Tịnh Tu xem thấy câu đối ấy chữ viết rất hùng kiện, cả khen chẳng ngớt, lại nhắm xem tướng mạo người học trò, thấy tuy là cùng khổ mà phong thái đàng hoàng, nên có ý cảm mến, liền sai chú tiểu mời vào đãi cơm chay. Học trò theo chú tiểu đi rồi, Bắc Hiệp nói với Tịnh Tu rằng: “Tôi xem người ấy rất có chính khí". Tịnh Tu nói: ”Phải, bần tăng cũng xem người ấy có cốt cách lắm nên giữ ở đây làm khách". Hai người nói chuyện một lát lâu thấy có một người đi vào. Tịnh Tu xem rõ là viên ngoại Tần Xương bèn mời ngồi rồi hỏi: "Ngài tới đây có việc chi?". Tần Xương nói: ”Nếu không có việc gì, chẳng dám tới làm rộn nhà chùa. Nhân vì mấy ngày rầy tâm thần chẳng an, nên tới xin sư phụ bói cho một quẻ". Tịnh Tu nói: "Tôi chẳng quen bói quẻ, vậy Viên ngoại nói cho một chữ gì để dùng làm phép mà luận”. Tần Xương nói: "Tôi xin nói chữ Dung". Tịnh Tu viết chữ Dung ra, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: "Đây là điềm chẳng tốt". Tần Xương nghe nói có vẻ lo buồn, nhân dòm lên bàn thấy có mấy câu đối bèn giở ra xem, xem xong hỏi: "Chữ thật hay, chữ hùng kiện lắm, vậy có phải của sư phụ viết ra chăng?". Tịnh Tu đáp: "Bần tăng viết thế nào được, đó là của một người học trò vừa mới đem bán đây". Tần Xương nói: "Người học trò ấy tên gì, hiện thời ở đâu?". Tịnh Tu nói: “Y tới xin giúp đỡ, nên chưa hỏi tới tên họ, hiện đang ở đây". Tần Xương nói: "Thế thời y là một người hàn nho sao? Tôi đương tìm một người có học, rước về dạy trẻ nhỏ ở nhà, song chưa gặp, vậy sư phụ rước giùm cho, há chẳng tiện cả đôi đường sao?”. Tịnh Tu cả mừng ưng chịu. Tần Xương liền bước ra cửa sai tiểu đồng trở về nhà đem áo quần, mã giày và ngựa tới rước. Bấy giờ người học trò vào nhà sau tắm gội sạch sẽ, Tịnh Tu cho mời lên, thấy diện mạo khôi ngô, thời có ý kính mộ, bèn tỏ ý Tần Xương cho người học trò nghe và hỏi tên họ. Người học trò ấy tên là Đỗ Ung nghe nói Tần Xương rước dạy học thời nhận lời liền. Kế tiểu đồng đem mão giày quần áo tới. Tần Xương liền cung kính đưa cho Đỗ Ung thay đổi, rồi từ giã Tịnh Tu và Bắc Hiệp mà trở lại Tần Gia trang, để Đỗ Ung ở tại thư phòng cho kêu học trò lại học. Nguyên vợ Tần Xương là Trịnh Thị, tuổi ước ba mươi có sinh được một đứa con trai tên là Quốc Bích tuổi vừa mười một. Lại có một vợ bé là Bích Thiềm và con hầu, đầy tớ rất đông. Trong đám ấy có một đứa lớn tên là Thể Phụng hầu hạ Trịnh Thị, và một đứa nhỏ là Thể Hà hầu hạ Bích Thiềm. Nhà ngoài thêm có bốn người trai giúp việc là Tấn Bảo, Chiêu Tài, Tấn Lộc, Tấn Hĩ. Tần Xương tuổi trạc tứ tuần song vẫn còn mẹ vú là Bạch Thị tuổi đã trên bảy mươi. Cả nhà gộp lại được gần ba mươi người. Tần Xương bình sinh ít đọc sách nên hối hận lắm, nay nhà giàu của dư, muốn lo cho Quốc Bích học hành may sau này rạng vẻ tông môn, để khỏi thẹn với tiếng đời chê trọc phú. Từ ngày rước thầy về nhà Tần Xương có ý mừng rỡ, thường đãi đằng rất chu đáo, khi có việc đi đâu thường hay căn dặn vợ hoặc liễu hoàn Thể Hà phải lo liệu tử tế. Ngày nọ Tần Xương có việc đi khỏi, ở nhà con Thể Hà nấu cơm sai người bưng tới thư phòng cho Đỗ Ung. Bích Thiềm liền lén đi theo, đứng ngoài để mắt vào kẽ vách ngó lên, thấy Đỗ Ung hình dung tuấn tú, tuổi còn măng, phút động lòng tà. Dịp đâu may mắn cho Bích Thiềm, cách ít lâu Tần Xương cho Đỗ Ung nghỉ dạy nửa ngày, rồi đem Quốc Bích đi thăm bà con. Bích Thiềm nghe tin ấy mừng lắm, chờ Tần Xương đi rồi, bèn tự mình nấu cơm và nấu vài món đồ ăn rất ngon sai con Thể Hà bưng qua phòng cho Đỗ Ung. Một lát Thể Hà trở lại, Bích Thiềm hỏi nó rằng: "Tiên sinh làm gì trong ấy?". Thể Hà đáp: "Đương đọc sách". Bích Thiềm hỏi: "Có nói chuyện gì không?". Thể Hà nói: "Tiên sinh hỏi sao bữa trước gia đồng bưng cơm, mà bữa nay tôi lại bưng cơm sớm vậy? Hỏi như vậy rồi bưng để lại một bên chớ không ăn". Bích Thiềm lấy làm lạ hỏi rằng: "Sao lai không ăn?". Nói đoạn đi hớt hải tới thư phòng, đứng ngoài xoi giấy dán cửa đưa mắt vào xem, thấy đồ ăn vẫn còn y nguyên, bèn giả ho một tiếng. Đỗ Ung nghe ho cất đầu lên ngó, thấy giấy dán cửa rách một lỗ, có người con gái kê mắt dòm lén, bèn hỏi: ”Ai đó vậy?" Bích Thiềm đáp: "Đố biết là ai!". Đỗ Ung nghe tiếng đáp có hơi lả lơi mất tao nhã nên nói: "Đây là nơi thư phòng, không được tới làm rộn như vậy". Bích Thiềm đáp: "Thiếp biết tiên sinh thế nào cũng chẳng rõ, vậy xin tỏ cho tiên sinh tường. Thiếp sánh với phu nhân Trình Thị thời không bằng, mà sánh với liễu hoàn lại cao hơn. Nay Viên ngoại không có ở nhà, e tiên sinh buồn nên tới đây tương hội". Đỗ Ung nghe nói cả giận gắt rằng: "Đừng có nói như vậy, phải mau mau đi khỏi chỗ này!”. Bích Thiềm đáp: "Sao tiên sinh chẳng hiểu việc đời như vậy! Thiếp có lòng tưởng tới, nỡ đành cô phụ hay sao? Đây là chút tình xin tiên sinh nhớ giữ". Đỗ Ung giận lắm nạt rằng: "Thật không chịu đi khỏi đây hay sao? Ta la lên cho mà coi? " Dứt tiếng thời Bích Thiềm đã đi khuất bóng. Đỗ Ung thấy quang cảnh như vậy vừa giận vừa buồn, nằm nghĩ rằng: "Rất tiếc lòng tốt của Viên ngoại hậu đãi ta rất tử tế, thế mà một đứa hèn hạ như vậy làm hư hoại cái lòng tốt của người, ta khó ở đây được nữa". Tần Xương về tới nhà, thay xiêm đổi áo xong đi thẳng vào thư phòng, thấy một bên có mâm đồ ăn còn y nguyên mà Đỗ tiên sinh thời mặt giận đằm đằm, lấy làm lạ, vừa muốn ngồi xuống bỗng thấy trong chân vách có vật nháng sáng, bèn cúi lấy xem, té ra đó là chiếc nhẫn của đàn bà. Tần Xương liền quay mình trở ra khỏi thư phòng, không thốt một tiếng, vừa đi vừa xem kỹ, thời chiếc nhẫn ấy là vật của Trịnh Thị, máu giận vì thế mà sôi, lửa ghen vì thế mà phát cháy, vội vàng đi riết lại ngự phòng chỉ mặt Trịnh phu nhân mà rằng: "Mi là đồ nhơ nhuốc, dám làm bại hoại gia phong. Tao bảo mi khoản đãi tiên sinh là gói ghém cơm thịt, chớ có phải bảo mi đem cả thân xác tới thư phòng mà đãi tiên sinh hay sao?". Trịnh phu nhân thấy không có chuyện gì mà đất bằng nổi sóng, ngơ ngẩn mà rằng: "Ai nói với mình rằng tôi tới thư phòng?”. Tần Xương nói: "Có chiếc nhẫn làm bằng cớ đây " Trịnh phu nhân tiếp lấy rồi nói: "Quả vật này là của tôi, song có hai chiếc, một chiếc tôi đeo, một chiếc cho Bích Thiềm!”. Tần Xương nghe nói sai Thể Hà đi kêu Bích Thiềm. Giây lâu thấy Bích Thiềm đầu tóc tơi tả còn Thể Phụng thời vừa khóc vừa đi tới. Bích Thiềm nói rằng: "Con Thể Phụng lén cắp chiếc nhẫn của thiếp, đem bỏ trong thư phòng tính mưu hại thiếp!”. Thể Phụng nói: "Tôi nào có vào phòng dì bao giờ mà ăn cắp, đó rõ là dì đi vào thư phòng, bây giờ đổ thừa cho tôi. Hai đàng cãi cọ nhau um sùm lên, Tần Xương không biết ai phải ai trái. Bà vú Bạch Thị cùng Trịnh phu nhân thấy vậy liền nghĩ ra một kế, nói nhỏ với Tần Xương rằng: "Phải làm như thế... như thế... ". Tần Xương y lời bèn phân giải lơ là cho êm chuyện. Tối lại, tới canh hai, Tần Xương đi với bà vú đến thư phòng, thấy đèn vẫn chưa tắt. Đỗ Ung còn thức, bà vú liền gõ cửa hỏi: ”Tiên sinh chưa ngủ sao?!”. Đỗ Ung hỏi: "Còn chuyện gì đó nữa?". Bà vú nói: “Tôi là bà già ở trong phòng của cô hai (chỉ Bích Thiềm), nhân Viên ngoại đã ngủ rồi, nên cô hai sai tôi tới đây rước tiên sinh vào phòng có chuyện". Đỗ Ung nói: "Bà nói đó là nghĩa gì? Ban ngày đứng ngoài lỗ vách nói những câu lơi lả, mà bây giờ lại nói thế nữa, ý muốn tôi từ nhà này mà đi sao chớ?". Tần Xương nghe rõ liền bảo bà vú thôi, cùng trở lại nhà sau. Tần Xương nói rằng: "Cứ như lời mà suy, thì quyết chắc Bích Thiềm chẳng sai. Con ấy đã làm nhơ nhuốc như vậy còn dùng nó vào đâu nữa, ta phải giết nó cho rồi". Bà vú nói: "Không được, nếu đem nó ra mà giết e mang tội sát nhân, và tiếng xấu khó chuộng, chi bằng dọn nhà bỏ trống ngoài hoa viên giam nó vào đó, bỏ cho nó chết đói thời không hệ lụy gì". Tần Xương khen phải. Sáng ngày sau, Tần Xương dạy Tấn Bảo dọn nhà bỏ không ngoài vườn đem Bích Thiềm ra giam tại đó cấm không cho ai đem cơm nước cho ăn uống, để cho đứa lẳng lơ ấy chết đói cho rồi đời.