Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 8

     àm sao tôi có thể dùng lời lẽ nói ra hết được ơn mưa móc đầu tiên chồng tôi đã ban cho tôi?
Chao ôi! Làm sao đất lạnh biết được lúc nào ánh nắng xuân đến xâm chiếm lấy hồn đất và làm cho đất đơm hoa? Bằng vào dấu hiệu nào biển cả hiểu được tiếng gọi mãnh liệt của mặt trăng?
Tôi không biết đã sống những ngày ấy ra sao? Tôi chỉ biết rằng không còn thấy mình cô đơn nữa. Chàng ở đâu, tôi cảm thấy nhà tôi ở đó, và tôi không còn nghĩ đến nhà cha mẹ tôi nữa. Suốt buổi chiều dài chàng đi làm không có ở nhà, tôi suy ngẫm lại từng lời chồng tôi nói. Tôi hình dung lại mắt chàng, gương mặt chàng, đường cong môi chàng. Tôi nhớ đến bàn tay chàng bất ngờ chạm vào tay tôi khi chàng lật một trang sách trên bàn. Và tối đến khi chàng đi làm về, tôi nhìn lén chàng và khi chàng dạy tôi học, tôi tha hồ ngắm chàng đến no nê.
Tôi nghĩ đến chàng ngày cũng như đêm. Cũng như con sông vào mùa xuân dồn nước vào kênh rạch đến tràn bờ và tuôn vào đồng ruộng, khiến cho ruộng vườn đơm hoa kết trái, ý nghĩa trông ngóng chồng tôi choáng hết nỗi cô đơn và nhu cầu tình cảm của tôi.
Ai hiểu được mãnh lực ấy nơi một người đàn ông và một thiếu nữ? C6au chuyện bắt đầu bằng một sự tình cờ: đôi mắt gặp nhau, ánh mắt rụt rè nán lại với nhau và đột nhiên bốc lửa, trở thành trân trối, cuồng nhiệt. Bàn tay chạm vào nhau và vội vàng rụt lại, đoạn hai con tim choàng lấy nhau.
Nhưng làm sao tôi dám tự cho phép tôi nói đến chuyện ấy, dù là với chị? Thời gian ấy tôi sống trong niềm vui tràn ngập. Lời lẽ tôi nói giờ đây là những lời lẽ tươi hồng. Ngày cuối cùng tháng một, tôi biết chắc rằng đến mùa gặt lúa, tôi sẽ hạ sanh con tôi.

*

Khi tôi nói cho chồng tôi biết rằng tôi đã mang thai để làm tròn nhiệm vụ đối với chồng tôi, chàng sung sướng rất nhiều. Chàng chánh thức báo tin cho cha mẹ chàng biết rồi cho anh em chàng, và chúng tôi nhận được lời chúc mừng của họ. Hiển nhiên cha mẹ tôi không chú tâm lắm đến việc này. Nhưng tôi cũng quyết định nói cho mẹ tôi biết, khi tôi về thăm nhà vào dịp tết Nguyên Đán.
Tôi trải qua một thời kỳ khó khăn. Cho đến lúc ấy, gia đình bên chồng tôi coi tôi không đáng kể mấy. Tôi chỉ là vợ một người con thứ trong gia tộc. Từ khi vợ chồng tôi dọn ra ở riêng, tôi gần như không còn dự phần gì trong sinh hoạt của gia đình bên chồng nữa. Một năm hai lần vào những dịp nhất định, tôi được hướng dẫn vào thăm, dâng trà lên bà mẹ chồng, nhưng bà tiếp đãi tôi lạnh nhạt, tuy rằng không có ác ý. Đùng một cái, tôi trở thành người quan trọng. Tôi mang trong bào thai niềm hy vọng của cả gia tộc: một đứa cháu nội nối dòng.
Năm ông anh trai chồng tôi, chẳng ai có con trai cả. Nếu con tôi là con trai, nó sẽ đứng hàng thứ hai sau ông anh cả của chồng tôi, trong gia đình cũng như trong dòng họ, và sẽ được thừa hưởng gia tài. Ôi! Nỗi buồn của người mẹ chỉ được giữ con mình trong những ngày đầu ngắn ngủi! Chẳng bao lâu sau, nó sẽ là người của cả đại gia tộc. Con trai tôi nó sẽ chỉ thuộc về tôi trong một thời gian ngắn thôi. Xin Đức Phật Bà Quan Âm phù hộ độ trì cho con trai bé bỏng của tôi.
Vợ chồng tôi chưa vui bàn định với nhau về đứa con tôi được bao lâu thì đã phải lo nghĩ đến địa vị của nó trong gia tộc. Tôi đã nói rằng đó là một thời kỳ khó khăn đối với tôi, là vì tôi cứ phải nghe lời khuyên của tất cả mọi người. Lời khuyên răn quan trọng nhất là của bà mẹ chồng kính mến của tôi.
Khi hay tin tôi mang thai, bà sai người nhà đến tìm tôi. Cho đến lúc ấy, tôi chỉ được bà mẹ chồng tiếp trịnh trọng tại phòng khách mà thôi, vì bà mẹ chồng tỏ ra hơi xa cách chúng tôi từ ngày chồng tôi quyết định ra ở riêng. Bây giờ, hẳn là con hầu đã nhận được lệnh dẫn tôi vào phòng trong.
Bà mẹ chồng ngồi uống trà ở bàn chờ tôi. Bà là một người uy ngi, to lớn, hai bàn chân bó nhỏ xíu từ lâu rồi không còn đủ sức chịu đựng sức nặng thân hình to lớn của bà nữa. Mỗi lần bước đi, bà đều được hai tên gia nô lực lưỡng đứng chực sẵn sau ghế để dìu. Hai bàn tay bà rất nhỏ, đeo đầy báu vật. Điếu hút thuốc bằng bạc luôn luôn ở kế bên bà, chốc chốc bọn gia nô lại bỏ thuốc lào vào nõ điếu và dùng giấy bản đốt thuốc cho bà hút.
Tôi bước thẳng đến và quì gối xuống trước mặt bà. Miệng bà cười toe toét khiến đôi môi lẫn mất dạng vào trong đôi má xệ phúng phính của bà, cũng như từ lâu rồi cái nọng hai bên hàm sệ xuống che khuất mất cổ bà. Bà cầm lấy tay tôi, nói: "Con giỏi lắm. Con giỏi lắm".
Tôi biết tôi đã làm vui lòng bà. Tôi rót trà vào tách, bưng hai tay lên dâng, bà nhận lấy tách trà. Đoạn tôi ngồi xuống cái ghế đẩu ở bên cạnh bà. Nhưng bà không bằng lòng cử chỉ khiêm tốn khuất phục ấy của tôi. Trước đây, tôi có đứng ngồi thế nào bà cũng chẳng màng. Bây giờ bà đãi tôi hậu hơn. Bà tươi cười ra dấu cho tôi ngồi ở phía bên kia bàn đối diện với bà, và tôi tuân theo lệnh.
Đọan bà cho gọi tất cả các nàng dâu khác của bà đến chào mừng tôi. Ba nàng dâu lớn tuy về nhà chồng từ nhiều năm nay rồi vẫn không mang thai lần nào, thành ra họ thèm muốn được như tôi.
Bà mẹ chồng tôi căn dặn đủ điều. Bà nhắc tôi không được may trước một chút quần áo nào cho con tôi cả, chờ cho đến khi nó ra đời hãy may. Đó là tục lệ nơi sinh quán của bà, cốt để cho thần thánh không biết có đứa hài nhi sắp chào đời mà rắp tâm hãm hại mạng sống của nó.
Nghe bà căn dặn như vậy, tôi hỏi:
"Vậy lấy gì mặc cho con của con?"
Bà trang trọng đáp:
"Quấn nó vào trong quần áo cũ của cha nó. Như vậy sẽ đem an lành đến cho nó. Sáu thằng con trai của mẹ, mẹ đều làm như vậy hết, nên chúng sống nhăn."
Mấy bà chị dâu cũng khuyên răn chuyện này chuyện khác, mỗi bà chỉ cho tôi một cách kiêng cử, như nên ăn một loại cá nào đó liền ngay sau khi sanh và uống một chén nước đường nguyên chất.
Đến tối, tôi trở về nhà, sung sướng vì được gia đình bên chồng vồ vập săn đón. Tôi thuật lại hết những điều bên chồng căn dặn cho chồng tôi nghe. Chồng tôi bỗng nổi giận lên, khiến tôi ngạc nhiên đến phát sợ. Chàng vò đầu bứt tai, đi tới đi lui trong phòng. Chàng la lên:
"Điên rồ ngu dốt đến thế là cùng! Đừng có làm theo cái trò mê tín dị đoan ấy!"
Chàng đứng lại, chụp lấy vai tôi và nhìn thẳng vào mặt tôi, nói rất cương quyết:
"Em phải hứa chỉ làm đúng theo ý tôi mà thôi, nếu không, tôi thề sẽ không có thêm đứa con nào với em nữa!".
Tôi sợ quá, răm rắp hứa tuân theo lời chàng. Chàng dịu lại, nói:
"Ngày mai, tôi sẽ dẫn em tới nhà một người Tây phương cho em thấy gia đình ông giáo sư già ngừơi Mỹ của tôi. Tôi muốn cho em thấy cách người Tây phương săn sóc con cái họ không phải để yêu cầu em nhắm mắt bắt chước họ, mà chỉ để mở rộng kiến thức của em."
Tôi sẽ cố gắng làm theo lời chàng. Chỉ có một điều tôi làm lén chàng mà thôi. tảng sáng hôm sau, tôi cùng con hầu lén ra khỏi nhà. Trời còn sớm lắm, ngoài đường chỉ có một thằng bé học nghề vừa đi vừa ngáp trong sương mù. Tôi mua nhang trong một tiệm chạp phô. Đoạn tôi đến chùa, đốt nhang rồi quì xuống khấn vái trước tượng bà Quan Âm. Tượng Bà không trả lời. Lư nhang đầy tàn nhang do các bà mẹ khác đã đem đến cắm trước tôi cùng những lời mong ước giống như tôi. Tôi cắm nhang sâu hơn vào trong đống tàn và để nhang cháy nghi ngút trước tượng Phật. Đoạn tôi ra về.

*

Giữ đúng lời hứa, chồng tôi dẫn tôi đến thăm nhà người bạn Tây phương của chàng. Tôi nôn nao tò mò, nhưng cũng hơi e dè sợ sệt. Với chị là người tôi đãi vào hàng chị em thân tình, tôi thú thật rằng bây giờ tôi thấy lúc ấy tôi trẻ con quá.
Cho đến lúc ấy, tôi chưa hề đặt chân vào nhà một người ngoại quốc nào. Tôi không có dịp nào để làm như vậy. Tôi không được đi dạo ngoài đường, và tại nhà mẹ tôi, không một ai lui tới với người ngoại quốc cả. Đành rằng cha tôi có thể gặp họ trong những lần xê dịch của ông nhưng ông chỉ thấy buồn cười về dáng điệu tầm thường và cử chỉ đột ngột thô lỗ của họ mà thôi. Lạ một điều là chỉ có ông anh tôi rất cảm mến họ. Trước ngày tôi về nhà chồng, tôi lại còn nghe nói anh tôi đến nhà người ngoại quốc, và tôi rất khâm phục nết can đảm ấy của anh tôi.
Nhưng tại nhà mẹ tôi, không hề có việc giao thiệp với người ngoại quốc. Thảng hoặc con hầu ra phố mua sắm vật dụng trở về ngơ ngác cho biết có thấy một ngoại kiều đi ngoài đường. Thiên hạ kể lại những chuyện lạ lùng về màu da, màu mắt của con người ấy. Tôi cũng tò mò ngồi nghe như vú Vương kể chuyện ma quỉ thời xưa vậy. Thật ra những chuyện bọn nô tỳ xầm xì với nhau toàn là chuyện tà ma quỉ quái. Hạng người man ri ấy có phép đoạt hồn người ta bằng một cái mấy nhỏ đựng trong một cái hộp màu đen như mực. Chúng nhìn vào một con mắt của cái máy, cái máy bấm "cắc" một cái là lập tức người bị nhìn nọ cảm thấy nhoi nhói trong ngực. Chẳng bao lâu sau, người nọ không chết vì bạo bệnh cũng chết vì tai nạn.
Khi tôi thuật lại những chuỵên ấy cho chồng tôi nghe, chồng tôi phì cười, nói:
"Vật làm sao tôi ở xứ họ những mười hai măn, vẫn sống nhăn về đây?"
Tôi đáp:
"Mình là nhà thông thái, mình học được phép thuật của họ."
Chồng tôi tiếp:
"Thì em cứ đến tận nhà cho biết họ ra sao. Họ cũng là người như mình vậy."
Thế là ngày hôm ấy vợ chồng tôi bước vào một vườn hoa có cỏ, cây lớn và hoa. Tôi ngạc nhiên thấy vườn hoa rất đẹp và phương Tây cũng thích thiên nhiên. Tất nhiện, nhà không có sân trước, sân sau, không có hồ cá vàng, cây cối trồng loạn xạ và hoa nở bất thường. Thú thực rằng khi vợ chồng tôi bước đến cửa vào nhà, tôi muốn bỏ trốn đi ra, nếu không có chồng tôi đứng ở bên.
Đột nhiên cánh cửa mở vào bên trong và một ngoại kiều to lớn như hộ pháp đứng sừng sững trước mặt chúng tôi với nụ cười rộng nở trên khuôn mặt xấu xí. Bằng vào y phục người ấy mặc giống như y phục chồng tôi, tôi biết ngừơi ấy là đàn ông. Nhưng tôi hoảng sợ nhận ra rằng thay vì mái tóc mướt đen như mọi người, đầu ông ta phủ một lớp len đỏ xù lên. Đôi mắt ông ta giống như hai hòn sỏi nhẵn ngoài biển, và mũi cao nghệu như núi chính giữa khuôn mặt ông ta. Chu choa! Nhìn thấy ghê quá. Trông còn khiếp hơn ông Ác trước cửa chùa nữa.
Chồng tôi là người can đảm. Chàng chẳng nao núng chút nào trước mặt người ấy, và chàng chìa bàn tay ra. Người ngoại kiều siết tay chàng, lắc lắc từ trên xuống dưới. Chồng tôi chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả, chàng quay lại giới thiệu tôi. Người ngạoi kiều ngoác miệng ra cười với tôi và toan cầm tay tôi nữa. Tôi thấy bàn tay ông ta duỗi ra, to sầm sầm, xương xẩu, với lớp lông đỏ và những chấm tàn nhang. Thớ thịt trong người tôi se lại. Tôi thu bàn tay vào trong tay áo và nghiêng mình thi lễ. Ông ta cười toạc cái miệng ra lần nữa và mới chúng tôi vào nhà.
Chúng tôi bước vào một phòng tiền sảnh như nhà chúng tôi, rồi vào trong một phòng khác nữa. Một người ngồi gần cửa sổ. Tôi đoán ngay đó là người đàn bà ngoại quốc. Thay vì mặc quần, bà ta mặc tấm áo dài bằng vải thắt eo ở giữa lưng. Tóc bà ta ít xấu hơn tóc người chồng, vì mướt hơn, mặc dầu vẫn hoe hoe vàng khó chịu. Mũi bà ta to tướng, nhưng thẳng, hai bàn tay to, móng tay hớt ngắn và vuông. Tôi nhìn bàn chân bà ta. Bàn chân dài như cái đòn đập lúa. Tôi nghĩ thầm: "Cha mẹ như vậy thì lũ tiểu quỉ sẽ như thế nào?"
Tuy nhiên tôi phải thú nhận rằng mấy người ngoại quốc này rất lễ phép. Họ cũng phạm ít nhiều lỗi lầm như mời uống trà có một tay và thường mời tôi trứơc khi mời chồng tôi. Người đàn ông ngoại kiều lại nói chuyện thẳng với tôi nữa! Tôi cảm thấy rõ sự thất lễ của ông ta. Đáng lẽ ông ta phải coi tôi như không có ở đó, và để cho bà vợ ông ta nói chuyện với tôi mới phải phép. Tôi nghĩ không nên trách họ về chuyện đó được. Tuy nhiên theo lời chồng tôi thì họ đã ở đây từ mười hai măn nay, tất họ đã có đủ thì giờ học được ít nhiều thói tục của chúng tôi mới phải. Riêng chị, chị vẫn sống ở đây xưa nay nên giờ đây chị cũng chẳng khác gì đồng bào chúng tôi vậy.
Nhưng buổi thăm viếng trở nên lý thú nấht khi chồng tôi yêu cầu bà ngoại kiều nọ cho tôi được thấy mặt lũ con bà ta cùng cách ăn mặc của chúng. Chàng giải thích rằng chúng tôi sắp có con và chàng muốn tôi đựơc thấy thói tục phương Tây. Bà ngoại kiều liền đứng dậy mời tôi cùng đi lên lầu với bà ta. Tôi đưa mắt nhìn chồng tôi nhờ từ chối giùm, nhưng chồng tôi ra dấu bảo tôi đi theo bà ta.
Tuy nhiên khi đến lầu trên, tôi không còn sợ nữa. Bà ta dẫn tôi đến một căn phòng chan hoà ánh sáng mặt trời và có lò sưởi. Có điều lạ là đã đốt lò sưởi ấm, bà ta vẫn mở hé cửa sổ cho gió lạnh lùa vào không dứt. Thoạt tiên tôi không nhận ra những chi tiết ấy vì tôi còn mê mải với ba đứa trẻ con ngoại quốc chơi đùa trên nền nhà. Tôi chưa hề thấy đứa bé nào ngộ nghĩnh như chúng bao giờ.
Chúng mập mạp, khoẻ mạnh, tóc trắng. Điều đó xác nhận lời đồn đại tôi đã từng được nghe: người ngoại quốc có bản chất ngược lại chúng tôi, họ sanh ra với mái tóc trắng cứ đậm dần lên khi họ già đi. Da họ cũng trắng. Tôi cứ nghĩ da trắng như vậy là nhờ tẩm thuốc, nhưng mẹ chúng chỉ cho tôi thấy cái phòng mỗi ngày chúng tắm ở đó. Thành ra tôi được hiểu rằng vì họ tắm rửa nhiều như vậy nên da họ trắng.
Bà ta cũng cho tôi thấy quần áo của lũ trẻ. Quần áo lót đều màu trắng, đứa hài nhi thì mặc đồ trắng từ đầu đến chân. Tôi hỏi mẹ đứa bé xem có phải nó đang để tang người nào trong thân tộc chăng, vì màu trắng là màu tang khó; nhưng bà ta đáp không phải vậy, sở dĩ mặc quần áo trắng là để giữ cho đứa bé luôn sạch sẽ. Tôi lại thấy mặc quần áo sậm màu ít thấy dơ hơn. Nhưng tôi chỉ đưa mắt quan sát mà thôi, không nói năng gì cả.
Đoạn tôi thấy giường lũ trẻ cũng toàn màu trắng. Tôi không hiểu sao người ta lại thích cái màu chết chóc thê lương ấy đến thế được. Trẻ con thì phải mặc màu sắc tươi vui, như đỏ, vàng hoặc xanh lam mới phải. Chúng tôi mặc cho hài nhi toàn màu đỏ vì chúng ra đời là đem niềm vui đến cho chúng tôi. Nhưng cách ăn ở của mấy người ngoại quốc này chẳng có gì hợp với thiên nhiên cả.
Tôi khám phá ra một điều lạ là người đàn bà ngoại kiều nọ nuôi con bằng sữa mẹ. Tôi không nghĩ đến việc cho con bú sữa tôi sau này. Đàn bà thuộc hàng vọng tộc hoặc khá giả không nuôi con bằng sữa mẹ. Đã có bọn gia nô làm vú nuôi dùm.
Về đến nhà, tôi kể lại hết cho chồng tôi nghe và nói:
" Bà ta cho con bú sữa mẹ, bộ gia đình nhà ấy nghèo lắm sao?"
Chồng tôi đáp:
" Nuôi con bằng sữa mẹ tốt lắm. Em cũng cho con bú sữa em."
Tôi ngạc nhiên:
"Sao lạ vậy?"
Chồng tôi đáp:
"Chứ sao."
Tôi cãi lại:
"Như vậy phải hai năm nữa em mới có đứa con kế?"
Chồng tôi nói:
"Như vậy mới tốt, tuy cái lý em viện ra không được đúng."
Có lẽ điều này nữa chồng tôi cũng nói đúng. Tuy nhiên vì nhiều gia đình sinh con ra không nuôi được đến lớn, một số khác lại là con gái; nếu tôi sanh thưa như vậy, tôi sẽ không có đầy con trai như lòng tôi mong muốn. Lúc nào tôi cũng thấy chồng tôi lạ đời kỳ quặc, chị có thấy tôi kỳ quặc không, hả chị?

*

Hôm sau, tôi đến nhà bà Liêu, thuật lại cho bà ta nghe việc đi thăm nhà vợ chồng ngoại kiều nọ. Cầu trời khấn Phật cho tôi có được đứa con như lũ con bà Liêu, đứa nào đứa nấy cao ráo, hồng hào, mắt sáng rực trong lớp quần áo màu đỏ. Tôi nhìn lũ trẻ, khoan khoái nói:
"Chị vẫn giữ phong tục cũ."
Bà Liêu kéo đứa con trai lớn đến bên chúng tôi, nói:
"Có cái giữ, có cái không. Chị xem đây, tôi cho cháu mặc áo lót màu trắng bên trong để dễ thay ra giặt. Ta chỉ theo cái gì tốt của người ngoại quốc mà thôi, cái gì không thích hợp với ta thì ta loại bỏ."
Từ giã bà Liêu, tôi đến một tiệm bán vải. Tôi mua lụa đỏ, lụa hồng thứ mềm nhất, nhung đen để may áo choàng ngoài không tay và xa tanh để làm nón. Thật là khó lựa chọn, vì tôi muốn lựa thứ thật tốt cho tôi. Tôi bảo người bán vải cho tôi xem những thứ lụa khác gói kỹ trong giấy để riêng trên kệ cao gần trần nhà. Ông ta già tồi, hơi thở mệt nhọc. Ông cằn nhằn khi tôi bảo: "Cho tôi xem thứ khác. Tôi muốn loại lụa thêu hoa đào."
Tôi nghe ông ta càu nhàu về cái thói làm đỏm làm dáng của đàn bà, tôi liền nói: "Tôi không mua cho tôi, mà cho con tôi."
Ông ta cười gằn, đem ra cho tôi thứ lụa tốt nhất ông ta giấu kỹ nảy giờ. Ông ta nói: "Đây, bà lấy đi. Tôi để dành cho phu nhân quan Án sát đó. Nhưng nếu bà mua cho con trai bà thì bà cứ lấy đi. Phu nhân Án sát cũng là nữ sanh ngoại tộc!"
Đúng thứ lụa tôi tìm. Tôi mua ngay, không kỳ kèo giá cả, tuy tôi biết chắc ông lão bán hàng khôn quỷ kia thấy tôi hăm hở muốn mua thì thế nào ông ta cũng bán mắc cho tôi. Tôi ôm mớ lụa về nhà mà nói thầm: "Tối nay mình đem ra cắt áo ngắn quần cụt cho con. Mình thân cắt lấy, may lấy, không cho ai khác sờ vào áo quần con mình."
Chao ôi! Tôi sung sướng quá, ước sức tôi dám thức suốt đêm này may quần áo cho con trai tôi! Tôi đã may giày vải cho con tôi rồi. Tôi đã mua vòng bạc đeo vào chân cho nó rồi.