Trời chưa tối, Anđrây Radơmiốtnốp đã giải tán đội công tác gồm các anh em bần nông của mình, cho đánh chuyến xe cuối cùng chở của cải tịch thu rời sân nhà tên kulắc Gaiép đi về nhà Titốc, nơi tập trung tất cả tài sản tịch thu được của bọn kulắc. Xong đâu đó, anh trở về trụ sở Xôviết. Buổi sáng, anh và Đavưđốp đã hẹn sẽ gặp nhau ở đó một giờ trước khi họp hội nghị nông dân khai mạc vào lúc xẩm tối.
Tại phòng ngoài, Anđrây đã trông thấy có ánh đèn trong gian hồi. Anh mở toang cửa ra. Đavưđốp đang cúi xuống cuốn sổ tay, nghe thấy tiếng động, ngẩng cái đầu băng vải trắng lên, mỉm cười:
- Radơmiốtnốp đây rồi! Ngồi xuống, chúng mình đang cộng sổ xem thu được của bọn kulắc bao nhiêu thóc. Thế nào, đội cậu ra sao, có khá không?
- Khá… Đầu sao phải băng thế kia?
Nagunốp đang làm cái chụp đèn bằng giấy báo, miễn cưỡng đáp:
- Thằng Titốc nó choảng đấy. Bằng cái chốt sắt. Mình đã cho giải lên chỗ anh Dakhartsenkô, phòng công an huyện rồi.
- Cứ bình tĩnh, rồi mình kể cho nghe sau. – Đavưđốp kéo cái bàn tính để trên mặt bàn lại gần: - Tính đi, một trăm mười lăm. Xong chưa? Một trăm linh tám…
- Khoan đã! khoan đã! – Nagunốp băn khoăn lẩm bẩm, mấy ngón tay gẩy bàn tính một cách thận trọng.
Anđrây nhìn họ, đôi môi run run, trầm trầm nói:
- Mình chẳng làm nữa đâu.
Nagunốp đẩy bàn tính sang bên:
- Sao? Không làm cái gì?
- Không đi làm việc tịch thu tài sản bọn kulắc nữa. Việc gì cậu phải trợn tròn mắt lên như vậy? Lại muốn động kinh sao?
- Say rượu đấy à? – Đavưđốp lo ngại nhìn chằm chằm vào gương mặt Anđrây nom lì lợm một quyết tâm chẳng lành. – Cậu sao thế? Không đi nữa nghĩa là thế nào?
Cái giọng nam cao bình tĩnh của Đavưđốp làm Anđrây nổi điên lên. Anh quát ầm, líu lưỡi lại vì xúc động:
- Tôi chưa được huấn luyện! Tôi..tôi.. chưa được huấn luyện đi đánh nhau với bọn trẻ con! … Ở mặt trận nó lại ra một nhẽ! Ở đấy muốn chém đứa nào thì chém…nhưng, lao vào cái việc này! …Xin đủ!
Giọng Anđrây, như một dây đàn đang được căng lại, cứ cao lên, cao lên mãi, tưởng chừng như có thể đứt phựt lúc nào không biết. Nhưng thở dài đánh sượt một cái rồi Anđrây bỗng dưng hạ giọng xuống, thều thào:
- Công việc gì mà lạ đời! Tôi là cái gì? Một thằng đồ tể hay sao? Hay trái tim tôi là sắt đá? Tôi đã bị đẩy vào một cuộc chiến tranh…- Rồi lại chuyển sang quát tháo: - Con cái thằng Gaiép gần một tá! Bọn tôi đến, chúng nó khóc ầm lên….Tôi dựng cả tóc gáy! Anh em đuổi chúng nó ra khỏi nhà.. Còn tôi, tôi nhắm tịt mắt, bịt tai, và bỏ chạy xuống chuồng bò! Bọn đàn bà thì như chết rồi, phải té nước lạnh lên người đứa con dâu cho nó tỉnh lại.. Tôi không chịu nổi nữa đâu!..
- Khóc đi! Nó sẽ nhẹ nhõm. – Nagunốp khuyên, lòng bàn tay tì mạnh làm phồng cái bắp thịt đang giần giật trên má, và đôi mắt bốc lửa nhìn chòng chọc vào Anđrây.
- Khóc thật ấy chứ! Có thể đó là thằng bé nhà tôi…- Anđrây ngừng bặt, nhe nanh ra, quay ngoắt lưng vào bàn.
Im lặng.
Đavưđốp từ từ đứng dậy… Và cũng từ từ như vậy, cái bên má không băng của anh xám ngoét lại, vành tai nhợt đi. Anh bước tới bên Anđrây, nắm lấy hai vai anh, nhẹ nhàng xoay người anh lại. Anh cất tiếng nói, hổn hà hổn hển, nhìn Anđrây không rời, mắt lúc này nom thô lố:
- Cậu thương chúng nó… Cậu ái ngại cho chúng nó. Nhưng chúng nó có thương ta không? Nước mắt con cái chúng ta có làm được cho kẻ thù khóc không? Chúng có khóc những đứa con mồ côi của tử sĩ chúng ta không? Thế nào? Sau một cuộc đình công, ông bố mình đã bị đuổi cổ khỏi nhà máy, đày đi Xibia.. Mẹ mình một nách bốn con.. Mình là đầu lòng, lúc ấy lên chín… Nhà chẳng còn gì ăn, và thế là mẹ mình đi làm điếm vỉa hè, để anh em chúng mình khỏi chết đói! Mẹ mình dẫn khách về gian buồng nhỏ tí của chúng mình ở dưới tầng hầm… Nhà có độc một cái giường… Còn anh em chúng mình thì lăn dưới đất.. sau tấm màn gió.. Mà mình thì lên chín.. Về cùng mẹ mình có những gã say rượu… Mình cứ bịt mồm mấy con em nhỏ để chúng khỏi tru chéo lên… Ai lau những giọt nước mắt của anh em chúng mình? Cậu có nghe đấy không? Sáng hôm sau mình ngửa tay cầm lấy cái đồng rúp khốn kiếp ấy…- Đavưđốp dí tận mặt Anđrây cái bàn tay da ráp như da thuộc, răng nghiến ken két đến đau đớn: - cái đồng rúp mà mẹ mình đã kiếm được, và mình chạy đi mua bánh mì.. – Và bất thần anh vung nắm tay đen chũi, như một quả chuỳ, đấm xuống bàn và quát: - Cậu. Sao cậu lại có thể thương chúng?
Và lại một lúc im lặng. Nagunốp bấu chặt vào mép bàn, khư khư như con diều hâu giữ mồi. Anđrây ngồi nín thinh. Đavưđốp thở hổn hà hổn hển, đi lại trong phòng một phút, rồi tới bá vai Anđrây, ngồi xuống bên anh trên tấm ghế dài, nói giọng khản lại:
- Chà, cậu lẩm cẩm rồi! Bỗng dưng lù lù đến, và thế là làm nhặng lên: “Không làm nữa đâu.. bọn trẻ con.. thương hại…”. Này. Những điều cậu nói, cậu ngẫm lại xem! Nào, ta thử bàn. Cậu ái ngại cho những gia đình kulắc bị trục xuất ư? Ta trục xuất chúng là để chúng khỏi ngăn cản ta xây dựng cuộc sống, một cuộc sống không còn những bọn… để trong tương lai không còn diễn ra… Cậu là chính quyền Xôviết ở Grêmiatsi này, thế mà tôi còn phải tuyên truyền cậu nữa sao? – Và anh mỉm cười, cái cười gượng gạo, méo xệch. – Chúng ta đuổi cổ bọn kulắc đi, tống đến chỗ đảo Xôlôvếtxkie. Nhưng chúng đâu có chết đói! Chúng sẽ lao động, ta sẽ cho chúng ăn uống tử tế. Và khi ta đã xây dựng thành công rồi, con cái chúng sẽ không còn là con cái kulắc nữa. Giai cấp công nhân sẽ cải tạo chúng. – Anh lấy bao thuốc lá ra, nhưng mấy cái ngón tay run run của anh lóng ngóng mãi không rút nổi một điếu.
Anđrây nhìn dán vào gương mặt Nagunốp tái xanh tái xám như chàm đổ. Và, bất thần đối với Đavưđốp, Anđrây bỗng đứng phắt dậy, và cũng ngay lúc đó, Nagunốp bật lò xo, nhảy tới trước mặt anh, thở hắt ra một giọng thều thào xe xé, hai quả đấm nắm chặt:
- Đồ khốn kiếp! Anh phục vụ cách mạng thế hả? Thương h-ại! Tôi ấy à.. anh cứ xếp hàng ra đấy một nghìn đứa, già, trẻ, trai, gái… Và bảo tôi phải làm cỏ chúng nó.. Để phục vụ cách mạng.. Tôi sẽ xả súng máy… Nagunốp bỗng quát lên man rợ: - Quét sạch! Và hai con ngươi mở ra to tướng của anh bỗng quắc lên một vẻ điên dại, đôi mép anh sùi bọt.
- Gì mà gào lên thế! Ngồi xuống nào! – Đavưđốp cảm thấy lo ngại.
Anđrây đẩy đổ ngửa cái ghế, bước vội tới Nagunốp. Nhưng Nagunốp, lưng tựa vào tường, đầu ngả ra sau, hai mắt trợn trừng, hét lên một tiếng the thé, kéo dài:
- Gi-i-iiết!...
Và anh đổ nghiêng xuống, tay trái bắt bắt không khí, tìm dao găm, tay phải quờ quạng nắm lấy cái chuôi gươm vô hình.
Anđrây kịp giang tay đỡ lấy người Nagunốp, và cảm thấy mọi bắp thịt của cái thân thể nặng trĩu của Nagunốp đều căng ra một cách kinh khủng, và đôi cẳng chân anh ta ưỡn cứng ra như cái lò xo. Anđrây quát bảo Đavưđốp:
- Động kinh… Anh giữ lấy chân cậu ấy!...
*
Họ tới trường thì thấy bà con tới dự đã đông nghịt. Nhiều người không còn chỗ ngồi. Đàn ông, đàn bà, con gái đứng đầy hành lang và ngoài hiên. Từ cái miệng hoác ra của mấy cánh cửa mở toang, hơi nước lẫn với khói thuốc lá bay ra.
Nagunốp mặt tái nhợt, đôi môi ngã dập còn đọng máu khô, dẫn đầu mấy người bước đi trong hành lang. Gót chân bước rành rọt của anh xéo lên hạt quỳ lép bép. Anh em kô-dắc nhìn anh ngài ngại, lánh ra nhường lối. Thấy Đavưđốp vào, họ xì xào.
Một cô quàng khăn hoa giơ cái bọc mùi xoa đầy hạt quỳ chỉ anh, hỏi to:
- Anh Đavưđốp đấy à?
- Mặc áo măngtô đấy.. Nom cũng nhỏ người nhỉ.
Một cô khác cười ngặt nghẽo, nhấp nháy đôi mắt xám tròn xoe với Đavưđốp.
- Nhỏ người, nhưng to ngang, nom kìa, cái cổ cứ như cổ bò tót! Ở trên cử xuống cho ta để gây giống đấy!
Cô Natalia, vợ lính Ba Lan, đưa đẩy đôi lông mày kẻ, trâng tráo nói:
- Vai rộng nhỉ, dân hai vạn rưởi có khác. Chị em ơi, tay ấy mà ôm thì phải biết.
Giọng thuốc lá thô thô của một anh chàng nào châm vào một câu ác khẩu:
- Cô Natalia đú đởn nhà ta thì chung chạ với ai mà chẳng thích…
- Hình như đã bị ai củng vào đầu rồi thì phải? Phải băng…
- Chắc là đau răng…
- Đâu! Titốc đấy…
- Này, các em ơi! Sao động có người lạ đến là mắt các em cứ long lên sòng sọc vậy? Dễ thường anh đây xấu giai hay sao? – Một anh chàng kô-dắc đã khá tuổi, râu cạo nhẵn xanh, cười hô hố giang hai cánh tay nguều ngoào xâu lấy cả một xốc con gái, ép vào tường.
Các ả rú lên. Những nắm tay con gái tới tấp đấm thùm thụp vào lưng anh chàng kô-dắc kia.
Mới tới cửa lớp học, Đavưđốp đã toát mồ hôi. Từ đám đông nồng nặc xông lên mùi dầu quỳ, mùi hành, mùi thuốc lá, mùi rượu lúa mạch. Chỗ các cô, các bà mẹ trẻ thì lại sực lên mùi quần áo cất lâu trong hòm, mùi phấn sáp. Lớp học lao xao rì rầm như ong. Và bản thân những con người đó cũng là một đám đen lúc nhúc, nhốn nháo như một đàn ong mới lập tổ.
Đavưđốp bước lên bục, nói ngượng ngịu:
- Các cô làng ta cũng bạo ra phết nhỉ!
Trên bục ván có kê hai bàn học trò ghép vào nhau. Đavưđốp và Nagunốp ngồi vào. Radơmiốtnốp khai mạc cuộc họp. Chủ tịch đoàn được bầu xong ngay.
- Đồng chí Đavưđốp, đặc phái viên toàn quyền của huyện sẽ nói chuyện với chúng ta về vấn đề nông trang tập thể. – Lời Radơmiốtnốp vừa dứt thì tiếng chuyện trò lao xao lắng hẳn xuống.
Đavưđốp đứng dậy, sửa lại cái băng trên đầu. Anh nói nửa tiếng đồng hồ liền, về cuối giọng khản dần. Hội nghị ngồi nghe lặng ngắt. Không khí trong phòng trở nên ngột ngạt. Dưới ánh sáng tù mù của hai ngọn đền dầu, Đavưđốp trông thấy những khuôn mặt nhẫy mồ hôi ở trên các hàng ghế đầu, còn xa hơn nữa phía dưới thì tất cả chìm trong bóng tối lờ mờ. Không một ai ngắt lời anh, nhưng khi anh nói xong và đưa tay cầm lấy cốc nước thì câu hỏi phát ra tới tấp như mưa:
- Tất cả phải đưa vào làm của chung à?
- Nhà cửa thì sao?
- Nông trang chỉ là một thời gian thôi hay mãi mãi?
- Nông dân cá thể thì sẽ thế nào?
- Có lấy ruộng đất của họ không?
- Ăn chung mâm chứ?
Đavưđốp trả lời đầy đủ, rành mạch. Gặp những vấn đề phức tạp về sản xuất nông nghiệp thì Nagunốp và Anđrây đỡ lời anh. Bản dự thảo nội quy đã được đem ra đọc, nhưng câu hỏi vẫn chưa dứt. Cuối cùng, ở quãng hàng ghế giữa, đứng dậy một người kô-dắc đội mũ lông cáo và áo varơi đen mở phanh ngực. Anh ta xin phát biểu. Cây đèn treo rọi ánh sáng chênh chếch vào chiếc mũ lông cáo của anh ta, những sợi lông cáo hung hung đỏ rực lên và như bốc khói.
- Tôi là trung nông, và thưa bà con đồng bào, tôi xin có ý kiến là nông trang thì tất nhiên là tốt rồi, khỏi nói, nhưng cũng phải để nghĩ cho chín đã! Khộng phải cứ ào vào tắp lự, một, hai, rồi có cỗ chén ngay đâu. Đồng chí đặc phái viên huyện uỷ đã nói và cứ theo như đồng chí ấy thì chỉ cần chung sức lại là làm ăn sẽ có lợi. Nghe nói cả đồng chí Lênin nữa cũng bảo thế. Đồng chí đặc phái viên chẳng hiểu gì mấy về sản xuất nông nghiệp, suốt cả cái đời làm thợ của đồng chí ấy chưa bao giờ đi theo cái cày, và chắc là cũng chẳng biết muốn đến gần con bò thì phải đi về phía bên nào. Vì thế đồng chí ấy đã hơi nhầm một tí. Theo ý tôi, đưa người vào nông trang phải làm như thế này: những ai chăm chỉ và có gia súc thì vào một nông trang, bần nông vào một nông trang khác, những người có thì tự lập, những kẻ ăn bơ làm biếng thì cho đi đày, để công an dạy họ lao động. Không phải cứ dồn đống người ta lại là xong, như thế sẽ chẳng được cái tích sự gì, rồi lại như trong chuyện đời xưa thôi: thiên nga cất cánh bay lên, tôm càng níu lại, măng dìm xuống ao.
Hội nghị cười rinh rích. Phía cuối phòng, một cô nào đó kêu thét lên một tiếng, đồng thời tiếng ai đó bất bình nói bô bô:
- Cái bọn này tệ quá! Muốn cấu véo nhau thì lôi nhau vào chuồng ngựa ấy mà cấu. Cuốn xéo đi!
Người đội mũ lông cáo đưa khăn tay lên lau trán, lau miệng rồi nói tiếp:
- Chọn người thì cũng phải như một nhà nông giỏi chọn bò vậy. Phải chọn những con sức khoẻ và chiều cao ngang nhau. Nếu đóng hai con không bằng nhau vào, kết quả sẽ ra sao? Con khoẻ sẽ bứt lên, con yếu níu lại, và thế là con khoẻ cũng phải dừng lại: cả làng, trừ bọn kulắc ra, sẽ vào một nông trang.. Kết quả là chẳng ra cái gì cả!...
Liubiskin đứng dậy, ngó ngoáy bộ ria đen xoè ra như hai cái cánh, tỏ vẻ không hài lòng và quay về phía người vừa phát biểu:
- Anh Kudơma ạ, anh nói đôi chỗ nghe cứ ngọt như mía lùi! Tôi mà là đàn bà, tôi sẽ ngồi suốt đời nghe anh tỉ tê. (Tiếng cười lao xao). Anh khuyên nhủ hội nghị cứ như nhử mụ Palaga Kudơmitsêva nhà anh vậy…
Hội nghị cười phá lên. Cây đèn thè một ngọn lửa dài và nhọn như lưỡi rắn. Cả hội nghị đều hiểu cái ngụ ý châm chọc hẳn là phải có gì vui và tục tĩu. Cả đến đôi mắt anh chàng Nagunốp cũng như đang cười. Đavưđốp định hỏi anh lý do trận cười này thì Liubiskin đã lớn tiếng át cái ồn ào của phòng họp:
- Giọng thì đúng giọng anh, nhưng bài hát thì của người khác! Chọn người kiểu ấy thì hay cho anh quá đi rồi. Bài hát ấy, chắc là anh học được hồi chung cái máy với thằng Phrôn Mũi toác chứ gì? Cái máy nổ của các anh năm ngoái đã bị tịch thu rồi. Và bây giờ thì thằng Phrôn của anh, chúng tôi đã lấy khói lửa hun nó như hun chuột rồi! Các anh đã tập hợp lại xung quanh cái máy nổ của thằng Phrôn, cũng thành một kiểu nông trang, chỉ có điều nó là nông trang kulắc thôi. Chắc anh chưa quên cái giá thuê đập lúa cắt cổ của các anh chứ? Có phải rẽ tám không nhỉ? Hẳn là bây giờ các anh muốn như thế này: dựa vào bọn nhà giàu…
Phòng họp nhao nhao lên đến nỗi Radơmiốtnốp vất vả mới ổn định được trật tự. Và một lúc lâu nữa, tiếng la ó vẫn còn rào rào, như mưa đá mùa xuân:
- Chà, cái ácten ấy, các anh đã kiếm bẫm!
- Chỉ máy cày không thôi thì cũng không làm hết khổ.
- Lòng dạ anh cống cho bọn kulắc rồi!
- Cạo cho một trận!
- Cái đầu anh đem làm chày giã hạt quỳ thì tốt đấy!
Tiếp đó, anh trung nông lớp dưới Nhikôlai Liusnhia xin phát biểu. Nagunốp dặn trước:
- Đừng nói dài dòng. Vấn đề đã rõ rồi.
- Thế là thế nào? Thế nhỡ tôi lại có ý kiến muốn bàn cãi thì sao nhỉ? Hay là tôi không được nói trái ý kiến anh? Tôi phát biểu thế này: nông trang là chuyện tự nguyện tự giác, muốn vào thì vào, muốn đứng ngoài xem thế nào đã thì đứng. Vậy cho nên chúng tôi muốn đứng ngoài xem sao đã.
Đavưđốp hỏi:
- “Chúng tôi” là ai?
- Bà con nông dân chứ ai?
- Bố trẻ ơi, bố cứ phát biểu cho mình thôi. Ai có mồm người nấy mà.
- Thì tôi phát biểu cho tôi đây chứ sao! Tôi muốn xem xem nông trang làm ăn ra sao đã. Nếu tốt tôi sẽ làm đơn, nếu không tôi đâm đầu vào làm gì? Con cá nào dại mới chui vào nơm…
- Đúng quá!
- Ta khoan khoan hãy vào!
- Để các vị khác cứ thử cái cuộc sống mới xem nó thể nào!
- Thì vào luôn đi! Nó có phải con gái đâu mà thử với thách.
- Đến lượt anh Akhơvátkin phát biểu. Nào, nói đi!
- Thưa đồng bào, tôi sẽ nói về tôi đây: số là tôi với em tôi, là chú Piốt nó, cùng sống chung một mái. Chà, thật là lủng củng! Lúc thì hai bà kiếm chuyện với nhau, túm lấy búi tóc nhau, đổ nước cũng không can được ra, lúc thì là tôi với chú Piốt nó xích mích. Vậy bây giờ lại định dồn đống cả làng lại! Thế thì sẽ đi đến chỗ là không còn biết đằng nào mà lần nữa. Rồi đây chúng ta mà ra đồng cày thì thế nào cũng choảng nhau. Ivan bắt bò tôi làm quá sức, còn tôi thì chẳng nhòm ngó đoái hoài gì đến ngựa của anh ta… Như thế thì công an lúc nào cũng phải túc trực ngoài đồng. Rồi thì suốt ngày thắc mắc. Người này làm nhiều, người kia làm ít. Công việc của ta nó khác, không như đứng bên máy trong xí nghiệp. Ngày ngày tám tiếng xong là ung dung ra về…
- Anh đã làm nhà máy bao giờ chưa?
- Chưa, đồng chí Đavưđốp ạ, nhưng tôi biết.
- Anh chẳng biết quái gì về người công nhân cả. Và nếu anh chưa làm nhà máy, chưa trông thấy bao giờ thì đừng khua môi múa mỏ! Chuyện công nhân ung dung ra về đúng là luận điệu kulắc.
- Ừ thì thôi, không ung dung, nhưng cứ hết giờ là về. Còn chúng tôi thì chưa rõ mặt người đã dậy đi cày. Từ đó đến tối đổ có đến tám tạ mồ hôi, chân thì rộp lên như những quả trứng gà. Đêm cũng chẳng ngủ: còn dắt bò đi chăn. Nó ăn không no không kéo được. Vào nông trang tôi làm nai lưng, còn người khác, như anh chàng Kôlưba chẳng hạn, lại lăn kềnh ra luống cày mà ngủ. Chính quyền Xôviết cứ bảo bần nông không có kẻ ăn bơ làm biếng, rằng đó là luận điệu kulắc, nhưng nói thế là sai. Kôlưba suốt đời chỉ nằm ườn trên bệ lò sưởi. Cả làng ai cũng biết là anh ta đã nằm dưỡng sức trên lò sưởi suốt một mùa đông, hai chân chìa ra cửa. Sáng ra, chân thì sương tuyết bám đầy, còn mạng sườn thì cháy sém. Nghĩa là người lười chảy thây đến nỗi mót ỉa cũng chẳng buồn rời lò sưởi đứng dậy. Vậy bảo tôi làm ăn với một người như thế sao được? Tôi chẳng ghi tên vào nông trang đâu.
- Anh Kônđrát Maiđanhikốp phát biểu. Nói đi!
Một anh chàng kô-dắc mặc áo dipun xám từ những hàng ghế cuối lách lên bục. Cái mũ kỵ binh Buđiônưi đã bạc phếch của anh cứ lắc lư trên đám mũ lông, mũ bịt tai, trên đám khăn san, khăn quàng loè loẹt của các bà, các cô.
Anh bước tới, đứng quay lưng vào phía chủ tịch đoàn, thủng thẳng đút tay vào túi quần sarôva.
Đemka cười nụ, hỏi:
- Đọc diễn văn cơ à?
- Bỏ mũ ra đã chứ!
- Cứ đọc thuộc lòng thôi, không phải giấy!
- Ông cả bao giờ cũng phải giấy cơ.
- Ha, ha! Người ta văn-hoá-cao!...
Maiđanhikốp rút ra một cuốn sổ tay nhỏ đầy vết dầu mỡ, lật vội những trang giấy chi chít chữ viết nguệch ngoạc cáu tiết nói:
- Đừng vội cười, không có lúc lại mếu. Phải, tôi ghi chép việc làm ăn của tôi. Để tôi đọc cho các anh nghe. Từ nãy nhiều người phát biểu rồi, nhưng chẳng có ai nói nghe được cả. Các anh ít chịu ngẫm nghĩ việc đời…
Đavưđốp vểnh tai nghe. Trên các hàng ghế đầu thấy có những người cười nụ. Trong phòng họp, tiếng nói lao xao. Maiđanhikốp chẳng hề bối rồi, mở đầu bằng một giọng tự tin:
- Nhà tôi là trung nông. Năm ngoái tôi gieo năm đêxiachin. Bà con đều biết, tôi có một đôi bò đực, một ngựa, một bò cái, một vợ và ba con. Còn tay làm thì đây, có độc hai bàn tay này thôi. Tôi thu hoạch: chín mươi pút lúa mạch, mười tám pút đại mạch và hai mươi ba pút yến mạch. Tôi cần sáu mươi pút làm lương ăn cho cả nhà, mười pút cho gà vịt, còn yến mạch thì để cho ngựa. Tôi có thể bán gì cho nhà nước? Bán ba mươi tám pút. Hơn bù kém, cứ tính mỗi pút là một rúp mốt thì tổng cộng lại tôi được bốn mươi mốt rúp. Còn gà vịt, tôi chở ra chợ, thêm được khoảng mười lăm rúp nữa. – Và, đôi mắt buồn rầu, anh lên cao giọng. – Ngần ấy tiền có đủ cho tôi sắm giày, may mặc, mua dầu hoả, diêm, xà phòng không? Và đóng móng bốn chân con ngựa cũng phải tiền chứ! Sao các anh lại im lặng? Tôi có thể sống như thế này mãi được không? Những năm nào có thu hoạch, thôi thì khá hay kém, còn đỡ. Nhưng nếu đùng một cái, mất mùa trắng thì sao? Lúc ấy tôi ra cái con người như thế nào? Cùng quẫn! Vậy thì, tiên sư các anh chứ, các anh có quyền gì bảo tôi đừng vào, đẩy tôi xa lánh nông trang? Chẳng lẽ vào nông trang tôi sẽ khổ hơn sao? Nói bậy! Và đối với đám trung nông nào trong đám các anh cũng thế thôi. Và vì sao các anh lại chống đối, làm mụ óc bản thân các anh và người khác, tôi sẽ nói các anh rõ bây giờ.
Liubiskin khoái quá, gào lên:
- Quạt nữa đi, Kônđrát, quạt cho bọn chó mèo ấy một trận!
- Quạt chứ sợ gì, cho họ mát mặt! Các anh phản đối nông trang chẳng qua là vì con bò cái của các anh, và túp lều của các anh đã làm các anh không còn trông thấy trời đất gì nữa. Nó có rách cũng là của tôi. Đảng cộng sản dẫn dắt các anh đến một cuộc đời mới, nhưng các anh cứ như con bê mù: người ta dắt nó đến bú tí mẹ, nhưng nó cứ đá nhặng lên, lắc đầu quầy quậy. Mà bê không bú thì sống sao nổi! Tôi có ý kiến, hết. Ngay hôm nay tôi sẽ làm đơn xin vào nông trang và kêu gọi bà con cũng làm như tôi. Còn ai không muốn vào thì đừng ngăn cản người khác.
Radơmiốtnốp đứng dậy:
- Thưa đồng bào, vấn đề đến đây đã rõ! Đèn sắp hết dầu, và đêm đã khuya. Ai tán thành vào nông trang, xin giơ tay. Chỉ cần chủ hộ giơ tay thôi.
Trong số hai trăm mười bảy chủ hộ có mặt, chỉ có sáu mươi bảy người giơ tay.
- Ai phản đối?
Không một cánh tay nào giơ lên.
Đavưđốp hỏi:
- Thế bà con không muốn vào nông trang ư? Vậy đồng chí Maiđanhikốp nói có đúng không?
- Chúng tôi không-muốn-vào! – Một tiếng đàn bà lè nhè giọng mũi.
- Maiđanhikốp nhà anh không dạy bảo được chúng tôi!
- Cha ông xưa nay vẫn sống thế…
- Anh đừng ép chúng tôi!
Và khi những tiếng la ó vừa mới dứt thì từ những hàng ghế cuối, nơi trong bóng tối thỉnh thoảng loé lên những đốm lửa thuốc lá, một giọng ai lừng khừng cất lên, đầy hằn học:
- Không phải lùa chúng tao như lùa một lũ ngu! Titốc đã xin mày tí tiết rồi đấy, chưa hết đâu…
Đavưđốp có cảm giác như bị ai quất cho một roi. Anh đứng lặng người một phút trong cái im ắng nặng nề, tái mặt đi, cái miệng sứt răng hơi hé ra. Rồi anh quát lên, giọng khàn khàn:
- Đứa nào đấy? Cái giọng điệu kẻ địch! Xin tí tiết tao như thế chưa ăn thua gì đâu! Tao sẽ còn sống tới ngày tất cả những đứa như mày sẽ bị cho xuống lỗ hết. Nhưng nếu cần thì vì Đảng.. vì Đảng của tao, vì sự nghiệp giai cấp công nhân, tao sẽ dâng hết máu của tao! Nghe rõ không, đồ rắn độc kulắc? Tất, cho đến giọt máu cuối cùng!
Nagunốp đứng thẳng người quát lên:
- Đứa nào làm mất trật tự đấy?
Radơmiốtnốp từ trên bục nhảy bổ xuống. Phía cuối phòng, một tấm ghế dài gãy rắc, một đám độ hai chục người ồn ào đổ ra ngoài hành lang. Các hàng ghế giữa cũng lục đục đứng dậy. Tiếng kính vỡ kêu lẻng xẻng: kẻ nào đó đã đập toang một khoang cửa. Gió mát lùa qua lỗ vỡ. Khói trắng trong phòng bốc lên cuồn cuộn.
- Thằng Chimôphây, đấy cấm sai đâu! Thằng con lão Phrôn Mũi toác…
- Đuổi mẹ chúng nói ra khỏi làng!
- Không, Akim con đấy! Có cả bọn bên Tubianxki sang nữa.
- Bọn phá rối, tống cổ chúng ra!...
Quá nửa đêm thì cuộc họp bế mạc. Kẻ tán thành, người phản đối, họ nói đến khản đặc cổ, đến hoa cả mắt. Đây đó và ngay cả trước bàn chủ toạ, những người bất đồng với nhau tìm nhau, túm lấy ngực nhau mà chứng minh chân lý của mình. Maiđanhikốp bị ông bạn nối khố, láng giềng, túm lấy áo sơmi làm nó rách toạc đến tận rốn. Chỉ một ly nữa là choảng nhau. Đemka Usakốp nhảy qua các hàng ghế, qua đầu những người đang ngồi, sấn đến hỗ trợ Maiđanhikốp, nhưng Đavưđốp đã gạt được hai ông bạn nối khố ấy ra hai bên. Rồi Đemka cũng lại khích Maiđanhikốp trước:
- Này, Kônđrát, tính thử xem cậu phải cày bao nhiêu buổi để gỡ lại cái áo sơmi rách này?
- Cậu hãy về đếm xem vợ cậu có bao nhiêu…
- Này, này! Cứ đùa tếu như vậy là tôi đuổi cổ ra khỏi hội nghị đấy.
Trong khi đó thì Đêmít Miệng hến đánh một giấc bình an vô sự dưới gầm một tấm ghế dài cuối phòng, nằm theo kiểu thú rừng đầu hứng lấy ngọn gió lùa vào dưới khe cửa, nhưng đã cẩn thận lấy vạt áo dipun trùm lên đầu cho đỡ tiếng ồn ào. Các bà nạ dòng đi họp cũng mang theo đồ đan dở, thì ngủ gà ngủ gật như gà đậu trên sào, cuộn len và kim đan để rơi lăn lóc dưới đất. Nhiều người đã bỏ ra về. Và khi Akaska Mênốc, đã nhiều lần đứng lên phát biểu, định có ý kiến lần nữa bênh vực nông trang thì từ trong họng anh chỉ phát ra một cái tiếng gì như tiếng khàng khạc giận dữ của con ngỗng. Akaska nắn nắn cuống hầu, khoát tay một cái tiếc cay tiếc đắng, nhưng dẫu sao thì cũng không chịu, và ngồi xuống vẫn còn chỉ cho Nhikôlai Akhơvátkin, một kẻ quyết liệt phản đối nông trang, thấy rõ số phận của anh ta một khi đã tập thể hoá xong: anh đặt một móng tay lên mặt móng tay cái vàng khè khói thuốc, và – hấp! Nhikôlai chỉ nhổ toẹt một bãi, lẩm bẩm văng ra một tiếng.