Tối hôm ấy Pista đến hầm của chúng tôi và mọi người xem sự kiện ấy như là được giải thoát. Màn đêm đã buông xuống, nhưng chẳng khác nào chúng tôi bị chôn vùi trong cái hầm hôi mốc hôi meo của toà nhà chung cư bên bờ sông Danube, không biết ngày đêm là gì. Tuy nhiên, đồng hồ vẫn tiếp tục chỉ giờ một cách bình thản, kim vẫn chạy một cách ung dung chung quanh mặt đồng hồ, phải chăng tôi đã sống như con chuột nhũi hai tuần hay là đã hai năm rồi? Sẽ có chăng một "ngày hôm nay", một "ngày mai" hay một thời gian vô tận trong những căn hầm tối tăm và ngột ngạt? Ba ngày đầu trôi qua một cách khá nhanh chóng. Mỗi khi cái cầu thang kêu lên răng rắc, chúng tôi nghĩ: quân Nga đã đến rồi, các trận đánh đã chấm dứt ở gần đâu đây, chúng tôi sẽ có thể trở lên trên căn hộ của chúng tôi và tiếp tục làm công việc mà chúng tôi đã phải bỏ dở một cách đột ngột để trốn xuống dưới hầm. Như đọc cho xong quyển sách mới đọc được một nửa, như chơi lại khúc nhạc mà bản nhạc còn để mở trên chiếc đàn dương cầm, như mở quyển vở bao giấy xanh ra để làm cho xong bài luận tiếng Hungari. Ở dưới hầm đến ngày thứ năm, chúng tôi biết rõ là quân Đức đã quyết định bảo vệ thành phố. Lúc ấy chúng tôi mới hết khái niệm về tiếng. Những ngày hồi hộp, lo âu, đối diện với tử thần tiếp nối nhau chậm rãi một cách không thể chịu nổi. Giàn súng cao xạ phòng không lưu động khạc đạn không ngừng trước ngôi nhà chung cư, thu hút tai họa đến trên đầu chúng tôi. Nó bắn một vài tràng đạn, rồi chạy đến cách xa đó một hay hai đường và lại bắn một vài tràng đạn khác, rồi lại trở về chỗ cũ. Các máy bay oanh tạc hạng nặng của Nga bay trên các ngôi nhà chung cư kêu ầm ầm như tiếng sấm và xạ kích xối xả, tìm kiếm quân thù đang chơi trò ú tim với chúng. Trong trò chơi trốn tìm ma quỷ ấy, chính chúng tôi lại là người bị bịt mắt. Chúng tôi đưa tay che mặt và nhắm mắt lại, chờ phi cơ bay qua và với các ngón tay run rẩy, chúng tôi sờ soạng một cách lo âu các bức tường rịn nước. Không biết các bức tường ấy có chịu đựng nổi mãi mãi những chấn động dữ dội ấy hay không? Những người ở trong chung cư, mãi cho đến bây giờ đã sống bên nhau mà không hề quen biết nhau, đều tập trung tất cả ở đây, chen chúc nhau trong cùng một cái hầm. Họ ăn, ngủ, rửa ráy và cãi cọ nhau rất ồn ào. Đa số họ đã quyết định chọn căn hầm chính. Căn hầm ấy được biến đổi thành hầm núp máy bay và đã được gia cố cho vững chắc bằng cách chống thêm những cái cột bằng gỗ tùng. Trong các trận đánh dữ dội tiếp diễn một cách ác liệt chung quanh và bên trên đầu chúng tôi, các cây cột chống ấy chẳng có vẻ gì là những vật bảo vệ hơn là những cây tăm xỉa răng xếp hàng. Về phần mình, chúng tôi chọn một căn hầm nhỏ nằm hơi xa căn hầm chính một chút, trong thời bình chúng tôi đã dùng nó để chứa than. Trong căn hầm chính còn dính than bột và hoả tiêu ấy, có hai cái giường, một cái sập và một cái bàn. Lúc đầu, chúng tôi cũng có một cái lò sưởi nhỏ, ống thoát khói trổ ra cửa sổ căn hầm, phía trông ra sân. Nhưng chúng tôi phải nhanh chóng từ bỏ hệ thống sưởi ấm ấy, vì ban đêm các tia lửa thoát ra từ ống khói bằng tôn ấy có thể trở thành một điểm nhắm cho quân thù. Chung quanh chúng tôi, thành phố phát hoả, trong lúc ai nấy run lập cập trên đống than của mình. Chúng tôi đi lấy nước tại đường Con Vịt; đó là một sự ngẫu nhiên lạ lùng, tại đấy còn một vòi nước có nước. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã không còn điện nữa. Chúng tôi bỏ mỡ heo nước vào trong một cái hộp xi, với một sợi dây giày làm tim đèn. Ngọn đèn có mùi hôi buồn nôn ấy chỉ có thể cho một thứ ánh sáng vàng vọt và kỳ cục đến buồn cười. Gia đình người gác cổng ở trong một căn hầm nhỏ sát một bên căn hầm của chúng tôi. Bà vợ là một người cao lớn và mạnh khoẻ, đã quen nhận những món tiền thưởng công hậu hĩnh; ông chồng, một người gầy nhom, ốm yếu, xanh xao. Con trai của họ ở ngoại ô thành phố và vừa mới lấy vợ. Anh ta là nhân viên trong một công sở, nơi bố anh đã làm việc với tư cách là nhân viên tiếp tân trong hai mươi năm. Anh ta tên là Jancsi và là niềm hãnh diện của bố mẹ anh, vì đối với họ, anh là một "nhà trí thức". Gia đình này có rất nhiều lương thực. Họ có cả rượu để uống. Cái phòng nhỏ ở kế phía bên kia căn hầm của chúng tôi là nơi trú ngụ của Ilus và đứa con mới sáu tháng của bà. Bà vào khoảng ba mươi sáu tuổi. Tóc hung, mặt mày có vẻ tàn tạ. Bà phải tô vẽ lông mày cẩn thận, vì lông mày của bà nhợt nhạt không có màu sắc. Bà không bao giờ quên làm điều đó, ngay cả trong những lúc máy bay oanh tạc dữ dội nhất. Bị chồng bỏ rơi từ vài tuần rồi, Ilus ở một mình với đứa con sáu tháng. Bố mẹ bà cũng ở tại thành phố, nhưng bà không có can đảm băng qua các tràng đạn đại bác để đến với bố mẹ ở bên kia bờ sông Danube. Cũng có một sinh viên y khoa mà tất cả mọi người gọi là "ông bác sĩ". Cậu mới học năm thứ hai, lúc đầu, đó chỉ là một cách nói đùa cho vui, nhưng rồi cái danh xưng ấy trở thành thói quen. Người ta nói với nhau rằng có một sinh viên y khoa trong hầm, như thế cũng yên tâm hơn, vì nếu xảy ra chuyện gì thì đã có sẵn một y sĩ. Cậu là một thanh niên mặt mày sắc sảo nhưng đầy tàn nhang, trông có vẻ như một học sinh lớp bảy, nhưng kể từ khi ý thức được rằng mình là một yếu tố làm cho mọi người yên tâm, cậu làm ra vẻ quan trọng. Bà cô của cậu là một goá phụ của một ông chủ nhà băng. Đó là một người nhỏ thó, tròn trịa và trang điểm xinh xắn như một đồng tiền mới – bà giết thì giờ bằng cách than vãn và hỏi, không biết tất cả tài sản của mình có được an toàn trong tủ sắt ở nhà băng không. Bà để nữ trang của mình trong một cái bao da nhỏ đeo nơi cổ. Ông chủ nhà băng, chồng bà, đã chết vào thời bình vì một bệnh rất tầm thường. Nhưng bà khoa trương nhấn mạnh rằng, nếu còn sống chồng bà chắc sẽ là một trong những vị anh hùng chết trên sa trường – Bà xen vào việc của tất cả mọi người, xem xét và nếm thử thức ăn của mỗi người, năn nỉ xin ý kiến và ban phát những lời khuyên nhủ, luôn luôn nói về bản thân bà. Khi các người đàn ông do dự không dám mạo hiểm đương đầu với các tràng súng liên thanh bắn xối xả như mưa, bà ta kêu lên: "Nếu chồng tôi còn sống, ông ấy sẽ đi ngay lập tức! Ổng không sợ gì hết!" "Bà đại tá" là một người đàn bà vóc người cao to. Trong những trận ném bom trước khi quân Nga vây hãm Budapest, ngẫu nhiên bà được bầu làm trưởng ban phòng thủ thụ động khu vực. Giọng nói sang sảng kẻ cả, là nguồn gốc uy quyền của bà, bà muốn ra lệnh cho tất cả mọi người. Bà đi rảo vòng quanh trong hầm không có lý do gì rõ rệt, để kiểm tra một điều gì đó. Quan điểm chính trị của bà không được dứt khoát, bởi vì bà không biết ông đại tá, chồng bà, còn chiến đấu hay đã chuyển sang hàng ngũ ly khai. Đôi khi ông đại tá được xem như là vị anh hùng tượng trưng bảo vệ thành phố cho đến giọt máu cuối cùng. Cũng có những lúc khác, ông ta được xem như là người giải phòng thủ đô Budapest. Sự thật ông có thể là tù binh của phe này hay của phe đối lập, nhưng bây giờ người ta không đả động gì đến vấn đề ấy. Ông biện lý và vợ ông ta đã đến trú trong một góc của căn hầm chính. Ông là người sau cùng rời khỏi nhà để đến ở trong hầm. Chúng tôi đã ở trong hầm năm ngày rồi, trong một đêm chiến sự diễn ra ác liệt, ông biện lý xuất hiện mặc áo ngủ đầu đội mũ bê rê, tay cầm đèn pin. Vợ ông đi theo sau ông, chân mang giày vải, quấn mình trong một chiếc áo măng tô dày. Ông biện lý bắt đầu nói những lời công kích kịch liệt hành vi không tôn trọng công pháp quốc tế của thời đại ngày nay. Quân Nga đã nã đạn vào tận phòng ngủ của ông, chẳng đếm xỉa gì đến quốc tịch Thuỵ Sĩ của ông, chẳng đếm xỉa gì đến quốc tịch Thuỵ Sĩ của vợ ông. Ngày hôm sau hai vợ chồng đã quyết định ở chung với chúng tôi trong hầm. Ông biện lý già ngã bệnh vì cảm lạnh, bị cúm. Vợ ông ta có giọng nói kỳ cục, mái tóc muối tiêu loà xoà trên trán và thân mình ốm nhom. Công dân của một nước trung lập, bà ta mang một dấu hiệu cờ Thuỵ Sĩ, nhưng quân đội cả hai bên không đếm xỉa gì đến. Ông biện lý và vợ ông chắc chắn là những người khổ sở hơn hết trong những người ở trong hầm. Trong những ngày đầu tiên, người ta làm quen với nhau. Người ta kể cho nhau nghe cuộc đời của mình, hầu như sự rối loạn này là một dịp may để người ta xích lại gần nhau và cho phép người ta trao đổi với nhau những điều tâm sự. Chỉ có ông Radnai là ngoại lệ. Là người Do Thái, ông phải sống với giấy tờ giả. Tất cả mọi người đều sẵn sàng che giấu cho ông ta. Radnai là một người hiền lành, dùng thời giờ nhàn rỗi để đọc các tác phẩm của nhà văn Đức Heine. Nhưng chỉ sau một tuần người ta bỗng bắt đầu ghét nhau. Bà vợ goá của ông chủ nhà băng thốt lên những lời bực bội mỗi khi trông thấy bà vợ ông đại tá, và Ilus nổi bệnh loạn thần kinh, mỗi khi bà gác cổng nói những lời thô tục. mặt mày là cái gương phản chiếu tâm trạng nội tâm. Các bà những muốn có thể giấu cái rề sô bằng cồn của họ đi, để những người ở bên cạnh khỏi trông thấy các thức ăn họ đun nấu, các ông cãi nhau về vấn đề đi lấy nước. Người ta rình rập nhau như những con chó dại, chỉ chờ cơ hội thuận tiện để cắn xé nhau. Chính một trong những đêm hãi hùng ấy, Pista đã xuất hiện trong hầm. Anh ta bước xuống các tầng cấp cầu thang, vừa đi vừa huýt gió và mỉm cười nói: Xin chào!...Tôi xin chào tất cả các cô bác… Anh ta mặc quân phục bộ binh Hungari, vai đeo một cái túi da và nụ cười rạng rỡ giống như thể mặt trời đột ngột bắt đầu chói lọi trong căn hầm tối tăm của chúng tôi. Chúng tôi đứng chung quanh anh. Chúng tôi nhìn anh như thể anh từ một hành tin khác đáp xuống đây. Chúng tôi muốn sờ vào anh để chắc chắn quả thật đó là một con người chứ không phải là một ảo hình của trí tưởng tượng. Anh ta liệng khẩu súng tiểu liên xuống đất và tuyên bố: Tối nay tôi sẽ ngủ ở đây, các cô các bác có chấp nhận không? Cậu là ai? – có tiếng của một người nào đó hỏi. Istvan Nagy. Quê quán ở Pusztaberény, tỉnh Somogy. Sau lời giới thiệu ấy, Pista trở thành bạn của chúng tôi. Chúng tôi hỏi anh hiện quân Nga đang ở đâu, chúng tôi còn phải ở trong hầm bao nhiêu lâu nữa. Nhưng anh cũng không biết gì nhiều hơn chúng tôi. Chúng tôi hỏi anh ta thuộc quân đoàn nào? Anh ta trả lời một cách tỉnh bơ: Không thuộc quân đoàn nào cả. Tôi chiến đấu nay đây mai đó. Bây giờ, tôi sẽ ở lại đây một thời gian. Rồi anh ta ngồi xuống một cái ghế đẩu, lấy bánh mì và mỡ trong cái bọc da đeo ở dây nịt lưng và hỏi chúng tôi có tất cả bao nhiêu người. Mười hai người – bà góa phụ của ông chủ nhà băng trả lời. Pista chia bánh mì và mỡ thành mười hai phần. Mỗi người được một miếng. Miếng bánh mì phết mỡ tan ra trong miệng chúng tôi như một ân sủng thầm kín. Như một phép lạ, Pista đã làm cho bầu không khí nặng nề, ưa gây gổ bớt căng thẳng. Nhưng bỗng ông biện lý lên tiếng từ một xó góc trong hầm: Anh ta là một tên đào ngũ. Các người không thấy anh ta là một tên đào ngũ hay sao? Trong lúc này đáng lẽ anh ta phải chiến đấu ở đâu đó và nếu cần, anh ta phải hy sinh. Ông già ấy bị bệnh gì mà phải nằm liệt giường thế? – Pista hỏi. Sưng phổi – ông bác sĩ đáp một cách vắn tắt, như thể đó là một sự chẩn đoán. Tôi sẽ cố ăn cắp một ít Ultraseptine cho ông ta ngày mai – Pista hứa – còn có thuốc ấy ở trong một tiệm thuốc ở đại lộ Magrit. Tôi đã có lấy thuốc ấy để cho người bệnh rồi. Nhưng bây giờ tôi muốn ngủ cái đã. Tôi mệt lắm rồi. Quả thật cậu sẽ cung cấp thuốc cho ông nhà tôi ư? – bà vợ ông biện lý nắm cánh tay Pista và hỏi. Nếu có Ultraseptine thì còn có thể cứu được ông ta… Vậy để tôi đi lấy cái nệm của tôi cho cậu lót mà nằm. Pista lắc đầu: Không cần thiết. Tấm thảm đủ rồi. Ngày mai, tôi sẽ mang thuốc và bột mì đến cho – còn có rất nhiều bột trong một cái kho ở đường Express. Đêm hôm ấy, vào khoảng mười một giờ, một phi cơ oanh tạc hạng nặng ném bom chung quanh khu vực chúng tôi. Đất chấn động dữ dội. Tôi vùi đầu vào cái gối của tôi. Nhưng đột ngột, một sự bình tĩnh lạ lùng xâm chiếm người tôi. "Lạy Chúa, tôi thì thầm, con nguyện tin theo Thánh ý của Người…"