Căn nhà đơn sơ của Hồ ly già trống trải và đầy những ánh sao, cuộc sống cô đơn nhiều năm khiến bà ta trở nên dễ xúc động và bị quá khứ ám ảnh. Hồ ly già nói: Giống loài Hồ ly chúng ta quý nhất là cái đuôi và cũng dùng cái đuôi để phân biệt đẳng cấp. Đuôi càng nhiều và càng đẹp, càng nhiều màu thì càng tỏ ra cao giá. Nghe kể cụ tằng tổ nhà ta đã từng có đến mười một đuôi nhưng tận mắt ta chứng kiến thì chỉ một người có chín đuôi với đủ chín màu khác nhau là Cửu Vĩ Thiên Hồ. Lúc đó bà ta là cung chủ của Chiêm Tinh Thành, còn ta thì ngay từ bé lại thích phiêu lưu trên đại mạc. Bà ta có vẻ mơ màng: Hồi đó ta rất đẹp, biết bao vương tôn công tử, phú gia, hào kiệt phủ phục dưới chân ta… Ta cũng rất biết dùng nhan sắc của mình để mê hoặc họ, vì thế bọn Địa hồ rất căm ghét ta, nhất là Cửu Vĩ Hồ Ly bày đủ trò để hãm hại nhưng bọn chúng làm sao cao tay hơn ta được. Tuy là Thiên hồ nhưng ta không thích mặc áo trắng mà lại thích mặc xiêm y màu xanh tha thướt nên có biệt danh là Ngọc Diện Thanh Hồ. Vương Việt không ngờ mỹ nhân danh tiếng hồi xưa nay lại tàn úa như thế này, Hồ ly già kể tiếp: Không ai biết rằng ta và Cửu Vĩ Thiên Hồ lại là hai chị em song sinh giống nhau như hai giọt nước, chỉ có một khác biệt là Cửu Vĩ Thiên Hồ đuôi có chín màu còn ta thì chỉ có bảy màu, vì thế lúc đó ta luôn thầm ganh tỵ với bà ấy. Khi Cửu Vĩ Thiên Hồ xuất hiện trên Con Đường Tơ Lụa thì rất nhiều người nhầm bà ấy với ta, có điều tính cách giữa hai bọn ta lại khác nhau một trời một vực. Ta bản tính lạnh lùng, chỉ dùng bọn đàn ông làm phương tiện, còn Cửu Vĩ Thiên Hồ tính lại đa cảm, đã yêu ai thì yêu tha thiết. Bà ta đã đẹp tuyệt vời, võ công lại cao siêu nên làm giang hồ chao đảo, trong đó có một người tên Điền Cương, giáo chủ Ngũ Độc Giáo, một kiếm khách sử một thanh kiếm màu đen gọi là Vô Danh Kiếm Khách và một người nữa rất đẹp trai nhưng vô cùng thâm độc tên Bạch Thiên Trường, sau này trở thành kẻ đứng đầu Ngũ hành thần với ngoại hiệu là Kim Tài Thần… Hồ ly già nói đến đó thì ngừng lại như chìm vào dĩ vãng, Hồ cung chủ và Vương Việt cũng trầm ngâm yên lặng. Hẳn đây là một cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Những vì sao dường như cũng lắng nghe lời kể chuyện, những chùm hoa sao tỏa hương thơm ngào ngạt, Vương Việt cảm thấy tâm hồn lâng lâng kỳ lạ, vừa vui vừa buồn… Hồ ly già lại kể tiếp: Lúc đó ta chìm đắm trong những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng, những hỷ, nộ, ái ố của thế nhân điên đảo với những người đàn ông vào hàng bậc nhất trên Con Đường Tơ Lụa. Trong số họ người làm ta mê đắm là Điền Cương, ban đầu ta chỉ định đùa chơi, vì ta biết y đến với ta chỉ vì ta giống Cửu Vĩ Thiên Hồ, nhưng ta thì lại háo thắng, muốn chinh phục những gì mà Cửu Vĩ Thiên Hồ có được mà không biết rằng đó là nguồn gốc của mọi tai họa sau này… Bà ta nói đến đó thì lại khóc nấc, Hồ cung chủ phải hết lòng an ủi còn Vương Việt thì mệt mỏi đành bỏ ra ngoài, nước mắt nữ nhân là thứ mà chàng cảm thấy khó đối diện nhất. Bên vườn hoa thấp thoáng một bóng đen, ở Chiêm Tinh Thành mọi người đều mặc đồ trắng, bóng đen đó nhất định là Bạch Cốt Tinh rồi. Bạch Cốt Tinh nói “Ngươi hẳn đã tìm được niềm đam mê mới” Ai nói Bạch Cốt Tinh không biết ghen thì họ lầm to. Vương Việt gượng cười “Đam mê thì chắc là không, nhưng say mê thì có” Bạch Cốt Tinh tỏ ra lo lắng “Ngươi say mê điều gì?”. Vương Việt “Say mê một bà già kể chuyện”. Bạch Cốt Tinh phì cười “Ta cũng muốn thử nghe xem điều gì mà làm say mê một kiếm thủ như ngươi được”. Hồ cung chủ cũng đã ra đến bên ngoài, bà nói “Bà già đã ngủ rồi, chắc quá khứ làm bà ta mệt mỏi… sáng mai chúng ta hãy đến nghe kể tiếp”. Khi phiêu bạt trên Con Đường Tơ Lụa, Vương Việt đã từng nghe đến tên Ngọc Diện Thanh Hồ, chàng không thể tưởng được khi sa cơ người ta lại có thể suy tàn như thế. So với Bạch Cốt Tinh bây giờ thì Ngọc Diện Thanh Hồ ngày xưa đâu có kém gì. Nhan sắc của người đàn bà là điều kỳ diệu nhất của tạo hóa nhưng đáng tiếc nó cũng là thứ dễ phai tàn nhất. Chàng nhìn một chùm hoa và nói “Những chùm hoa sao này khác với những đóa hoa dưới mặt đất ở chỗ chúng không bao giờ phai tàn”. Hồ cung chủ bình thản nói “Có chắc là không bao giờ phai tàn lại tốt hơn sự tàn phai? Có sinh thì phải có tử, có trẻ trung thì phải có già nua… Điều đó mới làm con người nuối tiếc và ghi nhớ, làm con người trưởng thành và bỏ bớt cái gọi là tham, sân, si…”. Vương Việt không ngờ Hồ cung chủ lại suy nghĩ sâu xa như vậy, bà ta lại nói tiếp “Con người thường mơ đến Niết Bàn, một nơi không có sinh, lão, bệnh, tử… có thể trẻ trung, tươi đẹp mãi. Nhưng Niết Bàn là gì? Khi con người còn còn tham, sân, si… còn thù hận, ganh ghét thì có thể nhận thức được Niết Bàn hay không? Phải chăng Niết Bàn là sự vượt thoát mọi khái niệm về thời gian, không gian... Niết Bàn là hư vô, hay là một thực tại siêu việt không thể nhận thức được…? Như mọi người, Tiêu Vong Trần cũng đến một làng chài, một làng chài như bao làng chài khác, có vài chục nóc nhà đơn sơ rách nát, có bãi cát dài và những tấm lưới cũ kỹ, khắp nơi đượm mùi cá khô nồng nặc. Như mọi người, y cũng ngồi trong một cái quán nhỏ sát ngay bờ biển. Tuy là một cái quán nhỏ nhưng nó lại có cái biển tên khá dài “Thanh Nam Lữ Hương Quán”, chủ quán là một cô nàng khá đẹp, ngực to mông nở, điệu bộ rất lả lơi khêu gợi. Tiêu Vong Trần ngồi trong một góc khuất, chẳng ai buồn để ý đến y, ngay cả cô chủ quán cũng vậy. Ai mà thèm quan tâm đến một kẻ có nhân dạng tầm thường, quần áo lại tồi tàn, nhìn sơ là biết thuộc hạng nghèo rơi cả… dái. Quán được thắp sáng bằng một ngọn đèn chống bão rất cổ, có lẽ tuổi của nó lớn hơn nhiều lần tuổi của cô chủ. Hôm nay quán có vẻ đông hơn bình thường, đã có khá nhiều thực khách. Đến nửa đêm quán lại càng đông hơn. Những người này đều khoác áo bào, đeo dây đai to bản với đủ hình thù kỳ dị, kẻ thì đầu trọc, người thì tóc dài đến lưng, đao kiếm đầy mình, họ có vẻ như cùng một nhóm và tỏ ra nôn nóng. Một người to lớn, tóc tết thành lọn, mặt đỏ, có bộ râu quai nón rất uy vũ cất tiếng “Lữ Hương, sao giờ này họ còn chưa đến?”. Lữ Hương té ra là tên cô chủ quán, cô ta đến bên ngọn đèn bão vặn lớn hết cỡ và nói “Họ đã đến rồi”. Bên ngoài quả nhiên có một chiếc kiệu dừng lại. Một người đàn bà bước xuống. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào bà ta, bởi vì đó là một người mà ai cũng biết, nhưng không hiểu tại sao lại mò tới cái quán nhỏ bé này. Trúc Mẫu. Đúng là Trúc Mẫu. Bà ta điềm nhiên đi vào quán, tiến thẳng đến chiếc bàn, ngồi đối diện với người đàn ông râu quai nón. Mọi người dường như nín thở, không khí đột nhiên chìm vào thinh lặng. Bên ngoài lại có một cỗ xe dừng lại, trên xe bước xuống một người cao sừng sững, khoác áo gấm màu nâu sậm không thể che khuất chiếc đai to bản quấn quanh bụng bằng vàng ròng khảm ngọc Sapphire xanh biếc. Kẻ mới đến làm không khí trở nên ngột ngạt. Sài Đảo. Chính là Sài Đảo. Kẻ mới nổi lên trên chốn giang hồ, nghe đồn y đã trở thành phú gia giàu có bậc nhất trên Con Đường Tơ Lụa. Chiến tranh làm một số người nghèo đi, chết chóc, nhưng cũng làm một số ít trở nên vô cùng giàu có. Đi cùng với Sài Đảo là một người đàn bà mặc chiếc áo vàng dài sọc – Huỳnh chủ Tân Hồng Điệp. Sau khi Ngũ Độc Giáo tan rã, con “Bò cạp núi” đã nhanh chóng về đầu quân cho Sài Đảo, là một dâm nữ với sắc đẹp mê hồn và tài dụng độc nên ả được y trọng dụng ngay, chất độc Đoạn hồn tán đã ám hại Từ Mục Phong hẳn là từ đây mà có. Cặp mắt đen sì với hàng mi dài của ả không ngừng liếc ngang liếc dọc, khi nhìn đến Lữ Hương thì dừng lại, nở một nụ cười khinh miệt. Lữ Hương chẳng buồn quan tâm đến ả, cầm chiếc đèn bão ra ngoài cửa quán khua thành những vòng tròn, xa xa ngoài biển cũng có ánh đèn đáp lại. Cô ta trở vào và nói “Chiến thuyền đến rồi, đang cập bến”. Trúc Mẫu vụt nói “Vậy chúng ta hãy cùng ra ngoài…”. Trong thoáng chốc quán trở nên vắng ngắt, chỉ còn Tiêu Vong Trần ngồi khuất sâu trong góc, y vẫn ngồi yên như vậy, gương mặt chẳng có cảm xúc gì”.