Chỉ có một mình Radơmiốtnốp ra tiễn chân Đavưđốp đi xuống đội hai. Đavưđốp đi ghé chiếc xe chở lương thực thực phẩm từ kho nông trang cho thợ cày, các gia đình cũng gửi kèm cho chồng con quần áo lót và ít quần áo ngoài tập tàng.
Đavưđốp ngồi trên xe, buông thõng hai chân đi đôi bốt vẹt gót đã gả màu nâu, lưng gù xuống như một ông già và mắt hờ hững nhìn quanh. Dưới chiếc véttông khoác vai, góc nhọn đôi xương bả vai anh nhô hẳn lên. Đầu anh lâu rồi chưa cắt tóc và từ dưới chiếc mũ cátkét hất ngược ra sau gáy, những mớ tóc đen bò lan xuống cái cổ mập mạp đen xạm và cổ áo véttông cáu ghét của anh. Có một vẻ gì ơn ớn và thảm hại toát ra từ toàn bộ dáng dấp của anh…
Radơmiốtnốp nhìn anh, nhăn mặt lại như đau quặn, và thoáng nghĩ: “Con Luska nó làm cho cu cậu tả tơi đến ghê! Chà, cái con ranh con! Nó bỏ bùa cu cậu, mà lại là một cậu cứng cựa chứ bỡn đâu, thế nào mà đến nỗi người ta phát ngán không muốn nhìn nữa! Đó, tình yêu dẫn cánh ta đến nông nỗi ấy đó: đang là người biến thành cái xác ve”.
Hơn ai hết, Radơmiốtnốp có đầy đủ thẩm quyền để hiểu rõ “tình yêu dẫn ta đến nông nỗi nào”. Anh nhớ đến Marina Pôirkôva, đến vài chuyện tình tang khác, và thở dài chua chát, nhưng rồi lại mỉm cười vui vẻ, rảo bước đi đến trụ sở xôviết. Nửa đường anh gặp Maka Nagunốp. Vẫn với cái vẻ như thường lệ, khô khan, ngực ưỡn, hơi có tí phô trương cái điệu bộ nhà binh rất chính quy của mình, anh lẳng lặng chìa tay cho Radơmiốtnốp, và hất hàm chỉ về phía chiếc xe ngựa đang chạy đi dọc theo đường cái.
- Có trông thấy bộ dạng cha Đavưđốp không?
- Nom có gầy đi tí, - Radơmiốtnốp trả lời đánh trống lảng.
- Mình, khi mình ở tình cảnh như hắn, mình cũng rộc đi trông thấy. Nhưng hắn thì quá lắm, hèn yếu! Đút vào sáu tấm đi cho rồi! Hồi hắn ở nhà mình, hắn đã biết con mụ ấy là cái loại súng máy ác liệt như thế nào, đã tai nghe mắt thấy mình đấu tranh với cái giống phản cách mạng đầu gối tay ấp ấy như thế nào rồi, ấy thế mà đùng một cái, hắn chết thẳng cẳng! Hôm nay mình nhìn hắn và nói không ngoa, tim mình ứa máu: gầy tọp, nom như người chịu tội, mắt lấm la lắm lét, mà quần thì, khổ cái thân đời hắn, chả biết nó bám vào chỗ nào trên người hắn. Hắn đang chết dần chết mòn trước mắt chúng ta! Cái con vợ cũ của mình, hồi mùa đông đáng lẽ ta phải liệt nó vào loại kulắc và tống cổ đi cùng với thằng Chimôphây của nó đến vùng băng giá mới phải. Ở đấy nhiệt độ của nó may ra mới hạ được tí nào chăng.
- Cậu cũng biết chuyện à, mình không ngờ đấy…
- Hà! “Không biết”! Cả làng ai cũng biết, mà mình lại không biết sao? Mắt mù hay sao mà không biết? Đối với mình, nó lằng nhằng với thằng nào thì mình mặc mẹ nó, nhưng này, đồ đĩ rạc, đừng có đụng vào Đavưđốp của tao, đừng có hại người đồng chí thân thiết của tao! Đấy, vấn đề đặt ra lúc này là như thế đó!
- Giá cậu ngăn chặn trước đi. Sao cậu lại cứ im?
- Nhưng mình ngăn chặn thì không tiện tí nào! Biết đâu cậu ấy lại chẳng nghĩ mình can cậu ấy là vì ghen, hoặc vì cái chết tiệt gì khác. Nhưng cậu, cậu là người ngoài cuộc, sao cậu cũng lại im? Sao không nghiêm khắc cảnh cáo hắn?
- Cảnh cáo ghi lý lịch hả? - Radơmiốtnốp mỉm cười.
- Thế nào cũng có ngày hắn bị ghi lý lịch, nếu hắn vẫn cứ rũ rù rù thế. Nhưng hai chúng ta, Anđrây ạ, ta không thể trù trừ được nữa. Con Luska là một con rắn độc, dính vào nó thì cậu ấy sẽ chẳng kéo nổi đến cách mạng thế giới đâu, mà sẽ chết toi lúc nào không biết. Hoặc chả mấy bữa mà chuốc vào mình bệnh ho lao, hoặc cái bệnh giang mai lậu kén gì đó! Mình, khi cắt đứt với nó, mình thật cứ như được tái sinh: không còn nơm nớp mắc bệnh hoa liễu gì nữa, học tiếng Anh cứ băng băng, chẳng cần thầy, chỉ độc bằng đầu óc mình thôi mà vẫn đạt kết quả tốt; công tác của Đảng mình làm đâu ra đấy, mọi công việc khác mình cũng chẳng nề hà. Nói tóm lại, cảnh sống độc thân, mình được chân tay tự do, đầu óc sáng sủa. Còn trước kia sống với con ấy, rượu vốtka mình chẳng uống mà ngày nào cũng choáng váng như say. Đối với chúng ta, những người cách mạng, thì đàn bà, anh bạn ạ, đúng như thuốc phiện đối với nhân dân! Như mình thì mình sẽ ghi câu danh ngôn ấy vào điều lệ bằng chữ đậm, để mỗi đảng viên, mỗi người cộng sản thực sự, mỗi người cảm tình Đảng, mỗi ngày phải đọc lại ba lần trước khi đi ngủ và sáng dậy lúc bụng đói. Đến lúc ấy sẽ không còn thằng bố khỉ nào rơi vào cái cảnh khốn nạn như anh chàng Đavưđốp nhà ta bây giờ nữa. Cậu nhớ lại mà xem, Anđrây ạ, có biết bao nhiêu người tốt hẳn hoi đã bị điêu đứng vì cái giống đàn bà khốn kiếp ấy! Không sao đếm xuể! Vì bọn chúng mà xảy ra biết bao nhiêu chyện biển thủ, tham ô, biết bao nhiêu người biến thành rượu chè be bét, biết bao nhiêu anh em tốt bị kỷ luật Đảng, biết bao nhiêu anh chàng phải ngồi rũ tù. Thật đúng là cái giống tà ma ác quỷ!
Radơmiốtnốp trầm ngâm suy nghĩ. Họ bước đi lẳng lặng một lát, đắm mình vào những ký ức gần xa, nhớ lại những người đàn bà họ đã gặp trên quãng đường đời của mình. Maka Nagunốp phồng mũi lên, mím chặt đôi môi mỏng và bước đi như hành quân trong đội ngũ, vai ưỡn thẳng, chân bước đều, nom như hiện thân của sự sắt đá. Còn Radơmiốtnốp thì vừa đi vừa lúc thì mỉm cười, lúc thì khoát tay một cái tuyệt vọng, lúc thì vân vê bộ ria mép quăn quăn màu vàng hoe, mắt lim dim như một con mèo đã no nê thoả mãn. Và có lúc, chắc hẳn do nhớ lại một chuyện tình duyên đặc biệt đẹp đẽ nào với một cô này, cô nọ, anh cứ rên lên như người vừa làm một chầu vốtka thoải mái và, xen kẽ với những quãng im lặng kéo dài, thốt lên những lời nghe chẳng ra đầu đũa gì:
- Chà, chà! Ôi, cái mụ ấy! Ác liệt! Em ơi, em trời đánh thánh vật!...
*
Grêmiatsi Lốc đã rớt lại phía sau đâu đó, khuất sau một cồn đất, và thảo nguyên mênh mông tít tắp đã nuốt chửng Đavưđốp. Hít căng lồng ngực mùi hương ngây ngất của cỏ và đất ẩm, Đavưđốp nhìn ngắm hồi lâu dẫy đồi mộ phía xa. Những ngọn đồi xanh xanh đằng xa ấy có cái gì phảng phất gợi anh nhớ đến những đợt sóng cồn của biển Bantích và, không cưỡng nỗi một nỗi buồn dìu dịu bất thần dâng lên trong lòng, anh vừa thở dài đánh sượt một cái vừa đưa đôi mắt bỗng dưng rơm rớm nhìn ra chỗ khác… Rồi cái nhìn thẫn thờ ngơ ngác của anh bắt gặp một điểm nhỏ lờ mờ trên nền trời. Oai hùng đường bệ trong cảnh cô đơn, một chú đại bàng đen thảo nguyên - dân thường trú của xứ đồi mộ - đang bay liệng trên bầu trời xanh lạnh lẽo, từ từ đĩnh đạc và mỗi vòng lại hạ độ cao xuống tí chút. Đôi cánh rộng, tày ở hai đầu và giang ra bất động đã dễ dàng đưa chim lên đến tận chín tầng mây, và ngọn gió thổi ngược đã tha thiết vuốt ve và áp sát bộ lông đen ánh lên một ánh đùng đục vào thân thể có khung xương rắn chắc của chim. Khi chim khẽ nghiêng cánh lượn vòng lao về phương đông thì ánh mặt trời chiếu ngược vào chim từ dưới lên, và lúc ấy Đavưđốp thấy hình như mặt dưới trăng trắng của cánh chim loang loáng những ánh bạc khi chợt loé lên khi vụt tắt.
… Thảo nguyên mênh mông, bát ngát. Những đồi mộ cổ kính trong làm khói lam. Con đại bàng đen bay trên nền trời. Tiếng xào xạc êm ái của đám cỏ nghiêng mình trước gió… Đavưđốp cảm thấy mình bé nhỏ và chìm nghỉm trong cảnh trời đất bao la ấy, đưa con mắt buồn rầu nhìn bao quát thảo nguyên mênh mông vô tận đến nao nao lòng người. Trong những giây phút này, mối tình của anh yêu Luska, cái đau khổ của tan vỡ, ước mong không được thoả mãn về một cuộc gặp mặt lại, tất cả đối với anh sao mà nó nhỏ nhoi, vô nghĩa. Cảm giác cô đơn, cảm giác bị rứt ra khỏi cuộc sống nặng nề xâm chiếm lấy hồn anh. Xưa kia anh đã từng có cảm giác na ná như vậy khi đêm đêm đứng vọng tiêu trên mũi tàu chiến. Chà, sao mà đã xa lắc xa lơ! Cứ như một giấc chiêm bao lâu ngày lắm rồi hầu như đã quên…
Ánh nắng đã nóng lên rõ rệt. Ngọn gió nam hây hẩy đã mạnh lên. Đavưđốp gục đầu xuống và thiu thiu đi lúc nào không biết, người khẽ lắc lư khi xe xóc trên những ổ gà và những chỗ mấp mô trên đường xá thảo nguyên hoang vu.
Đavưđốp gặp phải một đôi ngựa còm nhom và một bác xà ích ít nói, bác nông trang viên Ivan Argianốp mà dư luận hàng xóm cho là có tí cám hấp. Bác hết sức gượng nhẹ đôi ngựa bác mới được giao, và vì vậy hầu như suốt dọc đường tới lán của đội chúng chỉ đi lững thững bước một êm ru đến nỗi nửa đường Đavưđốp sực tỉnh dậy đã không nén nổi và nghiêm giọng hỏi:
- Sao thế, hả bác Ivan, bác chở bát đĩa đi chợ bán hay sao vậy? Sợ vỡ hẳn? Sao cứ bước một suốt mãi thế này?
Bác Argianốp chẳng buồn đáp, cũng chẳng buồn quay lại. Một lát sau bác mới trả lời bằng giọng the thé:
- Chở “bát đĩa” gì thì lão biết chứ! Chú là chủ tịch nông trang thật đấy những cũng không bắt được lão phải cho ngựa chạy đại lên vô tích sự đâu. Chú đừng ấm ớ!
- Thế nào là “vô tích sự”? Nhưng ít ra thì lúc xuống dốc bác cũng phải cho chạy rảo lên tí chứ! Xe chở có nặng lắm đâu, có thể coi như chạy không, thực tế thế!
Im lặng một lúc lâu bác Argianốp mới miễn cưỡng đáp:
- Con ngựa tự nó khắc biết lúc nào nên đi bước một, lúc nào nên chạy.
Đavưđốp bắt đầu phát cáu lên thực sự. Chẳng giấu cái bực mình, anh kêu thốt lên:
- Hay nhỉ! Thế bác thì để làm cái tích sự gì? Giao cho bác tay cương làm gì? Đặt bác ngồi trên cái ghế này để làm trò gì? Thôi, đưa cương đây tôi!
Bác Argianốp đáp lại với giọng rõ ràng đã bớt miễn cưỡng:
- Nông trang giao cho lão giây cương để đưa ngựa tới nơi cần đến, chứ không phải tới nơi không cần đến. Nhưng nếu chú không thích ngồi bên lão, không thích lão ngồi đây, thì lão có thể xuống đi bộ cạnh xe, nhưng giây cương thì lão không giao cho chú được đâu, chú đừng ấm ớ!
- Sao lại không giao được? - Đavưđốp hỏi, cố nhìn thẳng vào mặt bác xà ích đang cố tình lảng đi không nhìn vào mặt anh.
- Thế chú có chịu giao cương của chú cho lão không?
- Cương nào? - Đavưđốp chưa hiểu ý, hỏi.
- Còn cương nào nữa! Chú cầm cương nảy mực toàn nông trang, được nhân dân giao phó cho chỉ đạo công việc của nông trang. Chú có chịu giao cương ấy cho lão không? Chả đời nào! Chắc chú sẽ bảo: “Bố già ơi, đừng ấm ớ!”. Thì lão cũng vậy! Lão có đòi cương của chú đâu? Vậy chú cũng đừng đòi cương của lão!
Đavưđốp vui vẻ cười phá lên, không còn tí dấu vết nào của cơn bực vừa rồi.
Anh hỏi với cái vẻ thú vị đợi câu trả lời: - Này, thế nếu nói giả dụ, làng có cháy, bác chở nước cứu hoả cũng vẫn cứ lững thững cái tốc độ nhục nhã này sao?
- Chở nước cứu hoả thì chả ai cử những người như lão…
Và đến lúc ấy, nhìn nghiêng vào mặt bác Argianốp, Đavưđốp mới thấy ở dưới gò má rám gió nứt nẻ của bác những vết nhăn li ti của một nụ cười kín đáo.
- Vậy theo bác, người ta cử ai?
- Cử những người như chú với chú Maka Nagunốp.
- Sao lại thế?
- Vì trong làng chỉ có hai anh đi cũng chỉ thích đi nước đại, và sống cũng như ngựa phi nước đại…
Đavưđốp cười một trận ra cười, tay vỗ đầu hối đôm đốp, đầu ngửa ra sau mà cười. Chửa kịp lấy lại hơi sau trận cười ấy, anh đã hỏi:
- Thế nghĩa là, nếu có cháy thật thì chỉ có tôi với Maka có nhiệm vụ chữa cháy thôi ư?
- Không, sao lại thế! Chú với Maka thì chỉ chở nước thôi, các chú sẽ quất ngựa chạy bò rạp đất, bọt sủi đầy mồm bắn tung toé tứ phía, còn dập tắt đám cháy sẽ là bà con nông trang viên chúng tôi, người thùng, người câu liêm, người rìu… Còn đứng chỉ huy chữa cháy thì không ai bằng Radơmiốtnốp…
“Thế mà bảo cám hấp đấy!”, - Đavưđốp nghĩ bụng, thực sự ngạc nhiên. Sau một phút im lặng, anh hỏi:
- Tại sao bác bảo chỉ huy chữa cháy thì nhất Radơmiốtnốp?
Lần này thì bác Argianốp cười một cách tự nhiên hơn, đáp:
- Chú khôn mà không tinh. Ai sống như thế nào thì khi chữa cháy phải được giao nhiệm vụ như thế ấy chứ, tóm lại là theo bản tính người ấy. Chú với anh Maka sống cứ như ngựa phi, ngày đêm chẳng lúc nào yên, thành thử chỉ có hai chú là sẽ chở được nước khẩn trương nhất, vì các chú là người nhanh nhẹn xông xáo nhất: không có nước thì có trời chữa được cháy, đúng thế không? Còn cái chú Anđrây Radơmiốtnốp thì sống như ngựa chạy nước kiệu, không giơ roi ra thì không chịu dấn lên, không chịu đổi bước… Nghĩa là, với cái lối ataman của chú ấy thì còn có việc làm gì khác ngoài cái việc tay chống nạng, hô hét quát tháo, làm rối tinh xoè và quẩn chân mọi người? Còn chúng tôi, nghĩa là nhân dân, thường ngày sống thủng thẳng bước một thế thôi, và chúng tôi phải từ từ dập tắt đám cháy, không lộn xộn, không rối rít lên…
Đavưđốp vỗ đốp một cái vào lưng bác Argianốp, quay ngang người bác về phía mình và bắt gặp một đôi mắt đang mỉm cười hóm hỉnh trên khuôn mặt xồm râu và hiền lành phúc hậu của bác. Anh khẽ mỉm cười, bảo:
- Ông nội ơi, ông cáo lắm!
- Thì anh cũng vậy, anh Đavưđốp ạ, cũng nhất hạng cáo già! - Bác Argianốp vui vẻ đối đáp lại.