Chương 1
CHỊ DÂU ĐƯỢC MUA VỀ

    
nh trai tôi năm bốn sáu tuổi cuối cùng cũng chịu lấy vợ, hơn nữa lại là một cô gái thành phố trẻ tuổi và xinh đẹp. Nỗi phấp phỏng của bố mẹ tôi cuối cùng cũng được xua tan, họ khấp khởi mừng thầm, chờ đợi cô con dâu trẻ tuổi sẽ sinh cho họ những đứa cháu trắng trẻo, mũm mĩm.
Tên của chị dâu là Lan Lan. Cô nhỏ hơn anh cả tôi đến hơn hai mươi tuổi, xấp xỉ tuổi của tôi. Anh và chị dâu đứng cạnh nhau chẳng giống một đôi vợ chồng mà giống một cặp cha con hơn. Lan Lan có làn da trắng mịn màng, khuôn mặt mỏng manh đến độ gió thổi cũng có thể rách được, thêm vào đó những đường cong mềm mại trên thân hình cân đối khiến cho đàn ông ai nấy nhìn thấy đều phải nhỏ dãi thèm thuồng.
Theo lí mà nói, ông anh trai ngoài bốn mươi của tôi có thể lấy được một bà vợ đẹp như hoa như ngọc thế này thật là phúc phận quá lớn, thế nhưng kể từ khi Lan Lan bước chân vào nhà chúng tôi, anh trai tôi chẳng có lấy một ngày hạnh phúc, cái mặt vốn đã sầm sì của anh lại càng sầm sì hơn, chẳng có lúc nào tươi tỉnh cả.
Sau hôn lễ của anh và chị dâu, nỗi háo hức của bố mẹ tôi nhanh chóng tan biến như bọt xà phòng, đôi lông mày càng ngày càng nhíu chặt lại. Chớ nhìn bộ dạng vui vẻ của bố mẹ tôi trước mặt người khác mà hiểu nhầm, khi không có người ngoài, bố mẹ tôi hết thở vắn lại than dài, những nếp nhăn trên khuôn mặt ngày càng nhiều hơn.
Mỗi khi đêm xuống, phòng ngủ của anh lại bắt đầu ầm ĩ, tiếp theo đó là tiếng khóc lóc thảm thương của một người đàn bà vang lên, tôi nghĩ chắc chắn là anh tôi đang đánh chị dâu rồi!
Anh tôi là người rất ít nói, cho dù có cãi nhau với người khác cũng chỉ sầm mặt, trợn mắt tức giận mà không mở miệng chửi bới lấy nửa lời. Sự phẫn nộ của anh không bao giờ treo ở trên miệng mà vùi sâu trong lòng. Hành động chính là phương thức trút giận của anh.
Lúc đánh nhau với người khác, anh thường ra tay rất độc. Còn nhớ vài năm trước trong thôn có gã Nhị Lạt Tử dám mở miệng chọc ghẹo khiến cho anh nổi đóa lên. Anh tôi chẳng nói nửa lời mà ra tay với Nhị Lạt Tử luôn. Cái gã Nhị Lạt Tử ấy là kẻ hống hách, vô lại và khó dây nhất trong thôn chúng tôi. Hắn có thân hình cao to lực lưỡng, hai cánh tay rắn chắc cuồn cuộn cơ bắp. Trong khi đó, anh trai tôi thân hình gầy guộc, đứng cạnh Nhị Lạt Tử còn thấp hơn cả một cái đầu, chẳng có ai nghĩ rằng anh trai tôi lại có thể đánh thắng được Nhị Lạt Tử.
Thế nhưng lần đó, người chiến thắng là anh trai tôi. Mặc dù những nắm đấm to như đá tảng liên tục thúc vào người anh cả tôi, nhưng anh chẳng rên la lấy một tiếng. Anh chồm đến dùng hai cánh tay gầy guộc ghì chặt lấy cổ của Nhị Lạt Tử. Nhị Lạt Tử nổi điên càng mạnh tay hơn với anh tôi. Anh nghiến răng chịu đau, quyết không buông tay. Chẳng bao lâu sau, mặt Nhị Lạt Tử từ đỏ chuyển sang tím ngắt, hai cánh tay dần dần mất hết sức lực, mềm nhũn buông thõng xuống.
Trong trận chiến ấy, một Nhị Lạt Tử lực lưỡng vẫn phải chịu thua ông anh trai gầy gò của tôi. Nhị Lạt Tử phục anh tôi sát đất. Kể từ đó, anh cả tôi nổi danh khắp trong thôn.
Thế mà một người phụ nữ trói gà không chặt lại dám gây lộn với anh tôi sao? Không cần nói cũng biết chị dâu chẳng khác gì một đứa oắt con trước mặt anh, chọc giận anh chẳng khác nào tự chuốc vạ vào thân.
Chị dâu không phải là người bản địa. Trước khi được gả vào nhà tôi Lan Lan hoàn toàn không quen biết anh tôi. Sự kết hợp của hai người không phải là do tình yêu, cũng chẳng phải là do mai mối giới thiệu, Lan Lan gả cho anh không phải là cam tâm tình nguyện mà là bị ép buộc, cả cái thôn này ai ai cũng biết chị dâu được anh trai tôi mua về.
Ở cái thôn nghèo nàn heo hút này, những gã độc thân không lấy được vợ vì nhà quá nghèo nhiều không kể xiết, những cô gái bị những gã nghèo kiết xác mua về làm vợ cũng nhiều không đếm xuể. Những người đàn bà bị bán về đây trẻ thì mười bảy, mười tám, già thì bốn mươi, năm mươi…phần lớn đều là những người đàn bà ở nơi khác bị bọn buôn người lừa gạt đem bán. Căn cứ vào độ tuổi lớn nhỏ của những người đàn bà ấy mà điều kiện và giá bán cũng khác nhau. Trẻ trung, xinh đẹp có thể bán đến vài vạn. Lớn tuổi một chút hoặc kém xinh đẹp cũng có thể bán được ba đến năm nghìn. Không ít những kẻ không có lương tâm đã nhắm vào cơ hội phát tài này, nhẫn tâm lừa gạt không biết bao nhiêu thiếu nữ, thậm chí là những phụ nữ đã kết hôn để mang đến đây bán, từ đó kiếm được không ít tiền bạc.
Lan Lan là một trong số những cô gái mắc lừa bọn buôn người và bị bán cho nhà chúng tôi. Anh tôi đã hơn bốn mươi rồi mà chưa có ai, thế nên nghiễm nhiên trở thành đối tượng được bọn buôn người “chăm sóc” đặc biệt. Bọn chúng còn đặc biệt chọn ra Lan Lan xinh đẹp để bán cho anh tôi, hòng kiếm chác càng nhiều tiền từ anh. Lần đầu tiên anh cả gặp Lan Lan, tên buôn người đó đã nói thầm với anh rằng Lan Lan không những là một em gái ở thành phố mà còn là một mỹ nhân chưa bị “bóc tem”.
Với diện mạo xinh đẹp như hoa của Lan Lan, tên buôn người đã bán cô được một món tiền lớn. Hắn đã moi được của anh tôi hơn năm vạn rồi êm thắm chuồn thẳng, sau đó chẳng bao giờ thấy quay trở lại nữa.
Lan Lan ở lại trong nhà chúng tôi chỉ khiến cho bố mẹ tôi được một trận mừng hụt. Ngay trong đêm hai người làm lễ thành hôn xong, trong nhà chúng tôi vang lên tiếng khóc lóc, gào thét thảm thiết của Lan Lan, nghe như thể anh trai tôi đang giết cô ấy vậy!
Thực ra nghe tiếng kêu thất thanh của Lan Lan, trong lòng ai cũng biết rõ, anh trai tôi không phải đang giết chị dâu mà là đang làm cái chuyện mà một người đàn ông bình thường vẫn làm, nghĩa là anh đang biến người phụ nữ mà anh bỏ tiền mua về trở thành vợ của mình, trở thành chị dâu của tôi, chỉ có điều Lan Lan sống chết không chịu.
Cho dù Lan Lan có đồng ý hay không thì cô vẫn buộc phải ở chung một phòng với anh trai tôi. Tôi không biết Lan Lan đã trở thành vợ của anh hay chưa, nhưng mỗi khi gặp mặt tôi bắt buộc phải gọi Lan Lan là “chị dâu”, đây là điều bố mẹ đã dặn dò rất kĩ, cũng là để thể hiện cho người ngoài nhìn vào. Cũng may là kể từ khi Lan Lan bước chân vào nhà tôi đến nay, đã lâu lắm rồi tôi chưa phải gặp cô ấy,thế nên không cần thiết phải cố ép mình gọi Lan Lan là chị dâu.
Lan Lan căn bản không ra cửa lấy nửa bước, thậm chí còn rất ít khi ra khỏi phòng của anh. Nhưng người trong thôn vẫn thường xuyên đến nhà để xem mắt cô con dâu xinh đẹp của bố mẹ tôi. Chẳng phải nói, cái mà họ nhìn thấy chỉ là một mỹ nhân khóc đến sưng hết cả mắt, miệng ngậm chặt chẳng nói đến nửa lời. Trước mặt gia đình tôi, hàng xóm đều cười giả lả khen ngợi Lan Lan xinh đẹp, thế nhưng ra khỏi cửa nhà tôi, bọn họ lại ghé tai nhau mà xì xầm cái gì đó.
Chị dâu là do anh tôi bỏ ra một số tiền lớn để mua về. Trong thôn có đến mấy cô cũng bị lừa bán về đây, vì vậy bọn họ chẳng thể an tâm sống qua ngày, vừa đến nhà là khóc lóc, làm loạn rồi thì đòi treo cổ tự vẫn. Nhưng phản ứng của Lan Lan có vẻ là dữ dội nhất trong số những người phụ nữ bị bán về đây.
Nghe cái tên buôn người đã chuồn mất từ lâu nói, Lan Lan là một cô gái có văn hóa ở thành phố, hơn nữa cô lại rất xinh đẹp, bắt cô làm vợ một người đàn ông đáng tuổi bố mình đương nhiên có hoảng sợ cũng là điều dễ hiểu.
Tôi không biết rốt cuộc thì Lan Lan đã bị lừa bán đi như thế nào, nhưng trong lòng tôi hiểu rất rõ, một trong những nguyên nhân khiến cô làm loạn lên như vậy sau khi đến nhà tôi đó là, anh tôi không những lớn tuổi mà còn là một gã thọt chân.
Bắt một cô gái thành phố đẹp như hoa như ngọc phải làm vợ một gã nông dân vừa già vừa xấu lại thọt chân thật chẳng chút xứng đôi vừa lứa, thêm nữa tính anh tôi vốn nóng lửa lửa, thô bạo chẳng biết yêu chiều phụ nữ, cho dù ai là chị dâu của tôi cũng đều khổ chứ đừng nói là chị dâu được anh mua về.
Mặc dù thôn của tôi nằm lọt thỏm trong những ngọn núi cao nhưng sớm đã nổi danh bởi cái tên thôn Kim Gia. Nguồn gốc của cái tên Kim Gia không cần nói chắc ai cũng biết, đó là bởi vì thôn chúng tôi có nhiều mỏ vàng, trong thôn có không ít nhà phát tài nhà đào vàng.
Cho dù là vậy thì phần lớn những người ở thôn Kim Gia này đều phải sống những ngày tháng nghèo khổ. Mặc dù vàng bạc rất nhiều nhưng chẳng phải ai cũng có thể đãi được vàng từ trong đất đá. Đãi vàng không chỉ dựa vào vận may mà quan trọng hơn hết chính là kĩ thuật, chỉ có người nào có thể xác định chuẩn xác được mạch vàng mới có thể tìm ra vàng. Do đó, không biết có bao nhiêu người đã nằm mơ giấc mộng vàng, cũng không biết có bao nhiêu người đã dành cả cuộc đời cho nghề đào vàng nhưng cuối cùng phần lớn trong số họ vẫn phải ngậm ngùi từ bỏ cái giấc mộng chỉ có thể ngắm chứ chẳng thể chạm vào ấy. Trong thôn chúng tôi có không ít hộ đào vàng, nhưng không những chẳng thể phát tài mà ngày càng khánh kiệt. Cái gã Kim Vượng trước đây sống nhờ vào gia sản ở thôn chúng tôi cũng vì đào vàng mà tan gia bại sản, giờ phải kiếm những đồng tiền bẩn thỉu nhờ vào việc buôn bán phụ nữ. Chị dâu Lan Lan của tôi cũng là do hắn làm trung gian mai mối cho anh tôi đấy chứ!
Đa số người dân ở thôn Kim Gia vẫn là những người nông dân cần cù, chỉ có điều đất đai ở đây cằn cỗi, thời tiết quá khắc nghiệt nên mặc dù tên là thôn Kim Gia nhưng trong thôn, những người có tiền chẳng được mấy ai.
Nghe những người trong thôn truyền tai nhau thì quy mô cái mỏ vàng mà anh tôi khai thác là lớn nhất, hơn nữa trữ lưỡng vàng lại lớn nhất, vàng được luyện ra cũng nhiều nhất nên gia đình tôi là hộ giàu nhất trong cái thôn Kim Gia này. Những ông chủ khai thác vàng khác trong thôn mặc dù cũng kiếm được không ít nhưng vẫn còn kém xa so với anh tôi.
Anh trai tôi dáng dấp không cao, thân hình lại gầy gò, nhưng người trong thôn bất kể là già hay trẻ đều khen ngợi anh tôi giỏi giang. Anh là một đại gia trong mắt dân làng, thế nhưng đáng tiếc là anh lại là một thằng thọt.
Anh tôi vì khai thác mỏ nên mới bị đá đè hỏng mất chân phải. Nghe mẹ nói lúc xảy ra chuyện này anh mới hơn hai mươi tuổi, đang ở cái độ tuổi mà đàn ông ai nấy đều đang tìm vợ. Lúc mới khai thác mỏ vàng anh tôi cũng rất vất vả, lại thêm cái chân bị gãy nên đi lại rất khó khăn, thế nên cái giá mà anh phải trả còn gian khổ gấp nhiều lần so với người thường. Anh trai bị tàn phế một chân của tôi đã phải nằm ở bệnh viện huyện mất nửa năm trời, vừa về đến thôn đã lại lao ngay vào rừng, mấy năm liền chẳng chịu ra.
Người trong thôn đều nói rằng anh mê vàng là bởi vì mấy đời nhà tôi đều nổi tiếng xa gần là “cao thủ đào vàng”. Trước khi giải phóng, bố tôi từ nhỏ đã theo ông nội đi đãi vàng cho nhà Kim Vượng. Ông nội tôi cũng vì vậy mà thiệt mạng, trước khi chết còn than thở bố tôi một câu: “Cả mấy đời nhà ta đều bán mạng cho người ta mà chẳng có được lấy một hạt vàng con ơi!
Nói xong câu đó ông nội tôi đã nhắm mắt xuôi tay. Bố tôi hiểu ý của ông nội là không muốn bố tiếp tục làm cái nghề này nữa. Thế nhưng những người nghèo trong thôn làm gì có đất đai của riêng mình, thế nên đều phải làm công dài ngày cho địa chủ. Bố tôi vì chẳng còn cách nào để nuôi gia đình ngoài việc đào vàng thuê cho nhà Kim Vượng nên đành phải làm trái với di ngôn của ông nội. Lúc đó nhà Kim Vương là hộ giàu nhất trong thôn, đất đai trong thôn này phần lớn là của nhà họ. Sau khi giải phóng, mặc dù chính chủ đã thu hồi phần lớn tài sản của nhà Kim Vượng nhưng bố Kim Vượng đã lén giấu không ít vàng ở trong núi nên sau đó gia sản nhà họ vẫn không bị khánh kiệt.
Đến đời Kim Vượng lên làm chủ, hắn ta một lòng mong khôi phục lại gia sản kếch xù của mình nên đã nhờ mối quan hệ lấy được giấy phép khai thác vàng. Hắn ta biết bố tôi đã học được tuyệt kĩ khai thác vàng từ ông nội, vốn định mời bố tôi đến giúp sức. Bố tôi là “cao thủ đào vàng” được cả thôn Kim Gia này công nhận, ông có thể nhắm chuẩn chỗ nào đào lên là có vàng, nhưng nói thế nào bố tôi cũng không chịu bán mạng cho nhà hắn nữa. Kim Vượng nhờ vào số tài sản mà cha hắn để lại để tiếp tục trò chơi liều mạng đãi vàng. Nhưng bởi vì không có bí quyết tìm vàng nên đã tiêu sạch hết sản nghiệp mà vẫn chẳng tìm được vàng. Cuối cùng hắn đành phải từ bỏ giấc mộng vàng của mình để đi làm cái nghề bất nhân thất đức: lừa bán phụ nữ.
Từ sau khi giải phóng, bố tôi nghĩ đến lời dặn của ông nội trước khi nhắm mắt nên quyết định không làm nghề đãi vàng nữa. Có thể nghề đãi vàng ấy đã gây cho ông quá nhiều đau đớn, thế nên sau khi được phân ruộng, ông liền bỏ nghề đãi vàng, chăm chỉ làm ruộng kiếm ăn. Mặc dù cuộc sống rất cực khổ nhưng bố tôi sống rất vui vẻ.
Sau khi anh tôi được sinh ra đời, bố tôi đặt tên anh là Kim Quý, có thể là do bố luôn mong muốn con trai mình sau này có thể giàu sang, phú quý. Bản thân bố tôi mặc dù không tiếp tục làm nghề đãi vàng nữa nhưng ông đêm ngày đau đáu những kinh nghiệm quý báu của mình, bởi vì dù sao ông cũng là người duy nhất xứng đáng với danh xưng “cao thủ đào vàng” ở cái thôn Kim Gia này.
Con trai của “cao thủ đào vàng” được số phận an bài là phải đào vàng, đây là việc mà tất cả những người ở thôn Kim Gia này đều cho là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, việc anh tôi khai thác mỏ vàng bị bố kịch liệt phản đối. Bố và anh cả vì chuyện này mà mâu thuẫn với nhau. Bố tôi đã tuyên bố trước mặt mọi người trong thôn rằng, nếu anh tôi khai thác mỏ vàng, ông sẽ không đặt chân vào mỏ lấy nửa bước. Điều này khiến cho tất cả mọi người ở thôn Kim Gia này đều thấy khó hiểu.
Kết quả của mâu thuẫn là, bố vẫn không thể ngăn được thằng con trai ương ngạnh, đầu trâu của mình. Mặc dù mỏ vàng của anh đã mở rồi nhưng bố tôi một mực ở trong nhà, quyết không ra cửa đến nửa bước. Năm anh tôi xảy ra chuyện, bố lầm lì chẳng nói nửa lời, người trong thôn chẳng nhìn thấy bóng dáng bố đâu suốt một thời gian dài. Chẳng có ai có thể đoán được suy nghĩ của ông, nhưng có một điều mà ai cũng phải công nhận đó là, kể từ khi anh trai tôi khai mỏ đến giờ, bố tôi thực sự chưa từng đặt chân đến mỏ vàng của anh lấy nửa bước.
Anh cả tôi là người khai thác mỏ vàng thành công nhất. Có người nói anh tôi đương nhiên đã được truyền thụ bí quyết “bắt mạch vàng” của bố tôi. Cũng có người cảm thấy hoài nghi với giả thiết này, nói rằng bố tôi cực lực phản đối chuyện đào vàng, vậy thì làm sao có thể truyền lại bí quyết bắt mạch vàng cho anh tôi được? Còn có một giả thiết nữa khá huyễn hoặc, nói rằng anh tôi sở dĩ có tài năng đào vàng trời phú là bởi vì đã được di truyền từ bố tôi, hơn nữa anh tôi lại thông minh ngay từ nhỏ….
Nói thế nào đi nữa thì anh tôi cũng là người đào vàng thành công nhất. Thế nhưng kể từ khi tôi biết nhận thức, tôi chưa từng nhìn thấy anh tôi mỉm cười vì khối tài sản kếch xù trong tay mình. Vàng không hề mang đến niềm vui cho anh.
Số phận cứ thích đùa cợt với con người như vậy đấy. Anh trai tôi dốc hết tâm huyết cho mỏ vàng, tài sản tích lũy hơn hai mươi năm trời nhiều không đếm xuể, thế nhưng ông trời lại bắt anh phải trả một cái giá quá đắt. Xét từ một phương diện nào đó có thể nói tài sản và địa vị của gia đình tôi hiện giờ ở thôn Kim Gia này là do anh tôi dùng mạng để đổi lấy.
Có lẽ chính bởi vì bản thân mình tàn phế nên thường ngày anh tôi rất ít nói. Anh không thích khoe mẽ, phô trương như những kẻ có tiền khác. Mấy ông chủ phát tài ở thôn Kim Gia này đã sớm sắm Mecedes với BMW để cưỡi từ lâu rồi, thế nhưng anh trai tôi vẫn chung thành với con Jeep “đồ cổ”. Thậm chí ngay cả cách ăn mặc anh cũng chẳng mấy để tâm. Những bộ quần áo mà anh mặc quê mùa chẳng khác gì những người nông dân trong thôn, chỉ có điều quần áo của anh sạch sẽ hơn một chút.
Mặc dù anh tôi không thích phô trương nhưng những người biết anh đều biết rằng anh là một người giàu có thực sự ở Kim Gia này. Mặc dù anh tôi bị thọt chân nhưng mấy năm trước, những người đến mai mối xếp thành hàng dài trước cửa. Bố mẹ đều muốn anh chóng lấy vợ để được ôm cháu nội nhưng anh tôi một mực trợn mắt đuổi hết đám mai mối ấy ra khỏi cửa. Dần dần chẳng còn ai dám đến nói chuyện mai mối với anh trai tôi nữa. Chuyện hôn sự của anh vì vậy mà bị gác lại.
Toàn bộ tâm trí của anh đều dành hết cho mỏ vàng, bởi vì hai bố còn đã có mâu thuẫn từ lâu nên anh rất ít khi về nhà, chỉ liên tục gửi tiền về nhà mà thôi. Bố tôi nhìn thấy anh cũng chẳng nói năng gì, những lời mẹ nói anh lại không để vào tai. Tiền trong nhà ngày càng nhiều lên, tuổi tác của anh cũng ngày một lớn. Đến năm tôi tốt nghiệp cấp ba thì anh tôi đã bốn mươi sáu tuổi rồi.
Đừng nói là ở nông thôn, mà ngay cả ở thành phố, đàn ông ngoài bốn ngươi tuổi mà chưa có vợ ngoài mấy gã nghèo kiết xác không lấy nổi vợ ra thì gần như chẳng còn ai rồi.
Anh tôi mặc dù tàn phế nhưng muốn lấy một người phụ nữ làm vợ chẳng phải là chuyện khó khăn, không biết đã có bao nhiêu cô gái thèm thuồng cái tài sản khổng lồ của anh tôi rồi! Nhưng đáng tiếc là anh tôi chẳng buồn để mắt đến họ.
Đàn ông có ai không nghĩ đến đàn bà đâu, ngay cả thần tiên trong truyền thuyết còn vì tình yêu mà phạm phải thiên quy, lẽ nào anh tôi không phải là người có thất tình lục dục hay sao? Trên đời này lại có một người đàn ông không biết đến thất tình lục dục là gì hay sao? Anh giống như một động vật máu lạnh. Anh đã trở thành một quái vật trong mắt những người trong thôn!
Anh hơn tôi hơn hai mươi tuổi, là bởi vì chúng tôi là anh em cùng cha khác mẹ. Mẹ đẻ của anh đã qua đời không lâu sau khi sinh hạ anh. Mẹ tôi được gả cho bố lúc anh tôi mới bắt đầu sự nghiệp khai thác mỏ vàng. Mẹ tôi kém bố tôi hơn mười tuổi.
Chẳng bao lâu sau khi lấy bố, mẹ đã sinh ra tôi. Bố đặt tên tôi là Kim An, ý nghĩa là hi vọng tôi được sống bình an suốt cả đời. Anh đối xử với mẹ tôi chẳng nóng cũng chẳng lạnh, cũng không mấy để ý đến đứa em trai như tôi, hoặc cũng có thể nói rằng, đối với anh, có hai mẹ con tôi trong nhà chẳng qua cũng chỉ là thêm hai cái bát với hai đôi đũa mà thôi.
Anh một lòng nghĩ đến mỏ vàng, thường ngày rất ít khi về nhà. Còn tôi lớn lên từng ngày trong sự che chở của bố mẹ. Tám tuổi tôi bắt đầu đi học, do nhà không thiếu tiền nên dần dần tôi đã thoát ra ngoài cái thôn Kim Gia hẻo lánh này. Được lên thành phố đi học là điều mà tôi không bao giờ ngờ tới. Mẹ nói với tôi rằng đó hoàn toàn là nhờ công lao của anh, là vì anh đã nhờ mối quan hệ, đi cửa sau, bỏ ra rất nhiều tiền để sắp xếp cho tôi được học một trường cấp ba ở trong thành phố. Kể từ lúc đó tôi mới hiểu ra rằng, mặc dù bình thường anh cả chẳng nói gì với tôi nhưng trong lòng anh vẫn coi tôi là một thằng em trai. Cũng chính từ lúc đó trở đi, tôi luôn vui vẻ khoe khoang với bạn bè về người anh trai tài giỏi của mình. Mặc dù anh là người tàn tật nhưng trong mắt tôi anh vẫn rất đáng kính và vĩ đại.
Tôi biết, anh tôi sở dĩ có thể thành công phần lớn nhờ vào sự thông minh và tinh thần kiên trì, bền bỉ của mình. Còn tôi, xét về mặt bẩm sinh hay tính nhẫn nại đều không thể bì với anh được. Mặc dù mọi người trong nhà đều mong tôi làm nên sự nghiệp thông qua việc học hành, thế nhưng tôi đã học cả năm năm cấp ba, học lại lớp mười hai đến ba năm mà vẫn không thi đỗ vào đại học. Tôi thực sự cảm thấy chẳng còn mặt mũi nào mà học tiếp nữa liền bất chấp sự phản đối của bố mẹ, bỏ học về nhà.
Nhìn thấy bộ dạng ủ rũ của tôi, anh cũng không nói năng gì. Tôi không biết bản thân mình đã làm anh thất vọng như vậy thì anh sẽ đối xử với tôi ra sao. Nhưng từ trong ánh mắt anh tôi không hề nhìn thấy có ý trách móc tôi. Cứ thế, tôi ở nhà, sống những ngày vô vị và tẻ nhạt.
Đúng vào lúc tôi thi trượt, đang ủ ê chẳng có việc gì làm thì anh lấy vợ. Mà điều làm tôi nghĩ mãi không ra đó là, anh nói có chết cũng không lấy người ở đây mà lại bỏ tiền mua cho tôi một bà chị dâu ở nơi khác về.
Chẳng mấy chốc, chuyện anh tôi bỏ tiền mua vợ đã trở thành tin tức nóng hổi trong thôn. Trong mắt của mọi người, chuyện mấy gã nhà nghèo bỏ tiền ra mua vợ là chuyện thường gặp, nhưng Kim Quý mà bỏ tiền ra mua vợ lại là một chuyện bất thường. Số tài sản mà Kim Quý sở hữu nhiều đến mức ngay cả bản thân cũng đếm không xuể, cho dù có là thằng thọt đi nữa thì đàn bà muốn được gả cho anh có mà nhiều như sao xa. Thế mà Kim Quý lại gạt hết những đám mai mối để bỏ tiền ra mua vợ mà không sợ thiên hạ chê cười. Đây chẳng phải là chuyện nực cười hay sao?
Bố mẹ tôi chẳng ý kiến gì với những lời bàn tán về anh. Anh tôi ngoài bốn mươi rồi mà chưa lấy được vợ, bố mẹ tôi đã sớm đứng ngồi không yên, giờ anh tôi đột nhiên hồi tâm chuyển ý, đòi lấy vợ, hai người họ chẳng buồn xem xét lai lịch của con dâu, chỉ cần anh lấy được vợ về thì ít nhất họ cũng có hi vọng được ôm cháu nội.
Chỉ có điều, bố mẹ tôi thường chẳng được yên lòng. Mâu thuẫn suốt hơn hai mươi năm giữa bố và anh trai tôi vẫn chưa được tháo gỡ. Hai bố con bình thường chẳng mấy khi nói chuyện. Chuyện hôn nhân đại sự của anh theo lí mà nói đáng nhẽ ra là do mẹ gánh vác, nhưng bởi vì mẹ tôi là mẹ kế nên kể từ khi mẹ bước chân vào nhà này, anh chưa từng gọi mẹ tôi là “mẹ”, càng không bao giờ nói chuyện của mình trước mặt mẹ tôi. Mẹ tôi thường nghĩ rằng trong lòng anh hoàn toàn không có người mẹ này, bản thân mình ở trong nhà họ Kim chẳng khác gì người ngoài. Vì vậy, chuyện anh tôi bỏ tiền ra mua vợ mặc dù rất mất mặt nhưng mẹ tôi cũng chẳng dám nói gì.
Kể từ sau khi chị dâu đến nhà tôi, lông mày của bố tôi chưa từng giãn ra, cơm ăn ngày càng ít đi. Mẹ tôi nghĩ đủ cách để cải thiện bữa ăn nhưng bố tôi lúc nào cũng nói không muốn ăn. Nhìn bố tôi ngày một gầy đi, trong lòng mẹ rối bời lắm, nhất là mỗi đêm nghe thấy tiếng khóc lóc rấm rứt của chị dâu, mẹ lại sốt ruột như kiến bò chảo lửa, cả đêm không sao ngủ được.
-Bà nó à, khi nào rảnh rỗi qua nói chuyện với vợ thằng Kim Quý, xem nó có điều gì uất ức, tủi nhục. Nếu như người ta không chịu thằng Quý nhà mình thì thôi để cho người ta đi cho yên chuyện!- nhẫn nhịn đã lâu cuối cùng bố tôi đành phải lên tiếng.
Nghe thấy bố nói vậy, mặt mẹ chợt biến sắc. Mẹ biết rõ là Lan Lan bị ép gả cho anh, chắc chắn trong lòng vô cùng bất mãn.Thế nhưng anh tôi lại để mắt đến Lan Lan rồi, gạt hết đám mai mối, sẵn sàng bỏ tiền mua Lan Lan về làm vợ, nếu ai mà thả Lan Lan đi thì chẳng khác nào chọc vào ổ kiến lửa.
Thế nhưng dù gì bố cũng nói vậy rồi, mẹ cũng không tiện từ chối đành lặng lẽ gật đầu.
Kể từ sau khi “lấy” Lan Lan về làm vợ, ban ngày anh vẫn vào mỏ như thường lệ, đến chiều tối mới về nhà. Thường thì anh không ăn cơm với mọi người, đa phần đều ăn ở ngoài rồi mới về nhà. Về đến nhà là đi thẳng vào trong phòng với Lan Lan. Đàn ông lấy vợ rồi đều chết dúi ở trong phòng, huống hồ anh tôi đã hơn bốn mươi tuổi đầu mà vẫn chưa được động vào người đàn bà.
Lan Lan kể từ khi bước chân vào nhà tôi thường rất ít khi ra khỏi gian nhà đẹp đẽ của anh. Phòng cưới của anh là một căn phòng rộng rãi, ngoài phòng ngủ còn có thêm cả phòng khách và nhà vệ sinh, nội thất trong phòng được bài trí chẳng khác gì so với phòng ốc của những người có tiền trong thành phố.. Lan Lan ở trong căn phòng đó vừa thoải mái vừa tiện nghi, tất cả những thứ này đều là do một tay anh chuẩn bị để lấy vợ. Ở trong nhà tôi không có gian nhà thứ hai như thế này đâu. Nói vậy đủ hiểu rằng anh tôi quan tâm thế nào đến chị dâu.
Chuyện ăn uống một ngày ba bữa của Lan Lan đều do một tay mẹ tôi quán xuyến. Lan Lan ăn rất ít, biết bao lần mẹ mang đồ ăn vào mà vẫn còn nguyên không hề động đũa. Mẹ tôi rất thương Lan Lan, bà coi Lan Lan như con gái của mình, một ngày ba bữa tận tình chăm sóc cô. Thế nhưng Lan Lan chẳng bao giờ nói chuyện với mẹ, mẹ có hỏi Lan Lan cũng không đáp lời, lúc nào cũng ngồi ngây ở trên giường lau nước mắt. Mỗi lần như vậy mẹ đều không biết khuyên nhủ thế nào, đành phải lặng lẽ đi ra.
Căn phòng của anh ban ngày yên tĩnh như chẳng có người, thế nhưng người trong thôn ai ai cũng biết trong đó có một cô dâu xinh đẹp như hoa, cô ấy chính là người đàn bà của gã thọt Kim Quý giàu có nhất làng! Trong thôn có không ít người bỏ tiền mua đàn bà về làm vợ nhưng trong con mắt của mọi người, Lan Lan không chỉ xinh đẹp mà còn là một người có phúc phận nhất, bởi vì cô được làm vợ của Kim Quý!
Phần lớn những người đàn bà bị bán đến thôn Kim Gia ban đầu đều khóc lóc, gào thét, đến khi đàn ông “thuần phục” được họ rồi, họ sẽ trở nên hiền lành ngoan ngoãn như những con cừu non, không thì chí ít họ cũng không gào khóc hay làm loạn như lúc đầu nữa. Tuy nhiên, Lan Lan không giống như những người phụ nữ khác. Cô không giống như những liệt nữ mà người đời thường nói, thậm chí còn có phần mềm yếu hơn cả những người phụ nữ hiền lành. Thế nhưng cô rất có khả năng làm loạn, hơn nữa phương pháp làm loạn lại chẳng giống ai.
Lan Lan ban ngày chẳng ừ hử lấy một tiếng, ai cũng tưởng rằng cô đã bị anh trai tôi “thuần phục” thành một con cừu non rồi. Thế nhưng cứ đến tối là trong phòng của anh tôi lại vang lên tiếng khóc nức nở, hết đợt này đến đợt khác, tiếng khóc cứ tấm tức cho đến tận sáng sớm hôm sau, cho đến khi anh tôi ra khỏi cửa mới thôi. Thứ âm thanh đó khiến cho người nghe thắt ruột thắt gan, chẳng ai biết được anh tôi và Lan Lan đã làm những gì ở trong phòng.
Lâu dần, người trong thôn bắt đầu đoán mò, bọn họ lén lút truyền tai nhau, nói rằng anh tôi nửa đời người chẳng được động vào phụ nữ, giờ vớt được một tiên nữ về nhà làm vợ đương nhiên phải cố sức mà giày vò cho đã. Có người lại nói anh tôi chẳng phải là một “kẻ đi săn” lành nghề, ngay cả một con cừu yếu ớt cũng không thuần phục nổi.
Những lời xì xầm sau lưng đa phần đều chẳng hay ho gì, nhưng tai vách mạch rừng, những lời đàm tiếu của thiên hạ chẳng bao lâu đã lọt vào tai bố mẹ tôi. Anh trai tôi cả ngày bận rộn ở mỏ vàng, tối đến về đến nhà là chui tọt vào phòng không chịu ra, không biết là anh có nghe được những lời đàm tiếu ấy không nữa.
Bố tôi vì chuyện này cảm thấy rất mất mặt. Con trai lấy vợ vốn là một chuyện đáng mừng, nào ngờ lại trở thành một chuyện mất mặt như vậy.Chuyện xấu trong nhà không nên nói ra ngoài, nhưng điều khiến ông lo lắng lại chính là chuyện xấu trong nhà bị người ngoài đồn đến tai mình. Vì vậy, ông quyết định bảo mẹ tôi tìm hiểu tâm tư của Lan Lan, nếu như cô không chịu ở nhà tôi thì sẽ bảo anh tôi thả cô về.
Mẹ tôi khó xử trăm đường trong chuyện này. Ý của bố vẫn phải làm theo, thế nhưng còn anh cả thì sao, biết phải ăn nói với anh thế nào? Rõ ràng là người ta chẳng chịu theo Kim Quý nhà mình, nhưng bản thân Kim Quý không mở miệng nói sẽ thả người thì mặt mũi nào nói những chuyện này với anh? HƠn nữa bản thân mẹ tôi lại không phải là mẹ đẻ của Kim Quý, vậy thì bà có tư cách gì mà mở miệng nói chuyện này với anh?
Nghĩ ngợi cả ngày trời, cuối cùng mẹ cũng nghĩ ra một phương án mà mẹ tự cho là khá ổn thỏa. Mẹ tôi quyết định đến phòng của Kim Quý để tâm sự với Lan Lan trước, xem xem Lan Lan có điều gì khó nói.
Sáng sớm, anh cả vẫn thức dậy và đi vào mỏ vàng như thường lệ. Mẹ tôi liền mang bữa sáng vào cho Lan Lan, nhìn thấy Lan Lan đang ngồi ngây ra trước bàn trang điểm.Mẹ đi vào phòng rồi mà Lan Lan vẫn chẳng có phản ứng gì, thậm chí tư thế ngồi cũng chẳng thay đổi.
Mẹ bê bữa sáng đặt lên bàn, rồi nhẹ chân đến sau lưng Lan Lan, dịu giọng nói: -Con gái, mẹ mang bữa sáng vào cho con, con ăn chút gì đi!
Lan Lan không đáp lời, mí mắt cũng chẳng thèm ngước lên. Suốt một tháng trời mẹ tôi cơm bưng nước rót đem vào cho Lan Lan nhưng cô không mở miệng cám ơn lấy một lần.Mẹ tôi cũng đã quen với việc này rồi, mẹ rất thông cảm với hoàn cảnh của Lan Lan hiện giờ.
Mẹ lại dịu giọng khuyên Lan Lan vài câu nhưng nhìn thấy cô vẫn ngồi như tượng đá liền xót xa đưa tay ra vỗ vào vai cô, dịu dàng nói: -Con à, mẹ……
Mẹ vốn định dùng bàn tay gầy guộc của mình để an ủi Lan Lan, nào ngờ tay mẹ vừa chạm vào vai Lan Lan thì cô đã nhảy phắt ra khỏi ghế ngồi như phản xạ có điều kiện, đôi mắt mở to đầy mơ hồ và hoang mang, bước chân quýnh quáng lùi vào sát góc tường, miệng không ngừng lắp bắp: – Cầu xin anh…xin anh…tha cho tôi!