Trương lão đáp: "Khách quan bất tất phải để nhiều tiền như vậy, cháu còn nhỏ mà ăn uống bao nhiêu, dẫu bao nhiêu đi nữa, tôi cũng nguyện liệu lý cho". Hàng Chương năn nỉ đôi ba lần Trương lão mới chịu lấy, rồi căn dặn Cửu Như, ủy thác với Trương lão cặn kẽ rồi từ giã đi lên Khánh Châu. Cửu Như nương náu nơi ấy cũng được yên thân. Nói về Bao Hưng vâng lệnh Bao tướng đưa Phương tiên sinh và tiểu thư Ngọc Chi về huyện Hợp Phì. Công việc đã xong bèn từ tạ Thái lão gia và Thái phu nhân mà về phủ. Dọc đường đi ngang qua một chỗ nọ, cây cối um tùm cửa nhà cao lớn. Bao Hưng nghĩ thầm rằng: "Chỗ này là nhà của ai mà lầu cao gác kín như thế?”. Đương con suy nghĩ con ngựa vụt sinh chứng nhảy cất lăng xăng, liệng Bao Hưng xuống đất rồi đâm đầu chạy vào nhà ấy. Tùy tùng lật đật chạy tới đỡ. Bao Hưng bảo rằng: "Mi mau mau chạy vào nhà bắt ngựa lại, để ta ở đây giữ hành lý cho". Người ấy vâng lời đi vào, một lát chạy ra nói rằng: "Trên đời chưa thấy ai mà nói trái lẽ như bọn này. Tôi chạy theo tới cửa, thấy có một người tay cầm thương đón bắt ngựa mình lại, tôi liền bước tới nói đầu đuôi rồi xin giao cho tôi. Người ấy nói: Mi nói nghe phát ghét, tao vừa nhắm chim đậu trên cây mà bắn, bị con ngựa mi làm cho chim sợ bay ráo, nếu mi muốn đòi ngựa thì phải bồi thường cho đủ số chim đậu trên cây cho ta, bằng không phải đem năm chục lượng bạc tới chuộc, mi chưa biết phép ở Thái Tuế trang hay sao? Người ấy nói rồi dắt ngựa vào nhà". Bao Hưng nghe nói hỏi rằng: "Ai làm quan cai trị chỗ này?". Y đáp: "Đây nguyên là huyện Nhân Hòa, quan huyện tên là Kim Tất Chánh". Bao Hưng liền ra mắt quan huyện đem việc mình đi ngang Thái Tuế trang bị đoạt ngựa thuật lại. Kim Tất Chánh nói: "Ti chức tới đây cũng khá lâu, vẫn biết đó là nơi hang ổ gian tà, hằng muốn tiễu trừ, song vì bọn dưới quyền kém cỏi nên không được như nguyện, ấy là tội tại ti chức". Nói đoạn sai thư lại đi tới Thái Tuế trang đòi ngựa. Thư lại đi rồi, quan huyện liền đem Nhan Xuân Mẫn, xưng là bạn thân của mình và hỏi thăm ở triều ra thế nào? Bao Hưng đáp: "Nhan tiên sinh là người tài ba, Tướng gia mến lắm, nay tuy còn ở viện Hàn lân, nhưng có lẽ ít lâu sẽ được thăng trật”. Kim Lệnh nghe nói mừng lắm, viết thư cậy Bao Hưng đưa giúp cho Nhan tiên sinh, Bao Hưng ưng nhận. Đương lúc nói chuyện, bỗng thấy tên thư lại khi nãy trở về nói với Kim Lệnh những gì không rõ, mà Kim Lệnh vội vàng đứng dậy nói với Bao Hưng rằng: "Ti chức đã có phái người đến Thái Tuế trang bắt ngựa, song chưa thấy về, e chậm chạp mà trễ nải việc công, nên đã lựa một con ngựa khác rất tốt cho công sai cưỡi, chừng nào bắt được ngựa nọ sẽ sai người đem tới". Nói chưa dứt lời sai dịch đã dắt ngựa tới, yên cương đủ cả, Bao Hưng từ tạ quan huyện lên ngựa ra đi. Đi một đoạn bạn đường kêu đói, Bao Hưng cũng kiến cắn ruột bèn cùng nhau vào quán cơm bên đường tên là lầu Hội Tiên. Hai người ngồi yên, nhìn qua bàn bên kia cũng có hai người ngồi, một người mặt xanh râu đỏ, còn một người tuổi trẻ anh tuấn, đều lộ vẻ hào khí dễ khiến cho người nhìn thấy phải đem lòng tuyển mộ. Nguyên người mặt xanh râu đỏ ấy là Bắc Hiệp Âu Dương Xuân, người ta thường kêu là Tử Nhiêm Bá, người trẻ tuổi anh tuấn là Song Hiệp Đinh Triệu Lang. Hai người xưa nay vẫn nghe tiếng nhau, nay ngẫu nhiên gặp gỡ bèn mời vào quán uống rượu. Bao Hưng vừa kêu nhà hàng đem rượu thịt tới thấy dưới lầu đi lên một thầy một tớ nữa, thầy thời còn trẻ tuổi trạc hai mươi, tớ thời đã đứng tuổi chừng năm mươi, ngồi đối diện với hai người kia. Kế lại có một người khác nữa đi lên, tay dắt một đứa nhỏ đương khóc nỉ non, người ấy lại ngồi ngay trước mặt Bao Hưng. Ngồi vừa yên, có một ông già nhớn nhác tới quỳ trước mặt người ấy mà năn nỉ rằng: "Tôi thiếu tiền ngài thế nào cũng trả đủ chớ chẳng dám để thiếu đâu, song nay chưa lo kịp, chớ thế nào cũng lo cho tròn. Còn như đứa nhỏ này nó còn khờ dại lắm, ngài bắt nó cũng không làm gì". Người ấy không thèm trả lời, giây lâu thấy ông già năn nỉ quá mới mở miệng rằng: "Tôi bắt nó đem về, chừng nào ông có đủ tiền trả sẽ nhận lại nó". Ông già nói: "Đứa nhỏ này chẳng phải con tôi, nó là cháu của một vị khách qua đường gởi gấm cho tôi nuôi dưỡng, nếu ngài bắt nó đi, người khách ấy trở lại hỏi, thời tôi biết liệu làm sao? Xin ngài mở lượng hải hà thả đứa nhỏ trở về, tôi xin hẹn ba bữa sẽ bán đồ đạc đem đủ số nợ tới trả". Người ấy đáp: "Ông cứ về bán đi, ba bữa sẽ đem tiền đến chuộc nó!”. Ông già ấy chưa biết nói sao thấy người tớ già ngồi bàn bên kia bước tới nói với người ấy rằng: "Tướng công tôi xin có chuyện nói cùng chứ”. Người ấy đáp: "Ta với tướng công mi có quen biết gì mà nói chuyện". Dứt lời, tướng công kia bước tới nói với người ấy rằng: "Tiểu sinh là Nghê Kế Tổ xin hỏi Tôn huynh rằng có chuyện chi mà lôi thôi với ông già kia?". Người ấy nói: "Nguyên ông ta có thiếu nợ chủ tôi, lâu rồi mà chưa trả, nên nay tôi bắt đứa nhỏ này về cho chủ tôi cầm làm chắc và buộc ông ta phải lo chuộc, đó là chuyện riêng của người, tướng công cần gì phải can thiệp tới". Nghê Kế Tổ nói: ”Nói vậy thời chú làm chủ quản đi đòi nợ cho chủ phải không? Vậy chớ ông già thiếu bao nhiêu tiền?". Người ấy đáp: "Thiếu bạc vốn năm lượng, đã ba năm chưa trả lời, tính cả thảy hai chục lượng". Ông già nói: "Tôi có trả chút ít rồi mà?". Người ấy nói: “Ông có trả hai lượng mà thôi!”. Hai vị anh hùng nghe nói cũng chen lời vào rằng: "Vậy thời chỉ thiếu có mười tám lượng, sao lại nói tới hai chục lượng?". Nghê Kế Tổ thấy hai vị ấy có sắc giận liền can rằng: "Chuyện nhỏ nhặt, nhị vị tất phải nhọc lòng". Nói rồi bảo người tớ già trả tiền và đòi giấy nợ xé đi. Người lĩnh được bạc liền xuống lầu đi thẳng. Bao Hưng thấy đứa nhỏ khỏi bị bắt liền đưa bánh cho ăn, còn ông già lạy tạ ơn Nghê Kế Tổ. Kế Tổ lật đật đỡ dậy và hỏi rằng: "Chẳng hay lão trượng tên họ là chi?". Ông già đáp: "Lão hán họ Trương tới đây mở tiệm bánh đã ba năm rồi, trước có vay của Mã viên ngoại ở Thái Tuế trang năm lượng bạc, mới tháng trước đây có trả hai lượng, thế mà Viên ngoại cứ tính gộp lời vốn là hai mươi lượng thành ra phải nhọc lòng ân nhân bố thí, ơn ấy biết lấy chi đền. Vậy chẳng hay ân nhân đi đâu mà ghé bước lại đây?" Nghê Kế Tổ đáp: "Tôi muốn lên Đông Kinh chờ năm tới ứng khảo". Đinh Triệu Lang thấy hai người đã dứt câu chuyện bèn mời Trương lão cùng ngồi uống rượu. Trương lão thấy Đặng Cửu Như ăn bánh với Bao Hưng thời yên lòng liền ngồi lại. Đinh Triệu Lang vừa ngồi uống rượu vừa hỏi lai lịch của Mã viên ngoại ở Thái Tuế trang. Trương Lão bèn đem việc Mã Cang ỷ thế quan Tổng quản Mã Triêu Hiền, hoành hành ngang ngược, lại có ý làm phản nữa, thuật lại một lượt. Triệu Lang cật hỏi hẳn hoi, còn Bắc Hiệp là Âu Dương Xuân dường như không để ý tới. Bây giờ chủ tớ của Nghê Kế Tổ ăn uống xong xuôi đứng dậy từ giã xuống lầu. Trương Lão cũng kiếu tạ đi lại chỗ Bao Hưng ngồi. Ai dè Bao Hưng đã dỗ Đặng Cửu Như mà hỏi cả nguyên ủy rồi, bất giác vui mừng hớn hở nghĩ thầm rằng: "Lúc ta đi đây, Tam công tử có cậy ta dò kiếm Đặng Cửu Như, nay lại gặp tình cờ như vậy thiệt là may mắn quá lắm”. Nghĩ xong, thấy Trương lão bước tới bèn ngồi lại cùng nhau dùng cơm. Ăn uống xong Bao Hưng theo Trương lão về tiệm bánh, đem cả lai lịch thuật lại và xin rước Đặng Cửu Như về kinh, lại mời Trương lão đi theo.