Phần 2: Dao cạo
Phần 2 - 1

Không như những trận gió nồm, chợt đến chợt tan trong nháy mắt, trận bão theo sau cái chết của Nguyễn Khắc Trung tụ lại rất chậm, càng lúc càng chồng chất. Những đám mây phản kháng trở nên tối đen, càng lúc càng dày đặc, rồi vỡ bung ra, tạo nên một cơn hồng thủy làm biến động không những mấy ngày Tết, bình thường là một thời gian êm ả, mà luôn cả nền tảng cuộc sinh hoạt địa phương.
Hai ngày sau khi Trung chết, cuộc biểu tình đầu tiên tự phát nổ ra, một phản ứng đương nhiên của đám dân chúng phẫn nộ. Về sau rất nhiều người tự nhận mình đã tham gia lần biểu tình ấy, nhưng thực ra chỉ có hai trăm người, hầu hết là tín đồ Hòa Hảo biết tin do những lời đồn đại ngoài chợ, những lời hô hào cuồng nhiệt từ trên những gánh nồi niêu cao ngất, những lời thì thầm đau buồn bên tô mì hay ly trà đá.
Ngày hôm sau, hơn chín trăm người xuống đường, trong số đó nhiều người là Phật tử tỏ tình liên đới. Lần này là một cuộc biểu tình do cấp lãnh đạo giáo phái địa phương vội vã tổ chức, để đáp ứng đòi hỏi của tín đồ, và cũng do bà goá Trung kêu nài.
Đến cuối tuần thì con số hàng trăm đã trở thành hàng ngàn. Tin tức đã loan truyền đi, và từ các thôn ấp khắp miền tây tín đồ Hòa Hảo không ngớt đổ về thị xã.
Tuy bị bất ngờ trước làn sóng phẫn nộ của quần chúng, thời gian đầu các nhà chức trách của thị xã, Việt cũng như Mỹ, không ai tỏ ra lo ngại cho lắm. Các cuộc biểu tình đầu tiên đều ôn hòa. Dân chúng mang những biểu ngữ "Bãi bỏ Phụng Hoàng" và những hình nộm chim phụng hoàng vẽ mặt tổng thống Thiệu với các gót chân nhỏ máu. Lưu thông bị bế tắc trên con đường chính và trước cổng toà tỉnh trưởng, trụ sở CORDS và Sứ quán, nhưng ngoài ra không có rắc rối đáng kể nào.
Viên tỉnh trưởng chỉ bắt đầu ưu tư khi các cuộc biểu tình lên đến năm ngàn người và không có dấu hiệu lắng dịu nào. Đại tá Minh ra lệnh thiếu tá Đỗ cho nhân viên Cảnh sát Đặc biệt trà trộn vào đám đông chụp hình những người cầm đầu. Bọn Chuột Bạch của thiếu tá Đỗ mạo nhận là phóng viên báo chí nhưng chẳng lừa được ai với kiếng mát, sơ-mi trắng, quần ống bó và giày mũi nhọn của họ, nổi bật như mấy anh hề giữa đám đông.
Giới lãnh đạo Hòa Hảo cố tình đứng ngoài làn sóng phản kháng, hy vọng nuôi dưỡng cảm tưởng các cuộc biểu tình là do ý nguyện nhân dân chứ không phải do họ chủ động. Tất nhiên thiếu tá Đỗ rõ cả, do những mật báo viên gài trong đảng Dân Xã. Bên ngoài, dẫn đầu các cuộc biểu tình là sinh viên, những phần tử xách động từ hai trường đại học Hòa Hảo và Cần Thơ tới, cả một vài sinh viên của đại học Sài Gòn nữa. Và đi trước các sinh viên là bà goá Trung, tay dắt ba con nhỏ mặc đồ tang trắng, mang biểu ngữ: "Bọn sát nhân Phụng Hoàng! Hãy trả lại cho đám con côi xác người cha tử tiết!"
Jake Gulliver thì không giả mạo gì cả. Mặc chiếc quần LeviDs và chiếc áo ngắn thuở còn đi học, anh theo dõi các đoàn biểu tình, báo cáo về George Cameron đứng ngồi không yên. Ngày này qua ngày khác, anh chạy tới chạy lui theo sau đoàn người, mái tóc như cánh buồm trắng nổi trên làn sóng, ghi nhận sự phẫn nộ ngày càng sôi sục. Chiều về nghe anh báo cáo, Cameron lại thở dài sườn sượt, mồ hôi ướt áo, rồi bương bả tới bên quầy rượu bằng tre. Làm sao Cameron không lo ngại cho được. Tình trạng leo thang vừa tiên liệu được lại vừa không thể ngăn ngừa: sinh viên nhạo báng cảnh sát, cảnh sát rình đưa sinh viên đi quân dịch, sinh viên giật máy ảnh cùng sổ tay của cảnh sát, cảnh sát bắt sinh viên, sinh viên ném đá cảnh sát...
Đến khi cảnh sát của thiếu tá Đỗ bị tràn ngập, đại tá Minh bèn tung vào lực lượng Cảnh sát Dã chiến của thiếu tá Ngọc. Thế là những cuộc đụng độ ngắn ngủi nhưng đẫm máu diễn ra khắp các đường phố thị xã. Lính của thiếu tá Ngọc, trong bộ đồng phục mũ xanh, khăn quàng xanh, trông như những con công nổi khùng, tấn công hết đám ném đá này tới đám ném đá khác, giải tỏa từng đường phố bằng dùi cui và lựu đạn cay.
Không những thế, Minh còn bố trí một lực lượng trừ bị: một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 4 Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được di chuyển cấp tốc vào địa phận tỉnh, trú đóng một cách lộ liễu ngay ngoại ô, hai bên con lộ dẫn đến Sênh Tiền.
Gulliver không ngạc nhiên gì khi những đòn nặng tay của đại tá Minh chỉ mau chóng đưa tới hỗn loạn thêm. Điều khiến anh kinh ngạc, vào cuối tuần lễ đầu, đó là thấy nhân vật tiếng tăm nhất trong thị xã đi bên bà goá Trung dẫn đầu đoàn biểu tình -- Quỳnh Như và Nguyễn Thị Mai sát cánh bên nhau, tay nắm tay. Hai người đàn bà đẹp lộng lẫy, một người danh tiếng đã từ lâu, và người kia ngôi sao mới nổi. Họ tạo nên một cảnh tượng khiến ai trông vào cũng phải nín thở.
Ngày hôm sau, Gulliver lại kinh ngạc hơn nữa, khi, đứng sau đám đông, anh được chứng kiến người tình của anh, hóa trang đầy đủ và có nhạc công phụ họa đàn sáo, diễn tuồng trong công viên nhỏ đối diện với cổng tòa tỉnh trưởng chồng chất những bao cát. Một vở tuồng ngắn, tựa đề không hấp dẫn chút nào: "Ác điểu giết người." Vở tuồng ứng tác diễn tả Nguyễn Khắc Trung bị bắt, bị tra tấn, bị giết, một cách chính xác không ngờ.
Sau buổi diễn tuồng tại công viên, nàng đoán đêm ấy anh sẽ đến nhà tìm nàng. Và quả thực anh đến. Nhưng giận dữ mà đến, đến như kẻ cấp trên, không phải như người tình.
Anh gõ cửa khi nàng vừa tắm xong, và nàng vội lấy tấm khăn quấn quanh mình chạy ra. Đã quen anh xuất hiện và bỏ đi bất chợt, nàng ngạc nhiên thấy lần này anh dùng cửa chính. Anh rảo bước vào, không nói không rằng, mặt lạnh lẽo như một bức tượng Chàm, gài cửa lại rồi đến bên cửa sổ xem trong hẻm có ai không.
Yên tâm rồi anh mới quay lại, nhìn thẳng vào mặt nàng. "Ngu quá đi, Như. Sao em lại làm như thế?" anh hỏi, nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối. Anh bước tới một bước, vào giữa ánh đèn. Anh mặc một bộ binh phục, nhưng nàng không hỏi lý do, anh cải dạng là chuyện thường. Nàng nhìn ra cơn giận dữ trong mắt anh, nơi khoé miệng anh.
Nàng kéo tấm khăn lau tóc xuống phủ lên hai vai trần, thình lình cảm thấy lạnh ngắt mặc dầu trong phòng nóng bức. "Sinh viên yêu cầu em. Vở tuồng khích động dân chúng phẫn nộ. Thành công lắm," nàng phân trần.
"Kệ mẹ bọn sinh viên. Họ chỉ là những con cờ, cũng như dân Hòa Hảo. Vả ta đã có một số đồng chí gài trong đoàn biểu tình để khích động dân chúng. Em làm như vậy là ngu lắm."
Như kinh ngạc trước những lời sống sượng, hùng hổ của anh. "Nhưng mà có hại gì đâu?"
"Bộ em không thấy cảnh sát sao chớ? Em không thấy người của thiếu tá Đỗ mang máy ảnh Nhật đắt tiền, Vổ tay, với lại bút Mỹ ngòi vàng, sao chớ?"
Như nhún vai. "Khi em diễn tuồng thì em không nhìn ra ai cả."
"Chúng nó có đó, cả chục đứa." anh nói. "Có lúc anh nghĩ nếu chúng bỏ về thì chắc đoàn biểu tình chỉ còn phân nửa. Và nếu người của ta cũng bỏ đi luôn thì chắc ngoài đường chẳng còn ai."
Anh mà nói đùa! Chuyện thật hiếm có. Có lẽ anh không quá giận nàng như nàng đã tưởng. Nàng liền nở nụ cười mơn trớn, rồi nói: "Em vẫn không thấy em làm như thế có hại gì."
Nàng lại lầm to. Giọng anh trở lại lạnh lẽo như băng: "Sao em tối dạ thế. Em chỉ làm cho cảnh sát chú ý tới em, và em làm sao sống như vậy được. Với chúng từ nay em không còn chỉ là một nữ ca sĩ trứ danh, cô Quỳnh Như yêu kiều, niềm kiêu hãnh của tỉnh này nữa. Em đã thành một kẻ xách động, một kẻ phải canh chừng."
"Nhưng phân nửa dân ở đây đã tham gia biểu tình," nàng cãi. "Làm sao chúng canh chừng từng ấy người được?"
"Phân nửa dân ở đây đâu có biết Nguyễn Khắc Trung chết như thế nào!" anh gằn giọng. "Phân nửa dân đâu có công khai đứng trước mặt bọn mật vụ cho chúng biết là họ rõ cả! Khá khen cho em! Vở tuồng ngắn của em đúng từng chi tiết! Đủ mọi chi tiết anh đã lầm mà kể cho em nghe. Nhất là cái đoạn em cắt ngón út của Trung, từng lóng một!"
Bấy giờ nàng mới nghĩ ra. Nàng ngu thật! Một thoáng sợ hãi vụt đến, nhưng lại tan ngay khi cơn giận ứ lên cổ nàng. Nàng đâu phải con nít để anh la lối như thế!
"Rất nhiều người biết Trung chết trong lúc bị thẩm vấn," nàng cứng cỏi đáp. "Ông bác sĩ khám nghiệm xác Trung, rồi phản kháng nội vụ với tỉnh trưởng, là người Hòa Hảo, một cư sĩ hàng đầu. Ông đã cho đảng ông hay Trung bị tra tấn và xác không toàn thây. Không thế, sao dân chúng phẫn nộ đến mức ấy?"
Anh chẳng thèm để ý đến lý luận tuy đúng nhưng yếu ớt của nàng. "Anh không cãi lý với em. Em sẽ không làm như thế nữa. Em phải tránh hết các cuộc biểu tình, nghe chưa?"
Như gầm đầu xuống, hết cả kháng cự. "Dạ, em nghe."
"Em ngoan lắm," giọng anh dịu lại. Anh lấy ngón tay nâng cằm nàng lên, hôn phớt lên đầu mũi nàng. "Anh không muốn có chuyện không hay nào xảy đến cho em. Anh không muốn em bị rắc rối gì hết."
Như, hoàn toàn thần phục, tựa đầu vào ngực anh. "Còn anh thì sao?" nàng hỏi nho nhỏ. "Anh có bị rắc rối gì không?"
"Chưa, nhưng cũng sắp," anh lạnh lùng nhún vai đáp. "Đại tá Minh sẽ la hét, rồi dọa dẫm, rồi hứa hẹn. Hắn sẽ cố kéo dài thời gian. Nhưng dân chúng càng phẫn nộ thì hắn càng sớm phải làm một cái gì đó."
"Hắn sẽ làm gì?" Như hỏi, một thoáng lo âu. Nàng ngả người ra sau, cố nhìn rõ mặt anh khi anh trả lời.
"Anh không phủ nhận Hòa Hảo rất xúc động vì Trung," anh thản nhiên đáp. "Nhưng không phải vì thế mà họ không tìm cách lợi dụng cái chết ấy để đòi hỏi chính phủ nhượng bộ họ. Hiện giờ thì lính của Minh còn kiểm soát được họ, nhưng rồi đây họ sẽ chẳng khác nào cọp đói mất mồi, và sớm muộn Minh sẽ phải thảy cho họ vài miếng thịt nếu y không muốn họ cắn cổ y. Anh rất có thể sẽ là một miếng thịt ấy."
"Như anh của em vậy," nàng chua chát nói.
"Phải, như anh của em vậy."
"Anh không thể để y liệng anh cho lũ cọp đói được. Anh không được để xảy ra chuyện như thế."
Anh chắc lưỡi. "Chính ta muốn như thế đấy chứ. Hòa Hảo vô tình là đồng minh của ta trong vụ này. Nếu nhà cầm quyền buộc phải nhượng bộ Hòa Hảo, dân chúng sẽ coi thường chúng. Bè lũ Sài Gòn và chương trình Phụng Hoàng sẽ mất hết uy quyền."
"Vậy anh phải lánh xa trước khi chuyện ấy xảy ra," nàng cương quyết nói.
 Ừ," anh gật đầu. "Nếu có thể được."
Như lặng thinh, ý nghĩ điều ấy có thể không tránh được lởn vởn trong đầu óc nàng.
"Nhưng chuyện chưa đến mức ấy đâu," anh lại nói. "Hiện giờ tên tỉnh trưởng đang còn lo lắng hơn với vụ phục kích trên núi Giải; y đang cáu giận với anh bạn của hai ta hơn."
Như chớp mắt. "Em chưa cám ơn anh đã cứu hắn vì em," nàng nói. "Em biết chuyện ấy khó cho anh lắm. Em biết anh khó xử giữa bổn phận anh và tình cảm của anh đối với em...và đối với hắn."
 Đúng thế, phải chia sẻ em với người khác không phải là chuyện dễ cho anh." Giọng anh trống vắng, khó ai tìm thấy có chút nào tự thán.
"Anh đừng quên là chính anh đã đẩy em vào tay hắn," nàng nói, đầy khích động. "Em không chịu nhưng anh nói vì đại nghĩa, vì sẽ có ích cho các anh."
"Anh nhớ chứ," anh dịu dàng nói.
"Anh còn nhớ là may lắm đó."
 Điều khó không phải là chia sẻ thân em mà là chia sẻ tình em."
Như hết cả chống đối. "Em đâu có ngờ sẽ thương hắn, em đâu có muốn thương hắn," giọng nàng yếu ớt. "Mọi chuyện...nó như vậy đó."
"Anh biết," giọng anh vẫn dịu dàng. "Nhưng bây giờ hóa ra rắc rối. Đại tá Minh không phải là người duy nhất không hài lòng với chuyện đã xảy ra trên Thất Sơn. Đồng chí Hòa Bình không hiểu nổi tại sao tên Mỹ thoát được. Đồng chí tức giận cuộc phục kích đã không thành công. Đồng chí không hài lòng em vẫn chưa thực hiện chỉ thị. Bây giờ anh được lệnh đích thân thực hiện chỉ thị ấy, giết Kẻ Tới Ban Đêm."
Như nghẹn thở. Nàng bíu lấy vai anh, nhìn sâu vào mắt anh. "Hả? Thế anh trả lời sao?"
Anh nhún vai. "Trả lời sao nữa? Anh nhận."
"Nhưng mà..."
"Bây giờ thì chưa," anh ngắt lời nàng. "Anh bảo đồng chí Hòa Bình là vụ Trung với Hòa Hảo đang biến chuyển rất mau, và đã thành quan trọng không thể để chuyện gì khác làm hỏng được, và anh sẽ thi hành chỉ thị ấy khi nào thuận tiện. Đồng chí không vui lắm nhưng đã đồng ý với anh. Đồng chí rất hài lòng với tình hình mới trong tỉnh này, và thăng anh lên đại tá."
"Nhưng như thế chỉ là hoãn lại chứ đâu có giải quyết được vấn đề. Anh tính làm sao?"
"Anh sẽ quyết định khi cần."
Như ngó sững anh, không nói gì, và anh nhân đó bảo: "Anh đi nhé."
Nàng miễn cưỡng gật đầu và lẳng lặng trở vào phòng tắm; lần nào cũng vậy để nàng không thấy anh đi. Lúc nàng trở ra anh sẽ không còn đó nữa, và cửa vẫn gài kỹ.
Nhưng lần này, khi nàng đóng cửa phòng tắm rồi, anh không vào phòng ngủ...và đi tới tủ áo mở bức tường giả dùng cầu thang bí mật leo lên nóc nhà. Anh ra khỏi nhà như anh đã tới, bằng cửa chính, rất đàng hoàng. Tuy nguy hiểm nhưng anh muốn kiểm soát lại con hẻm một lần nữa, xem cảnh sát đã canh chừng nàng hay chưa.
Đêm đã khuya, con hẻm vắng lặng và tối đen, chỉ lập lòe đây đó vài ánh đèn lù mù đôi ba người dân tị nạn quá nóng bức không ngủ được. Anh lặng lẽ đóng cửa nhà Như rồi rảo bước thật nhanh, quá nhanh, suýt nữa đạp phải một người nằm trên mấy tấm bìa. Anh thì thầm xin lỗi. Người kia cựa mình và thều thào: "Trung sĩ."
Nóng lòng ra khỏi con hẻm cụt, và tự trách mình thiếu cẩn trọng không dùng lối thoát như mọi lần, anh đi vài bước rồi mới hiểu ra Trung sĩ là anh, mới nhận biết người kia vẫn đang gọi anh: "Suỵt! Trung sĩ! Suỵt!"
Anh quay phắt lại, bước qua một bên, tay nhanh như cắt nắm khẩu súng lục nơi thắt lưng, trong khi óc dồn dập tín hiệu: NGƯỜI, NGỒI LÊN, GIƠ TAY, TAY...KHÔNG.
Anh gài lại bao súng, thở ra, và thận trọng quan sát. Người kia tóc dài phủ gáy, bẩn thỉu. Y mặc một bộ binh phục Việt Nam Cộng Hòa rách tả tơi. Cụt một chân. Chân phải. Một cái nạng gỗ kế bên mình. Đằng sau y là một người đàn bà và hai đứa trẻ ngủ thiêm thiếp trên mấy manh chiếu trải sát bức tường quét vôi trắng.
"Anh muốn gì?"
Gã kia nhô ra bộ mặt xảo trá, ra bộ kẻ ăn mày, và giở giọng năn nỉ: "Trung sĩ  cho tôi vài đồng mua cháo cho sấp nhỏ."
Anh thọc tay vào túi lấy cho y vài tờ giấy bạc nhầu nát.
Gã kia mỉm cười, để lộ hai hàm răng hư hết, rồi gật đầu liên tiếp. "Cám ơn trung sĩ lắm nghe. Trung sĩ đừng để mình tàn phế như tôi. Chúng nó sẽ liệng bỏ trung sĩ như cái áo rách. Trung sĩ có chết đói chúng nó cũng chẳng nhớ công lao trung sĩ đâu."
"Tôi hiểu."
Gã ăn mày nhìn theo kẻ bố thí đi xa, rồi quay lại với người đàn bà lúc này đã ngồi lên. "Mụ có thấy rõ mặt Hắn không?"
"Tối quá," người đàn bà càu nhàu. "Tôi đã bảo ông là chỗ này tối quá mà ông đâu chịu nghe. Ông chẳng chịu nghe tôi gì cả..."
"Không sao, tôi thấy rõ rồi," y vội ngắt lời, thầm rủa số phận đã bắt y cặp đôi với mụ già xấu xí lắm mồm này, nhưng cũng mừng thầm họ không phải vợ chồng thực. Y móc dưới chiếu ra một cuốn sổ tay và một cây bút ngòi vàng và hí hoáy ghi chép.
Đại tá Minh đón tiếp bà góa Trung vô cùng trọng thể. Khuôn mặt nhẵn thín, núc ních của viên tỉnh trưởng là cả một nỗi tang thương: nụ cười bóng nhẫy cùng chiếc răng vàng lấp loáng không còn nữa, chỉ còn lại cái nhìn đau buồn nhưng quyết tâm của một nhân vật hữu trách phải thi hành một nhiệm vụ không có gì là vui thú.
"Thưa bà Mai," Minh ân cần nói, "thừa lệnh chính phủ và cũng nhân danh cá nhân tôi, tôi xin được ngỏ với bà những lời phân ưu chân thành nhất trước cái tang đau đớn của bà."
Gulliver lấy tay che miệng vờ ho, giấu nụ cười. Cái chết của Nguyễn Khắc Trung không có gì là hài hước cả nhưng anh không sao không cười được. Anh không thể ngờ viên tỉnh trưởng lại thiếu tế nhị đến mức đó.
Đại tá Minh đã nhất định nài Nguyễn Thị Mai ngồi vào cái ghế vĩ đại của ông, còn ông ngồi trên một cái ghế xếp bằng sắt ông đã gọi lính hầu mang vào. Gulliver tưởng như nghe được tiếng mấy chân ghế rên rỉ dưới Vức nặng kinh hồn kia.
Văn phòng viên tỉnh trưởng đầy những người. Chín người bên phái đoàn bà Trung, và năm người đại diện cho chính quyền tỉnh: Minh, Sloane, Đỗ, Cameron và Gulliver. Gulliver đã được yêu cầu có mặt vì Cameron nói tiếng Việt rất khó khăn, và Sloane không biết một tiếng Việt nào. Họ ngồi đối diện nhau như hai toán lực Vĩ sửa soạn tranh tài. Bà Mai bé nhỏ gần như khuất sau bàn giấy vĩ đại của Minh, ngồi ở một đầu, cứ như một viên trọng tài.
"Xin cảm ơn đại tá," nàng lạnh lùng đáp, giọng không chút nào hàm ơn. "Nhiều người khác cũng đã ngỏ ý muốn đến viếng chồng tôi. Cho nên tôi tới đây hôm nay yêu cầu đại tá trả lại cho tôi xác chồng tôi. Chúng tôi...tôi...đã quyết định quàn xác chồng tôi để bạn bè ảnh tới phúng viếng."
Hai mắt Minh, lấp dưới những lớp mỡ, không lộ vẻ hoảng sợ. Con người quyền năng nhất tỉnh phác một cử chỉ bất lực: "Tôi không thể chiều lòng bà được. Tử thi là một tang chứng, và cuộc điều tra về cái chết bi thảm của chồng bà chưa chấm dứt. Hẳn bà muốn biết những gì đã xảy ra chứ?"
"Tôi biết cả rồi!" Mai đáp ngay, không buồn lịch sự nữa. "Phụng Hoàng đã tra tấn ảnh tới chết."
"Bịa đặt!" Minh la lớn, hai hàm rung lên.
 Đó là sự thực!" Mai rít lên. "Bác sĩ Loan đã khám nghiệm tử thi! Hỏi ông mà coi!" Nàng nhảy dựng lên, cả bộ ngực rung lên dưới tấm áo dài. Mọi con mắt đổ dồn nhìn nàng, và nàng đỏ mặt, vội vã ngồi xuống.
Minh cũng đổi thái độ rất nhanh. Ông chìa cả hai tay ra, mỉm cười, chiếc răng vàng bây giờ mới lại lóe lên, như một tia nắng xuyên qua những đám mây bão tố. "Bà Trung, xin bà bình tĩnh," ông năn nỉ. "Ta đừng la lối, la lối không có ích gì. Tôi với bà đều cần nhau. Bà muốn công lý cho người chồng quá cố, còn tôi muốn chấm dứt xáo trộn trong tỉnh tôi. Ta hãy gắng cộng tác để hai mục đích đều đạt được."
Không một ai lên tiếng, ngoại trừ Gulliver thì thầm dịch cho Sloane nghe. Rồi Mai miễn cưỡng gật đầu.
Chiếc răng vàng lại lóe lên. "Tốt lắm. Đây nhé. Tôi không nói bác sĩ Loan đây đã không hề thấy gì hết," Minh gật đầu về hướng bác sĩ Loan. "Tôi cũng không phủ nhận thi hài ông Trung không còn toàn vẹn. Nhưng tôi hoàn toàn bác bỏ lời phao đồn cái chuyện ghê gớm ấy đã xảy ra lúc ông Trung bị cảnh sát câu lưu."
"Thế thì chuyện ấy xảy ra ở đâu, thưa đại tá?" một giọng nói cứng cỏi cất lên, một giọng trầm lặng nhưng vang dội, đầy uy quyền.
Gulliver đảo mắt nhìn khắp những người đối diện và tìm ra ngay ai vừa lên tiếng: đó là người đã được giới thiệu là Bùi Đình, ông sãi Hòa Hảo từ thị xã Long Xuyên, bên An Giang, tới.
Gulliver không quen ông ta, nhưng anh biết khá nhiều về ông, mấy người kia cũng vậy. Bùi Đình tới thị xã này bốn hôm trước đây, và chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau giới hữu trách Phụng Hoàng đã yêu cầu, và nhận được từ Sài Gòn gửi xuống cả một hồ sơ đầy đủ về ông ta. Gulliver cũng đã để ý người lập và gửi đi hồ sơ đó ký tên S. Teacher, tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Bùi Đình là một trong những vị sãi uy quyền nhất của giáo phái Hòa Hảo, là người từng góp phần lèo lái những vận động tôn giáo và chính trị của giáo phái từ khi thành lập năm 1939, người từng tùy lúc, có khi đồng thời, hỗ trợ hoặc chống đối triều đình, người Pháp, người Nhật, Việt Minh, rồi người Mỹ, và hết mọi chính phủ suốt các thời đó. Chính Bùi Đình đã thuyết phục "Phật sống" Huỳnh Phú Sổ nhận vũ khí của Nhật đánh lại người Pháp mong giành độc lập cho Hòa Hảo. Đến khi quân Nhật hồi hương, lại chính Đình đã khuyến cáo nhận vũ khí của Pháp để chống Việt Minh khi những tham vọng đất đai của Hòa Hảo khiến họ lâm vào thế xung đột với cộng sản, và sau đó lại trở mặt, ra lệnh cho quân đội Hòa Hảo nổ súng vào cả hai phe. Vào những ngày cuối thế chiến II đó, chính do tay Đình mà Hòa Hảo đã trở thành một quốc gia tại miền tây, thâu thuế cùng cai trị các thôn xã như thời phong kiến. Chính Đình đã điều khiển trận chiến -thảm bại -- chống quân đội quốc gia mới thành lập của tổng thống Ngô Đình Diệm. Lại cũng chính Đình đã tổ chức nên đảng Dân Xã của Hòa Hảo năm 1952, đã chủ trương trở về hợp tác với Sài Gòn sau khi Diệm bị lật đổ. Suốt bao nhiêu năm đó, Đình không hề giấu giếm mục đích của mình: giành độc lập cho các tỉnh Hòa Hảo.
Gulliver không sao rời mắt khỏi Bùi Đình. Ông sãi đã già, bảy mươi hay bảy mươi lăm tuổi gì đó, mặt đầy nếp nhăn và dưới cằm một chòm râu trắng như cước, như Hồ Chí Minh. Ông còn gầy hơn họ Hồ nữa, gầy như Gandhi(Người lãnh đạo dân tộc Ấn Độ chống thực dân Anh với chủ trương bất bạo động (1869-1948).) sau mỗi lần tuyêt thực, nhưng không phải vẻ gầy ốm của kẻ khổ hạnh, của thánh nhân, Gulliver nghĩ khi nhìn kỹ đôi mắt ông, đôi mắt bừng bừng nóng hổi trái ngược hẳn với giọng nói điềm đạm, đôi mắt háu đói của kẻ cuồng tín.
Ngoài Đình còn có một người khác trong phái đoàn bà góa Trung không phải là dân địa phương. Đó là Nguyễn Lộc, chủ tịch tổng hội sinh viên Sài Gòn, hai mươi hai tuổi, cầm đầu các sinh viên xuống đường. Nếu như Bùi Đình là người lớn tuổi nhất trong phòng này, và Nguyễn Lộc là người trẻ tuổi nhất, họ có rất nhiều điểm tương đồng. Nguyễn Lộc đã tới thị xã này cùng một ngày với Bùi Đình và cũng có hồ sơ dày chẳng kém bao nhiêu. Họ đã yêu cầu Sài gòn điều tra về quá khứ anh, và CIA đã giao việc đó cho con đẻ của mình, CIO(Central Intelligence lrganiPation), Trung ương Tình báo của Việt Nam. Phúc đáp của CIO đã chạy trên máy telex của Sứ quán suốt gần tiếng đồng hồ. Cả hai người, Đình và Lộc, từ khi tới đây, đều được hai viên đại tá Minh và Sloane gọi bằng "hai kẻ xách động từ bên ngoài" trong các báo cáo hàng ngày gửi về Sài Gòn.
Đại tá Minh cũng đang ngây người ngó sững Bùi Đình, cứ như ngó ma quỷ hiện hình. Vị sãi già lập lại câu hỏi: "Chuyện ấy xảy ra ở đâu, thưa đại tá?"
"À, tất nhiên chúng tôi chưa thể khẳng quyết được, nhưng chúng tôi cho rằng thi hài chắc đã bị đâm chém sau khi được giao sang quân y viện."
 Ở quân y viện?" bác sĩ Loan ngắt lời, giọng đầy ngờ vực. "Do ai mới được chứ?"
Đại tá Minh nhún vai. "Một tên cộng sản nào đó muốn gây rắc rối cho chính phủ chứ ai nữa."
"Phi lý!" bác sĩ Loan khịt mũi nói.
"Không phi lý chút nào đâu," Minh đáp với một nụ cười kẻ cả. "Nếu trong số nhân viên bệnh viện đã có một tên cộng sản rồi thì có gì phi lý khi ta giả dụ còn có những tên cộng sản khác nữa?"
Mai hết còn chịu đựng nổi. Nàng lại đứng phắt dậy và giơ nắm tay về phía viên tỉnh trưởng: "Chồng tôi không phải cộng sản!"
Minh lại nhún vai, nhếch một nụ cười tội nghiệp với nàng. "Chồng bà đã ký một bản thú tội đầy đủ cả," Minh nhỏ nhẹ nói, vẻ như bất lực trước một chứng cớ hiển nhiên đến thế.
"Lại bịa đặt nữa! Lại bịa đặt trắng trợn nữa!"
Bùi Đình rời khỏi ghế, đi vòng ra sau bàn, vẫn nhậm lẹ dầu tuổi tác. Ông đặt tay lên hai vai Mai, dịu dàng ấn nàng ngồi trở xuống, bảo nàng nho nhỏ: "Thôi con. Đừng để người ta làm rối trí. Cứ ngồi yên. Để thày đối phó với những lời gian trá đó."
Quay sang Minh ông hỏi: "Đại tá có thể cho tôi coi cái gọi là bản thú tội ấy chăng?"
 Được mà," Minh đáp, "thiếu tá Đỗ lấy ra đây."
Viên cảnh sát trưởng thọc tay vào cặp lấy ra hai tờ giấy đính kẹp. Viên tỉnh trưởng đón lấy rồi nặng nhọc đứng lên trao cho ông sãi già. "Tất nhiên đây chỉ là phóng bản, nhưng nếu thày muốn xem bản chánh tôi sẽ cho đi lấy."
Đình liếc qua rồi để hai tờ giấy lên bàn giấy Minh cho Mai coi, vẻ thờ ơ. "Cái này không có giá trị gì hết," ông miệt thị nói. "Người ta có thể tạo ra nó sau khi Trung chết."
"Trung có ký tên hẳn hoi," Minh đáp.
"Chữ ký có thể mạo được."
 Đồng ý, nhưng chữ ký này là thực trăm phần trăm. Cứ đem so sẽ thấy ngay."
"So cũng chẳng chứng minh được gì hết."
"Thế còn dấu điểm chỉ bên chữ ký thì sao?" Minh mỉm cười hỏi. "Bộ cũng mạo được luôn sao?"
Bùi Đình nhún vai. "Dấu tay người chết có khác gì dấu tay người sống?"
"Lúc đó Trung còn sống hẳn hoi," Minh bực dọc nói, bắt đầu nản chí phải đối đáp với ông sãi lý sự này.
Đình chỉ cười nụ rồi lại nói: "Thưa đại tá, có thể như vậy lắm. Thế nhưng bất cứ ai cũng sẽ chịu ký nhận bất cứ điều gì nếu người ta dùng đủ cách ép buộc."
Viên tỉnh trưởng hết còn kiên nhẫn nổi. "Trung không hề bị tra tấn," ông la lên. "Nhân viên của tôi không tra tấn tù nhân bao giờ."
"Vậy làm sao Trung chết được?" Đình hỏi, giọng vẫn bình thản.
Câu hỏi này Minh đã đoán trước. "Làm sao Trung chết hả?" ông lập lại, làm bộ kinh ngạc. "Tôi cứ tưởng quý vị đến đây là để khiếu nại vì thi hài không được, ờ, toàn vẹn. Tôi cứ tưởng quý vị đã biết vì sao Trung chết. Trung tự tử chứ còn gì nữa."
Minh ngồi xuống, khuôn mặt gian xảo và tự mãn đầy vẻ đắc thắng, chờ đợi phía Hòa Hảo bật lên những tiếng la phản đối. Nhưng họ, tất cả, đều lặng người, không có phản ứng nào. Thế là Minh lại nói tiếp: "Xyanuya. Chắc chắn Trung đã giấu trong miệng từ trước một viên xyanuya. Nếu nhân viên của tôi có điều gì đáng chê trách, đó là họ đã sơ ý không lục soát kỹ người Trung trước khi thẩm vấn. Sơ ý không tha thứ được."
Gulliver cũng ngây ra như mọi người. Tuy những gì xảy ra đêm Trung chết anh chỉ mới biết đại khái, nhưng cũng đủ để anh hiểu rằng viên tỉnh trưởng bịa đặt. Quả sự táo gan của Minh lớn không thua gì vòng bụng ông ta, anh kinh ngạc thầm nghĩ. Minh đã dám sử dụng ngay cả vài chi tiết về cái chết của hai người nữ tù Việt cộng.
Gulliver nhìn các khuôn mặt chung quanh anh. Cặp môi thiếu tá Đỗ mím lại dưới hàng ria mép mỏng, đôi mắt trống vắng. Anh không thấy rõ mặt Cameron, nhưng rõ ràng xếp của anh biết đủ tiếng Việt để hiểu Minh đã nói gì. Cameron ngồi cúi mình tới trước, hai bàn tay nắm lại, khuỷu tay tựa trên đùi, nhìn trân trân xuống sàn nhà. Và, dĩ nhiên, mồ hôi nhỏ giọt.
Gulliver cảm thấy có người giật tay áo mình: Sloane nhắc anh dịch. Nghe anh thì thầm xong, viên cố vấn trưởng ngồi thẳng trở lại, gật gù cứ như là một căn phòng tối hốt nhiên có ánh đèn, an tâm và hài lòng là cái chết của Trung như thế đã rõ ràng nguyên nhân. Chuyện này đã làm ông phiền muộn không ít.
Cuối cùng thì phía Hòa Hảo trấn tĩnh. Họ bàn tán với nhau xôn xao cả căn phòng. Chỉ Nguyễn Thị Mai và Bùi Đình vẫn yên lặng, ngó sững viên tỉnh trưởng, không giấu giếm sự gớm tởm.
Bác sĩ Loan quay lại, át mọi tiếng xôn xao: "Thưa đại tá, tôi bắt buộc phải phủ nhận kết luận của đại tá," ông nói với đầy vẻ tự tin của một người nhà nghề. "Khi khám nghiệm tử thi tôi không hề thấy có chứng cớ ngộ độc xyanuya."
Minh nhún vai. "Tôi không ngạc nhiên đâu, bác sĩ. Bác sĩ  đâu có chú tâm tìm những chứng cớ đó, phải không?"
"Tôi...không, dĩ nhiên là không. Cần gì phải tìm. Chứng cớ rành rành ra đấy. Trung bị đánh đến chết. Chỗ nào mà chẳng có chứng cớ. Sọ bị đập bể, bộ phận sinh dục bị đốt điện,...ờ, ngón tay..."
"Tất cả là sau khi Trung chết rồi," Minh mỉm cười ngắt lời.
Đình đỡ lời bác sĩ Loan. "Thưa đại tá, nếu một kẻ đang bị cảnh sát thẩm vấn định tự tử, có lẽ nào y lại đợi đến sau khi thú tội rồi mới tự tử?"
Minh đờ người ra, giơ cả hai bàn tay chuối mắn lên, rồi đành nói bừa: "Làm sao tôi biết được?"
Bác sĩ Loan lại lên tiếng, gỡ lại thể diện: "Thưa đại tá, tôi xin được phép giảo nghiệm tử thi."
 Được lắm chứ," Minh nhún vai trả lời. "Nhưng bây giờ giảo nghiệm lần nữa cũng bằng thừa; các bộ phận nhiễm xyanuya đã cắt ra cả rồi."
"Giảo nghiệm lần nữa?"
"Chớ sao! Không giảo nghiệm rồi làm sao chúng tôi biết được nguyên nhân cái chết này?"
Bác sĩ Loan tái mặt, hổ thẹn; nhà chức trách đã lo liệu việc lẽ ra ông đã phải làm. Tuy vậy ông chưa chịu thua. Ông lại gặng: "Ai đã giảo nghiệm rồi?"
"Bác sĩ Lê Văn Lợi. Ông có muốn tôi đưa ông một phó bản phúc trình của bác sĩ Lợi không?" Thế là hết. Gulliver nhận ra khuôn mặt bác sĩ Loan hằn lên những xúc động của ngờ vực và của thảm bại. Loan biết Lợi là bác sĩ riêng của Minh và lại là bác sĩ của Sứ quán nữa. Ông cũng biết Lợi có lẽ là y sĩ giỏi nhất thị xã này, về nghề nghiệp không ai có thể chê trách điều gì. Ông yếu ớt trả lời: "Không. Thế được rồi."
Bà góa Trung, nãy giờ vẫn không nói gì, lên tiếng: "Có phúc trình giảo nghiệm rồi, vậy đại tá đâu cần xác chồng tôi nữa. Xin đại tá trả lại cho tôi."
Gulliver, cũng như thiếu tá Đỗ, Cameron và Sloane, đều biết trước câu trả lời của Minh. Họ đã họp với nhau trước buổi gặp gỡ này và đã tiên liệu lời yêu cầu đó. Chuyện ấy thực ra chẳng khó khăn gì, các biểu ngữ ngoài đường đã nói đủ hết các yêu sách của Hòa Hảo.
Minh ngần ngừ, giả bộ suy nghĩ cân nhắc, rồi nói: "Được, được. Bà có thể lãnh xác chồng bà về ngay chiều nay, ở quân y viện."
Mai nhân thể hỏi tiếp: "Xin đại tá cấp phát cho tôi luôn giấy phép cử hành tang lễ."
Thay vì trả lời ngay, Minh quay sang Bùi Đình, làm bộ phân vân: "Tuy tôi không phải Hòa Hảo, song tôi tưởng đạo quý vị không chủ trương những tang lễ linh đình, phải không?"
Đình gật đầu. "Đúng đấy, thưa đại tá. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, chúng tôi nghĩ cử hành tang lễ theo truyền thống Phật giáo thì thích hợp hơn. Biết bao nhiêu người, hàng ngàn người, không phải chỉ Hòa Hảo mà cả tín đồ các tôn giáo khác, đã biểu lộ lòng quý trọng người góa phụ can đảm này. Chúng tôi không thể không để cho họ có dịp tỏ lòng thành kính với hương hồn người đã khuất và với người góa phụ."
Một lần nữa Gulliver vờ ho, lấy tay che miệng cười. Anh phải phục lá bài Đình vừa đưa ra, đem đám đông vô danh, bất khả tiên liệu vào cuộc, gợi ra điều Minh thực sự sợ hãi hơn hết: bóng ma đám đông cuồng nộ. Viên tỉnh trưởng quả đã có đối thủ xứng đáng là ông sãi còm cõi này.
Và một lần nữa viên tỉnh trưởng ra vẻ suy nghĩ rất lung. Rồi Gulliver thấy cả thiếu tá Đỗ cũng thủ vai trò của mình rất hoàn hảo. Đỗ nhăn mặt nhìn Minh, ra vẻ cương quyết chống đối đề nghị đó.
Thực ra, Minh cũng đã tiên liệu yêu sách này, và đã đi tới kết luận từ chối có thể khiến công chúng càng phẫn nộ hơn. Giấy phép cử hành tang lễ là một nhượng bộ đã được trù liệu. Còn những nhượng bộ khác nữa -- nếu phía Hòa Hảo biết tìm ra. Gulliver quan sát ông sãi già kiên nhẫn chờ viên tỉnh trưởng trả lời, tay ơ thờ vuốt chòm râu bạc, và anh nghĩ nếu có ai biết tìm ra những nhượng bộ ấy, người đó hẳn sẽ là Bùi Đình.
Cuối cùng Minh lên tiếng: "Quý vị phải hiểu rằng nhiệm vụ của tôi là duy trì ổn định trong tỉnh, dù bằng cách nào. Quý vị tại đây có thể bảo đảm sẽ không có rối loạn, sẽ không có những sôi động làm mất ổn định không?".
Những người Hòa Hảo địa phương đều hướng về Đình, mặc nhiên nhìn nhận vị sãi già là phát ngôn nhân của họ, lãnh đạo của họ. Đình lắc đầu đáp: "Đại tá cũng phải hiểu rằng chúng tôi tại đây không kiểm soát được dân chúng. Chúng tôi không thể bảo đảm gì hết."
Minh chưa kịp sầm mặt Đình đã mỉm cười nói tiếp: "Nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ cố gắng, trong phạm vi khả năng chúng tôi, không để xảy ra mất trật tự. Tang lễ là một chuyện thiêng liêng, không phải lúc cũng không phải chỗ cho hận thù."
Minh thở ra. "Hay lắm," ông nói, rồi quay qua Nguyễn Lộc: "Còn ông Lộc, ông có thể kềm giữ sinh viên...ờ...không nhiệt tình quá đáng chứ?"
 Được, được." Lộc đáp, giọng dấm dẳn, rõ ra một người trẻ nóng nảy và kiêu căng.
"Hay lắm," Minh nói. "Tôi cấp giấy phép ngay đây." Ông đứng dậy, nặng nề lại bên bàn giấy, mở một ngăn kéo lấy ra một ấn chỉ, điền vào rồi ký tên.
Vậy là mọi chuyện diễn ra đúng như Minh đã hoạch định, Gulliver nghĩ, mắt liếc nhìn viên tỉnh trưởng trịnh trọng gật đầu trao tờ giấy phép cho Mai. Bà góa Trung được cử hành tang lễ, còn Minh được hứa hẹn sẽ không có xáo trộn ngoài đường phố. Bây giờ, để kết thúc, sẽ là món quà bất ngờ của Minh.
Đúng lúc đó, như là thình lình nẩy ra sáng kiến, Minh vỗ tay rồi quay sang phía Mai, cười rộng miệng, chiếc răng vàng hầu như lóa mắt nàng. "Thưa bà Mai, tôi có ý này hay lắm!" ông sôi nổi nói. "Nhân danh chính quyền tỉnh tôi xin góp năm mươi ngàn đồng làm tang lễ. Và cá nhân tôi cũng xin tặng năm mươi ngàn đồng nữa."
Mai ngẩn ra. "Tại...tại sao ông lại làm như thế?"
Minh, vẫn tươi cười, đáp: "Thì, để bồi đắp cho tinh thần hợp tác hòa bình chúng ta đã tạo nên ở đây chứ sao. Và cũng để tỏ rằng chúng tôi trong chính phủ không phải là những người lãnh đạm, vô tình, chúng tôi đâu có móng vuốt đẫm đìa máu. Phải, phải, ha ha, tôi có thấy các biểu ngữ ngoài đường mà, ha ha." Ông Gứ dứ ngón tay chuối mắn về phía nàng.
Mai bối rối, quay sang nhìn Bùi Đình tỏ ý hỏi nàng có nên nhận hay không.
Vị sãi già thận trọng giơ tay lên, mắt chăm chăm nhìn viên tỉnh trưởng dò xét; ngón này của Minh khiến ông bị hoàn toàn bất ngờ. Cuối cùng ông nói: "Thưa đại tá, đại tá hào hiệp lắm. Nhưng như thế không công bằng cho đại tá. Sao đại tá lại phải góp tiền cho tang lễ Nguyễn Khắc Trung? Đúng ra thì ba người trách nhiệm về cái chết đó phải góp tiền chứ. Ít ra họ cũng có thể làm như vậy." Gulliver đờ người ra. Những lời Bùi Đình làm tiêu tan mọi hy vọng cuộc gặp gỡ kết thúc tốt đẹp. Những người khác cũng tỏ dấu lo âu. Mặt Cameron bừng lên lấm chấm đỏ. Thiếu tá Đỗ lại nhăn mặt nhíu mày, lần này thực chứ không phải làm bộ. Và ánh chiếc răng vàng của Minh đã chớp mắt tan biến.
Cả Sloane cũng cảm thấy có điều gì không ổn. Ông giật tay áo Gulliver nhắc anh dịch, nhưng Gulliver, mắt không rời khỏi Minh, bực dọc đẩy ông ra.
"Ba...ba người nào?" Minh lắp bắp.
Bùi Đình cười nụ, rồi gật đầu. "Đúng thế. Ba người thẩm vấn Nguyễn Khắc Trung tại biệt thự của CIA, nơi quý ngài kêu là Sứ quán nếu tôi không lầm."
"Thày lầm rồi," Minh lạnh lùng nói. "Thày lầm rất nhiều chuyện."
"Tôi đâu dám cãi," Đình đáp, tuy giọng chẳng có chút nhún nhường nào. "Nhưng chuyện này tôi không lầm."
"Tôi không biết thày nói chuyện gì," Minh gay gắt. "Ba người nào? Ai? Tên gì?"
 Đại tá biết họ là ai. Chúng tôi cũng biết họ là ai. Và chúng tôi biết họ phải chịu trách nhiệm."
"Tôi đã nói với quý vị rồi, không ai trách nhiệm cái chết của Trung ngoài Trung. Trung đã tự tử."
"Thưa đại tá, không bao giờ chúng tôi chịu nhận như thế," Đình trả đũa ngay. "Mà dù có đúng, Trung tất đã không tự tử trừ phi bị tra tấn quá đau đớn. Dù thế nào chăng nữa, những người thẩm vấn Trung tại biệt thự CIA phải chịu trách nhiệm cái chết này."
"Ai trách nhiệm là do tôi bảo chứ không phải thày. Tôi, chứ không phải thày!" Minh la lên, mặt nhăn nhúm, miệng sùi bọt mép.
Viên tỉnh trưởng mất bình tĩnh khiến Gulliver hiểu rằng ông ta không rõ phía Hòa Hảo biết thực hay chỉ là tìm cách bịp. Và Gulliver cũng chẳng hơn gì. Ông sãi quả là một con cáo già.
Bùi Đình không phản ứng gì cả. Ông đứng chờ, hết sức bình thản, trong khi Minh rõ rệt cố lấy lại tự chủ. Phía Hòa Hảo ai nấy đều khoan khoái, nhất là bác sĩ Loan.
Minh hít vào mấy hơi dài, ngực phình lên xẹp xuống như mũi tàu giữa biển động, rồi nói: "Như tôi đã nói với bà Trung đây, cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục. Ta chưa thể xác định ai, nếu quả có ai, phải chịu trách nhiệm...đã thiếu sót bổn phận. Tôi đồng ý không thể tha thứ cho kẻ nào đã để tù nhân tự tử. Và nếu quả có ai trách nhiệm...thiếu sót bổn phận, tôi cam kết với quý vị kẻ ấy sẽ bị trừng phạt."
Đình mỉm cười. "Thế ông sĩ quan Mỹ thì sao? Ông ấy có sẽ bị trừng phạt cùng với hai người Việt Nam đã...thiếu sót bổn phận, không?"
Gulliver muốn nghẹn thở. Chúa ơi! Họ biết! Họ biết cả Swain nữa! Sao họ biết được? Anh nghe thấy Cameron bên anh thở dốc, hầu như nghe được Cameron đổ mồ hôi.
Gulliver nhắm mắt lại một giây. Khi mở mắt ra, anh thấy mình có lẽ đã đánh giá thấp đại tá Minh. Viên tỉnh trưởng không cắn câu ông sãi già. Ông chỉ rùn vai, lắc đầu, rồi nói: "Thày lại nói mò nữa rồi."
Bùi Đình toan nói thêm nhưng Minh đã la át đi: "Bây giờ nghe tôi nói đây! Tôi sẽ nói những gì lẽ ra tôi nên nói từ đầu. Tôi đã cố gắng tôn trọng nỗi đau khổ của bà Mai, nhưng bây giờ quý vị buộc tôi phải nói thẳng. Quý vị nói nào trách nhiệm, nào trừng phạt người này người khác. Nhưng tại sao người ta lại bị trừng phạt vì thi hành bổn phận của mình, vì bắt và thẩm vấn một kẻ thù của chế độ cộng hòa? Nguyễn Khắc Trung là Việt cộng. Chương trình Phụng Hoàng lập ra để tiêu diệt Việt cộng. Phụng Hoàng đã thi hành nhiệm vụ trong vụ Nguyễn Khắc Trung này, và tôi rất hài lòng. Nếu tín đồ Hòa Hảo là công dân tốt, họ tất cũng chống cộng, vậy họ cũng phải hài lòng. Quý vị đây là lãnh đạo của họ, nhiệm vụ quý vị là làm họ hài lòng. Đừng tưởng tôi ngu! Đừng mong tôi tin quý vị không có thế lực gì với dân chúng ngoài đường phố! Tôi cầm quyền tại tỉnh này. Tôi có quân đội để hành sử quyền đó. Quý vị nghe kỹ đây! Tôi cho quý vị hay tôi muốn không còn kẻ gây rối nào ngoài đường nữa! Từ bây giờ! Ngay hôm nay!"
Đại tá Minh dứt lời, cả căn phòng chìm ngập trong yên lặng. Mặc dù tiếng rù rì máy điều hòa không khí. Mặc dù tiếng Gulliver thầm thì dịch lại cho đại tá Sloane nghe. Cuối cùng, phá tan sự yên lặng không phải là Bùi Đình như ai cũng tưởng mà là Sloane. Nghe Gulliver dịch xong, Sloane la lớn: "Phải lắm! Phải lắm!"
Bấy giờ Bùi Đình mới lên tiếng: "Đại tá đã nói thẳng thì chúng tôi cũng xin nói thẳng," ông bình thản nói. "Các bạn tôi đây biết Nguyễn Khắc Trung từ nhiều năm nay. Họ biết Trung không phải là cộng sản. Trung là Hòa Hảo, và Hòa Hảo chống cộng. Chúng tôi tin Trung đã bị bắt oan, đã bị tra tấn, và đã chết vì tra tấn. Không phải chỉ chúng tôi mới tin như thế. Dân chúng đều tin như thế; chính đại tá đã thấy và sẽ còn thấy."
"Thày chớ hăm dọa tôi," Minh đáp, giọng làu nhàu đầy hăm dọa.
Nguyễn Lộc chen vào: "Để thày nói nốt."
"Tôi không hăm dọa ai hết," Bùi Đình nói. "Tôi chỉ nói lên thực tế. Và thực tế là đây là một tỉnh Hòa Hảo và dân chúng sôi sục căm phẫn. Giới lãnh đạo Hòa Hảo không khởi xướng các vụ biểu tình, nhưng đúng là chúng tôi có thể ngăn chặn các cuộc biểu tình đó. Chúng tôi sẽ sẵn sàng tìm cách ngăn chặn...nếu chúng tôi có được những khích lệ xứng đáng."
"Thế nào mới là khích lệ xứng đáng cho quý vị?" Minh mai mỉa hỏi.
Đình giơ một ngón tay lên: "Chính phủ phải nhìn nhận sai lầm đã bắt Nguyễn Khắc Trung và phải rửa oan cho Trung." Ông giơ ngón tay thứ hai: "Những kẻ trực tiếp trách nhiệm cái chết của Trung phải bị trừng phạt." Rồi ngón tay thứ ba: "Bà Mai và gia đình phải được bồi thường vì đã mất nơi nương tựa."
Đình ngưng lời. Minh mỉm cười, lắc đầu đáp: "Không thể có chuyện như thế!"
Đình cũng cười nhạt. "Thưa đại tá, tôi chưa nói hết." Ông giơ ngón tay thứ tư và cuối cùng lên: "Phải bãi bỏ ngay Phụng Hoàng tại tỉnh này, thay thế bằng một chương trình khác để cho Hòa Hảo một phần trách nhiệm trong việc kiểm soát tín đồ của mình."
lần này Minh cười thành tiếng. "Nói khác đi, tức là hoàn toàn bãi bỏ uy quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tại tỉnh này."
 Đâu phải," Đình đáp. "Thiếu tá Đỗ vẫn sẽ chỉ huy Cảnh sát Đặc biệt. Đại tá vẫn là tỉnh trưởng."
Đại tá Minh thôi cười. "Táo gan thật! Bộ tưởng tôi khùng hay sao chớ!" Ông rít giọng: "Ai nắm cảnh sát tức là nắm toàn quyền! Ai kiểm soát cảnh sát tức là kiểm soát toàn tỉnh!"
"Không!" Nguyễn Lộc thét. "Ai có dân chúng hậu thuẫn người đó nắm được tỉnh này. Quyền hành của ông là trên giấy tờ. Quyền hành chúng tôi ở ngoài đường kia..."
Bùi Đình nhanh nhẹn ngắt lời Lộc, giọng hòa nhã: "Chúng tôi không hề muốn nắm cảnh sát. Chúng tôi chỉ mong được thành lập một uỷ ban Hòa Hảo cùng hoạt động với cảnh sát. Nếu đại tá muốn, chính đại tá sẽ bổ nhiệm các thành viên của uỷ ban."
"Thày rộng lượng lắm!" viên tỉnh trưởng cười nhạt. "Vậy đích thực uỷ ban đó sẽ có những nhiệm vụ gì?"
"Uỷ ban sẽ duyệt tất cả các lệnh bắt người của Phụng Hoàng. Không một tín đồ Hòa Hảo nào có thể bị bắt mà không có thỏa thuận của uỷ ban."
"Yêu sách của quý vị đó phải không?"
"Không phải yêu sách đâu, đại tá. Chỉ là những gì sẽ thúc đẩy chúng tôi dùng ảnh hưởng của mình ngăn chặn các cuộc biểu tình."
 Đi ra," Minh bình tĩnh nói. "Đi ra hết. Ra khỏi văn phòng tôi ngay. Buổi họp này chấm dứt. Ta không có gì để thảo luận nữa."
Bùi Đình nhìn những người khác, gật đầu. Họ đứng cả dậy.
"Nếu các cuộc biểu tình còn tiếp diễn, tôi sẽ dẹp hết bằng bất cứ cách nào cần thiết," Minh nói thêm. "Nếu có đổ máu là do quý vị. Và xin nhớ điều này: máu Hòa Hảo chớ không phải máu ai khác."
Phái đoàn Hòa Hảo lặng lẽ nối gót nhau bước ra. Bùi Đình, Nguyễn Lộc và Nguyễn Thị Mai đi sau cùng. Tới trước mặt viên tỉnh trưởng, Mai dừng lại, giơ lên một tờ giấy, giấy phép cử hành tang lễ Minh vừa ký. Lạnh lùng nhìn Minh, nàng chậm chạp xé tờ giấy làm hai, làm bốn, rồi làm tám mảnh. Nàng giơ cao hai tay, gần như đụng vào khuôn mặt tròn vo của viên tỉnh trưởng, buông rơi tám mảnh giấy xuống. Tám mảnh giấy vụn bay lượn rớt xuống sàn, trông như những bông tuyết đầu xuân, báo hiệu mùa đông chưa qua hết.