18 tháng Chín Sáng nay chủ nhật, tôi đi lễ nhà thờ. Tôi không sùng đạo, nhưng tôi là người có đạo... Người ta muốn nói thế nào thì nói, nhưng tôn giáo vẫn là tôn giáo... Người giàu có thể không cần tôn giáo, nhưng người như chúng tôi thì rất cần... Tôi biết có nhiều kẻ lợi dụng tôn giáo một cách quái đản và có các linh mục, các bà sơ không làm vẻ vang cho tôn giáo. Mặc họ... Chúng tôi là những người khốn khổ, để làm dịu nỗi khổ của mình, chúng tôi chỉ còn có tôn giáo... và tình yêu... nhưng tình yêu lại là một nguồn an ủi khác... Cho nên ngay khi đi làm ở các gia đình vô đạo, tôi vẫn đi lễ nhà thờ... Trước hết, đi lễ là một dịp để đi ra bên ngoài, để được giải trí, để bớt được thời gian làm những công việc buồn chán hàng ngày ở trong nhà... Cũng là dịp để được gặp bè bạn, được biết chuyện nọ chuyện kia, để làm quen, để được nghe các cụ già đọc thánh thi... Hôm nay trời quang mây tạnh. Mặt trời hắt qua lớp sựơng mù những tia nắng dịu dàng. Người người tung tăng bước đi vui vẻ. Buổi sớm hôm ấy do có thời tiết đẹp nên tôi thấy trong lòng phấn khởi... Chỗ ở của chúng tôi cách nhà thờ một cây số rưỡi... Con đường rợp bóng cây, hai bên rập rờn biển lúa... Đang giữa tiết xuân, cánh đồng đầy hoa, những cây xơ-ri dại những cây hoa gai trắng toả hương ngào ngạt... Tôi rất thích những cây hoa gai... Nó gợi tôi nhớ lại những chuyện thời con gái... Trừ những cái đó ra, còn thì nông thôn ở đây cũng như nông thôn ở nhiều nơi khác... Không có gì hấp dẫn, xóm làng nằm giữa một thung lũng rộng chung quanh là những ngọn đồi. Giữa thung lũng có một con sông chảy qua và một khu rừng... Tất cả bao bọc trong lớp sương mù trong suốt và vàng xỉn, che khuất cảnh trí xóm làng. Tôi luôn giữ trong lòng cảnh thiên nhiên xứ Bretagne quê hương. Thiên nhiên Bretagne đã thấm vào máu của tôi. Không đâu đẹp hơn, thắm thiết hơn thiên nhiên nơi ây. Sống giữa những miền quê màu mỡ, giàu có xứ Normandie, tôi vẫn nhớ về miền quê, về những trảng cỏ, về miền biển dữ dội và huy hoàng nơi tôi đã sinh ra... Nghĩ đến những kỷ niệm ấy, tôi thấy trong lòng vẩn lên nỗi u uất làm tiêu tan niềm phấn khởi giữa buổi sáng đẹp trời hôm ấy... Trên đường tôi gặp nhiều phụ nữ... Các bà ấy cũng đi lễ như tôi... Họ là người nấu bếp, hầu phòng, chăn nuôi gà vịt, cục mịch, quê mùa, đi đứng chậm chạp, ục ịch. Quần áo người nào cũng mộc mạc, trông như những bó vải... Rõ ràng là dân tỉnh lẻ, không hề ở thành phố bao giờ... Họ nhìn tôi vói vẻ lạ lùng nhưng có thiện cảm... Họ chăm chú nhìn mũ, nhìn áo, nhìn chiếc ô lụa màu xanh tôi cầm... Quần áo của tôi, nhất là cách ăn mặc làm họ ngạc nhiên. Họ hích cùi tay vào nhau, mở to mắt, há rộng miệng ra hiệu với nhau về cách phục sức sang trọng lịch sự của tôi. Tôi bước đi thoăn thoắt, giầy nhọn mũi bóng nhoáng, vén cao tấm áo khoác để lộ chiếc váy kêu sột soạt mỗi bước đi... Tôi không thấy ngượng ngập chút nào, mà trái lại rất hài lòng được họ ngắm nhìn... Khi đi cạnh tôi, thấy họ thì thào với nhau: Người hầu phòng mới của gia đình Prieuré đấy. Một chị người thấp lùn, bục bịch, mặt đỏ ửng, bụng to kểnh, hai chân chệnh chạng, giọng khò khè, lại gần tôi, vẻ già nua hỏi: Có phải chị là người hầu phòng mới đến làm ở gia đình Prieuré không? Chị tên là Célestine hả. Chị ở Paris đến đây được mấy hôm rồi?... Vậy là chị ta đã biết tất cả... đã hiểu về tôi như chính bản thân tôi... Cái hình dáng bề ngoài của chị làm tôi mất cảm tình ngay: người ngợm lủn củn, bụng phệ như cái hũ lăn trên đường, mũ như mũ lính ngự lâm rộng vành, đen kịt, phất phơ mấy cái lông dài... Chị ta nói tiếp: Tôi tên là Rose, cô Rose; Tôi ở nhà ông Manger... ngay cạnh nhà chị... trước là đại uý... chị đã thấy ông ấy chưa? Chưa, cô ạ. Tưởng chị thấy rồi. Cứ nhìn qua hàng rào giữa hai nhà sẽ thấy... lúc nào ông ấy cũng ở ngoài vườn, trồng cây, nhổ cỏ, tưới tắm. Trông ông còn tráng kiện lắm. Chúng tôi bước đi chầm chậm vì cô Rose cứ vừa đi vừa thở. Cô thở o o trong cổ như thổi sáo... Mỗi lần thở, ngực cô nhô lên rồi lại xẹp xuống, và cứ như thế... Cô nói nhát gừng: Hôm nay trở giời, tôi thấy mệt... Cô vừa thở vừa nói: Chị nên lại chỗ tôi luôn... Nếu chị cần gì... một lời khuyên chẳng hạn... hoặc bất cứ cái gì... đừng ngại... Tôi thích người trẻ tuổi... Đến đây nói chuyện uống chén nước... Nhiều cô cũng hay đến với tôi đấy... Cô ngừng lại để thở, rồi với giọng thầm kín cô nói: Nếu có thư đến, cô nên bảo gửi về đây, đừng gửi về nhà bà Lanlaire... Bà ấy hay xem thư lắm. Hễ thấy thư của ai cũng mở ra xem... Bà ấy đã bị người ta kiện đấy... Cứ lại với tôi nhé... Đừng ngại... Tôi cảm ơn cô. Chúng tôi đi tiếp. Tuy đi ục ịch và lảo đảo như con tàu giữa lúc sóng gió nhưng bây giờ cô Rose thở dễ dàng hơn. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện: Ở đây nhiều cái khác đấy, - cô Rose nói. - Gia đình Prieuré mướn người không lâu bao giờ... nếu không bị bà chủ đuổi thì lại bị ông chủ làm cho to bụng... Ông Lanlaire là một người đàn ông tệ lắm... Già, trẻ, xấu, đẹp, chẳng từ một ai... mỗi cú là một đứa con... Ai cũng biết tiếng nhà này... sớm muộn chị cũng được nghe những điều tôi vừa nói vói chị... Ở đấy họ cho ăn khổ, bắt làm nhiều, rất gò bó... Rồi luôn luôn bị kêu ca, mắng chửi... sống ở đấy chẳng khác sống ở địa ngục... Trông chị xinh thế này lại có phong cách, chắc khó ở lâu được với những con người đê tiện như họ... Tất cả những điều chị hàng tạp hoá đã kể với tôi, bây giờ cô Rose lại kể lại và chuyện nào cũng nặng hơn. Cô thích kê lể đến nỗi quên cả đau. Cô kể hết chuyện nọ đến chuyện kia, chuyện nhà chủ đan xen với chuyện ở địa phương. Nghe chị hàng tạp hoá kể, tôi đã thấy chán, đến bây giờ nghe cô Rose kể tôi lại chán thêm. Tôi nghĩ bụng tình hình thế này thì chả biết có nên đi khỏi không? Chưa qua thử thách mà đã thấy thất bại thế này rồi! Các bà phụ nữ khác cũng đến với chúng tôi để nghe nói chuyện. Mỗi khi nghe cô Rose kể một điều gì mới lạ, họ lại ồ lên kêu: Thế à! Tuy mệt rồi nhưng cô Rose vẫn không thôi câu chuyện: Anh Manger là người tốt, lại chỉ có một mình. Về với anh ấy, tôi được làm chủ... Tôi cai quản mọi việc... Anh ấy có biết gì việc nội trợ... Anh ấy chỉ cần được chăm chút, quần áo giặt giũ sạch sẽ, ăn uống ngon lành... Nếu không có một người ở cạnh, anh ấy sẽ bị người ta bòn rút hết... Ở đây thiếu gì lưu manh trộm cắp... Cứ nghe lời cô Rose kể và những cái nháy mắt của cô, tôi đã hiểu vị thế của cô ở nhà ông đại uý Manger như thế nào rồi. Chị xem, - cô Rose nói như tóm tắt và tổng kết câu chuyện dài dòng vừa kể, - một người độc thân, còn trẻ. Có nhà cửa, có công ăn việc làm. Chúng tôi sẽ mướn thêm người giúp việc. Vậy là cô ta gặp may... Nhiều lúc tôi cũng đã có ý định kiếm một người già, không thích lắm đâu, nhưng yên ổn và có tương lai... Miễn rằng người ấy không khó tính... Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Làng xóm nơi đây không đẹp... chẳng giông phố xá ở Paris tí nào. Đường xá bẩn thỉu, ngoằn ngoèo, hẹp bằng gang tay, nhà cửa xiêu vẹo, như sắp đổ, cái nọ nhô ra, cái kia thụt vào, đa số làm bằng gỗ đã mối mọt sơn hắc ín đen ngòm... Người ở đây trông ai cũng gớm guốc, con trai chẳng có người nào đẹp... Nghề thủ công ở đây là làm giầy dép. Đa số làm không kịp giao cho khách, phải làm cả chủ nhật... Trông người nào cũng gầy yếu, võ vàng, lưng còng xuống, hai bàn tay đen xạm, đập búa lên đế giầy chan chát... Cảnh tượng ấy càng làm tăng thêm nỗi buồn nơi này. Đến đây cứ như đến một nhà tù... Tôi lại gặp chị hàng tạp hoá đang đứng ở cửa. Thấy chúng tôi chị mỉm cười... Các chị đi lễ buổi tám giờ à? Tôi đi buổi bảy giờ... Hãy còn sớm, các chị vào chơi một lúc rồi hãy đi... Cô Rose cảm ơn... Cô ngăn tôi bảo đừng vào... chị ta là người không tốt, ai củng nói xấu... Rồi cô tiếp tục khoe về người đàn ông của cô, nào là anh ấy hiền lành, nào là anh ấy có đạo đức... Tôi bỗng hỏi cô: Ông đại uý có họ hàng không? Có chứ sao lại không? - Cô Rose nói. - Hàng lô anh chị em họ nhưng chẳng ai làm gì, nghèo rớt mồng tơi, chỉ tìm cách bòn rút, ăn cắp của anh ấy... Thật là tồi tệ. Tôi đã mất nhiều công sức mới chấn chỉnh được tình hình, đưa một việc vào nề nếp, loại trừ được lũ sâu bọ ấy đi... Không có tôi thì anh ấy cái bát ăn cũng không còn. Bây giờ anh ấy thoả mãn lắm... Ông đại uý sẽ để lại chúc thư cho cô chứ? - Tôi hỏi trêu cô Rose. Tuỳ anh ấy muốn làm thế nào thì làm, - cô Rose trả lời một cách khôn khéo, - anh ấy hoàn toàn tự do... Tôi không xui, cũng không yêu cầu... Ngay cả cam đoan cũng không... Tôi đến với anh ấy chỉ vì nhiệt tình... Nhưng anh ấy là người biết người biết của... Anh ấy cũng hiểu rằng tôi yêu anh ấy, chăm lo cho anh ấy không vụ lợi... Đừng cho rằng anh ấy ngốc nghếch như bà Lanlaire nghĩ đâu... Trái lại, anh ấy ranh lắm, cô Célestine ạ... Anh ây có tư cách, có ý chí, có bản lĩnh... Cô Rose ca ngợi ông Manger hết lời. Vừa lúc này chúng tôi cũng đến nhà thờ... Cô Rose không rời khỏi tôi. Cô bảo tôi mang ghế lại ngồi cạnh cô. Cô cầu kinh, quì lễ và làm dấu... Nhà thờ ở đây không được đẹp, y như một nhà kho. Rầm nhà, kèo cột đã lung lay như sắp đổ sụp đến nơi. Con chiên vừa đọc kinh vừa ho vừa khạc, kéo bàn, kéo ghế xoàn xoạt. Người ta có cảm tưởng như vào một quán rượu. Nét mặt người nào cũng dốt nát, đần độn, miệng trông có vẻ ngoa ngoắt... Họ chỉ đến cầu Chúa để được trả thù nhau... Tôi không sao tĩnh tâm và chỉ thấy lạnh lẽo tràn ngập vào lòng... Có lẽ vì trong nhà thờ không có đàn oócgan. Thật là kỳ lạ... Tôi không quen cầu kinh mà không có đàn oócgan. Đàn oócgan như thấm vào tâm can người ta... Nếu được luôn nghe tiếng đàn ấy người ta sẽ tránh được lỗi lầm... Ở đây lại là một bà già thay cho đàn oócgan một bà mang kính mắt xanh, quàng khăn san màu đen trùm kín vai, gõ mệt nhọc lên cây đàn pianô lạc cả giọng điệu... Bên ngoài vẫn liên tục khạc nhổ ho hen át cả tiếng các nhi đồng hát thánh ca và tiếng đọc kinh của linh mục... Rồi lại còn nồng nặc mùi phân bò, mùi rạ ải, mùi bùn nhão, mùi da ướt, mùi hương mất chất... Đúng là ở một tỉnh lẻ... thiếu văn hoá. Buổi lễ kéo dài lê thê đến phát chán... Tôi thấy bực phải sống giữa đám người tầm thường, xấu xí, họ chẳng chú ý gì đến tôi. Chẳng có cảnh nào đẹp, chẳng có bộ quần áo nào đáng nhìn... Chẳng có chút nào gọi là lịch sự, là thanh nhã... Chẳng thấy gì phơi phới trong lòng như ở Paris... Trái lại chỉ thấy buồn, thấy chán... Để khuây khoả đôi chút tôi nhìn xem linh mục làm lễ. Đó là một người trẻ tuổi, khoẻ mạnh, nét mặt bình thường, nước da màu gạch hồng. Mái tóc ông rối bù, hai hàm bạnh ra, hai mắt xếch, mi mắt quầng đen. Cứ nhìn có thể đoán được là người thế nào... Thấy tôi chăm chú nhìn ông, cô Rose ghé xuống thì thầm: - Ông ấy là một trợ tế mới về. Ông ấy mà để cho phụ nữ xưng tội không hợp. Cha xứ cũ là một bậc thánh nhưng người nghiêm khắc quá... Còn ông trợ tế mới về thì lại... Nói đến đấy, cô tặc lưỡi, rồi cúi đầu tiếp tục cầu kinh... Ông trợ tế tôi thấy không thích. Ông ấy trông nhơ nhớp và ác. Dáng dấp như người đánh xe bò, không có vẻ một linh mục... Tôi thích người tế nhị, hào hoa, phong nhã, có đôi bàn tay trắng trẻo. Tôi thích những người đàn ông hiền hậu lịch sự, như anh Jean ấy... Lễ nhà thờ xong, cô Rose đưa tôi về nhà một bà hàng hương liệu. Cô bảo tôi phải đối đãi tử tế vói bà này, các cô giúp việc thường hay đến đây với chị ta... Bà hàng hương liệu củng là một người to béo, mặt đầy tàn nhang, tóc màu hung và thưa để lộ từng mảng trơ sọ, trên đỉnh đầu là một túm tóc giống như một cái chổi nhỏ. Mỗi bước đi của bà ta lại làm bộ ngực rung lên bần bật, chảy dài, nhũn nhẽo, như chất lỏng lúc lắc trong chai. Đôi mắt thâm quầng dọc ngang đầy tia máu. Miệng cười mà hoá ra mếu. Cô Rose giới thiệu tôi: Bà Gouin, đây là chị hầu phòng mới của gia đình Prieuré... Bà bán hàng hương liệu hau háu đôi mắt hết nhìn người tôi, lại nhìn bụng tôi, làm tôi ngượng. Rồi bà nói: Cô cứ tự nhiên như ở nhà... Trông cô xinh lắm... Đúng là gái Paris... Vâng, thưa bà, tôi từ Paris đến... Trông biết ngay, không phải nhìn đến hai lần. Tôi thích con gái Paris lắm... Họ thạo đời... Tôi cũng đã đi làm ở Paris ngày còn trẻ... Tôi làm cho một bà đỡ ở phố Guénégand. Bà ấy tên là Tripier... Cô có quen bà ấy không? Không ạ. Thế hả... lâu lắm rồi... nhưng vào nhà đi chứ, cô Célestine! Bà mời tôi vào gian trong cửa hàng, ở đấy đã thấy bốn chị đi ở ngồi quây quần chung quanh một cái bàn... - Cô làm ở đấy cũng ngại đấy, - bà hàng hương liệu nói và đưa tôi cái ghế. - Không phải ở đấy người ta không mua gi cho tôi nữa mà tôi nói xấu đâu, nhưng phải công nhận nhà ấy là một địa ngục... Có đúng không các cô? Đúng thê! - Cả bôn cô gái cùng nhăn mặt đồng thanh trả lời... Bà Gouin nói tiếp: Cảm ơn thôi! Thà không bán thì thôi chứ bán cho những người cứ cò kè không thích. Họ đi mua đâu thì đi... Đúng, họ muốn đi đâu thì đi, - bốn cô gái lại đồng thanh đế vào... Rồi bằng một giọng chắc nịch, bà Gouin quay sang nói với cô Rose: Chả cần theo đuổi họ, phải không cô Rose? Cô Rose chỉ nhún vai không nói. Song qua cái cử chỉ đơn giản ấy có thể thấy cô Rose biểu lộ nỗi cay đắng, lòng căm tức và sự khinh bỉ của mình... Trên chiếc mủ lính ngự lâm rộng vành của cô, mấy chiếc lông chim màu đen rung lên để biểu lộ sự đồng tinh. Sau một phút im lặng, cô nói: Chả nói về những con người ấy nữa. Mỗi lần nói đến họ, tôi lại thấy buồn lòng... Bỗng một cô gái da đen nhẻm, mồm như mõm chuột, trán đầy những mụn, nói như hét lên: Tội gì mà thôi, cứ nói cho vui. Thế là những chuyện xấu xa bẩn thỉu từ mấy cái miệng thi nhau tuôn ra, như tuôn từ miệng cống... Gian nhà sau cửa hàng như ong vỡ tổ. Bốn cái miệng tranh nhau mà nói... Tôi thấy căn phòng ngột ngạt, cửa lại ít, tối om, người cứ nôn nao, váng vất, bộ mặt của mấy cô gái, cứ như mặt lũ quỉ... Vuông sân kề sát cửa sổ ẩm ướt, nhầy nhụa như một miệng giếng chung quanh là bốn bức tường nham nhở đầy rêu. Mùi rau thối, cá ươn, nước sốt dở mùi xông lên nồng nặc ngấm cả vào quần áo... Mấy cô con gái cứ bám chặt lấy ghế, thi nhau tuôn ra hết chuyện nọ đến chuyện kia. Tôi miễn cưỡng thỉnh thoảng phải nhoẻn miệng cười, tán thành vói họ, nhưng thâm tâm chán ngán vô cùng... Một cảm giác buồn nôn nhộn nhạo, ứ lên đến cổ làm nhạt cả miệng, buốt hai thái dương. Không thể bỏ đi được, tôi cũng cứ ngồi bệt trên ghế, động tác như họ, để cho mọi lời nói bỉ ổi của họ tuôn vào trong tai minh, như nước rửa bát đĩa tuôn vào lỗ cống. Tôi biết rằng phải đề phòng đối với những ông bà chủ, song tôi vẫn thấy bọn này là những người xấu, thiếu giáo dục, không có văn hoá. Không biết gì là lịch sự, là tế nhị, khác rất xa với những cô gái xinh đẹp vui tươi ở Paris. Tôi ra về với cô Rose. Trên đường, cô lại kể tiếp "cuốn biên niên sử của địa phương". Tôi tưởng chuyện của cô đã cạn, nhưng mà không... Cô vẫn kể, về đến lâu đài Prieuré rồi mà vẫn chưa muốn rời khỏi tôi, vẫn cứ kể, kể mãi không thôi; còn tôi cái đầu muốn vỡ ra vì nghe những chuyện của cô, khi nhìn thấy nhà của vợ chồng ông bà chủ Lanlaire, tôi chán phát ngấy... Những thảm cỏ mênh mông chẳng có lấy một bông hoa; ngôi nhà dài dằng dặc như một trại lính hay một nhà tù, sau mỗi khung cửa sổ đang có một con mắt dõi nhìn tôi... Mặt trời nóng hừng hực, sương sớm đã tan, quang cảnh hiện ra rõ nét... Xa xa, trên những ngọn đồi ẩn hiện những mái ngói đỏ tươi dưới ánh nắng. Con sông uốn khúc, chỗ vàng chỗ xanh giửa bình nguyên nép mình dưới bóng cây. Trên trời lơ lửng những đám mây mỏng như để trang điểm thêm cho khung cảnh. Nhưng tôi không cảm thấy hào hứng chút nào trước cảnh thiên nhiên. Tôi chỉ còn mỗi mong muốn là mau chạy khỏi mặt trời ấy, dải bình nguyên ấy, những ngọn đồi ấy, căn nhà ấy vói người phụ nữ có giọng nói quái ác đã làm tôi kinh sợ. Cuối cùng thì cô Rose cũng đã phải chia tay với tôi. Cô ôm hôn tôi thắm thiết và bảo: Bà Gouin là một người tốt, đáng quí... Em phải năng đến thăm... Và như muốn thổ lộ bí mật, cô nói tiếp: Bà ấy đã giúp đỡ cho nhiều cô gái ở đây. Hễ có việc gì cứ đến. Có thể tin tưởng bà ấy. Một người hiểu biết nhiều... Đôi mắt sáng rực cứ dán chặt vào tôi, cô Rose nhắc lại: Hiểu biết nhiểu, lại rất khôn, rất khéo, rất kín đáo. Một bậc thánh của vùng này đấy... Thôi nhé. Đừng quên lại thăm chúng tôi, cô gái nhé... Phải đến với bà Gouin luôn. Đừng quên mà rồi ân hận. Thôi nhé. Sẽ gặp lại một ngày không xa. Cô Rose đã bước đi... Cô xa dần, men theo hàng rào, qua bức tường thấp rồi khuất sau một khúc ngoặt. Tôi đi qua trước mặt anh Joseph, người làm vườn kiêm đánh xe đang cào cỏ. Tôi tưởng anh sẽ hỏi tôi, nhưng không, anh vẫn im lặng. Anh liếc nhìn tôi làm tôi phát sợ. Hôm nay, trời đẹp, anh Joseph nhỉ... Nghe tôi hỏi anh Joseph làu bàu trong miệng... có lẽ vì tôi lại giẫm lên con đường anh đang dẫy dọn. Anh này thật cục mịch, chẳng hiểu biết gì... sao lại không nói với tôi bao giờ? Cứ im thít! hỏi cũng không trả lời... Thật kỳ lạ cho con người! Về đến nhà, tôi thấy bà chủ có ý không bằng lòng. Bà hờ hững lạnh nhạt lại còn lấy tay đẩy tôi: Từ nay cô không được đi lâu như thế nhé. Tôi bực quá muôn cãi. Nhưng tôi đã kịp ghìm lại. Tôi chỉ nói: Bà nói thế nào? Không nói gì cả... Tôi cấm cô từ nay không đến chơi với con mụ Manger. Mụ ta là một người xấu... ở nhà sáng nay mọi việc nhỡ là vì cô.. Tôi nghĩ thầm trong bụng: "Tôi đi đâu mặc tôi... Tôi trò chuyện với ai, mặc tôi... Việc gì đến bà... Bà không có quyền cấm tôi...". Giá được nói thẳng vào mặt bà ta những câu ấy thì hả hê biết mấy! Chỉ nghe giọng nói chua loét và những lời độc đoán hách dịch của bà, tôi đã quên ngay những ý nghĩ xấu xa về bà bán hương liệu và về cô Rose... Hai người này nói đúng. Cả chị bán hàng tạp hoá cũng nói đúng... Tôi tự nhủ sẽ đến chơi luôn với cô Rose, với bà bán hương liệu... kết bạn với cả chị bán tạp hoá... bởi vì bà chủ đã ngăn cấm tôi... Tôi ngầm nguyền rủa bà: Đồ ngu như lợn! Ngu như lợn! Hôm ấy, ăn sáng xong, ông bà chủ lên xe đi. Phòng trang điểm của bà, bàn giấy của ông, tất cả các tủ, các ngăn kéo, các xích đông... tất cả đều đóng khoá... Vậy là không thể xem trộm thư, không thể mó máy vào bất cứ cái gì... Bây giờ tôi ngồi viết thư cho mẹ tôi, cho anh Jean rồi tôi ngồi đọc quyển "Giữa gia đình". Một quyển truyện viết hay quá. Tôi rất thích đọc những quyển truyện nghe muốn khóc. Đến bữa tối phải nhóm lò sưởi, vì ông bà rét. Ăn xong ông ngồi đọc báo, vừa đọc vừa gật gù. Ồng giở giấy sang trang, mắt nhấp nháy trông có vẻ hiền. Ngay lúc giận dữ mắt ông vẫn cứ hiền. Và bẽn lẽn. Một lúc ông quay sang nói vói bà, mắt vẫn nhìn vào trang báo: - Lại một phụ nữ bị chặt làm nhiều mảnh! Bà không trả lời. Bà ngồi ngay đơ, trán cau lạị, mắt nhìn dữ, vẻ suy nghĩ. Bà nghĩ gì? Có lẽ vì tôi mà bà giận ông chăng...