Các con tàu chất đầy khí giới đạn dược ở gần tòa nhà của chúng tôi, làm cho chúng tôi hết sức sợ hãi. Các tù nhân bị kết án tử hình chắc cũng biết được những tình cảm tương tự, khi nghe những tiếng chân đang tiến về phía căn hầm nhỏ của họ và nghĩ rằng người ta đến tìm họ để đưa đi hành hình… "Chỉ cần một viên đạn lạc là tất cả tung bay lên không trung – Pista đã nói – và đạn không bao giờ bắn ra từng viên mà từng tràng năm mười viên…." Sáng hôm ấy quân Đức để ba két đạn trong quán ăn và đã dắt ngựa đến trong buồng cầu thang. Chúng theo dõi chúng tôi từ nơi cậu hầm mà ở đó chúng tôi phải dùng tuyết dơ bẩn ngoài sân để tắm rửa, vì chúng tôi không có nước sạch hơn. Chúng tôi sẽ ra sao nếu không có Pista. Chúng tôi phát điên lên được khi biết mình đang ở bên cạnh một kho thuốc súng. Nhưng chúng tôi yên tâm hơn khi có sự hiện diện của một người lính. Chúng tôi nói với nhau "Nói cho cùng, không có điều gì ràng buộc số phận của anh ta với chúng tôi, anh ta sẽ có thể đi nơi khác nếu cảm thấy bị đe doạ". Nhưng Pista đã không bỏ đi, anh ta ở lại để chúng tôi giữ vững tinh thần. Anh ta đã bắt đầu đi một vòng, để hỏi từng người muốn lấy những gì trong căn hộ của họ, anh ta sẽ đi lấy cho – Tôi đã hy vọng có thể đọc tiếp quyển sách của tôi. Trong trận ném bom dữ dội nhất, Pista đã đi khắp các tầng lầu và cho chúng tôi biết tin về hiện trạng của các căn hộ. Anh ta cũng đã lấy quyển tiểu thuyết của Balzac đem xuống cho tôi. Anh ta đã nói rằng luồng không khí tạo ra do bom nổ đã huỷ tất cả các cửa căn hộ của chúng tôi và của ông biện lý. Một quả bom khi nổ đã huỷ hoại chiếc đàn dương cầm của chúng tôi. Câu chuyện ấy là niềm vui duy nhất của chúng tôi trong suốt thời gian tôi ở trong căn hầm! Trong thâm tâm tôi hân hoan khi biết chiếc dương cầm mà mẹ tôi đã bắt buộc tôi phải tập đàn, bây giờ không còn nữa. Nhưng tôi không để niềm vui của tôi lộ ra ngoài, vì mẹ tôi khóc. Đối với bà, chiếc dương cầm ấy là một người bạn thật sự. Bà hát rất hay và tự đàn lấy. Bà hát những ca khúc tiếng Pháp mà tôi không hiểu nghĩa, nhưng chúng gợi nơi tôi một niềm xao xuyến vì nhớ quê hương. Với một sự trìu mến pha lẫn ước ao, tôi nghì đến một người lạ, mà với người ấy, một ngày nào đó tôi sẽ có thể gởi gắm tất cả những nỗi cơ cực của tôi và người ấy sẽ ôm tôi vào vòng tay để che chở cho tôi. Sự kiện chiếc đàn dương cầm bị huỷ diệt chấm dứt một chương của cuộc đời niên thiếu của tôi. Có thê lúc ấy tôi đã ý thức được rằng thời niên thiếu của tôi đã đột ngột chấm dứt. Tôi hãnh diện với ý nghĩ rằng với tuổi mười lăm tôi sắp chết cái chết của người lớn, tôi hăm hở đọc tiếp quyển sách của tôi. Ngay từ hàng thứ năm, tôi hoa mắt vì đã cố gắng quá nhiều. Nhưng tôi không thú nhận rằng tôi chỉ thấy lờ mờ và tiếp tục cố gắng để đọc từng chữ một. Vừa lúc ấy, một sức mạnh khủng khiếp nâng tôi lên khỏi cái đi văng và liệng tôi vào tường. Chìm đắm trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi còn ý thức được rằng cái cửa sổ của căn hầm mà từ đó thường có một ánh sáng lờ mờ lọt vào bây giờ đã tối om một cách đột ngột. Miệng và mắt tôi đầy bụi và vì thiếu không khí, tôi bắt đầu ho. Tôi cảm thấy tha bất tỉnh đi còn hơn. Tôi bò trong bóng tối để tìm bố mẹ tôi. Mẹ tôi còn tỉnh, nhưng nằm dài trong hành lang hẹp, nối liền chỗ trú ẩn của chúng tôi với căn hầm chính. Trong lúc tôi gối đầu nhè nhẹ lên trên đầu gối mẹ tôi, tôi thấy bà vợ ông đại tá thất thểu đi xuống cầu thang của căn hầm. Bà ta lấy tay che miệng, qua các ngón tay bà, máu chảy ròng ròng lan đến cánh tay và trên áo của bà ta. Mẹ tôi ngồi dậy, nói rằng phải cứu giúp người đàn bà bị trọng thương ấy nhưng vì run quá, chúng tôi không đứng dậy nổi. Bà đại tá lảo đảo đi vào trong căn hầm chính, chúng tôi đã đứng dậy được và cũng đi theo bà ta. Trong căn hầm chính cũng tối om và bao phủ một lớp bụi dày. Pista bước tới và bảo lấy băng để anh ta băng bó cho nạn nhân. Bà đại tá đang đứng ở ngoài sân cùng các toa chất đầy đạn được bị nổ tung. Luồng không khí chuyển động đã liệng nạn nhân vào một bức tường và quai hàm của nạn nhân bị vỡ. Chúng tôi hết sức săn sóc bà ta, nhưng máu vẫn tiếp tục rỉ ra qua các lớp bông và gạc hút máu. Trong buồng cầu thang, các con ngựa hoảng sợ, hí lên lên một cách hoảng loạn. Ông Radnai, bố tôi và ông bác sĩ leo lên trong sân. Những mảnh vỡ của lầu ba khi rơi xuống đã giết chết một trong những tên lính Đức. Trên đầu chúng tôi, các tầng lầu nứt nẻ trông thấy, nhưng chúng tôi vẫn còn sống, đó là điều quan trọng. Pista đi tìm một y sĩ. Mới đầu, điều ấy đã làm mếch lòng "ông bác sĩ", nhưng khi thấy mình không có khả năng cầm được máu cho nạn nhân, anh ta đã trở thành ít nói và thu mình nấp vào một xó hầm. Bệnh của ông biện lý đã thuyên giảm, thuốc Ultraseptine đã làm cho ông bớt sốt, ông phàn nàn một cách cay đắng hành vi ngạo mạn quá đáng của những kẻ đã làm thiệt hại đến căn hộ của ông. Cờ Thuỵ Sĩ đã được kéo lên nơi cửa của tôi – ông ta kêu lên với giọng khàn khàn – Đó là căn hộ bất khả xâm phạm ngoại giao. Thuỵ Sĩ là một nước trung lập. Không ai quan tâm đến những lời phản kháng của ông biện lý. Bà vợ ông chủ ngân hàng, quỳ cạnh giường của bà, cầu nguyện, hai bàn tay chắp lại giữ chặt cái bao da đựng nữ trang của bà. Mái tóc hung của Ilus đầy mồ hóng và đứa bé chuyện tội nghiệp của bà hét lên vì sợ. Ngay cả hai vợ chồng ông chủ quán cũng run rẩy, sợ người ta trả thù về việc họ cho mọi người ăn món ragu thịt ngựa, nhưng người ta chỉ không để ý đến họ mà thôi. Tử thần đã lướt qua chúng tôi quá gần và đã xoá đi những dục vọng của con người. Lặng thinh, chúng tôi chứng kiến hai con người ấy trở lại đây ở chung với chúng tôi. Tầng trệt không còn đủ an toàn đối với họ kể từ khi một tầng lầu trên đầu họ đã biến mất. Tiếng nổ đã làm thủng màng nhĩ của họ chăng? Họ không còn nghe được nữa. Bà vợ ông đại tá nằm dài trên giường của bà, máu bà vẫn còn chảy. Con người kiên nghị ấy nhìn chúng tôi với ánh mắt hoài nghi, như thể bà không còn hiểu nổi được vì sao định mệnh đã trừng phạt bà như thế này. Cuối cùng Pista cũng đã dẫn được một y sĩ đến săn sóc cho bà đại tá. Anh ta kể cho chúng tôi nghe một cách hãi hùng rằng toà nhà chung cư Vitez Utca chỉ còn là một đống gạch vụn. Các người ở trong các căn hộ của toà nhà ấy sẽ chết ngộp, nếu người ta không khai thông được cửa thoát hiểm đem họ ra kịp thời. Từ tất cả các toà nhà gần đó, người ta ra khỏi hầm, đi đến trạm cấp cứu. Chúng tôi cũng đi đến đó theo sự hướng dẫn của Pista. Một sự bình tĩnh lạ lùng xâm chiếm tâm hồn chúng tôi. Các toa đạn dược đã nổ tung và chúng tôi thoát chết…nhưng tôi cắn các đầu ngón tay để nén một tiếng kêu rùng rợn đang mấp mé trên môi tôi với ý nghĩ rằng chúng tôi cũng rất có thể chịu số phận như những người bị chôn sống trong toà nhà chung cư Vitez Utca. Cả buổi chiều hôm ấy, tôi giãy giụa với ảo ảnh của một khuôn mặt co quắp vì chết ngộp, tôi tưởng tượng chúng tôi bị vùi dưới đống gạch cát đổ nát và cứ mỗi hơi hít vào là tiêu tan một chút sự sống của chúng tôi. Những ảo ảnh ấy không để cho tôi được một lát yên tĩnh. Tôi phải tìm cách để nói chuyện với một người nào đó…Tôi đi tới căn hầm chính và ngồi xuống bên cạnh ông Radnai. Ông ta gấp quyển sách ông đang đọc lại và liếc nhìn tôi, ông hỏi: Cô có sao không? Cô có thấy ở đây ngột ngạt lắm không? Rồi ông đề nghị: Hay là chúng ta ra ngoài một lát? Chúng tôi đi ngang qua gần giường của bà vợ ông đại tá. Bà rên rỉ và bị sốt, ông bác sĩ ngồi ở gần giường và trầm ngâm. Chúng tôi đi thăm các con ngựa ở trong buồng cầu thang..Tôi ghê rợn khi thấy một con đang gặm cái lan can cầu thang mà nó đã nuốt hết một miếng. Nước dãi lẫn máu từ môi miệng nứt nẻ của nó chảy ra đến tận ngực. Radnai nói: Không có viên đạn nào để giải thoát cho các con vật tội nghiệp này. Một chuyến tàu chở đầy đạn dược nổ tung gần bên chúng ta, trong nhà hầm đầy đạn trái phá, thép súng đại bác nóng đến độ muốn chảy, vì người ta bắn dữ dội, để dùng cho hết đạn trái phá trước khi quân Nga đến và các con ngựa tội nghiệp này sắp chết vì đói khát! Các con ngựa bao quanh chúng tôi và hí lên như để than thở với chúng tôi và nhìn chúng tôi đăm đăm. Tôi không thể chịu đựng được vẻ nhìn của chúng và tôi cúi đầu. Một con đến gần tôi và húc nhè nhẹ vào lưng tôi, như thể để thúc đẩy tôi thương hại chúng, đem cho chúng một chút ít thức ăn, nước uống. Một niềm thất vọng não nề xâm chiếm tôi. Tôi ôm cổ con ngựa ấy và khóc nức nở. Ông Radnai nắm bàn tay tôi và kéo tôi trở lại vào cửa tầng hầm. Ông vuốt nhè nhẹ đầu tóc tôi và nói: Tội nghiệp cô bé! Tội nghiệp thế hệ của cô bé! Thật đáng tiếc! Tôi dừng chân lại nơi bậc cấp đầu tiên: Không, tôi không thể trở lại trong hầm – tôi nói với ông Radnai – hầm sẽ sập và sẽ vùi lấp chúng ta. Cô đừng sợ gì cả, bây giờ sẽ không còn xảy ra điều đó nữa. Cô hãy đi xuống đi… Ông không sợ sao? – tôi hỏi ông một cách đột ngột. Có chứ, tôi sợ chớ! Tôi sợ sẽ bị chết ngộp, tôi không biết gì về gia đình tôi hết và mạng sống của tôi tuỳ thuộc tính bất thường của vài người bị bệnh loạn thần kinh. Không biết khi nào họ sẽ tố giác tôi, hay để lộ gốc Do Thái của tôi vì một lời nói vụng về? Ông đừng sợ điều đó – tôi nói với ông ta – không có ai nghĩ đến việc làm hại ông đâu. Chúng tôi lặng lẽ đi xuống hầm. Ông Radnai trở lại chỗ cũ của ông và lấy quyển sách nhỏ trong túi của ông ta. Nhưng tôi để ý thấy thay vì đọc, ông nhìn đăm đăm về phía trước mặt. Vào khoảng sáu giờ, người ta trở về hầm và nói rằng họ đã không tìm ra được đường thoát hiểm của toà nhà bị sập. Một thanh niên và một thanh nữ đi theo họ. Thanh nữ ấy khoảng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, cô ta ôm cái áo lót bông, run lập cập và nắm chặt bàn tay chàng trai. Chúng tôi quan sát hai người mới đến ấy, tự hỏi họ là ai và họ muốn gì ở chúng tôi? Pista nói: Hai người này ở tại chung cư Vitez Utca. Lúc chuyến tàu chở đạn nổ, họ không có ở nhà vì bận đi lấy nước, họ là hai người duy nhất thoát chết…Họ phải ở lại đây, vì nói cho cùng, họ không thể lang thang ngoài đường. Tôi mong cô bác ở đây sẽ đùm bọc họ… Về phần tôi, tôi sẽ xoay sở để tìm lương thực cho họ. Chúng tôi nhìn họ, sửng sốt vì kinh ngạc, như thể đó là những con ma, đôi thanh niên nam nữ ấy hình như không thuộc thế giới này. Cũng như Thánh Thomas [1], chúng tôi những muốn sờ, nắn hai người ấy để biết chắc họ là người sống chứ không phải là ma. Ilus, đang bồng đứa bé trên tay, là người đầu tiên lên tiếng. Bà bước tới gần họ. Lạy Chúa! – bà nói – tôi thấy là hai bạn yêu nhau…Hai bạn trẻ trung biết bao…Ngay cả tử thần cũng thương hại hai bạn. Tôi sẽ làm được gì để giúp đỡ hai bạn đây? Nếu trong căn hộ của tôi, còn có những vật gì còn nguyên vẹn, hai bạn có thể đem đến đây tất cả những gì mà hai bạn muốn. Và tôi cũng sẽ chia lương thực của tôi cho hai bạn. Bà vợ ông chủ ngân hàng hứa sẽ cho họ dụng cụ nấu ăn, bà vợ ông chủ quán cho họ một hộp thịt hộp, cậu sinh viên y khoa hỏi họ có đau ở chỗ nào không. Một sự nhiệt tình bồng bột dâng lên về phía họ từ tất cả trái tim. Như thể đây là lúc để trả một món nở biết ơn mà người ta mắc với định mệnh. Từ căn hộ của Ilus, Pista và ông bác sĩ đem xuống một cái đi văng rộng và chăn mền. Rồi hai người đi tìm kiếm một ít lương thực tại nhà hàng bán lương thực Utca. Đây là lần đầu tiên ông bác sĩ mạo hiểm ra khỏi hầm. Bà vợ góa của ông chủ nhà băng nói với họ: Các người cũng sẽ có thể lấy về một ít thịt để nấu món ragu. Bà vợ ông chủ quán tái mặt, đó chẳng khác nào một lời buộc tội bà ta. Nhưng bà vợ ông chủ ngân hàng nói tiếp: Ngựa cũng là một con thú chẳng khác gì lợn. Chỉ cần một điều là thịt còn tươi, riêng cá nhân tôi, tôi không tởm thịt ngựa nữa…Tôi đói.. Các người khác không nói gì, nhưng những lời ấy được hai vợ chồng ông chủ quán hoan nghênh như một sự xoá tội. Ilus dọn đến ở trong căn hầm của gia đình tôi, nhường lại cho đôi bạn Eve và Gabriel cái kho than của bà ta. Trong cơn mê sảng đột ngột, ông biện lý ý thức được các sự kiện đã xảy ra. Từ nơi giường ông đang nằm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ông gọi hỏi Eve: Này cô, hai người đã cưới hỏi nhau chưa? Bình thường, chỉ những người đã thành vợ chồng mới ngủ chung với nhau… Nhưng chúng ta không còn sống trong một thế giới bình thường nữa – Radnai phản bác – ông hãy lo tĩnh dưỡng, đừng buồn phiền và đừng xía vào công việc của người khác làm gì… Chúng tôi yêu nhau… - Gabriel nói một cách dịu dàng – mọi người chung quanh tôi, đều đã chết. Nét mặt anh ta tái đi và anh ta kéo Eve sát vào người mình, anh nói: Lạy Thiên Chúa tối cao! Anh còn rùng mình khi nghĩ đến việc anh đã từ chối không cho em đi theo anh để lấy nước! Chúng tôi không còn bàn luận đến sự hiện diện của đôi thanh niên nam nữ ấy nữa. Chúng tôi coi họ như họ đã ở đây với chúng tôi từ nhiều năm rồi. Đối với tôi, kể từ nay, điều đáng kể hơn hết là tác phẩm "La peau de Chagrin" của Balzac. Vì cố gắng đọc cho nhanh, tôi xích tới quá gần tim đèn, tóc tôi cháy phừng lên. Tôi hét lên một tiếng. Mẹ tôi liệng ngay lập tức một cái mền trùm lên đầu tôi. Nhưng chẳng còn gì của những lọn tóc trước đây loà xoà trên trán của tôi. Cổ tôi cũng bị những vết phỏng đau đớn. Người ta đặt thuốc dán trên lỗ tai tôi và Pista dùng kéo xén các lọn tóc còn lại không đều nhau của tôi. Một thiếu niên buồn bã hiện ra trong tấm gương mờ mà tôi còn giữ được. Tôi không nhận ra được chính đó là tôi nữa. Ngày ngày trôi qua một cách chậm chạp. Đêm đêm ác mộng, tôi tranh đấu chống lại một thế giới ma quỷ. Giấc ngủ không còn làm dịu những nỗi thống khổ của tôi. Còn đâu những giấc mộng đẹp, mà toàn là những cảnh tượng rùng rợn. Đôi khi Pista biến mất suốt ngày, nhưng luôn luôn anh ta trở về với nụ cười trên môi, như thể anh ta là một con người mà ngay cả tử thần cũng không bắt được. Sau một đêm nào đó, mà chúng tôi đã thức trắng để đợi bình minh. Đêm ấy các tiếng mìn nổ đã xảy ra liên tiếp. Dưới chân chúng tôi, đất rung chuyển dữ dội. Khoảng sáu giờ rưỡi sáng, chúng tôi với mới chợp mắt vì kiệt sức, thì Pista đánh thức tất cả mọi người dậy. Anh ta cho chúng tôi biết ngay trong đêm ấy quân Đức cho nổ mìn phá sập tất cả các cây cầu trên sông Danube. Chúng tôi không thể không nghi ngờ cái tin khủng khiếp ấy. Hoài nghi, chúng tôi nhìn sững Pista, rồi chúng tôi đồng lòng quyết định đích thân đi kiểm chứng những lời anh ta vừa nói. Chúng tôi nối đuôi nhau đi lên cầu thang, không chút nghĩ đến một viên đạn trái phá có thể bất thình lình xé xác chúng tôi ra từng mảnh. Sự phá huỷ các cây cầu đã trấn áp được tất cả các sự sợ hãi của chúng tôi. Nhưng sự bất chấp ấy còn dễ sợ hơn tất cả mọi sự. Chúng tôi đi vào trong căn hộ của ông đại tá. Pista cấm chúng tôi ló mặt ra ngoài, anh ta nói rằng từ phía bên kia sông, những tay thiện xạ Nga nhắm bắn tỉa mỗi khi thấy bóng dáng con người. Núp sau những bức tường, chúng tôi nhìn xuyên qua những khuôn cửa đổ nát … Các cây cầu sập xuống nằm trong dòng nước đục của sông Danube. Khủng khiếp, tôi quan sát cây cầu treo Lanc-hid bị phá huỷ và nghĩ đến biết bao nhiêu lần tôi đã đi qua cây cầu này với bố tôi. Tôi thường đi đến gặp bố tôi tại quán cà phê Lanc-hid và sau đó hai bố con đi dạo. Ôi cây cầu Lanc-hid thân thương, người ta đã làm gì ngươi? Và ở xa xa đằng kia, cầu Elisabeth cũng bị đánh sập – sương mù ban mai che phủ nó, như thể để che dấu thân hình đồ sộ của nó nay đã đầy thương tích. Tôi hình dung lại các vai cầu vòng cung nhẹ nhàng, duyên dáng của nó nối liền Pest với Buda, hai thành phố ở bên bờ sông Danube, như một nhịp điệu hài hoà, như một con đường ngoằn ngoèo bắc ngang bên trên dòng sông. Sông Danube, xưa kia có nhiều du thuyền xinh đẹp và nước chảy mạnh; và bây giờ bị cản trở bởi sắt vụn cong queo của các cây cầu sập, nó hình thành những vạt nước xoáy làm chóng mặt, và nó hùng hổ ném những tảng băng lớn vào đê ở hai bên bờ. Một quả bom nổ khá gần, kéo chúng tôi ra khỏi trạng thái tê mê. Chúng tôi trở xuống hầm. Tôi còn ở lại đàng sau và đưa mắt nhìn một lần cuối các cây cầu sập nằm trước mặt tôi như những người khổng lồ chết không chôn. Buổi chiều chúng tôi đi lấy nước, nhưng không có hiệu quả. Chúng tôi trở về với những cái xô không nước. Vòi nước ở Kacsa Utca không còn chảy ra một giọt nước nào nữa Tôi khát nước. Chú thích [1] Thánh Thomas: một trong mười hai vị sứ đồ của Chúa Giê su, nổi tiếng vì ông tỏ ý không tin khi Chúa phục sinh. Do đó người ta lấy tên ông để ví với những người chỉ tin một điều gì sau khi tự mình biết chắc dó là sự thật.