Cửu Tử Hoàng Châu đứng sững bên Dòng kinh đen, cô ta nhăn mặt “Cái mùi thật kinh khủng, dân ở đây hàng ngày ăn uống, tắm giặt bằng thứ nước ô nhiễm từ dòng kinh này thảo nào đều ra nghĩa địa nằm cả”. Hoàng Châu thong thả đi về hướng nghĩa địa, xua đuổi những con chó hoang đang tru vô vọng. Vượt qua những bụi cỏ lau cao ngất, cô ta dừng lại bên một ngôi cổ mộ đen sì, tấm bia đá đen trơn trụi không một nét khắc vì thế không thể biết người dưới mộ là ai. “Kiếm khách áo đen đã ra người thiên cổ, còn thanh Cổ kiếm bây giờ không biết về đâu” – cô ta buông tiếng thở dài. Cửu Tử Hoàng Châu đứng đó thật lâu, cô ta thấy khá nhiều những nắm xương tàn nằm phơi vất vưởng, hẳn là xác thân họ đã làm mồi cho bầy quạ đói, bầy chó hoang. Nơi đây chắc đã diễn ra nhiều cuộc chiến, không hiểu nơi này có cái gì mà nhiều cao thủ lại về đây đánh nhau như vậy? Bỗng có tiếng quạ kêu tán loạn, Cửu Tử Hoàng Châu giật mình quay lại và thấy một bộ xương trắng hếu. Bạch Cốt Tinh. Trên vai Bạch Cốt Tinh là một thanh kiếm – Cổ kiếm. Hoàng Châu nói “Chính ngươi đã giết Thất Xích Thâu Hồn” Bạch Cốt Tinh nói “Từ vết đâm mà biết được thanh kiếm thì chỉ có một người, đó là Cửu Tử Hoàng Châu trong Cửu tinh mà thôi”. “Ngươi là chủ nhân của nơi này?” “Phải, đây chính là quê hương của ta”. Bạch Cốt Tinh là chủ nhân mới của Cổ kiếm, Cửu Tử Hoàng Châu đã hiểu vì sao nơi đây có nhiều hài cốt đến thế. Cổ kiếm có vô số kẻ thù và cái năng lực phi thường của nó cũng khiến vô số người thèm muốn. Bạch Cốt Tinh không muốn giết Cửu Tử Hoàng Châu, nàng hiểu cái thiên tài của Hoàng Châu không phải ở võ công mà là ở chỗ cô ta biết đánh giá võ công của mọi người một cách chính xác nhất. Hoàng Châu am hiểu cặn kẽ thập bát ban võ nghệ, hầu như tất cả các môn phái võ thuật và công phu khắp các châu lục, tất cả các loại binh khí từng hiện hữu trên thế giới này. Cô ta đã viết một quyển sách nổi tiếng có tên là “Thất Bảo Binh Khí”. Trong “Thất Bảo Binh Khí” thì hết năm món là thuộc về Ngũ hành thần rồi, chỉ còn hai thứ vũ khí là của người bên ngoài. Riêng về Kiếm thì Cửu Tử Hoàng Châu lại xếp riêng một nhóm, nàng đánh giá Kiếm là nguy hiểm bậc nhất nên viết riêng một quyển sách về nó. Bạch Cốt Tinh đã đọc quyển này và rất khâm phục, nàng thích nhất cái câu “Kiếm nguy hiểm bởi vì nó là một vũ khí có Tình” – Vì thế Hoàng Châu mới đặt tên quyển sách là “Thất Tình Kiếm”, là bảy thanh kiếm có linh hồn, trong đó có tên thanh Cổ kiếm mà nàng vẫn mang bên mình như hình bóng. Bạch Cốt Tinh hắng giọng: “Thanh Cổ kiếm này ngươi lại xếp thứ ba, hai thanh kiếm kia có gì nguy hiểm hơn nó?”. Cửu Tử Hoàng Châu nói “Có một thứ kiếm gọi là Vô hình kiếm, nó không có hình dạng, nó có thể phủ tràn ngập không gian và cũng có khi lại cô đọng thành một điểm – nó là kiếm khí không có hình bóng, vì thế nó là vô định không thể chống đỡ”. “Ai có thể sử dụng được nó?” – “Theo ta được biết thì không có ai cả, nghe đồn có một nhà sư từng sử dụng được nó người đời gọi là Đấu Chiến Thắng Phật”. “Còn thanh kiếm thứ hai nào có thể hơn được Cổ kiếm?” “Có một thứ kiếm nữa gọi là Vô tâm kiếm, người luyện kiếm khi đạt đến chỗ vô tâm, vô thức thì có thể dùng bất cứ thứ gì làm kiếm như lá cây, ngọn cỏ… Muốn luyện thứ kiếm này thì phải ở nơi thanh tịnh, xa lánh trần gian, phải lên tận đỉnh núi cao sương mù tuyết phủ hay phải ở trong thâm sơn cùng cốc. Phải gạt bỏ hết mọi dục vọng, mọi tranh đấu thì mới đạt đến cái gọi là không chiến tự nhiên thành”. “Ai có thể sử dụng được Vô tâm kiếm?” “Kẻ như Ngũ Hoàng Kim Phật quá tham lam độc ác thì không thể luyện thành Vô tâm kiếm được. Kẻ như Đại Hoạt Phật tham, sân, si, dâm có đủ nên phải chịu chết dưới tay Thần Kiếm Vương Việt, vì thế người sử được Vô tâm kiếm chỉ có thể là các đạo sư sống trên các đỉnh núi cao không có tên tuổi, họ đâu xuống trần gian mà làm gì?”. Trời đã ngả về chiều, cái ánh sáng vàng vọt phủ lên nghĩa địa hoang tàn càng trở nên thê lương cô quạnh, những tấm bia đá đổ bóng đen sì. Cửu Tử Hoàng Châu nói tiếp “Cổ kiếm song hành cùng loài người, nó có từ khi loài người xuất hiện ác tâm và vì thế nó vô cùng nguy hiểm và tàn độc. Khi nào loài người còn ác tâm, còn chiến tranh thì Cổ kiếm còn tồn tại, nó ghi nhớ tất cả lịch sử chiến tranh của loài người. Những thanh kiếm như Thần long kiếm, Phụng vỹ kiếm, Huyết ma kiếm đều phải đứng sau Cổ kiếm là vì thế”. Những con quạ đen lại kêu, những con chó hoang lại tru, những xác chết như đang rùng mình thức dậy. “Tên Vương Việt sử thanh kiếm gì?”. “Khác với Cổ kiếm có ánh sáng đen mờ mờ ẩn hiện, Vương Việt sử một thanh kiếm có ánh sáng trắng xóa gọi là Phiêu Tâm kiếm, nhiều khi nó còn được gọi là Tâm kiếm – một thứ kiếm luôn luôn đổi mới, luôn luôn rung động nên khó biết được là như thế nào… vì thế nó được xếp ngang hàng với Cổ kiếm, đôi khi trong nhiều trường hợp có sự hỗ trợ của một tình cảm mãnh liệt như tình yêu thì nó mạnh hơn thập bội. Những lúc như thế nó còn nguy hiểm hơn cả Cổ kiếm”. Những con quạ đen lại kêu lên rầm rĩ, những con chó hoang lại tru thê thiết, trong buổi chiều tàn không còn thấy bóng dáng Bạch Cốt Tinh đâu nữa, chỉ còn lại Cửu Tử Hoàng Châu ngồi cô quạnh bên ngôi cổ mộ.