Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 2 - Chương 10

Chúng tôi yêu nhau đậm đà trong những lúc hồi tưởng những kỷ niệm ở Hungari. Georges đã mô tả với tôi căn phòng của anh lúc anh còn niên thiếu, trong phòng không có một tấm màn vải lụa và các bức tường luôn có ánh sáng. Tôi nói về thư viện của chúng tôi,về trường trung học của tôi trên đồi Rozsadomb, về  bố mẹ tôi mà tôi còn yêu mến hơn tuyệt vời, về bác tôi, người có nét chữ như anh. Những dự định của chúng tôi được xây dựng cho suốt đời và Georges trả lời một cách lơ lửng các bức thư của bố mẹ anh thúc giục anh đi Úc. Lúc này la đầu mùa thu. Mặt trời chói lọi. Đôi khi chúng tôi đi dạo, tay trong tay, trong khu phố cổ Passy. Bố mẹ Georges, lo lắng cho tương lai của chúng tôi, muốn chúng tôi đi khỏi châu Âu. Bố mẹ tôi, nhất là mẹ tôi, đòi chúng tôi phải làm lễ cưới ở nhà thờ.
Trước khi đi nhận việc làm mới, cũng làm bảo mẫu theo sự giới thiệu của một tổ chức Thiên Chúa giáo, tôi tham khảo danh sách các nhà xuất bản ở Paris mà Georges đã chép trong một quyển niên giám ở bưu điện. Hỏi thăm các bạn đồng hương của tôi, tôi biết được rằng, tại một nhà xuất bản lớn, cũng có một người Hungari đọc và đánh giá các bản thảo của các nhà văn gởi đến.
Một buổi chiều, tôi đi đến địa chỉ ấy. Ngôi nhà tôi tìm thấy ở trong một đường hẻm cụt. Tôi bấm chuông một hồi lâu trước cửa lớn. Ngôi nhà có vẻ như bị bỏ hoang. Với trái tim hồi hộp và mười hai truyện ngắn trong cái bìa cứng màu xanh, tôi chờ. cuối cùng rồi cũng có tiếng chân. Một người đàn ông mở cửa.
Cô muốn gặp ai?
Chào ông…Tôi có thể nói chuyện với ông đọc và xét bản thảo người Hungari ở đây được không?
Ông ta nhìn tôi một cách lịch sự:
Cô là người Hungari?
Dạ phải…Ông đọc xét bản thảo người Hungari đó có ở nhà không ạ?
Ông ta nhìn cái bìa cứng màu xanh:
Cô đem bản thảo đến à?
Dạ. Thưa, cái ông đọc bản thảo ấy có nhà không ạ?
Thưa cô, chưa đến giờ làm việc, nhưng cô có thể vào và đợi một lát. Cô thư ký của ông giám đốc có thể đã có mặt ở đó. Cô hãy lên lầu một, cửa thứ hai bên trái.
Trong tầng trệt, nơi ông ta đưa tôi vào, ánh sáng lờ mờ. Tôi thấy những chồng sách lớn chất trên một cái quầy rộng. Tất cả đều có mùi mốc như cái gối của tôi ở Versailles, đó là mùi giấy cũ đầy bụi bặm như trên gác xép của căn hộ chúng tôi ở Budapest. Người gác cổng đi theo tôi, im lặng như một con chó lớn có thói quen di theo chủ của nó đến nghĩa địa. Tôi quay mặt lại nhìn ông ta, nhưng không dám hỏi ở đây có xuất bản sách của các tác giả còn sống, hay chỉ là một nhà bảo tàng các sách cũ.
Tôi gô vào cánh cửa ông ta  chỉ.
Vào đi! – có tiếng ngạc nhiên trả lời tôi.
Một bà tóc đã hoa râm ngồi sau một cái bàn giấy lớn, ngước mắt nhìn tôi:
Cô là ai mà vào được đây? – bà ta ngạc nhiên hỏi.
Chào bà. Người gác cổng đã chỉ và bảo rằng có bà ở đây. Tôi được nghe rằng ở đây có một ông phụ trách đọc và xét duyệt các bản thảo người Hungari. Tôi có đem theo đây một bản thảo.
Tôi đưa bản thảo cho bà ta, nhưng bà ta không đụng tay đến mà chỉ hỏi:
Bản thảo gì thế?
Tôi đã rút lại tập bản thảo.
Truyện ngắn..Mười hai truyện ngắn…
Bà ta không có vẻ gì là có cảm tưởng tốt vì số nhiều truyện ngắn, nhưng đã mời tôi ngồi.
Trong lúc bà ta quan sát tôi, tôi đợi những câu hỏi về quốc tịch của tôi, tôi đã rời khỏi Hungari lúc nào, vân vân. Nhưng không, bà nói:
Cô lầm rồi. chúng tôi không có người đọc và xét các bản thảo người Hungari. Ai đã có chỉ dẫn sai cho cô thế?
Làm sao có thể giải thích với bà ta rằng đó là những chỉ dẫn mà người ta đã trao đổi với nhau trong sân nhà thờ sau lễ Misa ngày Chủ nhật?
Đã định đứng lên để từ giã, tôi nán lại hỏi thăm bà ta:
Bà có biết ở đâu tôi sẽ có thể đưa các truyện ngắn của tôi để nhờ họ xét cho xuất bản không?
Bà ta mỉm cười một cách lịch thiệp, bà ta nhìn tôi như thể nhìn một đứa trẻ nhất định muốn đi nhưng mỗi bước mỗi té, vì hai chân của nó không chịu đựng nổi trọng lượng thân thể của nó.
Chắc cô biết, truyện ngắn, khó lắm…Người ta không thể bán được truyện ngắn, nếu không phải là một tác giả có tầm cỡ như Maupassant..Ngày nay có thể bán chạy, nếu đó là truyện dài…
Tôi gần như reo lên:
Bà muốn một cuốn tiểu thuyết?
Rồi tôi như thấy bóng ngạo nghễ của Wanda xuất hiện trước mắt tôi và ngồi vào cái ghế phô tơi bên cạnh bàn làm việc.
Bà thư ký của ông giám đốc trả lời:
Đúng như thế, cô hãy viết một cuốn tiểu thuyết và khi nào cô viết xong, hãy đem đến cho chúng tôi…
Tôi đã đọc được trên mặt của bà ta cái điều chắc chắn rằng bà ta đã đuổi tôi đi luôn không bao giờ trở lại nữa. Bà ta không  biết rằng với Wanda vô hình, chúng tôi có đến ba người trong văn phòng của bà.
Tôi đã nói với bà ta lời tạm biệt và trên ngưỡng cửa, tôi xoay người về phía bà ta, nói thêm:
Trong ba tháng nữa, tôi sẽ trở lại đây với quyển tiểu thuyết của tôi.
Kiên nhẫn cho đến cuối cái màn kịch mà chắc chắn bà ta coi như một trò đùa ấy, bà ta nói:
Cô không nên quá vội vã, cô đến khi nào cũng được…
Tôi đi xuống theo cái cầu thang nhỏ. Người gác cổng đợi tôi ở dưới đó. Tôi liếc nhìn các quyển sách để trên quầy, chúng không được cắt xén.
Tôi hỏi:
Vì sao ở đây có nhiều sách như thế?
Người gác cổng nhún vai, và trả lời vắn tắt:
Tổng kê.
Tôi hỏi thêm:
Và sau khi tổng kê, chúng sẽ được gởi đến các nhà sách để bán, phải không?
Bán?
Tiếng "bán" ấy nổ ra như một trái bom làm chảy nước mắt nước mũi. Người gác cổng hỉ mũi một cách cẩn thận vào khăn tay và thay vì trả lời tôi, ông ta hắt hơi nhiều lần.
Ông ta đi theo tôi đến tận cửa và nói:
Bán được sách khó lắm cô ơi, khó lắm!
Tôi lại thấy mình ở ngoài đường dưới ánh hoàng hôn, trong cái không khí ấm áp của ngày cuối tháng tám ấy, như trong một thế giới khác. Tôi xúc động và sung sướng. Còn đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một nhà xuất bản trong cuộc đời theo đủôi văn nghiệp của tôi.
Tôi đi đến sân trước của một quán cà phê và ngôi xuống một cái ghế bên một cái bàn nhỏ. Bồi bàn đem đến cho tôi một tách cà phê, chung quanh tôi, người ta đang chè chén say sưa, nào nước ngọt nào bia…Tôi nhìn người đi qua đi lại trên đường với một niềm vui sâu sắc. Tôi tìm những chữ đầu tiên của cuốn tiểu thuyết của tôi, câu đầu tiên sẽ thu hút được độc giả. Tôi muốn tránh không nói đến những phong cảnh, những niềm hạnh phúc, hoan hỉ, những lý luận phân tích. Tôi muốn mở đầu cuốn tiểu thuyết của tôi bằng một câu mô tả hành vi thô bạo bất ngờ. Tôi nhấm nháp từng tí cà phê một và tôi buồn vì lại phải bắt đầu làm người giúp việc. Nhưng không có điều gì có thể ngăn trở dòng tư tưởng dồi dào của tôi, Wanda đã hiện diện, tôi đã thấy cô ta thất thểu trong cơn bão tuyết, trên một con đường  bị bỏ rơi với một đứa con trong tay, gần một biên giới mà nàng phải vượt qua một cách  bất hợp pháp. Nếu tôi có được ba tháng tự do, tôi sẽ viết cuốn tiểu thuyết của tôi…nhưng mặc kệ, ở trong nhà người khác, tôi cũng sẽ viết, thức khuya để viết…hay thức dậy sớm để viết…
Trong tàu điện ngầm, cái ảo ảnh của đống sách không bán được ấy lại hiện ra với tôi, nhưng tôi tự an ủi "Ngay cả tư tưởng nghèo nàn hơn hết cũng sẽ trở thành cao quý trong một sự chờ đợi lâu dài đến như thế".
Về đến nhà, tôi đã kể tất cả với Georges và hỏi anh:
Anh có tin là một nhà văn có thể sống được với các quyển sách của mình không?
Lẽ tất nhiên là được – anh đáp – thí dụ, Margaret Mitchell…