“Huynh đệ” kể về cuộc đời Lý Trọc, cậu bé mất cha từ khi chưa chào đời và có tuổi thơ ấu khốn khổ trong Cách mạng văn hóa. Khi cậu lên 5 thì bà mẹ cậu (Lý Lan) đi bước nữa với thầy giáo Tống Phàm Bình. Hạnh phúc ngắn ngủi của họ nhanh chóng tan vỡ bởi sóng gió của phong trào chính trị. Cũng vì thế Lý Trọc và Tống Cương (con riêng của Tống Phàm Bình) gặp họa. Phàm Bình bị đấu tố vì lý lịch con nhà địa chủ. Hai đứa trẻ coi bố như thần tượng, nhưng chúng phải chứng kiến cái chết thảm khốc của bố dưới gót giày Hồng vệ binh. Hai anh em Lý Trọc và Tống Cương lớn lên trong bạo lực, nhiễu nhương và chứng kiến những người thân lần lượt ra đi trong bi phẫn. Chúng đã lớn lên trong tình cảnh bi đát nhất của con người, từng nhìn thấy quá nhiều sự hắt hủi, phi nhân tính của đồng loại, nhưng chúng vẫn trọng đạo nghĩa làm người và bắt đầu một cuộc sống khác. Phần đầu của “Huynh đệ” khép lại ở tuổi 15 của hai đứa trẻ. Phần hai của tiểu thuyết “Huynh đệ” là câu chuyện diễn ra hiện tại, đó là thời đại luân lý đảo điên, buông thả, sống gấp. Hai anh em Tống Cương, Lý Trọc cùng ngụp lặn trong xã hội đó, nhưng mỗi người theo một con đường riêng và có số phận rất khác nhau. Tống Cương – hiền lành, nho nhã nhưng bản tính yếu đuối, hết sức thương yêu bao bọc người em Lý Trọc, thậm chí sẵn sàng… nhường người yêu là Lâm Hồng cho Lý Trọc. Khác với Tống Cương, Lý Trọc khôn ngoan, láu cá và đầy dục vọng đã dùng nhiều thủ đoạn để phất lên và chiếm được Lâm Hồng. Nhưng Lâm Hồng lại rất căm ghét Lý Trọc, cô chỉ yêu Tống Cương. Quan hệ của anh em họ bắt đầu sứt mẻ sau khi Tống Cương cưới Lâm Hồng. Lý Trọc buồn giận đến mức đi thắt ống dẫn tinh. Đó cũng là lúc xã hội Trung Quốc diễn ra sự thay đổi nhanh chóng, nền kinh tế thị trường như một cơn lốc làm đảo lộn nhiều giá trị. Tống Cương thất nghiệp, phải làm nhiều nghề như bốc vác, bán rong để kiếm sống. Trong khi đó, mặc dù chịu nhiều thất bại, lên voi xuống chó, nhưng Lý Trọc với sự năng động, lọc lõi đã dần dần trở thành một tỷ phú. Lý Trọc thăng tiến nhanh, giàu có bao nhiêu thì Tống Cương lận đận, nghèo khó bấy nhiêu. Nhưng rồi do số phận đun đẩy, Lý Trọc và Lâm Hồng sống với nhau như vợ chồng. Tống Cương trở về, biết chuyện, lặng lẽ viết cho em và vợ một bức thư dài rồi nằm giữa đường ray xe lửa tự tử…. Tiểu thuyết kết thúc với hình ảnh Lý Trọc dự định làm một chuyến du hành vũ trụ và đưa tro Tống Cương rải giữa không trung… Tập 1 của “Huynh đệ” đã in tới 350 ngàn bản vào tháng 8/2005 tại Trung Quốc và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tập 2 dày 475 trang, 335.000 chữ, xuất bản lần đầu vào tháng 3/2006 với số lượng 100.000 bản. Bộ tiểu thuyết này đã được NXB Công an Nhân dân nhanh tay dịch ra tiếng Việt trong khi các nước khác còn chưa đàm phán xong vấn đề bản quyền với tác giả. TPCN - Sinh 1960 tại Triết Giang, Dư Hoa là nhà văn rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Tác phẩm “Phải sống” của ông được Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim nhựa đã gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế. Tác phẩm “Huynh đệ” của ông gồm 2 tập đang rất ăn khách ở Trung Quốc, sách của Dư Hoa chỉ mới có ba quyển được dịch sang tiếng Việt. Năm ngoái tiểu thuyết Huynh Đệ của ông đã được xuất bản ở trong nước. Vào tháng 2 năm nay quyển tiểu thuyết trên 600 trang này mới được dịch sang tiêng Anh, và quyển này là tác phẩm thứ ba được dịch sau ba cuốn Chuyện Người Bán Máu,Khóc Trong Mưa Phùn, và Sống. Sau khi dư luận khá ồn ào ca ngợi nhà văn Trung quốc này, quyển Huynh Đệ cũng như Dư Hoa xem ra không được những cây bút phê bình điểm sach ở Mỹ coi trọng. Dư Hoa sinh năm 1960 ở Triết Giang, Trung quốc. Khi 18 tuổi, sau một thời gian ngắn được huấn luyện làm nha công, họ Dư hành nghề khoảng 5 năm rồi bỏ nghề phần vì làm nha công không những suốt ngày cứ phải “nhìn vào mồm thiên hạ” mà còn kiếm được ít tiền nên khi thấy những cán bộ nhà nước làm cho Trung Tâm Văn Hóa cả ngày chỉ lang thang rong chơi, Dư Hoa xoay được một chân làm trong một trung tâm văn hóa và bắt đầu viết lách. Tên tuổi của Dư Hoa nổi như cồn vì tiểu thuyết Sống được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu đưa lên màn bạc. Cuốn phim này được trình chiếu và được trao giài ở Đại Hội Điện Ảnh Cannes năm 1995. Trong nhiều cuộc phỏng vấn Dư Hoa làm bộ vui đùa khi được hỏi về ý kiến cho rằng cuốn phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn không hay bằng cuốn sách đã tỏ ra là người khá vô ơn. Dư Hoa cũng được trao giải văn chương Mao Thuẫn. Tuy không được đào tạo chính qui về văn chương nhưng Dư Hoa là một người viết lách chịu khó đọc để học hỏi các nhà văn nổi tiếng thế giới như Fyodor Dostoievsky, William Faulkner, Toni Morrison…và dĩ nhiên chỉ đọc được những nhà văn này qua các bản dịch Trung văn. Với những tác phẩm viết trước năm 1992 Dư Hoa được coi là nhà văn tiền phong, hiện đại trong văn phong cũng như đề tài. Nhưng từ quyển Huynh Đệ, Dư Hoa quay sang lối viết hiện thực phê phán xã hội, châm biếm theo kiểu Lỗ Tấn trước đây. Vì tầm nhìn văn chương rất giới hạn nên những phát biểu của Dư Hoa về những nhà văn Trung quốc di dân như Cao Hành Kiện, Mã Kiến, Đới Tư Kiệt… tỏ ra rất nông cạn. Đánh máy quyển một: Nguyễn trần Trung Đánh máy quyển hai: BeVang