Những ngày đầu tiên của chúng tôi ở Kufstein chẳng khác gì một cơn ác mộng. Nếu chúng tôi đã không phải nhóm lửa bằng cách cọ xát hai miếng gỗ vào nhau, thì đó là nhờ các bạn bè hướng dẫn chúng tôi trong các mê hồn trận của trại tị nạn. Trong chiến tranh, các thị trấn lều trại này là nơi đóng quân của lính Đức quốc xã và sau chiến tranh nó trở thành chốn nương thân của những người tị nạn. Theo con mắt của tôi, Kufstein là một trại mồ côi mênh mông, trong đó những đứa con bị bỏ rơi có thể lập lại cuộc đời trong sự đùm bọc của một tổ chức quốc tế. Tất cả những đứa con mồ côi đều được nuôi ăn, được cấp áo quần, được đăng ký và khám sức khoẻ như nhau. Tôi không hoàn toàn khó chịu với số phận của mình, bởi vì, thời kỳ ấy, tình cảm của mỗi người tuỳ thuộc vào một sự so sánh mà ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng. Sự tự do của Tây phương đối với chúng tôi là một kỳ tích sống và Hungari chỉ xuất hiện trước con mắt chúng tôi như là một nhà tù lớn. Nhưng sự kiện nước Hungari bây giờ chỉ là một nhà tù lớn và chúng tôi bắt buộc phải ăn bám ở nhờ, sống ỷ lại vào kẻ khác, là một thảm kịch. Chúng tôi tự nhủ "Sung sướng biết bao được sống ở nơi đây…" và dồng thời chúng tôi cũng tự nhủ "Rốt cuộc chúng tôi lại bị bắt buộc phải ăn chực nằm chờ ở nơi đây…"Khám sức khoẻ, tôi được chứng nhận là mạnh khoẻ nhưng suy dinh dưỡng. Tuy bề ngoài hơi mảnh khảnh, nhưng dai sức trong công việc. Bây giờ tôi còn cảm thấy trên lưng tôi sự tiếp xúc của những ngón tay chẩn bệnh cho tôi. Lúc bấy giờ, tôi có cảm giác rằng tôi sẽ giữ những dấu vết ấy suốt đời. Tấm ảnh quang tuyến X chứng tỏ tôi có những lá phổi và một trái tim sắt. Bác sĩ nhãn khoa nhìn vào mắt tôi với cái gương nhỏ sáng rực trong gian phòng tối, ông ta nắm đầu tôi trong một tay và cúi xuống trên con mắt tôi với sự tò mò của một chàng trai đã lớn nhìn trộm một điều bí mật qua lỗ khóa. Tôi cảm nhận được hơi thở của ông ta và một giọt ánh sáng trắng, chói chang lượn quanh trong đầu óc tôi. Đột ngột, tôi có ý nghĩ khủng khiếp rằng, thật ra công việc của ông ta chỉ để dò xét tư tưởng của con người. Một lát sau, khi tôi cố đọc những chữ được chiếu sáng trên bảng đen của ông ta, tôi mới nhận thấy con mắt của tôi đã mờ đi trong thời gian tôi ở dưới tầng hầm, tôi viết quá nhiều dưới ánh sáng leo lét của một cây đèn dầu.Tất cả những con mắt nhìn vào cái bảng đen, tất cả những con mắt đã quen với gian nan cực khổ! Trại tị nạn phải chi nhiều tiền để mua kính cận và những người dân Lituanie, Ukraina, Hungari, Tây Ban Nha và Nga ngắm nhìn sự tự do của mình sau gọng kính của chính mình.Những đất nước bề ngoài hấp dẫn hơn hết, thật ra lại rất dè dặt đối với chúng tôi. Nước Úc rất kỵ những người bị bệnh sâu răng. Họ chỉ muốn cho định cư những người mạnh khoẻ, lực lưỡng, tràn trề sức sống, với những hàm răng trắng rắn chắc. Tôi tìm hiểu về nước Anh. Đảo quốc này được quý chuộng trong lòng tôi và đầy sương mù trong trí tưởng tượng của tôi, thiếu những nữ y tá để chăm sóc những bệnh nhân tâm thần. Còn có một khả năng khác, đi làm thợ mỏ. còn về vấn đề di cư sang châu Mỹ, nó được quy định bởi biết bao thể thức mà chỉ bảng kê các câu hỏi quan trọng và những điều kiện cốt yếu mà người ta phải điền vào thôi, đã dày như một quyển sách nhỏ. Tôi nghĩ đến việc phải học một cái nghề nào đó. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi không muốn di cư một chút nào. Theo số mệnh tiền định, chúng tôi đã sinh ra là người châu Âu và bố mẹ tôi lấy làm sung sướng đã quá tuổi để di cư. Ở đây, ở Kufstein, trên mỗi môi miệng, có tên của một đất nước khác.Nhờ ông bạn thợ giày, chúng tôi đã trở thành những nhà tư bản. Ông ta và vợ của ông đã cho chúng tôi vô số những đồ dùng hữu ích, trước khi đi định cư ở Venezuela. Thế là chúng tôi có thể đến lãnh thức ăn trưa và tối tại nhà ăn, đem về ăn ở trong phòng của chúng tôi và nhờ có cái bếp điện, chúng tôi tự mình nấu lấy bữa sáng.Tôi đã trở thành mẫn cảm đến nỗi rất dễ nổi giận và các phản xạ của tôi dữ dội đến nỗi chỉ tiếp xúc với một vật hày một ánh mắt cũng có thể làm cho tôi run lên bần bật. Tôi dậm chân tại chỗ trong sự yên ổn giả dối ấy và tôi không có được niềm hạnh phúc của sự cô đơn, tôi bị nhốt chung trong một phòng với bố mẹ tôi. Đau khổ xiết bao khi phải thay áo quần trong lúc người khác phải xoay lưng! Và ban đêm bị đánh thức bởi những tiếng động ở chung quanh mình, người đàn bà ngâm nga ca hát không biết mỏi miệng ở bên phải chúng tôi là người Lituanie, bà ta điên, bà ta đã thấy cả gia đình bà bị sát hại và sự ngẫu nhiên hay niềm trắc ẩn của số phận đã đưa đẩy bà đến tận nơi này. Bà ta kể chuyện của bà với tất cả mọi người. Khi bất chợt thấy bà ta, tôi sợ hãi bỏ chạy trốn, đôi mắt xanh lè của bà, vẻ nhìn của bà chẳng khác nào của một con thú bị săn lùng, làm cho tôi nổi da gà. Gian phòng của gia đình đã đi định cư ở Venezuela bây giờ là phòng của một cặp vợ chồng trẻ người Nam Tư. Họ làm tình từ sáng đến tối và từ tối đến sáng, luôn luôn với nhịp độ đều đều và những tiếng rên rỉ như nhau. Những ngày mùa đông dài một cách khó chịu đã cướp đi nụ cười của tôi.Bố mẹ tôi đã làm quen với cộng đồng người Hungari tại trại tị nạn Kufstein. Hết người này đến người khác, họ kể chuyện vượt biên của họ. "Khi tôi vượt qua biên giới…mặt trăng…các con chó…hàng rào dây thép gai…Người đưa đường… Nhưng lẽ tất nhiên chúng tôi sẽ đi định cư..có lẽ tại Argentina…Đất nước có tương lai đầy hứa hẹn cho con trai tôi là kỹ sư…nghĩa là nó cần học một năm nữa tại trường đại học Innsbruck.."Cậu con trai ấy tối thứ bảy nào cũng về trại tị nạn Kufstein. Cậu ta cao lớn, có vẻ vụng về, đã bắt đầu có triệu chứng hói đầu và đang chờ ngày lĩnh bằng tốt nghiệp. Cậu ta muốn lấy vợ trước khi đi định cư. Đó là định kiê'nó của tất cả các chàng trai trẻ tuổi, chọn một lục địa và một cô vợ..Tôi làm gì giữa những chàng trai ấy? Một sinh viên y khoa cũng muốn kết hôn với tôi, vì anh ta đã chọn nước Úc, mà nước Úc thì từ chối không nhận những người độc thân. Ôi! Tôi tự thấy mình đáng ghét khi phải mặc những bộ áo quần do những người không quen biết cho. Tôi có cảm tưởng tôi là một hình nhân đi diễu hành để giới thiệu áo quần của các tổ chức từ thiện quyên góp.Các áo quần ấy được gửi tới đây trong những cái bao lớn, được khử trùng và chúng đem tới đây một thông điệp thân thiện của tất cả các nước hoà bình trên thế giới. Có một lần, tôi mất cả một buổi chiều để phân phối các đồ viện trợ ấy. Tôi sẽ không bao giờ quên đống giày cao như núi ấy, giày mới, nhưng được sản xuất từ hồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó là những đôi giày phụ nữ bằng da màu vàng và trang trí bằng da hoẵng màu trắng, giầy ống, giày ghệt, giày bốt tin. Có một đôi giày bốt tin bằng da láng mịn như xa tanh màu hoa cà. Đó là loại giày ống của những người đàn bà biểu diễn trò cưỡi ngựa. Ở trại tị nạn Kufstein, ai sẽ mang thứ giày ấy?Cũng có những chiếc áo thuộc loại mà người ta đã thấy trong các phim cũ của vua hề Charlot.Sau khi phân phối các đồ vật viện trợ xong và cửa hàng của trại đã đóng cửa, tôi mặc thử áo quần cao bồi chăn bò của miền Tây nước Mỹ. Bà trông coi cửa hàng trong tuần ấy là người Ukraina, nhìn tôi nhìn tôi với vẻ vui thích. Bà ta đi đến gần tôi và đột ngột đưa hai bàn tay to lớn nhưng xương xẩu định ôm ngang hông tôi. Ngạc nhiên, tôi thụt lùi và bà ta cười nói với tôi bằng tiếng Đức rằng tôi xinh quá. Tôi lật đật thay lại áo quần cũ của tôi và trở về phòng. Về sau, chúng tôi có được nhận quần áo tân thời một chút, nhưng tôi muốn giữ lại cáo áo măng tô cũ của tôi. Nó được cắt may bởi một thợ may trứ danh của Budapest nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi.Được trang bị những đồ dùng cũ đã sờn và với một nụ cười dè dặt trên môi, chúng tôi tham dự vào cuộc sống ở trại tị nạn. Bố tôi tìm được một thư viện cho mượn sách, ít ra chúng tôi cũng đã có sách để đọc. Tôi thường đến ngôi nhà nguyện được thiết lập trong một căn nhà gỗ của trại, cầu nguyện để tìm một sự giải khuây.Mùa xuân đã đến gần và tôi có cái cảm giác ngột ngạt rằng tôi đã trễ nải, thiếu cố gắng trong cuộc sống. Bình minh đã sáng hơn và tôi thức vào lúc bốn giờ sáng, mở mắt ra, nhưng nằm yên trên cái đệm độn rơm. Tôi ấp ủ một mối tình vẩn vơ. Tôi muốn yêu một người. Nhưng người nào? Ai là người tôi sẽ có thể yêu? Như một người bị giam cầm, tôi muốn thoát ra khỏi nơi này để tìm một cuộc sống khác. Trong sự yên tĩnh bề ngoài của những ngày đầy ưu phiền ấy, tôi chuẩn bị một lối thoát cho chính mình.Với một ít tiền trong túi mà trại đã cấp cho, một hôm tôi đi đến thành phố Innsbruck. Tôi muốn được tự do, không có bố mẹ tôi và tiếp cận với toà lãnh sự Pháp.Ngay từ hồi mới lên năm, tôi đã yêu mến nước Pháp như người ta yêu mến một người bà con ở xa, lừng danh và hào hiệp. Mười bốn tuổi, bộ trường thêin tiểu thuyết của đại văn hào Balzac đối với tôi là một món ăn tinh thần phong phú, tăng thêm sức mạnh và làm lớn lên tâm hồn của tôi, một cô gái tuổi mới lớn. Sau đó tôi say mê các tác phẩm của Stendhal, Maupassant. Tôi không bao giờ quên tác phẩm "La Dame aux Camélias" của Aelxandre Dumas Con. Tôi cũng rất thích đọc "Les Femmes Savantes", "Tartuffe", "Le Bourgeois Gentilhomme" của Molìere. Tôi tìm lại những tác phẩm ấy trong toà lãnh sự Pháp ở Innsbruck.Trong tiền sảnh, một người tuỳ phái có vẻ buồn ngủ mời tôi ngồi trước một cái bàn với hai tờ giấy ghi các câu hỏi để điền vào. Chính tại đó tôi đã thấy George lần đầu tiên. Anh ta ngồi thẳng băng trên một cái ghế dài với khuôn mặt trái xoan có một vẻ thống thiết dưới mái tóc vàng nâu. Anh ta nhìn tôi, tay cầm một cái giấy thông hành. Tôi cúi xuống, bắt đầu nghiên cứu các câu hỏi và tôi có cảm giác anh ta vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Anh ta đứng dậy và đến bên tôi: Cô có muốn tôi giúp cô điền vào bảng các câu hỏi không? – Anh ta nói bằng tiếng Hungari. Sao anh biết tôi là người Hungari? – tôi trả lời nhưng không nhìn anh ta. Nhờ giọng nói của cô.. Khi cô nói với người tuỳ phái..Nếu tôi có thể giúp ích được gì cho cô…Vừa lúc ấy cửa văn phòng bật mơ/ và một cô nhân viên gọi tên anh ta. Anh ta biến mất vào trong văn phòng ấy.Tôi còn lại một mình với hai tờ giấy và điền các câu trả lời. Tôi giải thích rằng tôi mong muốn có được một việc làm và tôi cam đoan sẽ là một cô bảo mẫu lý tưởng, một cô giáo để trông nom và dạy dỗ trẻ con ở trong nhà. Georges ra và đến lượt tôi được gọi vào văn phòng. Ở đó, tôi biết ngay lập tức nguyện vọng của tôi được sang Pháp làm bảo mẫu là một chuyện khôi hài. Nếu tôi là thợ mỏ hay công nhân nông nghiệp thì sẽ dễ dàng, nhưng nước Pháp đang tràn ngập những nữ quản gia, bảo mẫu, nữ gia sư. Theo lời diễn tả của cô nhân viên toà lãnh sự, tôi thấy một đội quân phụ nữ người nước ngoài, quốc tịch Thuỵ Điển, Tố Cách Lan, Hoà Lan, vân vân, diễn hành ở Paris với lá cờ đặc biệt của nghề làm bảo mẫu… Nhưng chúng ta đang ở trong khu vực Pháp – tôi nói – Tôi tin rằng từ khu vực Pháp thì có thể đến được Paris dễ dàng hơn. Không phải là vấn đề khu vực. Mỗi nước có những nguyên tắc chính đáng để tự bảo vệ chống lại các cuộc nhập cư của người nước ngoài. Cô phải hiểu rằng, nếu chúng tôi để cho tất cả mọi người vào nước Pháp…Tôi đã từ giã cô nhân viên toà lãnh sự với tâm trạng rất khó chịu, vì đã thất bại hoàn toàn không thực hiện được dự tính của mình.Georges đợi tôi trong tiền sảnh và tự giới thiệu trong cơn gió của mùa xuân khắc nghiệt ấy một cách thoải mái như thể anh ta đang ở trong một phòng khách ở Budapest. Tôi biết được họ tên của anh ta. Tôi có thể tiễn đưa cô không? Bây giờ tôi đến nhà ga, tôi phải đáp chuyến tàu năm giờ để trở về Kufstein.Chúng tôi đi, trong màn mưa li ti, đến nhà ga. Cô sẽ đi Pháp? – Anh ta hỏi tôi. Vâng, tôi đã muốn đi, nhưng thủ tục rắc rối quá!Đèn đường thành phố Innsbruck đã bật sáng và mặt đường nhựa lóng lánh.Trong một lúc vô ý, tôi nhìn Georges. Anh ta đẹp trai. Anh ta nói với tôi rằng anh ta sắp đi Pérou, nơi đó, người bạn thân hơn hết của anh ta, bạn học chung một lớp ròng rã trong tám năm, đã tìm ra một mỏ bạc. Ở Lima, thủ đô nước Pérou – anh ta kể - Tôi sẽ có một con ngựa, một roi ngựa, và những người đầy tớ người da đỏ. Anh bao nhiêu tuổi? Hai mươi ba… Anh đã làm gì ở Budapest? Sinh viên trường luật. Đáng lẽ tôi sẽ trở thành một công chức cao cấp như bố tôi và môn luật đối với chức vụ ấy rất cần thiết. Nhưng tôi đã từ giã Hungari ra đi và sắp đi tới Pérou.Chúng tôi đã tới nhà ga. Tôi lấy vé cho chuyến đi về và đưa cho nhân viên soát vé. Georges trở lại với một vé ra sân để tiễn tôi. Tôi đã đưa tay cho anh bắt: Chào tạm biệt và chúc anh lên đường bình an. Cám ơn cô – anh ta nói và anh ta đứng lại trong mưa. Tôi nhìn anh ta qua cửa sổ xe lửa.Tối hôm ấy ở Kufstein tôi rất buồn. Bố tôi biết gia đình của chàng trai ấy, bố tôi nói bố anh ta là một người có tiếng. Trước khi ngủ thiếp đi, tôi đã nghĩ rằng, nếu anh ta không đi Pérou, tôi sẽ có thể yêu anh ta.Tôi đã thấy biết bao thanh niên chết trong lúc Budapest bị bao vây, tôi còn giữ trong ký ức của tôi những khuôn mặt ngơ ngác với ánh mắt lờ đờ ấy, những lỗ miệng há hốc ấy, cho nên tôi không thể không xúc động khi nhìn thấy vẻ mặt duyên dáng tươi cười của Georges. Anh ta lại có thời cơ làm kẻ đồng cảnh. Vẻ trẻ trung của anh ta không phải là một chi tiết, mà là một điều làm cho anh ta trở thành một người có giá trị. Cái cổ cuốn tròn của chiếc áo thun len của anh ta cũng là một kiểu đặc biệt, chứng tỏ anh ta sống theo sở thích, và dự định của anh ta đi Pérou để đào mỏ, đã tạo cho anh sự vinh quang là một con người can đảm không gì lay chuyển được. Đầu trần, tóc vàng nâu, trong cơn mưa và cái vẫy tay chào từ biệt của anh ta có một vẻ tao nhã và lãng mạn.Tôi đã cho anh ta biết tên tôi trước khi tàu lăn bánh. Như thế anh ta có thể viết thư cho tôi. Một tuần lễ sau tôi nhận được bức thư đầu tiên của anh ta gởi từ Paris. Tôi đã rùng mình một cái và có cảm giác lo âu khi thấy nét chữ của anh ta. Bức thư, tự nó không có gì quan trọng, lại có sự quan trọng của một di bút. Nét chữ của Georges hoàn toàn giống như nét chữ của bác tôi. Đã biết bao lần tôi nhìn thấy trên bàn giấy của bác tại ngôi nhà ở đường Đức Bà, những hàng chữ cân bằng nhau một cách lạ lùng, hầu như được chạm trổ trên giấy trắng với mực đen, còn các con chữ thì tròn trịa, nối liền với nhau bằng những đường con nhỏ xíu rất khéo.Với kiểu chữ cổ lỗ ấy, chàng thanh niên hầu như còn xa lạ đó, nói với tôi từ Paris rằng anh ta sắp lên đường đi Pérou. Thế là tôi vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng sạm nắng của Georges, vẽ không có giấy và bút chì, tôi vẽ khắp nơi, trong đêm tối, trên các ngọn lá xanh mùa xuân và trước chân tôi, ngay trên đường, khi tôi đi đến thư viện để mượn sách.Bức thư bất ngờ ấy, với đặc điểm là viết theo kiểu chữ xưa giống như bác tôi thường viết, đã gây được một ấn tượng tốt đối với bố mẹ tôi. Sao? – bố tôi nói – con đã nói chuyện với một thanh niên chưa quen biết và anh ta dám viết thư cho con? To gan thật! Ừ, bố anh ta là một người có phẩm hạnh, nhưng chắc gì anh ta cũng là người có phẩm hạnh như bố anh ta? Dù sao đi nữa thì tính thật thà của anh ta cũng không thể đặt thành vấn đề, bởi vì quá thật, kiểu chữ viết rất tốt, rất tốt…Một sự giống nhau lạ lùng\/Tôi nghe tất cả các điều bố tôi nói với một vẻ thờ ơ không che đậy, một cách hơi khinh khỉnh và theo tính khí bất thường của tôi, tôi ghét hay yêu bố mẹ tôi? Cuộc đời xao động và không lối thoát của tôi đã cướp đi những nụ cười lễ độ, những lời lẽ dịu ngọt của tôi, cẩn trọng, có ý thức tránh sơ xuất, đề phòng những điều không hay có thể xảy ra. Thời gian trôi qua, tôi viết những truyện ngắn để giải khuây.Tôi không còn chịu đựng nổi sự có mặt của bố mẹ tôi. Tôi thấy bố mẹ tôi làm trở ngại cho một tương lai mà tôi sẽ có thể xây dựng và để làm cho họ hoảng sợ, để tỏ cho họ thấy rằng tôi ý thức được tôi đã hai mươi tuổi, mỗi ngày tôi lại đưa ra một dự định của mình."Con sẽ đi Úc và con sẽ lập một nhà xuất bản ở Melbourne…" hay là "Con sẽ có một cơ hội độc nhất ở nước Anh nhận hai nữ y tá của Kustein, con sẽ có thể đến đó trong ba tuần nữa…" Con có điên không đó? – mẹ tôi hỏi. Không – tôi đáp – nhưng con sẽ qua đó để tận mắt xem các người điên. Hình như trong những trường hợp bệnh nặng, họ nằm lì trên giường và tè ra trong quần…Ở đó con sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về một nhà thương điên…và lẽ dĩ nhiên là bằng tiếng Anh.Khi bố tôi nói với tôi rằng tôi phải cẩn thận đề phòng khi đi trên những con đường nhỏ của trại tị nạn sau hoàng hôn, tôi chán nản không thể tả. Tôi sẽ không bao giờ thoát ly gia đình được hay sao. Tôi cứ ở mãi trong cái vòng luẩn quẩn của tình yêu vô lý của ông bố và bà mẹ chẳng biết làm điều gì khác cho tôi ngoài việc thương yêu tôi. Và tôi muốn được yêu thương một cách khác kia. Tôi ghét những chi tiết thời thơ ấu của tôi. Tôi biết hồi ấy tôi đã được thương yêu chìu chuộng, tôi ngoan ngoãn và thông minh, tôi đã học đọc trong lúc những đứa trẻ khác mới bắt đầu tập đi. Tôi đã nghe nói rằng vì tôi ghét không chịu học đàn dương cầm, nếu không "một đứa bé có thiên tài" như tôi sẽ trở thành một tay chơi dương cầm nổi danh. Tôi cũng đã thường nghe nói rằng hiếm có một thiếu nữ trong trắng thuỳ mị và đứng đắn như tôi và tôi phải cẩn thận, rất cẩn thận để khỏi đánh mất sự trinh nguyên ấy.Vì thất vọng, tôi ghi tên học một khóa cắt may. Nhưng thay vì nhìn thấy kim chỉ, tôi thấy một cái hình thang trên bảng đen. Bà giáo sư đã giải thích rằng cái hình thang là hình vẽ một cái quần. Tôi đã bỏ học vì xưa nay tôi không bao giờ ưa mốn toán!Nhưng rồi một phép lạ bất ngờ đã lặng lẽ đến với tôi. Tôi có một người bạn gái ở trại tị nạn, thỉnh thoảng tôi có đến chơi với bà ta. Là giáo sư pháp văn ở Budapest, bà ta thường gợi lại thời còn non trẻ của bà ở Paris và những bạn thân của bà ở thành phố ánh sáng ấy. Bà chuẩn bị đi định cư ở Nam Mỹ, bà đã rời khỏi Hungari đồng thời với chúng tôi, nghĩa là vào cuối tháng Mười một năm 1948. Theo lời yêu cầu của tôi, bà ta viết thư cho một trong những bà bạn người Pháp của bà, ở Versailles, đã từ lâu bà ấy muốn tìmmt người bảo mẫu cho con gái yêu của bà mới bảy tuổi.Bức thư trả lời bằng lòng từ Versailles đến Kufstein vào cuối tháng năm. Tôi trình bức thư ấy cho bố mẹ tôi xem với vẻ đắc thắng của một thanh niên da đỏ trình mảng da đầu của kẻ bại trận mà anh ta lấy được đầu tiên với các bậc đàn anh của anh ta. Bố tôi thấy việc đi ấy là không thể nào chấp nhận được, ông bèn cho là tôi đã không suy nghĩ cho chín chắn, là liều lĩnh. Con muốn đi làm nơi nhà những người xa lạ sao? Ai biết được một cái bẫy có thể đang chờ con! Con phải xin học bổng để vào học tại trường đại học sư phạm Sorbonne. Con có thể làm được việc đó ở Paris…Con không còn muốn ở đây nữa..Vả lại, họ đâu phải là những người xa lạ, không quen biết? Bà bạn của con biết họ rất rõ. Không, quả thật con muốn thà chết còn hơn là tiếp tục sống như thế này. Con muốn một gian phòng mà cánh cửa do tự tay con đóng lại, ở trong đó con sẽ chỉ có một mình, một cái tủ với những vật dụng mà con sẽ mua với tiền lương của con, con muốn trau dồi thêm tiếng Pháp. Con yêu mến trẻ con, một bé gái lên bảy tuổi, dễ dàng thôi. Bố mẹ sẽ giết chết con bằng cách giữ riết con ở lại đây. Mỗi thế hệ mỗi khác. Những quyền của tuổi trẻ…Những kẻ buôn thịt đàn bà da trắng, bọn buôn gái đĩ ở Paris có những con mèo khác để quất chứ đâu có đợi con..Nhưng lẽ tất nhiên con sẽ cẩn thận đề phòng. Con xin bố mẹ hãy nhận ra rằng bố mẹ không có lý…khi nói rằng một thiếu nữ đứng đắn, con nhà gia giáo, không thể một mình ở Paris. Trước hết con sẽ không phải chỉ ở có một mình, con sẽ là cô bảo mẫu, là gia sư của một cô bé bảy tuổi. Và đời nào các thiếu nữ đứng đắn lại phải vượt biên giới một cách lén lút không có giấy thông hành? Con thấy như thế còn kỳ cục hơn, phải bò bốn chân như thú vật, phải sợ cả ánh trăng, sợ bị chó rượt đuổi, phải khóc úp mặt vào đống lá mục..Một thiếu nữ đứng đắn phải bước chân lên trên một cánh tay bị rời ra của một xác chết? Bị rời ra vì nó đã thối rữa…Một thiếu nữ đứng đắn ăn thịt những con ngựa bị đạn trái phá xé xác ra từng mảnh…Khi con thi đậu tú tài ở Budapest, con cảm thấy có một chàng trai đi sau lưng, con đã run sợ, không biết anh ta nhìn gì, cái mắt cá thanh tú hay cái vẻ con nhà tiểu tư sản của con..Bố mẹ còn muốn gì nơi con nữa? Và nếu thời buổi này chỉ là hiểm nguy va đau khổ, con cũng sẽ cứ đi. Nhưng bố mẹ hãy nghĩ lại đi. con đã ngoài hai mươi tuổi và sáu tháng…chúa biết con đã thành niên từ bao lâu rồi và bố mẹ cũng như là em gái của con. Vì sao con lại không có một đứa em gái?Tôi đã hân hoan được thoát ly gia đình khi đáp xe lửa đi Paris. Nhưng tôi đã bị đầu độc bởi những lời khuyên răn và bởi tất cả các cuộc đối thoại mệt nhọc ấy. Tôi đã phải nói rất nhiều trong nhiều đêm dài mới thuyết phục được bố mẹ tôi. Bố tôi đã tiễn đưa tôi lên tận căn buồng của tôi trên toa tàu, bố tôi đặt cái vali mua ở Vienne vào ngăn lưới để hành lý trên đầu tôi và ôm hôn tôi. Sau đó bố tôi đi xuống đến đứng với mẹ tôi trên sân ga. Tôi còn phải chờ năm phút nữa tàu mới khởi hành và tôi sốt ruột nhìn đồng hồ nhà ga Kufstein. Nhưng trước khi kim đồng hồ tới đích của nó, một phút trước khi tới đích, nét nhìn của tôi gặp nét nhìn của bố mẹ tôi. Và tôi, bị xâm chiếm bởi một nỗi lo sợ vô hạn và một niềm trìu mến mênh mông, tôi muốn xuống xe, ngã vào vòng tay của bố mẹ tôi và bỉêu lộ chỉ bằng một cử chỉ duy nhất tất cả tấm lòng của tôi, lòng yêu thương của tôi trong hai mươi năm và sáu tháng đối với bố mẹ tôi. Chính trong cái phút ấy, tôi thấy nét mặt mẹ tôi rầu rĩ nhưng bà cũng gượng cười, một nụ cười r anc mắt. Tôi tin rằng bà đã muốn nói với tôi trong sáu mươi giây, tất cả những gì người mẹ có thể nói với đứa con gái của mình đang ra đi để chinh phục một mảnh đất nhỏ trong cái thế giới mênh mông. Bản tính tôi không thích tâm sự. Tôi có tính trầm lặng, ít nói. Chính ở bên cạnh mẹ tôi, tôi đã biết đến cái chết ở Budapest, nhưng hai mẹ con không bao giờ nói đến chuyện sinh đẻ, vì nỗi đau đớn khi sinh đẻ, tình yêu lứa đôi, hay về người đàn bà. Với tính kín đáo nết na, hay bẽn lẽn ấy, tôi đã có thể vượt qua tuổi dậy thì một cách lặng lẽ. Đến khi đọc một tác phẩm của Pearl Buck, tôi mới biết đến nỗi đau đớn của một người đàn bà Trung Hoa khi sinh đẻ. Và về sau, đến lượt tôi cũng phải trải qua cảnh vượt cạn, mồ côi một mình..Nhưng bây giờ đây, trong lúc con tàu bắt đầu lăn bánh một cách chậm rãi, mẹ tôi cũng bước tới dặn dò "Hãy cẩn thận nghe con", mẹ tôi nói và, trên khuôn mặt của bà, tôi thấy bà có thể nói với tôi trong vài giờ. Bố tôi cũng bước tới gần: "Phải rất cẩn thận nghe con". Ông cũng nói với tôi và tàu chạy càng lúc càng nhanh hơn. Tôi cúi xuống trên khung cửa kính. Bố mẹ tôi đã xa rồi và tôi kêu to lên: " Con thương yêu bố mẹ vô cùng, con sẽ trở về mau thôi…con thương yêu bố mẹ vô cùng…."Con tàu chui vào trong một đường hầm, nó thở khò khè và tôi khóc.