Đã hai tháng trôi qua từ ngày Thùy Lan kèm cặp cho bé Trà Mi học. Hai cô cháu càng lúc càng quyến luyến nhau. Bao nhiêu thời gian trong ngày, Thùy Lan dành hết cho đức bé và nàng tự nhủ có thế chuyến trở về quê hương của nàng lần này mới thật sự có ý nghĩa.
Việc học của Trà Mi đã khả quan hẳn lên. Cô bé bắt đầu giỏi đều mọi môn và cho đến cuối tháng đó, một sự việc phi thường đã xảy ra, Trà Mi vượt lên đứng thứ hai trong lớp. Kết quả đó khiến cả hai cô cháu đều mừng vui vô hạn và Thùy Lan thấy những công sức mà mình bỏ ra thật là xứng đáng.
Chiều hôm đó, Thùy Lan ngưng kèm Trà Mi một buổi, nàng nói với học trò của mình:
– Hôm nay con về sớm đi để khoe với ba. Nếu ba biết con tiến bộ như vậy, ba sẽ mừng lắm.
Trà Mi hớn hở nghe lời cô ngay. Bấy lâu nay nó vẫn mặc cảm mình học không khá, trong tất cả các môn nó chỉ xuất sắc mỗi môn văn. Bây giờ thì nhờ cô giáo nên môn nào nó cũng giỏi đều, được các bạn trong lớp rất là nể phục.
Chiều hôm đó khi Thành Vũ đang ngồi trong phòng làm việc thì có tiếng gõ cửa khẽ khàng rồi một giọng ngại ngùng vang lên, giống như sợ quấy rầy chàng:
– Ba ơi, ba! Con vào được không ba?
– Vào đi! - Thành Vũ nói xẵng vì chàng đang bận. Trước mặt chàng là một hợp đồng đang nghiên cứu dở.
– Ba à! - Trà Mi khép nép bước vào và chìa cho cha mình tờ thành tích mà cô giáo vừa phát sáng nay - Ba xem đi, ba sẽ thấy rất là kinh ngạc! Tháng này con được hạng nhì đó ba nhưng tháng sau con sẽ cố vượt lên đầu lớp. Cô giáo đã cam đoan với con như vậy. Mà cô giỏi thật ba ạ, cô chỉ mới kèm cho con hai tháng mà kết quả đã được thế rồi!
Trà Mi nói một hơi không e ngại. Trước đây nó không nói nhiều với cha như thế. Thứ nhất nó biết là cha bận, thứ nhì nó cũng không có chuyện gì để khoe với cha. Lại nữa tính tình cáu gắt của Thành Vũ dạo sau này làm cho Trà Mi đâm ra sợ sệt. Thỉnh thoảng có điều gì cần thiết lắm nó mới dám làm phiền cha, còn không thì nó im như thóc và rúc mình trong thế giới riêng của nó.
Thành Vũ đẩy tờ hợp đồng qua một bên, chàng liếc nhìn bản thành tích rồi ngước lên nhìn con và có cảm đứa con trước mặt mà bấy lâu nay chàng không có thời giờ chăm sóc đã trở nên thay đổi rất nhiều.
Nó không nhút nhát, lúc nào cũng lắp ba lắp bắp như ngày xưa nữa. Bề ngoài của nó cũng khác đi trông thấy, lúc trước nó ủ rũ, rụt rè bao nhiêu thì bây giờ nó tươi tắn, hoạt bát bấy nhiêu. Mắt đã sáng long lanh, da đã có sắc hồng. Từ trong ánh mắt của Trà Mi, một niềm hạnh phúc chan chứa toả ra mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Chàng nhìn con rồi liên tưởng đến hình ảnh của nó mấy tháng trước đây và bỗng thấy cô giáo dạy sinh ngữ đang ra sức kèm cặp cho con mình quả đã làm được một việc phi thường cho gia đình chàng. Tự dưng chàng cảm thấy xầu hổ khi ở trong cương vị một người cha mà lại bỏ bê con mình như vậy. Chàng vỗ khẽ vào chiếc ghế bên cạnh mình và dịu dàng nói với Trà Mi:
– Lại đây ngồi với ba! Ba có mấy điều muốn hỏi con!
Trà Mi chưa lúc nào thấy cha nói chuyện ngọt ngào, êm ái với mình như vậy. Nó rón rén đến ngồi cạnh Thành Vũ rồi lặng lẽ nhìn cha.
– Cô giáo của con thương con lắm phải không?
– Cô thương con lắm, ba à! Sau giờ ta trường, cô đưa con về nhà cô để mà kèm cho con học...
– Chứ không phải cô kèm cho con ngay tại trường à? - Thành Vũ kinh ngạc hỏi - Ba nhớ lúc trước con bảo cô sử dụng phòng giáo viên để dạy con học cơ mà!
Vâng, lúc trước là như vậy nhưng sau này cảm thấy phòng giáo viên không được yên tĩnh cho lắm nên cô đưa con về nhà.
– Nhà cô chắc cũng ở gần đây hả?
– Dạ, nhà cô ở ngay trong trường học!
– Ồ, thế đấy! Thì ra cô giáo là người ở nơi khác đến.
– Thưa vâng, con cũng nghĩ vậy. Nhưng phòng mà nhà trường dành cho cô bé quá, còn nhỏ hơn cả phòng ngủ của con nữa. Con thấy cô sống trong cái phòng nhỏ như vậy, con rất muốn ba cho cô về đây ở chung với con!
Câu nói thơ ngay của Trà Mi khiến cho Thành Vũ không khỏi mỉm cười:
– Cô ở chung với con làm sao cho tiện. Nếu cô có đến đây thì ba dành hẳn cho cô một căn phòng đẹp đẽ hẳn hoi!
– Thế ư, ba? - Trà Mi mừng rỡ reo lên - Vậy ngay ngày mai, con nói cô dọn lại nhà mình, ba nhé!
– Con bé này thật... - Chàng mắng yêu con -.... đâu phải nói là làm ngay được. Phải hỏi ý của cô giáo xem cô có bằng lòng không, phải chuẩn bị phòng ốc cho cô đàng hoàng, tươm tất. Cũng phải nói qua cho dì con biết một tiếng để bà ấy khỏi ngạc nhiên...
– Thế nếu dì không bằng lòng thì ba không cho cô giáo dọn vào nhà ta hay sao?
Trà Mi ngắt lời cha và đây là lần đầu tiên nó dám làm như vậy. Gương mặt của nó đầy thất vọng khi liên tưởng đến bà mẹ kế khó tính. Cái mà Trà Mi biết ơn ba nó nhiều nhất là ông không hề ép buộc nó phải gọi người đàn bà này bằng mẹ.
– Dì con không chịu cũng mặc bà ấy... - Thàn h Vũ nói cho con yên lòng -... nhưng dì sống chung với chúng ta dưới một mái nhà thì chúng ta cũng nên tôn trọng dì. Ba bảo nói cho dì biết chứ không phải ý ba là để cho dì con quyết định.
– Ồ, ba, con cảm ơn ba! - Sắc mặt của Trà Mi tươi hẳn lên và ánh mắt của nó mừng rỡ trông thấy.
– Trước đây ba đã có ý mời cô giáo đến nhà chúng ta để làm gia sư cho con nhưng rồi ba bận quá không có thời giờ nghĩ tới chuyện ấy nữa. Lúc trước nghe cô Châu kể cô giáo kèm cho con học rồi còn phải đưa con về tận nhà, ba thấy ái ngại cho cô ấy quá. Một lý do khác khiến ba chần chờ là vì còn chưa biết trình độ của cô giáo con ra sao. Nay chỉ mới vài tháng mà con đã tiến bộ vượt bậc trong chuyện học hành như vậy thì ba không còn ngần ngại gì trong việc mời cô đến dạy. Ngoài việc cung cấp nơi ăn chốn ở cho cô giáo, chúng ta còn phải trả lương cho cô đàng hoàng. Cô ấy đã bỏ công để dạy dỗ, lo lắng cho con gái của ba thì ba phải tưởng thưởng cho cô ấy xứng đáng. Ở đây những gia đình khá giả họ đều thuê gia sư đến nhà kèm cặp cho con của họ. Ba đã xao lãng chuyện này một thời gian khá lâu, đó là điều sơ sót của ba. Nhưng một phần vì ba nghĩ con còn bé quá nên cũng không cần thiết. Nay thấy con quyến luyến cô giáo của mình mà chắc cô cũng thương và lo cho con nên ba cũng không muốn hai cô cháu phải rời xa nhau. Mà này, con cứ hỏi ý của cô giáo ra sao đã, cũng chưa chắc cô sẽ đồng ý đâu, bởi vì ở trong nhà ta thì cô sẽ cảm thấy không được tự do như ở một mình. Nhưng dù sao đi nữa ngày mai ba cũng có một món quà cho cô. Ba sẽ gửi cho cô một ít tiền con ạ! Cô giáo đã kèm cho con hai tháng như thế mà không lấy lệ phí. Điều đó thật không công bằng. Sáng mai trước khi con đi học, nhớ ghé vào phòng ba lấy phong bì đưa cho cô. Và con nhớ bảo cô là mười hai giờ trưa chủ nhật này, ba muốn mời cô đến nhà chúng ta dùng cơm, sẵn dịp đó bàn đến chuyện mời cô làm gia sư luôn một thể.
– Ồ, ba ơi, con mừng quá!
Trà Mi nói mà muốn nhẩy cẩng lên vì sung sướng. Nó rất yêu thương cô giáo của mình, nay thấy cha đối xử tử tế với cô như vậy, hỏi sao lòng nó không vui. Đó là còn chưa nói đến việc được cô trông mon từng giờ, từng phút, lúc nào cũng có cô bên cạnh, một mơ ước lớn lao như vậy, nó chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Thấy con vui ra mặt, Thành Vũ mỉm cười:
– Chắc con thương cô giáo của con lắm phải không?
– Con không muốn rời cô, ba à! - Đứa bé nói thực với cha mình - Và cô cũng không muốn rời con nữa. Cứ mỗi lần đưa con về đến nhà, thấy cô vừa quay đi là con lại muốn chạy theo năn nỉ cô ở lại,. Ba không biết chứ cô giáo lo cho con từng li, từng tí. Lúc kèm con học, cô cho con nghỉ giữa giờ, chuẩn bị thức ăn, thức uống cho con, con sợ con học nhiều rồi mất sức nên lúc nào cũng bồi bổ cho con cả. Có lúc con còn tưởng như cô là mẹ của mình. Bởi vì chỉ có mẹ mới có thể thương yêu con như thế, phải không ba?
Câu hỏi của con làm cho Thành Vũ nao nao trong dạ, nhưng đồng lúc nó cũng khơi dậy một nỗi nhức nhối không nguôi trong trái tim chàng. Chàng thở dài khi nghĩ tới người vợ quá cố. Người mà sự ra đi vĩnh viễn của người ấy cũng là bởi lỗi của chàng. Trà Mi là một đứa bé nhạy cảm, thấy cha buồn nó nhận biết ngay. Nó cầm tay Thành Vũ và thỏ thẻ nói:
– Thưa ba, xin ba tha lỗi cho con!
Nó ngờ ngợ giữa ba và mẹ nó có một cái gì đó mà nó không hiểu nổi, và mỗi khi ai nhắc đến mẹ thì ba thường bứt rứt không yên. Nhưng lần này ba không giận mà chỉ xoa đầu nó:
– Con đi ăn cơm, tắm rửa rồi đi ngủ đi, bây giờ cũng đã muộn, mai còn phải đi học nữa.
Đức bé nắm lấy tay cha:
– Ba không đi ăn cơm với con sao ba?
– Con bảo chị Châu dọn cho con ăn trước đi, ba còn phải làm việc một lúc nữa!
– Ba đừng thức khuya quá nha ba! - Trà Mi còn dặn dò trước khi đi ra khỏi phòng.
Thành Vũ nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn của Trà Mi, bỗng thấy thương con vô hạn. Bấy lâu nay chàng đã xao lãng bổn phận làm cha cũng bởi sau cái chết của Tố Diễm, chàng không còn thấy thiết tha với bất cứ điều gì nữa cả. Nhưng chàng hành động như vậy là hoàn toàn vô trách nhiệm. Trà Mi là núm ruột duy nhất của hai người, chàng không làm tròn bổn phận với con, ở bên kia thế giới, chắc linh hồn của Tố Diễm cũng không yên. Nghĩ đến đó Thành Vũ chợt cảm thấy bứt rứt. Chàng di chuyển chiếc xe lăn đến bên cạnh cửa sổ, hướng mắt nhìn ra những nương trà ở phía xa xa. Những hồi ức trong dĩ vãng như bỗng hiện về khiến trái tim chàng bỗng ngậm ngùi nhớ đến người xưa đến rơi nước mắt.
Ngày hôm sau, lúc tan trường, Trà Mi hớn hở đến nhà cô giáo của mình. Vừa thấy Thùy Lan, nó chạy a vào và nói một hơi:
– Cô ơi! Con có chuyện này vui lắm muốn kể cho cô nghe.
Nhìn ánh mắt hân hoan của nó, Thùy Lan cũng cảm thấy vui lây:
– Chuyện gì mà Trà Mi có vẻ vui mừng quá vậy?
– Hôm qua con đưa bản thành tích cho ba xem, ba có vẻ mừng lắm. Ba còn nói muốn mời cô đến nhà con làm gia sư cho con. Ba sẽ chuẩn bị cho cô một phòng thật đẹp...
– Đó là ý của con hay của ba con? - Thùy Lan ngắt lời đứa bé và có vẻ hồ nghi vì từ trước đến giờ nàng luôn luôn có thành kiến với Thành Vũ. Nàng cũng nghĩ rằng chàng là một người cha vô trách nhiệm nên chỉ có một đứa con duy nhất mà cũng không để mắt tới. Vi vậy nghe Thành Vũ muốn mời mình đến đó làm gia sư cho Trà Mi, nàng bán tín bán nghi.
– Trước hết là do con muốn! - Trà Mi thành thật nói với cô giáo của mình - Bởi vì mỗi lần cô đưa con về nhà, khi cô quay đi là con lại trông theo bóng cô và muốn khóc. Cô ơi... cô không biết là con quyến luyến cô đến mức nào đâu! Con là một đứa trẻ mồ côi mẹ, ngoài cô ra không ai thật lòng thương con cả. Cho nên con muốn lúc nào cũng được ở cạnh bên cô.
Nghe Trà Mi nói thế, Thùy Lan không thể nào không xúc động và cuối cùng nàng bảo:
– Con nói thế và ba con bằng lòng à?
– Thưa vâng, ba con bằng lòng ngay và nói ngoài việc lo nơi ăn, chốn ở cho cô, ba cũng sẽ trả lương cho cô nữa bởi vì cô kèm cho con rất là cực khổ, nếu cô không lấy tiền thì thật là không công bằng. Ba cũng muốn trưa chủ nhật tuần này mời cô đến nhà dùng cơm để hai bên biết mặt nhau và nhân tiện ba sẽ ngỏ lời mời cô làm gia sư cho con. Nhất định chủ nhật này cô sẽ đến nhà con, phải không cô? Nếu cô mà không đến thì ba con sẽ buồn lắm!
Nghe Trà Mi thỏ thẻ bên tai như vậy, Thùy Lan không thể nào làm ngơ, nhưng nàng cũng muốn nói nước đôi:
– Ba con mời cô đến nhà, đương nhiên là cô không thể chối từ rồi, nhưng còn việc làm gia sư thì cô phải suy nghĩ lại!
– Sao thế cô? - Nét mặt đứa trẻ có vẻ thất vọng, những háo hức ban đầu của nó trong một lúc dường như tan biến hết. Nó nắm chặt tay cô giáo của mình và năn nỉ - Thưa cô, chẳng lẽ cô không muốn ở bên cạnh Trà Mi?
– Không phải là cô không muốn ở bên cạnh Trà con... - Nàng vội vàng an ủi nó -... chỉ có cái là ở chung với gia đình con là một việc rất phức tạp. Ở đó không chỉ có con và ba con không thôi mà còn có mẹ kế của con nữa. Cô nghe nói mẹ kế con là một người khó tính. Cô chỉ sợ ở chung không khéo rồi đụng chạm tới bà ấy mà thôi.
– Ba có nói ba mới là người quyết định. Ba chỉ thông báo cho bà ấy biết thôi chứ ba không hỏi ý bà ấy!
Nghe Trà Mi nói rành rẽ như vậy, Thùy Lan cũng phải phì cười:
– Xem ra con nhớ từng lời, từng chữ của ba con hả?
– Trong trường hợp này con phải nhớ chứ! - Cô bé biện minh - Cái gì có liên quan đến cô là con phải nhớ!
– Thôi được, việc này cứ để cô từ từ tính lại. Nó cũng phải tùy thuộc vào thái độ của mẹ kế con nữa. Nếu bà ấy mặt lớn mặt nhỏ thì cô đến đấy cũng chẳng vui vẻ gì.
– Thì mình đừng thèm nói chuyện với bà ấy, được không cô? - Cô bé ngây thơ nói.
– Sự việc không đơn giản như thế đâu, Trà Mi ạ! Nhưng cô hứa cô sẽ gắng sức. Giờ đây chúng ta đừng đề cập đến vấn đề này nữa, để thong thả rồi hẳn tính. Chúng ta nói sang chuyện khác đi! Bây giờ Trà Mi nhắm mắt lại và xoè tay ra. Cô có món quà này muốn tặng cho con.
– Ồ, thích quá! - Trà Mi khẽ reo lên - Hôm nay sao cô lại tặng quà cho con hở cô?
– Một lát con thấy quà rồi cô mới nói. Bây giờ con hãy nhắm mắt lại!
Đứa bé ngoan ngoãn nghe theo lời cô giáo của mình, Một món quà nhẹ nhàng được Thùy Lan đặt vào tay nó nhưng đồng lúc nàng cũng kêu lên vì kinh ngạc:
– Trà Mi, tay của con sao lại thế này?
Gương mặt của Trà Mi tái xanh, nó đặt chiếc hộp vuông vức mà cô giáo tặng mình lên chiếc bàn cạnh đó rồi cúi đầu, nước mắt chảy vòng quanh. Nó có vẻ đau buồn vì đã trót để cô thấy những gì mà nó muốn dấu.
Thùy Lan cầm hai bàn tay của Trà Mi xoè rộng ra rồi nói một cách đầy phẫn nộ:
– Bà mẹ kế của con đánh con phải không?
Trà Mi không trả lời cô giáo mà chỉ cúi mặt thổn thức. Thùy Lan nóng ruột lật áo của Trà Mi lên và thấy trên tấm lưng khẳng khiu của đứa trẻ, lằn ngang lằn dọc tím bầm hằn lên đó. Nàng cảm thấy tức tối giống như mình vừa bị chính ai đánh vậy. Lau nước mắt cho Trà Mi, rồi nàng vỗ về nó:
– Kể cho cô nghe đi, tại sao bà ta lại làm như vậy đối với con?
– Bà ấy... bà ấy... - Trà Mi nói trong nước mắt -... mỗi lần gây gỗ với ba xong là bà ấy lại kiếm chuyện đánh con. Hễ bà ấy tức giận điều chi là bà ấy lại đổ lên người con hết...
– Tại sao con không nói với ba? - Nàng ngắt lời nó - Tại sao con lại im lặng và chịu đựng như vậy?
– Tại con thấy ba con tội quá... - Lần này đứa bé không nhịn được, bật lên khóc nức nở -... ba con xem vậy chứ có nhiều nỗi khổ lắm cô ơi. Ngoài việc chịu đựng tai nạn vừa qua của mình, ba còn phải lo trong lo ngoài bao nhiêu là việc. Con không biết công việc của ba phức tạp đến như thế nào nhưng điều khiển một cơ ngơi rộng lớn như vậy không phải là chuyện dễ. Có khi ba thức tới tận khuya để giải quyết cho xong công việc. Mẹ kế con thì chẳng những không giúp ba chút nào mà lại còn hay kiếm chuyện gây gổ với ba con nữa. Cho nên ba đã khổ lại càng thêm khổ. Vì vậy mà con không muốn những chuyện cỏn con của con làm cha ba phải bận tâm thêm, cho nên dù mẹ kế con có ngược đãi con thế nào đi nữa thì con cũng không dám cho ba biết. Người ngoài nhìn vào có lẽ nghĩ ba con không thương con, không lo cho lắng, chăm sóc cho con nhưng con biết ba thương con lắm, chỉ có điều ba không có thời giờ rảnh rỗi mà thôi!
Những lời của Trà Mi khiến Thùy Lan lấy làm kinh ngạc. Nàng không ngờ đứa bé còn nhỏ tuổi như thế mà đã biết nghĩ sâu xa đến vậy. Nó nhìn sự việc một cách thông minh, khúc chiết, lúc nào cũng hết sức binh vực cha mình. Nàng cảm thấy xúc động trước suy nghĩ chững chạc cũng như sự hiếu thuận hiếm có của nó đối với người cha. Và từ đó trong lòng nàng nổi lên một ý nghĩ mà nàng không thể nào ngăn lại được: đó là phải bên ở bên cạnh Trà Mi để chăm sóc nó, bảo vệ nó, không cho phép một ai được quyền ngược đãi đứa bé mà nàng hết mực thương yêu này. Nghĩ thế nàng bèn lau nước mắt cho Trà Mi rồi hứa với nó:
– Cô đã nghĩ lại rồi, dù cho kế mẫu của con có bằng lòng hay không bằng lòng đi nữa, cô cũng sẽ nhận làm gia sư của con. Cô phải ở bên cạnh con để mà bảo vệ con, không cho bà ấy có cơ hội để hành hạ con nữa. Ở nước ngoài, ngược đãi trẻ con là có tội. Nếu cần, cô sẽ nhờ sự trợ giúp của luật pháp để bà ta chấm dứt những hành vi độc ác của mình!
– Ồ, hay quá... cô chịu làm gia sư của con rồi... - Đứa bé vui vẻ reo lên, quên hẳn lúc nảy nó còn thút thít kể cho cô giáo nghe những chuyện buồn của gia đình mình -... nếu tối nay con vể kể lại cho ba con biết điều này thì hẳn ba con sẽ mừng ghê lắm.
Nhìn gương mặt rạng rỡ của đứa học trò, Thùy Lan phải phì cười. Vỗ nhẹ vào má nó rồi nàng dịu dàng bảo:
– Bây giờ thì mở qua của cô được rồi! Để xem có hợp với ý của con không!
Trà Mi \"dạ\" lêm một tiếng thật ngoan rồi mở quà ra. Đôi mắt nó tròn xoe vì trước mắt nó là một con búp bê xinh xắn. Nó reo lên bằng giọng đầy xúc động:
– Đẹp quá cô ơi, cô biết không, từ đó đến giờ con chưa hề có một con búp bê nào cả!
– Con nói gì? - Nàng mở to mắt nhìn nó vì kinh ngạc - Ba con không bao giờ mua quà cho con sao?
– Ba con ít khi nào để ý đến việc đó lắm... - Cô bé nói rồi khẽ cắn môi -... nhưng con không trách ba đâu, ba có quá nhiều việc để làm, làm sao ba nhớ hết mọi cái cho được!
– Kể cả ngày mai là sinh nhật của con, ba con cũng không nhớ phải không? - Thùy Lan nói bằng giọng bất bình.
– Con chưa bao giờ được làm sinh nhật cả! - Trà Mi cúi đầu có vẻ tủi thân nhưng rồi nó lại ngước nhìn cô giáo mình và hỏi một câu đầy kinh ngạc - Cô biết ngày mai là sinh nhật của con?
Thùy Lan thở dài:
– Những gì về con, cô đều biết cả, cũng như những thầy, cô giáo khác đều biết rất rõ về học trò của mình, nhất là những học trò mà mình đã để ý, quan tâm. Nhưng người nhà của con sao mà lại vô tình đến thế? Ba con quên sinh nhật của con rồi con cũng không nhắc cho ông ấy biết à?
– Con chỉ sợ làm phiền ba thôi! Con để cho ba con có thời giờ rảnh rang làm việc. - Rồi nó ngại ngùng khẽ nói - Xin cô đừng giận ba, ba con là người lơ đễnh nhưng thực ra ba con rất tốt.
– Thôi được, chúng ta không tranh cãi về điểm này nữa! - Thùy Lan nói và vò đầu nó - Bây giờ nói cho cô biết là con có thích món quà sinh nhật của con không?
– Con thích lắm, mỗi buổi tối con sẽ ôm con búp bên này vào lòng mà ngủ. Con yêu búp bê lắm cô ạ, con ước gì con có đủ loại búp bê để mà chơi đùa với chúng. - Nói đến đó Trà Mi sực nhớ ra - Mà con quên nữa, ba có dặn con mang cái này đến cho cô...
Trà Mi nói xong, lấy trong cặp ra một phong bì khá dầy:
– Ba nói... đây là chút ít để cô uống trà...
Thùy Lan mở phong bì ra, thấy trong đó là một số tiền rất hậu hỉ. nàng gấp phong bì lại rồi đặt nó vào tay của Trà Mi:
– Cô không lấy đâu! Con mang về trả lại cho ba!
– Ồ, con không thể đem về được! - Trà Mi nói như van xin cô giáo - Xin cô nhận cho ba con vui lòng. Con mà đem về thì ba rầy con chết!
Thùy Lan ngồi ngẩn người ra suy nghĩ một lúc rồi sau đó nàng mỉm cười:
– Cô đã có cách sử dụng món tiền này một cách xứng đáng. Ngày mai là thứ Bảy, trường ta được nghỉ. Con có muốn đến đây để cô kèm cho con cả ngày không?
– Ồ, con muốn lắm! Hễ được ở cạnh cô là con cảm thấy vui rồi!
– Vậy con về nói với ba một tiếng, ngày mai khoảng chín giờ sáng, cô chờ con!
– Thưa cô, ngày mai con đến đúng giờ! Nhưng cô đã hứa làm gia sư của con rồi thì cô đừng đổi ý, cô nhé!
– Ừ, cô sẽ không đổi ý đâu! Nhưng hôm nay cô cho con về sớm để chuẩn bị. Con nhớ đừng đến trễ!
– Thưa cô, vâng!
Trà Mi nói xong, từ giã cô giáo và tung tăng ôm hộp búp bê đi ra cửa. Thùy Lan đứng trông theo, trong lòng dậy lên một niềm thương cảm!
Tối hôm đó, Trà Mi đi ngủ sớm. Nó sợ trễ hẹn với cô giáo và cũng không biết vì sao là ngày mai nghỉ mà cô lại hẹn mình sớm như vậy. Nhưng rồi ý nghĩ khác ập đến khiến nó quên hẳn việc này đi. Tối hôm đó cô bé ngủ một giấc thật ngon, không chiêm bao và cũng không mộng mị.
Sáng hôm sau khi Trà Mi đến thì Thùy Lan đã chuẩn bị sẵn sàng. Ở trước nhà của cô giáo, nó còn trông thấy một chiếc xe đậu sẵn.
– Chúng ta đi! - Thùy Lan nói rồi vỗ yêu vào má nó - Hôm nay là ngày sinh nhật của Trà Mi, cô đâu lòng dạ nào bắt Trà Mi phải học hành cực khổ suốt ngày như vậy chứ! Trái lại cô sẽ đưa Trà Mi đi chơi nhưng không phải là ở đây mà chúng ta sẽ đi Đài Bắc!
– Đài Bắc! - Trà Mi nói như reo - Ở đó chắc là đẹp lắm phải không cô?
Thấy Trà Mi nói như thế, Thùy Lan kinh ngạc hỏi:
– Thế con chưa đi Đài Bắc lần nào ư?
– Dạ có, nhưng cách đây năm năm rồi, lúc đó con chỉ có năm, sáu tuổi thôi nên cũng chẳng biết ngắm nhìn gì mà chỉ thấy chung quanh mình toàn là xe với xe. Người ta đi bộ đầy cả đường phố và cửa hàng nào cũng chật cứng khách!
– Ba con đưa con đi hả? - Thùy Lan dọ hỏi.
– Ba con không có thời gian đưa con đi, lần ấy chú Thế Hùng về thăm ba rồi nhân tiện đưa con đi một thể!
– Chú Thế Hùng là ai vậy?
– Là chú của con! Chú ấy làm việc ở Đài Bắc, thỉnh thoảng mới ghé về thăm ba con một lần.
– Rồi từ đó đến nay con không đến Đài Bắc lần nào nữa cả?
– Thưa vâng, mọi người đều bận rộn cả, nêm cũng không ai rảnh rang đưa con đi.
– Vậy thì hôm nay cô sẽ đưa con đi vậy! Thôi nào, chúng ta đi ngay kẻo trễ. Từ đây đến đó mất hai tiếng lái xe, cho nên cô mới bảo con đến sớm là như vậy!
Trà Mi nhìn cô giáo với ánh mắt trìu mến và cảm kích. Nó tung tăng đi theo Thùy Lan rồi leo lên chiếc xe bóng lộn chờ sẵn.
– Cô ơi, xe này là của cô hả?
– Không phải của cô mà cô mượn của cô Xuân Mai. Nhưng chắc sau này cô cũng sẽ sắm một chiếc để tiện việc đi lại. Lúc đầu cô nghĩ mình chỉ dạy học quanh quẩn khu này nên cũng chẳng sắm xe làm gì, bây giờ có Trà Mi rồi nên cô sắm một chiếc để chở con đi đây đi đó!
Thùy Lan nhắc Trà Mi buộc dây an toàn rồi cho xe phóng thẳng về phía trước. Một lúc sau giọng của Trà Mi nhỏ nhẹ vang lên:
– Cô ơi, không bao lâu nữa, cô sẽ đến nhà của con rồi nên cô không cần phải mua xe. Ba con có nhiều xe lắm nhưng ít khi xài tới. Cô giáo chỉ cần lấy một chiếc sử dụng là được rồi!
– Vậy ư? Thế thì tiện quá nhưng cô lại thích sắm xe riêng của mình cơ! Cô rất ngại bà mẹ kế của Trà Mi nói ra nói vào. Mà một chiếc xe ở đây cũng chẳng đáng là bao, cô có đủ tiền để mà sắm nó. Nhưng trở lại chương trình đi Đài Bắc của chúng ta hôm nay, Trà Mi có biết là cô sẽ dẫn con đi đâu không?
– Cô sẽ dẫn con đi đâu hở cô?
– Tiếp tục đi sắm quà sinh nhật cho con, áo đầm này, búp bê này, bất cứ cái gì mà con thích. Đi sắm sửa xong chúng ta vào nhà hàng để ăn mừng sinh nhật của Trà Mi nhưng cô sẽ tính toán để về trước tám giờ vì sợ ba sẽ trông con!
– Ồ, cô ơi... - Đứa trẻ kêu lên -... làm như vậy sẽ tốn kém của cô lắm. Cô chỉ cần dẫn con dạo chơi cũng đủ rồi!
– Ồ, không! Cô muốn hôm nay trở thành một ngày đáng nhớ của Trà Mi. Vả lại con không cần phải sợ cô tốn kém. Số tiền của ba con đưa cho cô hôm qua, cô sẽ mang ra sắm sửa hết cho con. Như vậy cũng giống như ba con mua quà sinh nhật cho con vậy.
– Nhưng tiền đó là tiền của cô làm ra trong hai tháng cực khổ kèm cặp cho con!
– Con đừng có lo lắng thái quá như vậy có được không? - Thùy Lan nói cho đứa trẻ yên lòng - Cô không cần số tiền đó đâu, Trà Mi ạ! Tiền lương của cô cũng đã dư xài rồi. Cho nên hôm nay con không cần phải thắc mắc gì nữa cả, cứ để cho tâm hồn chìm dắm trong niềm vui. Con là một đứa bé ngoan, dù còn bé mà đã biết nghĩ đến mọi người. Cho nên cuộc dạo chơi hôm nay là một phần thưởng xứng đáng cho con.
Những lời nói của cô giáo làm cho trái tim của Trà Mi lặng đi vì xúc động.
Rất nhanh, đứa bé quên hết những chuyện buồn phiền. Nó hào hức nhìn ra ngoài cửa xe, Thấy cảnh vật hai bên đường sao mà xinh đẹp. Đây là lần đầu tiên nó được một người mà nó yêu thương mang nó đi thật xa, ra khỏi bức tường tù túng của ngôi biệt thự, ra khỏi vùng cao nguyên chỉ trùng trùng, điệp điệp những nương trà. Thế giới trước mắt nó giờ đây rộng lớn quá, cũng đẹp đẽ và huy hoàng quá! Khi xe bắt đầu rẽ vào đại lộ lớn nhất của thành phố Đài Bắc, Trà Mi trố mắt nhìn khung cảnh nhộn nhịp và đầy màu sắc hai bên đường giống như một cô bé nhà quê ra tỉnh lần đầu. Nó hỏi cô giáo hàng trăm câu hỏi, khao khát được biết tất cả mọi điều về thành phố rộng lớn mà nó yêu thích. Sau khi Thùy Lan tìm được chổ đậu xe, hai cô cháu lại tung tăng dắt tay nhau đi dạo phố. Để chuẩn bị cho buổi dạo chơi này, tối hôm qua Thùy Lan đã điện thoại hỏi cô của nàng về những trung tâm mua bán sầm uất ở Đài Bắc với ý định sắm sửa cho Trà Mi những món quà mà cô bé ưa thích nhất.
Bây giờ hai người đã rẽ vào một khu sầm uất nhộn nhịp nhất thành phố. Trà Mi nhìn chung quanh mình thấy cái gì cũng lạ, thỉnh thoảng nó dừng lại ngắm nhìn các thứ và hỏi han cô giáo. Hai cô cháu như trôi vào dòng người lũ lượt, hoà vào cái hạnh phúc được dạo chơi thanh thản cuối tuần sau những ngày dài làm việc hoặc học tập vất vả. Thùy Lan đưa Trà Mi vào một gian hàng bán toàn búp bê, hàng nội, ngoại đều có cả! Thôi thì đủ loại, đủ màu, đủ cỡ. Thùy Lan tự tay lựa chọn mười con búp bê xinh nhất, mỗi búp bê mỗi vẻ, ăn mặc khác nhau và kiểu tóc cũng khác nhau và hỏi Trà Mi có ưng ý không. Cô bé gật đầu, cười tươi như hoa và cảm thấy mình như bay bổng trên mây. Mua quá nhiều hàng nên Thùy Lan phải gửi lại chỗ người bán để đưa Trà Mi qua một gian hàng khác, nơi này bày biện những chiếc áo đầm xinh đẹp và đắt giá. Thùy Lan lựa ra những chiếc đẹp nhất, bảo Trà Mi thử hẳn hoi cho vừa ý rồi mới quyết định mua. Một lần nữa, cô giáo lại khiến cho Trà Mi cảm thấy bềnh bồng trong hạnh phúc, giống như một người đang đi trong mộng. Cô bé chưa bao giờ được người nhà dẫn đi mua sắm, cũng chưa bao giờ có dịp ướm thử vào người chiếc áo xinh xắn và đáng yêu đến như vậy. Vào lúc xế trưa, Thùy Lan lại đưa Trà Mi đến một nhà hành ở trung tâm thành phố, gọi những món mà cô bé thích nhất, đặt cả một ổ bánh to để mừng sinh nhật của Trà Mi. Thế là một bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ đã thành hình, bữa tiệc sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời của đứa bé mồ côi mẹ. Hai cô cháu đã trải qua những giờ phút thật đẹp mà họ nghĩ là họ sẽ chẳng bao giờ quên được.
Trước mắt của Trà Mi là cô giáo dạy sinh ngữ mà từ giây phút đầu tiên gặp mặt, Trà Mi đã liên tưởng đến hình ảnh của một thiên thần. Được cô chăm sóc, yêu thương, Trà Mi cảm thấy mình giống như đang chìm đắm trong một niềm hạnh phúc vô biên. Và cô bé giật mình khi chợt nghĩ nếu ngày mai, cái hạnh phúc đó mà không còn nữa thì làm thế nào mà mình có thể tiếp tục sống đây?
Hai cô cháu trở về nhà thì đã hơn bảy giờ một chút. Thùy Lan lái xe đưa Trà Mi đến trước cửa nhà, đợi Châu ra mở cửa cho Trà Mi rồi mới đi.
– Chúa ơi... cái gì đây, Trà Mi? Chúa ơi... bao nhiêu là thứ!
Châu kêu lên mấy tiếng kinh ngạc đó mà đôi mắt tròn xoe khiến cho Trà Mi không nhịn được phải cười ngặt nghẽo.
– Quà sinh nhật của cô giáo mua cho em đấy! - Trà Mi giải thích - Chưa đến ngày sinh nhật của chị nhưng cô cũng có mua một món quà cho chị!
Nghe nói thế, đôi mắt của Châu vụt sáng lên. Cô khệ nệ cùng Trà Mi lên xuống cả hai lần mới mang được hết đồ lên phòng cô bé.
Trà Mi khép cửa lại rồi trao cho Châu một chiếc hộp được gói giấy hoa màu hồng và mỉm cười bí mật:
– Chị Châu mở ra đi! Quà của cô giáo em tặng chị đấy!
– Chị có làm gì cho cô giáo đâu mà cô giáo lại tặng quà cho chị? - Đôi mắt châu lộ vẻ thích thú nhưng cũng có hơi kinh ngạc.
– Cô tặng vì chị lúc nào cũng lo lắng cho em!
– Em nói với cô như vậy hả?
– Vâng, em đã nói thế! Em nói ngoài ba, trong nhà này chị là người lưu ý đến em nhiều nhất!
– Lưu ý gì đâu chứ! - Châu xấu hổ nói - Chị để em gầy nhom như vậy, cô không quở chị là may mắn lắm rồi.
– Đâu phải tại chị! - Trà Mi vỗ về Châu - Chị luôn làm món ngon vật lạ cho em nhưng lúc đó em sống buồn bã quá nên lúc nào cũng rúc vào phòng ủ rũ, đến bữa cơm chị gọi, em cũng không buồn ăn, việc đó tại em chứ nào phải là lỗi tại chị.
Thấy Trà Mi điều gì cũng rạch ròi, Châu có vẻ mừng. Nàng chúm chím cười, gỡ lớp giấy hoa ra và nói:
– Để xem cô mua cái gì cho chị?
Tâm lý con người là thế, được người khác tặng là cảm thấy hồi hộp và thích thú. Nắp hộp vừa mở, chưa lấy món quà ra, Châu đã reo to bằng giọng đầy xúc động:
– Trời ơi... đẹp quá!
Trước mắt cô gái là một chiếc áo khoát cổ lọ màu hồng phấn, màu mà Châu thích nhất. Nàng cầm chiếc áo lên ướm vào người, thấy vừa y thì có vẻ vui thích lắm.
– Cô giáo hay thật! Mới gặp chị một, hai lần mà đã chọn được chiếc áo vừa y, lại mua đúng cái màu mà chị ưa thích nữa chứ. Trà Mi, em xem! Đây là hàng đắt tiền chứ không phải chơi đâu. Em nhìn chất liệu của chiếc áo xem? Quả là rất tuyệt! Ở đây cứ chiều là trời lạnh, mặc chiếc áo này vào thì ấm phải biết. Cô giáo của em đúng là người rộng rãi! Dù chị chỉ là người ăn kẻ ở trong nhà nhưng cô cũng không phân biệt, chọn ngay cho chị món quà đắt giá. Chị không biết phải cảm ơn cô làm sao cho hết!
– Chị thích cô giáo của em không? - Trà Mi dọ hỏi.
– Thích quá đi chứ! Một người xinh đẹp, trí thức mà lại hào phóng như thế, ai mà lại không thích hở em?
– Cô em giàu lắm đấy! - Trà Mi tiết lộ.
– Thực thế hở em? - Nói xong Châu lại vỗ vào đầu mình - Chị thật là ngốc mới hỏi em câu đó. Thấy cô tặng quà là biết cô là người có tiền rồi. Nhưng quái thật, sao em kể cho chị nghe là cô giáo em ở trong một căn phòng bé tí ở trong trường.
– À, cái đó là vì cô chẳng phải là người ở đây. Lúc đầu em tưởng cô là dân Đài Bắc nhưng rốt cuộc em mới khám phá ra là không phải.
– Làm sao em biết? - Châu tò mò.
Trà Mi kề tai vào Châu nói nhỏ:
– Để em kể cho chị nghe, chị đừng có nói cho ai biết đấy. Cả ba em, em cũng không nói! Lúc trưa này, có người gọi đến phone tay của cô, thế là cô bèn ra khỏi xe nói chuyện với người ấy cho thoải mái. Em ngồi trong xe nhưng nghe cô nói rất rõ là: \"Mẹ à, con cần khoảng ba mươi ngàn đô, mẹ chuyển gấp cho con. Ở Cali mọi chuyện vẫn bình thường hở mẹ? Mẹ à, con nhớ mẹ lắm!\" Đấy, chị xem, cô của em có phải là người ở đây đâu, cho nên cô trông mới sang như vậy!
– Cali à? - Châu ngẩn người ra - Vậy ra cô giáo từ bên Mỹ trở về nước, nhưng lạ thật, sao cô lại đến dạy học ở đây?
– Em làm sao biết được! Nhưng cô em giỏi sinh ngữ lắm, cô nói cứ như người Mỹ nói. Còn mấy cô dạy tiếng Anh khác trong trường không nói được hay như cô đâu. Nghe đồn là ông hiệu trưởng còn yêu cầu cô em phải luyện giọng cho họ.
– Sao cái gì em cũng biết hết vậy? - Châu dịch người lại gần Trà Mi. có vẻ háo hức muốn khám phá những chuyện ly kỳ về cô giáo.
– Có một lần đến gần phòng giáo viên để chờ cô, em nghe cô Xuân Mai nói với bạn mình như thế, cô em phải là người giỏi ghê, giỏi gớm!
Nghe Trà Mi nói đến đó, Châu bỗng giục:
– Này, này... mở quà của em cho chị xem với! Cô giáo mua gì cho em mà chất đến cả nửa phòng rồi. Mấy cái hộp to to ấy là gì hở Trà Mi?
– Là hộp búp bê! - Trà Mi kiêu hãnh nói với Châu - Cô mua cho em những mười một con một lúc, mỗi con một vẻ... con nào cũng xinh lắm. Chị mở phụ em đi rồi hai chị em mình đặt tên cho chúng. Toàn là hàng ngoại quốc cả, cô giáo của em hình như không thích xài đồ nội.
Nghe thế Châu lúi húi mở các hộp quà phụ Trà Mi. Cứ mỗi lần mở quà Châu lại kêu lên một tiếng. Hai chị em sắp mười con búp bê trên giường, con nào cũng xinh đáo để và cao đến gần nửa người của Trà Mi.
– Tiền ở đâu mà cô mua lắm thế? - Châu tò mò hỏi.
– Tiền ba em trả cho cô vì cô đã dạy kềm cho em hai tháng. Nhưng cô mang ra mua quà hết cho em và có lẽ cô còn phải bù thêm vào vì những con búp bê này đắt lắm.
– Cô giáo chơi sang thật! - Châu lẩm bẩm.
– Này chị Châu... con búp bê mặc áo màu đỏ này, mình đặt tên gì hở chị?
– Mình đặt tên là Hồng Nhung đi!
– Còn con mặc cáo màu xanh nước biển?
– Là Bích Ngọc!
– Còn con màu trắng?
– Bạch Tuyết!
Và rồi cứ thế, cà hai chị em cứ tíu tít lên vì chuyện đặt tên cho búp bê cho đến lúc có tiếng gõ cửa nhè nhẹ bên ngoài và giọng Thành Vũ vang lên:
– Trà Mi! Con về rồi đó à? Con ra đây với ba một chút, con còn chưa cho ba biết là cô giáo có bằng lòng nhận lời đến dùng cơm tại nhà chúng ta ngày mai hay không?
Trà Mi bối rối ra mở cửa và Thành Vũ ngạc nhiên khi nhận ra Châu cũng ở đó. Cô người làm lúng túng giải thích:
– Thưa ông chủ, cô giáo của Trà Mi vừa mới đưa em ấy về. Tôi thấy cô mua cho Trà Mi nhiều quà quá nên mới phụ em ấy một tay mang vào.
Rồi Châu quay sang Trà Mi:
– Chị phải xuống bếp tiếp tục công việc. Khi nào cần thì em gọi chị nhé!
Nói xong, Châu rón rén rời khỏi căn phòng.
Thành Vũ tròn mắt nhìn quang cảnh trước mặt mình. Trên giường của Trà Mi, ngoài những con búp bê đủ loại, đủ kiểu còn có những hộp quà lớn nhỏ chưa mở ra. Chàng nhíu mày khi nhớ đến lúc sáng nay, Trà Mi đã xin phép đến nhà cô giáo trọn ngày để được cô kèm thêm về bài vở. Nhưng thực sự cô giáo đã đưa con chàng đi đâu? ở một nơi cách thành phố khá xa này, làm gì có thể mua sắm được những loại hàng đẹp đẽ và đắt tiền đến thế? Nghĩ vậy chàng bèn hỏi Trà Mi:
– Tất cả những thứ này đều do cô giáo của con mua cho con đấy à?
– Thưa vâng! - Trà Mi khép nép trả lời - Sáng nay khi con tới nhà cô thì cô mới cho con biết là cô muốn đưa con đi Đài Bắc để mua quà vì hôm nay là sinh nhật của con. Lẽ ra hôm nay cô kèm cho con học nhưng cô nghĩ sinh nhật là một ngày đặc biệt nên cô muốn cho con vui lên một chút!
Những lời của con thỏ thẻ bên tai khiến Thành Vũ lặng cả người ra. Cảm giác đầu tiên của chàng là kinh ngạc, rồi sau đó là hổ thẹn và cuối cùng là cảm kích. Chàng kinh ngạc vì cô giáo của Trà Mi lại chịu khó nhớ đến ngày sinh nhật của học trò đến thế dù cô kèm cặp cho con chàng chẳng được bao lâu. Còn xấu hổ là bởi chàng là cha mà lại không nhớ đến ngày sinh nhật của con. Cuối cùng là chàng cảm kích vì có người thay chàng để quan tâm đến đứa con mà từ lâu chàng đã không chăm sóc đến.
Mãi một lúc chàng mới cất tiếng hỏi con;
– Cô giáo mua cho con bao nhiêu là thứ, chắc phải tốn kém lắm? Ba thật là không biết nói sao để cảm ơn cô. Ba muốn hoàn lại cho cô số tiền mà cô đã mua quà. Chúng ta không thể nhận của cô quá nhiều như vậy!
– Ồ, không đâu ba ơi... - Trà Mi thỏ thẻ kêu lên -... tiền này là tiền của ba đấy chứ!
– Tiền của ba? - Thành Vũ ngạc nhiên, tỏ vẻ không hiểu.
Trà Mi thấy vậy, nhỏ nhẹ giải thích với cha:
– Toàn bộ số tiền mà ba trả cho cô về việc kèm cặp cho con mấy tháng nay, cô đã lấy để mua quà cho con. Cô bảo làm như vậy là để thay ba mua quà sinh nhật cho con, cô cũng biết là ba bận lắm!
Một sự xúc động đổ ập đến trái tim mà vốn từ lâu không còn để ý đến sự đời của Thành Vũ. lâu lắm rồi chàng mới bắt gặp cảm giác này và bắt gặp một người sống với tất cả tình người mà nhân vật ấy cho tới nay chàng vẫn chưa biết mặt. Chàng lặng im một lúc rồi bỗng kéo con vào lòng:- Trà Mi... bấy lâu nay ba không chăm sóc đầy đủ cho con, con có giận ba không?
Trà Mi thấy ba lưu ý đến mình như vậy, cũng xúc động không kém:
– Ba ơi, con biết là công việc đã chiếm hết thời gian của ba chứ lúc nào ba cũng thương con.
Câu nói chí tình và đầy hiểu biết của con khiến Thành Vũ lấy làm kinh ngạc. Mới mười một tuổi đầu mà con chàng đã biết suy nghĩ sâu sắc đến thế. Trà Mi giống như một viên ngọc qúy, nếu được chăm sóc tận tình, nhất định nó sẽ tỏa sáng. Chàng tự trách mình từ bấy lâu nay đã lơ đễnh bổn phận làm cha, cho đến lúc sự việc này xảy ra, chàng mới ý thức mình đúng là một người cha vô trách nhiệm. Chàng dịch chiếc xe lăn đến gần mép giường, cầm con búp bê xinh đẹp ở gần tay mình nhất, đưa lên rồi hỏi Trà Mi:
– Tại sao cô giáo của con mua cho con nhiều búp bê như vậy?
– Con... - Trà Mi bẽ lẽn nói -... con nói với cô là con chưa hề có con búp bê nào cả cho nên cô mới sắm nhiều như thế, cô nói là mua bù lại cho con.
– Vậy suốt ngày nay, cô đưa con đi Đài Bắc để mua quà à?
– Thưa vâng! Nhưng không phải cô chỉ mua búp bê mà còn mua quần áo cho con nữa. Cô lựa những bộ thật đẹp, màu sắc hợp với con, cho con thử cẩn thận trước khi mua để biết chắc con vừa ý. Sau khi mua quà, cô dẫn con dạo phố. Ba biết không, con giống như một cô bé nhà quê ra tỉnh, thấy chung quanh mình không khí thật là nhộn nhịp, cái gì cũng lạ, cũng đẹp khiến con thắc mắc hỏi cô mãi không thôi. Sau đó cô đưa con đến một nhà hàng sang trọng và đẹp lắm ba à, cô đặt một bữa ăn thịnh soạn có cả bánh sinh nhật, cô nói đây là buổi tiệc nhỏ để mừng sinh nhật cho con. Cô đã cho con trải qua những giây phút rất là hạnh phúc. Cô còn muốn đưa con đi chơi tiếp nhưng sợ về trễ ba lo nên khoảng năm giờ chiều, cô và con đã rời Đài Bắc. Đối với con, đây là một ngày mà con không thể nào quên được.
Thành Vũ nghe con kể, trong lòng chàng xúc động. Chàng không biết vì sao cô giáo dạy sinh ngữ của Trà Mi lại thương yêu con chàng đến thế. Và qua sự việc này, ý thức về bổn phận làm cha mới càng trổi dậy hơn trong lòng chàng.
– Cô giáo lái xe đưa con đi Đài Bắc à, hay là cô giáo nhờ ai đó chở giùm. - Chàng thuận miệng hỏi Trà Mi khi tiện tay sắp xếp những món quà cho ngay ngắn lại.
– Cô mượn xe của cô Xuân Mai để đưa con đi. Cô nói để chở con đi đây, đi đó sau này, cô chắc phải sắm một chiếc xe riêng chứ không thể nào mượn xe của người ta mãi. Nhưng con nói nhà của chúng ta có rất nhiều xe không sử dụng đến, cô có thể chọn một chiếc để mà dùng.
– Con nói như thế có nghĩa trên nguyên tắc, cô giáo đã chấp nhận việc dọn đến nhà chúng ta ở và làm gia sư cho con?
– Thưa vâng, cô đã hứa với con như thế. Ngày mai ba gặp cô, ba sẽ thấy cô hiền hậu thế nào, xinh đẹp thế nào. Rồi ba cũng như con, sẽ muốn giữ mãi cô bên cạnh mình.