- 31 -

Khoảng hơn trăm năm về trước trên đỉnh Thiên sơn xuất hiện một chàng trai trẻ, chàng chuyên cần luyện kiếm hơn ba mươi năm, trở thành một trong những Đạo gia bậc nhất về kiếm ở Thiên sơn hồi đó.
Nhưng đạo sĩ vẫn chưa thỏa mãn, ông bỏ đến một vùng núi hoang vu, cao ngất để luyện một công phu kỳ lạ chuyên tụ hội linh khí đất trời, tập hợp tinh hoa nhật nguyệt. Sau một thời gian không biết là bao nhiêu năm, đạo sĩ trở nên như một hư ảnh, thoắt ẩn thoắt hiện, lướt đi như một tia nắng ban mai. Ông không luyện kiếm nữa mà chuyển qua luyện đao, khi thi triển đao và thân hợp nhất, trở thành một hư ảnh trùng trùng không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là không, đâu là có…
Thứ đao pháp này khởi nguồn từ kiếm nên nó vừa nhẹ nhàng, sắc bén… lại vừa dũng mãnh phi thường. Nó là sự kết hợp tinh hoa cả đao lẫn kiếm, có thể sử đao như kiếm và sử kiếm như đao… quả là một thứ đao pháp vô tiền khoáng hậu. Đạo sĩ xuống núi và tất nhiên là không có đối thủ, sau một thời gian tung hoành trên giang hồ ông về lại Thiên sơn ẩn cư không còn dính đến trần thế nữa.
Khi Vương Việt đến làng Thanh Bình thì cái xác không đầu của Ngưu Đầu Đà vẫn còn sóng xoài trên bãi cát, quả tim của Xà Đao Lương Phán còn chình ình trên bàn và cái đầu của Thiết Thủ Vô Thường còn lông lốc trên mặt đất, con mắt chột của y dường như vẫn hấp ha hấp háy...
Ông lão trưởng làng vẫn chưa qua cơn khiếp sợ, nhìn Vương Việt với vẻ nghi ngại.
Làng Thanh Bình không còn thanh bình nữa.
Nhìn qua là Vương Việt đã hiểu sơ vấn đề, chàng chỉ thắc mắc là cao thủ nào có thể ra tay một cách thần sầu quỷ khốc như thế?
Ông lão nói không lên lời, đứa bé vẫn còn bất tỉnh trong vòng tay của người mẹ, dân làng vẫn còn núp trong nhà chưa dám ló ra.
Vương Việt hướng ra bờ biển, làn sóng vỗ vào bờ nhè nhẹ, gió từ xa khơi thổi về mát rượi. Phía xa xa trên một tảng đá thoáng thấy một đạo sĩ đang ngồi.
Đạo sĩ râu tóc bạc trắng, ánh mắt sáng quắc trong màn đêm đen.
Ông ta nhìn Vương Việt chằm chằm.
Vương Việt nhớ đến Kim Quy Lão Nhân, đạo sĩ này xem ra cũng thần bí không kém. Chàng nói “Phải chăng ông là Hư Ảnh Bạch Hạc?”.
Đạo sĩ cũng nói “Còn ngươi có phải là một kiếm thủ mới nổi danh có tên Thần Kiếm Vương Việt?” - Ông ta vừa dứt lời thì dường như đã đứng ngay trước mặt.
Đạo sĩ mảnh dẻ như một con hạc, sống mũi khoằm khoằm như mỏ hạc, cánh tay vươn cao như cánh hạc. Trong bộ đồ màu trắng nom ông ta giống hệt một con hạc trắng.
Cao nhân thường ẩn không lộ tung tích, nhưng khi chuyển mình là định càn khôn. Hư Ảnh Bạch Hạc nổi tiếng giang hồ mấy chục năm về trước, bây giờ lại xuất hiện ở đây.
Vương Việt nói tiếp “ông là một chân nhân đã trừ hại cho dân làng”.
Hư Ảnh Bạch Hạc lắc đầu quầy quậy “Ta chẳng là chân nhân cái gì hết, chẳng qua là chỉ muốn… thử đao mà thôi”.
Vương Việt nhận thấy đạo sĩ này tuy tu hành đã lâu nhưng tà khí vẫn còn ẩn hiện, khác hẳn thần sắc của Kim Quy Lão Nhân hay nhà sư khất thực. Người tu hành mà đi lạc đường thì dù có tu cả trăm năm cũng vẫn còn chưa giác ngộ, vẫn còn mãi luẩn quẩn trong vòng thế tục.
Hư Ảnh Bạch Hạc giơ thanh đao lấp lánh lên nói tiếp “Ta muốn giao đấu cùng Tâm kiếm”.
Lâu lắm rồi Vương Việt lại nghe câu nói này một lần nữa.
Câu nói này làm chàng bỗng dưng nhớ lại…
Đó là một buổi chiều mưa rơi tầm tã, Vương Việt người ướt đẫm khi bước vào cái quán nhỏ tồi tàn, con ngựa của chàng cũng thế và thanh kiếm của chàng cũng vậy.
Chàng chọn một cái bàn nhỏ ngồi húp một tô canh nóng.
Trong lúc ướt lạnh mà được húp tô canh nóng thì còn gì bằng?
Nhưng Vương Việt mới chỉ múc được vài muổng thì cửa quán lại có thêm một bóng người, một người mặc trường bào màu xám, cái nón rộng vành che gần nửa gương mặt, tiếng nói của y nghe lạnh như nước đá “Chủ quán, ta muốn biết chủ nhân của con ngựa đen cột đằng trước cửa?”.
Chủ quán chỉ tay về phía Vương Việt, người đó nhìn về phía chàng bằng cặp mắt sắc lạnh, y nói “Ta chờ ngươi ở ngoài bờ sông”.
Lúc đó Vương Việt đã trở nên nổi tiếng, chàng vừa giết được hai tên đại gian đại ác là Ưng Bảo Chủ và Đại Hoạt Phật. Có khá nhiều cao thủ tìm đến chàng để báo thù cho đồng bọn, cũng có khi họ tìm đến chỉ để thách đấu.
Vương Việt đã nhận ra người này, chàng cố gắng húp thêm vài muổng canh nữa, canh nóng làm chàng bớt lạnh, bàn tay bớt run rẩy.
Chàng nghĩ người áo xám cũng nên húp một tô canh nóng khi phải dầm mưa một đoạn đường dài, nhưng y đã không còn ở đó.
Y đã đứng bên bờ sông, cái bóng cao gầy của y trải dài trên mặt nước.
Mưa vẫn còn rơi như trút, chưa bao giờ Vương Việt lại phải tỷ đấu trong cơn mưa như thế này.
Người áo xám nói “Chắc ngươi đã biết ta là ai”.
Vương Việt gật đầu.
Y là một kiếm thủ nổi tiếng vào hàng bậc nhất của thành Trường An, chuyên sử một cặp song kiếm có tên Câu kiếm.
Y là Câu Kiếm Tiêu Sơn.
Câu kiếm hình tròn, mũi nhọn, sở trường để đâm… thông thường kiếm thủ chỉ dùng một thanh, riêng Câu Kiếm Tiêu Sơn lại dùng hai thanh một dài một ngắn, một công một thủ. Cú đâm của Câu kiếm vô cùng khó đỡ vì nó cực nhanh, ai cũng biết là đâm thì khó tránh hơn là chém... Chỉ một cú lắc tay là Câu Kiếm Tiêu Sơn có thể đưa một người về địa phủ.
Y cũng nói “Ta muốn giao đấu cùng Tâm kiếm”.
Vương Việt nói “Ngươi đã suy nghĩ kỹ?”.
Tiêu Sơn nói “Ta không suy nghĩ, ta chỉ hành động”.
Câu kiếm tấn công nhanh như chớp giật, nó vẽ lên những vòng tròn biến ảo… kiếm pháp của Tiêu Sơn đã đến mức tuyệt luân, phong cách thi đấu của y cũng vô cùng tuyệt đẹp, biết bao cao thủ đã phải bỏ mạng dưới Câu kiếm, chỉ đáng tiếc lần này y lại gặp Vương Việt.
Vương Việt không muốn giết y nhưng y lại muốn giết chàng, chàng không còn lựa chọn nào khác.
Phiêu Tâm kiếm đâm thủng ngực Tiêu Sơn, y buông rơi cả hai thanh kiếm. Vương Việt muốn nghe Tiêu Sơn nói lời cuối cùng, chàng ghé sát tai vào miệng y “Ngươi muốn trăn trối điều gì không?” - Tiêu Sơn nói “Có kẻ thuê ta giết ngươi, ta không thể từ chối” – Y là một sát thủ, không thể từ bỏ một hợp đồng lớn. Y thều thào “Hãy đưa xác ta về cố hương…”.
Khi nhận hợp đồng giết Vương Việt hẳn là Tiêu Sơn có một nỗi khổ tâm nào đó, ân oán giang hồ là thứ ràng buộc không thể thoát ra, y không thể từ chối mặc dù biết là khó có thể thành công.
Kiếm thuật của y còn kém Vương Việt xa lắm.
Vương Việt mua một cỗ quan tài thật đẹp, chàng thuê một cỗ xe tứ mã và hai người tháp tùng, chàng nói với họ “Đây là một kiếm thủ ngay thẳng và nổi tiếng, cứ đưa y về thành Tràng An, ở đó sẽ có người tiếp nhận”.
Đó là điều duy nhất Vương Việt có thể làm cho Câu Kiếm Tiêu Sơn, sau này chàng luôn sợ những cuộc đấu như vậy, nó luôn vô nghĩa và tàn bạo.
Bây giờ chàng lại nghe câu nói này một lần nữa.
Và lần này cũng khó mà lẩn tránh.