Lôđôvixi ngày anh bắt đầu học thôi miên và anh rùng mình như trước dấu hiệu của định mệnh. Cuối cùng, chẳng phải là vấn đề thôi miên đã cung cấp cho linh mục Inhaxiô cái ông ta đang thiếu để ra lệnh bắt anh sao? Trong khi thụ động đợi phiên toà bắt đầu, Ăngtoan nhận thấy linh mục Inhaxiô quay mặt về phía quả pha lê và mắt như gắn chặt vào nó, đúng như tình trạng đã xảy ra cho anh khi anh ở nhà Anhôlô. Quả cầu pha lê của Xamacăng, người pháp sư nói thế. Nhưng bây giờ Ăngtoan hiểu rằng dù nguồn gốc ở đâu hình cầu bằng pha lê nào cũng tạo ra kết quả lạ lùng ấy miễn là nó bắt được ánh mặt trời. Và anh nghĩ bụng cũng sẽ phải kiếm lấy một quả để khi cần thiết, có điều kiện gây mê bằng thôi miên cho một bệnh nhân nào đó. Nhưng anh bỗng choáng váng, đâu còn dịp may để sử dụng quả cầu thuỷ tinh! Hiếm có người thoát khỏi Cada Xăngta. Linh mục Inhaxiô có vẻ hơi khó khăn mới rời mắt khỏi quả pha lê rực sáng để cất lên giọng nói giá lạnh của mình: - Cho thề đi. Cho đến lúc ấy không có dấu hiệu gì lộ ra rằng ông ta đã nhận thấy Ăngtoan có mặt. Thư kí toà ra lệnh: - Nhắc theo tôi những lời sau đây! Rồi anh ta bắt đầu như máy: “Tôi xin thề trước Chúa hằng sống mãi; trước Đức Thánh Đồng Trinh mẹ của Cristô, rằng tôi sẽ trả lời rất thành thực các câu hỏi, rằng tôi không giấu giếm bất cứ gì về vấn đề tôi sắp bị hỏi cung. Cũng như không giấu tên những người đã liên kết với tôi, không giấu bất cứ điều gì mà do đó tôi bị buộc tội”. Ăngtôniô nhắc lại lời thề. Cuốn kinh Thánh được gí mạnh vào cằm anh để anh hôn những trang giấy. Người thư ký ngồi dựa lưng vào ghế, cầm bút và sủa lên: - Tên gì? - Ăngtôniô Xecvêtut, bác sĩ y khoa, giáo sư ngoại khoa và tiến sĩ về giáo luật. Người viên chức giương mắt lên, nhưng linh mục Inhaxiô vẫn thản nhiên. Ông ta có nghe thấy gì không nhỉ? Mắt ông ta vẫn quay về phía quả cầu sáng rực một cách khó giải thích. - Sinh quán? - Tôi sinh ở Tôledơ, thuộc Nava, nhưng tôi gần như chỉ sống ở nước Ý. Linh mục Inhaxiô cất cao giọng, giọng ông ta to trầm và vang một cách kì lạ trong gian phòng rộng này. - Vậy ra ông là người Tây Ban Nha? - Không – Ăngtôniô sửa lại. – Khi giảng dạy ở Đại học đường Pađu, tôi đã đề nghị và được công nhận là công dân của Cộng hoà Vơnidơ. Người viên chức toà án xoay chiếc nhẫn quanh ngón tay. Ăngtoan nhận thấy hắn bị tác động vì danh vị của anh, trên thế giới, không một quốc tịch nào được tôn trọng và có nhiều trọng lượng như quốc tịch Cộng hoà Vơnidơ. Linh mục Inhaxiô gõ tay xuống mặt bàn có vẻ bực bội nhưng ông ta không hỏi sâu về vấn đề này nữa. Sau một lúc, viên thư kí tiếp tục: - Những người còn đang sống trong gia đình ông hiện nay là ai? - Không còn ai cả, – người tội phạm nói. – Cha tôi và mẹ tôi đã chết vì bệnh dịch hạch cách đây mấy năm. - Ông có anh không? – Linh mục Inhaxiô hỏi. - Anh tôi là Misaen Xecvêtut đã chết. - Bị hành hình có phải không? - Anh ấy bị Giăng Canvanh hành hình ở Sămpen, Thuỵ Sĩ. - Tội gì? - Theo lời buộc thì là tội tà giáo. Trả lời như vậy Ăngtoan biết rằng có hại cho trường hợp của anh nhưng nếu không thì linh mục Inhaxiô cũng biết, chối không ích gì. - Nghề nghiệp của ông là gì? - Tôi là thầy thuốc, bác sĩ y khoa, – Ăngtoan kiêu hãnh trả lời. – Tôi dạy cơ thể học và ngoại khoa ở trường đại học Pađu. - Tại sao ông lại đi khỏi Pađu? Linh mục Inhaxiô lại hỏi chen vào, Ăngtoan chờ đợi câu hỏi này, anh trả lời không lưỡng lự một giây: - Để làm thầy thuốc riêng cho ông Girôlamô Belacmi, thương nhân và chủ ngân hàng ở Phlôrăngxơ, hiện nay đang ở Mađơrit. - Ông có theo đạo Gia tô không? - Tôi theo đạo Gia tô. - Cha xưng tội của ông là ai? - Cha Ôguyxtô Côngtarini, ở thành phố này. Ông Belacmi và Luxia đã chọn một linh mục người Ý hiện ở Mađơrit và Ăngtoan cũng làm theo họ. - Anh xưng tội lần cuối cùng bao giờ? - Cách đây một tuần lễ. Đúng thế, anh đã duy trì một cách tỉ mỉ mọi thói quen về tín ngưỡng như trong thời thơ ấu. Linh mục Inhaxiô lật mấy tờ giấy đặt trước mặt ông ta rồi hỏi: - Anh định biện hộ như thế nào về trọng tội anh đã bị phát giác? Công trình nghiên cứu giáo luật của anh ở Pađu trước khi quay sang ngành y làm cho Antôniô rất quen thuộc với thủ tục tố tụng của Toà án tôn giáo. Anh biết rằng – dù như thế là bất lương, cách hỏi này vẫn là kiểu cách pháp quan dùng để cho người bị cáo tự kết tội bằng việc tỏ ra rằng mình biết bị tội gì. - Xin cho biết tôi đã bị buộc tội gì? – Anh thản nhiên hỏi. - Hãy trả lời tôi! – Linh mục Inhaxiô nói cộc lốc và hách dịch. Ông ta nhìn chăm chăm Ăngtoan như muốn dùng sức mạnh của mắt áp đảo anh khuất phục. Ăngtoan bắt gặp cặp mắt nhạt màu ấy và anh nhìn trả không chớp. Trong giây phút, không khí nặng nề vì hai ý chí căng thẳng đụng độ nhau. Rồi Ăngtoan ngạc nhiên, anh thấy linh mục Inhaxiô hạ mi mắt xuống nhìn các ngón tay giống như những móng vuốt đang gõ trên mặt bàn. Ăngtoan thoáng cảm thấy mình chiến thắng: dù sao thì anh cũng đã nắm chắc được một điều là ý chí của anh cũng mạnh bằng, có thể là hơn, ý chí của linh mục Inhaxiô. Dù mắt nhìn lạnh giá, tiếng nói như từ dưới mồ vọng lên, thái độ muốn khống chế, viên pháp quan này cũng yếu ở một điểm nào đó. Có thể ông ta còn nghi ngờ chính mình hay nghi ngờ sự công bằng của uy quyền mà ông ta đại diện. Thách thức ông ta một cách vô ích là điều không khôn ngoan. Ăngtoan rất biết như vậy, nhưng anh ghi nhận sự phát hiện ấy, nghĩ rằng có lúc sẽ cần dùng tới. Linh mục Inhaxiô ra lệnh: - Đọc lời cáo trạng đi. “Ăngtôniô Xecvêtut, bác sĩ y khoa, bị buộc tội đã làm tà thuật, thực hành một thứ ảo thuật ngược lại với tự nhiên, cầu khẩn ma quỷ để chữa bệnh dù việc ấy không phải là việc của ma quỷ…” Ăngtoan nhận ra ngay sự phân biệt khôn khéo: trước một số toà án có nhiệm vụ áp dụng giáo luật, việc cầu ma quỷ nếu tự bản chất nó là tội thì cũng sẽ không bị xếp vào tội tà giáo khi nó cầu quỷ trong những mục đích bình thường, vì đây là lĩnh vực của nó, ví dụ như sự bị cám dỗ của những người phụ nữ mắc tội dâm ô. Nhưng cầu đến ma quỷ để chữa cho khỏi bệnh lại chính là tội tà giáo. Vì đây không phải là chức năng thông thường của chúng. Theo luật của Nhà thờ, bệnh tật chính là thứ Chúa gây ra để trừng phạt tội lỗi của con người và chỉ có Chúa mới làm khỏi được. Sự phân biệt này giả tạo, nhưng Nhà thờ dùng đã từ lâu để hạn chế việc mổ xẻ và trong thực tiễn, cản trở mọi thí nghiệm của các công trình nghiên cứu y học, điều này gây trở ngại rất nhiều cho sự tiến triển của y học. Viên thư kí đọc tiếp: “Những tội này thuộc lĩnh vực tà giáo, như vậy là Ăngtôniô Xecvêtut bị buộc thứ tội gọi là tội tà giáo, theo như luật của Toà án tôn giáo đã quy định về tội ấy”. Ăngtôniô tuyên bố một cách vững vàng: - Tôi không có tội. Tôi không cầu ma quỷ nào cả, tôi không hề phạm tội tà giáo và không làm một điều gì trái ngược với luật lệ của Nhà thờ Giatô giáo thần thánh. Linh mục Inhaxiô ngước nhìn lên. Sự độc ác lộ khá rõ trong mắt ông ta đã tác động đến Ăngtoan làm cho anh như bị choáng. Con người mặc áo tu hành căm ghét anh bằng tất cả sức lực chứa trong cái cơ thể mảnh khảnh ấy. Nhưng vì lẽ gì? Anh tự hỏi. Có phải vì anh đã hành động trái với ý kiến ông ta nói với anh trong giáo đường và dù ông ta cấm đoán, anh vẫn mổ cho Đôn Pêđrô không? Hay là vì trước đây mấy phút anh đã chế ngự công ta khi ý chí hai người đụng độ nhau? Vị pháp quan quát lên: - Nói láo! Nói láo! Tại sao anh dám nói rằng anh không có tội khi những người buộc tội anh đã thề trước Chúa về cáo trạng nói lên tội lỗi của anh! Ăngtoan sửng sốt thầm nhắc lại “cáo trạng do những người buộc tội anh làm đã đuợc thề trước Chúa” và anh không hiểu gì cả. Ai thế nhỉ? Cô Catơrin đã đưa lòng vô ơn tới cao độ là tố cáo anh sao? Anh hỏi: - Những người tố cáo là ai? Người linh mục ngồi bên phải vị pháp quan tỏ vẻ phẫn nộ vì có người dám ngờ vực những điều Toà án tôn giáo đã khẳng định và ánh sáng trong mắt linh mục Inhaxiô càng sáng lên một cách quỷ quái độc địa hơn: ông ta trả lời với một cử chỉ khinh bỉ như sỉ nhục người nghe: - Điều đó không cần thiết, chỉ cần biết là anh đã bị buộc tội. Nhưng Ăngtoan bướng bỉnh cãi lại: - Luật Nhà thờ cho phép tôi hỏi để biết và để hỏi những người buộc tội tôi. Hai mắt của linh mục quản hạt mở to hết mức và người viên chức toà án cúi về phía trước, chăm chú nghe từng lời. Qua thái độ của họ, Ăngtoan biết rằng hiếm có khi tù nhân dám tranh cãi về các thủ tục của Toà án tôn giáo, nhưng anh đã quyết không để cho ông thầy dòng Đôminich uy hiếp và ngược đãi. Có điều may mắn là trong khi anh bảo vệ quyền của mình như vậy thì những điều anh nhấn mạnh sẽ được người thư kí ghi vào biên bản. Anh không muốn để lỡ dịp may này. Nhiều người sau lần hỏi đầu tiên đã biến vào hầm tối của Cada Xăngta và bị mốc ra ở đấy hàng năm không được gọi lại ra trước quan toà, để rồi giá lạnh, ẩm ướt, đói và buồn phiền lặng lẽ tiêu diệt. - Được lắm. Giọng của linh mục Inhaxiô lúc này có vẻ đại lượng, hình như ông ta chiều ý muốn tuỳ hứng của một đứa trẻ nhỏ. - Viên thư kí sẽ đọc cho anh nghe bản tóm tắt các tội trạng của anh. Người lục sự cầm một tờ giấy và đọc: “Cô Catơrin Xagrơđô khẳng định sau khi đã thề rằng bác sĩ Ăngtôniô Xécvêtut đã chữa cho cô bằng phương pháp tà thuật vì cô bị tà thần ám ảnh là cho không đi được đã nhiều tháng qua. Trong khi làm tà thuật, ông ta đã làm cho cô xuất thần hay là ngủ say, trong thời gian ấy, ông ta cầu ma quỷ cứu trợ để xua đuổi tà thần kia đi. Cô khẳng định rằng khi cô tỉnh giấc mê đó trong phòng có mùi diêm sinh rất hắc rồi tiếp đó trông rõ một tên quỷ ghê tởm và kinh khủng”. Người lục sự đặt tờ giấy xuống và linh mục Inhaxiô hỏi một cách ngọt ngào giả dối: - Ông trả lời cáo trạng này như thế nào? Ăngtôniô vững vàng nói: - Tôi trả lời rằng nói thế là sai. Tôi đã chữa cho cô Catơrin và làm cho cô ấy khỏi bệnh bằng thôi miên. Linh mục Inhaxiô cúi về phía trước: - Thôi miên là cái gì? - Thực chất của nó chưa được biết rõ, – Ăngtôniô nói. – Nhưng đã từ lâu các thầy thuốc phương Đông dùng nó để chữa một số bệnh. - Bằng cách cầu quỷ? Ăngtoan điềm đạm nói: - Tôi không biết cầu quỷ. Đây là một phương pháp y học, không có gì khác. Vị pháp quan ngọt ngào hỏi, đầu vẫn cúi về phía trước: - Tại sao anh cứ chối cãi không chịu thừa nhận điều chúng tôi đã biết là sự thực? Các nhân chứng đã nói lên sự thực, anh không thể chối được, vì một tên quỷ anh gọi đến đã ở lại để doạ nạt cô gái rủi ro kia ngay sau khi tà thuật của anh kết thúc. - Cô Catơrin là nạn nhân của trí tưởng tượng của cô ta. Không bao giờ có quỷ cả. Sự kiên trì của linh mục Inhaxiô bỗng tiêu tan, ông ta nói: - Đừng có trắng trợn! Chúng ta có những cách khác để buộc những kẻ tà giáo phải thú nhận sự thực mà không phải nghe những lời mạn thượng của bọn chúng. Rõ ràng là lời đe doạ. Mạch máu Ăngtôniô đập nhanh và mạnh hơn nhưng anh cố giữ được giọng nói điều hoà và bình tĩnh: - Nhân danh công dân của Vơnidơ, tôi đã thực hành quyền hợp pháp của tôi là chống án lên Đức vua, xin phép cho tiến hành một buổi xét xử trước Người. Các bạn tôi đã đưa đơn của tôi tới Hoàng thượng và tôi không tin rằng Người sẽ tán thành ông nếu ông đưa tôi ra tra khảo trước khi tôi có khả năng tự biện hộ trước mặt Người. Linh mục Inhaxiô hơi nhổm lên khỏi ghế, người vươn ra như con rắn chực mổ. Ông ta cứng đờ, hai lỗ mũi gián to và phập phồng, ông ta là hiện thân của sự điên cuồng. Tuy cố gắng rõ rệt để tự nhủ mình nhưng người ông run lên vì phải ghìm cơn giận dữ: - Đưa hắn về ngục tối. – Ông ta ra lệnh, thịnh nộ đến nỗi tiếng thét lên không nhận ra được nữa. Người giữ khoá mang cơm chiều đến cho tù nhân: một thứ xúp loãng nấu bằng bắp cải thối và thịt ôi với một mẩu bánh mì đen. Ngay nước trong bình cũng có mùi mốc như nước múc ở ao trong vườn. Mấy giờ sau, đối với anh dài như một thế kỷ, Ăngtoan trông thấy một ánh sáng mờ mờ tiếng dọc theo hành lang đi về phía phòng giam của anh và tim anh đập thình thịch trong lồng ngực. Họ đến tìm anh đưa đến phòng tra tấn chăng? Anh biết rằng Toà giáo hay hành động ban đêm để cho tiếng kêu của nạn nhân ít may mắn được người ngoài Cada Xăngta nghe thấy. Người giữ chìa khoá đặt đèn xuống trước cửa phòng giam. Ăngtoan vô cùng xúc động và vui sướng khi nhận ra Luxia Belacmi đi sau hắn, đang vén áo để khỏi quệt vào rác bẩn dưới đất. Người giữ khoá đẩy của tránh sang một bên để cô vào rồi để xuống đất chiếc đèn dự trữ hắn đem theo. Luxia lấy trong túi một đồng tiền vàng đưa cho hắn. Hắn lẩm bẩm: - Cảm ơn bà! Nửa giờ nữa tôi sẽ quay lại. Nói dứt câu, hắn khép cửa và đi thẳng. Ăngtoan ấp úng: - Luxia! Tôi không tin ở mắt mình nữa! Tôi rất sung sướng được gặp cô, nhưng cô không đến đây thì hơn. Thật vô cùng thiếu thận trọng. Dưới ánh cây đèn dự phòng người gác để lại, anh đưa cô đến chỗ những tấm ván làm giường và nắm chặt hai bàn tay bé nhỏ của cô. - Cần phải đến, Tôniô ạ! Khi tôi ở hoàng cung về không thấy anh tôi rất hoảng sợ! Ít ra anh cũng để lại một chữ, một tin gì đó, tôi không biết nữa! - Trời ơi! Tôi không thể làm gì được. Nhưng tài sao cô biết sự việc đã xảy ra? - Một người ở bên cạnh đã nghe tiếng bọn vệ binh đến. Anh ta nói có một người đàn ông bị đưa đi. Tôi biết ngay là Toà án tôn giáo… - Khẽ chứ… Hãy giữ gìn lời nói! Rồi anh nói nhỏ hơn nữa: - Cô làm thế nào đến được đây? - Gặp may. Và tiền rắc suốt dọc đường. Nhưng chúng mình sẽ làm thế nào đây, Tôniô? – Cô nói một cách thất vọng. - Đã ai đưa đơn xin chống án của tôi với Đức vua chưa? - Rồi. Hoàng hậu đã nói với vua và bác sĩ Vêdan cũng vậy. - Chưa có trả lời sao? - Chưa. Nhưng Hoàng hậu cho rằng Vua sẽ đồng ý cho chống án. - Vậy thì có hy vọng. Sáng hôm nay họ đã hỏi cung tôi lần đầu tiên. - Họ có…? Luxia không nói tiếp nhưng anh hiểu cô muốn nói gì. - Không. Linh mục Inhaxiô đã định cho tra tấn tôi, nhưng tôi báo cho ông ta biết rằng đã có đơn chống án gửi lên Đức vua và nhấn mạnh vào lý do tôi là công dân của Cộng hoà Vơnidơ. - Con quái vật! – Cô nói và rùng mình. Anh nhắc cô: - Chú ý! Phải cẩn thận đấy! Vì Toà giáo có thói quen là đôi khi để cho tù nhân nói năng tự do có vẻ như không ai để ý nhưng lại bố trí người nghe để nghe thấy hết mọi lời nói nguy hiểm. Dù trong ngục sâu như Cada Xăngta này, họ vẫn làm như thế được. - Hắn rất đáng ghét! – Luxia vẫn cứ nói. – Tại sao hắn lại trừng phạt anh vì anh đã cứu Đôn Pêđrô. - Bây giờ càng tệ hại nữa, hắn sẽ không tha thứ cho tôi vì đã dám chống án lên tới Đức vua. - Tôi điên rồ biết chừng nào, Tôniô! Chính tôi đã gây ra mọi sự cho anh… tôi đã nói với anh rồi. Anh khẽ nắm vai cô: - Không nói nữa! Mọi việc như nước chảy qua cầu, Luxia ạ. Đừng nghĩ đến nữa. Nhưng tôi muốn cô sẽ làm cho tôi một việc. - Tôi sẽ làm bất cứ việc gì, Tôniô. Hãy tin tôi, – cô sôi nổi nói. - Tôi biết rằng cô sẽ làm, – anh nói. – Vì đêm nay cô đã dũng cảm lắm mới đến nhà ngục. Tôi muốn cô nói chuyện với bác sĩ Vêdan. Bảo ông ấy rằng cô Catơrin và mẹ cô ấy đã cung khai sau khi thề là tôi đã cầu quỷ để chữa khỏi bệnh cho cô Catơrin. Kinh sợ vì có thể giả dối đến như vậy, cô phản đối: - Họ không thể nói như thế được, nhất là sau khi anh đã chữa khỏi bệnh cho họ. - Nhưng họ đã làm như thế đấy. Trừ khi họ đổi lại lời làm chứng, mọi sự sẽ diễn biến xấu đối với tôi. Nhưng tôi cho rằng Vua sẽ nghe, nếu họ quyết định sẽ nói sự thực. - Làm thế nào cho họ nói được? – Luxia năn nỉ. - Đây sẽ là việc của Vêdan. Bằng đe doạ, bằng thuyết phục, bằng hứa hẹn, tôi không biết ra sao nữa, nhưng Vêdan phải làm thế nào để họ đính chính lại lời đã khai và thề rằng không có một chút gì là tà thuật trong cách chữa bệnh cho cô Catơrin. - Tôi sẽ chuyển tin này, – Luxia nói. – Còn cái gì khác nữa không? - Tôi không thấy… - Chú Girôlamô, cả chú ấy nữa, cũng đã cầu khẩn Vua về việc này, Tôniô ạ. Nhà Mêđixi và nhà Belacmi đã đồng ý cho ngai vàng Tây Ban Nha vay những món tiền lớn trong nhiều trường hợp. - Cái gì cũng có thể… Anh nghe tiếng người giữ khoá đến gần… - Cầu Chúa ban phúc cho cô vì đã đến đây, nhưng không nên mạo hiểm như thế này lần thứ hai. Một người trong chúng ta ở cái xó này của thế giới là đủ rồi. Người giữ khoá đã đến cửa: - Ba mươi phút đã qua, thưa bà. Phải đi thôi. Luxia xiết thật chặt Ăngtoan trong hai tay cô giây lát. - Cầu chúa che chở cho anh, Tôniô của em! Em sẽ cầu nguyện cho anh. Và cô đặt môi lên môi anh. Tiếng khoá quay trong ổ, chiếc then sắt rơi vào móc, ánh đèn sáng mờ mờ tan biến ở đầu hành lang và người tù lại thấy mình ở trong bóng tối và cô đơn. Quấn mình trong những mảnh vải rách đầy rận, anh nằm xuống tấm ván hẹp.