Nguyên tác: The Embassy House - Nguyễn Khánh Long dịch
Mở đầu

Ông già được đặt ngồi trên một cái bàn gỗ, đôi chân khẳng khiu dang rộng như hình chữ V, mắt cá cột vào góc bàn bằng mấy vòng dây ny-lông. Ông không có mảnh vải che thân, và một con dao, thứ dao người Mỹ gọi là thanh K, cắm xuyên qua bìu dái ông, chỗ da bèo nhèo như da cổ con gà. Mũi dao gắn chặt ông già vào bàn, như một cái kim gắn côn trùng trên tấm bảng của một nhà sưu tập.
Ông già khóc lặng lẽ, ông gắng giữ thể diện, cố ngồi thật im. Hai mắt ướt nhắm lại và đôi môi mấp máy, nhưng ông không gây một tiếng động nào.  Dầu vậy, đau đớn và hãi hùng như bốc lên từ lớp da nhớp nháp mồ hôi, cũng thực như mùi tanh tưởi mồ hôi lẫn với phân ông già toả ngập túp nhà.
Ở một góc nhà, một người Mỹ ngồi xổm kiểu người Việt Nam. Tóc màu cát mịn cắt thật ngắn. Khuôn mặt dài hốc hác và vàng ửng, hằn nỗi gớm tởm. Tay cầm một khẩu tiểu liên, khuỷu tay chống trên đùi. Mình mặc áo bà ba đen, chân đi dép làm bằng vỏ bánh xe cũ.
Cách người Mỹ vài bước là một người Việt cao lớn khác thường, đứng khoanh tay trước ngực, bộ ngực để trần với một băng đạn quấn qua vai. Lưng tựa hờ vào vách rơm, gương mặt trống vắng, câm nín như cửa một nghĩa trang.
Một người Việt khác nữa, nửa đứng, nửa ngồi trên bàn. Ngó lom lom vào mặt ông già, miệng cười mỉm khoái trá, ngón tay lắc lắc chuôi dao. Khoảng mười người Việt khác nữa, ai nấy súng đạn đầy mình, tản mác bên ngoài, canh chừng một người đàn bà la khóc thất thanh và sáu đứa trẻ im thin thít, mắt mở thao láo. Thỉnh thoảng một người thò đầu qua cửa nhìn vào thật nhanh rồi thụt ra kể cho những người khác. Tất cả đều mặc bà ba đen, mang dép làm bằng vỏ bánh xe cũ.
Túp nhà hoàn toàn yên lặng, ngoài tiếng thở hổn hển của ông già. Sự yên lặng càng ngột ngạt với mỗi tiếng tim đập. Sự yên lặng làm lùng bùng mang tai, thứ yên lặng có thể khiến người ta hoá điên nếu kéo dài quá lâu.
Người Mỹ là người đầu tiên chịu hết nổi. Nhưng đúng lúc anh định lên tiếng, người Việt cao lớn nhẹ gật đầu, và người bên bàn nắm chuôi dao rút ra. Lạ thay, máu chảy rất ít.
Người Việt cao lớn rời bức vách tới bên ông già, bước đi chậm chạp uể oải, như một con mèo tiến lại phía một con chim gẫy cánh. Tới bên bàn, gương mặt anh thay đổi hẳn, không còn trống vắng, nhưng đầy vẻ xúc động, khâm phục, thiện cảm, thân ái nữa.
Anh nói nhỏ nhẹ: "Già ơi, đã đến lúc già phải nói cho tôi nghe. Bữa nay ai cũng thấy già can đảm lắm rồi, nhưng không có lý gì già phải chịu đựng nhiều hơn nữa. Bây giờ là lúc già nói cho tôi nghe đi."
Ông già vẫn lặng lẽ khóc, nhưng mở mắt nhìn như để nhận chân giọng điệu tử tế trong những lời nói trầm lặng kia, như để tìm cơ may thoát hiểm.
 “Đầu tiên già hãy nói cho tôi nghe về cái hầm dưới nhà của già, và làm sao lại có cái hầm ấy," người cao lớn nói, hất hàm chỉ cái hố rỗng giữa sàn túp nhà có khoét những bậc thang xuống tối om. Cái hố đó khi trước giấu bằng những tấm ván đầy bụi. Đội thám báo tỉnh đã mau chóng tìm ra nó dưới mấy chiếc chõng và chỉ vài phút sau đem lên những lu cơm khô, hoả tiễn B-40, những ống thuốc nổ, túi vải đầy thuốc men, y cụ.
Ông già không trả lời ngay. Ông ngó xuống giữa hai chân mình đăm đắm, xem vết thương. Ông có vẻ yên tâm phần nào. Ông nhìn trở lại người cao lớn, nhưng không dám nhìn thẳng vào mặt anh, kẻ đã hành hạ ông lại vừa là kẻ có thể cứu ông. Ông mỉm cười run rẩy. Không phải một nụ cười thân thiện, cũng không phải nụ cười của kẻ trút được gánh nặng. Đó là nụ cười tôn trọng người Việt Nam rất thường có trước những kẻ quyền năng, những kẻ có thể định đoạt số phận họ. Nụ cười bứt rứt, quen thuộc, đầy cầu xin, cầu xin kiên nhẫn, thông cảm, nhưng nhất là cầu xin tha thứ. "Cái hầm là của mấy ông kia," ông nói, giọng run rẩy.
"Kể cho tôi nghe về mấy ông kia đi," người cao lớn dịu dàng bảo.
"Mấy ông kia tới ban đêm," ông già nói, giọng đã bình tĩnh hơn. "Mấy ông nói mấy ông sẽ làm một chỗ chứa đồ dưới nhà tụi tui. Mấy ông nói tụi tui hổng chịu thì mấy ông giết trâu tụi tui khỏi có làm ruộng được. Mấy ông nói tụi tui mà nói cho ai biết về cái hầm thì mấy ông giết tụi tui luôn, mấy ông sẽ cắt đầu cho tụi tui thành hồn ma không nhà không cửa."
"Mấy ông kia có mấy người?"
Ông già trả lời thật mau, gần như hăng hái nữa, như là giờ đây ông không thể hiểu được cái gì đã khiến ông điên rồ kháng cự lâu đến thế. Kẻ khôn ngoan sao lại sợ cái gì mình không thấy, trong khi có những cái phải sợ ngay trước mắt. Ông so đôi vai gầy guộc, mệt mỏi, và đáp: "Có khi một hai người, có khi năm sáu người, có khi nhiều hơn nữa."
"Họ đến thường không?"
"Hả, họ muốn đến lúc nào thì đến chứ," ông già đáp, giọng phách lối mới vài phút trước tưởng không thể có được, rõ rệt tức cười câu hỏi ngây ngốc.
Người cao lớn không chút tỏ vẻ tức giận. "Thế họ ở có lâu không?"
Ông già rùn vai. "Có lần chỉ một lúc. Có lần lâu. Có lần mấy ông ở suốt đêm, cho đến lúc trời sáng như áo cà sa."
"Thế họ tới thì họ làm gì?"
"Họ ăn cơm, ăn mắm của tui, thâu thuế tụi tui," ông già tức tối đáp. Rồi ông dịu giọng: "Có đêm mấy ổng hội hết dân làng lại nói chuyện."
"Họ nói chuyện gì?"
"Chuyện gì hả? Trời ơi! Lúc nào cũng phong trào giải phóng, tổ đấu tranh, với lại mâu thuẫn lịch sử! Người như tui nào hiểu gì. Họ nói mấy người trong chánh phủ xấu xa lắm, bán nước cho ngoại bang. Họ nói ngoại bang tham gạo, tham cao-su của ta, và ngày nào chúng cướp hết rồi chúng đi thì dân ta chẳng còn gì cả." Ông già chợt nín bặt, đảo mắt thật nhanh về phía người Mỹ ngồi xổm trong góc nhà, lại gắng gượng nở nụ cười nhợt nhạt cầu hoà.
Người Việt cao lớn nhỏ nhẹ hỏi tiếp: "Họ có nói gì khác nữa không?"
"Ôi, chuyện gì đâu không à!" Ông già lắc đầu liên tiếp, như để tạ lỗi nỗi ngu dốt tội nghiệp của mình. "Tui chỉ là dân quê. Những chuyện đó tui có hiểu gì đâu. Tui hổng biết họ nói với tui những chuyện đó làm chi."
"Thế những gì già hiểu được thì già có tin không?" người cao lớn hỏi, giọng không có chút nào đe doạ. Thực ra, anh có vẻ vui thú, dầu anh không cười.
Ông già mím đôi môi khô, lắc đầu -- ông đâu có dại. "Mấy ổng nói mấy ổng là bạn tụi tui, mà mấy ổng doạ giết trâu bò của tụi tui, giết tụi tui nữa, nếu tụi tui không chìu mấy ổng. Nói muốn giúp dân quê như tui, mà lại muốn thằng ba của tui theo mấy ổng đi đánh chánh phủ. Thằng ba tui mới mười bốn tuổi hà. Đến như chánh phủ ngày ngày lùng bắt lính khắp nơi mà còn chưa bắt nó nữa là. Tui biểu mấy ổng là tui cần con tui giúp tui gặt lúa. Mấy ổng nói mấy ổng còn cần con tui hơn, để gặt hái tự do cho ta."
"Nói lớn đi", tiếng người Mỹ.
Ông già hầu như đã quên mất người Mỹ ngồi xổm trong góc nhà. Cách đối xử hiểu biết của người Việt cao lớn, niềm hy vọng mời gọi trong giọng nói dịu dàng của anh, thu hút ông, khiến ông tưởng chừng như trong túp nhà này, trên cõi đời này, không còn ai khác ngoài hai người với nhau.
Mặt khác, tâm trí ông cũng để cả vào những lời ông khai. Tất nhiên đều đủ đúng -- ông đâu có biết bao nhiêu, ông chỉ là một nông dân tầm thường mà thôi. Nhưng ông cũng biết đủ để biết rằng tốt nhất nên luôn luôn thủ vai người nhà quê ngơ ngáo. Một vai trò bình thường, một vai trò bình an, vai trò hết thảy những người này đều hiểu được, đều không ngỡ ngàng.
Tiếng nói từ góc nhà không giận dữ cũng không cay độc, nhưng bất ngờ. Ông già giật mình, và nỗi lo sợ uà trở lại. Ông nhắm mắt, lại gắng gượng nở nụ cười cầu tài, không riêng với một ai, nhưng với bất cứ ai sẵn lòng chấp nhận, dầu người trần hay thần thánh, và không nói gì nữa.
Người Mỹ lại lên tiếng, lần này bằng tiếng Anh, nói với người Việt cao lớn: "Hỏi ông già sao không đến xin quân đội chánh phủ trong làng bảo vệ."
Câu hỏi được dịch lại. Ông già mở mắt và trả lời lớn giọng hơn, nhưng thận trọng tránh nhìn về phía người Mỹ. "Quân đội ở đây nhiều thiệt đó, mà mấy ổng vẫn tới ban đêm hà. Quân đội hễ tối là rút về đồn, đến sáng mới trở ra. Mấy ổng muốn vô làng lúc nào thì vô, muốn làm gì thì làm. Mấy ổng đòi cơm, đòi mắm, tụi tui đâu dám không cho. Mà cho rồi cũng đâu dám báo xã trưởng hay báo quân đội. Đây mà có ai nói ra là chánh phủ lại biểu tụi tui là Việt cộng."
Giọng ông nghẹn lại, tủi thân. Ông quên cả sợ, quên luôn làm bộ ngơ ngáo. Ông than vãn: "Dậy đó. Đêm thì mấy ổng. Ngày thì lính Sài Gòn tới nạt nộ khiến ai cũng phải lo đãi đằng. Nhà nghèo thì phải đi vay tiền mua đồ nhậu cho lính, không thì có chuyện ngay. Ngày thì lính, đêm thì mấy ổng. Tụi tui có còn gì ăn đâu." Người Mỹ, vẫn bằng tiếng Anh, nói với người cao lớn: "Chỉ mất thì giờ thôi, Đặng à. Trở lại vấn đề đi."
Người Việt cao lớn gật đầu, hỏi ông già: "Già có biết ban ngày mấy ổng ở đâu không?"
Ông già ngập ngừng, rồi đành nói: "Có. Con tui có biểu tui hay. Mấy ổng đã dẫn nó đến trại mấy ổng hai lần. Mấy ổng nói để giáo dục nó, chờ ngày mấy ổng dẫn nó đi. Trại mấy ổng ở Đầm Ma. Chỗ độc lắm."
"Trại của họ cách đây mấy cây?" ngưới Mỹ hỏi, nhẹ nhàng đứng lên. Người Mỹ thật cao lớn, cao lớn hơn cả người Việt cao lớn kia nữa. Ông già tưởng như mình đang ở trong rừng, trong rừng U Minh, có anh ông sống ở đó, và ông có tới thăm một lần.
Đời ông, ông chưa từng nghe thấy một người ngoại quốc nào nói tiếng Việt hay đến thế, đúng từng âm, từng dấu. Ông kinh ngạc như là trên đường ra ruộng gặp một con rồng nói được tiếng người. Ông trả lời câu hỏi của người Mỹ kỳ quặc kia, nhưng hướng về phía người đồng chủng: "Năm, có lẽ sáu cây."
"Phía đông, phải không?"  người Mỹ lại hỏi.
"Phải," ông già lắp bắp, vẫn hướng về người Việt cao lớn. "Phía đông."
Người Mỹ tiến lại kế bên, và ông già có thể ngửi được cái mùi ngoại quốc. Ông phân biệt được mùi ấy với mùi của chính ông. Ông đã thấy nhiều người Mỹ trước kia, nhưng chưa bao giờ gần sát như thế này. Những lần hiếm hoi lính Mỹ tới làng ông, ông luôn luôn tìm cách tránh xa. Lũ trẻ con cười nắc nẻ kể với ông rằng người Mỹ tay chân lông lá như loài khỉ, và bây giờ ông thấy quả đúng như thế.
Người Mỹ lấy trong túi một tấm bản đồ bọc nhựa, mở ra và trải lên bàn. Anh chỉ ngón tay, hỏi: "Ta ở đâu?" Ông già, mắt dán chặt vào những đường lòng vòng trên tấm bản đồ, chỉ chỗ cho người Mỹ. Ông lại bắt đầu run rẩy, điều khiến ông hổ thẹn, nhưng ông không làm sao ngăn được. Ông sợ sẽ ngất xỉu vì mùi người ngoại quốc này. Ông sợ sự cận kề đó còn hơn là đã sợ con dao, hơn cả đã sợ mấy ông kia. Thực ra, nếu không có người Mỹ mắt xanh tóc hoe này, tóc màu luá chín trắng loá dưới nắng, ông hẳn sẽ chẳng phân biệt được mấy ông này với mấy ông kia. Vả mấy ông này cũng mang mùi tử khí, y hệt mấy ông kia.
Người Mỹ còn hỏi nhiều với tấm bản đồ, rồi cúi chào ông già, lễ phép nói: "Cám ơn bác nhé. Tôi rất tiếc chúng tôi đã làm phiền bác." Rồi, bằng tiếng Anh, anh nói nho nhỏ một mình:"Ta thù cái  việc làm chó đẻ này."
Khi họ lên đường, họ đem ông già theo, thật ồn ào cho mọi người đều thấy. Họ la lối, chửi rủa ông già trong khi lôi kéo ông tới một trong hai chiếc trực thăng đang chờ, sơn màu đen và không mang cờ hiệu nào. Rồi hai chiếc trực thăng bốc lên, bay về hướng tây để dân làng tưởng rằng đội thám báo tỉnh trở về căn cứ tại tỉnh lỵ.
Bay được mười cây số, hai chiếc trực thăng đáp xuống bên một vườn chuối nhỏ. Ông già bị  đẩy xuống, cùng một cô y tá canh chừng ông. Hai chiếc trực thăng lại bốc lên, bay vòng trở lại, bay ngoài xa, bay rà mặt đất, để dân làng không nghe thấy.
Ông già đã cho họ hay hồi này Việt cộng gần như đêm nào cũng về làng, và họ cầu mong đêm nay cũng vậy. Nếu Việt cộng biết rằng một đội thám báo tỉnh đã tra hỏi ông già và đem ông theo để điều tra thêmvà họ sẽ biết khi quay trở lại làng tuyên truyền --, họ sẽ chuyển trại, và bản tin tình báo chỉ đích danh ông già sẽ không còn giá trị gì, chỉ là thêm việc cho cái máy hủy tài liệu tại "Sứ quán"( Tiếng lóng, chỉ trụ sở cơ quan CIA, Central Intelligence Agency, Trung ương Tình báo cuả Hoa Kỳ, tại mỗi tỉnh miền Nam Việt Nam trước năm 1965). Thêm một nhiệm vụ thất bại. Thêm một cái đích tuột khỏi tầm tay. Thêm một buổi thuyết trình báo cáo đầy câu hỏi không có câu trả lời, những câu hỏi khiển trách nhẹ nhàng với những con mắt liếc dài. Thêm một phúc trình khổ nhọc gửi về Sài Gòn, cân nhắc từng chữ để không buộc tội ai, với nhiều dấu chấm hỏi hơn dấu chấm câu.
Họ ra lệnh cho hai người phi công đưa họ len vào một giải rừng già cách khoảng hai giờ đường mòn nối liền làng ông già với Đầm Ma. Hai chiếc trực thăng sơn đen không tìm được khoảng trống nào giữa biển cây cối chót vót, và đội thám báo đành tuột dây leo xuống.
Tới mặt đất, họ xẻ lối tiến ra ven rừng, tháo dép và dây đạn buộc lên cổ, và lội xuống những con kinh chằng chịt khắp ruộng đồng châu thổ sông Cửu Long như những vệt nứt rạn trên một tấm kính chắn gió, bì bõm giữa nước đục màu bùn cao ngang ngực. Đi như thế không khó khăn gì, không gây ồn ào, cũng không để lại dấu vết.
Họ đi mau. Họ có thể đi mau hơn nữa nếu không cứ mỗi nửa giờ lại phải leo lên bờ nghỉ, buông thõng hai cánh tay mỏi nhừ vì phải nâng cao súng ống trên đầu.
Cứ thế họ lội qua các con kinh, chỉ ở trên bờ không tới ba mươi phút đồng hồ, trước khi tới bố trí trên con đường mòn. Khi tiền đạo cho biết con đường tuyệt không có dấu chân hay cạm bẫy nào, họ tiến vào những bụi rậm cao ngang cằm hai bên bờ, và bắt đầu xem xét súng đạn có thật khô không. Sau đó họ mới nghĩ tới chuyện gỡ bỏ những con đỉa bám đầy chân, những con đỉa lúc trước đen thui, nhỏ xíu, nhưng bây giờ đỏ như trái nho và to phình như ngón tay đeo đầy nhẫn của một vị tiểu vương Ấn Độ.
Đặng, người Việt cao lớn, ngó chừng mặt trời xế bóng và thì thầm với Gulliver, người Mỹ: "Còn một giờ nữa là tối rồi. Anh muốn làm thế nào? X như thông lệ?"
Gulliver nhún vai, mỉm cười. "Chỉ huy là anh, đâu phải tôi. Anh muốn làm thế nào?" Họ nói tiếng Anh, ngôn ngữ thường dùng với nhau trước mặt các đội viên khác, ngôn ngữ của cấp chỉ huy.
Đặng không cười lại. Đặng không cười bao giờ. Nhưng giọng anh có chút nào châm chọc. "Này Anh Hàng Cát(Sandman, nhân vật tưởng tượng trong truyện dân dã, ban đêm khiến trẻ con ngủ bằng cách tung cát vào mắt chúng.), anh là một cố vấn thật ác ôn. Anh chẳng cố vấn bao giờ cả."
Gulliver lại cười và nói: "Chính sách của tôi là chỉ cố vấn khi nào tôi nghĩ anh cần tôi cố vấn."
"Thế phải chăng tôi cần anh cố vấn để đối xử với ông già trong làng?" Đặng hỏi, vẫn bằng giọng mỉa mai, nhẹ nhàng nhạo báng, dù vẫn không cười.
Gulliver nghiêm trang hơn: "Có lẽ thế. Tôi không nghĩ những gì anh đã làm là thực sự cần thiết. Chẳng cần đến con dao ấy rồi ông già cũng sẽ khai những gì ta muốn biết. Báo cáo của Cảnh sát Đặc biệt nói ông già đâu phải là nòng cốt hạ tầng cơ sở của Việt cộng."
Đặng lắc đầu, giọng chê trách: "Bất cứ ai không nhiều thì ít cũng đều thuộc hạ tầng cơ sở Việt cộng cả. Ông già sợ bọn kia nhưng ta phải làm cho ông sợ ta còn nhiều hơn nữa. Không thể mất thì giờ ngọt ngào được. Mà đâu phải anh không biết. Bộ anh không nghĩ đến các hậu quả nếu ta thất bại một lần nữa? Anh đã chẳng giục tôi thôi thúc ông già đó sao?"
 Đúng thế, nhưng đó là sau khi ông già bắt đầu khai chứ không phải lúc trước. Lúc anh khiến được ông ta mở miệng rồi, tuồng như ông sẽ nói hoài hoài, ta đâu có thì giờ nghe ông kể lể. Đặng à, tôi giục anh là sau khi ông bắt đầu khai chứ không phải trước đó. Và tôi không hề bảo ai cắm thanh K vào dái ông già tội nghiệp."
Người Việt cao lớn lại lắc đầu, vẻ thất vọng. "Chà, luân lý người Mỹ các anh! Hẳn rồi linh hồn nhức nhối của các anh đều sẽ được cứu rỗi cả!"
 “Đ. M. anh," Gulliver nói, không hề giận dữ.
Đặng đặt tay lên vai Gulliver, trầm tĩnh nói: "Đừng xúc động vô lối, bạn à. Bọn kia chúng không điên rồ như anh đâu. Anh cứ thắc mắc như thế có khi làm tôi không biết tôi bỏ hàng ngũ họ là đúng hay sai."
"Nếu quả anh bỏ hàng ngũ họ," Gulliver nói nửa đùa nửa thực.
Đặng giả bộ không nghe, như nhiều lần trước Gulliver gợi điều đó. Anh ngó lại với cặp mắt đen láy thản nhiên. "Tôi không đùa đâu, Anh Hàng Cát à. Với những chuyện này anh đâu còn là con nít nữa. Anh biết luật chơi mà. Anh phải vất bỏ cái ý niệm ngay thẳng vớ vẩn của phương Tây các anh đi. Nó sẽ làm các anh đại bại mà thôi. Anh mất quá nhiều thì giờ với những câu hỏi ở đây không có nghĩa lý gì cả."
"Còn anh thì mất thì giờ phô bày học thức phương Tây của anh. Chính anh bây giờ mới là người mất thì giờ. Anh cứ việc làm theo ý anh, tôi cố vấn thế đó."
Gulliver quan sát Đặng bố trí mai phục hình chữ X, khâm phục Đặng xếp đặt mìn, các tay súng, đại liên, thành một màng lưới hỏa lực tàn độc. Điều anh nói với bạn vừa rồi -- dù bao lần đấu khẩu, Đặng là bạn anh, có lẽ người bạn thực sự duy nhất của anh nữa -- không ngoa. Anh rất ít khi phải cố vấn đội trưởng của anh. Anh chưa từng cộng tác với một cấp chỉ huy nào tài ba như đại úy Đặng, dù là người Việt hay người Mỹ. Nếu đối phương có nhiều người như Đặng, họ dư sức chịu đựng một cuộc chiến tranh dài và bi thảm.
Lúc Đặng sắp bố trí xong, Gulliver gọi vô tuyến báo tọa độ của đội cho các phi công trực trên các chiến đấu cơ sẵn sàng cất cánh tại phi trường Bình Thủy. Trong trường hợp cần không yểm chiến thuật, Gulliver có quyền điều động các phản lực cơ này bằng một mật hiệu ngắn ngủi.
Anh cũng báo tọa độ cho hai chiếc trực thăng sơn đen hiện giờ đã trở lại chờ nơi đã đẩy ông già xuống. Nếu mọi chuyện chẳng lành và cần gấp rút di tản, anh không muốn có hỗn loạn. Anh không muốn hai chiếc trực thăng mò tìm trong đêm đen, trong khi cả đội đang bị tàn sát.
Vài phút sau Đặng trở lại, lắc đầu bực bội. "Anh Hàng Cát à, đội của ta không ra cái gì cả. Cái gì cũng phải bảo mới biết làm. Bất cứ cái gì."
Gulliver toét miệng cười. "Lần nào anh cũng nói vậy. Anh dư biết đây là đội thám báo cừ nhất miền Tây, có lẽ nhất cả nước nữa."
Đặng nhổ nước miếng. "Thế thì anh phải nhớ lại đồng chí Hồ Chí Minh đã viết những gì. Chính phủ mới phải cho lệnh đọc những tài liệu đó mới phải."
Gulliver vẫn cười. "Coi kìa, Đặng. Tụi nó đâu có quá tệ vậy. Anh có nhớ tụi nó thế nào những ngày đầu không? Nhớ lần đầu công tác không? Chẳng phải anh với tôi đã huấn luyện thành công đó sao? Tụi nó còn khá hơn ngàn lần cái bọn sát nhân trong không biết bao đội khác."
"Có lẽ dân hồi chánh là còn có thể xài được," Đặng miễn cưỡng nhìn  nhận, "nhưng đó chỉ là vì họ từng được bọn kia huấn luyện trước. Nhữnng tên khác, cái bọn vô lại giết người móc từ các nhà tù Sài Gòn ra, thì không thể nào dạy bảo được."
"Tù thường tội tạm thích, cựu Việt cộng -- với lại cựu Việt cộng tối ngày trích dẫn Shakespeare nữa chứ." Gulliver lại cười. "Thế anh muốn ai khác nhúng tay vào cái trò dơ bẩn này?"
"Sĩ quan Mỹ bị phạt kỷ luật," Đặng đáp ngay, vẫn không cười. Gulliver nghĩ không chừng xưa kia Đặng bị thương ở mặt. Anh đành cười cho cả hai người.
Đặng bước tới, tìm địa điểm để từ đó phát động "tóm và diệt", và mất hút sau lùm cây rậm bên một khúc ngoặt. Gulliver đội lên đầu một cái nón nịt màu đen, lấy ống hoá trang bôi mặt, rồi sắp đặt một chỗ cho mình trong mạng lưới chữ X. Anh lắp một băng đạn vào khẩu K Thụy Điển, tự rủa mình đã không đem theo khẩu súng săn nòng 12 ly. Không có lý gì anh phải đem súng này chỉ vì mấy chàng cao-bồi ở CIA cho rằng khẩu K Thụy Điển hay khẩu Uzi mới xứng với họ. Trường hợp cận chiến trong rừng rậm thì súng săn đắc Dụng hơn nhiều. Chỉ cần một khẩu súng săn cũng có thể mở được một bãi đáp. Tất nhiên mọi loại súng săn đều bị Công ước Genève cấm đoán, nhưng hết thảy những gì khác liên hệ tới công tác của các đội thám báo tỉnh cũng thế cả. Vả chăng đối phương của anh chưa từng ký kết các thỏa ước Genève.
Gulliver coi lại mặt dạ kim chiếc đồng hồ vỏ thép Rolex. Đã đến lúc phải sẵn sàng. Anh thò tay vào trong ngực áo, mở cái túi không thấm nước buộc bên sườn, và bốc ra một nắm thuốc viên. Anh bỏ hết vào miệng, nuốt ực với một ngụm nước. Sau đó anh ẩn vào chỗ nấp của mình và chờ mọi chuyện sẽ xảy ra..
1ằm chờ, mắt giương tai giỏng, trong bóng tối chầm chậm nhẹ nhàng phủ xuống như một cái dù lụa đen, Gulliver dần dần cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Đây là phần việc anh vẫn còn yêu thích: xông pha rừng rậm, săn đuổi, gài bẫy...nghĩa là chuyên nghiệp. Nơi đây, dưới cái dù đen này, anh có thể tưởng mình vẫn còn hoạt động với Lực lượng Đặc biệt, những ngày trước khi phải nhúng tay vào nhửng trò dơ bẩn này, những ngày trước khi bọn cao-bồi nắm quyền điều động. Vào những lúc này anh trở lại là một người lính, không phải một tên vô lại cho bọn ma quỷ(Tiếng lóng, chỉ các nhân viên tình báo) kia. Và đội thám báo tỉnh cũng không còn là một tập thể ô hợp những tên sống ngoài lề xã hội với những quân trốn chúa lộn chồng, nhưng là toán biệt kích người Thượng của anh trước kia, trung thành và dũng cảm. Dầu anh sắp phải giết người trong những giờ phút sắp tới, dầu anh không ưa thích và chưa từng ưa thích điều đó, đây vẫn là phần việc duy nhất còn khiến anh cảm thấy mình trong sạch, là một người lính đúng nghĩa.
Gulliver nghe tim mình đập mau hơn. Hai màng tang anh bắt đầu bập bùng theo từng hơi thở, và đầu anh như căng ra để lấy chỗ cho bộ óc nở lớn. Hết mọi thần kinh, mọi cơ quan trong cơ thể anh như nhạy lên, thích ứng với thực tại mới, trong khi các giác quan như trở thành hệ thống "cáp", khuếch đại từng âm thanh, từng quang cảnh, từng hương vị. Gulliver cười nhếch nhác. Mấy viên thuốc bắt đầu ngấm.
Đã từ lâu Gulliver tin tưởng nên dùng những viên thuốc hỗn hợp benEedrine và dexamyl này. Chúng không làm cơ thể giảm năng động, nhưng lại kích thích các giác quan đến cực điểm. Chúng cho ta một máy radar cá nhân, ngay cả khi chúng khiến ta, trong trường hợp bị thương hay bị bắt, trở nên rối trí, đờ đẫn, đủ thì giờ cho các bạn đồng đội chuyển qua một kế hoạch khác. Cũng vì thế mà mỗi đội viên thám báo đều mang một ống moọc-phin buộc vào dây đeo trên cổ, cùng một ống thuốc viên xyanid phòng trường hợp khẩn cấp. Riêng Gulliver biết một lý do khác, hay hơn thế nữa: sau này khi thuốc tan rồi, anh sẽ không còn nhớ gì mọi chuyện giết chóc nữa.
Tai thính đến độ gần như đau nhức, Gulliver nhận ra được hàng ngàn tiếng rì rào hỗn độn trong yên lặng của rừng thẳm: dơi vỗ cánh nghe như tiếng đập thảm trong không khí đặc sệt, côn trùng lắc lư như người say rượu trên mặt đất phủ đầy lá rụng, mồ hôi xối xả trên mặt anh rớt xuống như nhện sa, hàng đàn muỗi đầy nọc sốt rét cùng sốt xuất huyết, rồi nào rắn mối, khỉ, rắn độc, kiến lửa. Hai màng nhĩ Gulliver rung lên như sợi dây đàn. Anh nghe được cả tiếng thở nặng nề của những cây cao trăm bộ, loài cây Antiaris toxicaria, sản xuất thứ nhựa độc Việt cộng một ngày nào đó sẽ đem bôi lên những mũi chông bằng tre cắm Gưới đáy những hố bẫy của họ.
Và hai con mắt anh! Hai con mắt anh giờ đây là hai viễn vọng kính, là hai kính hồng ngoại tuyến Tinh quang. Hai con ngươi anh rộng cả thước. Mắt anh là mắt Siêu nhân! Cái dù đen từ từ tan biến, và ánh sáng trở nên gay gắt đến độ anh phải lim dim mắt. Anh thấy được hết! Anh nhìn qua thấu hết, đến tận lòng trái đất, tới đáy hồn nước Việt Nam, tới cả tim đen cuộc chiến này. Trong một phút giây ngắn ngủi, Gulliver tưởng như mình sắp lãnh hội một mặc khải to lớn. Tuy nhiên anh cũng từng có cảm giác đó nhiều lần, và lần này cũng vậy, không có gì nối tiếp cả. Hai con mắt anh như cái chong chóng quay tít, ghi nhận hết mọi điều, nhưng chẳng thấy được gì. Chúng không chịu dừng lại đủ lâu trên bất cứ cái gì cho anh tập trung chú ý.
Điều duy nhất Gulliver không nghe được, không thấy được, dù bao nhiêu kích thích đó, đó là đội thám báo nằm mai phục. Anh và Đặng, chẳng phải như bạn anh đã lên tiếng khinh miệt, đã huấn luyện đội này rất chu đáo.
Bọn họ bảy người, tiến lại như thông lệ, nghĩa là lặng lẽ đi hàng một, người này cách người kia một khoảng vừa đủ. Kỷ luật đi đường tuyệt vời của họ có thể làm vinh dự cho một đội A của Lực lượng Đặc biệt, do chính Anh Hàng Cát huấn luyện. Họ giỏi, rất giỏi, nhưng lần này họ không có cơ may nào.
Sau này Gulliver nhớ rõ có thế thôi. Anh đã nhận biết họ từ xa, mặc dầu kỹ thuật tuyệt luân của họ. Anh biết họ có bao nhiêu người, họ còn bao xa, họ chải đầu như thế nào. Anh cảm thấy được. Mấy viên thuốc thật kỳ diệu.
Ngoài ra thì anh chỉ còn có thể nghĩ rằng mọi chuyện hẳn đã xảy ra không khác bất cứ công tác tóm và diệt nào khác. Không cực nhọc gì, như thông lệ, đúng tiêu chuẩn.
Đặng chắc đã để cho mấy người đầu đi qua, những bàn chân đi dép nhẹ bước chỉ cách chỗ anh nấp trong bụi vài phân. Chắc anh đã chờ người cán bộ chỉ huy, người mang cái túi đầy nhóc những tuyên cáo với chỉ thị của Trung ương cục Miền Nam, bộ chỉ huy tối cao của Việt cộng. Vào lúc y quẹo khúc đường ngoặt, trong khoảnh khắc ngoài tầm mắt các đồng đội, Đặng hẳn đã vọt tới, dùng ống Mace bơm ngay vào giữa mặt y. Sử dụng hơi ngạt này là sáng kiến của Gulliver: đó là một võ khí của Lực lượng Đặc biệt, bắt chước cảnh sát bên Hoa Kỳ. Nhờ nó ta không sợ một phát súng bắn hụt buộc phát động quá sớm cuộc phục kích, hoặc báo động cho các kẻ địch khác quanh vùng. Đặng hẳn đã đồng thời dùng bàn tay kia phạt ngang gáy người cán bộ, rồi lôi y giấu trong bụi trước khi người đi sau bước tới.
Đó là tóm. Còn diệt thì tùy, kẻ bị tóm có thể bị giết ngay tại chỗ, hoặc có thể sẽ bị giết sau khi thẩm vấn ngắn ngủi.
Bắt được con mồi rồi, Đặng hẳn đã phát động phục kích. Những kẻ không chết ngay trong loạt đạn đầu tiên của mạng lưới X sẽ bị thanh toán bằng một phát súng sau tai, hoặc bằng một thanh K đâm qua họng. Trực thăng của Air America, vẫn hai chiếc Huey sơn đen đã đưa họ tới, sau đó hẳn đã đáp xuống đón cả đội cùng chiến lợi phẩm về, về tỉnh lỵ và về Sứ quán. Trời chỉ mới rạng đông. Không cực nhọc gì, như thông lệ, đúng tiêu chuẩn.
Hôm sau ngủ dậy, thuốc tan hết rồi, Gulliver được biết mọi chuyện quả đã xảy ra đúng như thế. Đội thám báo tỉnh không bị tổn thất nào, và phía Việt cộng không ai sống sót, ngoại trừ người cán bộ cùng cái túi của y được giao cho Cảnh sát Đặc biệt và các thẩm vấn viên của Trung tâm Thẩm vấn tỉnh. Ông già được đưa về nhà ngay sau khi công tác kết thúc, yên lành ngoại trừ bìu dái tím bầm.
Với Gulliver, mọi chi tiết những gì đã xảy ra trong cuộc phục kích đều rất mơ hồ. Mấy viên thuốc đã khiến chúng thành mơ hồ mãi mãi. Luôn luôn là như vậy. Gulliver dùng thuốc là vì thế.